KẾT LUẬN
Thiền tông là tông chỉ “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”, do đó không lập thành một pháp thật khiến người có chỗ bám chấp, chỉ cốt nhổ đinh tháo chốt, cởi mở tình chấp cho người. Bởi vậy, người tham học Thiền tông không thể đeo đuổi tìm cầu bên ngoài, không thể bám chấp trên văn tự. Không thể lo phân tích chữ nghĩa để tìm hiểu biết. Hòa Thượng Vân Môn bảo: “Tự vì các ông gốc tin cạn mỏng, nghiệp ác sâu dày, đột nhiên trên đầu mọc quá nhiều sừng, quảy đảy bát đi xa ngàn dặm, muôn dặm chịu khuất phục người. Vả lại, các ông có chỗ nào chẳng đủ? Bậc trượng phu ai mà vô phần? Chạm mắt đảm đang được vẫn là chẳng được tiện, huống nữa chịu người lừa dối, nhận sự trừng phạt của người. Vừa thấy Hòa Thượng già mở miệng liền khéo ôm đá lấp miệng lại ngay. Thế mà, như bầy lằng xanh giành nhau trên đống phẩn, ba người, năm người dụm đầu bàn bạc. Khổ thay!”
“Đầu mọc quá nhiều sừng”, là sanh tâm này nọ bất thường. “Như bầy lằng xanh giành nhau trên đống phẩn”, là đua nhau giành giựt chữ nghĩa, đuổi bắt ngôn ngữ làm kế sống. Đây là Hòa Thượng Vân Môn quở trách hạng người bỏ gốc theo ngọn. Sao bằng, ngay đây xoay lại chính mình, xem kỹ cái gì là cái đang chạy tìm đó? Ánh sáng muôn thuở là đây!
Ôi! Huệ mạng của Phật, Tổ vốn nằm ngay trong tự tâm của mỗi người, quyết không thể tìm đâu khác mà có. Trong mộng, bao nhiêu công phu nhọc nhằn gian khổ cố vượt qua sông dài, bất chợt tỉnh dậy liền quên hết. Ngồi đó mà tiếc lấy công phu là vẫn mộng như cũ!
Mỗi người đều có một chỗ sống bất khả xâm phạm, dù Phật, Tổ cũng không dụng tới được, tại sao lại phải cứ lo bám víu, tìm cầu bên ngoài? Kìa, sa di Cao đã quả quyết “Trường An tuy náo loạn, nước con vẫn an ổn”, nước đó ở đâu? Thiền tông đốn ngộ là ngộ ngay trong ấy, đây là một sức sống vô biên, một sinh mạng tuyệt đối, một thực tại vĩnh hằng, trên thế gian này không có cái gì có thể so sánh kịp. Hòa Thượng Thủy Lạo bảo: “Từ ngày nhận được cái đạp của Mã Tổ, thẳng đến ngày nay cười mãi không thôi”. Thật còn gì vui sướng hơn!
Cội nguồn phiền não, gốc gác vô minh cũng chính từ trong ánh sáng ấy mà phá tan, mà dứt sạch. Chưa giác ngộ được chỗ này thì gốc vô minh vẫn còn, dù có công phu cao siêu đến đâu. Vì công phu cao mà có chỗ chưa sáng!
Bồ-tát Địa Tạng đã phát nguyện:
Chúng sanh độ tận, phương chứng bồ-đề
Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật.
Nghĩa là:
Chúng sanh độ hết, mới chứng bồ-đề,
Địa ngục chưa không, thề chẳng thành Phật.
Bởi, nếu còn thấy có một bóng dáng chúng sanh đọng lại trong tâm, còn một bóng tối địa ngục sót lại nơi lòng, là chỗ thấy chưa triệt. Phải thấy suốt tất cả mọi loài đều có đủ ánh sáng chân thật ấy, nơi nơi, chỗ chỗ đều được soi đến không thiếu sót, tìm một chút dấu vết của tâm trọn không thể được, mới tròn ánh sáng giác ngộ. Đến đây không còn là chỗ lý luận, nói bàn, chỉ phải thực sự thể nghiệm thôi.
Tăng hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là trâu trắng sờ sờ?
Sư đáp:
- Súc sanh này!
Thiền sư không lý luận dông dài. Nếu là trâu trắng sờ sờ, sao còn hỏi? Hỏi là đang mê vậy.
Có vị tăng khác hỏi Sư:
- Người vượt qua càn khôn thì thế nào?
Sư đáp:
- Đợi có người thế ấy liền đáp cho ông.
Mình còn đang ở đây mà hỏi việc bên kia càn khôn, thực là ảo tưởng xa vời. Nếu mình thực sự vượt qua càn khôn tức liền biết ngay! Còn chưa được vậy mà muốn biết, làm sao biết? Dù có hiểu biết bao nhiêu cũng chỉ là KHÁI NIỆM, là tưởng tượng vậy thôi, không phải sự thật. Thiền sư không chấp nhận điều đó.
Có vị tăng khác hỏi Sư:
- Chẳng dừng trên đất sạch là người nào?
Sư đáp:
- Ông chưa phải người trong kia?
Tăng hỏi:
- Thế nào là người trong kia?
Sư đáp:
- Dừng.
Nếu đã là người trong ấy, sao còn phải hỏi? Muốn biết người ở trong đó là người gì, thì dừng lại trong đó là biết ngay. Thiền rất thực tế! Còn đứng bên ngoài mà hỏi lăng xăng đều là mộng tưởng không dính dáng.
Quả thật, nói gì thì nói, mà chưa mở sáng mắt đạo, là vẫn chưa biết thiền, chưa gặp được Tổ Sư. Biết thiền, gặp Tổ Sư mà không có công phu sống thực sự, vẫn không thể có đủ sức mạnh thắng phiền não tập nghiệp, đừng bảo rằng một thấy là xong, một nhảy vào liền đất Như Lai là viên mãn. Nên nhớ, LÝ TỨC NHƯ THẾ, SỰ TỨC CHƯA HẲN NHƯ THẾ, vẫn còn một đường lên để dành sẵn cho người.
Hãy nghe Hòa Thượng Bạch Vân bảo Pháp Diễn: “Có một số thiền khách từ Lô Sơn đến đều có chỗ ngộ nhập, bảo y nói cũng nói được rõ ràng, nêu ra nhân duyên hỏi y cũng hiểu được, bảo hạ ngữ cũng hạ được, chỉ là chưa hiện tiền.”
Thật dễ hiểu chăng? Đã ngộ rồi, nói cũng nói được rõ ràng, tại sao chưa hiện tiền? Đó là chỗ khiến cho Pháp Diễn rất sanh nghi, mà cũng là chỗ để cho mỗi người chúng ta tự nghiệm, chớ hấp tấp thông qua!
Tóm lại, chúng ta đã lăn lộn trong sanh tử từ vô thủy kiếp đến nay, trong sáu nẽo luân hồi đã từng trải qua đủ hết, đã nếm đủ mùi vui sướng tột bực của cõi trời cũng như mùi khổ đau cùng cực của địa ngục. Nay đây, duyên lành to tát khiến chúng ta gặp được con đường thẳng tắt vượt ra, một lẽ thật sáng ngời một trăm phần trăm như vậy, thì còn chần chừ, do dự gì nữa mà không một phen thẳng vào? Lầm qua mất, bao giờ gặp lại?
Tây giang một hớp cạn khó gì?
Há miệng ba ngàn cõi sạch ngay.
Nhấc bước mười phương lùi dưới gót,
Nắm tay thâu trọn cả đất trời.
Á!
Ha hả Tổ Sư hiện đây rồi!
MỤC LỤC
1 Dẫn Nhập
2 Ý Chỉ Giáo Ngoại Biệt Truyền
3 Ý Chỉ Bất Lập Văn Tự
4 Thực Tại Sáng Ngời Muôn Thuở
5 Tâm Yếu Nhà Thiền
6 Một Cái Biết Suốt Cả Xưa Nay
7 Tổ Sư Thiền
8 Bảo Nhậm
9 Tu Thiền Có Chứng Đắc Không?
10 Thiền Bệnh
11 Kết Luận
12 Mục Lục