Chủ Nhật 24/11/2024 -- 24/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - 5. Nói Thêm Về Căn Thức

 

5.  NÓI THÊM VỀ CĂN THỨC.

Căn thức chỉ là cái mê mờ, không rõ ràng, không hình tướng. Nó không có tướng như ý thức phân biệt để nhận biết. Khi mê thì ở trong khói mây mù mịt ấy, bừng ngộ thì như vén màng mỏng vô hình. Vì vậy, người chưa ngộ thì đang sống trong sự phủ che của căn thức mờ mịt này cho nên khó nhận ra. Chỉ khi bừng ngộ thì hay ra mình vừa qua khỏi, tất thảy đã được rơi rụng, vượt thoát.

Căn cứ vào người mới sanh ra hay đã trưởng thành; vào việc đã tu tập hay chưa tu tập; và căn cứ vào công phu tu tập đã tiến bộ rốt ráo hay chưa, chúng tôi sẽ nói thêm về căn thức cho cặn kẽ để hành giả dễ bề nhận biết và tu tập.

5.1.   Còn mê, trong tự nhiên, căn thức được phát hiện qua hai phần.

5.1.1. Cách ấm liền mê, căn thức mới sanh tùy niệm phân biệt.

Đời này có thể thông minh tài giỏi, nhưng khi chết rồi sanh lại thì bị mê mờ, không nhớ và lanh lợi trọn vẹn như kiếp trước. Khi thân của kiếp này chết, tái sanh sang một thân khác của kiếp sau (cách ấm) thì bị mê mờ. Do đó đứa bé sống trong căn thức mới sanh tùy niệm phân biệt, như vừa nêu trên.

5.1.2. Hiện tại, căn thức là sự mê mờ ngầm, không hình tướng.

Đây là nói đến người đã trưởng thành.

Nhìn vật liền phân biệt, so sánh, suy lường đúng sai, phải trái, trắng đen... Đó là thức phân biệt của bề nổi mà ngầm sâu thẳm bên trong là căn thức, cội gốc của sự mê mờ. Chính căn thức này tự hoạt động tinh vi khiến cho người đang mờ mịt trong nó không thể nhận ra. Từ hoạt động đó mới có sự phân biệt trắng đen hiển lộ ra bên ngoài. Đây là thành quả của căn thức và con người chỉ kịp nhận thấy được hiện tướng của kết quả đã thành này mà thôi. Nếu ngộ bản tâm, căn thức tự dứt bặt, niệm phân biệt theo đó cũng không còn sanh khởi. Lúc này rõ biết tất cả nhưng không phải khởi phân biệt như lúc còn mê trong căn thức. Để thấy, tất cả chúng sanh chưa ngộ, đều sống trong căn thức mê mờ ấy và không thể thấy ra, cho đến khi tỏ ngộ mới phát hiện.

5.2.   Với người đã có công phu tu tập thuần tịnh.

Là người có công phu tu hành miên mật, đạt đến tâm thanh tịnh tuyệt đối, trong ngần, nhưng trí chiếu phá sinh tử chưa hiển hiện, như trời đã rạng sáng nhưng mặt trời chưa lên. Đến đây các Thiền sư gọi là đầu sào trăm trượng, nước chết không chứa được rồng. Quý ngài chưa chấp nhận chỗ này, bởi đại pháp chưa sáng, còn thiếu một cái “à”. Là đầu sào trăm trượng phải thêm bước nữa, mười phương thế giới mới hiện toàn thân. Mới là đầy mắt núi xanh, không có chỗ cho màu khác của thức mê chen vào. Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn nói: “Dù cho thuần thanh tuyệt điểm vẫn còn là chơn thường lưu chú”. Chữ lưu chú là chỉ cho vọng tưởng. Ở đây ngài nói, dù cho tu hành đạt đến thanh tịnh tuyệt đối rồi, nhưng vẫn còn sự trôi chảy nhỏ nhiệm trong tánh chân thường kia, khó thấy. Như từ xa nhìn thác nước thì thấy như dải lụa trắng bất động. Nhưng khi đến gần thì thấy bọt bắn tung tóe. Đồng chỉ cho chỗ đã thanh tịnh nhưng chưa phát minh đại pháp thì căn thức hãy còn. Chỗ này còn gọi là Bạch Tịnh Thức. Tức là đã sạch hết, thanh tịnh tuyệt đối rồi, nhưng vẫn còn gọi là thức, chưa phải đã chuyển thành trí rốt ráo, trọn vẹn.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202266
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
772
2336
3108
1175483
87269
118095
1202266