GIẢI ĐỀ KINH
Trước khi vào kinh, giải về tên kinh trước. Kinh này gọi là Kim Cang Bát nhã Ba La Mật Đa, Kim Cang Bát nhã Ba La Mật là tên riêng, còn Kinh là tên chung. Bởi vì tất cả kinh Phật đều có tên chung là “kinh”; song trong cái chung đó, có tên riêng là tên bộ kinh, như ở đây gọi là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, còn những bộ kinh khác như là Pháp Hoa, Duy Ma Cật, đó là những tên riêng. Kim Cang là dụ, Bát Nhã Ba La Mật là chỉ cho pháp. Như vậy bộ kinh này dùng hai thứ “dụ-pháp” chung nhau để thành đề kinh, vừa có dụ vừa có pháp. Bởi trong các đề kinh của kinh Phật thì có những kinh dùng dụ, dụ riêng thôi để đặt thành tên kinh; có kinh chỉ dùng pháp để đặt thành tên kinh; có kinh dùng người để đặt thành tên kinh, còn có những bộ kinh dùng cả ba vừa dụ vừa pháp vừa người, có kinh dùng dụ và pháp, có kinh dụ với người, có kinh thì người với pháp, bao nhiêu đề kinh chung lại cũng không ngoài những phần này. Kinh lấy dụ đặt tên là kinh gì? Là kinh Phạm Võng. Phạm là Phạm thiên, Võng là cái lưới, dụ cái lưới trời phạm thiên để chỉ cho kinh này.
Còn kinh lấy người đặt tên là kinh gì? Như kinh Phật thuyết A Di Đà. Lấy pháp đặt tên kinh là kinh Đại Bát Niết bàn, Đại Bát Niết bàn là chỉ cho pháp thôi. Kinh chung cả dụ-người-pháp là kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Đại phương Quảng đó là pháp, Phật là người, Hoa Nghiêm là dụ. Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm là đủ vừa người vừa pháp vừa dụ. Kinh dùng người và dụ như kinh Như Lai Sư Tử Hống; Như Lai là người, Sư Tử Hống là dụ. Kinh dùng người và pháp như kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện; Địa Tạng Bồ Tát là người, Bổn Nguyện là pháp, dùng người và pháp làm đề kinh. Kinh dùng pháp và dụ như kinh Pháp Hoa, nói đủ là Diệu Pháp Liên Hoa, Diệu Pháp là Pháp, Liên Hoa là dụ; cũng như kinh Kim Cang này, Kim Cang là dụ, Bát nhã Ba La là pháp, vậy kinh này là vừa dùng dụ vừa dùng pháp để làm đề kinh.
Tại sao kinh này lại lấy Kim Cang làm ví dụ?
Bởi vì theo cái hiểu của người xưa thì, Kim Cang có tính chất cứng chắc, bén, sáng; sáng, bén, cứng chắc dụ cho trí Bát nhã cứng, bền, chắc, dù cho ở trong chúng sanh, ở trong vô minh nhưng Bát nhã vẫn không mất, không có biến đổi; khi mình tu hành công phu tương ứng liền phát minh ra, trí Bát nhã vẫn sẵn đó chứ không biến đổi đi đâu hết; và chính trí Bát nhã đó, có công năng phá vỡ các tình chấp của mình, soi sáng tất cả vô minh. Bởi tình chấp của chúng ta, nó chắc, nó cứng, khó phá, thành ra những trí thường khó phá nổi, phải dùng trí Kim Cang mới phá nổi; cũng như những món đồ cứng chắc thì những vật thường không phá nổi, phải dùng Kim Cang mới phá nổi. Kim Cang này, như trong các kinh thường nói đến Kim Cang Lực sĩ, các vị hộ pháp hay cầm Kim Cang bảo sử, tức là cái chày báu bằng Kim Cang, nếu không khéo thì các ngài dùng cái chày đó đập là nát hết. Ở đây cũng vậy, phải dùng trí Kim Cang Bát nhã thì mới phá hết tình chấp của chúng sanh, chứ còn trí thường thường khó phá nổi. Tình chấp là gì? Tức là những tình chấp ngã, chấp pháp. Vì cái chấp ngã, chấp pháp đó, mà mình mê lầm luân hồi trong dòng sanh tử này không dừng được; nếu không có trí Bát nhã thì khó phá nổi. Vậy tình chấp ngã là cái gì? Chấp ngã, là chấp trong thân 5 uẩn của ta, có một cái ngã, có một linh hồn trường tồn bất biến mãi mãi để hưởng thọ những cái khổ, những cái vui ở trên thế gian này. Bởi vậy bao nhiêu việc làm, bao nhiêu hành động, tạo tác bao nhiêu thứ nghiệp lành, nghiệp dữ ở trên thế gian này, cũng vì cái ngã này, dồn vào cái ngã này chứ không có gì khác; nếu không có nó thì mình cũng không tạo nghiệp này, nghiệp kia làm chi. Tạo thành nghiệp này, nghiệp kia là vì nó, thí dụ như siêng năng học hành để tạo thành danh tiếng tốt, địa vị cao trong xã hội, là để làm gì? Là để cho cái ngã này nó hưởng, rồi mưu mô tính toán bao nhiêu thứ lấy cái lợi về cho nó, giành giựt đâm chém giết hại cũng vì cái ngã đó. Nói chung bao nhiêu thứ tạo nghiệp cũng vì cái ngã này chứ không gì khác. Sau khi sắp bỏ thân này thì tìm thân khác để cho nó có chỗ nương, sợ nó không có chỗ nương! Nhưng bây giờ hỏi lại, xét cho thật kỹ thì cái ngã đó là gì? Chỉ không ra nổi! Chỉ cái thân là cái ngã cũng không được; còn tâm thì, tâm cũng sanh diệt, thành ra cái ngã mà mình chấp, nghĩ rằng có nó để làm chủ thể trong tất cả mọi việc làm, mọi sự sống của mình, đó chỉ là khái niệm. Khái niệm tưởng tượng có một cái đó để cho mình chấp, mình sống; nếu dùng trí quán cho kỹ thì nó không có thật, không là gì hết. Cho nên nhờ trí Bát nhã mình mới thấy suốt được những tình chấp đó.
Còn chấp pháp là cái gì? Thường gọi hàng nhị thừa thì phá được cái chấp ngã của 5 uẩn này, không thấy 5 uẩn này có cái ngã thật; nhưng lại còn thấy có pháp 5 uẩn là thật, tức là 5 ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có cái ngã thật rồi, song lại thấy năm ấm là có thật. Nghĩa là không có cái ngã thật trong thân 5 ấm mà có pháp sanh tử là thật; không có cái ta thật, nhưng có sanh tử thật; bởi vậy mới sợ sanh tử, mới chán sanh tử mà cầu Niết bàn. Như vậy, thấy có pháp sanh tử thật đáng sợ để cầu Niết bàn thì sao? Tức bị nó trói, bị pháp sanh tử trói. Thấy nó thật tức nhiên bị nó trói. Không nghi ngờ. Vướng mắc như vậy, rồi càng cố bỏ chừng nào thì càng bị nó kéo chừng ấy; vì còn bị dính vào nó nên có cầu Niết bàn, bỏ cái này cầu cái kia cũng còn nằm trong lấy bỏ, thì cũng thuộc về trí sanh tử, còn có sanh diệt. Do đó phải nhờ có trí Kim Cang Bát nhã này, mới có thể phá được hai tình chấp: - chấp ngã và chấp pháp. Bởi nếu trừ chấp ngã mà còn chấp pháp thật thì tất nhiên mình thấy ngoài tâm có cái pháp thật rồi, ngoài tâm có pháp thật thì bị nó che mờ tánh của mình, bản tâm của mình; cho nên không thấy được Phật tánh, không thấy được bản tâm.
Như vậy ở đây nói, dùng trí Kim Cang dụ cho Bát nhã phải cứng, chắc, bền, sáng để soi phá tình chấp đó, nó mới sạch hết. Đó là nói về Kim Cang. Còn Bát nhã, dịch là trí tuệ, nhưng các Ngài từ xưa không dịch ra suông là trí tuệ, mà các Ngài thường nói là trí tuệ Bát nhã, hoặc là trí Bát nhã, như vậy là sao? Bát nhã dịch là trí tuệ suông thì chưa đủ ý nghĩa, mà các Ngài thường nói chung là trí tuệ Bát nhã hoặc là trí Bát nhã, để người đời không có lầm; vì ở thế gian thì những người thông minh, sáng suốt cũng gọi là trí tuệ, họ cũng chấp là có trí tuệ, nếu mình dịch trí Bát nhã ra là trí tuệ thì người ta lại nghĩ rằng, trí tuệ này người thế gian cũng có, vậy cần học Phật pháp làm gì? Thành ra họ lầm trí Bát nhã với trí tuệ của thế gian; vì vậy các Ngài không dịch suông là trí tuệ, mà nói đủ là trí tuệ Bát nhã. Vậy trí tuệ này là ở đâu? Trí tuệ thế gian, thường mình nói nó ở trong đầu mình, ai có đầu óc thông minh là có trí tuệ, và như vậy trí tuệ thế gian là do học hỏi huân tập mà có, đó là trí sanh diệt; mà có sanh có diệt là trí tuệ vô thường, không có bền bĩ. Trái lại trí Bát nhã này là ở ngay nơi tự tánh sáng suốt của mình, bởi vậy ai ai cũng đều có đủ hết không phải do mình học mới có, hoặc do ai ban cho mình mới được, cũng không phải do ngồi mà sanh. Có vị nói ngồi thiền để mở sáng trí tuệ, khiến có người ngồi tưởng tượng ra Phật hoặc Thánh xuống ban cho mình trí sáng suốt, đó là tưởng tượng không phải. Cho nên ngồi thiền mà tưởng có điện truyền xuống thì đó là nguy rồi, đó không phải là trí Bát nhã thật đâu; mà cái này chính ngay nơi tự tánh mình phải tự ngộ, tự thầm mình nhận thôi, chứ không phải ai ban cho được. Như vậy bao nhiêu cái học hỏi bên ngoài đối với trí Bát nhã này cũng không có dính gì hết, những cái đó thuộc về kiến thức, kiến giải vay mượn, đối với Bát nhã chưa dính. Cho nên Ngài Hoàng Bá nói: “- Bát nhã là Huệ, huệ này là bổn tâm vô tướng”, tức là cái tâm sẵn có nơi mình, không hình không tướng; bởi vậy mình không thể thấy được mà không phải không thấy được, không phải không có gì hết; vì có ngay nơi bản tâm mình nên khéo tu thì sẽ thầm nhận nơi mình nó có đủ, chứ không thể cầu để thấy được nó, nếu mà cầu thấy được nó là thấy được cái gì đó chứ không phải là Bát nhã rồi. Vì vậy ngồi thiền thấy ánh sáng này, ánh sáng kia là nguy, tưởng đâu đó là trí tuệ thì lầm to!
Quý vị đọc kinh Pháp Bảo Đàn thì thấy Lục Tổ vừa là anh chàng tiều phu quê mùa, vừa là dốt chữ; vừa quê vừa dốt chữ chưa từng học kinh Kim Cang, nhưng khi đi bán củi thoạt nghe người tụng kinh Kim Cang liền tỉnh ngộ, vậy cái đó ai dạy Ngài? Quê dốt chưa từng học kinh Kim Cang lần nào, chưa từng biết nửa chữ mà vừa nghe liền tỉnh ngộ, như vậy cái đó là cái sẵn nơi mình cho nên khi nó gợi lại đúng lúc liền sáng ra. Do đó không phải học hỏi nhiều mà được, thông minh lanh lợi mà được, chưa chắc, nhiều khi thông minh lanh lợi dễ thành chướng nữa. Bởi khi thông minh lanh lợi thì chấp rằng ta thông minh lanh lợi, bám vào thông minh lanh lợi đó thì tăng thêm chấp ngã, càng che khuất Bát nhã thêm, trái lại phải khéo soi lại nơi tự tâm của mình mới là người thông đạt, còn hướng ra ngoài để tìm học thì có lúc càng học càng xa.
Trong nhà thiền, Ngài Đức Sơn Tuyên Giám trước khi làm vị tổ, Ngài là một vị giảng sư kinh Kim Cang rất giỏi, cho nên thường được gọi là Chu Kim Cang; tức Ngài họ Chu, người ta tôn xưng Ngài, vì Ngài giảng kinh Kim Cang giỏi nên gọi như thế. Ngài nghe ở miền Nam thiền tông hưng thạnh, mà thiền tông lại chỉ dạy là “Kiến tánh thành Phật”; Ngài tức mình, học theo kinh giáo thì tu hành thành Phật phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp, tạo bao nhiêu công đức mới được thành Phật, còn trong nhà thiền nói “tức tâm, tức Phật” nghe không chịu nỗi, ngài cho là bọn ma, nên mới quảy bộ sớ sao kinh Kim Cang đi về phương Nam, quyết vào tận hang ổ của bọn ma, phá dẹp bọn ma đó!
Giữa đường, gặp bà già bán bánh, Ngài định hỏi mua bánh điểm tâm, bà thử lại, bà hỏi:
- Ngài quảy cái gì ở trên vai đó?
Ngài nói:
- Đây là bộ Thanh Long sớ sao, tức là bộ sớ giải về kinh Kim Cang, thì bà già này nói:
- À! Vậy thì tôi xin hỏi thầy một câu, nếu thầy đáp được thì tôi xin cúng dường bánh luôn khỏi lấy tiền, nếu thầy đáp không được thì xin mời thầy đi nơi khác.
Bà dùng câu trong kinh Kim Cang để hỏi, trong kinh Kim Cang nói là:
- Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Tức là tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được, như vậy thì thầy điểm tâm là điểm tâm nào?
Ngài trả lời không được. Đã từng giảng kinh Kim Cang mà bị một bà già bán bánh hỏi trả lời không được thì sao đây? Vậy quý vị thấy, trí Bát nhã nằm ở chỗ nào? Để thấy rằng, học hiểu không phải là Bát nhã thật, nếu ngài khéo ngay khi bà già hỏi như vậy đó thì tâm quá khứ qua rồi, vị lai chưa đến, tâm hiện tại luôn luôn không dừng, tức ba tâm đều là tâm hư vọng, không có thực, như vậy ngay nơi “niệm hiện tiền” nhận ra thì quá hay, quá khéo. Nhưng Ngài nghe hỏi như vậy, Ngài cũng theo câu hỏi đó suy nghĩ về tâm quá khứ, hiện tại và vị lai, đó là chạy theo câu hỏi mà quên mất niệm hiện tiền sáng tỏ ngay đây, do đó đáp không trôi; chứ nếu khéo thì Bát nhã ngay nơi mình sáng tỏ rồi, đâu phải nhọc nhằn quảy gói lên ngài Sùng Tín. Vì vậy lên tới Long Đàm Sùng Tín, rồi theo hầu ngài, một đêm hầu quá khuya, ngài Sùng Tín bảo:
- Thôi tối rồi, ông xuống đi!
Sư bước ra ngoài, rồi bước vào thưa:
- Bên ngoài trời tối đen.
Tối đen cũng có hai nghĩa; tối khuya thì ra ngoài tối là một nghĩa, mà “cái tối đó” là con cũng còn đang tối đen nữa. Ngài Sùng Tín nói:
- Tối thì ta đưa đèn cho!
Ngài mới đốt cây đèn giấy đưa cho, Đức Sơn mới vừa đưa tay tiếp thì Sùng Tín thổi tắt cái phụt, ngay đó Sư liền sáng tỏ, chính đó mới là Bát nhã hiện. Như vậy Bát nhã đó, là ngay nơi mình chứ không từ nơi ngoài, ông thầy cũng chỉ là phương tiện thôi. Cho nên đưa đèn thì liền tiếp, vừa tiếp thì thổi liền, để thấy Bát nhã tự ngay nơi mình sáng lên đó mới là thật. Vậy Bát nhã đó có hình tượng gì? Không có hình tượng gì cho thấy hết, vì vậy trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy: “- Bát nhã thì không hình không tướng, tức là tâm trí tuệ, nếu khởi hiểu như thế đó là trí Bát nhã”, còn tìm về bên ngoài là thuộc về trí sanh diệt của thế gian. Đây dẫn qua câu chuyện của nhà thiền để quý vị thấm sâu hơn, nếu hiểu ngay thì càng tốt, còn nghiệm kỹ thì càng sâu.
Có một vị tăng đến hỏi ngài Tào Sơn :
- Thế nào là cây kiếm không mũi?
Thường thường kiếm thì có cán, có mũi nhưng ông tăng này lại cắc cớ hỏi thế nào là cây kiếm không mũi.
Ngài Tào Sơn đáp ngay :
- Chẳng do rèn luyện mà thành.
Cây kiếm này chẳng do nung nấu, tôi luyện mà thành được, vậy quý vị thấy cây kiếm đó chưa? cây kiếm đó không phải bằng sắt, bằng thép, bỏ vào lò tôi luyện, mà chính là cây kiếm “không hình không tướng” Lục Tổ muốn nói ở trên. Cây kiếm đó không cán, không mũi; còn cây kiếm có cán, có mũi thuộc về hình tướng, có lúc phải hoại; trái lại cây kiếm này không có hình tướng nên không do tạo tác mà thành, có tạo tác thì mới có sanh diệt, cây kiếm này không do tạo tác thì sanh diệt bám vào đâu.
Vị tăng hỏi:
- Tác dụng của nó như thế nào?
Ngài Tào Sơn liền đáp :
- Người gặp liền chết.
Quý vị thấy chỗ đó chưa? Cây kiếm này bất cứ cái gì gặp nó phải tan hết! Bát nhã thì đâu có cái gì đối địch được, phải không? Nó phá sạch hết, nhưng mà ông tăng này hỏi lại:
- Người gặp đều chết, người chẳng gặp thì sao?
Ngài đáp:
- Cũng rơi đầu luôn.
Chỗ này mới khó hiểu, gặp thì chết phải rồi, không gặp làm sao rơi đầu. Không gặp thì rơi chỗ nào? Bởi vì gặp và không gặp là hai bên đối đãi, mà cây kiếm này nó không nương cho niệm phân biệt đối đãi, có niệm phân biệt đối đãi là đối với Bát nhã này không có chỗ đứng. Vì vậy Bát nhã này phá sạnh hết những niệm phân biệt đối đãi nên người gặp cũng chết, không gặp cũng chết, phá sạch hết.
Nhưng ông tăng lại hỏi:
- Người gặp chết là cố nhiên rồi, người chẳng gặp làm sao cũng rơi đầu?
Tào Sơn bảo:
- Ông chẳng thấy nói “hay sạch tất cả” sao?
Tức là cây kiếm này nó hay quét sạch tất cả dù gặp hay chẳng gặp, có đối đãi đều dứt hết, nhưng tới chỗ đó phải là chỗ rốt ráo chưa?
Ông tăng hỏi thêm:
- Sau khi sạch hết thì thế nào?
Tào Sơn đáp:
- Mới biết có cây kiếm này.
Đó là câu đáp rất hay, nhiều khi mình cũng dễ bị lầm lẫn, tu phá hết tình chấp, không có chấp ngã chấp pháp, cái gì cũng sạch hết thì thành ra không ngơ sao? Thành ra không biết sao? Cho nên ở đây khi sạch hết tất cả tình chấp, những niệm phân biệt thì, Bát nhã hiện tiền chứ không phải đến đó rồi không còn gì hết, không biết gì hết; mà Bát nhã hiện diện thì sẽ thấy khắp tất cả, biết rõ tất cả, không có thiếu sót cái gì. Vì vậy học Bát nhã, mình khéo học như vậy, mới tin chắc nơi mình đầy đủ “trí sáng suốt rõ biết hằng hữu” không bao giờ mất. Lâu nay có những vị nói rằng: mình tu hoặc học tụng kinh Pháp Hoa thì nó mới mát mẻ, nhà cửa tươi sáng, còn tụng học kinh Kim Cang thì nhà cửa cây cối nóng nảy, khô héo. Nếu như vậy thì học Bát nhã có hại chứ không có lợi, vì nhà cửa nóng nảy, cây cối khô héo hết, đó là hiểu lầm quá lớn! Kinh là lời Phật dạy để cho mình mở sáng trí tuệ, nhưng có những vị sợ Bát nhã nên nghe nói học kinh Kim Cang Bát nhã liền ngăn, bảo học Bát nhã dễ chấp “không” lắm! Nhưng Bát nhã dạy mình chấp không, thì có phải là Bát nhã chưa? Nếu Phật nói kinh Bát nhã khiến cho mình chấp không thì đâu thành kinh Bát nhã! Bát nhã là phá chấp, cho nên như ở trên đã nói “người gặp cũng chết, người không gặp cũng chết”, là sạch hết tất cả tình chấp chứ đâu gọi là chấp không, mà chấp không thì đâu có thể gọi là Bát nhã được. Chỉ do mình hiểu lầm, hiểu sai lệch về Bát nhã, mình mới chấp không, mà chấp không là trái với Bát nhã chứ đâu phải là học Bát nhã. Đó là những cái hiểu lầm, nếu mình không có nghiên cứu kỹ, không tìm hiểu kỹ thì cũng dễ bị nó lung lay, nghe nói rồi không dám tụng Kim Cang Bát nhã, không dám học Bát nhã. Nếu hiểu kỹ, chính học xong Kim Cang Bát nhã thì trí tuệ mình càng tỏ sáng và mới dễ huân tập thêm chủng tử giác ngộ nơi mình. Phải rõ kinh Kim Cang Bát nhã là phá hết những tình chấp có và chấp không, nhớ kỹ như vậy!
Thông thường Bát nhã có chia ra ba thứ: – Văn tự Bát nhã – Quán chiếu Bát nhã – Thật tướng Bát nhã. Ở đây mình học, nghe giảng rồi đọc trong kinh đó là văn tự Bát nhã. Nhờ nghe đọc, rồi soi sáng lại mình để sống với lý thật, đó là Quán chiếu Bát nhã, chứ nếu chỉ nghe suông, đọc suông thì chưa quán chiếu, chưa sáng được. Ví dụ như ở trong kinh Bát nhã mình sẽ học tới phần có nói về bố thí mà không trụ tướng, tức không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, buông xả hết không dính vào sáu trần, nếu chỉ học nghe thôi thì Bát nhã chưa sáng. Phải nghe, rồi ứng dụng thường soi sáng lại mình, để đối với các trần mình bớt các niệm dính mắc, bớt các niệm chấp trước đó mới gọi là sức quán chiếu Bát nhã. Khi sức quán chiếu thuần thục, đầy đủ thì chân thật bất sanh bất diệt hiện tiền, chứng ngộ rõ ràng, đó là thật tướng Bát nhã, đến đây mới thật đầy đủ; nếu mà mình chỉ nghiêng về một bên thì chưa thấy tột Bát nhã. Cho nên có thí dụ: cũng như mình đi qua sông thì bước xuống thuyền, nhưng xuống thuyền mà chưa qua bờ kia được, phải chèo, chèo rồi qua bờ bên kia; song cứ đứng đó hoài thì cũng không đi đâu được, cũng mắc kẹt tại đó, chưa có tự tại; phải bước lên bờ bỏ thuyền đó- chứ lên bờ vác thuyền theo thì mệt nữa, cần bước lên bờ bỏ thuyền, mới đi tự do tự tại được. Cũng vậy văn tự Bát nhã giống như bước xuống thuyền, xuống thuyền mà đứng hoài thì cũng không đi tới đâu hết, phải dùng quán chiếu Bát nhã là bơi thuyền, mới qua được bờ bên kia. Nhưng qua bờ bên kia rồi mà đứng đó hoài cũng mắc kẹt, tức là mình quán chiếu mà cứ mắc kẹt trong đó hoài ắt không có sống thực được chân thể bất sanh bất diệt nơi mình. Nếu quán chiếu hoài thì mắc kẹt trong đối tượng quán chiếu thôi; có quán chiếu thì có đối tượng quán chiếu, tức có năng có sở, mà còn mắc kẹt trong năng sở thì chưa tự tại, phải quên năng sở mới sống thể nhập trọn vẹn trong thể Bát nhã, mới lên bờ đi tự tại. Vậy quý vị thấy học Bát nhã, sống được Bát nhã cũng không dễ, nhưng cũng không khó, quý vị biết sao không khó chăng? Thường người ta nói cái gì khó, là cái gì đó xa xôi ngoài tầm tay với của mình, mình với không tới, cho nên gọi là khó; còn cái này là cái sẵn nơi mình, nơi tự tâm của mình, chứ không phải ở đâu khác hết. Nếu quả ở đâu mà mình với không tới, tìm không ra, và không thể tìm tới được thì mới thật khó, ví dụ mình ở đây mà bắt mình lên trời tìm học Bát nhã thì khó là phải; còn cái này ngay nơi mình, chỉ cần sống trở lại nơi mình thôi là đủ, thì đâu khó, mà khó là tại sao? Tại tập khí mê lầm của mình quen rồi, sống theo cái vọng mãi, khó ở chỗ đó. Bởi quen sống theo cái vọng nên những suy nghĩ phân biệt cũng theo đó khởi hoài, bây giờ ngồi lại bảo nó dừng, nó cũng không dừng; do đó nên phải tu tập nhiều, lâu, công phu mạnh mẽ, vững vàng mới biến khó thành dễ. Bởi vậy các vị tu hành, khi công phu khế hợp, nhận ra Bát nhã rồi, các ngài cười ngất hoặc là khóc ròng, cảm thương cho mình xưa giờ tưởng đâu là khó khăn, ở đâu đâu, như trên trời, trên mây; giờ đây chợt nhận ra, mới hay là mình sống hằng ngày đó mà bỏ quên mất, nên thương xót, tức mình khóc, hoặc là cười ngất, giống như là xưa giờ món đồ bỏ trong túi mà chạy khắp nơi tìm nhọc nhằn kêu trời, kêu khó, chợt nhớ lại móc túi ra, cười ngất! Hiểu như vậy mới thấy Bát nhã chính ngay nơi mình thôi, chỉ khéo soi sáng lại nơi mình, bớt duyên theo bên ngoài thì có ngày Bát nhã hiện không khó. Đó là nói về Kim Cang Bát nhã.
Ba La Mật, Trung hoa dịch là đáo bĩ ngạn, hoặc cứu cánh. Đáo bĩ ngạn là đến bờ kia, hoặc là rốt ráo viên mãn. Như vậy cái nào là bờ này? cái nào là bờ kia? Thường gọi bờ này là sanh tử, Niết bàn không sanh không tử là bờ kia; nhưng nếu Bát nhã mà còn thấy có bờ này bờ kia thì phải Bát nhã chưa? Vậy tại sao đây lại nói bờ kia? Thực ra chính ngay nơi mình vừa khởi niệm phân biệt chấp trước là bờ này, niệm ngay đây lặng lẽ là bờ kia, bờ này bờ kia ngay nơi tự tâm mình chứ không đâu khác, chẳng qua tạm chia ra hai bờ theo ngôn ngữ thông thường, chứ thật là ngay nơi tâm niệm của mình: dừng được những niệm phân biệt đối đãi lăng xăng đó thì bờ kia, còn nơi đây động niệm phân biệt là bờ này; mà khi động niệm phân biệt thì Bát nhã bị che khuất, có Bát nhã thì phá được niệm phân biệt đối đãi chấp trước, gọi là đến bờ kia. Chính trí tuệ đó mới là trí tuệ đến bờ kia, còn trí tuệ của thế gian là trí tuệ sanh diệt, cũng thuộc về bờ này, chưa gọi là đáo bĩ ngạn được. Để hiểu rõ, trí tuệ này ngay nơi tự tâm của mình nó đầy đủ, chứ không phải nghe nói có bờ này bờ kia, rồi bỏ đây tìm kia. Chính ngay khi mình mê, ở trong thân chúng sanh này, trong vô minh, cũng đầy đủ Bát nhã chứ không phải bỏ đây tìm đâu khác, cũng không phải ngay lúc vô minh đây mà mình thiếu mất. Lục Tổ nói: - Như mặt trời nó thường luôn luôn sáng không bao giờ tối, nhưng khi bị mây che thì thấy tối, song khi tối, mặt trời có mất không? Cái sáng của mặt trời có mất không? Lúc đó chỉ là cái tối ở dưới này thôi, qua luồng mây này cũng vẫn sáng, quý vị có đi trên máy bay thì thấy rõ ràng. Vậy cái tối, là do những niệm lăng xăng của mình nó che, thấy như mình không có Bát nhã, không trí tuệ, tưởng đâu như mình mất không có. Nhưng sự thật, thể Bát nhã vẫn luôn luôn thầm ẩn trong chỗ mình sống hằng ngày không có thiếu, khi phá dẹp được những niệm phân biệt đó, soi sáng tan vô minh thì rõ Bát nhã vẫn đầy đủ không mất, không bao giờ thiếu vắng. Quý vị khéo ứng dụng trong mọi việc làm, mọi hành động mà luôn luôn có Bát nhã soi sáng, tuy chưa thật tướng Bát nhã hiện tiền, nhưng quán chiếu thường xuyên không vắng mặt thì, việc làm nào cũng hợp đạo, không có chỗ nào là không có Bát nhã hiện; như vậy khi công phu của mình thuần thục thì bất cứ nơi nào, chỗ nào cũng là chỗ quý vị có thể tỏ ngộ được hết. Đọc trong Thiền Sử quý vị thấy các vị tu hành sáng đạo, cư sĩ cũng có chứ không phải chỉ riêng người xuất gia. Có ông quan ngồi trong công đường nghe tiếng sấm nổ thì cũng tỏ ngộ được.([1]) Còn các vị thiền sư, thì ngài Trí Nhàn đang làm vườn cuốc hòn sỏi văng trúng vào bụi tre vang ra thành tiếng cũng ngộ được; có vị đang xách nước, thùng nước đứt dây rớt xuống bể cũng ngộ được.([2]) Như vậy đâu đâu, chỗ nào cũng là Bát nhã, nhưng sở dĩ mình chưa ngộ được, là tại vì tâm mình có nhiều thứ lăng xăng quá. Nếu công phu miên mật, lúc nào cũng thường soi sáng thì, bất cứ đâu cũng là chỗ cơ duyên để mình sáng tỏ. Đó là nói về Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
Còn kinh là sao? Kinh, tiếng Phạn nói đủ là Tu đa la, tiếng Hán dịch là khế kinh. Khế kinh có nghĩa là vừa khế lý vừa khế cơ. Khế lý, là luôn luôn đúng với lý giác ngộ của chư Phật, tức là dù trải qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu thời gian, vẫn không sai, vẫn đúng với lý của chư Phật, chứ không phải đúng với lúc này mà không đúng với lúc kia, cũng chưa gọi là kinh được. Ví dụ như Bát nhã này, dù là thời đại nào, ở lúc nào cũng vẫn đúng không sai. Thứ hai là khế cơ, là khế hợp căn cơ chúng sanh, tức là mọi người đều có thể theo đó tu hành đạt đến giác ngộ hết, chứ bộ kinh nói ra chỉ để thờ thôi, nghe chơi thì chưa khế cơ, mà ở đây Phật nói ra, là nói cho chúng sanh, nhưng nói ra mình không làm được gì, thì đâu có khế cơ. Nên kinh luôn luôn khế cơ. Kinh Bát nhã này chưa hiểu kỹ thì theo chữ nghĩa thấy quá xa vời, làm không nỗi, nhưng hiểu cho suốt lý, thì ngay nơi mình thôi ai cũng có thể ngộ được Bát nhã, sáng được Bát nhã, ứng dụng được Bát nhã, chỉ có đủ lòng tin hay không, quyết tâm hay không mà thôi; chứ không phải là dành riêng cho các vị Bồ Tát, còn mình không có phần. Nếu vậy thì kinh này nói cho cõi nào, chứ không phải cõi này. Hiểu đúng như vậy, mới thấy Kim Cang Bát nhã là kinh nói cho mình, ai cũng có phần, không riêng cho ai. Tóm lại, kinh Kim Cang Bát nhã là gì? Là nói về trí tuệ Kim Cang rốt ráo đến bờ kia, nhưng đó là danh tự thôi. Hiểu cho kỹ, cái gì là kinh Kim Cang Bát nhã? Nếu nói kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, là bộ kinh mình tụng hằng ngày, thì đó phải chưa? Bộ kinh này, thời gian cũng cũ, cũng mục, có khi mối ăn, vậy có phải là Kim Cang Bát nhã chưa? Kinh Kim Cang Bát nhã là trí tuệ không hình không tướng, bất sanh bất diệt nơi tâm mình, đó mới là “quyển kinh sống”, còn quyển kinh mình đọc tụng đó chưa phải là kinh sống. Nên trong kinh Kim Cang tán thán là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Nếu bộ kinh để trên bàn mà nói là không thể nghĩ bàn thì khó hiểu! Cho nên học kinh Kim Cang Bát nhã, là mình sống lại với tự tâm, mở sáng trí tuệ nơi mình, đó mới là khéo học, biết học, còn chỉ học trên chữ nghĩa, hôm nay tụng được mấy bộ, có bao nhiêu chữ trong đó, thì gọi là đếm cát, nhọc nhằn vậy thôi.
Ngày xưa ngài Trần Tôn Túc, tức Thiền sư Đạo Minh đang xem kinh Kim Cang, ông thượng thư Trần Tháo, giống như bộ trưởng bây giờ, ông cũng từng nghiên cứu thiền, đến thăm gặp và hỏi:
- Thưa Hòa Thượng xem kinh gì vậy?
Sư bảo:
- Xem kinh Kim Cang.
Ông Trần Tháo mới hỏi:
- Kinh này là đã có lục triều phiên dịch, đây là triều nào?
Lục triều là sáu triều phiên dịch (trước đã nói). Nếu hỏi mình thì mình sẽ đáp là triều nhà Đường, triều nhà Tần, ngài Trần Tôn Túc chỉ đưa quyển kinh lên, bảo:
- Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn, bào ảnh.
Quý vị thấy có lạc đề không? Hỏi xem kinh gì, đáp kinh Kim Cang; hỏi có sáu triều phiên dịch vậy triều nào… chỉ đưa quyển kinh lên... bởi vì ở đây Sư muốn chỉ quyển kinh sống chứ không phải quyển kinh bằng giấy, bao nhiêu tờ, bao nhiêu trang đó; quyển kinh này vô thường sanh diệt, nó cũng giống như pháp hữu vi, từng trang, từng tờ giấy, do tạo tác mà thành, có lúc phải hư, phải mục, như mộng huyễn bào ảnh thôi. Sư muốn đánh thức quyển kinh sống ngay trong tròng mắt của ông, thấy được cái đó mới thấy thật. Khi đưa lên, Sư khai thị quyển kinh sống chính ông đang nhìn đó, ngay trong tròng mắt của ông đó, cái đó phải thấy lại ngay nơi mình, còn cứ bám theo quyển kinh này là quyển kinh chết. Sư không nhọc nhằn giảng nhiều mà đã giảng xong quyển kinh Kim Cang, rất khéo. Quí vị nếu thấy vậy cũng chẳng cần học nhiều. Ngài Thập Đại nói: “- Một quyển kinh này ở trong tự tánh mỗi chúng sanh sẵn có nhưng chẳng tự thấy nên chỉ đọc văn tự, nếu ngộ được tự tâm mới biết kinh này chẳng ở văn tự. Rõ được tự tánh mới tin chư Phật đều từ tâm lưu xuất.” Nói tất cả chư Phật đều từ quyển kinh này lưu xuất, mỗi người đều có quyển kinh Kim Cang Bát nhã hết, làm sao phát minh bộ kinh này, sống với bộ kinh này thì gần chư Phật lắm, có thể đồng nắm tay Chư Tổ cùng đi. Đó là nói về đề kinh Kim Cang Bát nhã. Quý vị mới thấy mình chỉ học đề kinh thôi, mà khéo thì sống cả đời cũng không hết, như vậy cần học hết bộ không? Ở đây, ngay đề kinh thôi nếu mình khéo tin nhận, hiểu sâu thì ứng dụng đủ rồi, nhưng mà có cái tội là mình chưa khéo được vậy, nên phải học nhiều, học kỹ.