Thứ Năm 19/9/2024 -- 17/8/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - Phân Phụ: Câu Hỏi Vận Dụng Thực Tiễn

 

Phần phụ: CÂU HỎI VẬN DỤNG THỰC TIỄN

 

¯  Câu số 1:

Tu tập gạn lọc thân tâm dần dần được thanh tịnh, sạch hết vọng niệm thì chân tâm hiện tiền. Hiểu như thế nào về điều này?

¯  GỢI Ý TRẢ LỜI:

1.  XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ.

¯ Tỉnh dậy thì hết mộng, hay hết mộng mới được tỉnh?

Đang ngủ say mộng thấy nhiều điều. Khi tỉnh dậy thì hết mộng, hay phải đợi đến khi mơ cho trọn câu chuyện trong giấc mơ, cho hết mộng rồi thì mới được tỉnh dậy? Nếu phải đợi hết mộng mới tỉnh dậy, như vậy là đã tỉnh táo chủ động rồi, đâu còn say mộng nữa. Thực tế, khi ngủ say thì mộng thấy đủ thứ. Thình lình tỉnh dậy thì không còn gì. Không có chuyện đợi giấc mơ trong mộng tan biến từ từ rồi mới được tỉnh dậy. Tương tự để xét lại tâm mình.

¯ Chân tâm vốn sẵn vô niệm, hay đợi đến khi hết vọng niệm thì chân tâm mới hiện tiền?

Ai cũng đang có niệm. Nếu đợi vô niệm mới là chân tâm thì sẽ có làm gì đó cho được vô niệm. Mà có làm là rơi vào tạo tác, là bản chất của niệm nữa rồi, làm sao được vô niệm?

Chân tâm nơi mỗi chúng ta, thể của nó vốn sẵn vô niệm. Nhưng do bất giác, liền bị mê mờ (như người ngủ say) cho nên tạm có vọng niệm và bị che lấp. Nếu khéo hạ thủ công phu tu tập, nhận ngay tự tánh giác sáng, hàng phục vọng tưởng phiền não. Thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm này bừng sáng, vọng niệm tự dứt bặt. Như người thức giấc thì mộng mị không còn. Khéo sống trở về chân tâm là tu hành, không do tạo tác.

2.  TU HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Không phải có làm gì, cũng chẳng phải để không, không làm gì, mà khéo léo dụng công tu tập đúng pháp. Tu mà không tu; không tu mà đang tu, là đích thực tu hành.

Hoặc là, ngay đây liền nhận bản tâm. Nếu chưa thể như thế thì gạn lọc từ từ. Thân – Tâm – Muôn vật đồng thời buông xuống sạch. Chỉ còn tâm an nhiên – rỗng lặng – giác sáng. Công phu đúng mức, thời tiết nhân duyên chín muồi thì chân tâm tự bùng vỡ, hiện tiền, không còn vọng niệm nữa.

 

¯ Câu số 2:

Có người nói: Đã từng tự nghiên cứu và tập thiền. Nhưng khi ngồi thiền thì loạn tưởng lung tung, không đi đến đâu cả cho nên đã bỏ. Nên giải thích và khuyên vị này như thế nào?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

Thiền không phải nghe qua và học ngang một cách thiếu chuyên nghiệp như thế, sẽ không tiến bộ, có khi còn không tốt. Tu thiền cần phải học kỹ, dụng công đúng pháp, chuyên nghiệp thì mới thấy rõ đường đi, vững niềm tin, công phu tiến bộ và không bị những điều đáng tiếc.

  1. 1.  CẦN BIẾT NGƯỠNG TỐI THIỂU ĐẦU TIÊN CẦN PHẢI CHẠM ĐẾN LÀ GÌ?

Đó là kiến tánh è Y tánh khởi tu è Viên mãn thành Phật. (Xem kỹ trong phần chính của chương 3 này).

2.  TRONG KHI CHƯA KIẾN TÁNH, PHẢI THỰC HÀNH CÔNG PHU TU TẬP NHƯ THẾ NÀO?

2.1.  Trong cảnh tịnh, tọa thiền.

Dụng công qua các bước cơ bản: Sổ tức, tùy tức, biết vọng không theo, biết là chân tâm.

2.2.  Trong cảnh động, sinh hoạt.

¯ Chưa thuần thục: Thân đâu tâm đấy, không bất giác, thất niệm hay lo ra.

¯ Đã thuần thục: Giác sáng rõ ràng trên mọi sinh hoạt.

(Xem đầy đủ tại Mục 3, Chương 2).

3.  TU THIỀN, TỌA THIỀN, ĐẾN BAO GIỜ MỚI HẾT VỌNG TƯỞNG?

Khi còn mê thì tạm có vọng tưởng. Khi kiến tánh thì vọng tưởng tự hết chứ không do tạo tác (làm gì đó), hoặc để yên không làm gì.

Ví dụ như cây đuốc lồ-ô. Khi dầu căn thức dứt bặt, tự tánh hiện tiền, thì lửa vọng tưởng tự hết. Biết rõ, nắm vững chắc chắn phương pháp dụng công rồi thì yên tâm tu hành, không nóng vội mong chờ bao giờ mới hết vọng. (Xem đầy đủ trong phần chính của chương 3 này).

Biết vậy, hành giả chỉ dụng công đúng pháp, không quan tâm đến vọng. Thời tiết nhân duyên chín muồi, tự tâm bừng sáng, các vọng sẽ tự dứt bặt, vắng lặng, sáng rỡ; chứ không mong ngóng hay làm thêm gì cả. Nếu càng mong muốn hết vọng, là đã can thiệp sâu trên vọng, đồng nghĩa đã quên tâm. Như thế, sẽ càng bất an, rối rắm. Càng trông mong hết vọng thì lại càng tăng thêm vọng, là đã trái với nguồn cơn mong muốn hết vọng, sẽ không hết vọng được.

4.  DỤNG CÔNG NHƯ THẾ NÀO, ĐẾN BAO GIỜ MỚI KIẾN TÁNH?

4.1.  Dụng công.

Căn cứ vào ví dụ đuốc lồ ô. Từ đó cho chúng ta thấy rõ: “Giác là tu”.

4.2.  Kiến tánh.

Khi sức giác mạnh tột cùng, căn thức cũng yếu tột độ. Không trước không sau, tự tánh bất chợt bừng sáng, căn thức tự dứt bặt, vọng tưởng mê mờ không còn bóng dáng, tự tánh hiện tiền.

5.  TRONG THỜI GIAN CÒN VỌNG TƯỞNG, ĐAU CHÂN…, NGỒI THIỀN SẼ CÓ ÍCH LỢI GÌ?

Thời gian đầu mới tập ngồi thiền, tuy còn mỏi mệt, đau chân, mê mờ, vọng tưởng lung tung… Nhưng cứ ngồi đúng pháp, một thời gian sau kiểm tra lại sẽ thấy trong tâm có tiến bộ tích cực hơn so với khi chưa tập thiền. Cần có thêm thời gian để thân tâm thuần thục, sự tiến bộ sẽ nhiều hơn. Lúc này, tu hành là vui chứ không còn vất vả nữa.

Cho thấy, kết quả của thiền là không có gì, nhưng khi kiểm tra lại trong tâm thì thấy có tác dụng tốt rõ ràng chứ không phải là không ngơ. Tuy có, nhưng chỉ là sự thầm nhận trong vô tướng thôi, không thấy có tướng kết quả gì cả. Ngoài ra, nếu thấy có tướng lạ, ánh sáng, hào quang hay sự mầu nhiệm gì đó, đều là không phải. Đừng chấp, không nên theo. Nếu hành giả nhận theo các tướng lạ đó rồi cho là chứng đắc, sẽ rất dễ bị lạc và sai lầm.

 

¯ Câu số 3:

Khi nghe người khác khen liền vui, chê liền buồn. Mỗi lần như thế thì nhìn thẳng vào những tâm niệm đó, tĩnh tâm lại và nhận biết, nhận ra mình đang bị dính mắc hai đầu, đó không phải là đạo. Những lần sau cảm thấy cường độ buồn vui giảm dần. Lần thứ ba, thứ tư thì cảm thấy yên dần và an ổn hơn. Có phải thực hành đối diện như thế lâu ngày sẽ đến gần với cái gọi là “sự bình lặng của tâm” hay không?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

-       Đây chỉ là sự thực tập công phu mang tính đối trị của buổi đầu.

-       Giảm dần chỉ là tạm thời, không đáng kể. Vì còn trong mê thì chưa thể dứt sạch hoặc làm chủ tuyệt đối được.

-       Sự bình lặng của tâm là tâm vốn đã tự bình lặng, chứ không phải do làm cho được bình lặng từ từ. Bởi có làm là đã rơi vào tạo tác sanh diệt, là đã trái với bản tâm chân thật, không thể sống được với sự bình lặng thực sự từ bản tâm toát ra.

-       Tu hành, suốt tột bản tâm thì tâm tự bình lặng. Động hay tĩnh đều không dính dáng đến tâm này, chúng ta được bình lặng và an lạc thực sự.

 

¯ Câu số 4:

Càng công phu thì nhận ra tại sao mình phân biệt quá nhanh. Hễ thấy một sự việc hay sự vật gì, chưa kịp định thần thì niệm phân biệt đã khởi lên. Khởi rồi mới tỉnh, toàn thấy sau đuôi của nó. Vậy, khi đối diện với cảnh, có phương pháp nào để tỉnh sáng mà không bị dính mắc, phân biệt?

¯ GỢI Ý TRẢ LỜI:

-       Khi nào còn mê thì hãy còn vọng tưởng, còn nằm trong cái mê của căn thức. Căn thức mê này tự nó dính mắc, rồi phân biệt. Như thể tự nó làm việc dính mắc của nó, xong rồi mình mới nhận biết thành quả. Do đó, khi chúng ta nhận thấy sự dính mắc là trước đó đã bị dính rồi. Khi thấy, là chỉ thấy được tướng trạng đã được hình thành từ sự dính mắc trước đó.

-       Xem đầy đủ tại mục 2, chương 4 dưới đây.

-       Thức này rất vi tế, tinh vi hơn cả khí Hy-dro xuyên qua ruột cao su của xăm lốp xe.

-       Niệm vốn không có tướng thì lấy đâu để có đầu và đuôi của niệm?

-       Đối diện với cảnh, muốn tỉnh sáng mà không khởi phân biệt thì không thể cố gắng hay nóng vội mà được. Bởi nếu như thế, vô tình chúng ta đã làm cho vọng động, phân biệt rồi rối rắm, mờ mịt thêm, trái với nguồn cơn tỉnh sáng và không khởi phân biệt mà mình mong muốn. Chỉ có khéo léo ngay đây nhận thẳng tánh giác sáng, không quan tâm đến việc có niệm phân biệt hay không niệm. Sống thẳng đó là tu hành. Khi công phu đủ lực, tự tánh bừng sáng. Tánh này tự không khởi phân biệt mà vẫn sáng biết. Nếu chưa thể nhận được như thế thì tu tập buông xả, an nhiên, giác sáng. Theo thời gian, công phu mạnh dần thì mới giúp cho chúng ta có khả năng làm chủ được. (Xem đầy đủ cụ thể tại Chương 4 và Chương 5 phía sau).

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

955791
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
978
3058
12935
925575
51559
94336
955791