Chủ Nhật 24/11/2024 -- 24/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - 3. Lựa Ra Cái Biết Của Chơn Và Vọng

 

3.  LỰA RA CÁI BIẾT CỦA CHƠN VÀ VỌNG.

3.1.   Biết thế nào thì khế hợp tánh chơn, biết như thế nào thì rơi vào vọng động sanh diệt?

Các bậc đạt đạo bặt hết vọng tưởng nghĩ suy, nhưng quý ngài vẫn sáng biết rõ ràng, không thiếu sót. Trong khi tất cả chúng ta ai cũng đang biết, nhưng lại kèm theo vọng tưởng, nghĩ suy. Chính do vọng tưởng này sanh khởi cho nên tạo nghiệp, chịu khổ. Nhưng cũng chính nó giúp cho những người còn mê muội như chúng ta nhận biết. Vậy, chúng ta phải biết như thế nào để chỉ có biết mà không vọng, không tạo nghiệp sanh tử?

Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: “Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt; đó là tâm ông. Nếu tánh phân biệt, rời tiền trần mà không có thực thể; đó là bóng dáng phân biệt tiền trần”.

¯ Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt; đó là tâm ông.

Nghĩa là khi đọc bài này, chúng ta đang biết. Khi đặt tập sách xuống, chúng ta vẫn đang sáng biết rõ ràng. Đây là rời tiền trần (tập sách) mà vẫn có tánh phân biệt (tánh sáng biết), thì tánh sáng biết này chính là bản tâm chân thật của chính mình.

¯ Nếu tánh phân biệt, rời tiền trần mà không có thực thể; đó là bóng dáng phân biệt tiền trần.

Ngược lại, khi đang đọc tập sách này, chúng ta đang biết nó. Nhưng khi thình lình điện đèn vụt tắt, tất cả đều tối om, chúng ta cho rằng mình không còn thấy biết. Như vậy là khi trời tối, rời cuốn sách thì cái thấy biết trước kia khi đang đọc sách không còn (bởi mình nói không còn thấy biết nữa). Như vậy, cái biết trước đó là bóng dáng phân biệt tiền trần (phân biệt tập sách, phân biệt vạn vật...), không phải là bản tâm chân thật.

Chúng ta thử đừng thèm khởi biết, nhưng không mê mờ thì tự mình đang sáng biết. Đưa tập sách lên thì vẫn sáng biết như thế. Hạ tập sách xuống, chúng ta vẫn sáng biết như thế. Khi chưa cầm tập sách, khi đưa tập sách lên và cả khi hạ tập sách xuống, tập sách (vạn vật) có thể thay đổi, nhưng tánh sáng biết nơi mỗi chúng ta chưa hề biến động, đổi dời. Đây là cái thấy biết lưu xuất từ bản thể thanh tịnh vốn sẵn nơi mỗi chúng ta. Không cần khởi tâm động niệm mà vẫn sáng biết không sót, cho nên nó là cái thấy biết chân thật, không bị biến hoại.

Còn nếu đợi có cảnh vật mới có thấy biết, cảnh mất thì ngỡ là mình không còn thấy biết gì, cho nên nói không thấy. Đây là cái biết do phân biệt theo tiền trần, theo hoàn cảnh bên ngoài mà có. Nó phụ thuộc theo hoàn cảnh chứ không phải là chính mình. Nó sanh, diệt, có, không, còn, mất theo cảnh cho nên Phật dạy đây là bóng dáng phân biệt tiền trần, chứ không phải bản tâm chân thật.

Khi không có cảnh, nói là “không thấy biết”. Vậy thì ai đang biết là “không thấy biết” để trả lời? Không thấy, là không thấy biết tập sách, còn mình thì lúc nào mà chẳng thấy biết?

3.2.   Giải mã giai thoại Thái tử Sĩ-đạt-ta luận đạo với Tiên nhơn Uất-đầu-lam-phất.

Chúng sanh phần nhiều quên mình, khởi niệm biết theo vật. Do đó khi có vật thì mới biết, lúc không vật thì bảo là không còn thấy biết. Nếu thực sự là không biết thì ai đang nhận biết là “không biết” để trả lời là “không biết” đó? Cất tập sách này đi là không còn có tập sách, nhưng cái thấy biết của chúng ta thì vẫn thường còn, mới biết để trả lời là “không thấy biết”. Do đợi có vật mới bảo là biết, khi không vật thì bảo là không, nhận lầm cái biết theo vật này làm mình cho nên gọi là phan duyên; do đó còn sanh tử, chịu khổ.

Ngược lại, hành giả nếu hay nhận ra cái sáng biết nơi chính mình thường hằng, không động, không bao giờ thiếu vắng. Khi chưa có tập sách này, chúng ta đã sẵn sáng biết chưa từng thiếu vắng. Khi có tập sách này, cũng đang sáng biết. Và khi tập sách này không còn nữa, vẫn đang sáng biết như thế. Chưa có tập sách, đang có tập sách và không còn tập sách ấy nữa, tâm này vốn tự sáng biết như vậy, không bị biến đổi hay sai khác. Đó là không đợi có vật mới biết, do đó cái biết này không phải biết về vật, lệ thuộc theo vật, cho nên không phan duyên. Cái biết này không bị sanh tử chi phối, là giải thoát sanh tử.

Cho thấy, không phải nhất thiết đợi có vật mới biết. Không phải cố định bao giờ biết cũng là biết theo một vật gì đó, hoặc phan duyên. Và không phải nhất thiết phải khởi niệm phân biệt mới biết. Cái biết không phan duyên theo vật, không khởi niệm phân biệt, không động nhưng không có gì là không sáng biết, suốt tột, linh thông. Đây chính là tự tánh sáng biết sẵn nơi mỗi người, khéo nhận lại thì liền đó được giác ngộ, không còn bị sanh tử chi phối, được tự tại giải thoát.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202237
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
743
2336
3079
1175483
87240
118095
1202237