Thứ Năm 19/9/2024 -- 17/8/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - 6. Đức Phật Dạy Về Cái Biết

 

6.  ĐỨC PHẬT DẠY VỀ CÁI BIẾT.

v Tiểu Bộ Kinh, đức Phật dạy:

“Này Bàhiya, đây là điều ngươi cần phải học tập. Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiya, ngươi đâu phải là cái ấy, là chỗ ấy? Thì ngươi không còn là đời này, không còn là đời sau, không còn là đời chặng giữa…”.

¯ Đây là điều ngươi cần phải học tập.

Đây là điều quan trọng, ông cần phải để tâm, không được xem thường. Trong đó có chúng ta, cũng không được xem thường lời đức Phật chuẩn bị nói ra.

¯ Trong cái thấy chỉ là cái thấy, ...

Thấy thế nào thì được gọi “chỉ là cái thấy”? Thấy chỉ là thấy, không khởi thêm phân biệt mà vẫn sáng biết rõ ràng. Cụ thể ngay đây, đang nhìn thấy tập sách này, đừng thèm chú tâm, cũng không phải phớt lờ đi, cũng chẳng khởi tâm mặc kệ, không suy nghĩ phải làm như thế nào cả, bặt hết đi, bình thường đi, chúng ta vẫn thấy biết và đọc sách bình thường. Lúc này, thấy biết chỉ là thấy biết một cách rành rẽ rõ ràng, không cần khởi tâm để phân biệt mới thấy biết. Đây là “Trong cái thấy chỉ là cái thấy”. Và nghe, thọ tưởng, thức tri cũng tương tự.

¯ Do vậy, ngươi đâu phải là cái ấy, là chỗ ấy?

Như ví dụ nhìn thấy biết tập sách vừa nêu trên, chúng ta đang tự sáng biết rõ ràng chứ không phải có ý biết theo cuốn sách. Chưa có tập sách, mình vẫn sáng biết, không thiếu. Đang cầm tập sách, chúng ta cũng sáng biết như vậy. Cất tập sách đi rồi, cái sáng biết này cũng không bị biến động thay đổi theo tập sách, cảnh vật. Cái sáng biết này riêng sáng, không đợi có tập sách nó mới có, không lệ thuộc vào bất cứ gì, cho nên nói: “Do vậy, ngươi đâu phải là cái ấy”. Nghĩa là mình không phải là  tập sách hay cảnh vật bên ngoài.

Cũng chẳng phải là “chỗ ấy”. Không đợi chú tâm mới biết. Chỉ là bình thường, mất hút các tướng là mình, là sách mà vẫn sáng biết. Đọc hiểu từng chữ, từng nghĩa rõ ràng, nhưng vẫn không động. Lúc này, mình không còn là tướng trạng gì cả, mà là thênh thang, bàng bạc khắp tất cả. Không phải ở chỗ chú tâm vào cuốn sách mà bỏ quên những sự hiện diện khác; cho nên nói, mình “không phải là chỗ ấy”.

Nói tóm lại, tắt đèn tối thui, không có vật gì, mình vẫn thấy biết chứ không phải như xác chết. Đèn sáng lên, chúng ta vẫn sáng biết như thế. Có khác chăng chỉ là thấy có vật và không thấy có vật. Còn cái sáng biết này thì có vật hay không vật, nó cũng vốn tự sáng biết như đã sẵn vậy. Ngàn xưa chưa có vật gì, nó cũng chưa từng thiếu vắng bao giờ.

Cho thấy, không phải đợi có cảnh vật, có tập sách mới thấy biết, cho nên mình không phải là tập sách, cảnh vật; đây là nghĩa “Do vậy, ngươi đâu phải là cái ấy”. Không phải đợi chú tâm vào tập sách hay một vật nào đó mới thấy biết; đây là nghĩa “Do vậy, ngươi đâu phải là chỗ ấy”. Nếu đã như thế, “Thì ngươi không còn là đời này, không còn là đời sau, không còn là đời chặng giữa…”.

¯ Thì ngươi không còn là đời này, không còn là đời sau, không còn là đời chặng giữa.

Nghĩa là “thấy, nghe, cảm nhận, hiểu biết chỉ là thấy, nghe, cảm nhận, hiểu biết như thế”, là không còn nằm trong ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai); là đã vượt thoát ba đời (đời này, đời sau, đời chặng giữa). Vượt khỏi ba thời, ba đời, nghĩa là đã giải thoát sanh tử.

v Thiền sư Thần Hội nói:

Vô niệm mà niệm, tức niệm chân như,

Vô sanh mà sanh, tức sanh thực tướng.

(Vô niệm niệm giả, tức niệm chân như,

Vô sanh sanh giả, tức sanh thực tướng).

¯ Vô niệm mà niệm, tức niệm chân như.

Chữ “niệm” đầu là chỉ cho niệm tưởng. Hai chữ “niệm” sau nghĩa là nhớ nghĩ, hay nhận biết. Chữ nhớ nghĩ, nhận biết trong trường hợp này không phải đợi có khởi tâm động niệm mới nhận biết, không phải hồi tưởng để nhớ nghĩ thành tướng của niệm. Bởi trước đó ngài đã nói “vô niệm mà niệm”. Không tâm mà tự nhớ vô số, không còn tướng của vọng niệm phân biệt mà vẫn nhận biết, quan tâm, từ bi một cách đáo để; đó là cái nhận biết, nhớ nghĩ được lưu xuất từ chân như. Như đức Phật sau khi thành đạo, Ngài không khởi niệm mà biết suốt tất cả, cho nên Ngài là bậc nhất thiết chủng trí. Nghĩa là bậc có trí tuệ thấy biết hết tất cả, nhưng không phải vọng tưởng mà là diệu dụng, bởi lúc này tâm Ngài không còn khởi niệm vọng động như chúng sanh. Ngài nhớ lại vô số kiếp về trước mà không phải hồi tưởng.

Chỉ khi nào không còn niệm tưởng thì mới có thể thấy, biết, hiểu, từ bi, quan tâm một cách sáng suốt, chu đáo, đầy đủ, trọn vẹn mà vẫn không động niệm, không rơi vào sanh diệt tạo tác. Bởi đó là diệu dụng được lưu xuất từ chân như. Ngược lại, chúng sanh mê tánh chân như này cho nên rơi vào tình thức phân biệt, có niệm tưởng. Hễ nhúc nhích gì cũng nằm trong cái mê ấy. Và có ở không, không làm gì cả cũng tự mê mờ, vọng động.

¯ Vô sanh mà sanh, tức sanh thực tướng.

Ba chữ “sanh” nằm ở các vị trí khác nhau, đóng hai vai trò và ý nghĩa khác nhau tương tự như chữ “niệm” ở câu trước.

Vô sanh, không còn sanh diệt, nhưng không phải không còn gì, mà là sống dậy sức sống động trong thể vô sanh không còn động ấy, đó là sự sống động từ thật tướng.

Thật tướng thì vô tướng. Bởi khi buông sạch tất cả không còn gì, ngay đó đã vô tướng, nhưng vẫn còn đây cái sáng biết không động. Cái này ở nơi mình, là chính mình, không bị vọng động vô thường sanh diệt cho nên gọi là thật tướng. Tức là cái vô tướng mà hay thấy biết suốt thông các tướng. Dù có thấy biết tất cả, nhưng nó vẫn bất động, không tướng. Hơn nữa, nó nằm ngay nơi mình, nó là chính mình. Chính vì những lý do đó cho nên gọi là tướng chân thật (thật tướng), là cái không tướng hình sanh diệt (vô tướng).

Ngộ tâm thì tâm tự vô (không), tức là vô sanh. Trong thể vô sanh không động ấy không phải không ngơ, mà nó linh hoạt và chủ động vô cùng. Hơn thế nữa, tâm tánh này hay sanh muôn pháp mà vẫn không thấy có pháp được sanh. Đó chính là diệu dụng từ thật tướng, là vô sanh mà sanh, mới là cái sanh của thật tướng.

Đây là Thiền sư Thần Hội chỉ cho chúng ta nhận ra cái thấy biết chân thật, sống động nhưng bất động.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

955724
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
911
3058
12868
925575
51492
94336
955724