Thứ Bảy 21/12/2024 -- 21/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Thiền đốn ngộ - Tiểu dẫn

TIỂU DẪN

Quyển này nhan đề Thiền Tông Vĩnh Gia Tập, còn được gọi là Vĩnh Gia Tập,do Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, đệ tử nối pháp của Lục tổ Huệ Năng, trước tác. Nội dung toàn tập được chia làm mười chương:

  1. Nghi thức lập chí mộ đạo
  2. Răn ý kiêu sa
  3. Tịnh tu ba nghiệp
  4. Bài tụng về Xa-ma-tha
  5. Bài tụng về Tỳ-bà-xá-na
  6. Bài tụng về Ưu-tất-xoa
  7. Cấp bậc lần lượt của ba thừa
  8. Sự lý không hai
  9. Thư khuyên bạn hữu
  10. Văn phát nguyện

Trong đây, ba chương đầu là phần tự, năm chương kế là phần chánh tông, hai chương cuối là phần lưu thông. Tập này trình bày về dụng ý Thiền định, lịch trình tu tâm, còn nhắc nhở người tu thiền phải cẩn thận giữ gìn ba nghiệp thân miệng ý cho thanh tịnh.

Tác giả húy là Huyền Giác (665-713), họ Đới, người đời Đường ở đất Vĩnh Gia (nay là huyện Vĩnh Gia, tỉnh Triết Giang). Ngài xuất gia từ tấm bé, tinh thông Tam tạng, sở trường về môn Chỉ Quán Thiên Thai. Về sau, nhân được Thiền sư Tá Khê Huyền Lãng khích lệ, Ngài cùng với Thiền sư Đông Dương Huyền Sách đến tham bái Lục tổ Huệ Năng, chỉ một đêm Ngài được ấn khả nên người đời gọi là “Nhất túc giác” (một đêm giác ngộ). Sáng hôm sau Ngài xuống núi trở về Ôn Giang tuyên dương ý Tổ, kẻ đến học rất đông đảo, tông phong hưng thạnh, hiệu là Chân Giác đại sư. Ngày 17 tháng 10 năm thứ sáu niên hiệu Tiên Thiên (713 TL), đời vua Đường Huyền Tôn, Ngài an tọa thị tịch. Ngày 13 tháng 11 an táng tại hướng nam Tây Sơn, tháp hiệu Tịnh Quang, thụy phong Vô Tướng đại sư, người đời thường gọi Ngài là Vĩnh Gia đại sư. Ngài trước tác tập này cùng một thiên Chứng Đạo Ca đều được lưu truyền trong đời.

 

THIỀN TÔNG VĨNH GIA TẬP

Tập này được chia làm mười chương:

1- Nghi thức lập chí mộ đạo: Phàm muốn tu đạo trước tiên phải lập chí và học nghi tắc hầu Thầy. Do đó chương đầu tiên nói về nghi thức mộ đạo.

2- Răn ý kiêu sa: Ban đầu dù đã lập chí tu đạo khéo biết qui nghi. Nếu ba nghiệp kiêu sa thì vọng tâm khuấy động làm sao được định. Do đó chương thứ hai nói về răn ý kiêu sa.

3- Tịnh tu ba nghiệp: Trước đã lược nêu cương yếu về việc ngăn cấm kiêu sa. Nay kiểm điểm kỹ lưỡng lại khiến cho lỗi chẳng sanh. Do đó chương thứ ba nói về tịnh tu ba nghiệp.

4- Bài tụng về Xa-ma-tha (Chỉ): Trước đã kiểm trách thân và miệng khiến lỗi thô không sanh. Kế đến phải vào cửa tu đạo, theo thứ tự thì chẳng ra ngoài định tuệ, năm loại móng tâm, sáu khoa liệu giản. Do đó chương thứ tư là bài tụng về Xa-ma-tha.

5- Bài tụng về Tỳ-bà-xá-na (Quán): Chẳng phải giới thì không thiền, chẳng phải thiền thì không tuệ. Trên đã tu định, định lâu thì tuệ sáng. Do đó chương thứ năm là bài tụng về Tỳ-bà-xá-na.

6- Bài tụng về Ưu-tất-xoa (Xả): Tu riêng môn định, định lâu bị chìm; học riêng môn tuệ, tuệ nhiều tâm động. Do đó chương thứ sáu là bài tụng về Ưu-tất-xoa, định tuệ cân bằng khiến không chìm không động, định tuệ quân bình buông xả nhị biên([5]).

7- Cấp bậc lần lượt của ba thừa: Định tuệ đã quân bình thì tịch mà thường chiếu, tam quán nhất tâm thì nghi nào chẳng trừ, trí chiếu nào không viên mãn. Tự mình dù đã hiểu rõ ràng nhưng thương người chưa ngộ, ngộ có cạn sâu. Do đó chương thứ bảy nói về cấp bậc lần lượt của ba thừa.

8- Sự lý không hai: Ba thừa ngộ lý, không lý nào chẳng cùng. Tột lý ở nơi sự, rõ sự tức lý. Do đó chương thứ tám nói sự lý không hai, tức sự là chân dùng để trừ kiến chấp điên đảo.

9- Thư khuyên bạn hữu: Sự lý đã dung, nội tâm tự sáng, lại thương người học đạo đời sau luống uổng tấc bóng. Do đó chương thứ chín là thư khuyên bạn hữu.

10- Văn phát nguyện: Khuyên bạn tuy là thương người nhưng còn để ý chú trọng đến một người, tâm chưa cùng khắp. Do đó chương thứ mười nói về văn phát nguyện thệ độ tất cả vậy.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1362533
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
5862
7824
80275
1253866
138226
109310
1362533