Thứ Sáu 27/12/2024 -- 27/11/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sống tỉnh giác - Sống trở về thực tại

 

IV- SỐNG TRỞ VỀ THỰC TẠI

Đây là điểm quan trọng nhất. Đã thấy được chỗ lầm của mình rồi, bây giờ phải sống thực. Lâu nay mình sống theo tâm vọng tưởng, hoặc nhớ về quá khứ, hoặc tưởng đến tương lai, chứ ít có phút giây nào sống ngay thực tại. Sống trở về thực tại là có ánh sáng chánh pháp.

Chúng ta hiện có được nhân lành hy hữu, nên mới có duyên gặp được con đường chánh pháp nhắc nhở mình như thế này. Quý vị hãy kiểm lại xa xa về trước, khi một niệm bất giác ban đầu rồi đi vào trong cuộc luân hồi, tới bây giờ chừng bao nhiêu năm? Không biết bao nhiêu kiếp nữa. Sự vô minh, mê lầm đó đã từ vô lượng kiếp.

Bây giờ có ánh sáng, có con đường ra rồi, không chịu đi ra mà quay lại con đường kia nữa thì thật là đau. Gặp con đường sáng này, là cái nhân lành mình đã gieo trồng nhiều đời, chứ không phải mới đây. Mà đã có nhân lành nhiều đời, bây giờ phải thực hành, phải sống để huân tập cho nhân lành đó được tăng trưởng, và mở con đường ra, chứ không phải đi vào con đường cũ để vào cái vô minh, cái mê lầm đó nữa. Cho nên phải sống tỉnh giác, nghĩa là phải sống trở về ngay thực tại.

Thiền Tây Tạng có câu chuyện: Có một vị phụ nữ, vị này có ý nguyện muốn đạt đến giác ngộ. Cô tìm đến những vị thầy có tiếng tăm để thưa hỏi. Có một vị chỉ cho cô:

- Nếu cô chịu khó leo lên đến đỉnh núi cao kia, cô sẽ gặp một cái hang. Trong hang có một bà lão, bà lão này rất thông thái, bà sẽ chỉ cho cô biết con đường đi đến giác ngộ.

Nghe nói như vậy, cô chịu khó leo lên đến đỉnh núi. Vào tìm, quả thật gặp bà lão. Bà đang mặc bộ đồ trắng, vẻ thông thái mà hiền từ, vừa gặp là cô cảm thấy kính trọng ngay. Cô quỳ xuống chân, hỏi bà:

- Làm sao để đi đến giác ngộ?

Bà hỏi lại:

- Con có chắc chắn là muốn đạt đến giác ngộ hay không?

Cô trả lời mạnh mẽ:

- Vâng, con chắc chắn.

Ngay đó bà lão biến thành một hình thù dữ tợn, giống như quỷ Sa-Tăng, cầm một cây gậy, vừa đánh cô, vừa nói to lên:

- Bây giờ, bây giờ, bây giờ.

Từ lúc đó cho đến hết cuộc đời, cô chỉ nhớ câu đó thôi, sống ngay chỗ đó, không bao giờ quên được. “Bây giờ là ngay bây giờ thôi”. Đó là con đường, là chìa khóa để mở cửa đi vào giác ngộ.

Quý vị học chữ nghĩa nhiều quá mà quên mất những điều then chốt. Chính những điều này mới là thực tế, sống trở về ngay chỗ bây giờ đây là cánh cửa đi vào giác ngộ. Quý vị ngồi đây thì tâm phải ở ngay chỗ này. Lúc nào tâm quý vị cũng ở ngay chỗ đó là bảo đảm cửa giác ngộ mở ra, khỏi phải đi tìm đâu hết.

Vừa khởi tâm đi tìm là hết bây giờ rồi, cửa giác ngộ đóng lại với mình rồi. Rất đơn giản và rất thực tế, không cần chữ nghĩa nhiều.

Bởi thế cho nên Lục Tổ Huệ Năng ra đời hiện thân là anh chàng tiều phu không biết chữ. Tuy Ngài không biết chữ nhưng ngộ đạo sớm, rồi lại được truyền y bát làm Tổ nữa. Đó là muốn nhắc cho mọi người, chân lý rất đơn giản, rất gần gũi với mình, chân lý không nằm trong chữ nghĩa mà nằm ngay chính mình.
Trong nhà thiền có công án “Trà Triệu Châu”. Đây là công án nổi tiếng, đánh thức mình sống về thực tại.

Có ông tăng đến, Ngài Triệu Châu hỏi: “Ông từng đến đây chăng?”

Ông đáp: “Đã từng đến”.

Ngài bảo: “Thôi uống trà đi”

Rồi ông tăng khác đến, ngài cũng hỏi: “Ông từng đến đây lần nào chưa?”

Ông thưa: “Chưa từng đến”

Ngài cũng bảo: “Uống trà đi”.

Ông Viện chủ nghe vậy thắc mắc hỏi: “Bạch Hòa Thượng, tại sao đã từng đến cũng mời uống trà đi, rồi chưa từng đến cũng mời uống trà đi?”

Ngài gọi: “Viện chủ”.

Viện chủ: “Dạ”.

Ngài cũng bảo: “Uống trà đi”.

Người nghe giống như chuyện đùa, nhưng chính đó là ý nghĩa rất sâu xa. Hỏi “Ông từng đến đây chăng?” Ông nói “Từng đến rồi.” Đã từng đến đây thì còn hỏi thêm gì nữa? Ngay đây “Uống trà đi” là xong. Tức là nhắc mình phải sống ngay thực tại thôi, hỏi gì nữa là quên mất cái thực tại này rồi, là muốn thêm cái gì khác.

Còn ông kia được hỏi “Từng đến chưa?” Ông nói “Chưa từng đến.” Đáp như vậy tức là ông đang nhớ về quá khứ. Thiền sư chỉ muốn nói chuyện ngay hiện tại. Ông nói chưa từng đến, vậy ai đang đáp đây? Ông đang đứng đây, mà ông nói chưa từng đến, là ông đang nhớ về quá khứ, nói chuyện năm xưa rồi, cho nên “Uống trà đi” là xong. Thiền sư muốn nhắc ông, ngay đây, ông đang nói chuyện, đang đáp rõ ràng. Ông đang đứng đây, có nghĩa là ông đến đây rồi, còn nói chưa từng đến gì nữa? Đó là ông quên mất thực tại rồi.

Rồi ông Viện chủ hỏi chuyện từng đến đây hay chưa từng đến, là chuyện của người khác. Còn ông đang nói chuyện đây, gọi ông thì ông dạ. Chuyện ông đang đối diện đây mà ông không lo, lo chuyện của người ta làm chi, thật xa vời. Vì vậy “Uống trà đi” là xong. Rất đơn giản nhưng cũng rất là sâu xa, phải hiểu qua chữ nghĩa mới thấy được.

Thiền sư luôn luôn nhắc mình sống trở về với thực tại như vậy, chứ không phải lý luận nhiều, lý luận xa xôi, mà chính cái đó mới là sức sống chân thật. Cho nên học thiền, hiểu thiền phải sống thiền, phải tập luôn luôn sống trở về với chính mình, sống luôn luôn có ánh sáng, không phải sống mất hồn, sống như là chết. Như vậy mới là sống có ý nghĩa.

Ngài Thạch Thê thấy ông thị giả đi lên trai đường dùng cơm thì hỏi: “Ông đang đi đâu?”

Ông thưa: “Con đi lên trai đường”.

Ngài Thạch Thê nói: “Ta đâu không biết ông đi lên trai đường”.

Ý Ngài Thạch Thê muốn hỏi cái gì đang đi. Ở đây Ngài muốn nhấn mạnh chỗ sống thực đó. Ông thị giả này cũng có ánh sáng thực nên bạch: “Vậy thì ngoài cái này còn có việc gì đáng nói nữa?”

Ngài Thạch Thê nói: “Ta muốn hỏi việc bổn phận của ông”.

Thị giả thưa: “Nếu mà Hòa Thượng hỏi việc bổn phận của con, thì con thật là đi lên trai đường”.

Ngài Thạch Thê bảo: “Ông quả thật là thị giả của ta”.

Hỏi “Đi đâu”, đáp “Đi lên trai đường”.

Ngài Thạch Thê muốn nhấn mạnh lại, ta hỏi đó là muốn hỏi cái ông đang sống, đang thực tại, nên ngài mới nói “Ta đâu không biết ông đi lên trai đường”. Thấy ông mặc áo là biết rồi, nhưng ta hỏi là muốn hỏi cái gì kia. Ông thị giả này biết được, nên trả lời “Ngoài việc này thì còn có việc gì đáng nói nữa”. Ngài Thạch Thê nhấn mạnh lại “Ta hỏi việc bổn phận của ông?” Bổn phận là việc chính của ông, chỗ sống của ông đó. Ông thị giả nói “Nếu hỏi việc đó thì con thật đang đi lên trai đường”.

Người ngoài nghe không biết hai thầy trò nói chuyện gì. Nhưng đó là tỏ bày ông thị giả đang sống thực tại, đang có mặt. Bây giờ đang đi lên trai đường, biết rõ mình đang đi lên trai đường, không có gì khác hết, nên mới đáp được điều đó chứ không phải dễ dàng. Nếu không có mặt ở chỗ đó, nghe ông thầy gạn lại “Ta hỏi việc bổn phận của ông”, sẽ trầm ngâm suy nghĩ một chút, xét xem việc bổn phận là việc gì thì lúc đó sẽ bị quở vì quên mất chỗ thực tại rồi. Còn ông thị giả này đang sống thực tại, lúc nào cũng có mặt.

Ngài Thạch Thê bảo “Ông quả thật là thị giả của ta”. Câu này có hai ý. Thị giả là gần bên Thầy. Và quả thật là ông đang có sức sống chân thật, lúc nào cũng có mặt bên ta.

Nếu là mình thì đi lên trai đường cũng là đi đó, nhưng tâm lại đi chỗ khác.

Thiền sư Vô Trụ kể câu chuyện: Có một người đang đứng hóng mát trên ngọn đồi, có ba vị đi dưới chân đồi ngó thấy.

Một người thắc mắc: “Không biết ông kia đứng ở đó làm gì? Chắc là ông mất cái gì đó, đang tìm”.

Người khác lại đoán: “Chắc đang tìm người quen”.

Người còn lại nghĩ: “Chắc là ông đang hóng mát”.

Ba người bàn mỗi người một ý. Không ai giải quyết rõ ràng. Cuối cùng ba người nói:

- Thôi lên hỏi ông đó là chắc nhất.

Ba người bèn đi lên hỏi:

- Anh đứng đây làm gì, anh tìm người quen hay sao vậy?

Ông nói:

- Không có.

- Hay là anh đang bỏ mất vật gì nên lên đây tìm?

- Cũng không có.

- Hay là anh đang đứng đây hóng mát, hóng gió?

- Cũng không phải.

Ba người nói:

- Vậy anh đứng đây làm gì mà hỏi gì anh cũng nói không có hết?

Ông trả lời:

- Tôi đứng đây là đứng đây vậy thôi.

Đó gọi là đang sống với thực tại.

Mình thường thường theo tâm lý của thế gian, đứng đó thì phải có việc gì, có vấn đề. Bởi trong đầu mình luôn luôn có vấn đề. Cho nên mình nghĩ ai cũng vậy, cũng có vấn đề như mình.

Trong khi đó, anh ta trong đầu không có vấn đề thì đứng đây là đứng đây vậy thôi, đó gọi là sống trở về với thực tại. Mà nếu quý vị thường sống được như vậy, thì bảo đảm là cửa giác ngộ mở với mình dễ dàng. Chứ còn luôn luôn trong đầu có vấn đề thì chính cái vấn đề đó nó che, nó làm khuất mất ánh sáng chân thật. Cho nên mình phải tập sống trở về với thực tại như vậy. Làm việc gì phải biết rõ, mình phải có mặt trong đó, thì đó là sống tỉnh giác, là sống có hồn, sống đúng với ý nghĩa sống.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1403953
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
5296
8218
40672
1282258
179646
109310
1403953