Chủ Nhật 24/11/2024 -- 24/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 17.Rốt ráo vô ngã

 

 

CHÁNH VĂN:

17. RỐT RÁO VÔ NGÃ:

Bấy giờ Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, kẻ thiện nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, làm sao nên trụ? Làm sao hàng phục tâm mình?

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Người thiện nam, kẻ thiện nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác phải sanh tâm như vầy: “Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi, mà không có một chúng sanh thật diệt độ”. Tại sao? Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ắt chẳng phải Bồ Tát. Vì cớ sao? Tu Bồ Đề! Thật không có pháp phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có pháp được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng?

- Bạch Thế Tôn, không được. Theo chỗ con hiểu về nghĩa Phật đã nói, thì Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có pháp được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Phật bảo:

- Đúng thế! Đúng thế! Tu Bồ Đề! Thật không có pháp Như Lai được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề! Nếu có pháp Như Lai được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật Nhiên Đăng ắt chẳng thọ ký cho ta: “Ông ở đời sau sẽ làm Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni.” Do thật không có pháp được Vô Thượng Chánh Đẳng Cháng Giác, vì vậy Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta, nói lời thế này: “Ông về sau sẽ làm Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni”. Tạo sao? Như Lai, tức nghĩa Như của các pháp. Nếu có người nói, Như Lai được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề, thật không có pháp Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh. Tu Bồ Đề! Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh mà Như Lai đã được, trong đó không thật không hư. Vì vậy, Như Lai nói: tất cả pháp đều là Phật pháp. Tu Bồ Đề! Nói tất cả pháp đó, tức chẳng phải tất cả pháp, thế nên gọi tất cả pháp. Tu Bồ Đề! Ví như thân người cao lớn.

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người cao lớn, tức chẳng phải thân lớn, đó gọi là thân lớn.

- Này Tu Bồ Đề! Bồ tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: “Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh”, ắt chẳng gọi là Bồ Tát. Tại sao? Tu Bồ Đề! Thật không có pháp gọi là Bồ Tát. Thế nên Phật nói tất cả pháp không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.

- Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát nói lời thế này. “Ta sẽ trang nghiêm cõi Phật”, chẳng gọi đó là Bồ Tát. Tại sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải trang nghiêm, gọi đó là trang nghiêm. Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai nói đó, thật là Bồ Tát.

GIẢNG:

Từ trước đến đây Phật đã lần lượt phá hai chấp NGÃ – PHÁP, không bốn tướng, pháp còn nên bỏ huống nữa phi pháp… Đó là phá chấp ngã pháp về phần thô, thuộc tâm duyên cảnh sanh khởi phân biệt, nên nói là “lìa tất cả tướng”, trừ cảnh giới phân biệt bên ngoài.

Đến đây là phá NGÃ PHÁP vi tế trong tâm niệm. Bởi Chấp Ngã pháp có 2: một là phân biệt ngã pháp, hai là câu sanh ngã pháp, tức chủng tử sâu dày, vừa động niệm đã có nó cùng theo.

Trong phần này có mấy điểm:

  1. Phá cái thấy có ta an trụ, ta hàng phục.
  2. Phá cái thấy thật có Bồ tát ở chỗ Phật Nhiên Đăng hành Bồ Tát hạnh được thọ ký.
  3. Phá cái thấy về Phật pháp.
  4. Phá cái thấy về người độ sanh và trang nghiêm tịnh độ.

Trước tiên Tu Bồ Đề hỏi lại hai câu hỏi trước:

“Bấy giờ Tu Bồ Đề bạch Phật: …làm sao nên trụ? Làm sao hàng phục tâm mình?”.

Như vậy có trùng lặp hay không? Lời tuy đồng mà ý sâu hơn. Trước là hỏi cho người chưa phát tâm, đây là hỏi cho người đã phát tâm. Trước là để dứt sạch các cảnh duyên, đây là sạch luôn trí quán. Do đó, ở trước đả phá tình chấp phân biệt nơi các tướng để hiển bày chân trí. Đến đây, khiến chân trí cũng quên, thầm hợp lý thể mà bặt cả Lý và Trí, chỉ còn thật tướng hiện tiền.

Chú ý lời hỏi! Câu hỏi này, ở trước nói theo bản xưa là: “Nên làm sao trụ? Làm sao hàng phục tâm mình?”.

Bản đời Tùy là: “Bạch Thế Tôn! Thế nào Bồ Tát ở trong đại thừa phát tâm Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên làm sao trụ? Làm sao tu hành? Làm sao hàng phục tâm mình?”.

Đến đoạn này, bản đời Tùy: “Thế nào Bồ Tát phát tâm Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác (không có câu “ở trong đại thừa”) làm sao trụ? Làm sao tu hành? Làm sao hàng phục tâm mình?”. Có thêm câu “Làm sao tu hành”

Trước hỏi “Nên làm sao trụ?”, đây thì: “Làm sao nên trụ?”, đó là điểm cần chú ý! Ý ở trước là muốn hỏi: Nên làm thế nào để cho tâm được an trụ trở lại, vì lâu nay nó lang thang. Ý ở đây là, làm thế nào nên khiến nó luôn an trụ như vậy, không còn chạy đi nữa? Rõ ràng ý đã sâu hơn rồi!.

Kế, chú ý lời đáp! Ở trước chỉ đáp: “Nên như vầy trụ, như vầy hàng phục tâm đó”. Đây thì đáp quả quyết: “Phải sanh tâm như vầy…”. Tức là phải thực sống như vậy, thì mới luôn được an trụ, không còn chạy lang thang nữa.

Và lời đáp tiếp: “Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi, mà không có một chúng sanh thật diệt độ”.

Độ tất cả rồi, tức là đã đi vào thực hành, thể nghiệm chứ không phải chỉ trên hiểu ngộ thôi. Kế đến, “không có một chúng sanh nào thật diệt độ”, là thấy đến tột cùng không có đến “chỉ một bóng dáng” thật được diệt độ. Vì sao? Bởi chúng sanh xưa nay vốn tự thể là Phật rồi, có gì để độ? Thứ hai, niệm niệm, tự thể vốn tịch diệt, niết bàn, đâu còn vào niết bàn nữa. Sơ Tổ đã bảo Nhị Tổ: - Đem tâm ra ta an cho! Nhị Tổ tìm tâm không thể được, thưa: - Con tìm tâm không thể được. Sơ Tổ bảo: - Ta đã an tâm cho ông rồi! An mà không có cái gì để an, vốn tự an rồi! Nếu còn thấy có một chúng sanh thật được diệt độ, tức thấy có một niệm thật, đó là vi tế ngã kiến vẫn còn. Cho đến, còn thấy có Ngã độ Ngã, vẫn chưa hết dấu vết Ngã chấp. Phải thật sạch hết không còn thấy có một niệm thật sanh, thật diệt, mới thật sự độ tận! Do đó, còn thấy có một NIỆM thật diệt, hay một chúng sanh diệt độ, tức chưa ngộ suốt tự tánh, là Bát nhã chưa tột, nên nói: “chẳng phải Bồ Tát”. Bởi vì đó là còn có niệm sanh diệt chưa quên.

Xuyên Công có nói:

Trước mắt chỉ ra muôn việc có.

Ta nói trong ấy một cũng không.

Đến trong ấy thì,

Sanh từ vật khác mà sanh,

Già cũng từ vật khác mà già.

Bệnh cũng từ vật khác mà bệnh,

Chết cũng từ vật khác mà chết.

Nếu người đã về đến nhà,

Thì không có sanh và tử.

Nghĩa là đã triệt ngộ tự tánh, thì quên niệm sanh diệt, sanh diệt chỉ là giả tướng. Đã không có niệm hay chúng sanh được diệt độ, thì cái gì hay diệt độ? Cho nên ngay đó TRÍ CHIẾU SOI liền quên, bặt cả trí và niệm, thì thật tướng luôn hiện tiền. Yếu chỉ Kim Cang Bát Nhã là đó!.

Song, đã không thật có chúng sanh diệt độ, vậy phát tâm bồ đề để làm gì? Do đó giải thích: “Vì cớ sao?”. Bởi, tìm lại thật kỹ, quả thực không có pháp phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì sao? Vì y cứ nghĩa Bồ Tát, tức Hữu tình giác. Nghĩa là một hữu tình có tính giác ngộ rồi, thì còn có một pháp THẬT gì nữa để phát tâm giác ngộ thêm? Có cái gì nữa để phát tâm, tức thuộc bên ngoài rồi! Những cái đó đều là phương tiện đánh thức người trở lại thôi. Dù là pháp lục độ của Bồ Tát, song Bồ Tát cũng đâu phải do tu lục độ mà có được bồ đề! Thể bồ đề là vốn sẵn nơi tự tâm chúng sanh, phương tiện mà nói phát tâm, phát bồ đề vậy thôi. Do đó, đã phát tâm rồi, liền quên pháp phát tâm. Đó là phá cái niệm về bồ đề của Bồ Tát. Ngài Hoàng Bá có dạy: “- Biết rõ tất cả chúng sanh vốn là bồ đề, không lẽ lại được bồ đề. Nay ông nghe nói phát tâm bồ đề, bèn cho là có một tâm học làm Phật, chỉ nghĩ làm Phật, dù ông tu ba a tăng kỳ kiếp cũng chỉ là Phật báo thân, hoá thân, cùng Phật chân tánh bản nguyên của ông có gì dính dáng?”

Như vậy, là đã rõ, không thật riêng có pháp để phát tâm. Bồ đề cũng chính ngay tự tâm.

Kế là Phật phá cái chấp về bồ đề của Phật: “Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có pháp được Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?”

- Bạch Thế Tôn, không được. Theo chỗ con hiểu về nghĩa Phật đã nói, thì Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có pháp được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bởi ở trên đã nói, không thật có pháp phát tâm Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác, vậy Thế Tôn ở chỗ Phật Nhiên Đăng phát tâm cúng dường, trải tóc lót bùn, được thọ ký, là có được bồ đề chăng? Vì phát tâm là nhân, được bồ đề là quả, nhân đã không, quả làm sao có?

Phần trước là trừ tướng phân biệt bồ đề. Đây là gạn lại để trừ sạch dấu vết còn đọng lại trong tâm niệm. Phật không trả lời thẳng, mà Ngài gạn hỏi để Tu Bồ Đề trả lời. Tức là khiến người tự cảm nhận, thầm thông với Phật. Tu Bồ Đề đáp xác quyết không nghi “không thể”, và đáp khéo “Theo chỗ con hiểu về nghĩa Phật đã nói”, ý chỉ đây là chỗ tự chứng, không phải người ngoài hiểu được. Đó là ngừa người dùng tâm suy luận mà xuyên tạc.

Phật xác nhận “Đúng thế! Đúng thế!”. Tức là đã hợp với ý Phật, chỗ thấy đó với Phật không hai. Chính tự Phật xác nhận rõ “Thật không có pháp Như Lai được Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Do đó Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho Ngài về sau sẽ thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni. Bởi Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác vốn không thuộc nhân quả sanh diệt, mà chính là Trí giác sẵn có của mỗi chúng sanh. Mê thì tạm mất, Ngộ chẳng phải mới có. Cho nên quả là không thật có một cái gì khác để được. Thấy được “chỗ không được” đó, mới gọi thọ ký.

Nhưng, tại sao Phật Nhiên Đăng không ngay đó trao cho đi, lại huyền ký lâu xa về sau này mới thành, và thành với một cái hiệu? Đó là ngầm ý gì? Để rõ, THÍCH CA MÂU NI cũng là một cái tên, nếu chấp cái tên đó cho là Phật, là lầm! Bởi thành đó, là thành cái sẵn có đây thôi, không có gì thật được để trao cho. Nếu quả có thật được, tức ngay đây đem trao cho rồi. Do đó, thọ ký về sau cũng là một ý sâu, ngầm chỉ đây là lời phương tiện. Người chứng nghiệm thì tự cảm nhận rõ, nên dù Phật Nhiên Đăng không thọ ký ngay đó, Phật Thích Ca vẫn hoan hỷ. Bởi thấy rõ mình sẵn có, công tròn quả đầy thì hiển bày trọn vẹn vậy thôi. Ngay đó đã nhận có đủ rồi! Ngài Hoàng Bá từng nói: “- Giả sử người tinh tấn tu hành trải qua ba vô số kiếp, qua các địa vị, cùng với người do một niệm chứng được, chỉ là chứng cái SẴN CÓ, kỳ thật trên Phật của mình không có thêm được một cái gì. Xem lại công dụng nhiều kiếp thảy đều là việc làm trong mộng”. Cho thấy rõ ràng, Phật, Tổ đều thấy như nhau, người thật tỏ ngộ phải thấy đến như thế, mới hợp cùng Phật Tổ.

Tiếp theo, Phật gạn lại để hiển bày rõ thêm: “Tại sao? Như Lai tức nghĩa NHƯ của các pháp” vì Như Lai là nghĩa Như của các pháp. Đây là dứt niệm hai bên có không. Nếu nghe nói không được, liền chấp cho là hoàn toàn không có pháp thọ ký, cũng lầm! Như vậy tức cũng không được thọ ký. Cần rõ, sở dĩ nói không được đó, vì “Như Lai là nghĩa NHƯ của các pháp”, NHƯ thì làm sao được mất? Có được mất là hết “Như” rồi!  Song, làm sao rõ được nghĩa Như? Tức ngay các pháp hiện tiền đây, thấy biết tất cả, mà không khởi niệm phân biệt, không thêm bớt trong đó, thì ngay đó là gì? Tức Như Lai hiện tiền thôi, có gì được mất!

Bởi vậy, vừa có niệm khởi, tức có sanh diệt, có lăng xăng lấy bỏ, dời đổi, trái Như. Lìa niệm phân biệt thì pháp pháp đều như, không phải một bề không còn gì. Trái lại, đến đây thì: Núi sông là núi sông!

Như Thiền sư Duy Tín từng nói: “Sãi tôi trước 30 năm thấy núi là núi, nước là nước. Sau khi được thiện tri thức chỉ dạy, thấy núi chẳng phải núi, nước chẳng phải nước. Sau khi được chỗ an ổn, thấy núi là núi, nước là nước”.

Nghĩa là còn mê thì thấy gì cũng thật, nên dính mắc đủ thứ, mang đầy phiền não. Hiểu đạo thì lìa bỏ những chấp trước đó, nên thấy ngược lại lúc xưa. Khi sạch hết tình chấp rồi, thì mặc tình thấy, biết tất cả như xưa, nhưng không lầm như xưa, mới thật tự tại.

Ông Tô Đông Pha cũng có bài tụng:

Lô sơn yên toả Chiết giang triều,

Vị đáo bình sanh hận bất tiêu.

Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự,

Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều.

* * *

Khói phủ non Lô sóng Chiết giang,

Ngày nào chưa đến hận còn mang.

Đến rồi hoá lại không gì khác,

Khói phủ non Lô sóng Chiết giang.

Khi chưa ngộ, tưởng tượng đủ thứ về cái ấy. Ngộ rồi, chính cái hàng ngày đang sống mà tự bỏ quên, không thêm bớt gì khác. Vậy muốn thấy Như Lai đâu có khó? Chỉ cần trả lại các pháp trở về nguyên vị của nó, như nó là nó, đừng thêm bớt gì trong đó, đừng xen cái “Tôi” vào. Chính ngay đó “Toàn thể Như Lai sờ sờ đấy”!

Đó là phá cái thấy lầm về bồ tát được thọ ký.

Kế đây, là phá cái thấy về Phật pháp. Đã là Bồ Tát không có pháp phát tâm bồ đề, Phật không có pháp thật được, vậy Phật pháp có hay không? Nên Phât bảo: “- Nếu có người nói, Như Lai được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề, thật không có pháp Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh. Tu Bồ Đề! Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh mà Như Lai đã được, trong đó không thật không hư. Vì vậy, Như Lai nói: tất cả pháp đều là Phật pháp.”

Cần chú ý: Phật mà được Vô Thượng bồ đề sao? Phật có từng mê chăng? Nếu có mê, sao gọi là Phật? Đã chưa từng mê, còn được  bồ đề gì nữa? Cho nên một hôm Quốc sư Huệ Trung hỏi quan cung phụng Tử Lân:

- Phật nghĩa là gì?

Ông đáp: - Là nghĩa giác.

Hỏi:  - Phật từng mê chăng?

Đáp: - Chẳng từng mê.

Hỏi:  - Dùng Giác để làm gì?

Ông không đáp được.

Bởi hiểu Phật theo danh từ chữ nghĩa, mắc kẹt giữa mê giác, nên không suốt được nghĩa thật. Đã là Phật rồi, còn giác gì nữa? Phật mà giác Phật nữa, là đầu thêm đầu rồi!

Nhưng ở đây, Phật nói rõ thêm: “Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác mà Như Lai đã được, trong đó không thật không hư”.

Ở đoạn trước chỉ nói là “pháp Như Lai đã được”, đây nói thẳng: “Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác Như Lai đã được”, như vậy không phải phủ nhận hoàn toàn. Nếu lầm theo ngôn ngữ, nghe nói chẳng được, liền cho là không có, đó là kẹt một bên. Đây Phật nói rõ “trong đó” không thật không hư. Trong đó là trong đâu? Đó là chỗ không thể chỉ. Chính người đã thực sống trong đây, liền rõ nó là không thật không hư, tức không kẹt Có Không, không cho tình thức bám vào! Đây là trừ tâm lấy bỏ hai bên, ngay đó thẳng vào thôi!.

Phật kết lại: “Vì vậy Như Lai nói, tất cả pháp đều là Phật pháp”

Tất cả pháp đều là Phật pháp, vậy lấy cái gì? Bỏ cái gì? Thường mọi người cứ tưởng Phật pháp là cái gì kỳ đặc, cao vòi vọi ngoài tầm tay mình, không ngờ là cái rất đơn giản, bình thường ngay sát bên chúng ta. Bởi cứ cầu được một cái gì khác thường nên khó thấy.

Như Thị giả của thiền sư Điểu Khòa tên Hội Thông, ở với thầy thời gian, một hôm từ giã đi, Sư hỏi: - Ông định đi đâu?

Thị giả thưa: - Hội Thông vì pháp xuất gia, Hòa thượng chẳng từ bi chỉ dạy, nay đi các nơi khác học Phật pháp.

Sư bảo: - Nếu là Phật pháp, ta trong đây cũng có chút ít.

Thị giả thưa: - Thế nào là Phật pháp của Hòa thượng?

Sư liền bứt sợi lông vải trên người đưa lên thổi, Hội Thông liền tỉnh ngộ.

Vậy Phật pháp ở đâu? Ngay khi đưa sợi lông lên thổi, cái gì thổi? Cái gì thấy? Nếu không có ánh sáng tự tâm, cái gì làm được chuyện đó? Cho nên ngay chỗ sống hàng ngày đầy đủ tất cả, chỉ người tự mê thôi. Bởi mê, cứ lo đi tìm cái khác.

Có vị tăng hỏi Ngài Mục Châu:

- Suốt ngày mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi mặc áo ăn cơm ?

Mục Châu đáp:

- Ăn cơm mặc áo.

Tăng thưa:

- Con chẳng lãnh hội.

Mục Châu bảo:

- Chẳng hội thì mặc áo ăn cơm.

Đơn giản, ngay trước mắt đây, không khởi cái thấy điên đảo có không, đoạn thường, đây kia, thì tất cả pháp đều là Phật pháp, còn gì mà nói được mất?.

Như vậy, nghĩa không pháp Bồ Tát phát tâm, không pháp Phật được bồ đề đã rất rõ ràng sáng tỏ.

“Vì vậy, Như Lai nói, tất cả pháp đều là Phật pháp”, chính câu này thấy cho tột, tức dứt bặt mọi thứ điên đảo tưởng. Đều là Phật pháp hết, thì cái gì lấy, cái gì bỏ, cái gì chân, cái gì vọng, cái gì phải, cái gì quấy?

Rõ ràng đâu đâu chẳng có ánh sáng giác ngộ? Còn chạy tìm cái gì? Cho nên nói: trước mắt lầm qua, rất tự đáng thương!

Có người hỏi Ngài Hoàng Bá:

- Nay chính khi ngộ, Phật ở chỗ nào?

Sư đáp:

- Hỏi từ đâu đến? Biết từ đâu khởi?

Nói nín, động tịnh, tất cả thinh sắc đều là Phật sự, chỗ nào lại tìm Phật? Không thể trên đầu lại thêm đầu, trên mỏ lại thêm mỏ. Chỉ chớ sanh kiến chấp khác, thì núi là núi, nước là nước, tăng là tăng, tục là tục, núi sông quả đất, mặt trời mặt trăng, ngôi sao, thảy đều không ngoài tâm ông. Ba ngàn thế giới trọn là tự thể của ông, chỗ nào có nhiều thứ? Ngoài tâm không pháp, khắp thấy núi xanh, hư không, thế giới rõ ràng mà không có bằng mảy tơ sợi tóc cho ông sanh hiểu biết. Nên nói: “Tất cả thinh sắc là mắt tuệ của Phật”.

Nhà Thiền gọi: “Chạm mắt là bồ đề”. Tâm đã bặt niệm phân biệt điên đảo thì thấy cái gì cũng từ ánh sáng giác ngộ mà thấy, nên cái gì cũng sáng ngời không mê, vậy cái gì không phải Phật pháp?

Do đó, Thiền sư Thiền Lão nói:

Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

* * *

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,

Trăng trong mây bạc lộ toàn chân.

Tâm thanh tịnh sáng ngời thì thấy cái gì cũng sáng ngời, đâu đâu cũng hiển bày thể chân thật đó! Thấy đến đây thì không lúc nào vắng mặt ông chủ!

Cho nên, cuối cùng không phải là phá hoại hết tất cả pháp. Song muốn qua chỗ này, phải thấu qua ở trước là: “Lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật”, chính lìa tất cả các tướng đó, mới thấy tất cả đều là Phật pháp, đều sáng ngời không mê. Nếu còn trụ một tướng, tướng đó tức là tướng chúng sanh rồi!

Vì vậy tiếp theo, Phật liền phá: “Tu Bồ Đề! Nói tất cả pháp đó, tức chẳng phải tất cả pháp, thế nên gọi tất cả pháp”.

Vừa nói đến “tất cả pháp” đều là Phật pháp, Phật liền sợ người chấp vào tất cả pháp, nên phá ngay, không cho bám lấy. Bởi Phật pháp không có tướng cố định, dừng lại ở một tướng gì thì trái Phật pháp!

CHÁNH VĂN:

- Này Tu Bồ Đề! Ví như thân người cao lớn.

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người cao lớn, tức chẳng phải thân lớn, đó gọi là thân lớn.

- Này Tu Bồ Đề! Bồ tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: “Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh”, ắt chẳng gọi là Bồ Tát. Tại sao? Tu Bồ Đề! Thật không có pháp gọi là Bồ Tát. Thế nên Phật nói tất cả pháp không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.

- Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát nói lời thế này. “Ta sẽ trang nghiêm cõi Phật, chẳng gọi đó là Bồ Tát. Tại sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải trang nghiêm, gọi đó là trang nghiêm. Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai nói đó, thật là Bồ Tát.

GIẢNG:

- Này Tu Bồ Đề ví như thân người cao lớn. Ngài Tu Bồ Đề thưa: - Bạch Thế Tôn, thân người cao lớn tức chẳng phải thân lớn gọi là thân lớn.

Đây là đức Phật nói với ngài Tu Bồ Đề giống như thân người cao lớn, ngài Tu Bồ Đề nghe nói như vậy liền bạch Phật: “Như Lai nói thân người cao lớn đó, tức chẳng phải thân lớn, đó mới là thân lớn.” Như vậy là sao? Ở trên vừa mới nói “tất cả pháp đều là Phật pháp”, sau đó lại nói ngay “tất cả pháp đó tức chẳng phải pháp thế nên mới gọi là tất cả pháp”, nói tất cả pháp rồi, là phá liền không cho người bám vào tất cả pháp. Qua đó, Ngài ví dụ, ví như là thân người cao lớn, nghe nói thân người cao lớn, ngài Tu Bồ Đề hiểu ngay, ngài không đợi hỏi  lại, liền nói “thân lớn đó tức chẳng phải thân lớn”, đây là đoạn nói lên ý gì? Bởi vì ở trên nói tất cả pháp đều là Phật pháp, nghĩa là  đâu đâu cũng là Phật pháp, đây ngài nói qua về thân lớn tức là thân to lớn trùm khắp, mà thân cao lớn trùm khắp như vậy làm sao tưởng tượng nỗi ra thân đó? Cho nên nói tới đó, ngài Tu Bồ Đề hiểu ngay liền nói: “thân lớn tức chẳng phải thân lớn” đó mới gọi là thân lớn; tức ở đây muốn cho chúng ta thầm nhận ra pháp thân vô tướng nhưng đầy đủ công đức, tuy không tướng không hình nhưng tùy duyên hiện khắp tất cả chỗ, nên gọi là thân lớn, chứ không phải nói vô tướng là không có gì hết. Bởi vậy đoạn này trong bản dịch Kim Cang đời Nguỵ dịch là “thân diệu đại”, là thân lớn mà nhiệm mầu; còn bản dịch đời Lương gọi là “biến thân đại thân”, là thân lớn mà trùm khắp; vậy qua đó người nhạy bén liền hiểu thân đó là thân gì rồi! Vừa lớn, vừa nhiệm mầu, vừa trùm khắp, như vậy nếu có một tướng gì đó thì chúng ta tưởng tượng chắc nó giống cái kỳ quái gì đó; nhưng ở đây ngầm chỉ nó trùm khắp tất cả, nó có vô lượng công đức trong đó, nó vượt ngoài thân tướng tầm thường này, cho nên không diễn tả thế nào được hết, tạm dụ nó là thân to lớn nhiệm mầu. Song khi nói tới thân lớn như vậy, sợ người kẹt vào tướng lớn, thành ra ngài nói ngay thân lớn tức chẳng phải thân lớn, nghĩa là không để cho mình khởi ra một cái thấy về tướng lớn. Như vậy, khi rõ được, sống được ở trong đây thì mới cảm nhận rõ ràng tánh tướng không hai, ngay nơi tướng, chúng ta thấu suốt được tánh nó trùm khắp tất cả. Bởi vì, nếu chúng ta hiểu theo tướng thì dù cho thân lớn tới đâu đi nữa, mà có tướng lớn thì có tướng nhỏ. Như trước đã nói, nếu nó lớn bằng núi Tu di chẳng hạn, thì gọi là thân lớn; nếu có thân khác lớn hơn núi Tu di thì nó thành nhỏ rồi. Thành ra nói lớn là đối với thân nhỏ khác, nhưng đối với thân lớn hơn nó thì nó thành thân nhỏ, mà có lớn có nhỏ thì cái đó chưa thật lớn, chỉ là lớn trong đối đãi thôi. Thêm nữa, đã có tướng lớn như vậy, tức nó thuộc về duyên hợp mà thành, dù nó có lớn cách mấy đi nữa thì cũng là duyên hợp, từ những cái nhỏ nó hợp lại thành cái tướng lớn, chứ không bỗng dưng có cái tướng lớn. Bởi vậy ở trước có nói là: “Phàm sở hữu tướng giai hư vọng”, nghĩa là cái gì có tướng đều là hư vọng thôi. Hiểu vậy mới thấy được ý nghĩa sâu ở trong đó. Do đó ở đây chúng ta phải khéo ngay nơi tướng mà mình thấy được vô tướng kia thì mới là chân thật. Quả là pháp thân cũng không lìa pháp nhân duyên mà riêng có; pháp thân là vô tướng, pháp nhân duyên là có tướng, như vậy để chứng nghiệm rõ ràng là “tất cả pháp đều là Phật pháp”, Phật pháp không rời tất cả pháp, Phật pháp cũng tức thế gian pháp thành ra. Chữ “tức” là nó không rời nhau, người sáng tỏ được nghĩa này sẽ hiểu thêm nghĩa “tất cả pháp vô ngã” ở phía sau Phật sẽ nói. Phật pháp tức là thế gian pháp, đó là nó không có ngã thật, tới phần sau sẽ thấy rõ. Như vậy rõ ràng nói thân lớn, đó là một thí dụ chứ không nhơn đó khởi tưởng thấy có tướng thân lớn; nếu thấy có tướng thân lớn thì cũng bị trên cái tướng nó làm lầm, không thấy được ý của Phật muốn chỉ. Qua đó ngài mới nói tiếp: “- Bồ tát cũng như thế, nếu Bồ tát nói lời như thế này: ta sẽ diệt độ chúng sanh ắt cũng chẳng gọi là Bồ tát”. Ở trên cái thân người to lớn đó cũng không thấy có thân lớn nữa, Bồ tát cũng vậy, nếu Bồ tát mà khởi niệm ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh thì chẳng gọi là Bồ tát, bởi vì sao? Bởi vì “thật không có pháp để gọi là Bồ tát”, chỗ đó khó hiểu! Nói Bồ tát mà thật không có pháp để gọi là Bồ tát, vậy sao là Bồ tát? Tới phần này là phá cái “thấy hay độ sanh”“trang nghiêm tịnh độ”, để làm thành nghĩa tất cả pháp đều là vô ngã. Ở trước là phá từ ngã tướng, nhân tướng độ, ở đây thì phá về tri kiến, tri kiến tức là phá về cái chấp, cái thấy, cái niệm về độ sanh ngay trong tâm niệm của mình; ở trước là phá trên tướng, ở đây là phá ngay trên tâm niệm, cho nên nếu còn có tri kiến độ sanh, tri kiến trang nghiêm tịnh độ đó, thì cũng chưa thật là Bồ tát. Đây dẫn: “nếu Bồ tát mà nói lời thế này: “ta sẽ diệt độ chúng sanh”, đó là có cái tự phụ trong đó, còn có tri kiến về ngã. Cho nên ở trước phá không có chúng sanh thật độ, để mình trở về tự tánh bất sanh, rõ chúng sanh tự tánh vốn là vô sanh. Đến đây thì cái thấy biết về độ sanh cũng khiến quên luôn, bởi Bồ tát là hữu tình giác, tức một hữu tình hay là một chúng sanh giác ngộ, một chúng sanh giác ngộ, tức là chúng sanh đó có đầy đủ giác ngộ rồi, thì chúng sanh kia cũng có tánh giác vậy. Mình cũng là chúng sanh, mình giác ngộ được, thì những chúng sanh kia cũng có tánh giác, vậy thì ai độ ai? Do đó chưa quên cái thấy độ sanh, là còn có cái thấy sanh diệt: Mình phải độ người kia, tức là thấy có chúng sanh thật, có chúng sanh thật nên mới độ chúng sanh kia, độ chúng sanh kia để diệt chúng sanh đó mới là thành Phật, thành Bồ tát; vậy là cái thấy sanh diệt nó vẫn còn ở trong này, đó là cái vi tế ở trong nội tâm. Cho nên đây phá cái vi tế đó. Tức là chưa tỏ suốt được chúng sanh và Phật bình đẳng cho nên mới thấy độ. Đến đây là dứt cái niệm hai bên, còn có hai bên tức còn có thấy Bồ tát khác, chúng sanh khác; Bồ tát khác chúng sanh cho nên mới độ chúng sanh. Phải rõ suốt ngay trong tự tánh vốn là không hai, cũng đồng một thể tánh vậy thôi, như vậy thì dứt niệm hai bên, mới thấu suốt được vô ngã, chứ còn thấy chúng sanh thật, Bồ tát thật tức còn thấy có ngã. Tiếp sau Phật mới nói: “Nếu Bồ tát thông đạt pháp vô ngã thì Như Lai nói đó mới thật Bồ tát” Chỗ này, cái nhân vô ngã thì dễ thấy, còn pháp vô ngã làm sao hiểu đây? Nhân là người, người mà không có ngã, không có ta thì còn dễ hiểu, còn pháp mà không có tôi thì làm sao? Thí dụ cái bàn mà không có cái tôi thì hiểu sao? Ngã ở đây chỉ cho không có cái “thể cố định”, bởi vì ngã là cố định, là thường như vậy, người vốn không thật có cái tôi, tức có cái cố định ở trong này, cái thường nhất bất biến, thì pháp cũng vậy, nó không có cái thể cố định, cho nên nói vô ngã. Như chúng sanh cũng không cố định là chúng sanh, Bồ tát cũng không cố định là Bồ tát, Phật cũng không cố định là Phật, quý vị dám thấy như vậy không? Đây là điểm đặc biệt trong Phật pháp, nếu mà không nhờ Kim Cang Bát nhã thì khó thấu nỗi chỗ này, bởi vì sao? Nếu chúng sanh mà cố định là chúng sanh thì không thể tu hành gì được, phải không? Chúng sanh mà cố định chúng sanh thì không thể chuyển chúng sanh thành Bồ tát, bởi nó cố định như vậy rồi; cũng như Bồ tát mà cố định là Bồ tát thì không thể chuyển thành Phật; hoặc không thể có chúng sanh chuyển lên thành Bồ tát được, bởi vì Bồ tát là cố định sẵn rồi. Thành ra mình là chúng sanh thì vẫn là chúng sanh mãi, không mong gì là Bồ tát được, rồi Bồ tát cũng không mong gì thành Phật được. Hiểu như vậy rất là nguy hiểm! Nếu mà sẵn như vậy rồi thì không còn cách gì để tu hành nữa, có tu cách mấy cũng vậy thôi, như vậy là chận đứng con đường chuyển hoá của người; Ví dụ như nói định mệnh, là con người có định mệnh đó rồi thì hết chuyển phải không? Đó cũng là cái thấy về chấp ngã. Trái lại, ở đây chúng ta phải hiểu rõ mọi pháp đều do nhân duyên, cho nên chúng sanh sở dĩ là chúng sanh, là do mê tánh giác, là do nhân duyên mê tánh giác tức làm chúng sanh, nếu mà ngộ tánh giác thì chuyển chúng sanh thành Bồ tát, thành Phật. Như vậy mới có tu, mới có chuyển hoá, mới có tiến lên, không ai có mặc cảm hết. Đó là nói theo danh từ chuyên môn, nếu nói theo lý, thì chúng sanh là chỉ cho “niệm mê”, Bồ tát là “niệm giác”; khi còn mê thì thấy có cái giác để giác cái mê, còn khi đã giác rồi, mê hết thì đồng một thể chân thật đó, vậy giác là giác cái gì? Nếu như còn thấy có cái giác để giác cái mê thì sao? Tức là còn “có cái mê” để giác, vậy thì rõ ràng chưa hết mê! Cho nên còn thấy có mình giác, vậy giác là giác cái gì? Đâu thể giác khơi khơi, giác tức là giác cái mê, có mê để giác, thì còn dấu vết cái mê chưa hết, đó là chỗ vi tế phải thấy! Bởi vậy, một niệm “mê- giác” này mà chưa thấu triệt, thì chạy đầu này, đầu kia mãi, không vướng đầu này cũng mắc đầu kia, luôn luôn mắc kẹt hai đầu thôi. Do đó phải quên cái niệm mê giác này, vượt qua hai đầu, thì mới gọi là tự tại thấu suốt được. Trong nhà thiền có vị tăng hỏi quốc sư Huệ Trung:

- Làm sao được thành Phật?

Ngài Huệ Trung đáp:

- Phật và chúng sanh đồng thời dẹp đi, thì ngay đó giải thoát.

Tức là cái niệm về Phật, cái niệm về chúng sanh đó dứt bặt đi, thì ngay đó là giải thoát, ngay đó là cái thể niệm chân thật. Lục Tổ cũng nói: “Chẳng ngộ thì Phật là chúng sanh; còn khi ngộ thì chúng sanh là Phật.” Chúng sanh và Phật chỉ là hai danh từ chuyển đổi mà thôi, cái thể vẫn không hai, để nêu rõ không có pháp nào ngoài tâm, không có một pháp cố định nào, gọi là pháp vô ngã. Như vậy chúng sanh cũng là tâm thôi, tức là tâm mê; Phật cũng là tâm, tâm giác; còn Bồ tát cũng là tâm, tâm phần giác, tức là giác được từng phần thôi, chưa có giác được viên mãn. Tóm lại, cũng là tâm, tâm mê là chúng sanh, tâm giác trọn vẹn là Phật, tâm giác từng phần là Bồ tát, không có một pháp nào riêng gọi là Bồ tát, cho nên ở đây nói: “ - Nếu Bồ tát nói: ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh đó, thì chẳng gọi là Bồ tát” tức là thấy có pháp thật rồi! Kế ngài giải thích tại sao? Nghĩa là thật không có pháp gọi là Bồ tát, thế nên Phật nói tất cả pháp không ngã không nhân không chúng sanh không thọ giả. Không có pháp nào cố định hết. Thứ hai là phá về cái thấy biết trang nghiêm tịnh độ. Ngài nói thêm: “- Này Tu Bồ Đề, nếu Bồ tát nói lời thế này: ta sẽ trang nghiêm cõi Phật, cũng chẳng gọi là Bồ tát”. Ở trên là nói “ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh”, ở đây nói là “ta sẽ trang nghiêm cõi Phật”. Giải thích tại sao? Bởi “Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật đó, tức chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm”. Quý vị tụng Bát nhã hằng ngày, còn nhớ câu gì hợp với chỗ này? Nghĩa là, trong ánh sáng Bát nhã thì bất cấu, bất tịnh, không nhơ không sạch, còn thấy có trang nghiêm cõi Phật, tức là còn thấy có nhơ, có nhơ nên mới trang nghiêm cho nó thanh tịnh, chứ không có nhơ thì trang nghiêm làm gì nữa? Vì vậy, thấy ta phải trang nghiêm tịnh độ, tức còn thấy có chỗ nhơ, mà có nhơ có sạch tức là còn cái thấy sanh diệt, cái thấy hai bên. Do đó ở đây phá cái “thấy biết” về trang nghiêm đó. Chính chỗ này, khi Lục Tổ đại ngộ, ngài mới la lên câu: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh!” Thấy tự tánh vốn tự thanh tịnh rồi thì còn trang nghiêm cái gì nữa? Khi thấy có trang nghiêm đó, là thấy có pháp thật để trang nghiêm, thì cũng rơi vào cái ngã nữa, gọi là pháp ngã. Còn ở đây dứt cái niệm trang nghiêm đó, tức dứt cái niệm nhơ sạch, nếu cái niệm nhơ sạch đó mà chưa quên thì khó thông đạt được pháp vô ngã. Chỗ này làm sáng tỏ thêm ý nghĩa ở trước đã nói: “tất cả pháp đều là Phật pháp”, như vậy còn trang nghiêm cái gì nữa? Tức đều thanh tịnh, đều sáng suốt rồi, còn khởi thêm một cái trang nghiêm nữa là sao? là chưa thanh tịnh! Trong nhà thiền gọi là trên đầu thêm một cái đầu nữa. Vậy cuối cùng là quên cái thấy biết về trang nghiêm luôn mới thật là trang nghiêm, mới tự tại đối với các pháp. Chỗ đó mới gọi là quên công phu, đạt đến chỗ vô công dụng. Thường người tu hay nhớ công của mình, do mình tu lâu nay nên giờ mới được thanh tịnh, như vậy nếu tu nhọc nhằn một chút thì khi được yên thanh tịnh rồi, mình hơi có cái ngã, nhờ mình tu lâu nên nay mới được thanh tịnh, vậy ta hôm nay được thanh tịnh rồi, còn các ngươi chưa thanh tịnh, đó là cái ngã nó hiện! chỗ công phu sâu rồi mới thấy từng chút từng chút nó vi tế. Như vậy muốn đạt được đến đó, phải thông đạt pháp vô ngã mới thấy suốt không ngại, còn thấy có một pháp thật tức là có ngại; bởi vì còn thấy có pháp thật thì còn thấy có bên đây bên kia, hoặc là bên tịnh hoặc là bên nhơ, tức là vướng trong cái thấy cố định. Ở đây thông suốt pháp vô ngã rồi, thì tuỳ duyên ứng đối, vì nó đâu có cố định gì! Bởi vậy phiền não tức bồ đề, phiền não đâu có cố định là phiền não nên tức bồ đề là dễ hiểu; rồi sanh tử tức Niết bàn, ba độc tức giải thoát, rất dễ hiểu, không có gì cố định. Nếu sanh tử cố định rồi làm sao tức Niết bàn được? Ngược lại Niết bàn cũng không thể tức sanh tử; ba độc tham, sân, si cố định rồi cũng không tức giải thoát được, mà tức giải thoát là nó không có cái thể cố định ở trong đó, như vậy là mình chuyển được hết. Hiểu được nghĩa “tức” là như vậy, chứ lâu nay nghe tức mà không biết “tức” là sao? Tiến thêm một bước nữa, vọng tưởng cũng không cố định luôn, vậy còn sợ vọng tưởng nữa không? Trong kinh Lăng Già nói: “Các thánh truyền nhau, vọng tưởng là không tánh”, tức không có tánh cố định, không có cái thể thật, như vậy có gì để sợ nữa? Chỉ sợ một điều, sợ mê thôi! Nhưng mà mê cũng không sợ, vì mê cũng không cố định luôn, không cố định là mê hoài; nếu giác cái mê thì mê hết. Vậy còn có cái gì để mình sợ, có chỗ nào để mình bám nữa đây? Đây là chỗ khiến cho người có đủ lòng tin để vươn lên, chuyển hoá tất cả, chứ không có mặc cảm “tôi mê rồi không còn cách gì tu nữa”. Như vậy không có nằm ỳ một chỗ, dù hiện tại nghiệp chướng đầy dẫy cũng vẫn không có mặc cảm thối tâm để tự khi mình, cũng không có đổ thừa nghiệp chướng luôn, vì nghiệp chướng cũng không cố định. Nghiệp cũng đâu phải là cái sẵn có, do mê mà huân tập thôi, cái huân tập là cái sau này, chúng ta tu thì mình chuyển được hết. Trong bài kệ sám hối vô tướng có câu: Tánh tội vốn không do tâm tạo, Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong, Tội không tâm diệt cả hai không, Thế ấy mới là chơn sám hối”. Thấy như vậy mới thật là sám hối, nghĩa là tánh tội vốn là không, không đây nghĩa là cái tội nó không phải sẵn có đó, mà do tâm mình mới tạo tác, dù cho mình tạo tội lớn đi nữa, nếu ngay đây mà dừng được cái tâm niệm của mình, tức những cái tâm niệm lăng xăng phân biệt đây kia phải quấy đó, nếu tâm đó thanh tịnh, lặng rồi thì trong tâm thanh tịnh đó, tội đứng ở chỗ nào? Sở dĩ nó còn, là tâm còn lăng xăng, còn phân biệt; như vậy do tâm mới tạo thôi, tâm yên rồi dù cho những tội mình tạo hồi xưa nó lớn đi nữa, nó có quả báo sót lại đi nữa, mà tâm mình thanh tịnh rồi thì quả báo đến nó có khổ sở không? Tâm yên, thanh tịnh rồi thì có đến cũng như không thôi. Thấy được như vậy thì mới thật sự là sám hối, tâm mới thật sự thanh tịnh, mới giải thoát. Như vậy rõ ràng dù cho nghiệp chướng của mình đây có dẫy đầy cũng có thể tu được, cũng có thể tiến lên được. Chính chỗ thấy đó là chỗ thấy rất quý để cho mọi người tiến hóa lên.

Song nói như vậy, có người cho là cái gì cũng vô ngã hết, Bồ tát cũng không có pháp thật gọi là Bồ tát nữa, vậy có Bồ tát hay không? Ở đây là phá cái kiến chấp, tức cái thấy biết mắc kẹt vào cái cố định, đó là phá cái chấp chứ không phải là phá pháp; cho nên kinh nói rõ: “Nếu Bồ tát thông đạt pháp vô ngã thì Như Lai nói đó thật là Bồ tát”. Như vậy, đâu phải là phá dẹp hết trơn mà là phá những lầm chấp của mình, khi sạch hết những cố chấp đó thì mới thật Bồ tát; trái lại, nếu còn có những cố chấp đó thì chưa phải đúng nghĩa Bồ tát, chứ không phải một bề phủ định hoàn toàn. Như vậy phủ định tất cả, để làm thành tất cả, suốt được tất cả pháp vô ngã thì chân ngã hiện, đến đó mới là rốt ráo vô ngã.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1201656
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
162
2336
2498
1175483
86659
118095
1201656