Thứ Hai 25/11/2024 -- 25/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Thiền tông đốn ngộ - Tâm yếu nhà thiền


TÂM YẾU NHÀ THIỀN

I. TÂM YẾU LÀ GÌ?
Người tu, nhất là tu thiền phải nắm vững     chỗ này thì trên đường tu hết còn nghi ngờ và không sợ lạc vào lối tẻ, đường ma. Vậy tâm yếu là gì? Nói thẳng ra, tâm yếu hay yếu chỉ của người tu thiền là nhận rõ bản tâm chính mình chứ không gì khác. Chính NHẬN RÕ BẢN TÂM là yếu chỉ vào đạo. Bởi vì bao nhiêu phương tiện của Phật nói ra, của Tổ chỉ dạy, không ngoài mục đích đánh thức cho người nhận ra bản tâm thôi. Người học đạo mà không nhận ra bản tâm thì vẫn học loanh quanh bên ngoài, vẫn lăng xăng chạy tìm trên chữ nghĩa, chưa thể vào cửa Tổ, nói theo thiền; hay chưa vào được nhà Như Lai, nói theo Giáo.
Lâm Tế từng bảo: “Nếu các ông hay thôi được niệm niệm rong ruổi chạy tìm liền cùng Phật Tổ không khác. Các ông muốn biết được Phật Tổ chăng? Chỉ là người đang nghe pháp ở trước mặt ông đó! Người học tin chẳng kịp bèn hướng ra bên ngoài chạy tìm kiếm, dù cho tìm kiếm được, đều là tướng thù thắng của văn tự, trọn chẳng được ý Tổ sống”.
Nghĩa là bỏ bản tâm mà tìm kiếm bên ngoài, dù cho tìm kiếm được Phật Tổ cao siêu để hiểu, cũng là hiểu theo chữ nghĩa, là Phật Tổ trong sách vở, kinh điển để lại, không phải là Phật Tổ sống. Muốn thấy Phật Tổ sống, chỉ phải xoay lại chính mình, ngay “người đang nghe pháp trước mặt ông đó”, chớ tìm đâu xa! Ngài Lâm Tế vốn nổi tiếng là Hét, đúng cũng hét, chẳng đúng cũng hét, hét cho chết cái tâm chạy tìm, không chỗ để dò hiểu; nhưng ở đây thì Ngài nói thật rõ, nói tận tình, trút hết gan ruột, người còn chưa chịu nhận thì biết nói sao đây? Ý Tổ sống là ở ngay bản tâm chính mình, thấy được chỗ đó là chỗ cùng Phật Tổ không khác. Bởi, đã là bản tâm chính mình sao lại chạy ra ngoài tìm kiếm? Ngay đó đủ thấy sự mê lầm của chúng ta quá đổi. Hơn nữa, bản tâm không nhận lại đi nhận những thứ buồn vui, giận ghét để sanh phiền não đau khổ, lấy đó làm sự sống của chính mình, rồi lại đi tìm cầu hạnh phúc, thật là mâu thuẫn dài dài. Phật gọi đó là “nhận giặc làm con”, sẽ bị phá tan gia tài sự sản, bị nó nhận chìm trong tam đồ khổ não thôi.
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Ngũ Tổ đã bảo Huệ Năng: “Chẳng biết bản tâm, học pháp vô ích” và “từ xưa Phật Phật chỉ truyền bản thể, thầy thầy thầm trao bản tâm, y là đầu mối tranh giành, hãy dừng nơi ngươi chớ truyền nữa.”
Ngũ Tổ chỉ dạy rất rõ, gốc là nhận bản tâm để sống, Phật Phật, Tổ Tổ nói thầm trao, nói mật truyền, chỉ là trao truyền BẢN TÂM, đó là lẽ thật muôn thuở. Trái lại, người không biết, cứ tưởng truyền y bát là làm Tổ, rồi lo giành giựt y bát để được làm Tổ, nhưng Tổ đâu phải ở cái y, cái bát vô tri đó! Người chân thật học đạo phải lưu ý điểm này!
Chính Lâm Tế khi từ giã Ngài Hoàng Bá đi, Hoàng Bá bảo thị giả đem thiền bảng, kỷ án là tín vật của Tiên sư Bá Trượng ra để trao cho Sư, nhưng Sư liền bảo thị giả đem lửa đốt quách không màng tới. Nếu là người khác, được trao tín vật tiêu biểu cho sự kế thừa Tổ vị thì rất hãnh diện, dùng gấm lụa tốt gói kỹ không cho người thấy, sợ người giành giựt mất. Với Lâm Tế thì Sư đã tự có chỗ sống chân thật rồi, được kế thừa là kế thừa từ chỗ chân thật ấy, còn vật bên ngoài Sư thấy không quan trọng. Chỉ lo bám vào cái bên ngoài đó, rồi tranh giành giết hại nhau thì còn có ý nghĩa gì mà gọi là kế thừa? Trong khi đó, chỗ sống chân thật nơi chính mình đây thì ai giành giựt được? Hành giả cần sáng tỏ chỗ này!
II. AI KHÔNG BẢN TÂM?
Đã là bản tâm tức tâm thể của chính mình thì ai không có? Không có nó hẳn thành khúc gỗ còn gì, song hỏi “bản tâm là gì?” lại lúng túng không trả lời thông suốt! Vậy là sao? Đây là chỗ người học đạo cần chín chắn nghiệm xét không thể hời hợt bỏ qua.
Xưa kia, Đại Điên đến chỗ Hòa thượng Thạch Đầu, Thạch Đầu hỏi:
- Cái gì là tâm ông?
Sư thưa:
- Nói năng đó là tâm.
Bị Thạch Đầu nạt đuổi ra. Hơn một tuần, Sư lại đến hỏi:
- Trước đó đã chẳng phải, trừ ngoài cái này, cái gì là tâm?
Thạch Đầu bảo:
- Trừ ngoài nhướng mày, chớp mắt, đem tâm lại?
Sư thưa:
- Không tâm có thể đem lại.
Thạch Đầu bảo:
- Nguyên lai có tâm, sao nói không tâm? Không tâm tức trọn đồng với chê bai rồi.
Sư liền tỏ ngộ.
Hỏi: “gì là tâm?” Đáp: “Nói năng là tâm”. Mới nghe qua dường như phải, không tâm thì cái gì biết nói năng? Tuy nhiên chỗ này rất dễ hiểu lầm, thành xen lẫn với tướng sanh diệt. Nếu chỉ nhận nói năng là tâm, vậy khi không nói năng thì sao? Không có tâm chăng? Vì vậy Hòa thượng Thạch Đầu nạt đuổi ra để gạn lại chỗ thấy của Đại Điên. Sau đó Đại Điên hỏi lại: “cái nói năng đó đã chẳng phải thì ngoài cái này ra, cái gì là tâm?” Tức ngoài cái nói năng này, còn có cái gì riêng là tâm nữa? Thạch Đầu bảo: “ - Tức ngoài nhướng mày, chớp mắt, đem tâm lại!” Ngài gạn kỹ lại xem Đại Điên đã thấy thấu qua cái dụng kia chăng? Quả tang Đại Điên chỉ kẹt trên cái dụng đó, chưa thấu được “thể thật”, nên đáp: “không tâm có thể đem lại”. Vậy là Sư chỉ thấy tâm ở chỗ nhướng mày, chớp mắt đó thôi sao? Vì thế Hòa thượng Thạch Đầu bảo: “ - Nguyên lai có tâm sao nói không tâm? Nói không tâm tức đồng với chê bai rồi.” Ông đáp không tâm có thể đem lại, vậy cái gì đang trả lời đó? Trong đây cần rõ: Biết nói năng, biết nhướng mày, chớp mắt, nếu thực không có tâm thì cái gì biết làm những việc đó? Song người mê chỉ nhận trên tướng nói năng, tướng nhướng mày, chớp mắt tức nhận lầm tướng sanh diệt làm tâm. Chỗ này dễ lẫn lộn với Thần ngã của ngoại đạo. Ngoại đạo cũng nói có Thần ngã bên trong mới khiến thành ra có nhướng mày chớp mắt, động dụng, khổ vui…, vậy làm sao phân biệt chân giả? Chỗ này cốt phải nhận thấy thấu tột NGAY ĐẦU NGUỒN phát ra mọi tác dụng kia! Chính đó mới là tâm thể thường hiện tiền không thuộc động tịnh. Chỉ nhận nơi tác dụng đó, khi không tác dụng liền lờ mờ, lại rơi vào đoạn diệt, nên gọi: “trọn đồng với chê bai”. Thần ngã thuộc chỗ này.
Để rõ thêm điểm này, chúng ta hãy nghe Tổ Tăng Già Nan Đề, một hôm nhân gió thổi trước điện Phật, tiếng linh khua, Tổ hỏi Già Da Xá Đa:
- Linh kêu hay gió kêu?
Già Da Xá Đa đáp:
- Chẳng phải linh kêu, chẳng phải gió kêu mà tâm con kêu.
Tổ hỏi:
- Tâm như thế nào?
Già Da Xá Đa đáp:
- Đều lặng lẽ.
Tổ Tăng Già Nan Đề muốn gạn xem chỗ thấy của Già Da Xá Đa thế nào nên hỏi “linh kêu hay gió kêu?”. Già Da Xá Đa đáp ngay: “Tâm con kêu”, vậy tâm kêu như thế nào? Tâm biết kêu sao? Quả thực, nếu không phải người đã hằng sống trong đó, hẳn đã theo tiếng linh, tiếng gió mà đáp, là rơi vào cái bẫy của Tổ rồi! Linh và gió là cảnh bên ngoài, theo cảnh phân biệt là quên mất mình đang hiện hữu. Chính chỗ này mà hai ông tăng ở chùa Pháp tánh cãi nhau về gió động và phướn động mãi không thôi, khiến Lục Tổ đang trong hình thức cư sĩ nhịn không được phải xuất hiện để lộ tung tích bảo: “Tâm ngài động!”
Ở đây, Già Da Xá Đa bị Tổ gài linh với gió, nhưng Sư vốn thường sống trong ấy, luôn luôn có mặt không mê nên đáp rõ: “Tâm con kêu”, tức nói lên sự hiện hữu chính mình ngay đó! Dù có tiếng gió, tiếng linh nhưng cái gì đang có mặt nhận rõ tiếng kêu đó? Tổ Tăng Già Nan Đề hỏi tiếng gió, tiếng linh nhưng chính đây mới là chỗ nhắm. Vậy là có tâm hay không? Nếu không tâm thì cái gì biết gió thổi linh kêu? Song nếu chỉ nhận cái biết theo tiếng gió, tiếng linh làm bản tâm thì khi gió im tiếng lặng sẽ ra sao? Tâm kêu ở chỗ nào? Hẳn là sẽ chới với mờ mịt! Do đó Tổ Tăng Già Nan Đề gạn thêm cho tột cùng tâm thể: “Tâm như thế nào?” Đến đây nếu không phải người thực sống trong đó hẳn khó trả lời cho thông. Biết có tâm kêu nhưng cái gì là thể của tâm? Không thể lờ mờ trên tướng sanh diệt kia!
Già Da Xá Đa đáp rõ: “Đều lặng lẽ”. Biết kêu là động, là đối tiếng mà có, nếu không đối tiếng liền không, chưa tột được thể. Ở đây, Già Da Xá Đa biết mà đều lặng lẽ, hằng lặng lẽ, tức BIẾT mà LẶNG. Biết mà Lặng, là biết nhưng lìa tướng biết, biết tất cả nhưng vẫn không rời tự thể, đó mới chính là cái biết nhiệm mầu, cái biết chẳng thể nói, chẳng thể nghĩ bàn, vượt ngoài mọi hý luận. Cho nên BẢN TÂM phải đủ hai nghĩa TỊCH mà TRI, LẶNG mà BIẾT, BIẾT mà LẶNG. Do đó nói Biết cũng được, nói chẳng biết cũng được, vì có tướng hay không có tướng vẫn HẰNG BIẾT, không lệ thuộc đối tượngbị biết.
Đi sâu vào thêm, chúng ta nghiệm kỹ đoạn nhân duyên về Bồ tát Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt. Đạo Ngô hỏi Vân Nham:
- Đức Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt, vậy mắt nào là mắt chánh?
Vân Nham đáp:
- Như người ban đêm với tay lại sau mò chiếc gối.
Đạo Ngô nói:
- Tôi hội rồi.
Vân Nham hỏi:
- Hội thế nào?
Đạo Ngô đáp:
- Khắp thân là tay mắt.
Vân Nham nói:
- Nói tột lời nói chỉ nói được tám phần.
Đạo Ngô hỏi:
- Sư huynh thì sao?
Vân Nham đáp:
- Toàn thân là tay mắt.
Như vậy, Đạo Ngô nói khắp thân là tay mắt, Vân Nham nói toàn thân là tay mắt, có gì đặc biệt? Giữa đêm tối, với tay lại phía sau mò chiếc gối, thì con mắt ở đâu mà thấy chiếc gối khiến mình đụng biết? Mắt này đâu cần tròng? Song người nghe nói “khắp thân” là tay mắt, liền tưởng tượng khắp cả thân mình chỗ nào cũng mọc tay, mọc mắt có ngón, có tròng đầy đủ; vậy dưới lòng bàn chân cũng phải có hai tròng mắt thì khi đi, đạp xuống đất hẳn bị bụi lấp đầy mắt làm sao thấy? Hơn nữa, một người mà khắp thân mọc đầy tay, đầy mắt thì thân đó phải to đến cở nào mới chứa  đủ ngàn cánh tay, ngàn con mắt? Và người đó sẽ là người thế nào? Chắc hẳn đó là một quái nhân, ai yếu tinh thần gặp phải cũng té xỉu! Cho nên Vân Nham bảo: “Nói tột lời nói chỉ nói được tám phần”, không thể nói hết.
Vân Nham nói “toàn thân” là muốn đánh thức người vượt qua chữ nghĩa đó. Đây là ngầm chỉ, THỂ GIÁC tròn khắp, toàn thân đụng đến đâu liền thầm cảm biết ngay, tức chỗ nào cũng có tính giác biểu lộ không thiếu thì đâu đâu chẳng là tay mắt? Người đã thể nhập bản tâm thì toàn thể đều giác, đụng đến đâu cũng là thể giác hiện bày chưa từng mê, tất cả đều thành diệu dụng sáng ngời nên biểu trưng bằng ngàn cánh tay, ngàn con mắt: sẵn sàng ứng khắp! Người học phải đạt ý ngoài lời, không thể bám theo lời sanh hiểu.
Cảm nhận được chỗ này, vua Đường Trang Tông nói với Thiền sư Tồn Tương ở Hưng Hóa:
- Trẩm thâu Trung Nguyên nhận được hòn ngọc quý mà chưa từng có người trả giá.
Thiền sư Tồn Tương hỏi:
- Xin bệ hạ cho xem!
Vua lấy hai tay vuốt từ đầu đến chân. Sư nói:
- Ngọc quý của đấng quân vương ai dám trả giá.
Xem đấy, Thiền sư xin cho xem ngọc quý, Vua lấy tay vuốt từ đầu đến chân, là trình ngọc xong. Toàn thân vuốt tới đâu, cảm biết tới đó rõ ràng không mê thì chính đó là gì? Nghĩa là, tính giác luôn luôn hiện hữu nơi người, sờ sờ chưa từng vắng mặt mà người người bỏ quên không nhận, lại đi nhận những tướng sanh diệt bên ngoài, nhận cái bóng dáng suy nghĩ theo duyên chợt có chợt không, khiến đành chịu lưu chuyển mãi. Một lẽ thật một trăm phần trăm như vậy còn nghi ngờ gì nữa? Người đã có, tại sao chúng ta không có? Sa di Cao bảo: - Chỉ là người chẳng chịu nhận thôi!
Tuy nhiên đã biết có bản tâm đó rồi nhưng phải thấy ở đâu?

III. TÂM YẾU BÌNH THƯỜNG GIẢN DỊ
Sự thực TÂM YẾU này rất bình thường giản dị, ngay chỗ dùng hằng ngày của chúng ta đây thôi, không phải ở đâu xa. Bởi chúng ta quen sống theo ý thức, rồi tưởng tượng quá nhiều, gán cho nó đủ thứ lạ lùng kỳ bí, thành tự cách xa. Cách xa là tự cách chứ không ai xen vào trong đó.
Có vị tăng hỏi Trần Tôn Túc:
- Hằng ngày ăn cơm mặc áo, làm sao khỏi được?
Sư bảo:
- Mặc áo ăn cơm.
Tăng thưa:
- Con chẳng lãnh hội.
Sư bảo:
- Chẳng lãnh hội thì ăn cơm mặc áo.
Thực là Thiền sư không nhọc công phí sức chút nào! Người học cứ muốn tìm cái gì khác lạ, phi thường ngoài cuộc sống này mới cho là quý. Nhưng có cái khác tức thành người khác rồi! Không ngờ chỗ sống chân thật chính ngay nơi mình, ở trong mình, hằng ngày sống trong ấy, lại luôn chạy đi tìm. Này nhé! Nghe đánh bảng biết mặc áo đi ăn cơm, cơm dọn xong biết sớt vào bát, vào chén mà chưa qua niệm thứ hai thì đó là gì? Phật thành đạo nhưng hằng ngày vẫn đắp y, ôm bát, ăn cơm, uống nước như người, vậy trong đó cái Đạo ngài sống ở chỗ nào? Trong đây kỵ nhất là theo tiếng, theo sắc, ngay đó liền mất mình!
Có vị tăng hỏi Hòa thượng Tịnh Không đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông Việt Nam:
- Ý Tổ và ý kinh là đồng hay khác?
Sư đáp:
- Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều Vua.
Tăng hỏi:
- Hòa thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho con?
Sư đáp:
- Ngươi thổi lửa, ta hốt gạo, ngươi khất thực, ta ôm bát, có gì cô phụ ngươi?
Tăng nghe liền tỉnh ngộ.
Chỗ này giống nhân duyên giữa Ngài Đạo Ngộ với Sùng Tín. Sùng Tín xuất gia với ngài Đạo Ngộ và theo hầu hạ thầy. Một hôm Sư thưa với Đạo Ngộ:
- Từ ngày con vào đây đến giờ chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu?
Đạo Ngộ bảo:
- Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi.
SùngTín thưa:
- Thầy chỉ dạy ở chỗ nào?
Đạo Ngộ bảo:
- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận. Ngươi xá lui ra thì ta gật đầu, chỗ nào chẳng dạy tâm yếu cho ngươi?
Sùng Tín cúi đầu lặng thinh giây lâu. Đạo Ngộ bảo:
- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.
Ngay câu nói đó, Sùng Tín tỏ ngộ.
Vậy Sùng Tín cũng như ông tăng trên đã ngộ cái gì? Ngộ cái thổi lửa hốt gạo, khất thực ôm bát, dâng cơm cúi đầu chăng? Trong ấy, tâm yếu ở chỗ nào? Quả thực, không tâm thì cái gì biết thổi lửa hốt gạo, dâng cơm, xá chào? Tuy nhiên, vừa có cái TA xen vào liền thành mờ tối, nghi ngại! Có TA xen vào, ngay đó liền có đây kia, ta người, có TA dâng cơm, TA thổi lửa, TA cúi đầu, TA xá chào… một dọc dài TA và TA và TA… còn đâu thấy tâm yếu?
Ngay đây loại hết mọi cái TA BIẾT sai biệt đó, chỉ còn nguyên vẹn một cái BIẾT TINH THUẦN, RÒNG RẶC xem nào! Trong đó có cái gì sai khác, chẳng phải? Tức là, phải trở về cái Biết trước khi động niệm, trước khi có cái TA xen vào thì cùng Phật Tổ gặp nhau ngay trong cái xá chào, cái mặc áo, ôm bát! Chính đó là chỗ thầy trò tâm tâm in nhau, truyền trao cho nhau. Yếu chỉ thiền sẵn ngay trong chỗ bình thường hằng ngày ấy chớ không đâu xa.
Có vị tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu:
- Con mới vào tòng lâm, xin thầy từ bi chỉ dạy
Sư hỏi:
- Ông ăn cháo xong chưa?
Tăng thưa:
- Dạ, ăn cháo xong rồi.
Sư bảo:
- Rửa chén bát đi!
Hãy nói Triệu Châu đã chỉ dạy cái gì? Giống như Sư chỉ nói chuyện bình thường, nhưng chính tâm yếu Thiền là ở chỗ đó! Đã ăn cháo xong thì rửa bát đi, còn chạy hỏi lăng xăng làm gì? Chính ngay chỗ ăn cháo, rửa bát mà chưa từng mê thì đó là gì? Còn đòi hỏi chỉ dạy thêm nữa sao? Bởi Triệu Châu vốn ngộ từ “tâm bình thường là đạo”, nên chỗ chỉ dạy của Sư cũng rất bình thường nhưng xác thật. Không nói lời đạo lý cao siêu, không dùng từ ngữ kiêu kỳ, không chuộng văn chương chữ nghĩa màu mè, song mỗi lời nói ra đều sáng ngời ánh sáng chân thật không thể nghĩ bàn! Với Sư thì TÂM YẾU hiện bày sáng ngời sờ sờ trong chỗ ăn cháo, rửa bát đó rồi. Tuy nhiên với Sư nói như thế thì được, với mọi người nói thì đó là tâm luân hồi, không phải tâm yếu. Đây là chỗ cần phải chín chắn không thể bắt chước!
Kinh Kim Cang nói: “NHƯ LAI là nghĩa NHƯ của các pháp”. Nghĩa là, ngay các pháp trước mắt thấy rõ tất cả đúng như nó là nó không chút sai lầm, không thêm bớt gì trong đó, thì thấy cái gì cũng Như Lai hiện tiền, cũng là Như Lai thấy. Thấy như thế thì chỗ nào cũng có Thiền, không còn phân biệt kia đây. Trái lại vừa động niệm liền hết NHƯ.
Có một bà nọ đến dự một buổi thuyết giảng của Thiền sư Bạch Ẩn và được nghe Sư bảo rằng: “Tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh, đức Phật trong mỗi chúng sanh: Một khi đức Phật xuất hiện, mọi vật trên thế gian đều chiếu ánh quang minh. Nếu ai muốn nhận được điều này, phải phản quan tự kỷ, đến chỗ nhất tâm bất loạn. Vì tâm tịnh tức độ tịnh, thì làm sao để trang nghiêm Tịnh độ? Vì Phật vốn sẵn trong mỗi chúng sanh thì tướng tốt và vẻ đẹp của Phật là gì?”
Nghe xong, bà nghĩ: “Điều đó không quá khó”. Trở về nhà bà bắt đầu quán chiếu suốt ngày đêm, đeo đuổi mãi trong tâm dù ngủ hay thức.
Rồi một hôm, khi đang rửa nồi, bà thình lình tỏ ngộ. Ném cái nồi qua một bên, bà đến gặp Bạch Ẩn, Bà nói:
- Tôi bỗng gặp đức Phật trong thân tôi. Mọi vật rạng ngời ánh sáng. Thật kỳ diệu! Kỳ diệu!
Bà hết sức vui mừng. Ngay đó Bạch Ẩn liền bảo:
- Bà nói như thế, nhưng còn cái hầm phân thì sao? Nó có chiếu sáng không?
Bà bước lên và đấm vào Bạch Ẩn nói:
- Ông già này chưa ngộ.
Bạch Ẩn cười to.
Với người đã thật ngộ thì luôn luôn sáng ngời, thấy cái gì cũng sáng, thấy hầm phân cũng sáng. Nếu nghe đến hầm phân liền nghĩ NHƠ NHỚP làm sao sáng, thì bị đuổi ra khỏi cửa, chưa phải thứ thiệt. Bà này đã thực có chỗ sống không bị ngôn ngữ bên ngoài che mờ, nghe nói đã thấu qua ý Bạch Ẩn ngay nên thoi Bạch Ẩn nói: “Ông già này chưa ngộ”. Đó là chứng minh chỗ thấy của mình rõ ràng không nghi ngờ. Chính đây là cách trình kiến giải khéo, người bên ngoài không hiểu, tưởng bà chê Bạch Ẩn là lầm!
IV. TÂM YẾU BẶT ĐỐI ĐÃI, KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN
Nó đơn giản, bình thường ngay trong chỗ sống hằng ngày, nhưng lại bặt đối đãi, không thể phân biệt nghĩ bàn đến được. Vì nghĩ đến được thì nó thuộc đối tượng bị hiểu rồi. Bởi vậy, khi hỏi đến chỗ cứu cánh của Thiền, các Thiền sư thường im lặng, hoặc đánh hoặc hét, từ bi hơn thì các ngài nói đông nói tây, đánh lạc hướng ý thức không cho có chỗ bám.
Như Đạo Ngộ hỏi Hòa thượng Thạch Đầu:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Thạch Đầu đáp:
- Chẳng được, chẳng biết.
Hỏi: đại ý Phật pháp, đáp: chẳng được chẳng biết, vậy làm sao hiểu? Song, đã chẳng biết làm sao biết trả lời là “chẳng được”? “Cái gì đáp” chẳng được, chẳng biết? Đó là chỗ thật khó thấy, khó nghĩ, vì dù có nghĩ cũng nghĩ không tới. Bởi nghĩ, là luôn luôn nghĩ về một cái gì, tức có đối tượng để nghĩ, còn chính bản thân cái nghĩ, làm sao nghĩ? Đây là yếu chỉ quan trọng mà ít ai nhớ lại!
Lục Tổ bảo:
Ngơ ngơ chẳng tạo dữ,
Ngốc ngốc chẳng làm lành.
Lặng lẽ dứt thấy nghe,
Thênh thang tâm không dính.
Chú ý! Không làm lành nhưng cũng không tạo dữ, tức vượt qua hai đầu lành dữ, không chỗ để niệm sanh, không dấu cho quỷ thần xem thấy, nên nói ngơ ngơ, ngốc ngốc. Đến chỗ lặng lẽ dứt thấy nghe, không còn chỗ để duyên, để bám thì tâm thênh thang không bờ mé. Song dứt thấy nghe đây, không phải bảo bịt tai, bịt mắt lại không cho thấy gì, nghe gì mà chính là thấy nghe tất cả nhưng không dừng trụ ở cái bị thấy, bị nghe: Tức đi qua tất cả mà không dừng lại ở một cái gì. Được vậy thì, tâm thênh thang không có bờ mé; trái lại vừa dừng ở một chỗ nào là bị giới hạn ngay chỗ đó. Nghĩa tâm thênh thang là như thế, người không hiểu nghe nói thênh thang rồi tưởng tâm mình bao trùm cả vũ trụ, che lấp hết không gian, đó là tưởng thôi, lại kẹt vào tướng thênh thang, cũng thành giới hạn. Chỗ này phải người ở trong tam muội tự thọ dụng thầm biết thôi, không phải chỗ để tranh cải, lý luận.
Như vậy, chỗ rốt ráo của tâm yếu thiền là bặt đối đãi, không thể suy tư, nghĩ bàn. Còn có đối đãi là còn chỗ suy nghĩ đến được, tức còn chỗ bị thấy, là chưa phải tâm yếu. Bài pháp đầu tiên của Lục Tổ chỉ bày cho Thượng tọa Huệ Minh là: “chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, cái gì là mặt mày xưa nay của Thượng tọa Minh?” Tức là dứt bặt niệm thiện ác, ngay đó tự sống dậy. Tuy nhiên nhiều người thường mắc kẹt ở chỗ chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chỉ dừng ngay đó cho là phải. Đây là chết chìm trong chỗ lặng lẽ, bị kẹt cứng ở chỗ không hai, không tiến lên được. Đâu biết rằng, “Ý Tổ” không phải dừng ở chỗ chẳng nghĩ thiện ác đó, mà cần phải tiến một bước nữa xem: cái gì là mặt mày xưa nay? Chưa thấu qua chỗ này thì chưa có con mắt giáo ngoại biệt truyền. Cho nên, Thiền phải đi qua và đi qua tất cả là vậy – không cho dừng lại ở bất cứ cái gì!
Thiền sư Đạo Ưng sau khi tỏ ngộ bèn cất am ở Tam Phong. Có lần trải qua mười ngày Sư không đến trai đường, Động Sơn thấy lạ bèn gặp hỏi:
- Mấy ngày nay sao không đến thọ trai?
Sư thưa:
- Mỗi ngày có thiên thần cúng dường rồi.
Động Sơn bảo:
- Ta sẽ bảo ông là kẻ vẫn còn kiến giải, ông rảnh chiều hãy đến đây!
Chiều Sư đến. Động Sơn gọi:
- Am chủ Ưng!
Sư đáp ngay:
- Dạ!
Động Sơn bảo:
- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, là cái gì?
Sư về am ngồi lặng lẽ, trải qua ba ngày thiên thần tìm không thấy mới thôi cúng dường.
Với người thông thường nghe đến đây đều không khỏi thắc mắc: “tại sao tu đến chỗ được thiên thần dâng cơm cúng dường là hay quá mà còn bị quở là vẫn còn kiến giải?” Vậy là thế nào mới phải? Bởi vì, với người tu thiền, còn có chỗ cho thiên thần cúng dường tức còn có chỗ bị thấy, là dấu vết tâm vẫn chưa sạch, nên bị quở: “vẫn còn kiến giải”.
Đến khi ngồi yên, bặt niệm thiện ác tức không còn dấu vết tâm thì thiên thần bám vào đâu để thấy? Không còn có chỗ bị thấy, đó mới thật là tâm yếu Thiền.
Bởi vậy, đối trong nhà thiền, người học còn kẹt trong niệm đối đãi hai bên là còn bị gạn lại. Như Động Sơn khi còn đi hành cước tham học, trên đường gặp bà già gánh nước, Sư đến hỏi xin nước uống. Bà già nói:
- Nước thì chẳng ngại cho uống, nhưng tôi có một câu hỏi cần hỏi qua trước: Hãy nói nước có đủ mấy trần?
Sư đáp:
- Chẳng đủ các trần.
Bà bảo:
- Thôi, thầy hãy đi! Chớ làm nhơ gánh nước của tôi.
Vậy Động Sơn đã làm nhơ gánh nước ở chỗ nào? Chính bà già hỏi thế là muốn gạn xem Sư có kẹt hai bên chăng? Các trần, nói đủ là sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp – Sư đáp chẳng đủ, vì nước làm sao đủ cả sáu trần? Không ngờ chính Sư còn kẹt trong cái thấy “ĐỦ – CHẲNG ĐỦ”, đó là kẹt nơi trần rồi, nên bà bảo: “Làm nhơ gánh nước của tôi”. Nước chỉ là nước thôi, nói gì là đủ chẳng đủ? Vừa thấy đủ, chẳng đủ là có xen cái TÔI vào trong đó nên đành phải nhịn khát ra đi! Vậy ai làm sao uống được bát nước của bà già này? Xin để dành lại cho người!
Và đây, Lâm Tế đi lễ tháp Tổ Đạt Ma, vị chủ tháp, tức người trông coi tháp bèn hỏi:
- Trưởng lão lễ Phật trước hay lễ Tổ trước?
Sư đáp:
- Phật Tổ đều chẳng lễ.
Chủ tháp hỏi:
- Phật Tổ có oan gia gì với Trưởng lão?
Sư phủi tay áo đi ra.
Ông tăng chủ tháp hỏi như thế là theo thường tình, còn kẹt trước sau thứ lớp. Gặp ngay Lâm Tế là bậc mắt sáng, tự có chỗ sống vững vàng, cái thấy vượt qua đối đãi, chủ tháp không bắt theo kịp. Sư đã đánh thức ông: “Phật Tổ đều chẳng lễ” để ông tỉnh lại, vậy mà ông cứ bám chặt vào câu lỗi phải, cố hỏi thêm: “Phật Tổ có oan gia gì với Trưởng lão?” Sư đành phủi tay áo đi ra, bỏ lại một mình ông ở đó, ông còn chưa tỉnh! Giờ đây mọi người đang làm chủ tháp hay làm Lâm Tế? Coi chừng mũi tên đàng sau ót!
V. PHẢI TỰ CHỨNG NGHIỆM
Vì đến chỗ tột cùng của tâm yếu là bặt đối đãi, không thể nghĩ bàn, cho nên người muốn thấu suốt là phải tự chứng nghiệm thôi, không thể có con đường nào khác. Mong cầu giải thích cho hiểu càng vô ích. Càng cố hiểu lại càng lầm! Do đó, Lâm Tế đại ngộ, Đại Ngu gạn lại: “Mới đó nói có lỗi, không lỗi, giờ lại nói Phật pháp của Hoàng Bá rất ít, ông thấy gì nói mau! Nói mau!”
Sư liền thoi vào hông Đại Ngu ba thoi, trả lời xong.
Nếu người nghe bảo “nói mau” liền suy nghĩ tìm lời để nói là bị đánh đuổi ra rồi. Lâm Tế chỉ thoi ba thoi, thấy cái gì ngay đó liền biết, khỏi giải thích dài dòng. Làm sao nói được chỗ thấy đó?
Chỗ này, Vân Môn gặp Tuyết Phong cũng chỉ cúi đầu thôi.
Vân Môn ở tại Trang sở của Tuyết Phong, Sư bảo vị tăng:
- Thượng tọa lên núi, gặp Hòa thượng thượng đường, chúng vừa nhóm họp liền ra nắm chặt cổ tay nói: “Ông già này, trên cổ mang gông sao chẳng cởi đi?” nhưng không được nói là lời của Sư.
Vị tăng lên núi gặp Tuyết Phong làm đúng theo lời Sư bảo. Tuyết Phong xuống tòa, thộp ngực ông bảo:
- Nói mau! Nói mau!
Vị tăng không đáp được. Tuyết Phong buông ra bảo:
- Chẳng phải lời của ông.
Tăng thưa:
- Lời của con.
Tuyết Phong gọi:
- Thị giả! Hãy đem dây gậy đến đây!
Vị tăng thưa:
- Chẳng phải lời của con, là của một thượng tọa ở Chiết Trung, hiện đang ngụ tại Trang sở dạy con nói.
Tuyết Phong bảo:
- Đại chúng! Hãy đến Trang sở rước vị thiện tri thức của 1500 người lên đây!
Hôm sau Sư lên núi, Tuyết Phong hỏi:
- Nhân đâu được đến chỗ ấy?
Sư bèn cúi đầu.
Xem Vân Môn có gì đặc biệt? Tại sao Tuyết Phong hỏi Sư: “Nhân đâu được đến chỗ ấy?”, Sư không trả lời, chỉ cúi đầu? Sư không biết trả lời chăng? Đâu biết, bấy nhiêu đó Sư đã trả lời xong. Nghe hỏi “nhân đâu” liền ham giải thích cho nhiều để người hiểu, e rằng chưa phải, lại còn bày ra cái TA KIẾN GIẢI! Đó là ló đuôi cho người nắm được. Yếu chỉ này quả thực không thể đoán mò, nói suông, mà bắt buộc người học phải thực sự là hành giả đúng nghĩa của nó.
VI. TÓM KẾT: CÓ TÂM LÀ CÓ THIỀN
Như vậy xét cho tột cùng, Tâm Yếu Thiền ở đâu? Chỉ là ở ngay tự tâm người thôi. Có tâm tức có thiền, khỏi nói ở đâu. Vừa thấy có chỗ là hết tâm yếu.
Trong Huyết Mạch Luận, Tổ Sư đã chỉ rõ: “Ca Diếp chỉ là ngộ được bản tánh. Bản tánh tức là tâm, tâm tức là tánh. Tánh tức là tâm đồng với chư Phật này, Phật trước Phật sau chỉ truyền tâm này hẳn không Phật có thể được.”
Đây Tổ Sư xác quyết rõ ràng, Tổ Ca Diếp ngộ chỉ là ngộ bản tánh thôi. Bản tánh đó tức là tâm, cái tâm tức tánh này, chính là tâm đồng với chư Phật, là chỗ truyền của Phật Phật, không thể có gì khác nữa.
Song, phải rõ “tâm tức tánh” này là tâm gì? Tức là tâm bặt đối đãi, nhận được tâm này là yếu chỉ vào đạo, rời ngoài tâm này chắc chắn sẽ đi vào đường tà. Tuy nhiên chớ lầm với cái tâm có đủ thứ mà cho là tâm đồng với chư Phật, rồi bám vào đó mà sống bừa bãi không pháp tắc, là đi vào địa ngục nguy hiểm! Phải là TÂM THỂ SỜ SỜ SÁNG NGỜI CHƯA TỪNG MÊ, đó mới thực là Tâm Yếu Thiền.
Đã rõ thiền là ở Tâm, cuối cùng TỰ TIN là chính yếu, thiếu tự tin là chưa hiểu thiền.
Động Sơn hỏi Hòa thượng Hưng Bình:
- Thế nào là tâm Phật?
Hưng Bình đáp:
- Chính là tâm ông.
Động Sơn thưa:
- Tuy nhiên như thế chính là chỗ con nghi.
Hưng Bình bảo:
- Nếu thế ấy, hãy hỏi lấy người gỗ đi!
Hỏi tâm Phật, đáp chính là tâm ông, nếu ông còn nghi thì hãy đến người gỗ mà hỏi. Người gỗ sẽ trả lời thế nào? Sẽ được câu đáp gì? Ngầm ý bảo: phải tự xoay lại chính mình thôi. Còn muốn hướng ra ngoài tìm chỗ để hiểu là tự cách xa.
Lâm Tế  dạy: “Người học đạo cốt phải tự tin, chớ tìm kiếm bên ngoài, thảy là lên trên cảnh trần rỗng của người khác, đều chẳng nhận rõ tà chánh. Chẳng hạn có Phật, có Tổ đều là việc trong kinh giáo để lại.”
Rõ thật, Tổ Lâm Tế cũng bảo tự tin trở lại chính mình thôi. Ngoài đây mà tìm Phật Tổ bên ngoài, cũng là Phật Tổ trong kinh giáo, sách vở để lại, không phải Phật Tổ thật. Bởi ngoài tâm thì lấy gì giác? Lấy gì ngộ?
Linh Huấn hỏi Ngài Qui Tông:
- Thế nào là Phật?
Qui Tông bảo:
- Ta nói cho ông nhưng ông có tin chăng?
Linh Huấn thưa:
- Lời chân thật của Hòa thượng con đâu dám chẳng tin.
Qui Tông bảo:
- Chính là ông đó!
Xét cho tột thì bao nhiêu phương tiện của Phật, Tổ lập bày ra, không ngoài một việc, giúp cho người tự tin trở lại chính mình là gốc. Chính bản thân đức Thế Tôn sau bao năm tầm thầy học đạo, công phu đạt đến những tầng thiền cao nhất ở thế gian, nhưng Ngài vẫn thấy chưa an, cuối cùng Thế Tôn quyết buông tất cả, đến ngồi dưới cội tất    -bát    -la thiền định xoay lại chính mình mà thấu tột cội nguồn sanh tử, dứt sạch vô minh,  phá tung lưới sanh tử luân hồi, tự thành đạo Vô Thượng Chánh Giác. Cho nên lời Phật thốt lên: “Lạ thay! Lạ thay! Tại sao chúng sanh ở trong thân có đầy đủ trí tuệ Như Lai mà không tự thấy biết? Ta phải dạy cho các chúng sanh ấy giác ngộ Thánh đạo, để chúng lìa hẳn sự trói buộc của vọng tưởng điên đảo, thấy đầy đủ được trí tuệ, Như Lai ở trong thân họ cùng với Phật không khác” (Phẩm Tánh Khởi, Kinh Hoa Nghiêm). Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta đấy! Ai ai cũng đều có đủ phần thành Phật đó, nhưng vì bỏ quên không nhận, lại nhận những thứ vọng tưởng điên đảo, đành chịu luân hồi kiếp kiếp. Giờ đây chỉ cần NHỚ LẠI thì tự đầy đủ cùng Phật không khác! Bỏ chỗ này mà chạy đi tìm đạo giác ngộ ở đâu khác là không bao giờ có!
Bài kệ truyền pháp của Phật:
Pháp gốc, pháp không pháp,
Pháp không pháp, cũng pháp.
Nay đây trao không pháp
Pháp pháp đâu từng pháp?
***
(Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp, pháp diệc pháp.
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp?)
Cái “pháp gốc” chính là pháp “không pháp”. Nghĩa là, tuy tạm nói là pháp nhưng thực sự nó không là một pháp gì, không thuộc cái bị biết, không chỗ cho người bám hiểu. Song, chính cái không là pháp gì hết đó, mới là thật pháp, chứ không phải hoàn toàn không ngơ, chẳng có gì. Cốt là người phải vượt lên có và không. Vậy Pháp Gốc đó là gì? Không thể chỉ là gì, mà chính là tâm thôi! Vì vậy, nay trao là trao cái tâm pháp này chứ không gì khác. Người nhận được tâm pháp này, liền sáng tỏ mọi pháp đều không thật, không riêng có một cái thứ hai nữa! Rốt lại, chỉ là tâm tâm truyền nhau, nếu còn thấy có một pháp thật ngoài tâm để được, để truyền, tức lọt ngoài cửa Tổ.
Bởi thế, Thiền sư Hồng Tiến ở viện Địa Tạng vừa thượng đường, có hai vị tăng ra lễ bái, Sư liền bảo:
- Cả hai đều lầm!
Tại sao hai vị tăng mới ra lễ bái chưa thưa hỏi điều gì mà Sư bảo là lầm? Vậy lầm ở chỗ nào? Vì ra lễ bái, là muốn thưa hỏi cái gì đó, tức đã quên mình rồi! Lầm ngay chỗ đó! Đây là Sư muốn đánh thức hai người tự nhớ trở lại là xong. Yếu chỉ Thiền nằm ngay đó!
Song, nói tự tin, nhưng tự tin cái gì? Tức tự tin TÂM THỂ sờ sờ SẴN có đây thôi. Tâm thể này vốn vượt ngoài mọi tướng đối đãi so sánh. Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán gọi là:
Tín tâm bất nhị,
Bất nhị tín tâm.
Ngôn ngữ đạo đoạn,
Phi khứ lai kim.
Nghĩa:
Tin tâm chẳng hai,
Chẳng hai tin tâm.
Dứt đường nói năng,
Chẳng phải xưa nay.
Nghĩa là, “tin tâm” vốn bặt niệm đối đãi, luôn luôn hiện tiền vượt ngoài thời gian, không gian, không thể nói năng suy nghĩ luận bàn. Tin được như thế thì hết còn bị ngoại vật chuyển, tự có chỗ sống vững vàng muôn thuở.
Tuy vậy, phải chú ý! Tin tâm, nhưng phải là “Tâm chẳng hai”, tức tâm bặt đường nói năng suy nghĩ, vượt ngoài thời gian, không gian, không chỗ để hý luận; quyết không thể nhận bừa cái tâm suy nghĩ lăng xăng là nguy!
Điều này Tổ Sư đã nói rõ trong Huyết Mạch Luận: “Tâm lượng rộng lớn, ứng dụng không cùng, ứng mắt thấy sắc, ứng tai nghe tiếng, ứng mũi ngửi mùi, ứng lưỡi nếm vị, cho đến mọi cử chỉ hành động đều là tự tâm, ở trong tất cả thời chỉ dứt đường ngôn ngữ, chính là tự tâm.”
Quả là chỗ thấy của bậc đạt đạo vốn không hai. Ngay trong chỗ thấy nghe hằng ngày này, ngay trong mọi hành động đó, đều không ra ngoài tự tâm. Nhưng phải là “ở trong tất cả thời chỉ dứt đường ngôn ngữ, chính là tự tâm”, tức phải vượt qua chỗ nói năng suy nghĩ mới đúng! Đến đây, Tổ Sư đã chỉ hết tình không giấu giếm chút gì, phần còn lại là người có đủ tự tin hay chưa vậy thôi.
Tóm lại, thiền là của chung tất cả, không phải của riêng ai. Ai có tâm đều có thiền, đây là chân lý muôn thuở! Bởi vậy TÂM YẾU THIỀN luôn hiện khắp trong mọi động dụng của chúng ta đang sống, rất bình thường giản dị sát với chúng ta đến nỗi bất ngờ! Chỉ có điều, người muốn sáng tỏ được tâm yếu này thì phải quên niệm đối đãi phân biệt, bặt đường nói năng, hiểu biết. Vì nó không phải là cái bị biết, bị hiểu, bị nói! Hãy chính chắn xem lại: Giơ tay, bước chân, cúi đầu, xá chào… đó là gì?
Kỵ nhất, Đạo Ngô bảo Sùng Tín: “NHẬN THÌ LIỀN NHẬN, SUY NGHĨ LIỀN SAI.” TÂM YẾU là đây!

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202868
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1374
2336
3710
1175483
87871
118095
1202868