CHƯƠNG VI
BÀI TỤNG VỀ ƯU-TẤT-XOA (Thiền)
Phàm định loạn đôi đường nhưng nguồn động tịnh không hai, ngu tuệ trái nẻo mà gốc sáng tối chẳng khác. Bọn mê theo tối phản sáng, bỏ tịnh cầu động. Người ngộ phản động theo tịnh, bỏ tối cầu sáng. Sáng sanh thì chuyển ngu thành tuệ, tịnh lập thì dứt loạn thành định. Định lập là do phản động, tuệ sanh là do bỏ tối. Tối và động liên hệ trong lồng phiền não, tịnh và sáng hướng về nơi vật biểu lộ. Vật không thể làm ngu là do công của tuệ, phiền não không thể làm loạn là do công của định. Định tuệ lại giúp cho sự lặng yên sáng suốt, ngu loạn buộc nhau ở chốn tối tăm, diêu động. Động mà hay tịnh tức là loạn mà định; tối mà hay sáng tức là ngu mà tuệ vậy. Như thế, gốc của tối và động không khác, sáng và tịnh do đây hợp đạo. Nguồn của ngu và loạn chẳng khác, định và tuệ do đó đồng tông. Tông đồng thì vô duyên từ, định tuệ thì tịch mà thường chiếu. Tịch mà thường chiếu thì song dữ (cả hai đều cho), vô duyên từ thì song đoạt (cả hai đều cướp). Song đoạt thì Ưu-tất-xoa (thiền), song dữ thì Tỳ-bà (quán) và Xa-ma (chỉ). Vì Xa-ma-tha (chỉ) tuy tịch mà thường chiếu, vì Tỳ-bà-xá-na (quán) tuy chiếu mà thường tịch, vì Ưu-tất-xoa (thiền) chẳng phải chiếu chẳng phải tịch. Vì chiếu mà thường tịch nên nói tục mà tức chân, vì tịch mà thường chiếu nên nói chân mà tức tục, chẳng phải tịch chẳng phải chiếu nên ngậm miệng ở Tỳ-da([15]).
Lại nữa còn có mười môn quán tâm:
1- Nói về pháp nhĩ
2- Nêu ra quán thể
3- Nói về sự tương ưng
4- Cảnh tỉnh sự thượng mạn
5- Răn sự biếng lười, xao lãng
6- Nêu lại quán thể
7- Nói về thị phi
8- Chọn lựa thuyên chỉ
9- Chạm cảnh thành quán
10- Khéo hợp với nguồn huyền
1- Nói về pháp nhĩ: Luận về tâm tánh thì rỗng rang thông suốt, nguồn động tịnh không hai, chân như tuyệt lự cùng niệm duyên chấp trước cũng chẳng khác. Hoặc kiến lăng xăng, cùng tột chỉ là nhất tịch. Nguồn linh không hình soi vào thì có thiên sai (ngàn thứ sai khác). Thiên sai chẳng đồng nên tự lập ra cái tên Pháp nhãn. Nhất tịch không khác nên cái hiệu tuệ nhãn vẫn còn. Cả hai lý và lượng đều tiêu thì công năng Phật nhãn tròn đủ. Vì vậy Tam đế nhất cảnh nên lý Pháp thân hằng thanh tịnh. Tam trí nhất tâm nên ánh Bát-nhã thường soi chiếu. Cảnh trí thầm hợp nên giải thoát tùy cơ, chẳng phải dọc chẳng phải ngang mà đạo tròn đủ như chữ y (...) gặp gỡ nhau một cách nhiệm mầu. Cho nên biết diệu tánh của tam đức([16]) rõ ràng không trái, nhất tâm sâu rộng khó lường đâu có cái gì chẳng phải là đường giải thoát. Do đó, tức tâm là đạo, có thể nói là lần theo dòng mà đến được nguồn vậy.
2- Nêu ra quán thể: Chỉ cần biết nhất tâm tức không mà chẳng không, chẳng không mà chẳng phải chẳng không.
3- Nói về sự tương ưng: Tâm cùng với không tương ưng thì khen chê đâu có mừng lo. Thân cùng với không tương ưng thì dao cắt hay hương xoa cũng đâu có khổ sướng. Y báo cùng với không tương ưng thì thí cho hay cướp đoạt cũng đâu có được mất.
Tâm cùng không mà chẳng không tương ưng thì ái kiến đều quên, từ bi cứu khắp tất cả. Thân cùng không mà chẳng không tương ưng thì bên trong đồng với cây khô, bên ngoài hiện đủ oai nghi. Y báo cùng không mà chẳng không tương ưng thì vĩnh viễn dứt sự tham cầu mà đem tiền của giúp người.
Tâm cùng không mà chẳng không, chẳng không mà chẳng phải chẳng không tương ưng thì thật tướng mới tỏ, mở tri kiến Phật. Thân cùng không mà chẳng không, chẳng không mà chẳng phải chẳng không tương ưng thì một trần nhập chánh thọ, các trần tam-muội khởi. Y báo cùng không mà chẳng không, chẳng không mà chẳng phải chẳng không tương ưng thì hóa sanh đài hương, lầu báu, cõi nước trang nghiêm.
4- Cảnh tỉnh sự thượng mạn: Nếu chưa được như trên thì chưa tương ưng.
5- Răn sự biếng lười xao lãng: Như qua biển cần phải lên thuyền không nhờ thuyền thì làm sao qua được. Tu tâm cần phải nhập quán, chẳng có quán thì lấy gì để minh tâm. Tâm còn chưa minh thì ngày nào tương ưng. Hãy nên suy xét kỹ, chớ nên tự thị.
6- Nêu lại quán thể: Chỉ biết nhất niệm tức không bất không, phi hữu phi vô, chẳng biết tức niệm, tức không bất không, phi-phi-hữu phi-phi-vô.
7- Nói về thị phi: Tâm chẳng phải hữu, tâm chẳng phải vô, tâm chẳng phải phi hữu, tâm chẳng phải phi vô. Là hữu là vô tức là sa vào thị; phi hữu phi vô tức là rơi vào phi. Như vậy, chỉ là cái phi (sai) của thị và phi, chưa phải là cái thị (phải) của phi thị và phi phi. Nay dùng hai cái phi để phá hai cái thị, thị phá phi thị vẫn còn là phi. Lại dùng hai cái phi để phá hai cái phi, phi phá phi phi tức là thị. Như vậy, chỉ là cái thị của phi thị và phi phi, chưa phải là bất phi bất bất phi, bất thị bất bất thị. Cái lầm về thị phi nhỏ nhiệm rất khó thấy, phải để tinh thần sáng suốt, tư lự lặng yên hầu nghiên cứu kỹ lưỡng.
8- Chọn lựa thuyên chỉ([17]): Nhưng mà chí lý thì không lời, mượn văn ngôn để nói về ý chỉ của lý. Ý chỉ và tông thú chẳng phải là quán, nhờ tu quán để hội được tông thú. Nếu ý chỉ chưa minh thì lời chưa đúng; nếu tông thú chưa hội thì quán chưa sâu. Quán sâu mới hội được tông thú, lời đúng mới rõ được ý chỉ. Ý chỉ và tông thú đã hiểu rõ rồi thì lời nói và quán đâu còn tồn tại nữa.
9- Chạm cảnh thành quán: Phàm diễn lại ngôn từ, nêu lại quán thể là muốn nói về tông thú và ý chỉ không khác. Lời nói và quán tùy nơi mà dời đổi. Đổi lời thì ngôn và lý không sai, đổi quán thì quán và ý chỉ không khác. Ý chỉ không khác tức là lý, lý không sai tức là tông. Tông thú và ý chỉ là một nhưng hai tên, mà lời nói và quán là phương tiện dẫn dắt.
10- Khéo hợp với nguồn huyền: Phàm người ngộ tâm đâu chấp quán mà mê ý chỉ, người đạt giáo há trệ lời mà lầm lý. Lý tỏ thì đường ngôn ngữ dứt, lời nào có thể nói bàn. Ý chỉ hội thì chỗ tâm hành diệt, quán nào có thể nghĩ ngợi. Tâm ngôn chẳng thể nghĩ bàn, thật đáng là “diệu khế hoàn trung” vậy.