Ý NGHĨA CHỮ HUỆ QUANG
Giảng tại chùa Huệ Quang - Mỹ tháng 11-2000
Thưa quí đạo hữu, quí Phật tử trong cũng như ngoài hội chùa Huệ Quang,
Năm 1994, chúng tôi qua đây được quí vị mời về chỉ cảnh chùa tương lai đồng thời trồng một bụi trúc kỷ niệm. Hiện giờ những việc đó đã thành sự thật, tôi rất hoan hỉ. Giờ đây, Tăng Ni Phật tử, khao khát muốn nghe tôi giảng một thời pháp để thấm nhuần đạo đức tu hành, tôi cũng sẵn sàng. Vậy buổi nói chuyện hôm nay, tôi sẽ nói về ý nghĩa chữ Huệ Quang.
“Huệ” là trí tuệ, “Quang” là ánh sáng. Ánh sáng trí tuệ soi rọi cho mọi người thấy được chân lý, nhận ra lẽ thật, đó là huệ quang. Nhưng ánh sáng trí tuệ đó từ đâu mà ra?
Chúng ta mỗi tối đều tụng bài kinh Bát-nhã. Vậy Bát-nhã là gì? Bát-nhã là âm tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là trí tuệ. Trí tuệ của bài kinh Bát-nhã là trí tuệ cứu kính, trí tuệ tột cùng, chớ không phải trí tuệ thế gian. Thế gian, ai học thông hiểu nhiều được gọi là người có trí tuệ. Nhưng trí tuệ đó chỉ giới hạn thôi, còn trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ thấu suốt, tột cùng. Nhiều người hiểu lầm, cho rằng kinh Bát-nhã được tụng cuối mỗi thời kinh, là “Bổ Khuyết Tâm Kinh”, tức kinh tụng để bù lại chỗ thiếu. Tại sao thiếu? Họ trả lời vì khi tụng kinh, có người tụng vấp, có người tụng sót nên cuối thời phải tụng bài Bát-nhã để bù lại cho đủ. Hiểu như vậy thật là sai lầm.
Người tu Thiền, tu Tịnh hay tu Mật, tu pháp nào cũng đều tu theo Phật. Đã theo Phật thì phải có trí tuệ. Người tu Thiền cũng phải lấy Bát-nhã làm gốc. Như vậy để thấy rằng chúng ta tu theo đạo Phật, dù bất cứ tông phái nào, cũng đặt trí tuệ trên hết. Bởi trí tuệ là ánh sáng chiếu phá vô minh, soi tỏ cho chúng ta thấy lẽ thật.
Mở đầu kinh là câu: Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách. Nghĩa là Bồ-tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu trí tuệ Bát-nhã, Ngài xem thấy năm uẩn đều không, nên qua hết tất cả các khổ nạn. Quí Phật tử tụng Bát-nhã bao nhiêu năm, có qua hết khổ nạn chưa? Tại sao mình tụng Bát-nhã cả trăm ngàn biến rồi mà không qua khổ nạn? Phật nói đúng sự thật không? Đó là những điều khiến ta nghi ngờ.
Trong kinh dùng từ chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Chiếu kiếnlà sao? Là dùng ánh sáng trí tuệ soi thấy thân năm uẩn tự tánh của nó là không, chừng đó mình qua hết khổ nạn. Còn cứ tụng văn tự suông, không chịu soi thấy, làm sao hết khổ nạn được. Bát-nhã có chia làm ba: một là Văn tự Bát-nhã, hai là Quán chiếu Bát-nhã, ba là Thật tướng Bát-nhã.
Văn tự Bát-nhã là chữ nghĩa trong kinh chúng ta đọc tụng đó. Quán chiếu Bát-nhã là dùng trí tuệ soi sáng, xem xét kỹ những điều Phật dạy trong kinh rồi ứng dụng tu hành. Từ Quán chiếu Bát-nhã mới đi tới Thật tướng Bát-nhã. Thật tướng Bát-nhã là trí tuệ chân thật, giác ngộ viên mãn.
Chúng ta đang hành phần nào trong ba phần Bát-nhã này? Chỉ mới Văn tự Bát-nhã thôi. Người hành Văn tự Bát-nhã được ví như người mới đặt chân lên thuyền. Khi tay cầm chèo hoặc cầm dầm để bơi qua bờ kia, đó là Quán chiếu Bát-nhã. Đến được và lên bờ là Thật tướng Bát-nhã. Hiện giờ chúng ta đang ngồi trên thuyền hay đang chèo qua bờ kia? Đang ngồi, nhưng có chịu chèo hay không thì quí vị tự biết. Ngồi một chỗ hoài mà muốn qua bờ kia thì chừng nào mới qua được? Cho nên trước hết chúng ta thuộc văn tự. Thuộc văn tự xong thì quán chiếu. Quán chiếu rồi mới đạt đến Thật tướng. Đó là tuần tự thứ lớp chúng ta tu Bát-nhã.
Đa số Phật tử chỉ tu chặng đầu thôi. Nếu chỉ tu Văn tự Bát-nhã chẳng khác nào mình ngồi hoài trên thuyền. Được ngồi trên thuyền mà không chèo không bơi thì chừng nào mới qua bờ kia? Chắc tới thuyền mục thôi cũng không qua được. Muốn qua bờ kia phải quán chiếu, tức phải chèo. Trong kinh nói Bồ-tát Quán Tự Tại chiếu kiến nghĩa là quán chiếu. Quán chiếu thấy năm uẩn là không nên Ngài mới qua hết khổ ách. Còn mình ngồi trên Văn tự Bát-nhã hoài, biết chừng nào mới qua được khổ ách?
Quán chiếu ngũ uẩn giai không. Ngũ uẩn là Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn. Soi thấy bản chất năm thứ này là không thì qua hết khổ nạn. Như sắc uẩn, tức thân này do tứ đại đất, nước, gió, lửa hòa hợp mà thành. Chất cứng là đất, chất ướt là nước, chất động là gió, chất ấm là lửa.
Khi thành thân rồi, thân đó thật hay giả? - Giả. Vì nó do duyên hợp mà thành, không có chủ thể cố định. Cũng như cái đồng hồ, khi các bộ phận kết hợp lại thành đồng hồ, nếu gỡ các bộ phận ra thì không còn cái đồng hồ. Đồng hồ có là do duyên hợp nên không có chủ thể. Vậy cái gì là chủ thể của đồng hồ? Cây kim, con số, các bộ phận khác cũng không được. Nhưng ráp đủ những bộ phận đó lại với nhau thì thành đồng hồ. Vì không có thực thể nên nói Tánh không. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không là thấy được ngũ uẩn Tánh không. Biết được Tánh không của các pháp rồi, mọi khổ ách đều qua hết.
Ví như bàn tay tôi đưa lên có năm ngón. Bây giờ tôi co năm ngón lại, quí vị gọi đây là nắm tay. Trước khi năm ngón co lại có nắm tay không? Khi năm ngón co lại, ta tìm nơi mỗi ngón, có ngón nào là nắm tay không? - Không có. Ngay khi nắm tay đang co lại, ta phân tích chi tiết cũng không có nắm tay thật. Đến chừng buông năm ngón tay ra, có nắm tay không? Thế thì bản chất của nắm tay là thật có hay thật không? Tánh nó vốn không, do duyên hợp tạm có nên không thật, không cố định.
Trong nhà Phật nói chúng ta đừng bao giờ chấp thật có, đừng bao giờ chấp thật không. Nếu nói đúng lẽ thật, nắm tay hiện giờ là giả có, khi duyên tan nó mất. Không phải thật không, cũng không phải thật có. Người thế gian lầm chấp, cái nào không là thật không, cái nào có là thật có. Như hỏi đồ vật nói “có”, hỏi chỗ hư không nói “không”. Nhìn như thế là chưa thấy chân lý. Trí tuệ là chân lý, là một lẽ thật. Chúng ta nhìn đúng lẽ thật gọi là có trí tuệ. Người mê muội lấy giả làm thật gọi là si mê. Ai cũng có trí tuệ hết, chỉ vì lầm chấp.
Trở lại thân năm uẩn này, nó giả nhưng thực tế chúng ta cứ ngỡ nó thật. Nên ai động tới thì nổi sân lên. Thấy thân thật thì lời nói, hành động cũng thật. Vì vậy tham sân si dấy khởi liên miên. Còn biết thân do duyên hợp hư giả thì lời nói, hành động cũng giả. Đã giả thì không còn quan trọng nữa. Cái chân thật luôn hiện trước mặt chúng ta trong mọi hành động việc làm, nơi sáu căn của mình nhưng ta không thấy, chỉ thấy theo sự tưởng tượng si mê của mình. Vì vậy Phật mới chỉ cho chúng ta dùng trí tuệ Bát-nhã để nhận ra cái chân thật ấy.
Chúng sanh đang si mê đáng thương, vì vậy chư Phật thương lắm, nên không ngại khó nhọc, làm sao mở sáng trí tuệ cho chúng ta. Mở sáng trí tuệ tức là thấy được lẽ thật nơi bản thân mình. Biết mình đúng mới biết tất cả sự vật đúng. Còn biết mình sai thì tất cả sự vật cũng sai theo. Thân này đã giả thì mọi thứ chung quanh ta cũng giả luôn. Thấy như vậy thì không còn gì để tranh hơn tranh thua, không còn lo được mất, không còn chấp mình đúng người sai. Chúng ta thấy chỉ mới chiếu kiến Sắc uẩn thôi mà qua gần hết khổ nạn rồi. Thấy thân không thật thì mọi cố chấp về thân mình cũng bỏ. Lời khen, tiếng chê, tất cả được mất cũng không quan trọng. Như vậy là chúng ta đã tiến khá rồi.
Tới Thọ uẩn, thọ là cảm giác. Con mắt thấy sắc đẹp có cảm giác vui, đó là thọ lạc; thấy sắc xấu không ưa, đó là thọ khổ. Lỗ tai nghe tiếng hay có cảm giác thích, đó là thọ lạc; nghe tiếng dở không ưa, đó là thọ khổ. Lỗ mũi ngửi mùi thơm có cảm giác thích, đó là thọ lạc; mùi hôi không ưa, đó là thọ khổ.
Tất cả những cảm thọ đó có thật không? Bên trong có mắt, tai; bên ngoài có sắc, thanh hợp lại nên mới có cảm giác. Nếu chúng không hợp lại thì không cảm giác. Như vậy cảm giác khổ vui phải đợi đủ căn và cảnh tiếp xúc nhau mới phân biệt khổ vui, vì vậy nó là tướng duyên hợp hư giả. Rõ ràng thân hư giả, cảm thọ hư giả.
Đến Tưởng uẩn, tưởng là tưởng tượng. Tưởng có thật không? Khi chúng ta nhớ lại những chuyện quá khứ hay nghĩ tới vị lai gọi là tưởng. Do gá vào hình bóng của quá khứ mà ta tưởng nhớ, chớ nó không thật có. Nên biết Tưởng uẩn cũng không thật.
Hành uẩn, tức suy nghĩ và các hành động của chúng ta cũng không thật. Cuối cùng là Thức uẩn, tức sự phân biệt cũng không thật.
Như vậy, năm uẩn duyên hợp hư giả không thật, không có chủ thể nên nói nó Tánh không. Tánh không duyên hợp nên giả có. Tất cả sự vật hiện có đây đều hư dối, không thật. Từ thọ, tưởng, hành, thức là tâm cho đến sắc tứ đại do duyên hợp thành thân đều không thật. Cả thân, tâm đều không thật thì bám vào đâu mà chấp? Không chấp thì không khổ.
Nhiều người cho rằng nếu thấy giả hết thì đâu có làm ăn gì, như vậy làm sao tiến bộ được? Không phải vậy. Trong nhà Phật dùng trí tuệ thấy đúng như thật, biết mọi thứ hư giả; nhưng chúng sanh đang mê đang khổ, người tỉnh sáng phải cố gắng cảnh tỉnh họ. Không phải nói mọi thứ hư giả rồi ngồi chơi, chờ chết. Biết giả nên càng hăng hái làm việc để giúp mọi người. Làm mà không chấp, không khổ, đó là điểm hay của đạo Phật.
Vì vậy Phật dạy người tu luôn có đủ hai mặt trí tuệ và từ bi, không thể thiếu được. Nếu chỉ có trí tuệ mà không có từ bi, đó là trí tuệ khô. Nếu từ bi mà không có trí tuệ đó là từ bi mù. Tình thương thiếu trí tuệ thì thấy ai cũng thương, người ta gạt cũng thương, nên dễ bị lừa bịp. Cho nên phải đủ trí tuệ và từ bi. Trong kinh thường dạy trí tuệ và từ bi như chim hai cánh, mất một cánh là chim bay không được. Chúng ta thường nghe câu “Phước tuệ lưỡng toàn phương tác Phật”. Phước là từ bi, làm lợi ích cho chúng sanh, Tuệ là trí tuệ. Hai mặt này tròn đủ mới làm Phật được.
Chùa Huệ Quang tức là trí tuệ, bây giờ phải thêm từ bi. Chúng ta có trí tuệ sáng suốt, nhưng không phải chỉ hiểu biết suông. Biết điều hay, ta phải giúp đỡ, hướng dẫn huynh đệ cùng biết với mình. Tâm muốn cho mọi người cùng biết, cùng thấu đáo như mình, đó là tâm từ bi. Nếu biết các pháp không thật rồi chán đời, không làm gì hết, đó không phải là trí tuệ trong đạo Phật.
Trí tuệ và từ bi hỗ tương nhau, sống với lòng thương tràn đầy mà luôn có trí tuệ thấy đúng như thật, đó là chân tinh thần của người Phật tử. Từ bi giúp cho trí tuệ đượm nhuần tươi mát, trí tuệ giúp cho từ bi được sáng suốt, làm mọi việc lợi ích cho người đúng với đạo lý. Cả hai phải luôn luôn có đủ, không thể thiếu bên nào. Đó là tôi nói tổng quát trí tuệ và từ bi.
Song trí tuệ từ đâu mà có? Phật dạy: “Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp.” Nghĩa là chúng ta tự mở sáng trí tuệ của mình, nếu mở sáng không được thì phải mồi với chánh pháp của Phật. Đọc kinh Bát-nhã là mồi trí tuệ của mình qua ngọn đuốc sáng của Phật. Nhờ vậy chúng ta mới sáng, nếu không mình cứ mê lầm, giả tưởng là thật.
Như thân này do tứ đại hợp thành. Hợp rồi tứ đại đó không tự tồn tại, phải mượn tứ đại ở ngoài để bồi bổ. Tứ đại của thân phải mượn đất, nước, gió, lửa bên ngoài bồi bổ luôn. Còn mượn còn trả thì còn sống; mượn mà không trả thì chết. Như vậy hạnh phúc của con người chẳng qua chỉ là sự mượn trả suôn sẻ. Vậy mà con người cứ tự hào ta thế này, thế nọ, làm phiền lụy cho nhiều người.
Hiểu được như vậy rồi, giả sử ai có mắng, ai chê mình cũng cười thôi. Thân này giả dối có gì đâu, chê cũng đúng. Người có trí tuệ mới nhẫn được, còn si mê thấy mình thật khi nghe chê mắng chịu không nổi liền nổi sân đùng đùng. Tâm tưởng tượng không đúng lẽ thật mà ta lại chấp nó nên đau khổ. Bây giờ biết đúng lẽ thật thì hết chấp, hết chấp thì hết khổ.
Chính chỗ này khi xưa đức Phật thấy một người già má hóp, lưng còng, đầu gối mỏi, chân đi té lên té xuống, Ngài nghĩ: “Người đó già, mai kia ta cũng già.” Biết vậy nên khi còn trẻ, dù mình đẹp cũng không tự hào, vì biết cái đẹp đó chỉ một thời thôi, không phải lâu dài. Không hiểu như vậy dễ sanh các thứ bệnh như tự cao, phách lối v.v…
Bồ-tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn không thật, nên cái khổ nào Ngài cũng qua hết. Người ta chửi cũng không giận, người ta khen cũng không vui, vì biết rõ thân tạm bợ, có gì quan trọng. Chúng ta chỉ cần tu một câu đó thôi cũng đủ giải thoát rồi. Còn tụng bao nhiêu năm Bát-nhã mà khổ ách vẫn còn nguyên là vì chưa biết tu. Như vậy từ đây về sau, chúng ta phải biết tu, thật tu, chớ không chỉ có danh mà thiếu cái thực.
Người biết tu ở đâu cũng tu được, người không biết tu, dù ở thiên đàng rốt cuộc cũng không tu được. Chúng ta thờ Phật là để nhớ lại hình ảnh một đấng từ bi, giác ngộ đang ở trước mình. Chúng ta phải học theo, tu theo Ngài, làm sao trí tuệ mình cũng sáng như Phật, lòng từ bi cũng mở rộng như Phật. Như vậy chúng ta mới xứng đáng là đệ tử Như Lai.
Theo kinh Bát-nhã dạy, chúng ta tu cần phải hiểu biết rõ ràng, sau đó quan sát chiếu soi kỹ thì mới đạt được kết quả tốt. Nếu tu mà không chịu hiểu lời Phật dạy, không quán chiếu lại nơi mình thì không bao giờ có kết quả tốt đẹp. Cho nên nói tới tu là nói tới thực hành. Tu được như vậy chúng ta mới bớt phiền não, bớt khổ. Nếu phiền não còn nguyên thì càng tu càng khổ.
Chữ “Tu” nghĩa là sửa. Quí Phật tử đi chùa để sửa những xấu dở của mình thành hay tốt. Khi xét lại mình đi chùa bao nhiêu năm mà vẫn không sửa đổi chút nào cả, thì đáng mừng hay đáng buồn? Nhiều khi tôi nghe quí thầy Trụ trì các chùa than: “Phật tử tuy ham tu, nhưng cũng phiền não với nhau quá, không bỏ được.” Mười người cũng chia một nhóm hai nhóm, hai chục người cũng chia một nhóm hai nhóm. Cứ chia ra nhóm này nhóm kia rồi chống cự nhau, chỉ trích nhau v.v… Như vậy càng tu đạo đức càng tăng hay giảm? Đó là điều quí vị cần phải suy nghĩ cho thật kỹ để sửa đổi.
Tu là để cho tâm được an vui giải thoát, chớ đâu phải tu để càng ngày càng bị trói buộc. Cứ lo chia năm chẻ bảy, thị phi đủ chuyện thì có khác gì thế gian, như vậy vào chùa học Phật để làm gì? Thân người khó được, Phật pháp khó nghe mà mình xem thường quá, sau này khổ đến ăn năn cũng không kịp. Bây giờ quí vị ráng tinh tấn tu hành đúng như lời Phật dạy để rồi mỗi ngày mỗi tiến, mỗi ngày mỗi được nhẹ nhàng, tới khi nhắm mắt thảnh thơi ra đi, không bận lòng điều gì, đó là kết quả thiết thực của sự tu.
Vì vậy tôi mong rằng tất cả quí Phật tử đi chùa Huệ Quang, đều biết rõ lấy trí tuệ quán chiếu, thấy thân này tạm bợ, hư giả. Biết như vậy thì đối với mọi sự việc chung quanh đều buông xả, không cố chấp. Quí vị buông xả, không cố chấp để tâm được nhẹ nhàng thảnh thơi, để tình huynh đệ mỗi ngày mỗi thắm thiết hơn. Những người đi trước phải cố gắng tu tập, cố gắng buông xả để những người đi sau noi theo. Được vậy mới xứng đáng là Phật tử chùa Huệ Quang.