CÁI GÌ RỒI CŨNG ĐẾN,
ĐẾN RỒI QUA, QUA RỒI MẤT
Tất niên Kỷ Mùi - 1980
Ngày Tất niên năm nay, tôi nói một đề tài hết sức bình dân Cái gì rồi cũng đến, đến rồi qua, qua rồi mất.
Tất cả chúng ta ai cũng như ai, sáng sớm thức dậy, nhớ đây là sáng, nghĩ đến chiều thấy như xa. Nhưng rồi lụi hụi làm vài công tác là đến trưa, sau bữa cơm trưa loanh quanh đến chiều, rồi tối. Như vậy nhìn từ sáng đến chiều dường như xa, cái xa đó rồi cũng đến, đến rồi qua. Sáng hôm sau tìm lại ngày hôm qua đã mất. Mồng một chúng ta thấy cuối tháng dường như xa, nhưng loanh quanh tới rằm rồi tới ba mươi. Như vậy, ngày ba mươi thấy xa, nhưng rồi cũng đến, đến rồi qua, qua rồi mất. Đầu năm chúng ta nghĩ đến cuối năm thấy thời gian dường như rất dài, nhưng ngày qua ngày cuối năm cũng đến. Ngày cuối năm rồi sẽ qua, qua rồi mất. Đó là nói về thời gian.
Một ngày sáng trưa chiều tối, khi đã qua rồi không còn trở lại với chúng ta nữa. Nhưng trong ngày đó, nếu chúng ta đóng một cái bàn, trồng một luống rau, hoặc viết một trang sách, việc chúng ta làm vẫn còn. Một ngày qua, chúng ta đã làm cho nhiều người buồn, giận, dù ngày đó qua mất, hôm sau gặp lại những người ấy, họ có hết buồn chưa? Như vậy thời gian qua rồi mất không bao giờ trở lại, nhưng những gì chúng ta đã làm chưa mất hẳn, nó còn có mặt với chúng ta ở ngày mai. Nếu muốn ngày mai ai gặp chúng ta cũng vui vẻ, thân mật, thì hôm nay chúng ta phải làm sao? Nếu gặp người nào chúng ta cũng thách đố, mắng chửi, thì ngày mai khi gặp lại họ chúng ta sẽ thế nào?
Chúng ta đâu cần hỏi xem ngày mai tốt hay xấu, được nhiều người thương hay không? Chỉ cần nhớ ngày qua ta đã làm gì cho người, thì hôm nay những điều đó tự nhiên sẽ đến với chúng ta. Đó là một lẽ thật mà thế gian không chịu nhớ. Ngày hôm qua chửi người ta, mà ngày nay gặp lại muốn ai cũng vui vẻ với mình. Thật không bao giờ có. Chuyện một ngày như thế, chuyện một năm cũng vậy.
Nếu một năm chúng ta làm toàn những điều dở, điều xấu, rồi đến đầu năm lại đem ít tiền, nhang đèn, bánh trái tới chùa, cúng sao cúng hạn để cho trọn năm được bình an, sung sướng thì có được không? Tại sao chúng ta không đem sự an vui đến cho mình cho người, lại làm những điều xấu xa rồi hoảng sợ, cầu cạnh mong mỏi không muốn gặp đau khổ. Chúng ta không cố tránh nhân đau khổ lại mong khỏi quả đau khổ, thì không thể được.
Như vậy một năm qua nếu ngày nào chúng ta cũng làm cho người xung quanh được vui vẻ, ngày nào cũng giúp đỡ, đem lại sự an ổn cho mọi người thì năm tới những người ấy không thể nào trở nên thù địch muốn hại chúng ta được. Nếu qua một năm chúng ta được cảm tình, được thương mến thì năm tới chúng ta sẽ gặp điều tốt. Giả sử chúng ta bị bệnh hoặc gặp một bất hạnh nào, thì những người sẵn có cảm tình với chúng ta, có thể người thì lo thuốc men, kẻ thì mách bảo thầy, hoặc giúp đỡ gia quyến chúng ta trong lúc khó khăn, gánh vác những việc nặng nhọc giúp chúng ta. Những cái không may cho bản thân chúng ta không phải là không đến, nhưng khi được mọi người mến yêu, thì những bất hạnh cũng được nhẹ đi đôi phần.
Ngược lại, nếu trong một năm chúng ta gây toàn thù hận ác cảm, phiền toái phức tạp cho mọi người thì năm tới, dù không nói ai cũng biết, chỉ thấy toàn khổ đau và bực bội. Như vậy mỗi người chúng ta phải làm gì để sang năm mới gặp những điều tốt đẹp, chớ không thể mặc tình làm gì thì làm, rồi đợi đến đầu năm đi cúng sao cúng hạn để được một năm bình an. Chúng ta là những người biết đạo, biết lẽ thật, không chấp nhận những gì huyền hoặc không đâu. Nếu năm rồi chúng ta làm những gì tốt đẹp hay xấu xa thì năm tới chúng ta phải chịu một phần ảnh hưởng chớ không thể nào tránh khỏi. Đó là điều mà mọi người chúng ta đều ý thức được.
Lẽ thật của một ngày, một năm, đến cả một đời không khác nhau. Chúng ta biết được một ngày thì có thể biết được một năm, biết được một năm thì có thể biết được một đời. Nếu một đời tạo toàn những điều tốt lành, thì đời sau chúng ta trở lại, cũng trong hoàn cảnh tốt lành. Nếu một đời chúng ta gây toàn đau khổ, phiền hận, thì sau này tránh đâu cho khỏi phiền hận khổ đau. Cho nên chúng ta phải lợi dụng thời gian để tạo những tốt đẹp cho mình cho người, đó chính là sự bảo đảm an ổn vui vẻ cho chúng ta trong năm tới, và cho cả đời sau nữa.
Bằng không chúng ta sẽ hối hận vì đã để cuộc đời trôi qua một cách vô ích. Nói đến thời gian trôi qua rồi mất, tôi có thể tượng trưng thời gian là một xâu chuỗi, một ngày qua là một hạt chuỗi, chúng ta cứ lần, hạt này đến hạt khác, tay còn lần chuỗi thì không hạt nào dừng lại. Tràng chuỗi này không phải là một trăm lẻ tám mà là ba trăm sáu mươi lăm hạt. Như vậy năm này ngày này chúng ta đã lần hết ba trăm sáu mươi lăm hạt tức là đã qua một năm rồi.
Để rõ hơn tôi kể lại trường hợp của những người gần gũi tôi nhất. Như mẹ tôi chỉ lần được năm mươi sáu tràng rồi buông tay, chuỗi mất mà người cũng mất. Cha tôi chỉ lần được bảy mươi chín tràng rồi buông tay, chuỗi mất người cũng mất. Thầy tôi chỉ lần được năm mươi lăm tràng rồi buông tay, chuỗi mất người cũng mất. Sư ông tôi chỉ lần được sáu mươi mốt tràng rồi buông tay, chuỗi và người tìm lại không được nữa. Rồi đến phiên tôi, tôi chưa biết lần được mấy chục tràng!
Mỗi xâu chuỗi lần qua rồi mất, mất cả chuỗi lẫn người lần chuỗi. Xâu chuỗi đó gọi là xâu chuỗi mộng. Người lần chuỗi cũng là người mộng. Chuỗi mộng mất, người mộng không còn. Tất cả mọi người đang sống trong mộng mà không ai biết nên tranh nhau từ lời nói, hành động, đến miếng ăn, cái mặc, rồi dồn đau khổ cho nhau. Cuộc đời là mộng, mà không đánh thức cảnh tỉnh nhau, lại gây thêm đau khổ. Tự mình đã khổ, còn làm khổ cho người, thật là đáng thương!
Thời gian đã là mộng ảo, cuộc đời cũng là mộng ảo. Người trước, người đồng thời và cả bản thân chúng ta đều là mộng. Tại sao chúng ta không thức giấc mộng đó mà cứ hết mộng này tạo mộng khác, mộng mộng chập chùng? Nếu người nằm mộng khi tỉnh dậy, biết những hình ảnh, người, vật đã thấy chỉ là mộng. Biết như vậy rồi, giấc mộng đó không còn.
Tuy nhiên có người tỉnh rồi mà lại mộng nữa. Như ta đang ngủ, nằm mơ giật mình thức dậy biết hồi nãy là mộng, nhưng cứ nhắm mắt ngủ nữa. Mộng thứ nhất mất, mộng thứ hai tiếp, mộng thứ ba và nhiều mộng nữa. Chúng ta phải gan dạ, khi tỉnh mộng liền trỗi dậy đốt đèn lên, hoặc tọa thiền làm việc, thì không còn mộng nào tiếp nối. Nếu chúng ta biết là mộng mà cứ nằm dài nhắm mắt thì hết mộng này đến mộng kia, không phải tỉnh một cơn mộng là hết mộng.
Chúng ta nhận thức rõ ràng cuộc đời là ảo mộng, vì như tôi đã nói, đầu năm thấy cuối năm là xa, nhưng rồi cuối năm cũng sẽ đến. Rồi ngày mai nó qua, qua rồi mất. Đến cuối năm khác cũng qua rồi mất. Ông bà, cha mẹ chúng ta sống đó rồi mất đó, khi mất đi chúng ta không thấy hình bóng thân yêu đó trở lại. Đến lượt chúng ta, hiện có đây, nhưng rồi ngày đó sẽ đến với chúng ta, không còn xa nữa. Đến rồi qua, qua rồi mất. Sự hiện hữu của chúng ta ngày nay quả là mộng. Nếu là thật thì nó đâu bị qua, đâu bị mất. Vậy thì, trong khi chúng ta đang sống trong mộng, phải biết là mộng. Biết mộng tức là chúng ta đã tỉnh. Đó là điều thiết yếu của cuộc đời mà cũng chính là then chốt trong sự tu hành của chúng ta. Người xưa nói:
Tại mộng na tri mộng thị hư
Tỉnh lai phương giác mộng trung vô
Mê thời kháp tợ mộng trung sự
Giác liễu hoàn đồng thùy khởi phu.
Đang trong mộng ai biết mộng là hư dối. Như chúng ta bây giờ làm sao nói là hư dối được.
Tỉnh rồi mới biết rõ việc trong mộng là không.
Khi mê thấy thân cảnh là thật, cũng như trong mộng thấy mọi sự đều thật.
Giác ngộ rồi cũng giống như người ngủ đã thức giấc vậy thôi.
Người xưa đã nhắc nhở chúng ta biết rõ mình đang sống trong mộng. Nếu biết như thế thì đó là tỉnh cơn mộng, còn cho cảnh và người là thật, đó là mình đang say mê trong mộng. Như vậy biết rõ mộng là hư dối, không thật thì hoàn toàn thức tỉnh, tự nhiên chúng ta thoát khỏi cơn mộng. Mê và giác không xa, chẳng khác nào người ngủ mê và thức giấc. Chúng ta học đạo giác ngộ thì mỗi năm, mỗi ngày, mỗi lúc đều phải tỉnh giác, đừng để cơn mộng lôi kéo mà phải chịu khổ đau phiền muộn.
Thiền sư hiệu là Hổ Khưu Thiệu Long cũng nói về mộng:
Thoát thân dĩ hiểu Nam Kha mộng
Thử giác nhân gian vạn sự không
Xuy khứ hoàn hương vô không địch
Tịch dương tà chiếu bích vân hồng.
Câu đầu Ngài nói, khi mình thoát thân, tức là thoát khỏi mê chấp về thân, thì mới hiểu rằng cuộc đời là một giấc mộng, giấc Nam Kha mà thôi. Câu kế Ngài nói tất cả nhân gian này muôn việc trở về không, có đó rồi mất đó, không lâu dài không bền chắc. Biết rõ nhân gian vạn sự không, thì chúng ta làm gì đây? Chúng ta thành không luôn sao? Không phải như vậy. Ngài nói tiếp: Thổi lên khúc nhạc hoàn hương bằng ống sáo không lỗ. Nghe lạ tai quá, sáo không lỗ làm sao mà thổi? Đã biết cuộc đời là mộng là không thì chúng ta nên trở về quê, trở về cố hương mà lâu rồi chúng ta đã bỏ quên. Trở về bằng cách nào? Bằng khúc nhạc hoàn hương thổi từ ống sáo không lỗ. Đó là tiếng sáo của nhà Thiền, như bao nhiêu tiếng hét, bao nhiêu câu nói của Thiền sư. Nói mà không lưu dấu vết, không cho chấp nê.
Câu cuối là hình ảnh ánh nắng chiều xuyên qua những đám mây xanh biến thành ráng đỏ, một cảnh trời chiều đẹp vô cùng.
Qua bốn câu thơ đó, Thiền sư muốn nói gì với chúng ta?
Trước hết phải thấy cuộc đời là giấc mộng Nam Kha. Sau đó thấy thế gian muôn sự đều trở về không. Đó là bước đầu để chúng ta trở về quê hương cũ. Nếu chúng ta biết trở về quê hương cũ, thì vạn vật trở nên tươi đẹp, hạnh phúc an lành sẽ đến với chúng ta.