Chủ Nhật 24/11/2024 -- 24/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - 4. Ba Loại Phân Biệt

 

4.  BA LOẠI PHÂN BIỆT.

Tùy vào việc còn mê hay đã tỏ ngộ, động hay không động mà cái biết bị biến đổi, không đồng nhau, chứ không phải có nhiều cái biết tồn tại trong một con người. Căn cứ vào đó, chư vị Tổ sư tạm chia ra làm ba loại phân biệt (nhận biết).

4.1.   Căn thức.

Căn thức mới sanh tùy niệm phân biệt.

Đây là chỉ cho đứa bé mới sanh chưa nhận hiểu được gì nhiều, nhưng theo hướng dẫn của cha mẹ, nó cũng biết những điều tối thiểu. Đó là theo niệm mà biết. Khi lớn khoảng 5-6 tháng, cũng chưa nhận thức rõ ràng, nhưng đưa vật gì nó cũng oằn mình nhìn theo và phân biệt. Vui thì cười, la rầy thì nó khóc. Đây là do căn thức, cái biết còn trong sự mê mờ của căn thức ngầm sâu kín bên trong, theo niệm mà phân biệt, nhận biết.

Tuy tinh khôi, nhưng còn trong mê mờ của căn thức. Nếu là cái biết của chân tâm đã hiển lộ thì khi trưởng thành, không cần tu tập mà cháu phải tự biết rõ chân tâm hiện tiền, không còn mê lại nữa. Nhưng thực tế con người không được như vậy, cho nên cái biết lúc nhỏ là căn thức chứ chưa phải chân tâm.

4.2.   Ý thức.

Ý thức liễu biệt kế độ (suy lường) phân biệt.

Đây là cái biết của những người trưởng thành như chúng ta. Nhìn một vật gì thì biết và suy lường phân biệt. “Cái này đẹp” là do có một cái xấu trước đó đã được nhìn thấy và ghi nhận trong đầu đem ra so sánh với cái hiện tại để biết nó đẹp. Khi nghe một vấn đề gì thì cần phải suy nghĩ, tư duy mới biết; chứ không biết rằng, không thèm khởi nghĩ, chúng ta vẫn sáng biết nhận ra một cách đầy đủ và đặc biệt hơn. Trí tuệ thế gian là do kế thừa cái cũ để phát huy cái mới. Như thế, không thể biết được cái của ngày mai cho nên nó mang tính hạn hữu, cục bộ, không thể lô-gic với điều của ngày mai chưa biết. Và cứ thế ngày mai lại có cái mới khác hơn, do đó nó mang tính không cùng. Việc này như hứng từng giọt nước trên mái nhà tranh, so với biển cả kia không thấm vào đâu. Đây là sự giới hạn của ý thức liễu biệt kế độ (suy lường) phân biệt.

4.3.   Chân tâm.

Chân tâm ứng vật, như gương chiếu hình tượng, sáng suốt rõ ràng; giống như phân biệt mà không phải là cái phân biệt của ý thức.

Đây là cái biết của người sống được bằng bản tâm chân thật nơi chính mình. Tâm thể thênh thang, sáng biết suốt khắp tất cả. Như gương không có ý soi vật, mà có vật thì hiện hình, vật đi thì vẫn sáng trong, không thay đổi. Cái thấy biết này cũng vậy, không cần phân biệt, không động mà vẫn thấy biết suốt tột bình đẳng, có và không không hai.

Cây lặng yên, gương cũng chiếu soi. Cây bị gió thổi phất phơ, gương cũng sáng soi như thế. Gương không bị thay đổi theo tướng động và tĩnh của cảnh vật. Tâm sáng soi nơi mỗi chúng ta cũng vậy. Cảnh thì có động và tịnh, nhưng tánh sáng soi vẫn thế, không bị đổi thay theo hai tướng động tịnh bao giờ.

Khi đang sáng ngời thấy biết tất cả, nhưng cũng không thấy có cái biết để thấy biết, mà vốn tự là sáng biết như vậy. Tâm không, cảnh tịch mà vẫn thấy biết linh hoạt, giống như đập vỡ gương mà tánh sáng soi không mất. Không động, như nhiên mà linh thông. Mỗi vật mỗi việc đều thấy biết rành rẽ rõ ràng, không lẫn lộn nhưng vẫn bất động. Chủ động, phát huy, sáng tạo nhưng không phải sự suy lường phân biệt có tướng của ý thức. Tất cả đều từ cái thấy biết của chân tâm.

4.4.   Tóm lại.

Ba loại phân biệt trên, hai loại đầu còn nằm trong phàm mê. Loại thứ ba của bậc giác ngộ. Không phải có cái phân biệt này mặc định là của thánh, kia là của phàm. Cũng không phải trong một con người có ba loại phân biệt đồng thời cùng tồn tại. Mỗi một chúng sanh chỉ có một tâm tánh sáng biết. Khi mê thì tâm biến thành thức, khởi tưởng phân biệt cho nên biến thành hai cái biết của phàm mê như vừa nêu trên. Còn nhỏ thì căn thức tùy niệm phân biệt. Người đã trưởng thành thì ý thức suy lường khởi hiểu phân biệt. Cũng ngay cái biết này, nếu khéo tu tập, chuyển vọng niệm phân biệt trở lại bản tánh thì thức chuyển thành trí, cái biết lúc này là chân tâm biết, là cái biết của bậc giác ngộ. Cái biết trong mê thì còn bị chi phối, khổ đau. Cái biết của chân tâm, giác ngộ thì tự tại, an vui, giải thoát.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202170
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
676
2336
3012
1175483
87173
118095
1202170