3. GIÁC SÁNG MÀ RỖNG SUỐT, AN NHIÊN.
Phương án lâu dài.
Chỉ có năng lực của tự tánh giác mới cho chúng ta tự tại trong sanh tử. Phải bằng tự tánh vô sanh này để tu hành thì mới thành tựu được quả vị vô sanh mà chư Phật đã thành. Do đó, tu tập cốt yếu trước tiên là cần phải nhận lại tự tánh giác sáng. Đã ngộ thì tự nó hiện bày rõ ràng, lực dụng đầy đủ. Khi chưa ngộ thì khéo an lại tự tâm, sức giác sáng cũng bày ra đó, chỉ có điều chưa được sáng rỡ và mạnh như lúc ngộ mà thôi. Do đó, khéo sống bằng sức giác sáng ấy, chính là đang tu. Muốn đạt đến đó, có hai hướng: Một là ngay đây nhận thẳng. Chưa thể như thế thì phải tu tập dần dần.
3.1. Tu tập dần dần.
Như ở trên đã nói, hành giả chưa thể ngay đây nhận thẳng tự tánh giác sáng thì phải khéo léo vận dụng công phu tu tập dần. Cụ thể ngay đây buông xuống, rũ sạch để không dính mắc, sẽ đạt đến rỗng suốt, sẽ có lúc thình lình tất cả như vỡ vụn, rơi rụng và bỗng dưng bất chợt mất hút tất cả. Ngay đó toàn thể giác sáng, thể tánh hiện tiền.
3.2. Ngay đây khéo nhận.
Ngay một câu, một cảnh liền nhận thẳng, không qua suy nghĩ, học hiểu.
Ví dụ, ngay khi đang đọc những dòng chữ này, quý vị không thèm chú tâm, không phớt lờ qua, cũng không nghĩ là để tự nhiên mặc kệ. Đừng khiên cưỡng phải làm gì hay phải như thế nào đó; để tâm bình thường, thư giãn, như nhiên thì tâm ấy vốn không còn gì mà vẫn đang đọc sách. Mỗi chữ mỗi chữ rành rành rõ ràng, tự nó suốt thông biết hết ý nghĩa mà không cần khởi hiểu hay phân biệt. Tất cả đang giác sáng, hiện bày. Ngay đó khéo nhận, liền tỏ sáng bản tâm chính mình. Sống thẳng ngay bản tâm đó là chân thật tu hành, không cần tìm cầu gì khác.
3.3. Đến khi thuần thục.
Sống thẳng bản tâm cho đến khi thuần thục rồi thì thấy biết vượt thoát căn và cảnh, có và không. Không phải chờ có cảnh mới biết, mà bản tánh sáng biết sẵn đó từ vô lượng kiếp, hiện nay vẫn không thiếu. Không còn phân biệt chơn và vọng, bởi các pháp xưa nay vốn tự như như, tất cả chỉ là như thị. Các Thiền sư nói, ‘cây gậy chỉ là cây gậy’, không phân biệt nhưng vẫn biết gậy trúc hay bằng gỗ. ‘Hoa hồng là hoa hồng’, không động mà vẫn rõ ràng là loại kép hay đơn. ‘Núi chỉ là núi, sông chỉ là sông’, nhưng chẳng phải vọng động mê mờ như phàm phu, cũng chẳng phải trụ tâm kẹt tướng như kềm đè làm cho được như thị. Chỉ là mất hút các tướng của tâm của cảnh, là huyễn là chơn, tâm ta vốn tự giác sáng trùm khắp. Cuộc đời vẫn biến đổi, vạn vật đang vận hành, nhưng sức giác sáng này thấy biết tất cả mà không phải ở trên nó hoặc rời nó. Chỉ bởi toàn thể bặt tăm, thênh thang tự sáng biết. Ngay đây, tất cả vốn dĩ bình thường cho nên muôn vật không còn là chính nó. Nó ở ngôi vị của nó, không còn giao thiệp đến mình. Mình vốn là mất sạch tướng hình mà không một vệt mê, bởi tự sáng biết do đó cũng không can hệ đến vật. Vật là vật, mình là mình mà lại suốt thông, thấy biết siêu vượt muôn thứ. Kinh Pháp Hoa, Phật nói: “Thị pháp trụ pháp vị, Thế gian tướng thường trụ”.Nghĩa là, pháp ấy ở ngôi pháp, tướng thế gian thường trụ.
Tuy vật không giao thiệp mình, mình không can hệ muôn vật, nhưng đối với mỗi vật, mỗi việc, ‘tánh ấy’ đều thấy biết một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhưng vẫn bất động, không thoát ra ngoài nhau. Do không can thiệp dính dáng nhau cho nên vật chẳng phải ở trong tâm. Tuy vậy, nhưng cũng không ra ngoài sự thấy biết của tâm này cho nên cũng chẳng phải ở ngoài. Không trong, không ngoài, các pháp xưa nay vốn tự vắng lặng. Dù có biến đổi, nhưng vẫn chưa từng sanh diệt bao giờ. Kinh Pháp Hoa, Phật trùng tụng: “Chư Pháp tùng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng”. Nghĩa là, các pháp từ xưa đến nay, tướng thường tự vắng lặng. Kinh Duy Ma nói: “Không hoại các pháp thế gian mà bàn thật tướng” là vậy.