CHÁNH VĂN:
12. TÔN TRỌNG CHÁNH GIÁO
- Lại nữa, Tu Bồ Đề! Tùy nói kinh này, cho đến bốn câu kệ…, phải biết chỗ đó, tất cả trời, người, a tu la ở thế gian đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật. Huống nữa có người hay hết lòng thọ trì, đọc tụng. Tu Bồ Đề! Phải biết người đó thành tựu pháp ít có bậc nhất trên hết. Nếu kinh điển này ở chỗ nào, tức là có Phật, hoặc hàng đệ tử tôn quý.
GIẢNG:
Đây là một đoạn ngắn, nhưng rất quan trọng! Nói về tôn trọng như thế nào mới đúng ý nghĩa là tôn trọng chánh giáo của Phật. Còn chúng ta thường nói tôn trọng chánh giáo, nhưng chưa đúng ý nghĩa, cho lời Phật dạy là lời vàng, nhưng cứ đem nó đọc tới đọc lui hoài, là chưa hết ý nghĩa đó. Ở đây trước nhất Phật nói tùy theo chỗ nói kinh thì nên cúng dường, coi như chỗ đó là thờ Xá Lợi, hay hình tượng Phật, tức là “ở chỗ nào mà nói kinh này thì phải biết chỗ đó tất cả hàng trời người Atula đều nên cúng dường cũng như tháp miếu của Phật.” Trước giải thích “tháp miếu” nói đủ là “tốt đổ ba”, dịch ra là cái chỗ cao, nổi bật lên, nên Trung Hoa gọi là Cao Hiển Xứ. Thường thường tháp là để tôn trí Xá lợi của Phật hoặc là các vị Alahán Thanh văn. Còn miếu là chỗ để thờ tượng Phật, mà ở đây Phật nói: khi người diễn nói kinh này cho đến bốn câu kệ thôi, thì chỗ đó tất cả mọi người phải cúng dường cũng như là tháp miếu của Phật, tức là sao? Diễn nói kinh này, tức là khơi dậy ánh sáng Bát Nhã cho người, là đem ánh sáng Bát Nhã này mồi đến cho mọi người, khiến cho hạt giống Phật không có đoạn dứt ở thế gian. Chính đó là chuyển những bộ kinh bằng những chữ nghĩa chết thành ra những bộ kinh sống, như vậy nó mới có năng lực đưa mọi người đến giác ngộ giải thoát. Chỗ đó như là chỗ tháp miếu của Phật, là như vậy. Nghĩa là chỗ nào có người diễn nói, tức là có hạt giống Phật gieo trong đó, mọi người cũng nên cúng dường. Cúng dường ở đây là sao? Cúng dường, là hướng về những bộ kinh sống nơi mình đó, để chiếu sáng trở lại nơi mình. Như vậy chúng ta thấy rõ, ngay nơi thân này nó có đầy đủ “chân thân xá lợi của Phật”, tức xá lợi thật chứ không phải xá lợi bằng xương, bằng cốt thôi; xá lợi này là xá lợi pháp thân, không phải nhọc nhằn đi cầu tìm xá lợi bên ngoài. Đây là Phật muốn nhắc mọi người, phải nghe trở lại những lời kinh sống ngoài ngôn ngữ văn tự. Cho nên ở chỗ nào nói kinh này cũng như là có tháp miếu ở chỗ đó, như vậy nói kinh không phải là nói hời hợt được, nói kinh phải soi thấu qua ý nghĩa chân thật, không thể phớt qua trên chữ nghĩa suông. Nếu hời hợt trên chữ nghĩa suông thì nó có đầy đủ ý nghĩa Như Lai nói chưa? Thấu được như vậy, người nói người nghe mới thật sự cảm thông nhau bất khả tư nghị. Người nói cũng phải soi thấu qua danh từ chữ nghĩa, đạt tới ý nghĩa chân thật. Người nghe cũng vậy, phải nghe lại những lời kinh sống nơi chính mình, đó mới là chỗ trời Đế Thích nói với Tôn Giả Tu Bồ Đề, “không nói, không nghe tức là chơn Bát Nhã” Nghe, không phải nghe trên cái âm thanh thôi, mà nghe thấu tới chân thật của mình, đó mới là khéo nói Bát Nhã và khéo nghe Bát Nhã. Chỉ một điểm diễn nói thôi, quý vị thấy ý nghĩa đã sâu xa rồi. Thêm một từng nữa, Phật nói người hay thọ trì đọc tụng thì phải biết người đó thành tựu pháp ít có bậc nhất, trên hết, nghĩa là chỉ khơi dậy đánh thức cái sức sống Bát Nhã nơi con người còn quý trọng như vậy, huống nữa bây giờ sống thật sự ở trong đó thì sao? Tức toàn thể pháp thân lộ bày, thật sự chứng nghiệm rõ ràng thì cái công đức năng lực đó còn đến chừng nào nữa! Cho nên nói thọ trì đọc tụng, nhưng thường thường đọc tụng, học thuộc lòng theo kiểu chữ nghĩa thì làm sao quý như vậy được, mà học thuộc lòng ở đây, là luôn luôn sống miên mật không có xen hở, thọ trì, đọc tụng thuộc lòng như vậy thì người đó thành tựu “pháp ít có bậc nhất trên hết”, tại sao nó ít có? Nói là ít có thì có người có, người không hay sao? Như đã nói ở trước, bởi vì ở trên thế gian này không có gì so sánh được với nó, bao nhiêu cái ở trên thế gian này có tạo tác ra đều là vô thường sanh diệt hết, còn cái này là bất sanh bất diệt, cho nên không có cái gì sánh được, ít có là như vậy đó. Hiểu được như vậy thì, chính mình đọc tụng học thuộc lòng đó, là sống trở về đó đào lấy kho báu sẵn có xài hoài không hết, không như những cái bên ngoài, xài một lúc là hết. Trong Hàn Sơn Thi có bài kệ:
Tích nhật cực bần khổ, Dạ dạ sổ tha bảo.
Kim nhật thẩm tư lương, Tự gia tu doanh tạo.
Quật đắc nhất bảo tạng, Thuần thị thủy tinh châu.
Đại hữu bích nhãn hồ, Mật nghĩ mãi tương khứ,
Dư tức báo cừ ngôn, Thử châu vô giá số.
“Ngày xưa quá nghèo khổ, Đêm đêm đếm báu người”, nghĩa là ngày xưa quá nghèo khổ lang thang, rồi cứ đi đếm của báu của người ta. Đếm của báu người ta thì sao? mà đó là chỉ cho ai? Tức lấy những lời Phật, lời Tổ đọc tới đọc lui, lấy đó làm của mình, thì không phải là lấy của báu của người ta mà đếm, rốt cuộc buông ra thì mình không có gì hết, cho nên vẫn nghèo khổ mãi.
“Hôm nay nghĩ xét kỹ, Phải gầy dựng nhà mình”, bây giờ xét kỹ lại, lo xây dựng cho nhà mình, tạo dựng cho nhà mình. “Đào được một kho báu, Toàn là ngọc thủy tinh”, bây giờ lo xây dựng cho nhà mình, mới đào được một cái kho báu ngọc thủy tinh, nó trong suốt rất là sáng sủa.
“Thường có lão mắt biếc, Thầm định mua đem đi”, lão mắt biếc, chỉ cho ai? Chỉ cho Tổ Bồ Đề Đạt Ma đó, ngài thầm định mua đem đi mất, Nhưng “Tôi thường báo y rõ, Ngọc này thật vô giá”, ngọc này không có giá thì làm sao mua? Đây là muốn nhắc, lâu nay mình chỉ lo đếm của báu người, lo bám theo lời lẽ của Phật, của Tổ, rồi lấy đó làm hài lòng, làm kiến giải, cho là của mình, mà thật sự là vay mượn cả. Bây giờ biết lại, mình phải khai thác, tìm lại cái sẵn có nơi mình, là cái “trí tuệ vô sư”, tức “trí sẵn có nơi mình” đó, cái đó mới là cái quý. Chính Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền là truyền chỗ đó, đó là cái không có giá, bởi vì nó vượt ngoài cái đối đãi của thế gian. Ngọc của thế gian là có thể trả giá được, vì nó có mắc có rẻ, còn ngọc này không có mắc rẻ, nên không ai trả giá được; cũng không phải cái bên ngoài nên cũng không ai đem đi được, đào được là mình sử dụng đời đời không bao giờ hết. Ngài Câu Chi ngộ được ở thiền sư Thiên Long, Ngài Thiên Long Ngài chỉ dơ ngón tay lên Ngài ngộ, sau đó Ngài ra giáo hóa, thường thường ai hỏi đến thiền thì Ngài chỉ dơ ngón tay lên thôi. Khi sắp tịch Ngài bảo chúng: “- Ta từ khi nhận được một ngón tay thiền của Hòa thượng Thiên Long tới bây giờ xài hoài không hết”. Chỉ được có ngón tay thiền thôi mà xài hoài không hết, trong khi đó chúng ta học bao nhiêu kinh điển, đầy cả một đầu nhưng vẫn còn thấy chưa đủ? Nó có lúc được có lúc không, lúc nhớ thì được lúc quên thì không, còn cái này thì xài hoài không hết, vì nó có sẵn rồi. Bởi vậy nói của báu sẵn đó mà không biết lấy ra xài, cứ đếm của báu của người, thì thật đáng thương! Xưa ông vua Chân Tông đời Đường trong lúc đi Hà Bắc đến hành cung, ông mời Thiền sư Hưng Hóa ở Tồn Tương tới hỏi:
- Trẩm thâu Trung Nguyên gồm thâu được một hạt ngọc quý chưa từng có ai trả giá.
Ngài Hưng Hóa nói:
- Xin bệ hạ cho xem!
Ông liền lấy tay vuốt từ đầu đến chân, Ngài Hưng Hóa nói:
- Ngọc quý của đấng quân vương ai mà dám trả giá.
Ai thấy hòn ngọc đó nó ở chỗ nào? Thường thường chúng ta nghe nói ngọc quý, tưởng đâu là hòn ngọc to nhỏ, tròn méo bằng đá qúy, nhưng ở đây ông vua vuốt từ đầu đến chân, đó là hòn ngọc quý, nó quý chỗ nào? Vuốt tới đâu thì ta cảm nhận tới đó, có thiếu chỗ nào đâu? Chính cái tánh giác sẵn có này, đó là hòn ngọc quý sẵn nơi mình mà không hay, hòn ngọc đó mới thực là hòn ngọc quý không ai trả giá được, không có mắc rẻ. Mình sống là phải sống trở về tánh giác đó. Cho nên mình thọ trì là sống trở về với cuốn kinh chân thật đó, đọc tụng học thuộc lòng là luôn luôn sống miên mật không có gián đoạn, thì thành tựu được, chứng nghiệm được rõ ràng, đó là cái pháp ít có bậc nhất trên hết, đâu có gì hơn nó nữa! Nên có câu: “- Nếu có một pháp nào vượt hơn pháp này thì ta cũng nói như mộng như huyễn”. Có cái nào hơn nó nữa, nếu có cái nào vượt hơn nó là thuộc về tạo tác, thuộc về cái bên ngoài không thật rồi, nên có cái gì mà hơn nó thì ta nói cũng như mộng như huyễn thôi. Như vậy từ nay quý vị nghe ai nói có pháp gì cao quý hơn thì có chạy theo không? Hiểu như vậy, thì ngay đoạn này đã đầy đủ ba môn Bát Nhã, đó là Văn tự Bát Nhã - Quán chiếu Bát Nhã - Thật tướng Bát Nhã. Diễn nói là văn tự Bát Nhã; thọ trì đọc tụng là quán chiếu Bát Nhã; thành tựu ít có bậc nhất, đó là thật tướng Bát Nhã, như vậy đó là ta biết chuyển kinh, mới thật sự gọi là biết tôn trọng chánh giáo của Phật. Tôn trọng chánh giáo là như vậy đó, nghĩa là tôn trọng những lời chân thật của Phật, những lời sống của Phật. Ở đây cần chú ý thêm: có người thọ trì đọc tụng nhưng phải “hết lòng”. Hết lòng là tận tâm, chứ không phải hời hợt. Thường thường người cũng thọ trì, cũng đọc tụng, nhưng chưa hết lòng. Bởi vì sao? Tức là thọ trì nhưng cũng còn để cái khác chen vào, trái lại làm trọn vẹn trong đó thì bảo đảm thành tựu các pháp hy hữu không có nghi ngờ.
Thêm điểm kế nữa, Phật nói rằng: “ Nếu kinh điển này ở chỗ nào tức là có Phật và có hàng đệ tử tôn quý ở đó”. Đây là điểm cần chú ý, đệ tử tôn quý tức là những vị Hiền Thánh Tăng có chỗ đó, song “ở chỗ nào” có kinh này đây? Nếu hiểu ngược lại, “chỗ nào không có” kinh này? Có chỗ nào không có kinh này chăng? Chúng ta ở đây thì có kinh này không? Quả thật có đó nhưng chưa chịu khai thác, ở đây phải hiểu cả hai mặt. Bởi vậy Lục Tổ có dạy: “Tự tâm mình tụng kinh này, tự tâm hiểu được kinh này, tự tâm mình thể nhận được cái lý vô trước, vô tướng thì ở chỗ nào cũng thường tu hạnh Phật, niệm niệm tâm không gián đoạn tức tự tâm là Phật” Tức ở chỗ nào cũng là Phật, ở chỗ nào cũng là giác, niệm niệm không gián đoạn thì chỗ nào không có? Bởi chính tự tâm mình là Phật, chỗ nào có nó ắt là có Phật, chỗ nào có tánh giác thì Phật hiện chỗ đó. Vậy ngay nơi mình ngồi đây cũng có Phật đủ hết, không chỗ nào thiếu. Đó là muốn nhắc nhở cho mình luôn luôn tỉnh giác, không để hời hợt bỏ qua chỗ nào hết, thì chỗ nào cũng có Phật, cũng là chỗ cho mình tỉnh giác. Như vậy luôn luôn soi sáng nơi chính mình thì, sẽ phát minh ra ngay ngôi nhà năm uẩn này hay là ngay nơi tháp thất đại này, nó có sẵn bộ kinh Bát Nhã sống trong đó, nó luôn luôn phóng hào quang sẵn nơi sáu cửa. Chính chỗ đó là có Phật, có đệ tử tôn quý của Phật ở đó. Phật ra đời cũng để chỉ cho người nhớ trở lại, sống trở lại với bộ kinh sống đó chứ gì! Bao nhiêu năm thuyết pháp, nói khô cổ cũng để đánh thức người nhớ bộ kinh sống đó thôi, và sau này các vị tổ, tổ cũng truyền với nhau bộ kinh sống đó. Vậy mình cung kính cúng dường lễ bái, cũng để bái bộ kinh đó, thọ trì cũng là thọ trì bộ kinh sống đó. Ngài Phó Đại Sĩ có bài kệ: “Trì kinh bốn câu kệ, Phải nên chẳng lìa thân”, không phải trì trong mấy chữ đó. “Rõ tâm, tâm là Phật, Mới thật thọ trì kinh”, thọ trì kinh là như vậy đó, luôn luôn kinh không có rời nơi thân tâm này, rõ được ngay nơi thân tâm này chính là tâm Phật; nghĩa là thọ trì bao nhiêu kinh điển gì, là luôn luôn soi sáng chính nơi tâm mình, thấy rõ chính tâm mình là Phật, đạt được cái tâm sáng suốt đó, mới thật là người biết trì kinh. Trì kinh như vậy mới thật là người có công đức bất khả tư nghì. Nếu chỉ đọc suông qua vậy thôi thì công đức hơn người kia, làm sao mà tin nổi, phải không? Tóm lại, nếu mình không mở sáng được con mắt Bát Nhã ở nơi mình, thì tu hành cũng quờ quạng trong đêm tối. Quờ quạng trong đêm tối, có khi cũng sụp hầm luôn. Còn mở sáng Bát Nhã thì ngay nơi gót chân mình đây, là mình bước từng bước đạp trên đất Phật, vậy thì mỗi bước đi của mình là mỗi hoa sen nở! Không chỉ có bảy hoa sen nở như Phật đản sanh thôi. Vậy bất khả tư nghì chính là như vậy, vì khi chúng ta mở sáng mắt Bát Nhã rồi thì, từng cử chỉ, từng hành động của mình đều từ trong ánh sáng Bát Nhã tỏa ra, không phải mỗi bước, mỗi bước hoa sen nở hay sao! Hiểu như vậy, giả sử có người đem một cái hộp xá lợi, rồi bộ kinh Bát Nhã đến, mọi người sẽ lấy phần nào? Trong kinh Đại Bát Nhã có một đoạn, Phật bảo trời Đế Thích:
- Trong thế giới tam thiên đại thiên này đựng đầy xá lợi làm một phần, rồi một bộ kinh Bát Nhã làm một phần, thì đối với hai phần này ông lấy phần nào?
Trời Đế Thích thưa:
- Con thà lấy kinh Bát Nhã này, song chẳng phải con chẳng kính xá lợi Như Lai, mà do vì Bát Nhã mới có xá lợi, cũng do Bát Nhã huân tu nên xá lợi mới được cúng dường, vì vậy con lấy kinh mà chẳng lấy xá lợi.
Ý nghĩa rất rõ ràng, xá lợi Phật không phải chẳng tôn kính mà muốn nhấn mạnh, cần biết cái nào là gốc. Phật cũng từ nơi ngộ được, sáng được Bát Nhã đó, rồi sống được ở trong đó trọn vẹn mới thành tựu quả Phật, mới có xá lợi ngày nay để cho người trời cung kính cúng dường. Biết như vậy, chúng ta khéo xoay trở lại ánh sáng Bát Nhã đó, để sống dần dần trọn vẹn, đầy đủ thì cũng sẽ là một vị Phật, cái quý trọng là chỗ đó. Cho nên ở đây mới nói, kinh này ở chỗ nào, là ở đó có Phật và hàng đệ tử tôn quý của Phật. Nói rộng ra, chúng ta phải làm thế nào để làm sống dậy những lời của Phật Tổ, để khiến cho chánh pháp được truyền mãi. Muốn vậy, phải khéo thực hành, nghe rồi soi sáng lại mình để mở sáng trí Bát Nhã nơi mình, đó là làm cho hạt giống Phật được tiếp nối trên thế gian, không bao giờ mất, như vậy mới đúng theo lời dặn dò của Phật là: “Các ông phải khéo hộ trì, đừng để chánh pháp đoạn dứt!” Mà sự thật cái này là cái sẵn có nơi mình, không có hình tướng gì, cũng không do ai tạo tác, thì có bao giờ nó mất đâu? Sở dĩ Phật nói đoạn dứt đó là sao? là bỏ quên nó, mê nó thôi. Hiểu như vậy, chúng ta có đầy đủ niềm tin, tất cả mọi người, ai ai cũng đều có đủ hết, cho dù khi Phật pháp mất bóng trên thế gian này, nó cũng không mất đi đâu. Chỉ do lúc đó cái mê nó quá dày, không có ai khơi dậy, nếu trong đó có ai được thức tỉnh trở lại, rồi nhắc nhở đến những người khác thì nó cũng có đầy đủ. Phật nói khi Phật pháp bị diệt mất hết trên thế gian này, qua thời đức Phật khác ra đời, thì Ngài cũng nhắc lại, rồi cũng đánh thức cái sẵn có của con người vậy thôi, chứ có lúc nào mất thiệt đâu? Do đó, chúng ta không sợ thiếu, không sợ mất, chỉ sợ mình không chịu nhớ, chịu giác đó thôi; chịu nhớ chịu giác lại thì lúc nào, ở nơi nào cũng đều có đủ khỏi phải chạy đi đâu tìm. Tóm lại, tôn trọng chánh giáo là phải biết làm sống dậy lời của Phật bằng sức sống chân thật nơi chính mình, vì có đánh thức khơi dậy cho mọi người nhớ việc ấy thì mới thực sự biết sống ý nghĩa, biết Phật pháp là tột quý. Chỉ chấp theo trên hình tướng, nhiều khi nói tôn trọng mà thành ra phỉ báng lúc nào không hay. Vì hiểu sai đi thành ra phỉ báng. Từ những chữ nghĩa chết, từ các bộ kinh bằng giấy bằng mực đó, chúng ta sống lại được ngay nơi chính mình, thì mới có sức sống sáng tạo; còn nếu mình chỉ học được bao nhiêu chữ nghĩa đó, thì mình nói lại bao nhiêu đó thôi; có sức sống chân thật, thì tuỳ hoàn cảnh, tuỳ nhân duyên mình ứng dụng ra nó linh động chứ không mắc kẹt khuôn mẫu chết.
Trong nhà thiền có câu chuyện: hai chú tiểu sa di ở hai thiền viện gần bên nhau, thường thường buổi sáng chú tiểu bên Thiền viện A đi ra ngoài thì chú tiểu bên Thiền viện B cũng đi ra, hai chú gặp nhau để lý luận thiền. Một hôm chú tiểu bên thiền viện A đi ra gặp chú tiểu bên thiền viện B hỏi:
- Nay huynh đi đâu?
Chú tiểu bên thiền viện A đáp:
- Chân tôi bước đâu thì tôi đi đó.
Chú tiểu bên thiền viện B không biết làm sao trả lời. Bí. Trở về thưa với ông thầy, ông nói:
- Sao con dỡ quá vậy, sao không hỏi lại là “nếu không có chân thì sao?”
Chú tiểu đó hớn hở rình, bửa sau thấy chú tiểu bên thiền viện A đi ra, chú liền hỏi:
- Bửa nay huynh đi đâu?
Chú tiểu bên thiền viện A đáp:
- Gió thổi đâu tôi đi đó.
Chú kia cũng bí luôn, học được có câu kia thôi, nên không trả lời được, về thưa lại với thầy.
Ông thầy nói:
- Nữa, con cũng dỡ nữa rồi, hãy hỏi lại: “nếu không có gió thì sao?”
Chú hớn hở bửa nay nắm chắc, rình bữa sau chú kia đi ra chú hỏi:
- Bửa nay huynh đi đâu?
Chú kia nói:
- Tôi đi chợ mua rau.
Vậy thua luôn lần nữa!!!
Đó là nói lên ý nghĩa, người thật sống, có sức sáng tạo từ bên trong ứng dụng ra, còn người học lại thôi, cho nên học được câu nào nói câu đó, hết câu đó thì không biết gì để nói nữa. Chỗ này cũng vậy, chúng ta học trong kinh điển thì đó là lời chữ của Phật Tổ nói, chúng ta phải soi sáng lại nơi mình để thấy được cái chân thật đó ngoài chữ nghĩa, ngay nơi mình, sống trong đó rồi tuỳ chỗ ứng dụng ra linh động, nhưng không sai với ý Phật Tổ. Dụ như ban đầu Phật ở trên hội Linh Sơn đưa cành hoa sen lên khai thị, ngài Ca diếp ngộ mỉm cười; sau các thiền sư cũng ngộ được chỗ đó, nhưng các ngài lại không bắt chước đưa cành hoa sen lên, mà có khi các ngài giơ cây phất tử lên, hoặc ngài Câu Chi đưa ngón tay lên, như vậy cũng không sai với ý đó. Chúng ta không có cái sức sống này, nghe đâu bám vào đó, có được một số kiến thức, hiểu biết được một số lời của Thế Tôn, lời của Tổ, có bấy nhiêu dùng hết thì thôi, có khi dùng bắt chước không đúng chỗ nữa. Nghe lời Phật Tổ nói lý thiền hay, mình học được tưởng đâu như của mình, rồi đem ra lý luận, gặp ai cũng lý luận, đâu biết Phật Tổ rõ được người đối cơ, biết trình độ căn cơ đến mức độ nào, các ngài khơi dậy khế hợp thì người kia thấy liền, ngộ liền; còn chúng ta bắt chước đem ra để mà khoe kiến thức hơn thua, cãi lý nhau, cãi một hồi không hơn thì đổ quạu, đó là tâm đấu tranh không phải chân thật. Nói để mọi người hiểu rõ ý nghĩa, biết khai thác kho báu chân thật nơi mình, mở quyển kinh sống nơi chính mình, cái đó mới là chân thật, mới ứng dụng linh động, và mới có năng lực giúp mình thắng được phiền não, cũng như thắng được những lúc cuối cùng, thắng được sanh tử, chứ tới lúc mình chết thì không có thời giờ cho mình lý luận, lúc đó không còn nhớ để mà nói đâu, mà phải có sức sống chân thật này thì mới có đủ sức thắng được chỗ đó!