CHÁNH VĂN:
Đệ bát giác tri:
Sanh tử xí nhiên.
Khổ não vô lượng,
Phát đại thừa tâm,
Phổ tế nhất thiết,
Nguyện đại chúng sanh,
Thọ vô lượng khổ,
Linh chư chúng sanh,
Tất cánh đại lạc.
DỊCH:
Điều thứ tám lại nên giác ngộ:
Tử sanh hoài đau khổ vô cùng.
Phát tâm dõng mãnh đại hùng,
Quyết lòng độ hết đồng chung Niết-bàn.
Thà mình chịu khổ muôn vàn,
Thay cho tất cả an nhàn thảnh thơi.
Mọi người đều được vui tươi,
Đến bờ giác ngộ rạng ngời hào quang.
GIẢNG:
Đệ bát giác tri:
Sanh tử xí nhiên.
Khổ não vô lượng,
Phát đại thừa tâm,
Phổ tế nhất thiết.
Điều giác ngộ thứ tám, Phật dạy việc sanh tử của chúng sanh quá nhiều, liên tục không dứt, nên sự khổ não không thể nào kể hết được, mỗi lần chết đi sanh lại là chịu nhiều khổ đau. Hiện tại chúng ta đang mang thân này, là đã trải qua vô lượng kiếp bỏ thân rồi mang thân. Như vậy thì sự khổ não không thể tính kể. Quí vị thử xét lại xem, như ở trước đã nói, chỉ một đời này thôi chúng ta cũng đã chịu nhiều đau khổ, huống là trải qua nhiều đời. Khi lọt lòng mẹ mở mắt chào đời cất tiếng khóc vang là một lần khổ, rồi lớn dần, mỗi khi biết lật biết bò, biết ngồi biết đi… là ấm đầu nhuốm bệnh… Khi lớn khôn đi học hay đi làm ăn xa, mỗi lần xa cách là mỗi lần nhớ thương đau khổ. Lại mỗi lần buồn lo, sợ hãi, giận ghét là mỗi lần đau khổ. Lại nữa, mỗi lần yếu đau bệnh hoạn hay chết chóc của người thân hoặc của mình là mỗi lần đau khổ… Một đời người chuyện buồn lo thương ghét giận hờn… xảy ra không biết bao nhiêu lần, không thể tính hết được. Như vậy vô lượng vô số kiếp niềm đau nỗi khổ của chúng sanh làm sao tính đếm được!
Chúng sanh vì mê muội hiện sống trong đau khổ lại tưởng là vui, cứ đắm mình trong đau khổ. Chết đi sanh lại là khổ mà có ai biết chán biết sợ! Sống trong đau khổ mà nghe nói chết là không ưng. Ai cũng muốn cho mình được sống lâu. Nhưng thử hỏi sống để làm gì? Đa số người đời mong sống lâu để thọ hưởng ngũ dục, chớ không biết nương nhờ mạng sống để tu, để giải quyết cái khổ sanh tử luân hồi. Nhiều người lầm tưởng người tu do chán đời sợ khổ, nên trốn vô chùa để ẩn dương nương Phật, tránh không còn thấy không còn bị khổ nữa. Người tu với tâm niệm như thế thì tu không tiến bộ, không lợi ích. Người tu cần phải có trí tuệ, trước là phản tỉnh phá trừ vô minh phiền não tự tâm, sau đó phát tâm Đại thừa làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Phát tâm Đại thừa làm lợi ích cho tất cả chúng sanh bằng cách nào? Nguyện thay chúng sanh chịu vô lượng khổ. Giả sử có người phạm pháp bị tội, chính quyền đang truy nã tội phạm. Lúc đó có người phát tâm ra nhận tội thế cho kẻ phạm pháp, chính quyền bắt người nhận tội hành hình chớ không bắt người phạm pháp. Đó là trường hợp thay chúng sanh chịu khổ. Tuy nhiên, ở đời có mấy ai tốt bụng như thế. Giả sử bị đổ tội thì lại kêu oan không nhận tội. Như vậy với tâm niệm của chúng sanh, ai cũng muốn cho bản ngã mình được sung sướng, luôn bảo vệ cho bản ngã được an ổn, chớ không ai chịu khổ thế cho ai, ngoại trừ hàng Bồ-tát. Song Bồ-tát thay chúng sanh chịu khổ như thế nào?
Trước tôi giải thích những việc của chúng sanh và sự đau khổ của sanh tử. Sau đó mới nói đến thay chúng sanh chịu khổ của Bồ-tát.
Trong kinh có ghi lại đoạn Phật nói về tương lai:
“… Qua thời kỳ kiếp giảm, sẽ tới thời kỳ kiếp tăng. Khi tuổi thọ con người tăng lên đến tám mươi bốn ngàn tuổi thì Phật Di-lặc ra đời. Khi Phật Di-lặc ra đời thì có một vị Chuyển Luân Thánh vương cũng ra đời cai trị thiên hạ bằng chánh pháp. Bấy giờ dân chúng được an cư lạc nghiệp sống đời thái bình. Khi nghe Phật nói như vậy, một vị Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con nguyện tu cho đến khi đức Phật Di-lặc ra đời, con sẽ làm vị Chuyển Luân Thánh vương đó, để đem giáo pháp của Phật ra giáo hóa chúng sanh.
Đức Phật bèn duỗi ngón tay xuống đất, khơi một chút phân trâu (tập tục Ấn Độ thường dùng phân trâu để tráng nền nhà), Ngài đưa ngón tay có dính phân trâu lên, hỏi đại chúng:
- Ngón tay ta có dính chút phân trâu là dơ hay sạch?
- Bạch Thế Tôn, dơ.
- Như vậy đáng bỏ hay đáng giữ?
- Đáng bỏ.
Phật dạy: Một chút phân trâu dính trên đầu móng tay còn chán sợ phải bỏ, huống nữa là nhiều. Cũng thế, mỗi một lần sanh tử là mỗi một lần khổ đau nhơ nhớp. Nhơ nhớp gấp mấy lần chút phân trâu này mà ông không biết chán sợ, lại muốn sanh tử nhiều lần, chờ chừng đó để làm Chuyển Luân Thánh vương có phải là ngu si không?”
Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ một lần sanh tử là chịu vô số khổ não. Vì vậy, mà phải biết đặt vấn đề: Làm sao giải quyết việc sanh tử của mình cho xong, để rồi còn giúp người khác giải quyết sanh tử của họ nữa. Khi đã được nghe kinh sớm giác ngộ, mà cứ quan niệm rằng: “thôi mình an phận, cứ lo làm phước lành, mong cầu đời sau được giàu sang sung sướng, hưởng phước báo ở cõi trời cõi người…” người quan niệm như thế là không có tâm muốn thoát ly khổ sanh tử luân hồi, vì khi hưởng hết phước thì sẽ bị đọa. Thế nên người trí phải tỉnh giác, thấy rõ sanh tử là nỗi khổ lớn cần phải thoát ra, chớ có lầm tưởng sống đây là khỏe mạnh là hạnh phúc, rồi không chịu tu hành cứ đắm chìm mãi trong đó.
Ở đây Phật chỉ cho chúng ta thấy vòng sanh tử liên tục, sự khổ não không thể nào đo lường hết được, để chúng ta phát tâm cần cầu thoát ra khỏi vòng khổ não đó và thay chúng sanh chịu khổ.
Thay chúng sanh chịu khổ, không phải thấy người khuân vác gánh gồng ngoài phố ngoài đồng nặng nhọc, chúng ta đến đó xin gánh giùm cho họ. Nếu thay như thế thì chúng ta chỉ thay được vài người thôi, còn bao nhiêu người khác khổ cực ai thay cho họ? Ít người gánh gồng khuân vác nặng nhọc, chúng ta thế được, còn khổ vì bệnh hoạn phiền não, chết chóc thì làm sao thế được? Tất cả bệnh như tim, gan, phổi, ruột… ai đau người ấy phải chịu. Hoặc buồn rầu, lo sợ, giận tức… ai phiền não thì người đó mang. Hay chết chóc, dù con cũng không thế cho cha được, vợ cũng không thế cho chồng được… Chỉ thay bằng cách đem lời Phật dạy, phá mê đánh thức cho người khổ đau tỉnh giác, hết mê lầm, không tạo nghiệp ác để thọ quả khổ, và không còn đi trong luân hồi sanh tử nữa. Song, đem lời Phật dạy ra nói suông để người nghe suông chưa được, mà tự mình phải chịu cực khổ nhọc nhằn, thức khuya dậy sớm để học để tu, tìm cầu cho ra lý đạo, rồi đem đạo lý được giác ngộ ra giảng giải cho mọi người nghe, và hướng dẫn cho họ tu hành khiến họ giác ngộ, thoát vòng luân hồi sanh tử. Thay cái khổ cho chúng sanh là thay như thế. Khi xưa, Thái tử Sĩ-đạt-ta (Siddhàta) giác ngộ lý vô thường sanh già bệnh chết khổ đau của kiếp người, Ngài liền bỏ cung vàng điện ngọc, đi tu để tìm một lối thoát, trước tự cứu mình sau cứu độ chúng sanh, vì Ngài thấy rõ mình cũng đang chìm đắm trong sanh tử khổ đau cần phải thoát ra trước, rồi mới có thể cứu người thoát ra sau.
Quí Phật tử nghe Phật dạy thân chúng ta không thật, chỉ là tạm bợ vô thường là khổ, không, vô ngã, nên sự còn mất của thân này không còn là vấn đề quan trọng nữa, nhờ vậy mà bớt chấp về thân. Bớt chấp thân thì bớt khổ về thân. Ví dụ, từ trước có người bị tai nạn hay đau bệnh thì khóc sướt mướt kêu than thảm thiết. Sau, biết tu hành có tỉnh giác tuy gặp tai họa, ốm đau hay chết chóc, họ không còn lo sợ buồn khổ khóc lóc nữa. Lại, bớt chấp tâm là bớt khổ về tâm. Chẳng hạn người bị mạ lị chỉ trích, khi chưa biết tu thì tự ái buồn phiền khổ sở, nhưng khi biết tu thì tự xét lại mình xem có vấp phải lỗi lầm ấy không? Nếu xét thấy có lỗi thì sửa chữa, nếu không có lỗi thì bỏ qua, lòng an ổn, lo tiến tu. Sở dĩ lâu nay chúng ta khổ nhiều là do chúng ta mê mờ thấy biết sai lầm, cùng một sự việc xảy ra mà khi mê thì khổ, lúc tỉnh thì an, có khác nhau. Ngay trong cuộc sống này, người giác ngộ biết tu đã làm vơi đi mọi sự khổ đau rồi. Như thế, Phật không cứu khổ cho chúng sanh là gì? Tuy nhiên, nói Phật cứu chúng ta, nhưng kỳ thật mình tự cứu lấy mình. Vì nhờ Phật chỉ dạy pháp tu, chúng ta học hiểu và ứng dụng vào cuộc sống, nên bớt khổ an vui, tức là đã tự cứu lấy mình. Như vậy là mỗi người đều có sẵn Phật của mình, nên ở bất cứ trường hợp nào cũng được an ổn. Như trường hợp một Phật tử người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long, giỏi chữ Hán, thâm hiểu Phật pháp. Trước kia Sư cụ Huệ Quang có tặng cho Phật tử ấy một cuốn kinh Pháp Bảo Đàn, dặn dò hãy đọc cho kỹ để ứng dụng tu hành. Đạo hữu đọc mãi gần thuộc lòng. Một hôm công việc làm ăn bất ổn sao đó, đạo hữu bị bắt nhốt trong khám. Những người cùng bị giam buồn rầu than oán rên xiết, còn đạo hữu thì nhớ lời Phật dạy cố gắng tu hành, cứ ngồi thiền hoài, nhờ lo tu mà không thấy khổ. Chúng ta thấy cùng một hoàn cảnh, người không biết tu thì đau buồn khổ não, người thâm hiểu Phật pháp biết tu hành vẫn được an ổn không khổ đau.
Nếu không vạch rõ ra thì quí Phật tử không hiểu, cứ thắc mắc kinh nói Phật cứu chúng sanh, sao chúng sanh khổ mà Ngài không hiện ra để cứu? Chớ thiển cận! Đừng tưởng Phật cứu là đưa tay kéo mình lên, hoặc bị nhốt trong khám, Phật mở cửa khám đưa mình ra. Không phải vậy! Phật cứu khổ chúng sanh là chỉ dạy cho thấy rõ lý vô thường khổ, không, vô ngã, rồi chúng sanh nương theo lời Phật dạy tu hành, tự mình thoát khỏi sanh tử khổ đau và cứu giúp người được hết khổ như mình. Hiểu như vậy mới không lầm phát tâm Đại thừa, nguyện thay chúng sanh chịu khổ là làm mọi việc nặng nhọc thế cho mọi người, mà mọi người phải lưu ý là, chính mình tu cho hết phiền não mê mờ dứt khổ đau, mới đủ khả năng, đủ sáng suốt hướng dẫn người khác tu. Nếu tự mình không tu, không hết phiền não vô minh, trí tuệ chưa sáng, làm sao hướng dẫn người ta tu? Cũng giống như muốn cứu người sắp chết chìm giữa dòng sông, điều kiện tất yếu là mình phải biết lội, lội giỏi, có thuyền bè hoặc phao nổi thì mới cứu được. Ngược lại, nếu thấy người đang lặn hụp sắp chết chìm giữa dòng sông, lòng thương xót muốn cứu vớt, mà không biết lội, không phao nổi, không thuyền bè làm sao cứu? Chỉ thương suông thôi!
Lội giỏi, thuyền bè, phao nổi, chỉ cho sự tu hành, đoạn dứt vô minh phiền não, hết khổ đau, trí tuệ sáng suốt, đạo lực vững vàng. Người như thế mới đủ khả năng tế độ người đang trầm luân trong sanh tử khổ đau.
Ví dụ quí vị có bạn bè hay thân nhân gặp tai nạn, hoặc làm ăn bị thất bại họ đau buồn khổ sở. Quí vị gặp hoàn cảnh như vậy, cũng buồn rầu khổ não như họ, thử hỏi quí vị có thể khuyên bảo họ bớt buồn bớt khổ được không? - Chắc chắn là không. Vì quí vị đâu tỉnh sáng, đâu có lời chân lẽ thật để khuyên. Chỉ khi nào quí vị tu giác ngộ giải thoát rồi, gặp hoàn cảnh xuôi ngược thế nào cũng vẫn an nhiên tự tại, thì mới có thể khuyên họ được. Như vậy, chúng ta phải tự tạo cho mình một đời sống an vui sáng suốt tự chủ. Tức là chúng ta lấy trí tuệ và từ bi làm chiếc bè, làm phao nổi, để chở mình và đưa người qua bể khổ lên bờ giác ngộ.
Hàng Bồ-tát phát tâm Đại thừa, muốn cho chúng sanh được an vui, nên các ngài phải hi sinh chịu đựng mọi gian khổ, khép mình vào thanh qui giới luật, thức khuya dậy sớm tu hành, mong cầu sớm được giác ngộ giải thoát để rồi giúp chúng sanh cũng được giác ngộ giải thoát. Người tu chân chánh có hai trường hợp xuất gia:
- Trường hợp thứ nhất: Thấy cuộc đời lắm chuyện nhiễu nhương đau khổ, sợ khổ mà đi tu. Đi tu để tự cứu mình.
- Trường hợp thứ hai: Thấy chúng sanh bị trầm luân trong sanh tử khổ đau không thoát ra được, nên phát tâm đi tu tìm cho ra lối thoát để cứu độ chúng sanh, đó là hàng Bồ-tát Đại thừa đi tu. Cũng như người đóng thuyền để cứu vớt người, chớ không nghĩ đóng thuyền chỉ để chở mình. Nhưng khi chèo thuyền cứu người bị chết chìm, thì mình đã thoát chết rồi. Nghĩa là khi phát tâm nghĩ đến sự lợi tha là mình đã được phần tự lợi rồi. Tức là chăm lo cứu người là mình đã tự cứu mình vậy.
Trong kinh Phật có kể lại câu chuyện:
Vào một kiếp xa xưa, có người thợ săn giết nhiều thú rừng. Sau khi chết đọa vào địa ngục kéo xe chở vật nặng và bị đánh đập đau đớn khổ sở. Trong khi bị đánh đập khổ sở, thợ săn chợt thấy một cây trụ đồng cháy đỏ, hơi nóng tỏa ra hừng hực, quỉ sứ bắt người ném vào, họ la khóc kinh khủng. Thấy vậy, thợ săn động lòng thương xót, phát thệ nguyện: “Tôi xin chịu khổ một mình trong địa ngục này, để thế cho mọi người, cầu mong mọi người được thoát ra an ổn, không còn khổ sở nữa.” Ngay sau đó cảnh khổ của địa ngục không còn đối với người thợ săn.
Do tâm từ bi rộng lớn của người thợ săn, nguyện chịu khổ thế chúng sanh, nên chuyển hóa được cảnh khổ của ông. Vì vậy nên nói: “Trong lợi tha đã có tự lợi.”
Người tu hành khi thấy chúng sanh bị khổ, cảm nhận như mình bị khổ, đó là người đại phát tâm, đại tu hành. Thế nên khi vì người mà hoan hỉ chịu lao nhọc khốn khó thay cho người, thì không cảm thấy bực bội khổ não, vì tâm cao thượng thương người bộc phát mạnh, lấn át mọi ý niệm khổ đau. Ngược lại người chỉ muốn cho mình được sung sướng an lành mà bị khổ, thì cảm thấy bực bội khổ não vô cùng. Khổ nhiều hay khổ ít là do tâm lượng rộng hẹp của con người mà ra vậy. Ví như người mê mờ, không sáng suốt làm điều sai quấy lỗi lầm, bị quở trách la rầy nên tự ái lo buồn, bèn biện hộ bào chữa, không nhận lỗi. Vì thế chúng bạn nhìn họ với tâm dò xét nghi ngờ. Một người bên cạnh thấy vậy, đứng ra nhận lỗi thay để đánh tan sự dò xét nghi ngờ trong chúng. Khi bị khiển trách la rầy, người nhận lỗi không thấy buồn khổ, lại còn vui, vì họ có đủ sáng suốt và tự chủ. Quả thật như vậy, khi đã phát tâm thay thế chịu khổ để cứu độ người, thì tâm mình thấy vui mà không thấy khổ. Vì niệm từ bi hỉ xả đã tỏa rộng ra, thì niệm đau khổ đoạn diệt.
Người tu Phật thường lấy cái khổ của người làm cái khổ của mình để lo cứu giúp; lấy cái vui của người làm cái vui của mình, mà không đố kỵ tị hiềm thì thường vui hơn là khổ. Để thấy rằng khi phát tâm từ bi rộng lớn, thì tâm niệm ích kỷ khổ đau ngay đó liền tiêu tan, nên hết khổ. Khi nào mọi người đều mở rộng lòng thương cứu giúp cho nhau, thì mọi sự khổ trên thế gian này không còn nữa.
Cho nên hàng Bồ-tát phát tâm Đại thừa, chỉ vì thấy được cái khổ thống thiết của sanh tử luân hồi, mà chúng sanh đang gánh chịu, nên các ngài khởi nguyện đi vào lục đạo để làm lợi ích cho chúng sanh. Trong kinh nói: “Bồ-tát dĩ lợi sanh vi bản hoài.” Nghĩa là Bồ-tát lấy việc lợi ích chúng sanh làm hoài bão chánh, nên các ngài đi từ nơi này đến chỗ kia, làm tất cả mọi việc, chỉ vì mục đích là cứu độ cho chúng sanh hết khổ.
Người biết thương xót chúng sanh, nỗ lực tu học, để giảng giải cho mọi người thấy rõ cái khổ sanh tử luân hồi, mà chán sợ không tạo tác nhân trầm luân ấy nữa. Người hiểu và làm được như vậy, tự mình dứt khổ đau được vui lớn là giải thoát Niết-bàn. Ở đây không nói riêng hàng Bồ-tát, mà tất cả mọi người trong chúng ta đều nên phát tâm và làm như thế.
CHÁNH VĂN:
Như thử bát sự,
Nãi thị chư Phật,
Bồ-tát đại nhân,
Chi sở giác ngộ,
Tinh tiến hành đạo,
Từ bi tu tuệ,
Thừa pháp thân thuyền,
Chí Niết-bàn ngạn,
Phục hoàn sanh tử,
Độ thoát chúng sanh.
Dĩ tiền bát sự,
Khai đạo nhất thiết,
Linh chư chúng sanh,
Giác sanh tử khổ,
Xả ly ngũ dục,
Tu tâm Thánh đạo.
Nhược Phật đệ tử,
Tụng thử bát sự,
Ư niệm niệm trung,
Diệt vô lượng tội,
Tiến thú bồ-đề,
Tốc đăng chánh giác,
Vĩnh đoạn sanh tử,
Thường trụ khoái lạc.
DỊCH:
Tám điều như thế dạy qua,
Chính hàng Bồ-tát cùng là Thế Tôn,
Đã từng giác ngộ lẽ chân,
Tiến tu đạo hạnh vô ngần từ bi.
Đốt đèn trí tuệ phá si,
Pháp thân thuyền quí dạo đi Niết-bàn.
Trở vào sanh tử thanh nhàn,
Chúng sanh độ thoát an toàn vui lây.
Lại dùng tám việc trước này,
Mở đường khai lối dắt dìu chúng sanh.
Khiến cho hết thảy biết rành,
Tử sanh khổ não đừng manh chớ mờ.
Xa lìa năm dục đục lờ,
Tâm tu đạo Thánh không giờ nào quên.
Nếu là Phật tử phải nên,
Tám điều như thế hằng đêm tụng hoài.
Ở trong mỗi niệm hằng ngày,
Bao nhiêu tội lỗi diệt rày sạch trơn.
Bồ-đề hoa báu nhẹ thơm,
Trên bờ chánh giác gót chân giẫm liền.
Hằng hà sanh tử lưu linh,
Thường vui yên ổn tâm tình tiêu tan.
GIẢNG:
Như thử bát sự,
Nãi thị chư Phật,
Bồ-tát đại nhân,
Chi sở giác ngộ,
Tinh tiến hành đạo,
Từ bi tu tuệ,
Thừa pháp thân thuyền,
Chí Niết-bàn ngạn.
Chư Phật và Bồ-tát, hàng đại nhân được giác ngộ là do tinh tấn tu hành, phát tâm tu hạnh từ bi cứu giúp chúng sanh. Các ngài luôn luôn thắp lên ngọn đuốc trí tuệ nơi tâm mình, để phá trừ si mê mờ tối, kết quả là ngộ được Pháp thân chứng Niết-bàn. Nên nói ngồi thuyền Pháp thân đến bờ Niết-bàn. Đó là phần thứ nhất, chư Phật và Bồ-tát y cứ nơi tám điều này, mà tinh tấn tu hành ngộ Pháp thân chứng Niết-bàn.
Phục hoàn sanh tử,
Độ thoát chúng sanh,
Dĩ tiền bát sự,
Khai đạo nhất thiết,
Linh chư chúng sanh,
Giác sanh tử khổ,
Xả ly ngũ dục,
Tu tâm Thánh đạo.
Sau khi Phật và Bồ-tát đã ngộ Pháp thân chứng Niết-bàn giải thoát, các ngài khởi bi nguyện trở lại trong sanh tử, để giáo hóa cứu độ chúng sanh. Tuy cũng lăn lộn trong sanh tử, nhưng các ngài không vì nghiệp hoặc dẫn dắt, mà vì lòng từ bi khởi nguyện cứu độ chúng sanh, nên các ngài ra vào trong sanh tử rất tự tại, không bị phiền não khổ đau bức bách. Lúc giáo hóa, các ngài cũng dùng tám điều giác ngộ đã nêu, để mở đường dẫn lối cho chúng sanh thấy rõ cái khổ của sanh tử luân hồi, để xả bỏ năm món dục lạc thế gian, lo tu Thánh đạo. Đây là phần thứ hai là phần giáo hóa chúng sanh của hàng Bồ-tát.
Nhược Phật đệ tử,
Tụng thử bát sự,
Ư niệm niệm trung,
Diệt vô lượng tội,
Tiến thú bồ-đề,
Tốc đăng chánh giác,
Vĩnh đoạn sanh tử,
Thường trụ khoái lạc.
Phần thứ ba nói: Người đệ tử chân chánh của Phật, mỗi niệm mỗi niệm hằng nhớ tám điều giác ngộ này. Nhờ mỗi niệm hằng nhớ đến tám điều giác ngộ, mà không nhớ tưởng điều gì khác, do đó không tạo tác nghiệp nhân ác, nên tội lỗi theo đó mà dứt. Tại sao? - Vì tâm không còn nghĩ đến tư lợi, không nghĩ đến điều hại người hại vật. Lúc nào cũng nhớ nghĩ đến việc tu hành, thường xuyên tỉnh giác, nghĩ nhớ thương chúng sanh tìm phương thế để cứu độ. Người sống được như vậy thì sẽ tiến đến quả Bồ-đề, chóng thành tựu quả Phật. Khi đã đoạn lìa sanh tử vĩnh viễn thì thường được ở trong cảnh an tịnh vui vẻ.
Để quí Phật tử dễ nhớ và nhớ kỹ, tu hành khỏi sợ sai lạc. Tôi tóm lược lời giảng như sau:
1- Điều giác ngộ thứ nhất: Thường thấy thân tâm của mình và sự vật bên ngoài là vô thường không bền chắc không có thật ngã. Phải biết tâm là gốc sanh ra tội ác, chớ mê chấp tâm là thật, là ta. Biết vọng tưởng không thật nên không mê chấp chạy theo nó. Lại cũng biết thân này là rừng tội lỗi, nên không chấp thân là thật, là ta. Thường quán xét như thế để xa lìa khổ luân hồi sanh tử.
2- Điều giác ngộ thứ hai: Nên biết tham cầu nhiều thì khổ đau cũng lắm. Gốc của luân hồi sanh tử là do tham đắm ngũ dục thế gian. Vì vậy mà phải bớt tham muốn. Khi tâm bớt tham cầu ngũ dục thì sẽ được an ổn vui vẻ.
3- Điều giác ngộ thứ ba: Nên biết người nào dục vọng càng nhiều thì tội ác càng lớn. Do đó mà phải dứt tâm ham muốn, không tham cầu ngũ dục. Lúc nào cũng ít muốn biết đủ, an phận nghèo để gìn giữ đạo đức, phát huy trí tuệ, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, không để tâm đuổi bắt danh lợi thế gian.
4- Điều giác ngộ thứ tư: Người lười biếng giải đãi không đoạn trừ nghiệp ác, tu hạnh lành, thì bị trụy lạc trầm luân. Vì vậy mà phải tinh tấn tu hành, để phá trừ vô minh phiền não, hàng phục các thứ ma chướng, ra khỏi ngục tù ngũ ấm và tam giới.
5- Điều giác ngộ thứ năm: Phải biết gốc của luân hồi sanh tử là ngu si. Vì vậy phải học rộng nghe nhiều về Phật pháp, nhờ thế mà trí tuệ tăng trưởng sâu rộng, có đủ khả năng, đủ biện tài để giáo hóa chúng sanh.
6- Điều giác ngộ thứ sáu: Nên biết người nghèo khổ nhiều hay sanh oán hận, thường kết nhiều duyên ác, vì vậy không tránh khỏi quả báo khổ đau. Nên người tu phát tâm thương xót họ, thứ tha cho những lầm lỗi hờn oán không duyên cớ của họ. Lại còn đem tâm bình đẳng bố thí giúp đỡ họ, không nhớ lỗi lầm ngày trước mà ghét bỏ họ. Biết và làm được như vậy, mới là người thực hành đúng theo hạnh bố thí của Phật và Bồ-tát.
7- Điều giác ngộ thứ bảy: Biết rõ ngũ dục là tội lỗi là tai họa. Tuy hiện đời là người thế tục mà biết tránh, không đắm mê theo ngũ dục, luôn nuôi chí nguyện xuất gia, muốn gìn giữ giới hạnh nghiêm minh thanh tịnh, sống đời siêu thoát. Tự làm lợi ích cho mình để rồi khởi lòng từ cứu độ tất cả chúng sanh.
8- Điều giác ngộ thứ tám: Phải biết luân hồi sanh tử liên tục là khổ đau vô cùng vô tận. Nên phát tâm từ bi rộng lớn, nguyện thay chúng sanh chịu khổ và giúp cho tất cả được đến chỗ cứu kính an lạc là Niết-bàn giải thoát.
Đó là tám điều giác ngộ, mà chư Phật, Bồ-tát đã làm và những người tu Phật chân chánh đang làm. Ai là người muốn học Phật, tu theo Phật thì phải làm những điều này không thể bỏ qua được. Tại sao? Vì học Phật là học giác ngộ. Phàm nói đến học Phật là nói đến đạo lý giác ngộ của Phật và Bồ-tát đã tu đã giác, chớ không phải học thuộc lòng kinh nhiều, hay tụng kinh giỏi mà không tu không giác, rồi cho rằng mình học Phật. Nhớ là không phải như vậy! Giác ngộ những gì? - Giác ngộ từng phần như trước đã kể. Thấy rõ thân người và cảnh vật là vô thường, thấy rõ tham dục nhiều thì khổ đau nhiều… Thấy rõ như vậy là mình đã có mầm giác ngộ, kế đó nhờ trợ duyên thầy sáng bạn tốt làm thiện hữu tri thức, để tiến đến chỗ giác ngộ viên mãn.
Đến đây tôi xin nói rộng ra để quí vị dễ hiểu dễ nhớ, không lầm. Trong kinh này Phật chỉ nói một chiều, chê thân tâm là vô thường, vô ngã, khổ đau, gốc tội lỗi. Nhưng, ở chỗ khác Phật lại nói có thân này là do tích chứa nhiều phước đức mà được. Thế nên làm người phải luôn tự vấn: “Được thân này, sống để làm gì?” Có người đã tự vấn mình, nhưng không giải đáp được. Lại cũng có người không biết mình có thân này, sống để làm gì? Phật dạy được thân người là khó, thế nên phải biết lợi dụng thân này để tiến tu cho được giác ngộ giải thoát, sau dẫn dắt chúng sanh từ chỗ mê mờ đến chỗ giác ngộ, từ chỗ tội lỗi đến chỗ an vui.
Phật dụ người đi biển bị chìm thuyền, không có phao nổi, sóng dồi gió dập, trồi lên hụp xuống mệt lả, bỗng vớ được khúc gỗ mục đang nổi trên mặt biển. Khi ôm khúc gỗ mục, người ấy biết nó là gỗ mục đang trôi nổi, rồi sẽ hư hoại không lâu. Song, người ấy biết rằng mình đang cần nương nó, để lội vào bờ, khỏi bị chết chìm. Khúc gỗ mục ấy, lúc bấy giờ đối với người sắp chết đuối thật là hữu ích, vì nhờ nó mà khỏi chết chìm. Như vậy, mục đích của người dùng khúc gỗ mục không phải để khoe khoang, không phải để tô điểm sơn phết cho đẹp, không phải để quí trọng như một bảo vật, mà khúc gỗ là vật hữu dụng, đang cần để đưa người vào bờ.
Cũng vậy, mọi người cần phải thấy đúng ý nghĩa về thân này. Biết thân này là vô thường tạm bợ không chấp chặt nó, không quí thân này hơn thân khác. Không vì nó mà tạo nghiệp ác, cũng không vì thấy nó vô thường tạm bợ mà bi quan than thở, ngồi chờ chết. Biết thân này vô thường tạm bợ, phải cấp thiết lợi dụng thân này làm tất cả mọi việc hữu ích. Lo tu hành để mình được giác ngộ giải thoát mọi khổ đau và giúp người cũng được giác ngộ giải thoát khổ đau hoàn toàn.
Người sống được như vậy là người giác ngộ, biết đúng ý nghĩa về thân này và có thái độ sống hợp đạo. Đó là điều căn bản của người tu theo đạo Phật.
MỤC LỤC
01 Lời đầu sách
02 Mở đầu
03 Điều giác ngộ 1
04 Điều giác ngộ 2
05 Điều giác ngộ 3
06 Điều giác ngộ 4
07 Điều giác ngộ 5
08 Điều giác ngộ 6
09 Điều giác ngộ 7
10 Điều giác ngộ 8
11 Tóm tắt
12 Mục lục