CHƯƠNG V
BÀI TỤNG VỀ TỲ-BÀ-XÁ-NA (Quán)
Phàm chẳng phải trí thì chẳng biết cảnh, nếu chẳng có cảnh thì trí chẳng sanh. Trí sanh là biết cảnh mà sanh, biết cảnh là do trí sanh mà biết. Trí sanh mà biết thì biết không có cái bị biết (sở liễu). Biết cảnh mà sanh nên sanh không có cái hay sanh (năng sanh). Sanh không có cái hay sanh, tuy trí mà chẳng phải có. Biết mà không có cái bị biết, tuy cảnh mà chẳng phải không. Không tức chẳng không, có tức chẳng có, có không đều chiếu cả hai thì diệu ngộ hiển nhiên. Như lửa được củi càng thêm cháy mạnh, củi dụ như cảnh để phát sanh trí, lửa dụ cho diệu trí biết cảnh. Có lời rằng:
Đạt tánh không, chẳng trói buộc
Tuy duyên giả, không đắm trước
Hai cảnh có không đồng soi
Một tâm trung quán siêu vượt.
Nếu trí biết nơi cảnh tức là trí biết cảnh không, như mắt thấy hoa không là mắt biết hoa không. Nếu trí biết nơi trí, tức là trí biết trí không, như mắt thấy con mắt không là mắt biết mắt không. Trí tuy biết cảnh không và biết trí không, nhưng chẳng phải không trí biết cảnh. Cảnh không trí vẫn có. Trí biết cảnh không và trí không, nên không có cảnh nào trí chẳng biết, như con mắt biết hoa không và biết mắt không, nhưng chẳng phải không biết có mắt thấy hoa. Hoa không mắt vẫn có. Mắt biết hoa không và mắt không nên có hoa nào mà mắt chẳng biết.
Lại nữa, tất cả các pháp đều là nhân duyên giả dối, vì nhân duyên sanh nên đều không Tự tánh. Một pháp đã vậy, muôn pháp cũng vậy. Cảnh trí theo nhau thì đâu chẳng lặng. Vì sao? Vì pháp nhân duyên tánh không sai biệt. Nay đây ba cõi luân hồi, sáu đường lên xuống, tịnh uế khổ lạc, phàm Thánh sai khác đều do ba nghiệp, bốn nghi([14]) sáu căn đối cảnh. Theo tình tạo nghiệp, quả báo chẳng đồng, thiện thì hưởng lạc, ác thì thọ khổ. Cho nên kinh nói: “Thiện ác là nhân, khổ lạc là quả.” Phải biết pháp không có tướng nhất định, tùy duyên tập hợp cấu thành, duyên chẳng phải là có ngã, cho nên gọi là Tánh không. Không nên chẳng phải khác, do đó muôn pháp đều Như. Vì thế kinh nói: “Sắc tức là không, bốn ấm kia cũng vậy.” Như vậy, đâu riêng gì loài phàm tục có duyên sanh, mà hàng Tam thừa Thánh quả cũng từ duyên có. Thế nên kinh nói: “Phật chủng từ duyên khởi.” Do đó muôn cơ tụ hợp, người đạt thì không đâu chẳng phải đạo tràng; sắc tượng vô biên, người ngộ rồi thì không có gì chẳng phải Bát-nhã. Cho nên kinh nói: “Vì sắc vô biên nên biết Bát-nhã cũng vô biên.” Vì sao? Vì cảnh chẳng phải trí thì chẳng biết, trí chẳng phải cảnh thì chẳng sanh. Trí sanh thì biết cảnh mà sanh, biết cảnh thì trí sanh mà biết. Trí sanh mà biết, biết không có cái bị biết (sở liễu). Biết cảnh mà sanh, sanh không có cái hay sanh (năng sanh). Sanh không có cái hay sanh thì nội trí lặng lặng. Biết không có cái bị biết thì ngoại cảnh như như. Như và lặng không sai khác thì cảnh và trí hợp nhất, muôn lụy đều hết, diệu chỉ hãy còn. Cho nên kinh nói: “Bát-nhã không biết mà không cái gì chẳng biết.” Như vậy diệu chỉ chẳng phải biết, không biết mà biết vậy.