GIẢI VỀ NGƯỜI DỊCH
Trước khi vào chánh văn, giải thích qua cho quý vị hiểu về người dịch bộ kinh Kim Cang này, bởi vì bộ kinh Kim Cang Bát Nhã mà chúng ta học ở đây là do ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Phạn ra tiếng Hán, nói đủ là đời Dao Tần, Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch. Gọi Dao Tần là sao? - Đây là phân biệt đời Tần, nhưng không phải là Tần Thủy Hoàng, mà Dao Tần đây thuộc về Nam Bắc triều, nhằm triều Tấn ở Trung Quốc. Ông vua trước hết của triều này là Phù Kiên, nhân đem quân đánh nhà Đông Tấn bị bại, Phù Kiên trở về bị đại thần là Dao Trành giết chết, lên ngôi xưng là Dao Tần. Tam Tạng Pháp Sư là vị pháp sư thông cả Tam Tạng: - Kinh, Luật, Luận; bởi vì nếu người thông suốt về kinh thì gọi là Pháp sư, thông suốt về luật thì gọi là Luật sư, thông về luận gọi là Luận sư, mà ở đây ngài Cưu Ma La Thập thông suốt cả ba tạng nên gọi là Tam Tạng Pháp Sư. Còn Cưu Ma La Thập là tên âm tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Đồng Thọ, Đồng là nhỏ, còn Thọ là: Lớn tuổi, là người già. Tại sao gọi là Đồng Thọ? Bởi vì ngài là người nhỏ mà có cái đức của người lớn nên gọi là Đồng Thọ. Cha của ngài là Cưu- ma- la- diêm, người xứ Quy Tư, ông có tiết tháo rất cao đẹp, làm tướng mà bỏ ngôi tướng đi xuất gia, nhưng sau khi xuất gia rồi thì vua Quy Tư nghe tiếng tăm của ông lại thỉnh về làm Quốc Sư. Làm Quốc Sư thời gian vua lại đem người em gái gả cho, sau sinh ra ngài Cưu- ma- la- thập. Ngài tuổi nhỏ mà rất thông minh, mỗi ngày học thuộc cả ngàn bài kệ hơn cả vạn lời, 12 tuổi đã tỏ ngộ. Như vậy mình thấy chân lý không hạn ở tuổi tác, không phân biệt già trẻ. Sau khi sanh ngài ra thì bà mẹ đi xuất gia, rồi ngài Cưu-ma-la-thập cũng được bà mang theo vì còn nhỏ. Có một lần ngài theo mẹ đi tham vấn các vị Thiện tri thức ở tại ngôi chùa rất to, trong điện Phật cao lớn thì bên cạnh tượng Phật to, có để một cái bát rất lớn để cúng cơm, Ngài Cưu-ma-la-thập thấy cái bát, sanh lòng vui mừng, để tỏ lòng cung kính, ngài chạy lại ôm cái bát để lên đầu, nhưng khi ôm để lên đầu rồi thì ngài chợt động niệm, nghĩ rằng: “-Ủa! Cái bát to như thế mà làm sao ta đội được?” Tức là cái bát thì to mà ngài lại nhỏ, ngài mới động niệm cái bát to như thế thì làm sao ta đội được, nhưng khi vừa nghĩ như vậy liền cảm giác cái bát nặng đè ngài té ngã luôn. Mọi người và mẹ ngài từ trong điện Phật hoảng hồn chạy tới đỡ ngài dậy, bà hỏi: “- Con làm sao vậy?” Bà cũng không biết trường hợp ra sao, thì ngài nói rằng: “- Con sáng tỏ được đạo lý rồi!” Bà không biết nguyên do vì đâu nên bà bảo: “- Con thuật lại cho mẹ nghe, con nói gì kỳ vậy?” Ngài thuật lại là: “- Thấy cái bát to, để tỏ lòng cung kính nên con đội lên đầu, khi con đội lên, con tưởng nặng thì cái bát liền đè con té ngã luôn, do đó có thể biết nặng hay nhẹ là hoàn toàn do tâm phân biệt của chính mình, đây gọi là tất cả pháp duy tâm.” Ngài còn nhỏ như vậy mà đã tỏ ngộ, cho nên bà mẹ rất vui mừng, bà bảo: “- Thật là không ngờ, đây là đạo lý rất cao sâu của Phật pháp mà nay con đã tỏ ngộ thì con tuy còn nhỏ nhưng có thể đi hoằng dương Phật pháp được rồi đó!” Từ đó ngài bắt đầu đi giảng thuyết mấy xứ ở Tây vực, Tây Vực là mấy xứ ở gần Ấn Độ. Cho nên người ta mới tôn đức của ngài là Đồng Thọ, bởi vì còn bé mà có cái đức lớn của người già. Qua niên hiệu Kiến Nguyên thứ 15 khoảng 379, ở Trung Quốc có các vị Sa môn đi du học qua bên đó như ngài Tăng Thuần, ngài Đàm Xuân… nghe người ta ca ngợi ngài, nên khi trở về Trung Quốc cũng ca ngợi ngài, trong đó ngài Đạo An nghe được tin đó, mới khuyên ông Phù Kiên nên mời Ngài sang Trung Quốc. Qua năm Kiến Nguyên thứ 18 tức khoảng 382, Phù Kiên sai vị đại tướng tên Lã Quang đem 7 vạn quân đánh Quy Tư, nhưng ông dặn đây là đánh để thỉnh ngài Cưu ma la thập thôi, chứ không phải gì khác. Khi đó ngài Cưu ma la thập khuyên ông vua bên kia tức vua Bạch Thuần Vương nên thuận theo điều kiện của Lã Quang để tránhh đổ máu cho nhân dân. Nhưng ông Bạch Thuần Vương không chịu nghe, đem binh chống lại, rồi bị bại, Lã Quang bắt được ngài Cưu ma la thập, song không đưa về nước Tần mà giữ lại ở Cô Tân; bởi vì lúc đó Phù Kiên bị Dao Trành giết rồi, Lã Quang tự lập thành một nước là nước Hậu Lương, rồi tự xưng đế, và ông giữ luôn Ngài Cưu ma la thập. Nhưng ông này không có hâm mộ Phật pháp, nên ông giữ vậy mà ông cũng không tôn trọng gì. Qua năm Hoằng Thủy thứ 3 (401) thì Dao Hưng, con Dao Trành đem quân đánh Hậu Lương, Lã Quang đã chết, con là Lã Long lên ngôi bị thua, đầu hàng, ngài Cưu ma la thập mới được đưa vào Trung Quốc, lúc đó ngài khoảng 58 tuổi. Dao Hưng lại rất mộ Phật pháp, nên ông lễ ngài Cưu ma la Thập theo lễ Quốc Sư, rất kính trọng, cho ở tại vườn Tiêu Dao để dịch kinh giảng pháp. Một hôm Dao Hưng mới dò hỏi: - Pháp sư tài cao học rộng không có ai bằng như vậy, chỉ tiếc là 60 năm qua chưa có con nối dõi, lẽ nào để giống tốt như vậy mà mất đi sao?
Như vậy cho thấy ông rất kính mộ Phật pháp, mà cũng còn nghĩ theo tình đời, ông nói thêm:- Tôi có hàng trăm cung phi muốn biếu cho thầy 10 vị, như vậy có thể sinh được mấy người con trai để kế tục tài trí của thầy, không biết ý thầy thế nào? Rồi ông ép ngài nhận, ngài cũng tự bảo:
- Thường mỗi khi ta giảng thuyết thì có hai đứa bé nó leo lên hai vai ngăn cản. Hai đức bé là chỉ cho Lã Quang và Dao Hưng. Từ đó ngài chẳng ở trong tăng phòng mà lập phòng xá ở riêng. Có một số vị tăng cũng, muốn bắt chước, chứa mấy người nữ hầu; ngài Cưu ma la thập thấy vậy xót xa cho Phật pháp, bởi vì họ đâu hiểu trường hợp của ngài, cho nên ngài Cưu ma la thập triệu tập hết lại, ngài hai tay bưng hai cái bát đựng đầy những cây kim trong đó và bảo: “- Nếu các vị ở trong đây, ai có thể nuốt hết bát kim này thì mới bắt chước tôi”. Nói xong ngài đem bát kim nuốt vô bụng hết, mấy người kia thấy hoảng hồn từ đó không dám bắt chước theo. Như vậy để quý vị thấy, nhiều khi thấy người khác làm như vậy, rồi mình cũng bắt chước, nhưng trường hợp mỗi người khác. Ngài cũng đã từng bảo:“- Ví như ở trong bùn nhơ mà sanh hoa sen, thì chỉ nên lấy hoa chớ lấy bùn nhơ”. Nghĩa là mình hiểu Phật pháp thì mình suy ngẫm để rút những tinh hoa Phật pháp chứ đừng có nhìn hình thức đó, bởi vì các vị có khi vì một duyên đặc biệt của các ngài, mà các Ngài làm khác thường. Ngài Cưu ma la thập ở đây dịch kinh luận ghi lại được khoảng hơn 300 quyển, những người theo học với ngài có 8 vị nổi bật như ngài: - Đạo Sanh, Tăng Triệu, Đạo Dung, Tăng Duệ..v.v.. Khi ngài Cưu ma la thập mất, ngài nhóm chúng nói: “- Những kinh luật tôi đã dịch từ trước đến nay thì chỉ có bộ Thập Tụng Luận là chưa kịp chỉnh lại cho đàng hoàng, nếu khế hợp với tâm Phật thì khi thiêu, nguyện cho cái lưỡi không cháy tiêu”. Quả vậy khi trà tỳ thì cái lưỡi còn nguyên không hoại. Sau này người ta rất tin tưởng bản dịch của ngài Cưu- ma- la- thập, thường trong những bản dịch kinh, bản dịch của ngài Cưu- ma- la- thập được các vị từ xưa đến nay lấy làm định bản, tức là bản mẫu, bởi vì kinh ngài dịch ý sáng suả, lời văn trôi chảy nên tụng dễ dàng. Như vậy Ngài Cưu-ma-la-thập là người dịch kinh nổi bật nhất trong những vị dịch kinh, ngài có những diểm đặc biệt, còn nhỏ mà đã sáng tỏ được đạo lý, đó cũng là điểm cho mình tin tưởng chân lý là của mọi người và không có hạn cuộc nơi tuổi tác, do đó cho nên mình không có so theo tuổi tác để phê bình hay phân biệt, thấy người nhỏ tuổi cũng không dám chê, biết đâu túc duyên của người ta trong đó, như có những vị tu hành đã lâu ở trong đạo nhưng cũng chưa sáng tỏ được đạo lý, trong khi những vị mới vào đạo chưa lâu mà họ đã sáng tỏ. Đây là nói qua người dịch. Bây giờ bắt đầu vào văn kinh.