Chủ Nhật 24/11/2024 -- 24/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - Phần phụ: Câu Hỏi Vận Dụng Thực Tiễn

 

Phần phụ: CÂU HỎI VẬN DỤNG THỰC TIỄN

 

¯ Câu số 1:

Thầy dạy, người tu hành trước hết phải biết buông. Thế tại sao Thầy vẫn còn nhận gạo muối mang về Thiền viện cho Đại chúng sử dụng?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

Khi nghe nói tu hành trước hết phải biết buông, chúng ta cần hiểu cho thật rõ những ý nghĩa cơ bản sau thì mới tránh khỏi các sai lầm trong đời sống công phu tu tập.

1.  VÌ SAO PHẢI BUÔNG?

Các pháp từ thân này, tâm sanh diệt, cho đến muôn sự muôn vật ở thế gian vốn là huyễn hóa, không thật. Nhưng chúng sanh lầm chấp cho là thật, do đó luống phải chịu nhiều khổ đau không đáng có. Vì vậy, cần phải biết rõ bản chất thật của nó và buông bớt thì mới bớt khổ, mới yên tĩnh và tu hành được.

2.  BUÔNG CÁI GÌ?

Giả sử là buông mọi thứ bên ngoài. Ví dụ chúng ta dính mắc cái bàn cho nên mang cái bàn vứt bỏ đi. Khi không có cái bàn thì dính nền nhà do đó cho người đập bỏ nền nhà. Khi đập bỏ nền nhà thì lại dính mắc đất đai, vì vậy thuê người đến đào đất bỏ đi cho khỏi dính... Tu hành buông bỏ như vậy không ổn chút nào, nếu không muốn nói là bất bình thường.

Ngược lại, vẫn cái bàn ấy, bình hoa ấy, nhưng nếu chúng ta cảm thấy rất đỗi bình thường, không chút gì dính mắc thì có cần buông bỏ gì không? Đã là bình thường thì tại sao lại phải mang bỏ đi cho bất bình thường?

Cho thấy, bảo là buông, đó là buông sự dính mắc, không để vọng tưởng phiền não tràn bờ, để chúng ta dễ bề dụng công tu tập cho tiến bộ.

3.  BUÔNG XUỐNG HAY BUÔNG BỎ?

3.1.  Buông bỏ.

Là vứt bỏ mọi thứ bên ngoài. Nếu cắn răng để buông bỏ tiền tài của cải, nhưng trong tâm lại tiếc, còn dính mắc thì vẫn như là chưa buông. Có khi còn tệ hơn người không buông mà họ lại không tham lam gì cả.

3.2.  Buông xuống.

Buông xuống là rũ xuống, không dính mắc, rỗng suốt. Cụ thể, khi chúng ta dụng công tu tập, khéo ngay đây muôn duyên buông xuống, tâm sẽ không dính mắc, sẽ được rỗng rang, sẽ có lúc như vỡ vụn, rơi rụng, không còn gì, tâm thể an nhiên – sáng rỡ hiện bày.

4.  TÙY THỜI NẮM BUÔNG TỰ TẠI.

Khi đã buông xuống đúng pháp rồi thì lúc này nắm lấy là phải? Hay buông bỏ mọi thứ mới là phải?

Bảo là buông bỏ, là do còn dính mắc cho nên mới bỏ và buông. Nói là nắm lấy, cũng do dính mắc cho nên mới giữ lấy. Khi đã buông xuống đúng pháp, không còn dính mắc thì không còn nghĩ đến là phải buông đi hay nắm lấy nữa. Chỉ là tùy thời, tùy duyên nắm buông tự tại, không ngăn ngại. Đâu cần suy nghĩ hay đặt ra vấn đề là phải cố định như thế nào. Nếu còn bảo là nên nắm giữ hay phải bỏ đi, đều chưa khỏi bị ngăn ngại, còn dính mắc.

Tâm đã không dính mắc thì có và không cũng như thế. Tánh đã hiện bày do đó tùy thời nắm lên hoặc ném xuống tự tại, tùy duyên. Cuộc sống tu hành vốn đạm bạc, giản đơn, có rau thì ăn rau, có đậu thì ăn đậu, đâu có gì đáng để suy nghĩ, đặt vấn đề?

 

¯ Câu số 2:

Là người còn làm nhiều công việc và trách nhiệm trong đời. Nếu buông thì ai lo cho cuộc sống? Nếu không buông thì coi như không tu hành. Nếu khi tu thì buông, khi làm việc thì phải toan tính, rồi đến giờ ngồi thiền thì buông xả đi. Như vậy như chơi trò trốn chạy lòng vòng, lúc thế này, khi thế khác, công phu không tiến bộ được. Phải làm sao?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

  BUÔNG XUỐNG ĐỂ KHÔNG DÍNH MẮC, CHỨ KHÔNG PHẢI BUÔNG BỎ.

Các pháp vốn ở ngayvị trí của nó, tự nó không nói đẹp xấu, sang hèn; cũng không hề mời gọi con người đến tham đắm nó, cho nên muôn sự muôn vật không có lỗi. Nhưng do con người dính mắc cho nên mới có lắm chuyện rối rắm, khổ đau. Do vậy, chúng ta chỉ cần buông xuống, bớt dính mắc để bớt khổ đau là ổn. Bởi vì nếu chỉ có buông thì chưa thể dứt được cội gốc của khổ đau được.

2.    LỰC CỦA TÂM ĐỦ LỚN THÌ CÁC PHÁP TỰ NHƯ NHƯ.

Vừa làm việc, vừa buông sự dính mắc, vừa tỉnh giác. Nói như thế không phải cùng một lúc làm ba việc. Chỉ cần buông thư, tỉnh sáng rồi làm việc thì cả ba chỉ là một tâm an, trí sáng, sẽ tốt cho cả việc làm và công phu tu tập. Về nhà thì sắp xếp thời gian tọa thiền. Cứ như thế theo thời gian, khi sức giác lớn dần thì sự dính mắc cũng giảm bớt, theo đó, chúng ta cũng được nhẹ bớt khổ đau, cuộc sống ngày càng tươi sáng. Cho đến khi công phu đúng mức, tự tánh hiện tiền, các pháp vốn tự như như. Lúc này có đi làm việc hay ở nhà, tâm chúng ta vẫn bình thường như thế. Sẽ hay ra, tất cả pháp đều là Phật pháp; sẽ hết khổ, tự tại, an vui. 

 

¯ Câu số 3:

Trước một nỗi khổ tột cùng, một oan ức tột độ, gần như không thể chịu được. Chúng ta phải làm gì? Phải buông nó như thế nào?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

1.    KHÔNG PHẢI ĐỢI GẶP CHUYỆN MỚI HỌC CÁCH BUÔNG XẢ, TU HÀNH.

Không phải đợi đến khi có chuyện mới đi tìm lối sống, mới học cách buông xả và tu tập. Việc làm này phải là lẽ sống thường ngày thì mới đủ năng lực khiến cho mọi thứ trên đời không đủ sức chi phối. Cụ thể phải thấy rõ việc tu hành là cần thiết, ‘buông xuống để tâm trí an nhiên, giác sáng’ là sự sống của chính mình. Hằng ngày ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì chúng ta cũng sống bằng tâm tu hành như thế. Biến việc tu hành thành cuộc sống, cuộc sống là tu hành, chứ không phân chia lúc sống, lúc tu, lúc làm việc khác nhau. Lâu ngày năng lực của tâm lớn dần thì tự nó hóa giải mọi chuyện trong cuộc sống, chứ không thể dùng sự cố gắng hay thủ thuật gì trong sanh diệt để dễ dàng vượt qua được ngang trái, nghịch duyên.

2.    CHỈ CÓ VÔ SANH MỚI ĐỐT CHÁY ĐƯỢC SANH DIỆT.

Nắm vững nguyên lý: “Chỉ có tâm vô sanh mới đốt cháy được sanh diệt”. Từ đó, không khởi đúng, không khởi sai, nhận tất cả lỗi về mình. Không cần người khác hiểu. Không cần tâm sự hay chia sẻ với ai cả. Bởi tất cả những việc làm đó đều là động niệm sanh diệt, chỉ khiến cho chúng ta rối rắm mệt mỏi hơn lúc này. Cứ như thế, không làm, không suy nghĩ gì cả. Theo thời gian, lực tâm vô sanh nơi chính mình mạnh lên dần, mọi thứ khởi mãi rồi nó cũng mỏi và lắng xuống, mình vẫn là mình. Mọi việc sẽ ổn.

3.    KHÔNG CẦN GIỮ LẠI, CHẲNG CẦN QUA NHANH.

Thông thường con người chúng ta muốn mọi thứ đều tốt, không bị xui rủi gì. Hoặc nếu có bị buồn tủi thì muốn làm sao cho nó qua thật nhanh. Ít ai có khả năng đối diện và bình thường trên nó. Nhưng cuộc đời ít khi chìu lòng người, cứ hết thử thách này vừa đi qua rồi lại đến gian nan khác, dai dẳng mãi không thôi, vì thế con người phải gánh chịu khổ đau mãi.

Trước nỗi oan ức như vừa nêu trên, chúng ta không cần níu giữ nó lại, cũng chẳng cần mong nó qua nhanh, mà tất cả chỉ là bình thường. Tất cả đang diễn ra, đang có những nỗi buồn niềm đau, nhưng mọi thứ là chuyện của nó, còn mình thì vẫn bình thường, chứ không phải được bình ổn mới bình thường. Dù lòng có buồn, tâm có khởi nghĩ lung tung, nhưng không cần trừ dẹp, cũng chẳng thèm nghĩ theo. Cứ cho nó lên phương án, còn mình thì nằm thư giãn, không thực thi. Chốc lát đi rửa mặt, sẽ thấy ra đất trời vẫn thênh thang, mình vẫn là mình. Những buồn vui tự rơi lại sau lưng, đừng thèm để ý đến. Tiếp tục công việc hằng ngày mình vẫn thường làm. Sống tiếp.

4.    TRANH THỦ CẢM NHẬN, HỌC LẤY KINH NGHIỆM.

Khi người khác gặp chuyện buồn, mình sáng suốt, bình tĩnh để an ủi, khuyên bảo. Đó là do chúng ta đang ở ngoài nghiệp của người ấy cho nên mới được như vậy. Hoặc chính mình có chủ động đi tìm sự thử thách để vượt qua thì cũng chỉ là trận chiến giả định. Bởi mình đang sẵn sàng và chủ động đi tìm một sự thử thách thì mức độ và mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Trong trường hợp chúng ta đang bị ngang trái, oan ức tột cùng như vừa nêu trên là một trận chiến thật. Bởi nó xảy ra bất ngờ khi ta chưa chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận. Bởi nó có oan ức thật chứ không phải sự giả định của đi tìm. Và nó đang đánh mình gục ngã chứ không phải đứng đó để đánh trận... Tất cả là một sự rối bời, mất thần, não nuột. Chẳng biết mình đang giận hay buồn, tủi hay hận, chán nản hoặc bi ai... Mọi người có an ủi, khuyên răn, nhưng lòng thì vẫn cứ buồn rười rượi. Sức khỏe sụt giảm, khí lực suy tàn, tinh thần bại hoại, đúng là một trận chiến, một tai nạn thật.

Tự mình phải lo cho mình, không ai giúp được lúc này cả. Lấy lại sức bình tĩnh, dù mọi thứ vẫn đang còn ngổn ngang. Phấn chấn tinh thần, nhìn lại tâm mình và vận dụng tu tập làm sao cho được ổn và tốt nhất. Tranh thủ học lấy kinh nghiệm để sau này còn giúp cho nhiều người khác bị lâm vào tình cảnh tương tự. Nhìn nhận và thực hành như thế, bỗng dưng thấy ổn hẳn ra. Như vậy là đã biến tai nạn thành cơ hội tốt.

5.    KẾT QUẢ CUỐI CÙNG.

Khéo léo vận dụng, cố gắng nỗ lực làm theo tất cả những gì vừa nêu trên. Theo thời gian, tâm tự hồi phục rồi dần an định trở lại. Mới hay ra, mọi thứ hãy còn đó và mình vẫn là mình. Bởi tâm mình đủ lớn mạnh thì các pháp, mọi chuyện trên đời tự nó bình thường, không hơn không kém.

Sông bây giờ mới đáp tiếng mênh mông,

Còn đủ cả và hóa thành bất tử.

Những con sóng đã vỗ vào lịch sử,

Vào hồn tôi cho tôi mãi anh hùng.

Dòng sông xưa nay vẫn đêm ngày miệt mài trôi chảy êm đềm và mênh mông như thế. Nhưng con người lắm bận bịu ngược xuôi; hoặc đã có lúc do nỗi oan ức ngập trời khiến tâm ta trở nên mờ tối, không còn nhận ra sự mênh mông ấy. Nay đây qua rồi, mới nhận ra sự yên ả con sông quê; như bây giờ mới đáp tiếng mênh mông dù trước đó đã sẵn.

Không phải đã quên mất đi nỗi trái ngang, sai đúng. Cũng chẳng phải nó còn giá trị để chúng ta bận bịu như trước đây. Tất cả hãy còn, nhưng đã hóa thành bất sanh bất diệt. Bởi mọi chuyện dù có thế nào đi chăng nữa, lòng ta vẫn tự như nhiên, chứ không đợi tất cả toàn không, ta mới được.

Những chuyện vui buồn như những đợt sóng. Tất cả đã vỗ vào lịch sử, vào cuộc đời, vào mọi người và vào cả chính ta. Nó vỗ vào lòng mình chỉ khiến cho mình lớn mạnh. Trí tuệ phát huy diệu dụng bất tư nghì, sẽ có ra nhiều viên thuốc kháng sinh để trao tặng cho những ai hữu duyên lâm nạn.

Nên biết, chính những nghịch duyên mới làm nên công hạnh thù thắng của bậc Bồ tát hành Phật đạo. Nếu thiếu nó thì không thể tu hành thành Phật được.

 

¯ Câu số 4:

Trước thời đại công nghệ phát triển, nếu thích thú thì mất mình, tan chảy; nếu quay lưng thì bị lạc hậu, tự đào thải. Phải làm sao?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

  1. 1.  XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ.

1.1. Phát triển cái gì? Phục vụ mặt nào? Cho ai?

Nói là phát triển, vậy đang phát triển cái gì? Phục vụ mặt nào? Cho ai?

Chỉ là phát triển công nghệ. Phục vụ tiện nghi, đời sống vật chất. Và cho con người.

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, có nhiều thứ đến độ dư thừa. Nhưng vẫn chưa đủ cho con người sống đời hoàn hảo, tốt đẹp; vẫn còn đó nhiều vấn nạn và bất cập. Vậy, thực chất con người cần thêm gì nữa thì cuộc sống của nhân loại mới ổn định?

1.2. Con người cần gì?

Nếu chỉ có vật chất, ngoài ra không có gì khác thì chúng ta có còn nhận ra mình là con người nữa hay không? Chắc chắn là không, bởi cuộc sống của chúng ta còn cần nhiều thứ khác nữa. Vậy con người cần gì?

Muốn xã hội con người có đời sống ổn định thì cần có đầy đủ ba tiêu chí cơ bản. Đó là đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống đạo đức (hệ giá trị cuộc sống). Thiếu một trong ba tiêu chí trên, sự phát triển của xã hội sẽ chông chênh, thiếu cân bằng. Ví dụ vật chất phát triển mà đạo đức không theo kịp thì tai họa, để lại nhiều vấn nạn khó lường...

2.  XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ VẬT CHẤT.

2.1. Muôn vật chưa lìa vô thườngs anh diệt.

Xưa nay không có gì tồn tại mãi, tất cả đều thuộc vô thường, chưa lìa sanh diệt. Trong Kinh, Phật diễn tả cõi Trời nhìn trần gian này như chúng ta nhìn vào hũ mắm đầy giòi lúc nhúc vậy. Chính khi mọi vật đang có, nhưng bản thân nó không tự có mà phải  nhờ vào nhiều yếu tố nhân duyên hợp lại mới thành. Vì vậy nó không chắc thật, toàn là huyễn hóa. Thấy sâu, suốt tột lẽ thật như thế cho nên chúng ta không còn bị mọi thứ trên đời trói buộc và dính mắc. Đã không dính mắc thì không còn bị các pháp làm ngăn ngại.

2.2. Vạn vật vốn vô tri, tự nó không nói nó là lạc hậu hay hiện đại.

Vạn vật chỉ là những thứ vô tri. Nó không tự nói nó là sang cả, hiện đại; cũng không hề rủ rê con người đến dính mắc nó để lấy đó làm đẳng cấp, thượng lưu. Chiếc điện thoại thông minh mắc tiền mà không có sự nhận biết của con người thì chẳng khác nào cục sắt. Trí tuệ nhân tạo có siêu đến đâu cũng phải đợi chúng ta cài đặt, bảo nó thông minh thì nó mới được thông minh siêu xuất. Tất cả đều là thứ của con người tạo ra. Nó không thể có giá trị hơn chủ nhân tạo ra nó để làm cho chúng ta vất vả khổ đau được. Chỉ tại con người phân biệt rồi sanh tâm dính mắc trên mọi thứ, để rồi tất cả mọi rắc rối đau khổ đều từ đây mà có ra.

3.  TIÊU CHÍ RÈN LUYỆN ĐỂ VƯỢT LÊN TẤT CẢ.

3.1. Cái gì thiếu nó mà không chết thì không cần.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cần rất nhiều thứ chưa thực sự cần. Trong lòng lúc nào cũng cảm thấy thiếu mặc dù trong nhà đang có rất nhiều vật dụng thừa thãi không dùng hết. Nếu xét lại, điều mình muốn thì có thể nhiều, nhưng điều chúng ta cần thì rất giản dị. Tối giản đến mức “Hễ cái gì thiếu nó mà mình không chết thì chưa thực sự cần”. Không cần không có nghĩa là không sử dụng. Mà có thì sử dụng, càng tốt. Nếu chưa đủ duyên để có nó, cũng không sao. Nhìn nhận và sống như vậy thì cuộc sống sẽ thanh thản, ổn định, sự phát triển được tốt đẹp, bền vững.

3.2. Không cho phép mình thích hay không thích bất kỳ một điều gì.

Gặp điều ưng ý thì vui mừng đến la hét, nhảy cẫng lên. Gặp người không hợp với mình thì lòng liền khó chịu, mặt xụ xuống. Đó là chúng ta đã quá dễ dãi cho phép mình buồn vui trên ngoại cảnh. Ban đầu thì mình chủ động, thích thì vui, không thích thì buồn. Nhưng lâu ngày đã thành quán tính, thói quen thì nó sẽ có sức mạnh rất lớn và chi phối mình, khiến cho chúng ta có muốn hết buồn cũng khó được. Đây là do con người đã quá dễ dãi với những nỗi buồn niềm vui, để nó có quyền sai sử khiến cho mình phải khổ đau vì nó. Mới thấy, cho phép mình thích và không thích, đó là chìu uốn theo phàm tình, sẽ làm cho mình bị yếu đi, khổ sở, là tự mình đánh gục chính bản thân mình.

“Không ai, không có cái gì có thể làm cho mình buồn phiền, nếu chúng ta không cho phép”. Nếu không cho phép mình thích hay không thích bất kỳ một điều gì thì trước mắt sẽ bớt bị những lệ thuộc, ràng buộc không cần thiết. Sống như thế lâu ngày sẽ làm cho tâm lực được mạnh lên, sẽ giúp cho chúng ta vững chãi, tự tin trong cuộc sống.

3.3. Lòng rộng thì tự tại vô ngại.

Đã biết, muôn sự muôn vật ở thế gian vốn nó là như vậy. Nó không tự nói là quý báu hay tồi tệ, cũng không biết gọi con người đến để nhận biết và phân chia đẳng cấp. Nó chỉ là nó. Và cũng chỉ là những thứ hư hoại, không bền chắc. Nếu tâm lực của chúng ta yếu hơn vật chất thì dù có thích thú hoặc quay lưng, làm thinh, hay có làm bất cứ gì đi nữa, cũng không khỏi bị dính mắc, chi phối. Do đây cho nên dễ bị rơi vào sai lầm và đau khổ như nhau. Ngược lại, nếu tâm mình đủ lớn thì mọi thứ bên ngoài dù tân tiến hiện đại đến mức nào, đối với chúng ta cũng chỉ là bình thường. Do đó, làm gì cũng hợp lý, cũng phải cả. Không bị sai lầm, trả giá, khổ đau.

Người được sanh ra vào thời xa xưa thì thích cổ điển, bởi đã trải qua nhiều năm quen nghe, nhìn và cảm nhận theo cách ấy. Quý vị trẻ hiện tại thì không biết cuộc sống của thời xưa, chỉ thấy những gì đang diễn ra cho nên thích kiểu của hiện đại. Và nếu quý vị lớn tuổi sau khi qua đời, tái sanh lại thì cũng sẽ thích theo cách hiện đại của những gì trong thời mình lớn lên sau này mà thôi. Không có cái gì cố định đúng, cũng chẳng có ai hoàn toàn sai. Tất cả đều đã do môi trường và hoàn cảnh xã hội tác động mà hình thành nên nếp nghĩ, cách nhìn của con người, vào mỗi thời điểm không đồng nhau như thế. Nếu tĩnh tâm lại, sẽ thấy rõ mọi việc trên đời này vốn tương đối. Bằng tâm vắng lặng mà sáng biết, tâm này lớn rộng thênh thang không ngằn mé, sẽ không dính mắc, cũng chẳng phải quay lưng, chúng ta sẽ hiểu biết, cảm thông cho nên dung chứa và khéo léo tùy thời vận dụng được hết cả cổ lẫn kim, để đưa đến một cuộc sống mỹ mãn.

“Quảng đại vu hoài năng dung kim cổ”. Nghĩa là “Lòng mình đủ rộng, thì hay dung hết cổ kim”. Tâm đã an, trí đã sáng, niềm lạc an sâu kín nhưng ngập tràn vô biên, đất trời thênh thênh không giới hạn. Lúc này, muôn sự muôn vật như tự nhiên được trả lại ngay chính ngôi vị ban đầu của nó. Không có vật sang cả, không có vật tồi tàn. Trắng là trắng, vàng là vàng... tất cả chỉ là như thị. Ngày mai có văn minh hiện đại hơn nữa thì trân trọng, tôn trọng tất cả, nhưng không quan trọng. Nếu nhỡ có tồi tệ đến mức nào thì mình vẫn sống tốt, cũng chỉ là như thế mà thôi. Có gì làm ngăn ngại chúng ta được đâu mà phải bàn đến việc quay lưng hay thích thú với cuộc thế?

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202155
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
661
2336
2997
1175483
87158
118095
1202155