4. RỜI CÁC CỰC ĐOAN.
4.1. Vô minh và tạo tác.
¯ Không tạo tác.
Như con rùa bò đi trên bùn, nó muốn dùng cái đuôi quét lên bùn để xóa đi dấu vết. Nhưng khi vết này được xóa đi thì lại vô tình tạo nên một vết khác. Cứ như thế, càng quét, nó càng không thoát ra được dấu vết do việc muốn xóa dấu vết tạo nên. Cũng vậy, khi tâm dính cảnh, liền có vọng tâm, đó là một pháp (vật). Rồi khởi tâm soi lại thì lại có thêm một tướng của tâm khác, cũng là một pháp. Trên pháp chồng thêm pháp, cho nên đã bị thừa ra một pháp. Cứ như thế mà loay hoay mãi trong sanh diệt. Thấy như là tu hành, nhưng còn nằm trong sự tạo tác, loạn động. Công phu như thế chỉ ở trong vọng động sanh diệt, còn đi loanh quanh bên ngoài, chưa thể khế được tự tánh vô sanh giác sáng. Do đó không đắc lực, tu hành ít tiến bộ nếu không muốn nói là chưa dính dáng gì.
Chữ tạo tác ở đây là có khởi tâm làm gì đó hoặc vụng về trong công phu. Đến như kềm, đè, chăm chú, diệt trừ vọng niệm, cho đến trụ tâm... Hễ có làm gì thành tướng đều rơi vào tạo tác.
¯ Không phải để không tự nhiên.
Không tạo tác, nhưng cũng không phải để mặc tình, tự nhiên. Như thế sẽ bị miên man, lờ mờ, không rõ sáng, gần với vô minh.
¯ Tóm lại.
Khi hạ thủ công phu, hành giả cần kiểm tra để rời hai cực đoan:
- Không tạo tác: Đè né, kềm kẹp, chú tâm, buộc niệm..., như thế sẽ rơi vào tạo tác, sanh diệt, cố chấp.
- Không phải để tự nhiên: Để mặc kệ, không làm gì sẽ lờ mờ, bị vô minh dày đặc.
- Rời tạo tác, rời vô minh, ngay đó là chơn chánh tu hành: Nghĩa là đang sống đúng trung đạo. Sống ngay tự tánh giác sáng, không phải do làm để có vết của tướng sanh diệt, chẳng phải mặc tình, không ngơ để rơi vào lờ mờ vô minh. Đó là đang tu hành thẳng đến tự tánh, đúng pháp, mới tiến đạo.
4.2. Quá khó và dễ dãi.
Tu hành như thuyền ngược nước, không tiến thì bị tuột lùi chứ không có việc tạm dừng lại và bảo lưu. Hơn nữa, con người đang sống trong mê muội của phàm tình. Việc dễ dãi chỉ có hợp với phàm tình mới dễ được. Do đó, muốn tu hành tiến bộ thì phải rèn luyện, gọt rửa cho tan biến phàm tình thì thánh trí mới hiển lộ. Có ngay đây đốn ngộ thì phàm tình cũng phải biến tan; chứ không phải tìm chỗ hợp với sở thích của phàm tình để dung dưỡng nó mà mong có ngày ngộ đạo được.
¯ Dễ dãi.
Nhiều vị tu hành muốn tìm nơi êm ấm hợp với quan điểm của mình. Nếu mình đã chứng đạo thì không cần tìm chỗ tu hành. Còn tìm nơi để tu thì trong tâm còn bời bời vọng niệm và phàm tình mê muội. Tìm chỗ hợp với mình là tìm nơi hợp với phàm tình, chứ không phải khế hợp đạo lý chân thật giác ngộ giải thoát.
¯ Quá khó.
Nếu muốn dễ dãi thì đó là đem đạo tô đắp phàm tình, không thể tiến đạo. Nhưng khó quá thì quá sức chịu đựng của con người, dễ rơi vào cực đoan khác. Có nhiều vị vì ham tu quá, muốn tu cho mau ngộ đạo cho nên tâm biến thành tưởng, rơi vào cực đoan để phải bị bệnh hoạn mà không biết. Có khi Thầy Tổ khuyên bảo cũng không chịu nghe. Trốn đại chúng vào rừng làm người siêu việt. Bắt chước người xưa ăn rau đắng, cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, nhưng lòng lại không được như mây nổi bởi mình chưa phải Thiền sư. Được một thời gian ngắn thì mọi thứ bắt đầu tồi tệ. Bị ốm bệnh, mặt xanh, run rẩy và phải trở lại gia đình, mặc cảm không dám gặp ai.
Hoặc có nhiều vị điều hòa tốt, sống được một thời gian lâu hơn, nhưng tư tưởng cũng bị cục bộ, khó chịu, khó hòa đồng với mọi người, đó là do kềm nén. Cho đến khi già, những gì kềm nén lúc trẻ thì bây giờ sẽ bị bung lên. Những tình tệ, tập khí ngự trị và sai sử mình, uổng phí một đời tu hành mà mang lại kết quả không như mong muốn. Ý chí thì có mà cái nhìn thì bị rơi vào cực đoan, dẫn đến dụng tâm bị sai lầm.
Đức Phật dạy, người chưa đạt thiền định mà ở một mình trong chốn núi rừng sâu vắng sẽ dễ rơi vào hai cực đoan. Một là nổi trên mặt nước sân hận (tự sân, thấy cái gì cũng bực). Hai là chìm sâu dưới đáy tham ái (lòng tham ái tự mạnh và hoành hành). Đây là do cực đoan đè nén mà có ra.
¯ Trung đạo.
- Dễ dãi thì rơi vào sự yếu đuối của phàm tình, không thể tiến đạo.
- Quá khó thì quá sức chịu đựng của con người, rơi vào cực đoan, dễ sanh bệnh hoạn.
- Hơi khó một tí để nỗ lực, cố gắng rèn luyện, gọt rửa phàm tình thì tu hành sẽ tiến bộ.
4.3. Chấp giữ chỗ thanh tịnh mà thiếu giác sáng, hoạt dụng.
4.3.1. Chấp thủ chỗ vắng lặng, tịch tĩnh.
Khi tu hành đạt được thanh tịnh, vắng bặt thì hành giả cảm thấy an ổn, không động, không phiền não cho nên dễ đắm vào trong ấy. Tuy trong lặng tuyệt đối, không động dù có đang hoạt động, làm việc, nhưng vì đại pháp chưa sáng, trí chiếu phá sanh tử chưa phát huy, cho nên trong sâu thẳm vẫn còn những ngăn ngại vi tế. Thích nơi yên tĩnh, ngấm ngầm ngán mọi công việc bề bộn, rộn ràng, ồn ào, áp lực... Ngang đây chưa phát huy được lực dụng của trí, chưa được tự tại. Lúc nào trong hông ngực vẫn như có vật để gìn giữ dù đó là tâm tánh, tu hành. Vì thế các Thiền sư chưa chấp nhận. Nếu lấy đây làm chỗ an thân lập mạng sẽ bị quý ngài quở trách. Phải cầu tiến bộ, phấn chấn tinh thần tiếp tục dụng công thì mới có ngày thoát ra, thể hội đại đạo.
4.3.2. Nhập thất quá lâu, thời gian nhập thất không tương ứng với công phu, định lực.
Thời gian nhập thất chuyên tu bao lâu là tùy vào công phu và định lực của hành giả vào thời điểm ấy để quyết định. Không phải vừa sức, chẳng phải quá mức, chỉ thêm một tí so với định lực và công phu của mình thì việc tu hành trong thất sẽ được tiến bộ.
Vả lại, vào thất để tu mạnh hơn, kích phát cho chúng ta có cơ hội bừng sáng. Còn việc tiến đạo đúng mức thì không phải ở trong thất, cũng chẳng phải ngoài này. Khi công phu chín muồi thì tâm tánh bừng sáng trong bất cứ khi nào, ở bất kỳ chỗ nào, chứ không nằm trong tính toán, cố định. Bởi thể đạo vốn không động, vô sanh, không nằm trong tiên liệu, tính toán. Những suy tính, lập trình, đoán biết hay quy ước... đều là của tạo tác sanh diệt, không phải tâm tánh bất sanh bất diệt này. Ngài Linh Vân thấy hoa đào nở mà ngộ đạo. Ngài Bàn Sơn Bảo Tích thì xem người mua và bán thịt mà có tỉnh; hoặc có lần thấy đám ma, tâm ngài bừng sáng... Đâu có cố định hay tính toán?
Hơn nữa, có khi trong thất tu hành nhưng ra ngoài mới tiến bộ. Có người ở ngoài tu hành chưa tiến thì khi vào thất lại tiến bộ bất ngờ. Và thực tế là có rất nhiều quý Thầy khéo điều hòa được việc nhập thất và tu tập bên ngoài phù hợp, cho nên công phu được tiến bộ rõ rệt, viên dung, không bị thiên lệch, cực đoan. Trong thất và ngoài thất là nói đến việc dụng công trong cảnh tịnh và động. Trên hai cảnh này, khéo điều hòa và dụng công hợp lý, khế hợp trung đạo thì thể đạo bừng sáng, bất ngờ.
Đạo vốn thênh thang, tự tại vô ngại, không nằm trên hai cảnh động và tịnh, không ở trong thất hay ngoài thất. Hai môi trường ấy chỉ giúp cho hành giả cân bằng công phu tu tập để tỏ sáng đạo lý. Thực tế mà nói, không nhập thất thì chưa có cơ hội đối diện thật với chính mình, sự tu hành chưa thể mạnh mẽ, chuyên sâu để đạt đến rốt ráo. Nhưng nếu cho rằng nhập thất là quan trọng hơn và ở trong ấy quá lâu, công phu có tốt thì cũng chỉ được an sâu trong định, trí thể có mạnh, nhưng thiếu phần hoạt dụng linh thông của trí dụng, do đó chưa có cơ sống dậy. Vị này có thể ở yên rất nhiều năm, nhưng bước vào Phật sự thì lý và sự khó dung thông, tâm và vật không chan hòa, lý đạo và sự thế còn phân hai, cách ngăn, khó hòa nhập cùng đại chúng. Do còn nhiều ngăn ngại như thế cho nên cuộc sống tu hành và công việc bị trục trặc, khó khăn, thất bại nhiều mặt. Ở đây không bàn đến công việc, chỉ lấy đó làm dấu hiệu để nhận biết sự tiến đạo còn khiêm nhường, công phu chưa rốt ráo, chưa phát huy đúng tính chất của đại đạo.
Ngoài ra còn có trường hợp xấu khác. Như dễ bị rơi vào tình trạng bất chợt nổi sân một cách vô lý, khó hiểu. Nghe tiếng ồn cũng bực, người khác nói bình thường cũng sân, tiếng chim kêu, tiếng lá xào xạc cũng khiến cho mình cảm thấy khó chịu. Tất cả đều bực một cách vô lý mà chính vị ấy cũng không hiểu và kiểm soát được. Như thể là đầu óc bị lập trình sẵn sự bực tức và nó tự làm việc đó một cách rất máy móc.
Không nói thời gian dài hay ngắn, tùy theo công phu và định lực của hành giả để cân bằng giữa việc nhập thất và ra thất hợp lý thì công phu tu tập sẽ tiến bộ rất tốt.
4.3.3. Chấp thủ chỗ thanh tịnh quá lâu.
Hành giả tu hành khéo léo quá trong việc điều chỉnh đời sống tu tập cho nên mọi thứ được an ổn, thanh tịnh đến độ an toàn. Lâu ngày trở thành một lập trình khiến cho mình thích sống an phận trong sự thanh tịnh như vậy. Tu tập và sống như thế một thời gian, chúng ta dễ nhận ra nhiều dấu hiệu của việc bất cập, không tốt. Như là yếu đuối hơn khi chưa tu. Trước đây có nhiều chuyện to tác mình vẫn ổn định. Bây giờ chuyện của hàng xóm xảy ra không đáng kể, không liên quan đến mình mà vẫn bị hồi hộp không kềm được. Đối trước các tình huống, hoàn cảnh thay đổi thì thường dễ bị bồn chồn, bàng hoàng, hoang mang, sợ sệt. Đối với các quyết định thì bị do dự, chần chừ, không thể dứt khoát... Khi gặp chuyện thì dễ lo lắng, thiếu quyết đoán. Có trường hợp tệ hơn thì tinh thần và thể trạng ngày càng yếu dần. Đến mức đi đứng lựng khựng, mắt thì đờ đẩn ra, mặt thất thần; gần như người bị tâm thần. Tự mình lo lắng và hoảng sợ nhiều thứ. Đầu óc tự tưởng tượng sự việc lên mức quá đáng rồi lo lắng, lo sợ, lo ngại... Tất cả đều do chấp thủ chỗ thanh tịnh quá lâu, thích ở yên trong chỗ thanh tịnh, an toàn mà thiếu sự va chạm, thử thách để bứt phá, phát huy hoạt dụng.
Nếu ngay từ đầu không khéo léo cân chỉnh đời sống tu hành thì rất dễ rơi vào hai cực đoan. Hoặc là loạn động như người thế tục, hoặc là đắm nhiễm trong chỗ an toàn rồi rơi vào bất cập như vừa nêu trên. Người nam thì 40 tuổi, nữ thì 35 là bắt đầu chuyển biến xấu. Vì lúc này vừa mới bắt đầu chuyển biến chứ cái xấu chưa biểu hiện rõ ràng, cho nên chúng ta chưa thể nhận ra được. Cho đến 5 năm sau, người nào tinh tế soi xét lại nội tâm thì phát hiện được dấu hiệu. Nếu không sửa đổi, khoảng 10 năm sau thì bệnh bắt đầu hiện hình và điều khiển mình. Vẫn còn sửa kịp, nhưng đã đánh mất thời gian trước đó không được tu hành đúng pháp cho được tiến bộ thì sẽ tốt hơn nhiều. Nếu để khi già mới nhận ra thì tất cả sẽ khó khăn hơn. Bây giờ quen cằn nhằn thì mai kia già, thấy cái gì cũng bực bội, muộn phiền, sân si hoặc tủi thân vô cớ. Hiện tại quá kỹ lưỡng trên sự tướng thì lúc già ăn rồi lọ mọ từ việc này sang việc khác, hết gấp giấy báo cũ thì tới bì ny-lon... Bây giờ đụng đâu nói đó thì mai kia già sẽ càm ràm một mình. Còn nhiều nữa. Song song với việc dụng công tu tập, khi còn trẻ nên kiểm tra tư tưởng và hành vi của mình để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với đời sống trung đạo, mai kia già sẽ sống bằng sức sống đạo chứ không phải lẩm cẩm khổ đau một mình.