Thứ Hai 25/11/2024 -- 25/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Xuân trong cửa thiền - Tùy duyên bất biến

TÙY DUYÊN BẤT BIẾN
Tất niên năm Quí Hợi - 1984
Sáng mai là ngày đầu của năm Giáp Tý.
Đêm nay chúng ta chờ đón Giao thừa, tôi sẽ giải thích hai bài kệ của Thiền sư Thiện Chiêu ở Phần Dương thuộc đời thứ năm tông Lâm Tế, vì hai bài này có liên hệ đến tuổi Giáp Tý của tôi một chút.
Trước hết tôi xin nói về ngài Thiện Chiêu, Ngài là một Thiền sư đặc sắc, người đương thời gọi Ngài là Sư tử Phần Dương. Ngài có những hành động mà thiên hạ khó chấp nhận nổi. Dưới hội của Ngài có năm trăm chúng. Một hôm đến ngày giỗ mẹ, Ngài sai đệ tử mua ít thịt cá và rượu về cúng. Cúng xong, Ngài mời chúng cùng ăn. Toàn chúng đều ngẩn ngơ, một vị đức hạnh nổi tiếng như thế mà nay lại mời người ăn thịt, uống rượu! Không ai dám dự, chỉ một mình Ngài điềm nhiên ngồi ăn. Sau bữa giỗ, năm trăm chúng bỏ đi gần hết chỉ còn lại tám người, trong đó có ngài Từ Minh. Ngài bảo: “Ta chỉ tốn một bữa rượu thịt mà tống được mấy trăm người.” Ngài biết chúng nghe danh Ngài mà đến chớ không hiểu Ngài, nên thí nghiệm một lần thử xem. Vừa thí nghiệm là chúng bỏ đi hết, người hiểu Ngài mới ở lại và sau mới kế thừa được. Ngài kỳ đặc như thế nên có được người đệ tử xuất sắc là ngài Từ Minh. Sau này nối pháp Từ Minh có hai vị lỗi lạc là Dương Kỳ Phượng Hội và Hoàng Long Huệ Nam. Tông Lâm Tế từ đó chia làm hai nhánh Hoàng Long và Dương Kỳ tức Lâm Tế Chánh Tông và Lâm Tế Gia Phổ.
Về sau, Ngài được một vị thuộc hàng vương tước nhà Tống mời về kinh đô trụ trì. Ngài từ chối, Sứ giả thưa: “Ngài không đi thì con ở đây luôn, nếu về sẽ bị tội.” Ngài nói: “Chi mà khổ vậy! Thôi về trước, ta có đường đi sau.”
Sứ vừa đi, Ngài họp chúng lại bảo: “Nay ta phải đi, trong chúng có ai theo ta được không?” Có một vị Tăng đứng ra thưa: “Con theo Hòa thượng được.” Ngài hỏi: “Ông đi một ngày bao nhiêu dặm?” Thưa: “Con đi một ngày năm mươi dặm.” Ngài nói: “Chưa theo ta được.” Người thứ hai thưa: “Con xin theo Hòa thượng.” Hỏi: “Ngươi đi một ngày bao nhiêu dặm?” Thưa: “Con đi ngày bảy mươi dặm.” Ngài bảo: “Ngươi cũng chưa đủ sức theo ta.” Cuối cùng Thị giả bước ra thưa: “Con xin theo Hòa thượng.” Hỏi: “Ngươi đi một ngày được bao nhiêu dặm?” Thị giả thưa: “Hòa thượng đến đâu con đến đó.” Ngài bảo: “Ngươi theo ta được.” Ngài liền ngồi kiết-già, bảo: “ta đi đây”, rồi tịch. Thị giả đứng khoanh tay tịch theo.
Đó là những chuyện đặc biệt của ngài Phần Dương. Sau đây là hai bài kệ Ngài làm vào Tết Nguyên Đán.
Bài thứ nhất:
Như kim châu giáp tý
Thục khả tri sanh tử
Tứ đại mộng trung âu
Nhất thân diệp thượng thủy
Phù vân bất cửu đình
Cam giá khởi trường mỹ
Duy hữu nhất linh quang
Khoáng kiếp hà tằng trụy.
Dịch:
Nay tôi tròn một giáp
Ai biết được sanh tử
Bốn đại bọt trong mơ,
Một thân lá trên nước
Mây nổi chẳng dừng lâu
Cây mía nào ngọt mãi
Chỉ có một linh quang
Nhiều kiếp đâu từng mất.
Như kim châu giáp tý, nay tôi tròn một giáp. Tròn một giáp là sáu mươi năm. Thục khả tri sanh tử là ai có thể biết được sự sanh tử. Tứ đại mộng trung âu, thân tứ đại này chẳng khác bọt nước trong giấc mơ. Mơ đã là hư dối rồi, bọt nước trong mơ còn hư dối tới bậc nào? Như chúng ta đang thức, thấy bọt nước, chạm vào nó vỡ ngay. Thế mà Ngài nói thân tứ đại này là bọt nước trong giấc mơ thì nó như thế nào? Vậy mà chúng ta chấp nó, xem nó là tối thượng. Nhất thân diệp thượng thủy, một thân như chiếc lá trôi trên dòng nước. Chúng ta đi qua những dòng sông, con suối, thấy những chiếc lá theo gió bay rơi trên mặt nước, trôi dạt nơi này, tắp nơi kia rồi rã ngoài cồn, ngoài bãi. Thân này cũng vậy chẳng nghĩa lý gì cả. Phù vân bất cửu đình, thân này chẳng khác đám mây nổi, không dừng lâu, tạm bợ lúc hợp, lúc tan. Cam giá khởi trường mỹ, cam giá là mía mà cũng có nghĩa là đường. Đường đâu có ngon ngọt mãi, như ngậm một viên kẹo hay nhai một miếng mứt, ngọt trong vòng năm ba phút thôi chớ không ngọt hoài. Duy hữu nhất linh quang, khoáng kiếp hà tằng trụy, linh là linh tri, quang là sáng suốt, khoáng kiếp là muôn kiếp. Chỉ có một linh tri sáng suốt, nhiều kiếp đâu từng bị rơi mất.
Đầu tiên Ngài cho biết tuổi Ngài đã tròn một giáp tức là được sáu mươi hay sáu mươi mốt tuổi. Thế mà mấy ai ở tuổi này biết được rõ ràng lẽ sanh tử. Thân tứ đại này thật như hòn bọt trong giấc mơ, như chiếc lá trôi giữa dòng sông không có nghĩa lý gì, như một đám mây nổi trong hư không, như một miếng đường nhai nuốt rồi mất không có gì bền lâu. Cuộc sanh tử vô thường, tạm bợ không có gì quí báu, nhưng chúng ta lại thấy nó quí, nó bền nên sân si chấp ngã đủ thứ... Vậy cái quí báu lâu bền là cái gì? Chỉ có một linh tri sáng suốt, tức là cái biết rất thanh tịnh sáng suốt, muôn kiếp chưa bao giờ bị mất, bị tan hoại. Một cái như hòn bọt trong giấc mơ hay như chiếc lá rơi trên mặt nước và một cái sáng suốt linh hoạt muôn đời, muôn kiếp chưa từng hoại, chưa từng mất, chúng ta chọn cái nào? Giữ một hòn bọt trong giấc mơ là khôn hay không khôn? Việc sanh tử tạm bợ không bền lâu mà bám vào đó để sân si, để tạo nghiệp, thật không biết phải nói sao! Trong khi chúng ta lại có một cái linh tri hằng sáng suốt muôn đời không bao giờ mất, tại sao không sống với cái đó mà lại bám vào cái kia? Thế nên giữ gìn thân tứ đại cho là quí báu, Phật gọi là vô minh. Biết rõ thân tứ đại như bọt nước, như chiếc lá rơi v.v... đó là tỉnh, là giác và sống được với cái không bao giờ bị suy hao, không bao giờ bị tan rã, đó mới là người được thoát khỏi sanh tử. Mục đích chúng ta tu là để làm gì? Có người nào nói tôi vào chùa tu để có cơm ăn, áo mặc, ấm no khỏi cực không? Chúng ta tu là cốt để giác ngộ, để thoát ly sanh tử. Tức là phải thấy rõ thân này như hòn bọt, như chiếc lá rơi, như áng mây nổi không bền, không trường cửu và phải thấy rõ nơi mình có một cái trường cửu bất sanh bất diệt, sống với cái đó, đừng chấp lấy thân. Trái lại nếu quên cái đó mà chấp lấy thân bọt nước này thì thật là chưa thoát khỏi vô minh.
Tóm lại bài kệ này Ngài dạy chúng ta phải tỉnh giác biết cái nào tạm bợ, cái nào lâu dài để chọn lấy mà sống. Biết chọn như thế, sống như thế là chúng ta tu. Việc tu rất đơn giản không có gì lạ, xưa nay chúng ta cứ nghĩ tu là tụng kinh nhiều, bái sám lắm, niệm Phật phải đủ mấy trăm chuỗi v.v... nhưng sự thật tu là có trí tuệ thấy rõ cái giả đừng lầm, biết cái thật để sống. Cái thật không hoại, không hoại tức là không sanh tử; trái lại cái giả thì nát, giờ này nát rồi tụ lại giờ sau, giờ kia nát tụ lại giờ khác, cứ như thế mà tụ tán... Bám vào cái tụ tán đó thì luân hồi muôn kiếp không cùng. Thế nên bài kệ này là một lời nhắc nhở quí giá của Ngài vào đầu năm.
Đến bài thứ hai:
Như kim lục thập nhất,
Bạch phát tương thôi xuất,
Huyễn chất tỉ phù vân,
Không tâm đồng Tổ Phật,
Xuân lai bất tiện hoa,
Thu khứ khởi hiềm vật,
Cánh dữ tam thập niên,
Miết nhiên như điện phất.
Dịch :
Nay tôi sáu mươi mốt,
Tóc bạc đuổi nhau điểm,
Chất huyễn dường mây trôi,
Tâm không đồng Tổ Phật,
Xuân đến chẳng chê hoa,
Thu về nào ghét vật,
Lại cùng năm ba mươi,
Bỗng nhiên như điện chớp.
Như kim lục thập nhất là nay tôi sáu mươi mốt. Bạch phát tương thôi xuất là tóc bạc đẩy nhau trồi ra. Chúng ta thấy Ngài dùng chữ rất hay, chữ thôi là đẩy, xuất là trồi ra. Ngày hôm qua chúng ta cạo tóc sạch rồi, hôm nay chúng đẩy nhau trồi ra nữa, cũng bạc trắng!
Huyễn chất tỉ phù vân, không tâm đồng Tổ Phật, thân huyễn chất này giống như mây nổi, không có gì thật cả, nếu được không tâm thì đồng với Tổ Phật. Ngài luôn luôn nêu cho chúng ta thấy cái giả rồi đưa đến cái thật. Nếu chúng ta bám vào thân huyễn chất như mây nổi thì không có gì là lâu bền. Không tâm tức là không tất cả những tâm thị phi, thiện ác, hay dở, tốt xấu v.v..., được như thế thì đồng với Tổ Phật.
Xuân lai bất tiện hoa, thu khứ khởi hiềm vật. Nếu được không tâm rồi thì mùa xuân đến chúng ta không chê hoa này đẹp, hoa kia xấu; mùa thu về cũng không khởi niệm trách cây này lá vàng, cây kia khô héo...
Cánh dữ tam thập niên, miết nhiên như điện phất, nhớ lại năm ba mươi tuổi, bỗng dưng như điện chớp. Sáu mươi mốt tuổi nhớ lại thuở ba mươi tuổi như là điện chớp, không có gì lâu dài. Ngài nhắc cho chúng ta thấy cái già của Ngài, khi Ngài sáu mươi mốt tuổi, bao nhiêu tóc bạc ở trong đẩy ra từ từ. Tóc bạc đã trồi ra tức nhiên biết thân này không bền nên nói thân chất huyễn như mây nổi. Phải không tâm mới đồng với Phật Tổ. Không tâm là bao nhiêu vọng tưởng đều buông sạch, khi ấy chúng ta đồng với Phật Tổ, chớ không có gì khác. Nếu không tâm rồi thì không còn thích vật này, ghét vật kia nữa, nếu còn ưa ghét thì chưa phải là không tâm. Chợt nhớ lại thuở nào ba mươi tuổi và hiện nay sáu mươi mốt tuổi, thật ra như một luồng điện chớp. Trên quãng đường sống thì thấy dài, nhưng qua rồi nhớ lại thì quá ngắn.
Ngài Phần Dương nhân làm hai bài kệ nhắc cho chúng ta thấy rõ mục đích của người học đạo là thoát khỏi sanh tử luân hồi. Mỗi khi năm cũ qua, năm mới đến thiên hạ vui mừng chào xuân, còn chúng ta vui mừng chào cái gì? Chào cái sắp chết. Mỗi một năm đến là cái chết đến gần, cái chết đến gần thì vui mừng chào ta sắp chết! Nếu chúng ta biết rõ thời gian trôi mau, năm cũ qua năm mới đến cứ thế mà chồng chất đến một ngày chúng ta phải ra đi, thân tứ đại phải tan nát thì mừng khi thấy đạo, còn chưa thấy đạo thì phải tủi rằng một năm trôi qua suông mà cái chết gần kề. Người xưa một ngày qua chưa thấy đạo còn khóc thay, huống nữa là chúng ta một năm qua chưa thấy đạo lại mừng cái gì? Thế nên nhìn trên phương diện đạo lý, một năm qua nhưng công phu tu hành của mình chưa ra gì thì thật là một điều đáng hổ thẹn buồn tủi. Song không lẽ cuối năm chúng ta lại khóc nên phải gượng vui, vui với một niềm hứa hẹn: Thôi năm qua đã lỡ, có hối cũng không làm gì được, hãy chuẩn bị cho năm tới, hứa hẹn rằng trong năm tới mọi việc sẽ đẹp hơn, sáng sủa hơn. Chúng ta đặt mục đích: thứ nhất là chúng ta sẽ tiến hơn năm cũ về đạo đức, thứ hai là chúng ta phải nỗ lực hơn năm cũ, thứ ba là có thể chúng ta sẽ sáng được đạo. Đó là nguồn vui, là hi vọng của năm mới. Đừng nghĩ rằng năm tới cũng như năm nay vì như thế thì thật là đáng buồn. Nếu cứ nghĩ năm tới cũng như năm nay và năm tới nữa cũng như thế thì cuộc đời là một con số không, thật là uổng một kiếp! Thế nên, lý đáng chúng ta phải buồn vì chúng ta đã mất một năm rồi mà công phu chưa đến đâu, song chúng ta hi vọng để tự an ủi, hi vọng năm tới chúng ta sẽ tiến bộ hơn, nỗ lực hơn và thành công hơn trên đường tu. Đó là ý nghĩa thâm trầm của việc tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Nếu không như thế thì tiễn năm cũ trở thành vô nghĩa, chào đón năm mới cũng không lợi ích gì. Đấy là tôi nhắc để chúng ta đồng tu đồng tiến.
            *
Đến phần thứ hai là phần tôi đã từng nói chuyện với một số ít Tăng Ni và cư sĩ trong những ngày trước, hôm nay tôi nói rộng cho tất cả nghe để chúng ta có con đường tu hành, khiến năm tới chúng ta được nhiều an vui. Đề mục là y cứ vào hai câu thơ của ngài Lâm Tế:
Tùy duyên tiêu cựu nghiệp,
Nhậm vận trước y xiêm.
Khi Ngài thấy đạo rồi, Ngài không tu lăng xăng như chúng ta, Ngài chỉ nói tùy duyên để những nghiệp cũ hết, hồn nhiên mặc áo xiêm, nghĩa là trong khi ăn cơm, mặc áo tâm vẫn rỗng rang hồn nhiên. Như vậy suốt đời Ngài chỉ tu chừng ấy. Một hôm Vương Thường Thị tức như quận trưởng ở địa phương, cũng là một Phật tử thấm nhuần giáo lý của Ngài, đến thăm Thiền viện. Thấy Tăng chúng đông quá, Vương Thường Thị mới hỏi:
- Bạch Hòa thượng, Tăng chúng đông như vậy có tọa thiền không?
Ngài đáp:
- Không.
Hỏi:
- Có xem kinh không?
Đáp:
- Không.
Vương Thường Thị hỏi:
- Không xem kinh, không tọa thiền, vậy làm gì?
Ngài đáp:
- Làm Phật, làm Tổ!
Sống tùy duyên và hồn nhiên, hai điểm đó là then chốt. Tại sao tùy duyên? Tại sao hồn nhiên? Giáo lý Đại thừa luôn nhắc nhở chúng ta “tùy duyên mà bất biến”. Lý tùy duyên bất biến nằm trong hai câu của Tổ Lâm Tế. “Tùy duyên” thì Ngài nói thêm “tùy duyên tiêu cựu nghiệp”, “bất biến” thì Ngài nói là “nhậm vận trước y xiêm”.
Nay tôi nói trước về lý tùy duyên. Đó là một thuật sống và cũng là lẽ thật của con người và vũ trụ. Trong cuộc sống tất cả chúng ta nhìn đời, nhìn sự vật với đôi mắt tùy duyên hay chấp nê? Tỉ dụ có một tách nước lã để trên bàn, tôi đặt câu hỏi tách nước này sẽ thế nào? Có nhiều câu trả lời. Nếu có người nói tách nước này sẽ thành hơi hay có người nói tách nước này sẽ thành thuốc v.v... thì những câu nói đó chưa đúng, câu đáp khôn ngoan nhất là tách nước này tùy duyên. Tùy duyên là nếu tách nước này để trong nồi nấu thì nó bốc thành hơi, nếu để trong tủ lạnh thì nó thành khối, nếu vắt một miếng chanh, để chút đường vào thì nó thành nước chanh, hoặc hòa tan vào đó một ít thuốc thì nó thành thuốc v.v... Như vậy cùng một tách nước tùy duyên sử dụng, không cố định. Nếu chúng ta nói trước nó thành cái gì cũng đều sai cả. “Tùy duyên” là một lẽ thật, còn nói cố định là cái gì, đều sai. Cuộc sống của chúng ta liên hệ đến lẽ “tùy duyên” đó. Tất cả sự vật chuyển biến theo duyên, nghĩa là duyên tụ tán hoặc nóng lạnh v.v... sự vật cũng chuyển biến theo duyên chớ không dừng trụ một chỗ nào. Từ cổ chí kim không một sự vật nào an ở mãi một chỗ mà luôn luôn chuyển theo duyên, một cách linh động, bây giờ khoa học cũng xác nhận như thế, thế mà chúng ta nhìn sự vật bằng đôi mắt chấp nê thì đúng hay sai? Thấy tất cả sự vật là một dòng biến chuyển tùy duyên, chúng ta phải sống cách nào cho phù hợp, đó là điều cần phải biết. Vì thế với nhà Phật trong tùy duyên còn có bất biến, chính bất biến mới quan trọng. Tôi dùng ví dụ nước để quí vị thấy đâu là tùy duyên, đâu là bất biến. Như từ nước lã có thể biến thành hơi, thành khối v.v..., đó là lý tùy duyên. Nhưng dù biến thành hơi, thành khối, thành chi đi nữa, nước cũng vẫn là nước. Nước đá cũng ướt, hơi nước cũng ướt, nước gì cũng ướt... thành ra hình dáng đổi thay nhưng tánh ướt không đổi, đó là “bất biến”. Tánh ướt không đổi nhưng trên hình tướng, tùy theo cách sử dụng mà hình tướng nước có đổi thay, đó là tùy duyên. Tùy duyên mà bất biến. Tất cả sự vật đều luôn luôn về hình tướng là tùy duyên, về bản tánh là bất biến. Hiểu như thế chúng ta mới thấy lý tùy duyên của đạo Phật, nghĩa là không phải tùy duyên rồi như ngọn cỏ, gió thổi phía nào ngả phía ấy, không có chủ đích, hay như những cánh bèo trôi sông, theo gió thổi tấp bên này, tấp bên kia... Tùy duyên của đạo Phật khác hơn, vì có cái bất biến ở trong. Như cây tre bị gió thổi ngả nghiêng, nhưng gió dừng nó đứng lại như cũ, chớ không ngả nghiêng mãi. Cũng như thế, người biết tu trong lý tùy duyên phải ứng dụng cả bất biến, chớ chỉ nói tùy duyên là thiếu sót.
Trong cuộc sống nếu ứng dụng lý tùy duyên thì chúng ta không cố chấp cuộc sống của chúng ta phải thế này, phải thế kia, chúng ta nhìn sự vật, nhìn cuộc sống tùy duyên linh động, nay thế này, mai thế kia, không bị chấp chặt vào một nơi, một việc. Chúng ta thường có nhiều bệnh, bệnh chấp theo phong tục tập quán, bệnh chấp những ý kiến riêng tư, bệnh chấp của mình, của người  v.v... vì bệnh chấp mà chúng ta khổ mãi. Về tập quán, ông bà chúng ta làm thế nào, chúng ta quen theo thế ấy, nay ai làm khác đi, chúng ta không chấp nhận, nhưng sự vật luôn chuyển biến, mỗi thời mỗi khác, do đó chúng ta khổ. Ví dụ như sự trang sức, năm trước kiểu này, năm sau đổi kiểu khác, luôn luôn thay đổi, người thợ phải học những kiểu mới lạ, mới theo kịp thời đại. Chữ thời trang là chỉ cho mỗi thời có mỗi trang sức khác nhau. Trang sức thời ông bà chúng ta khác, trang sức thời cha mẹ chúng ta khác, trang sức của chúng ta hiện nay cũng khác, đến trang sức của con cháu chúng ta sau này lại sẽ khác nữa. Nếu chúng ta giữ theo nếp cũ, ông bà chúng ta làm thế nào, chúng ta làm thế ấy, chúng ta làm thế nào thì bắt con cháu làm thế ấy, cuộc sống sẽ ra sao? Người đồng thời sẽ cho chúng ta là lạc hậu và con cháu chúng ta sẽ bị bạn bè chê lạc hậu! Như vậy thời nào, chúng ta phải tùy duyên sống theo thời ấy. Thời con cháu chúng ta đổi khác thì nó phải sống khác, tại sao mình bắt nó sống như mình? Nếu ông bà chúng ta bắt chúng ta sống như ông bà, chúng ta chấp nhận không? Như vậy thấy được lý tùy duyên, chúng ta cởi mở những cố chấp về phong tục, về tập quán, về những tư kiến v.v... không còn những cố chấp đó nữa, chúng ta không còn khổ. Cái buồn của chúng ta là tại chúng ta cố chấp, muốn những gì mình đang làm người khác cũng làm theo mình, khi người ta không giống mình thì buồn giận. Tu trong phiền não, buồn giận làm sao tiến?
Lý tùy duyên là tinh thần Bát-nhã cho chúng ta thấy rằng sự vật luôn luôn là một dòng chuyển biến, đừng bám chặt vào một cái gì, bám chặt là khổ đau vì đó là trái sự thật. Thí dụ như chúng ta ngồi trên chiếc xe đang chạy, xe chạy ngang cây số bảy mươi, chúng ta nói đây là cây số bảy mươi, khi ấy người khác nhìn theo tay mình thì thấy xe đã qua khỏi mấy trăm thước rồi. Nếu chúng ta cho mình chỉ đúng cây số bảy mươi là sai, vì xe đang chạy nên chúng ta không thể chỉ đúng chỗ. Nó không dừng thì chúng ta phải nhìn theo sự không dừng. Thế nên cuộc sống tùy duyên thì không nhìn lại phía sau. Hoàn cảnh thế nào chúng ta tùy theo đó mà sống, còn nhìn lui lại chúng ta sẽ thở dài hối tiếc vì thấy cái này mất, cái kia mất... Như xe đang chạy ngang thành phố, người người xe cộ đông đảo vui vẻ, xe chạy đến ngọn đồi, ngọn đồi cao đẹp, xe xuống dốc, thung lũng nên thơ v.v... lúc nào chúng ta cũng có những niềm vui mới. Còn nhìn lui lại toàn những việc buồn, ví dụ như nhìn trở lại ngày xưa, ông nội, bà nội mình đã mất, rồi nhớ buồn. Ba má mình cũng đã mất rồi buồn, anh em mình xa cách cũng rất buồn... nhìn lui là buồn, là khổ. Như vậy lý tùy duyên đem lại một nguồn vui và một cuộc sống linh động, chúng ta không có gì phải luyến tiếc. Sự vật là như vậy, nó đâu có dừng một chỗ mà luyến tiếc. Hiểu được điều đó thì cuộc sống của chúng ta linh động, vui tươi trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẻ đẹp của thành phố khác vẻ đẹp của đồng quê, chỗ nào lúc nào chúng ta cũng thấy đẹp cả. Như vậy cuộc sống không có sầu não, bi quan. Ở một chỗ, nhìn một cảnh mãi cũng chán tức nhiên buồn, vì thế phải có sự đổi thay. Mỗi lần đổi không khí là mỗi lần vui, người ở thành phố chán, thích ra đồng quê chơi, người ở đồng quê lại thích trở về thành phố. Thế nên đổi thay là một nguồn vui chớ không phải buồn.
Tôi nhắc lại, chúng ta phải cởi mở hết những cố chấp, những ràng buộc. Chúng ta cứ nhớ rõ cuộc sống là tùy duyên, đã là tùy duyên thì cái gì đến chúng ta đều nhìn với niềm vui tươi, chớ không buồn khổ. Đừng nhìn lại quá khứ, vì chúng ta luôn luôn đổi mới, luôn luôn mới, ngày hôm qua đến ngày hôm nay cũng mới, chúng ta giữ cái cũ làm sao được. Tất cả đều mới thì cuộc sống phải mới. Vậy tất cả chúng ta phải hiểu được lý tùy duyên để cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng vui tươi.
Tuy nhiên có người nói rằng: nếu tùy duyên như thế mãi thì mất mình làm sao, nên trong đoạn này tôi nói đến “bất biến”. Như tôi vừa nói tuy nước đổi ra thiên hình vạn trạng, nhưng tánh ướt của nước không mất; cũng thế chúng ta tùy duyên khi ở trên núi, khi xuống đồng bằng, khi vào thành phố v.v..., cảnh đổi thay nhưng việc tu hành thì ở núi cũng tu, xuống đồng bằng cũng tu, vào thành thị cũng tu... lúc nào cũng vẫn tu. Như vậy tu là bất biến, nhưng chỗ ở là tùy duyên. Đó là tùy duyên nhưng bất biến. Vậy dù ở cảnh nào cũng an vui để tu hành. Biết lý tùy duyên quí vị mới an vui, có an vui thì việc tu mới tiến. Trái lại quí vị không biết lý tùy duyên, khi ở nơi này thì nhớ chỗ kia, đến chỗ kia lại mong nơi khác, làm sao an vui? Không an vui thì phiền não, phiền não thì tu sao được?
Thế nên phải hiểu được lý tùy duyên, tùy duyên nhưng bất biến, nghĩa là trường hợp nào, hoàn cảnh nào cũng là trường hợp, hoàn cảnh để tu, chớ không vì lẽ ở nơi này mới tu được, ở nơi khác không tu được, đó là sai, là không hiểu nghĩa bất biến. Tùy duyên nhưng bất biến thì chúng ta thấy cuộc sống hiện tại lợi ích vô cùng. Vì tùy duyên nên chúng ta linh động chúng ta không chết khô, không cằn cỗi. Khô khan, cằn cỗi là bám vào một cái đã chết. Nếu quí vị biết lý tùy duyên thì vui mãi, dù thế nào cũng vui cười, có vui tươi thì tu mới được. Như vậy quí vị thấy chính lý tùy duyên mới giữ được sự bất biến, nếu không biết tùy duyên thì không tiến, không tiến thì tu đâu có được. Biết lý tùy duyên là tinh thần Bát-nhã, còn giữ được bất biến là đạo lý mình sống hằng ngày. Như trong đoạn trước tôi nói “không tâm đồng Tổ Phật” thì hoàn cảnh nào mình cũng vẫn “hồn nhiên mặc áo xiêm”, có gì là khổ? “Hồn nhiên mặc áo xiêm” là chỉ cho không tâm; còn tùy duyên là biết linh động, trong hoàn cảnh nào cũng an ổn, cũng đặt mình trong thế an vui tự tại. Thí dụ nếu bữa cơm nào cũng mâm cao cỗ đầy toàn là xào chiên, thì rất ngán. Thỉnh thoảng đổi một bữa rau luộc, muối tiêu, muối ớt chúng ta sẽ thấy ngon miệng. Như vậy sự đổi cho mình được mùi vị mới, ngon. Thuở xưa đức Phật, nay khất thực xóm này, mai dời đến làng kia, như một dòng suối chảy, nhưng đi nơi nào Phật cũng vẫn là Phật, chớ không phải đi nơi này Ngài là Phật, nơi kia Ngài không phải là Phật. Khi đến cung vua thọ trai, khi đi trong xóm làng khất thực, khi được các trưởng giả dâng cúng, khi lại ăn lúa mạch v.v... nhưng Ngài vẫn không đổi thay, Phật vẫn là Phật. Phật như vậy thì chúng ta hiện nay cũng như vậy, có gì mà buồn. Chúng ta cũng là một dòng sông trôi chảy, chúng ta không bằng được Phật nhưng cũng phải tương tợ một chút. Cảnh nào cũng là cảnh vui, nghĩa là trong cảnh sung túc thì vui với cảnh sung túc, trong cảnh chật vật thì vui với cảnh chật vật, hôm nay mâm cao cỗ đầy thì vui với mâm cao cỗ đầy, ngày mai muối tiêu muối ớt thì vui với muối tiêu muối ớt, cảnh nào cũng vui, không thấy có gì là đau khổ, như thế chúng ta mới tu tiến được.
Chúng ta phải - nói theo thế gian - “hưởng cho hết những ngày trời”. Những ngày trời là những ngày gì? Là ngày nào đến với chúng ta, chúng ta hưởng hết ngày ấy không có phí mất, phút giây nào cũng là phút giây an vui của chúng ta. Chuyện sang năm chưa biết ra sao mà nay cứ ngồi lo chuyện sang năm; chuyện năm qua trôi đâu mất, nay ngồi nhớ lại mặt ủ mày chau. Việc đã qua để nó qua, việc sắp đến tự nó đến, hiện tại cứ vui với hiện tại, như thế cuộc sống của chúng ta không phí mất thì giờ vô ích. Quí vị nhớ như vậy thì cuộc sống của chúng ta là một cuộc sống an vui tự tại; tuy chưa làm Phật nhưng cũng được an nhàn, được bớt khổ rồi. Còn những người cứ mơ ước vị lai, hối tiếc quá khứ thì họ đau khổ mãi, không bao giờ an ổn được. Chúng ta phải hiểu rõ như vậy. Thế nên Tổ Lâm Tế dạy: Tùy duyên tiêu cựu nghiệp. Tiêu bằng cách nào? Nếu không biết tùy duyên thì oán hờn, buồn trách nên tạo thêm nghiệp mới. Lại nữa, người không biết tùy duyên gặp cảnh vui thì cho ta là người hơn thiên hạ, sanh kiêu căng, do đó những thói cũ thuở xưa sống dậy, nghiệp cũ chưa dứt lại tạo thêm nghiệp mới. Trái lại biết tùy duyên thì cảnh đến an nhiên với cảnh đến, cảnh đi cũng an nhiên với cảnh đi, duyên đến vui hay buồn cũng vẫn an ổn. Không thấy vui mà tự hào, không thấy buồn mà sầu thảm. Không tự hào tức không ngã mạn, không sầu thảm tức không oán hờn, lòng an nhiên, bao nhiêu nghiệp cũ lần lần tiêu sạch. Ví như người bệnh bao tử, hoặc bệnh tim, bệnh phổi v.v... nếu có bệnh cũ rồi nay giữ mình không để cho bị cảm, tức là thời tiết xấu đến, khéo linh động không cho xâm nhập vào mình thì bệnh cũ lần lần hết. Trái lại nếu bị cảm, người bệnh phổi thì ho, người đau tim thì mệt, người đau bao tử thì đau bụng. Đó là gốc tại thời tiết xấu hiện nay làm cho bệnh cũ phát lại, nếu cũng thời tiết đó mà chúng ta khéo vượt qua được thì bệnh cũ cũng lành. Vì thế biết được lẽ tùy duyên thì nghiệp cũ lần lần sạch, còn không biết được lẽ tùy duyên thì nghiệp cũ cũng khó tiêu mòn. Chúng ta tu là phải làm thế nào nghiệp mới không tạo, nghiệp cũ dứt sạch, mới thoát ly sanh tử được. Đấy là nghĩa “tùy duyên tiêu cựu nghiệp”.
Nhậm vận trước y xiêm là ở trong cảnh nào tâm chúng ta cũng rỗng rang tự tại, không phiền muộn, không có những niệm lăng xăng suy tưởng, như ngài Thiện Chiêu nói: “Tâm không, đồng Tổ Phật.” Tâm rỗng rang tự tại là chúng ta sống một cách hồn nhiên, sống hồn nhiên nên chúng ta đồng Phật, Tổ. Đồng với Phật, Tổ là thoát ly sanh tử, đó là mục đích của người tu. Như vậy cuộc sống chúng ta đang và sẽ sống là một cuộc sống linh động; đừng cố chấp, đừng bám chặt vào bất cứ một điều gì thì tự nhiên chúng ta an lành, tâm lần lần thảnh thơi, sự tu hành được tiến, thoát được những phiền não quấy nhiễu. Chúng ta tu là cốt thoát ly sanh tử, nếu còn phiền não thì không thể nào ra khỏi sanh tử. Muốn dứt phiền não thì phải có trí tuệ sáng suốt mới được.
Tóm lại khi năm cũ sắp hết, chúng ta ôn lại xem có điều gì dở thì ráng đập cho nát, chuẩn bị qua năm mới chúng ta sẽ sống tùy duyên tiêu cựu nghiệp, đừng để nghiệp cũ dấy lên lôi chúng ta trở lại những điều hư dở của năm cũ nữa. Phải tập sống hồn nhiên để “tâm không, đồng Tổ Phật”, nghĩa là làm thế nào càng ngày tâm chúng ta càng rỗng nhẹ, cho đến rỗng trơn không còn chi cả để đồng với Phật Tổ, như vậy mới khỏi uổng một đời tu. Nếu để chứa ăm ắp, nặng trình trịch trong tâm thì rất nguy, dễ bị rơi chìm tận đáy biển, phải cố gột rửa cho sạch những cố chấp, những phiền não cho tâm hồn thảnh thơi nhàn hạ. Muốn được như thế thì phải biết tùy duyên, nhưng tùy duyên mà bất biến, đừng nói ở cảnh cũ tôi tu hay quá, nay đến cảnh này tôi tu không được, thôi không tu nữa. Đó là tùy duyên rồi tan biến, mất mình. Vì thế nên nhớ tùy duyên mà bất biến mới thật là người hiểu đạo, còn tùy duyên mà tan biến thì đó là người không tiến tu được và phải bị trầm luân.
Tôi nhắc lại: Hôm nay là buổi Tất niên tức là từ biệt năm cũ, nhìn lại những điều dở, chúng ta phải đập tan hết để chuẩn bị cho năm mới tập sống tùy duyên mà bất biến, đó là điều tôi mong mọi người ứng dụng ngay từ năm mới này.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202324
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
830
2336
3166
1175483
87327
118095
1202324