3. DỤNG CÔNG TU TẬP THIỀN.
3.1. Kiến tánh khởi tu (Y tánh khởi tu).
Chơn hay vọng, thiền định hay loạn động đều tại tâm mỗi người. Tâm vốn vô tướng, không có ô hộc, thứ lớp hay vách ngăn. Chỉ là niệm trước quên giác thì gọi là mê. Niệm sau tỉnh lại, sáng ra thì đó là giác. Giác hay mê chỉ trong một niệm. Nói là một niệm không phải có một niệm, mà ngầm chỉ giữa mê và giác không có khoảng cách hay phải trải qua một khoảng thời gian nào cả. Chỉ quên hay nhớ ra thôi. Hiệu ứng cho chúng ta dễ dàng phát hiện điểm tách giữa mê và giác chính là động hay không động, sanh diệt hoặc vô sanh. Nhận được thể tánh vô sanh, hành giả sẽ thấy ra rất rõ sự giác ngộ nơi mình. Ngay đây đã chia đường, rẽ lối, không còn nằm trong đường sanh tử nữa. Tổ Bá Trượng bảo Thiền sư Qui Sơn:
“Đây là con đường rẽ tạm thời. Kinh nói, muốn thấy Phật tánh, phải quán thời tiết nhân duyên. Thời tiết đã đến, như mê chợt ngộ, như quên chợt nhớ; mới tỉnh vật của mình không từ bên ngoài được”.
Thành Phật là viên thành quả vị vô sanh. Mà muốn đạt đến quả vị vô sanh thì phải từ nhân vô sanh, không thể bắt đầu từ nhân sanh diệt được. Nhân vô sanh ấy chính là tâm tánh không sanh diệt nơi chính mình. Vì vậy, khi hạ thủ công phu, ngưỡng căn bản đầu tiên hành giả cần đạt đến là kiến tánh, tỏ ngộ tự tánh vô sanh. Kế đến, sống thẳng bằng tự tánh vô sanh ấy là chân thật tu hành. Trong nhà thiền gọi là “Kiến tánh khởi tu” hay còn gọi là “Y tánh khởi tu”.
3.2. Ví dụ như cá hóa rồng.
Tâm tánh vốn vô sanh, không thuộc về vọng động sanh diệt, vì vậy nằm ngoài sự suy tính, không phải do tạo tác mà thành. Do đó, không thể do tu tập theo kiểu tạo tác mà được. Chẳng phải bày biện nhiều thứ, chỉ là dụng công đúng pháp, thẳng tắt nhất có thể. Học thông chánh pháp, nắm vững đường lối tu hành và quyết chí hạ thủ công phu miên mật. Học, tu, rèn luyện, mỗi mỗi đều nhắm thẳng đến tự tâm giác sáng. Khi thời tiết nhân duyên chín muồi thì tánh này bất chợt bùng vỡ, hiện tiền.
Các Thiền sư thường ví việc tu thiền như cá hóa rồng. Khi còn là cá, có vẫy vùng đến đâu thì ướt vẫn là ướt, không thể ngoi lên khỏi mặt nước được. Một khi đã chuyển hóa thành rồng thì lên trời hay xuống nước tự tại. Tùy ý vào ướt, lên khô mà không còn lệ thuộc cố định là phải ướt hay khô gì nữa.
Cụ thể, hành giả không nên đi lòng vòng nhiều đường, gom vào mình quá nhiều thứ. Bằng con đường thẳng tắt nhất có thể để tiến tới Vũ Môn (nơi chia đường giữa mê và giác), dùng hết sức bình sinh quẫy một phát, thoát khỏi Vũ Môn, hóa rồng, liền được tự do tự tại. Tùy thời lên trời, xuống nước; hiện ướt, hiện khô để hóa độ chúng sanh mà chính mình không ở trong ướt, khô, trời hay nước.