PHẦN V: TRÍCH GIẢNG THIỀN SỬ
1. Được danh và được thể
Có vị Thiền khách hỏi Thiền Sư Tánh Không:
-Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?
Tánh Không đáp:
-Như có người bị té dưới giếng sâu ngàn trượng, không có một tất dây, đợi chừng nào người ấy lên sẽ đáp ông.
Ngưỡng Sơn Huệ Tịch nghe nói vậy thắc mắc đem hỏi Ngài Đam Nguyên:
-Người ở dưới giếng làm sau lên được?
Đam Nguyên quở:
-Kẻ si! Ai ở dưới giếng?
Sau đến Qui Sơn, Huệ Tịch lại đem câu ấy hỏi:
- Người ở dưới giếng làm sau lên được?
Qui Sơn liền gọi:
-Huệ Tịch!
Huệ Tịch đáp:
-Dạ !
Qui Sơn liền bảo:
-Ra rồi! Ra rồi!
Ngay đó Huệ Tịch liền ngộ. Ngài nói:
-Tôi ở chỗ Đam Nguyên được danh, ở chỗ Qui Sơn được thể.
Bình:
Vì sao Ngài nói ở chỗ Đam Nguyên được danh? Vì sao ở chỗ Qui Sơn được thể?
Bởi Ngài Ngưỡng Sơn cứ đinh ninh rằng, có người ở dưới lên, ngờ đâu bị gạt một cách đáng thương. Thấy vậy Ngài Đam Nguyên bèn phá gỡ cho, liền bảo: - Kẻ si! Ai ở dưới giếng? Huệ Tịch liền nhận ra lỗi trước, tuy nhiên chỉ mới nhận ra cái lý không người dưới giếng mà chưa thật thấy chính mình. Đến Qui Sơn gọi: Huệ Tịch. Đáp: Dạ! Bảo: Ra rồi! Ra rồi! Là chỉ rõ cái thể hiện tiền. Huệ Tịch ngay đó vỡ lẽ: chính mình vậy.
2. Trâu đã thuần chưa?
Một hôm Tề An Công đến hỏi đạo Ngài Bạch Vân Nghĩa Đoan. Bạch Vân hỏi:
-Trâu đã thuần chưa?
Công thưa:
-Đã thuần, đã thuần.
Bạch Vân bèn mắng cho một trận. Công mặt đỗi sắc, đang ngồi bèn đứng dậy khoanh tay. Bạch Vân hỏi:
-Thuần chưa?
Công im lặng.
Bạch Vân liền nói:
-Trâu ở trong núi đủ nước đủ cỏ, trâu ra khỏi núi chạm Đông chạm Tây.
Bình:
Người tu ví như người chăn trâu giữ gìn chớ cho ăn lúa mạ người. Lúc đầu nó còn hung hăng, sau lần lần thuần thục. Khi thuần buông roi buông dây không phải chăn giữ mà nó vẫn không phạm lúa người. Người giữ tâm mình đúng mức thì không bị thinh sắc (cảnh) làm chuyển lay. Để trắc nghiệm trình độ, Thiền Sư đã hỏi người:
-Trâu đã thuần chưa?
Tức tâm ông đã yên chưa?
Ở đây Công thưa: Đã thuần, đã thuần (tâm tôi đã yên rồi).
Ngay đó Thiền Sư bèn mắng cho một trận. Đây là để nghiệm xem Công đã thiệt chưa, tâm đã thực yên chưa? Tiếc thay Công chưa được yên thật sự, nên mặt mày biến sắc, trong lòng có vẻ không vui.
Bạch Vân gạn lại: Thuần chưa?
Hỏi như vậy để đánh thức thực trạng trong tâm người. Nhưng Công lại cố chấp, khoanh tay im lặng. Ngài tiếp: Trâu ở núi đủ nước, đủ cỏ. Trâu ra khỏi núi chạm Đông chạm Tây.
Khi tâm không duyên thì yên. Có duyên đến thì bị động, mất đi cái an ổn, mà sân hận nổi dậy. Khác nào trâu ra khỏi chuồng thì báng bổ quật Đông quật Tây.
Việc huân tu như vậy là chưa được thuần. Khi không duyên thì ngỡ mình đã thuần. Khi duyên đến, chạm duyên mới hay mình chưa.
Người tu, tu không chỉ ở trong yên, mà phải ở ngay trong cái động mà vẫn yên, thế mới là thực.
Công khi không có bị mắng thì thì ngỡ mình là yên. Khi bị mắng thì nổi sân hết yên. Đây là chưa thật. Phải khi không có mắng, khi có mắng mà vẫn yên thì cái yên đó mới là thực.
3. Hái dưa cho người không vào vườn ăn
Thiền Sư Thanh Phẩu ở nơi hội Ngài Đại Dương. Một hôm Sư đang trồng dưa, Đại Dương vào vườn hỏi:
-Dưa đã chín chưa?
Sư thưa:
-Dưa đã chín.
Đại Dương bảo:
-Lựa một trái hái ăn chơi.
Sư thưa:
- Hái cho người nào ăn?
Đại Dương bảo:
-Hái cho người không vào vườn ăn.
Sư thưa:
-Chưa biết người không vào vườn có ăn không?
Đại Dương hỏi:
-Ông có biết y chưa?
Sư thưa:
-Tuy nhiên không biết mà đâu được chẳng cho.
Bình:
Đã có người hỏi xin mà chủ vườn lại hỏi: Hái cho người nào ăn?
Người chủ vườn muốn gì? Ông trả treo khó dễ. Muốn người xác định cái kẻ “biết ăn”, kẻ ấy là ai?
Tại sao đương sự sờ sờ ra đấy mà hỏi quái như vậy?
Tuy vậy không thể trả lời rằng:
-Hái cho tôi ăn.
Nói như vậy có được không?
Người xin xác nhận như vậy là đã lầm, mắc bẩy kẻ trồng dưa rồi!
Đại Dương không thế, Ngài là người “lái buôn” sành sỏi, chỉ có lừa người, nào ai lừa được. Đâu dễ nửa câu lại bị mắc hợm! Đã là kẻ “lái “ chuyên nghiệp nên trả giá đúng mức để thủ lợi, phải nắm chắc việc ấy trong tay. Ngài quật ngược lại người, đoạt cơ chủ rẫy: - Hái cho người không vào vườn ăn.
Một câu trả lời ma quái, hư ảo! Người vào vườn xin dưa cho kẻ “không vào” ăn. Một chuyện lật lọng ngược lại chủ vườn trả treo. Đã vào, mở miệng xin, sao lại để cho kẻ khác? Ngài mắc cở chăng? Không dám nhận kẻ ấy là mình? Không tự cho mình là kẻ ăn, lại đổ thừa kẻ khác!
“Kẻ không vào vườn” ấy là ai? Là kẻ nào? Có ai thấy hắn đâu! Có chăng cũng chỉ là bóng ma.
Nhưng đã là một bậc đại nhân, Ngài Đại Dương đâu thể chối quanh, nói vô nghĩa như thế.
Ngài nói một cách xác thật đó. Đã giới thiệu một khách quí với chủ vườn. Người đó là kẻ sành sỏi biết thưởng thức hương vị dưa ngon. Kẻ đó đáng được cho ăn. Người đó là “người không vào vườn”.
Nếu là kẻ khác, không phải Thanh Phẩu, người chủ vườn này, thì sẽ nhìn quanh quất kiếm người không vào vườn ấy là ai? Nhưng kẻ chủ vườn này không làm cái việc phí công vô ích ấy. Không bị lời lẽ ma mị của “ông già” lừa. Mà trái lại, còn làm khó dễ hỏi đon ren, không muốn hái dưa cho nữa là khác.
-Chưa biết người không vào vườn có ăn không?
Một lối hỏi để giữ dưa, không muốn mất một quả. Người chủ vườn thật lợi hại, dù là tay đại bịp cũng khó mà qua. Lời nói ấy chứng tỏ người chủ dưa đã biết rõ con người “không vào vườn” kia. Lời nói ấy đã chặn trái dưa trước mắt Đại Dương. Người chủ vườn quả thật là kẻ đáo để. Kẻ “bỏn xẻn”.
Nhưng Đại Dương là một ông lái tài giỏi, đâu để mất món hàng xét ra lợi nhuận rất cao. Ngài lật ngang lời người, hất chân kẻ chặn:
-Ông có biết y chưa?
Đây là lời quyết liệt, lời đoạt dưa. Lời này thật lợi hại, nếu không phải là Đại Dương, kẻ lái buôn chuyên nghiệp thì khó lòng, chỉ ngó dưa mà trừ, hối tiếc.
Đại Dương, một lời đã buộc người dâng hoa quả. Một xảo thuật “kiếm ăn” thật tài tình. Lời ấy đã đưa chủ vườn vào thế phải chấp nhận. Và chủ dưa đã hoan hỷ không còn trả treo nữa, mà nhất tâm tùy hỷ cúng dường lên con người “không vào vườn” ấy. Chủ dưa đã kính cẩn:
-Tuy nhiên không biết mà đâu được chẳng cho.
Người chủ vườn thật là hiếu khách, một kẻ thạo việc trồng trọt, lại thạo của thạo người. Một chủ vườn giữ dưa trọn vẹn, dâng dưa mà không mất một trái.
“Người không vào vườn” ấy là ai?
4. Có mắt không mắt
Một hôm Thiền Sư Nguyệt Am đến chơi Phong Nguyệt Đình thấy có đề bài thi:
Phong lai tùng đảnh thanh nan lập
Nguyệt đáo ba tâm đoạn dục trầm
Hội đắc phong tùng nguyên ngoại vật
Thủy tri giang nguyệt tự ngô tâm.
Đọc xong Sư liền nói:
-Ai làm bài thơ này là kẻ mù.
Bình:
Đây chỉ cần sửa hai chữ thôi tức được sáng mắt, mỗi người tự sửa xem?
5. Cái đánh không can dự gì đến việc kia
Ngài Minh Đạo Giả ở chùa Khai Phước đến tham vấn với Ngũ Tổ Pháp Diễn. Ngũ Tổ thấy Sư tính tình điềm đạm, thông minh, phong cách đặc biệt, thường khen ngợi hạnh Sư trước chúng. Vì thế, trong chúng có một số người đố kỵ, muốn làm nhục Sư cho bỏ ghét. Một hôm nọ rủ Sư đi dạo núi, rồi hè nhau đánh Sư một trận thương tích đầy mình. Về chùa, Sư nằm liệt luôn mấy hôm không đi thọ trai được. Sau Ngũ Tổ hỏi ra mới hay cớ sự, bèn đến thăm Sư. Ngũ Tổ bảo:
-Ông bị bọn vô lễ làm hỗn như thế sao không mách với lão Tăng để lão Tăng đuổi họ đi.
Sư thưa:
-Con bị đánh thương tích thì con chịu, không can dự gì đến việc kia.
Tổ bảo:
-Sức nhẫn nhục của ông còn hơn lão Tăng, về sau không ai làm gì ông nổi.
Bình:
Tuy là chốn đạo tràng, nhưng người tiểu tâm đâu phải không có. Ở đạo tràng Hoàng Mai, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn khi trao y bát cho Lục Tổ, khiến Ngài Huệ Năng thiếu điều mất mạng nay đến đạo tràng Ngũ Tổ Pháp Diễn, chỉ vì Ngài Pháp Diễn đặc biệt chú ý đến người, khiến người bị kẻ xấu ác đánh đập tàn nhẫn. Việc đời là vậy. Trong tập thể thì có kẻ xấu người tốt là lẽ đương nhiên, như bàn tay có năm ngón, ngón dài, ngón ngắn không đều; việc ấy không phải nói. Chỉ nói đến người thọ nạn.
Ngài Minh Đạo Giả đã bị kẻ xấu hành hung. Ngài có thân thế lớn (Hòa Thượng Pháp Diễn) thế mà không dựa vào để trả hận, ngược lại Ngài còn lặng lẽ không rỉ hơi. Bị đánh đau, liệt bại thì chịu, không kêu than, không thống trách tính toán trả hận. Một việc làm như vậy, có phải vì Ngài sợ bọn kia hăm dọa sẽ hạ sát khi Ngài thưa ra không?
Không! Chắc chắn là không. Ngài có thế lực lớn mà. Ngài một bề im lặng chịu đựng chỉ vì một dạ sống vì Phật pháp.
– Lấy ân báo oán?
– Tình thương xóa bỏ hận thù?
– Tứ đại giả hợp?
– Ngũ uẩn giai không v.v…?
Nhưng Ngài không phải vì những thứ ấy mà nhẫn chịu, để trở thành con người cao thượng, một con người có dạ từ bi, mà Ngài đã thể nhận sâu sắc lẽ nhiệm mầu: “Không can dự đến việc kia!”.
“Việc kia” chính là pháp mầu rứt Ngài ra khỏi vòng ân oán, mà có được sự nhẫn chịu phi thường để Ngài trở thành một kẻ có tâm hồn cao thượng, một kẻ biết đem tình thương xóa bỏ hận thù, một con người từ bi đại độ.
“Việc kia” là việc gì? Ấy là việc không là ngũ uẩn, không ngoài ngũ uẩn. Là việc mà ở trong đó không một quả đấm nào có thể đấm được.
Có thế Ngũ Tổ Pháp Diễn mới tán thán:
-Sức nhẫn nhục của Ông còn hơn lão Tăng, về sao không ai làm gì ông nổi!
6. Một chiếc áo rách nát
Ngài Tuyết Đường lúc ở trong chúng ngộ đạo, Sư chỉ mặc duy nhất có một chiếc áo từ đông sang hạ trải qua nhiều năm nên rận đầy cả áo mà Sư không nỡ bắt. Trong chúng có người chán ghét cái hạnh nuôi rận của Sư.
Sư có ông thân làm quan, khi ấy đổi đến gần chỗ Sư đang ở. Một hôm, Sư đến thăm cha mẹ, nhưng lính gác thấy Sư ăn mặc dơ rách quá nên không cho vào cổng. Sư bèn cởi chiếc áo đưa cho lính nhờ đem vào trình quan. Bà mẹ nhìn biết áo của con bèn cho gọi vào. Thấy áo rách quá và đầy rận bà mẹ đem dẹp và đổi áo khác cho Sư. Sư khóc nói:
-Là quyến thuộc ở cùng tôi đã lâu, nay chia tay lẽ đâu lại chẳng buồn.
Khi ấy bà con quyến thuộc hay tin Sư về mới hẹn hôm sau cùng đến thăm Sư. Đêm ấy, Sư lẽn trốn đi và để lại một bài kệ:
Mạc hiềm tâm tợ thiết
Tự kỷ thượng vi oan
Tảo tận môn tiền tuyết
Phương khai hỏa lý liên
Vạn ban hưu cách vấn
Nhất đẳng thị vong duyên
Cá sự tương ưng xứ
Kim Cang chủng hiện tiền.
Dịch:
Chớ trách tâm như sắt
Chính mình còn chẳng ưa
Quét sạch tuyết trước cửa
Mới nở lò sen hồng.
Muôn việc thôi chớ hỏi
Bậc nhất là quên duyên
Việc này chỗ thích hợp
Giống Kim Cang hiện tiền.
Bình:
Khi người ngộ đạo, thấu lẽ Chơn không, mọi việc quanh thân đều được xem nhẹ. Ăn mặc cơm áo đã trở thành phụ thuộc. Có gì phải nghĩ tới. Một cái áo chân thật mặc hoài không cũ, trùm hoài không rách, mang hoài không hư hoại nhầu nát. Tung ra thì khắp sum la vạn tượng, thâu lại chừng mẩy lông đầu sợi tóc. Có gì làm nhơ nó? Bất cấu bất tịnh. Có gì làm thay đổi? Bất tăng bất giảm. Có gì làm suy suyễn? Bất sinh bất diệt.
Chiếc áo như vâỵ đã khoác lên mình Sơn Tăng, thì còn chiếc áo nào đáng giá hơn nữa. Vì vậy việc áo xống chỉ là sở thuộc của Sơn Tăng. Sơn Tăng đã dùng nó, làm chủ nó. Chứ nó không còn làm chủ, sai khiến Sơn Tăng nữa. Mặc và mặc mãi, mặc đến khi nào không mặc được nữa thì quăng, khỏi chăm sóc không luyến tiếc.
Để nói lên việc làm chủ sự ăn mặc khi thấy mình có chiếc áo bằng trân bảo lộng lẫy. Ngài Tuyết Đường đã mặc hoài một chiếc áo suốt bao năm. Việc ấy đã làm ngứa mắt người có cái nhìn chỉ biết trên cái ăn cái mặc. Đáng tiếc thay cho người! Người trong tùng lâm còn như vậy, huống là kẻ thế tục không hiểu đạo lý gì!
Từ một chiếc áo như vậy, đã hóa hiện biết bao chúng sanh. Loại rận mặc tình nẩy nở. Dù có bị cắn rứt mà Ngài vẫn xem như bạn. Mỗi cắn rứt ngoài da thịt có là bao. Ngại rằng nỗi cắn rứt trong tim trong não kia. Ngài không có nỗi cắn rứt trong tim não thì coi việc cắn rứt trên da thịt có nghĩa gì. Nó hút máu Ngài là hút dòng máu cam lồ. Với dòng máu ấy chúng sẽ “tu” theo Ngài, sẽ là con cái Ngài. Cũng như con cái nút sữa mẹ vậy.
Vì vậy, khi các “lũ con” của Ngài bắt buộc phải xa lìa Ngài bởi bàn tay người mẹ thì Ngài không làm sao mà không xót xa được.
Sự thể hiện đời sống đạo của Ngài tuy cục bộ, nhưng rất gần gũi và xác thật với sinh hoạt thường nhật của cuộc sống.
Con người mãi bận rộn, cũng chỉ vì duyên. Duyên mà không dứt chỉ phí công tu. Người muốn rảnh rang thanh sạch phải lo quét dọn tuyết ngõ nhà mình. Duyên duyên phải cắt đứt. Ấy là yếu chỉ: Vạn duyên buông hết.
Duyên trong duyên ngoài đều bặt dứt, đây là chỗ giống Kim Cang nẩy nở.
7. Thành cái gì?
Vua Hiến Tông nhà Tống hỏi Thiền sư Phật Chiếu:
-Đức Thế Tôn vào núi Tuyết, sau thành đạo, hỏi thành cái gì?
Phật Chiếu đáp:
-Dám hỏi bệ hạ đã quên.
Vua rất hài lòng.
-Vua Hiến Tông đã từng hỏi câu này với nhiều vị Thiền Sư khác, nhưng câu đáp không được vua hài lòng lắm).
Bình:
Đức Thế Tôn thành đạo là thành cái gì? Đây là một vấn đề trọng đại. Vua Hiến Tông đã từng hỏi câu này với nhiều Thiền Sư. Thành cái gì? Đã bao người học đạo thắc mắc đều này. Người ta nói “thành” tức chứng Bồ Đề đạt cõi Niết Bàn. Nhưng ở đây Ngài Phật Chiếu trả lời đơn giản:
-Dám bảo bệ hạ đã quên.
“Có” mà không nhớ ra, tức đã “quên”.
Ngài Phật Chiếu rất khéo, vua hỏi việc Phật mà Ngài từ Phật xoay lại vua, vì vua mà chỉ thẳng. Khác nào Đạt Ma Tổ Sư vì vua Lương mà chỉ cho. Ngài đã mạnh dạn nói: Bệ hạ đã quên.
“Quên” cái gì?
-Quên cái đã có.
Ở vị Bệ hạ “có” cái gì?
-Có cái mà nhà vua đã quên.
Cái “có” là cái quí giá tột bực ở một ông vua, ở một người. Nhưng rất tiếc ở nhà vua và con người đều quên.
Đức Phật đã thành đạo, nay Ngài từ bi chỉ thẳng chỗ “thành” ấy. Đó là chỗ mà bệ hạ đã quên, mà bao người đã quên. Thành cái “có” mà đã “quên”.
Thật đơn giản biết bao?
Nhà vua nghe qua mà bừng tỉnh. Tỉnh cái mình đã “có”.
Vua có, người có chăng?-Có.
8. Một tiếng nạt đáng giá ngàn vàng
Thiền Sư Phần ở Kiếm Môn. Thuở nhỏ, một hôm Sư bất thần hiểu đạo rồi tự cạo tóc, nhưng vẫn thường chạy rong chơi trong xóm làng, nên thiên hạ gọi Sư là “Tăng điên”.
Sau Sư xuất gia tham thiền và đến nương Ngài Đại Huệ. Đại Huệ nghe nói “Gã phong điên” nên không cho Sư nhập chúng. Sư đành phải ra đi, đến sông Triết Giang, đứng bên bờ trạm, Sư tủi thân khóc than:
-Ta đã lang thang bao năm trời nay định nương Ngài Đại Huệ mà cũng không được chấp nhận, chắc tại kiếp trước ta không có gieo hạt giống Bát Nhã.
Trong khi đang khóc sướt mướt thì nghe lính nạt:
-Tránh ra, quan Thị Lang đến!
Sư bổng nhiên đại ngộ liền làm bài kệ:
Cơ niên cá sự quảy hung hoài
Vấn tận chư phương nhẫn bất khai
Kim nhật can trường hốt nhiên phá
Nhất thinh giang thượng Thị Lang lai.
Dịch:
Bao năm việc ấy chứa trong lòng
Hỏi hết các nơi mắt chẳng khai
Nay bỗng ruột gan tan vở hết
Trên sông một tiếng Thị Lang lai.
Bình:
Một con người đã thao thức trên lối về đại đạo. Nhưng hình tung kỳ quái, khiến người ruồng rẫy không chấp nhận. Hận mình một nỗi vô duyên, kém mầm Bát Nhã. Thề một quyết hy sinh thân mạng, dứt đi nghiệp chướng oan khiên. Mong sao đời khác tiếp nối trọn lành, không oan oan, ương ương như thuở này nữa.
Thời cơ đã đến. Lính mở đường quát nạt mở lối cho quan Thị Lang tiến bước. Đang khi đau khổ bời bời, ruột gan rối loạn, nỗi lòng rã tan. Giữa cái lúc chỉ còn có ta và ta, niềm băng giá phủ lấp cõi hồn thì tiếng quân thét.
Ngay đó băng tan giá rã, nỗi khổ cuốn trôi. Phăng phăng một mối. Tâm hồn rỗng rang nhẹ hửng. Ngài đã sống lại từ bên kia cõi chết.
*
9. Buông xuống đi!
Nghiêm Vương Tôn Giả hiệu Thiện Tín là đệ tử của Triệu Châu. Một hôm Sư hỏi Triệu Châu:
-Một vật chẳng đem đến thì thế nào?
Triệu Châu bảo:
-Buông xuống đi!
Sư thưa:
-Đã là một vật chẳng đem đến buông cái gì?
Triệu Châu bảo:
-Buông chẳng được thì nên gánh đi.
Qua chuyện này, Ngài Huệ Nam có làm bài tụng:
Nhất vật bất tương lai
Kiên đầu đảm bất khởi
Ngôn hạ hốt tri phi
Tâm trung vô hạn hỷ
Độc ác ký vong hoài
Xà hổ vi tri kỷ
Quang âm cư bách niên
Thanh phong du vị dĩ.
Dịch:
Một vật chẳng đem đến
Trên vai gánh chẳng kham
Qua lời chợt biết lối
Trong tâm vui vô vàn
Lòng quên các độc ác
Cọp rắn làm bạn mình
Thời gian trăm năm lẻ
Gió mát vẫn còn nguyên.
Bình:
Ngài Huệ Nam tuy là người sau, cách nhiều đời mà vẫn tương thông người trước. Ngài đã biết rõ chỗ vì người của Triệu Châu. Kẻ đến hỏi đã mang gông mà còn quảy môi lưỡi. Tiếc thay đương sự chẳng nhận ra. Ngài Huệ Nam qua lời chợt biết lỗi. Lỗi tại chỗ nào?
-Buông!
Lòng Ngài Huệ Nam thư thái nhẹ nhàng. Ngài đã quên các loài độc ác, cùng cọp rắn làm bạn mình. Sao kỳ vậy?
Người đã thôi rồi đa mang nghiệp chướng ẩn chốn cùng cốc sơn lâm mà làm bạn với thú rừng. Ngày qua tháng lại thong thả huân tu.
Dù thời gian trên thế kỷ, giữa mình và người xưa, Ngài vẫn thấy lời kia là làn gió mát. Lời ấy vẫn còn nguyên. Vẫn rõ ràng giữa hoa ngàn cỏ dại.
Lời gì?- Buông!
10. Đạo tại hành động
Cư Sĩ Quách Đạo Nhơn chuyên làm nghề thợ rèn. Một hôm ông đến chùa Cảnh Đức tham cứu với Thiền Sư Trung. Trung bảo:
-Ông bỏ hết những cái nặng đi rồi xoay lại ông mà tham cứu thì việc gì cũng xong.
Sau đó một thời gian, ông trở lại gặp Thiền Sư Trung. Trung bảo:
-Thiện ác như mây nổi, sanh diệt không chỗ nơi.
Ông nghe xong liền đại ngộ. Sau đó ông hay nói những lời lạ. Trước khi chết ông đi giã từ bà con, bè bạn xong về nhà làm một bài kệ để lại rồi ngồi kiết già mà tịch.
Lục thập tam niên đả thiết
Nhật dạ phiến bành bất kiệt
Kim triêu phóng hạ thiết trùy
Hồng lô biến thành bạch tuyết.
Dịch:
Sáu mươi ba năm đập sắt
Ngày đêm quạt lửa chẳng thôi
Hôm nay chùy sắt buông rồi
Lò hồng biến thành tuyết trắng.
Bình:
Người Cư sĩ hành nghề thợ rèn, vậy mà nghiệp chướng nhẹ. Một phen hỏi đạo liền chợt tỉnh, quẳng hết sắt chùy ống bể. Một phen tắt ngún lò hồng, ngay đó trở thành tuyết trắng.
Thật một kẻ phi thường. Việc kiến đạo giải thoát đâu phải chỉ dành cho kẻ trí thức đạo gia. Một tay thợ rèn, khi quăng búa tắt lò thì liền đó bể lửa hóa thanh lương, rảnh tay dạo khúc vô sanh.
11. Tỉnh giác là đạo
Thiền Sư Tư Nghiệp trước khi xuất gia làm nghề đồ tể. Một hôm đang thọc huyết heo bổng chợt tỉnh liền đi xuất gia.
Ngài có làm bài kệ:
Tạc nhật Dạ Xoa tâm
Kim triêu Bồ Tát diện
Bồ Tát dữ Dạ Xoa
Bất cách nhất điều tuyến.
Dịch:
Hôm qua tâm Dạ Xoa
Sáng nay mặt Bồ Tát
Bồ Tát cùng Dạ Xoa
Chẳng cách một sợi tóc.
Bình:
Một con người bị miệt thị là kẻ đồ tể. Thế mà ngay khi xuống tay thọc huyết heo, thì liền chợt tỉnh. Người đồ tể hôm nay khác nào người đồ tể thuở trước: Đồ tể Quảng Ngạch. Phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật (Quăng dao mổ heo, ngay đó thành Phật).
Xưa nay chỉ một tâm. Xưa nay chỉ một hành động. Kẻ xưa và người nay không khác. Người bên cạnh Phật một thuở, người cách Phật nghìn năm vẫn không khác. Tâm và hạnh giống nhau, người nay vẫn đồng xưa. Chánh pháp, mạt pháp nào có quan hệ.
Chánh mạt chỉ ở tâm này.
Làm sao dựng lập thời gian trên một tâm mê hay tâm giác? Giác mê, mê giác bao nhiêu mặt, cách một thời gian nào? Mặt mũi Dạ Xoa và Bồ Tát, chỗ khác nhau được xác định bởi ranh vức nào?
Ai biết rằng, chính đây, ngay đây.
12. Nghịch hạnh
Thượng Tọa Pháp Minh là cháu trong tông Vân Môn. Sau khi ngộ đạo, Ngài về quê và chuyên đi tụng đám, gặp ai mời uống rượu ăn thịt thì xáp vô nhậu đến say mèm, còn ai mời ăn chay thì nhất định từ chối.
Như thế trải qua mười mấy năm. Một hôm Ngài bảo trong chúng:
-Mai ta tịch đây!
Chúng không ai tin cả.
Sáng hôm sau Ngài la to:
-Ta đi đây, hãy đến nghe ta nói kệ:
Bình sanh túy lúy điên quyết
Túy lúy khước hữu phân biệt
Kim triêu tửu tỉnh hà xứ
Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt.
Dịch:
Bình sanh trong say té ngã
Trong say lại có phân biệt
Sáng nay tỉnh rượu đi đâu
Bờ dương liễu, trăng tàn gió sớm.
Ngài nói kệ xong liền tịch.
Bình:
Một con người say khướt đã bao nhiêu năm, công hạnh theo thông thường không có. Một người tu như vậy thật lạ. Vậy mà trước phút ra đi vĩnh viễn khỏi cuộc đời lại hẹn được ngày giờ, lại nói lên điều uẩn áo. Tâm hạnh Thiền Sư thật khó lường.
Phải nói sao cho phải? Rằng say phải hay tỉnh phải? Thế nào là phải?
Nhìn trên hiện tượng quyết đoán bản chất, đâu là chân lý?
Người như vậy còn say còn tỉnh nữa sao?
Phải nói với Ngài thế nào cho phải?
Chỗ về của Ngài là đâu?
-Bờ dương liễu, trăng tàn gió sớm.
13. Hạnh kỳ đặc
Thiền Sư Tu Diễn ở đời Minh, sau khi ngộ đạo ở Thạch Môn, Ngài về trụ tại chùa Đông Sơn, chuyên tu hạnh đầu đà. Đêm nào Sư cũng cởi trần để bố thí cho muỗi, có người thấy thế đem quần áo cúng cho Sư, Sư lại đem cho người khác. Như thế trải qua hơn bốn mươi năm, Sư không hề tắm rửa.
Khi tịch Sư ngồi kiết già, làm kệ xong rồi an nhiên thị tịch, đệ tử đem nhập tháp. Một thời gian sau mở cửa tháp ra thấy Sư vẫn ngồi yên như trước.
Tứ thập niên lai thường tiễn túc
Bất thể đầu hề bất tháo dục
Quận quan vị ngã hoán y sam
Chỉ khủng bình sanh nguyện bất túc.
Dịch:
Bốn chục năm liền thường cởi trống
Đầu chẳng gội chừ thân chẳng tắm
Quận quan vì ngã đổi chiếc y
Chỉ ngại bình sanh nguyện chẳng đủ.
Bình:
Hạnh đầu đà cần khổ nhọc xác thân. Người tu cởi áo phơi mình hiến muỗi xơi. Suốt mấy mươi năm liền như vậy, quả là một con người phi thường. Một việc làm không mấy ai làm được.
Do định lực, do trí lực, do nguyện lực, do gì mà Ngài được như vậy? Việc làm của Ngài thật khó nói. Ngài đâu không tham lý sự? Ngài là kẻ ngộ đạo kia mà. Thì việc làm của Ngài đâu phải là mù quáng. Ngài làm như vậy có mục đích gì, và đã được lợi ích như thế nào? Việc này thật là bí mật. Không thể nói có làm như vậy mới gọi là tu (mục đích), và làm như vậy mới được an nhiên thị tịch (lợi ích), không thể y cứ như vậy. Vì với các vị khác thì sao?
Và dù sao đi nữa, thì một sự thật vẫn hiển nhiên, vẫn sờ sờ ra đó. Cho đến sau khi tịch một thời gian, Sư vẫn ngồi đó.
Trí thì không khác, hạnh thật khó lường. Trí hạnh không hai, diệu dụng bất tư nghì.
14. Ông là Huệ Siêu
một thiền khách tên Huệ Siêu, hỏi thiền sư pháp nhãn:
-Thế nào là Phật?
Pháp Nhãn đáp:
-Ông là Huệ Siêu.
Huệ Siêu nghe xong liền ngộ đạo.
Bình:
Một lời chỉ thẳng đúng đích danh.
Lột mặt nạ chơn nhơn rồi.
15. Ba Cân Gai
Một Thiền khách hỏi Ngài Động Sơn Thủ Sơ:
-Thế nào là Phật?
Động Sơn nói:
-Ba cân gai.
Bình:
Chơn nhơn hiện tiền.
16. Thế nào là Phật
Hòa Thượng Đã Địa bình sinh ai đến hỏi đạo, Ngài cũng lấy gậy đập xuống đất. Một hôm có vị Thiền khách lén dấu gậy rồi hỏi Ngài:
-Thế nào là Phật?
Ngài quơ tay tìm gậy nhưng không có, liền há họng to.
Bình:
Muốn thấy mặt hồ phẳng, trước khi cá ăn móng.
17. Chỗ nào không phải là Phật?
Nam Tuyền, Qui Tông và Ma Cốc đi tham vấn Quốc Sư Huệ Trung. Giữa đường, Nam Tuyền vẽ một vòng tròn nói:
-Nói được thì đi, không nói được thì về.
Qui Tông liền vào trong vòng tròn ngồi kiết già, Ma Cốc giả làm người nữ quỳ xuống đảnh lễ. Nam Tuyền nói:
-Thôi!
Xong cả ba đi về.
Bình:
Đêm rằm lễ sám hối
Trăng rằm sáng vằng vặc
Phật ngự trên tòa sen
Phật tử lễ sám hối
Công đức được vẹn toàn.
18. Khuôn thước người xưa
Ngũ Tổ Pháp Diễn dạy Ngài Phật Nhãn khi đi trụ trì:
-Có phước không nên hưởng hết, hưởng hết thì họa sẽ đến.
-Có thế lực không nên dùng hết, dùng hết thì sẽ bị khinh lờn.
-Ngôn ngữ không nên nói hết, nói hết thì cơ chẳng mật.
-Quy củ không nên hành hết, hành hết thì chúng không ở được. (Phải khéo linh động không nên quá chấp theo quy luật).
Bình:
Người đi trụ trì nên nhớ lời dặn này.
19. Đồng hay khác
Một Thiền khách hỏi Thiền Sư Ba Lăng:
-Tổ ý, giáo ý đồng hay biệt?
Ba Lăng đáp:
-Gà lạnh lên cây, vịt lạnh xuống nước.
Về sau Ngài Bạch Vân Nghĩa Đoan phê bình lời đáp này, nói rằng Ba Lăng chỉ nói được năm phần, theo Ngài sẽ đáp:
Cúc thủy nguyệt tại thủ
Lộng hoa hương mãn y.
Dịch:
Vốc nước trăng trong tay
Đùa hoa hương đầy áo.
Sau Ngài Trung Nguyên lại nói:
-Nghĩa Đoan cũng chỉ nói được tám phần. Theo Ngài thì sẽ đáp:
-Nhơn ngã vô minh xâu một chùm.
Bình:
Tổ ý, giáo ý đồng hay biệt? Ýï Tổ, ý Kinh đồng hay khác?
-Gà lạnh lên cây, vịt lạnh xuống nước. Vịt và gà khác loài. Vịt không là gà, gà không là vịt. Mỗi thứ giữ phận mình. Gà lạnh lên cây, vịt lạnh xuống nước. Cái phận ấy nhằm ổn việc mình.
Người Việt Nam đói ăn cơm. Người Tây đói ăn bánh mì.
Ngài Ba Lăng đã nói gà nói vịt như vậy không lầm. Ngài Nghĩa Đoan lại muốn làm khéo, đè người xưa, giành phần mình, nói:
Vốc nước trăng trong tay
Đùa hoa hương đầy áo.
Lời này bóng bẩy thi vị thay! Nước trăng trong tay, nắm mà không dính. Hương hoa đầy áo, vương mà không nhiễm. Cũng là những muốn làm thơm làm đẹp.
Và rồi, cũng bị nghiệp quả. Ngài Nghĩa Đoan bị Ngài Trung Nguyên đè xuống, nói:
-Nhơn ngã vô minh xâu một chùm.
Loay hoay, đây cũng chỉ là việc nói trăng nói cuội. Cuội và cây đa vậy thôi.
20. Quý ở chỗ thực hành
Thi hào Bạch Cư Dị đến hỏi đạo Thiền Sư Ô Sào:
-Thế nào là căn bản Phật pháp?
Ô Sào đáp:
-Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.
Bạch Cư Dị thưa:
-Câu này con nít ba tuổi cũng thuộc.
Ô Sào bảo:
-Con nít ba tuổi cũng thuộc, nhưng ông già tám mươi tuổi làm cũng không xong.
Bình:
“Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. Các ác chớ làm, điều lành vâng làm. Làm lành lánh dữ. Lời này quả trẻ con ba tuổi cũng thuộc. Nhưng mà lời này ông già tám mươi không làm nổi. Bảy mươi chín năm tạo ác, đến năm tám mươi mới làm thiện, liệu có trừ bảy mươi chín năm tạo ác kia được không?
Việc tu quý ở chỗ thực hành, hành được ít cũng hơn nói nhiều mà không làm, nên cổ đức nói: “Nói một trượng không bằng làm một thước, nói một thước không bằng làm một tấc”.
21. Nêu gương bất khuất
Quốc Sư Nhật Quang Viên Minh Thường Chiếu (Nhật Hoàng phong tặng). Sư gốc Trung Hoa, sau khi ngộ đạo nơi Thiền Sư Vô Chuẩn, Sư đi du phương đến mỗi nơi đều có phát minh. Sau trong nước có loạn, Sư đến tị nạn tại chùa Ôn Nhân núi Nhạn Đảng Ôn Châu. Khi giặc Minh kéo đến, Tăng chúng chạy hết duy chỉ có Sư ở lại. Giặc thấy Sư ngồi kiết già bèn lấy đao khứa cổ. Sư ngữa cổ ra và nói kệ:
Càn khôn vô địa trác công cung
Thả hỉ nhơn không pháp diệc không
Trân trọng đại minh tam xích kiếm
Điện quang ảnh lý trảm xuân phong.
Dịch:
Trọn không chút đất cắm cây cung
Mừng thấy nhơn không pháp cũng không
Trân trọng mời ông hươi kiếm bén
Lướt nhanh trong bóng chém xuân phong.
Sư đọc kệ xong, thần sắc vẫn không thay đổi, khiến giặc hoảng hốt lạy tạ lỗi rồi rút lui. Sau Nhật Bổn nghe danh thỉnh Sư sang giáo hóa và phong làm Quốc Sư.
Bình:
Ví gặp gươm đao thường thản thản
Phỏng nhằm thuốc độc vẫn nhàn nhàn.
Con người bình an đến như thế là cùng. Gươm đưa vào cổ vẫn còn ngâm nga kệ xướng. Trước môn quan vẫn điềm nhiên xem như không có. Việc sanh tử thật chẳng bận lòng. Ngài thật xứng với tôn vị Quốc Sư.
Kẻ đã không màng sống chết, thì việc danh lợi có sá gì. Quốc Sư hay kẻ bần Tăng cũng vậy thôi. Lá cờ rũ hay lá cờ phất cũng chỉ là lá cờ. Việc khác nhau đó chỉ là duyên. Phải duyên ngẩng đầu cứa cổ thì ngẩng đầu. Phải duyên ngất ngưởng tòa cao thì ngất ngưởng. Thế nào cũng chỉ là dung nghi một vị chân Tăng thôi.
Với cái kẻ “càn khôn vô địa, nhơn không pháp diệc không” thì còn gì để nói. Có kiếm cũng nên quăng, có lời cũng nên ném, dập đầu mà đảnh lễ tôn vinh cúng dường.
22. Các khổ không thể đến
Một thiền khách đến hỏi một vị cổ đức:
-Khi lạnh nóng đến làm sao tránh né?
-Trong chảo dầu lò lửa mà tránh né.
-Trong chảo dầu lò lửa làm sao tránh né?
-Các khổ không thể đến.
Sau Ngài Phật Quang Viên Mãn Quốc Sư có làm bài bình:
Lão khứ tha hương ngộ cố tri
Điều điều huề thủ khước đồng qui
Dạ thâm khả tận tôn tiền tửu
Mạc thuyết thiên nhai cước thống thì.
Dịch:
Lão đến tha hương ngộ cố tri
Xa xôi tay nắm dắt nhau về
Đêm khuya đã cạn chén rượu trước
Chớ nói trên đường gót chân đau.
Bình:
Một việc tránh né nóng lạnh thật tuyệt diệu. Hãy ngay trong “chảo dầu, lò lửa” mà tránh né. Hay biết mấy! Vì nơi ấy các khổ không thể đến (đến bị cháy sao). Thật lý thú biết bao!
Việc sanh tử hãy như vậy mà tránh né.
Quốc Sư Phật Quang Viên Mãn có lời bình thật hay. Ngài đã chỉ rõ chỗ tránh né.
Người khách qua lại trên nẻo đường sinh tử, gặp bạn cố tri. Gặp lại rồi người bạn cố tri ngay trên đường sanh tử, thì hãy “đề huề” lưng túi gió trăng nhâm nhi mỹ tửu, thưởng thức hương nồng, bàn chi hành trình nhọc mỏi. Chuyện nhọc nhằn chỉ là chuyện trên đường. Nơi thảo lư chỉ có ta và ta, ly rượu vơi đầy, nốc cạn quần say mặc tình đất trời nghiêng đổ, chuyện nhọc nhằn có không.