8. MUÔN DUYÊN BUÔNG XUỐNG.
Hành giả tu thiền, nếu chưa thể một nghe liền ngộ thì phải hạ thủ công phu tu tập, gạn lọc thân tâm, ngay đây buông sạch xuống, từ chuyên môn gọi là “Đương cơ phóng hạ”. Điều cần nhận biết cho rõ khi công phu là buông xuống chứ không phải buông bỏ. Bởi có khi cố bỏ vật bên ngoài, nhưng trong tâm còn dính thì coi như vẫn còn, chưa bỏ được. Hơn nữa, khi tâm còn dính mắc bất cứ vật gì thì nó sẽ tự dính mắc các vật khác, dù có tồi tệ hơn. Vật vừa lòng thích ý chúng ta dính mắc đã đành. Đối với những thứ không hề ưa thích chút nào, mình cũng dính. Bởi có dính mắc cho nên mới cho ta cảm giác không ưa. Đồng thời, buông bỏ là hành động, là tạo tác, là đã rơi vào sanh diệt. Dụng công tu tập còn trong tạo tác sanh diệt như thế thì không khế hợp với tự tánh vô sanh nơi chính mình, do đó công phu sẽ không đắc lực.
Buông bỏ thì trái với tự tánh, công phu không đắc lực. Không buông thì vọng tưởng, phiền não tràn bờ, che lấp bản tánh, không thể ngộ được tâm. Vì vậy, khi hành giả công phu tu tập, buông xuống chứ không phải buông bỏ theo kiểu lấy cái chân tánh này, bỏ cái vọng động phiền não kia.
Buông xuống sạch, thân tâm sẽ rỗng suốt. Có khi ngay đây liền được an nhiên, giác sáng. Nhưng có lúc bất chợt tất cả như rơi rụng, vỡ vụn, toàn bày thể giác sáng – an nhiên. Nếu công phu mạnh, sâu và đắc lực hơn thì ngay đó tự tánh toàn bày. Nếu chưa như thế thì tiếp tục sống ngay sức giác sáng an nhiên đó là tu hành. Khi công phu đắc lực thì bản tánh tự hiển lộ rõ ràng.
Khi đã thể ngộ tự tánh, sống ngay tánh ấy là đang công phu tu tập. Đến khi thuần thục, thấy biết vượt năng sở, căn cảnh, có không. Tất cả vốn tự như thị, tự tại, vô ngại. Sống là tu, tu là sống, nhúc nhích là tâm này, không hai, không khác. Không tự mãn, tiếp tục sống như thế cho thật mạnh mẽ, miên mật, nhồi đi ép lại mới thành một khối. Đuổi cũng không được, dẹp cũng không xong, chừng đó diệu huệ vô thượng hiện tiền. Lúc này mới đầy đủ diệu dụng, mất hút các tướng là tâm là pháp, lìa cả động tịnh mà hoạt dụng đến chủ động, hay sanh muôn pháp nhưng các pháp chưa từng sanh diệt bao giờ.
Tóm lại: Khởi đầu là buông xuống để an nhiên, giác sáng, đó là ngưỡng đầu tiên hành giả phải chạm đến. Bắt đầu từ đây, sống ngay sức giác sáng đó là công phu. Thời tiết nhân duyên chín muồi, bừng ngộ tự tánh. Cho nên nói “Giác là tu”.
Từ đây, hành giả sống ngay tánh ấy là tu hành, cho đến khi triệt ngộ, chứng ngộ. Vì vậy nói “Kiến tánh khởi tu”, hay “Y tánh khởi tu”.
Cho thấy cương lĩnh của việc tu hành: Với người còn mê thì “Giác là tu”. Với bậc đã kiến tánh thì “Kiến tánh khởi tu”, hay “Y tánh khởi tu”. Sống thẳng nhân vô sanh này là tu hành. Trải qua nhiều kiếp, công viên quả mãn, mới thành tựu quả vị vô sanh mà chư Phật đã đạt đến viên mãn. (Xem đầy đủ tại mục 3, chương 3 và mục 2, chương 4).