3. ÁP DỤNG CỤ THỂ VÀO CÔNG PHU TU TẬP.
Qua hai lĩnh vực.
3.1. Trong cảnh tịnh, lúc tọa thiền.
3.1.1. Mới bắt đầu thực tập thiền.
Đối với hành giả mới bắt đầu thực tập thiền, chưa thuần thục thì thực hành qua các bước cơ bản như đã nêu tại chương 2 (Căn bản dụng công tu tập thiền).
a) Sổ Tức.
b) Tùy Tức.
Hai bước này chú trọng điều thân hơn là điều tâm, chưa phải công phu chính thức, chỉ là để hỗ trợ cho công phu chính sau này. Do đó không nên chấp vào đây cho là công phu tu thiền.
c) Biết Vọng Không Theo: Thực tập công phu.
d) Biết Là Chơn Tâm: Công phu tu tập chính thức.
(Xem đầy đủ tại Mục 3, Chương 2).
3.1.2. Đã thuần thục.
Đối với hành giả đã thuần thục thì vào bất kỳ thời điểm nào, ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn không mê, đang giác sáng là tu hành. Giác sáng ở đây không phải là ý thức lập nên cái giác để chăn giữ, công phu như thế là chưa phải. Chỉ là không mê mờ thì tâm mình tự nó đã giác sáng rõ ràng, như là đang sẵn sàng ra đó chứ không có tướng mạo của tâm, biết hoặc giác gì cả. Khéo mất hút tất cả thì tâm thể bàng bạc, trùm khắp, tự sáng biết. Không nên làm thêm gì để còn gợn chút bóng dáng của tâm, của tánh.
Nếu muốn cụ thể hơn, hành giả có thể kiểm tra công phu của mình qua ba điểm.
a) Buông xuống.
Buông bỏ là nói bao quát chung cho tất cả. Buông xuống, rũ xuống là chúng tôi muốn nhấn mạnh đến chỗ dụng công tu tập. Buông mà vẫn không động, không rơi vào tạo tác sanh diệt. Không phải có động tác hay khởi tâm buông xuống, buông bỏ gì. Buông làm sao giống như là sự rũ thả xuống một cách tự nhiên, tất cả tự rơi rụng mà không có tác ý hoặc tâm khởi thấy có buông. Buông cảnh duyên, tình huống, sự kiện... buông tất cả mọi thứ đang đối diện. Kế đến buông cả thân, tâm; buông hết mọi sự cảm nhận của thân tâm... Buông rũ xuống tất cả để mất hút, không còn gì cả. Đây là bước để sẵn sàng, hỗ trợ công phu.
b) An nhiên.
Khi tất cả đều được buông rũ xuống, chúng ta đang thực sự được buông thư, an nhiên, thấy biết rất bình thường.
c) Giác sáng.
Buông thư, an nhiên, nhưng giác sáng, chứ không phải điềm nhiên tỉnh bơ, cứng đờ, không sáng, không linh hoạt, hoặc như đang nửa tỉnh, nửa say, lơ mơ ngủ.
d) Tóm kết.
Buông xuống là bước đệm để hỗ trợ, sẵn sàng cho công phu. Kế đến, an nhiên – giác sáng là đang sống trong công phu tu tập. Buông xuống để rơi rụng, vỡ vụn, hoát toang và an nhiên. An nhiên thì không động mà không lập thành tướng của định. Giác sáng thì không có tướng sáng mà không một vết mê mờ. An nhiên luôn đi đôi với giác sáng, cả hai phải đồng thời. Bởi thực chất giác sáng và an nhiên chỉ là một thể sáng biết không động. Nếu an nhiên mà thiếu giác sáng sẽ khiến cho hành giả dễ rơi vào hôn trầm (ngủ trong mê mờ) hoặc vô ký. Nếu giác sáng mà thiếu sự an nhiên thì trong đầu cảm thấy hơi căng, nếu nặng hơn sẽ bị mất ngủ. Nhận biết triệu chứng để khéo léo kịp thời điều chỉnh cân bằng trong công phu. Khi tất cả đã hiện tiền đúng rồi thì liền đó sống thẳng, đừng sanh tâm gì nữa.
Cụ thể khi tọa thiền, trước tiên chúng ta chỉnh thân cho thật ngay ngắn, đúng pháp. Kiểm tra lại xem thân tâm mình chỗ nào chưa ổn thì chỉnh lại cho thật ổn định, dứt khoát, tự tin. Kế đến bắt đầu buông thân, tâm, hơi thở, các cảm giác... cho đến gân, cơ... Tất cả đều buông thư cho thật nhẹ nhàng, không bị gượng, cố hoặc gồng. Ngứa, đau hoặc những nghĩ ngợi gì đến thân này đều buông nhẹ, không thèm để ý. Khi nhận thấy tất cả đã được thông suốt hết rồi thì không cần để ý đến hơi thở nữa, để nó tự lưu thông; không nín, không cố làm gì đó. Những tư tưởng còn lảng vảng thì phải dứt khoát buông hẳn xuống. Kiểm tra tất cả đã được buông thư, rũ xuống, được ổn định rồi thì khéo không luôn tất cả những gợn tý, những “khái niệm buông” trong tâm... Sau cùng khéo léo buông thư nhẹ xuống mà không còn tí nào máy động trong tâm nữa. Thân tâm sẽ nhẹ nhàng, thông suốt, sáng biết một cách tự nhiên, bình thường, không thèm khởi tâm tác ý phân biệt. Sống ngay thể tự an như thế sẽ được an nhiên, nhưng sáng rỡ rõ ràng. Khéo dụng công như thế sẽ tự mình nhận ra những tín hiệu tốt và tích cực sau đó.
3.2. Trong sinh hoạt.
3.2.1. Giác sáng trên mọi hoàn cảnh.
Hằng ngày, trong sinh hoạt, trên mọi hoàn cảnh, ở bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ thời điểm nào, sức giác sáng này vẫn luôn có mặt. Nghĩa là hành giả luôn giác sáng trên mọi hoàn cảnh. Lên lớp giảng, giác sáng rõ ràng, nhìn khắp hết, thấy biết suốt qua hết mà không cần phân biệt, không cần động niệm, không chú tâm hoặc trụ vào đâu cả, biết rõ, giác sáng đang có mặt, hiện tiền. Không cần suy nghĩ, ngay tự tánh giác sáng ấy cứ thế mà pháp tự lưu xuất ra, nói mà cũng như chưa từng nói gì thì ngay đó, đang nói mà cũng là giác sáng. Sống và làm các công việc khác cũng dụng công tu tập như thế. Nếu nhỡ quên thì giác lại. Tập lâu ngày sẽ thành thói quen. Khi quen rồi thì sẽ thuần thục và sức giác sẽ mạnh.
Khi được phân công làm việc gì đó vất vả, đừng khởi phiền não trước, mà cứ giác sáng, tỉnh táo rồi làm. Vào bếp nấu ăn, đừng khởi đúng và sai trước, mà cứ giác sáng, sau đó mặn, nhạt, chua, cay, ngọt, bùi gì đó thì cứ như thế biết rõ và làm, sẽ không có gì gây trở ngại cho mình được. Nhớ là mình đang giác sáng, giống như thế hổ tựa sơn, không mất mình để biết theo ngoại cảnh.
Khi giác sáng, thứ nhất là chúng ta có nội lực. Thứ hai là sáng rõ cho nên sức giác mạnh thêm. Khi nội lực mạnh thì mọi thứ tự nhiên nhỏ bé lại, không còn chi phối được nữa. Tuệ giác sáng cao cho nên thấy biết đầy đủ, tường tận, lô-gic, không sai lệch. Có tuệ thấy ra, có lực làm chủ, cho chúng ta sống đúng như những gì mình sáng biết, cuộc sống sẽ ngày một an vui, tiêu sái, sẽ cảm nhận được việc tu tiến rõ ràng. Dụng công như thế là đã khéo công phu trên các hoàn cảnh, trên mọi sinh hoạt.
3.2.2. Suốt qua các tướng.
a) Không lập tướng.
Chúng ta dễ bị thói quen trong đời chi phối khiến mình nhận hiểu vấn đề theo kiểu lập trình, hoạch định thành tướng sẵn để dễ dàng nắm bắt, thực hiện. Lâu ngày ở mãi trong đời đã tạo thành lối mòn tư duy, cho nên khi học đạo, tu hành cũng học hiểu và ứng dụng theo cách này. Cụ thể khi đọc học hay nghe giảng Phật pháp, nhiều vị nghe hiểu đại khái rồi quy nạp toàn bộ trong một câu khẩu hiệu để theo đó mà tu cho gọn, cho đơn giản và khỏe. Không chịu học hiểu một cách đầy đủ, khúc chiết, chặt chẽ, kỹ càng. Khi nghe nói ‘giác là tu’ thì trong đầu chỉ nhớ mỗi một khẩu hiệu ‘giác là tu’, không chịu hiểu biết cho đầy đủ, tường tận, thấu đáo, sâu sắc. Kết quả chỉ có một lập trình, một khái niệm hay một quan niệm rồi theo đó mà tu hành, chứ không phải do suốt thông thấu tột đạo lý hay kỹ thuật dụng công. Quan niệm hay khái niệm đó chỉ là một thứ kiến thức ập lên đầu mình, nó cài đặt mình. Như vậy là đem kiến thức chồng lên kiến thức chứ chưa phải biết học và tu đúng mực.
Nhiều vị từng hỏi: “Thưa thầy, con biết tu trong một chữ ‘nhớ’, nhưng tại sao con lại hay quên ?”. Hay “Giác là tu, tại sao con lại hay bị bất giác?”. Đó là do lập một khẩu hiệu, một công thức, một lập trình, một kiến thức... Hễ lập nên một cái gì đó thì nó thành một lớp màng che phủ lên tâm trí mình. Từ đó dụng công kiểu gì cũng chỉ là một sự tạo tác. Làm các công việc là loại tạo tác dễ nhận thấy. Tu hành theo kiểu ập lên mình một khẩu hiệu đã được lập trình là một cách làm, một kiểu tạo tác theo cách thứ hai. Do nó khác với công việc mưu sinh, mang tên gọi và tư tưởng là tu hành cho nên chúng ta khó nhận thấy đó là sai lầm. Nếu đúng ‘giác là tu’ là ngay đây không theo cảnh, khéo mất hút các tướng, không mê mờ là đang giác sáng chứ không khởi tạo tác thêm gì; là đang thực hành công phu đích thực.
Chúng sanh sống theo thức tình, thường hay phan duyên, dính mắc cho nên nghe điều gì cũng dễ bị lập thành một tướng để vin theo cho dễ nhớ, dễ hiểu. Quen như thế đến mức tâm thức này tự động làm công việc lập trình mà chính mình cũng đang bằng lòng, không thể nhận ra. Cho đến khi nghe pháp để tu cũng lại lập trình rồi vướng vào tướng của pháp, tướng của tu, thậm chí có cả hiện tướng của sự chứng đắc để thỏa mãn cho sự vin vào và bám chấp theo tướng của tình thức. Tu theo tướng như vậy một thời gian sẽ bị chính tướng này làm cho hành giả bị chướng ngại công phu. Kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với tất cả pháp nên biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng”. Nghe chỉ là nghe như thế, không khởi lập thêm (không sanh pháp tướng), ngay đó tâm giác bồ đề hiện tiền. Không sanh pháp tướng là không khởi tâm để lập có một tướng của pháp rồi hiểu về pháp ấy. Nói tóm lại là ‘nên chỉ như thế mà biết, thấy và tin hiểu; không sanh tâm thêm gì cả’. Cụ thể ở đây, nghe nói ‘giác là tu’ thì nghe thẳng như thế, ngay đây dứt sạch, sáng trong, không chút mê muội, là đang giác sáng. Sống thẳng ngay đó là tu hành chứ không phải lập thành khẩu hiệu ‘giác là tu’, hoặc tìm trong tâm cho có một cái giác để chăn giữ nó rồi cho là tu hành. Nhận ra như thế gọi là không sanh pháp tướng. Pháp tướng không sanh thì tâm giác hiển hiện, sống thẳng ngay đó là sống bằng tâm bồ-đề, là khéo phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như đức Phật đã dạy.
Nếu không khéo học Phật pháp, khi nghe nói giác là tu, liền sanh pháp tướng có chữ giác để tu. Pháp tướng đã hình thành thì nó đã ập lên đầu mình. Công việc hằng ngày đã đầy ắp, căng thẳng, bây giờ tu hành lại bị cái pháp tướng ập chồng lên thêm một lớp nữa. Trên pháp (vạn vật, công việc) lại chồng thêm pháp (pháp tướng tu hành), tướng lại thêm tướng, tu hành như thế một thời gian sẽ căng thẳng, loạn động, mỏi mệt rồi bỏ cuộc. Đó là do chưa biết học đạo, không khéo tu hành.
b) Suốt qua các tướng.
Các pháp xưa nay bản chất không thật, vốn không có pháp nào làm ngăn ngại pháp nào cả. Do đó, tu hành là dùng trí tuệ để thấu suốt chân lý, suốt tột bản chất thật như vậy để dụng công, không cần phải chăn giữ, kềm đè. Cụ thể, mọi duyên rũ xuống, mất hút các tướng thì bản tâm chân thật hiện bày. Trong không thấy có tâm để giữ. Ngoài không thấy có pháp để trụ. Thấy biết tất cả mà suốt qua tất cả, không dừng trụ trên bất kỳ một vật gì thì ngay đó bàng bạc, thênh thang, trùm khắp. Lúc này, không mê là đang giác sáng chứ không có cái giác sáng nào bên trong tâm để gìn giữ. Thấy biết mà suốt qua, không để tâm hay dừng trụ vào bất cứ gì. Ngay đây công phu đang hiện tiền. Sống bình thường, tự nhiên như nhiên như thế là đang giác sáng, đang tu hành.
Ví dụ khi đi kinh hành, chúng ta đừng có cảm giác ngại cảnh vật, cũng đừng theo cảnh. Nghĩa là không nhìn theo, không chú tâm, cũng không lơ qua, không mặc kệ, rũ hết toàn thân xuống, bình thường như nhiên. Đi và nhìn mọi thứ một cách bình thường, cũng chẳng phải cố nhìn tất cả, cũng chẳng phải nhìn vào một cá thể nào cả. Hay suốt qua các tướng như thế nhưng cũng chẳng phải có tướng để suốt qua. Thấy rõ, mình không mê mờ là đang giác sáng chứ không phải có cái giác bên trong để gìn giữ. Cứ bình thường như nhiên thì tất cả tự thênh thang. Không mình không vật mà hay suốt thông tất cả. Đi mà chân chẳng động. Cảnh và mình đều tan biến, không còn khác. Nhưng vẫn thấy mình, cảnh và mọi thứ rõ ràng, không xen lẫn, cho nên cũng chẳng phải là một. Chẳng phải một, chẳng phải khác, ngay đây thấy biết như thị, vượt cả năng và sở, có và không; sức sống thiền đang bàng bạc, hiển hiện sáng ngời.
Với người công phu chưa thuần thục, khi đi kinh hành cũng ứng dụng công phu tu tập như trên, nhưng phải luôn giác sáng rõ ràng. Nếu thấy cái giác hơi có vết của tướng thì rũ xuống, không thêm gì cả. Khi cảm thấy hơi lờ mờ, không rõ ràng thì giác sáng lên. Nếu thấy có ‘cái tâm’ để giữ thì nhẹ nhàng không tâm ấy đi. Trong không trụ căn bản, không có một tâm căn bản để gìn giữ. Ngoài suốt qua các pháp thì bản tánh tự thênh thang, hiện tiền. Đó là khéo ứng dụng công phu ‘giác là tu’.
Cho thấy, chữ ‘Giác Là Tu’ này có sâu, có cạn. Tùy theo công phu tu tập của từng người.
3.2.3. Áp dụng một vài kỹ năng khác.
Kỹ năng khác có nghĩa là những vấn đề phụ, nói thêm, chứ không phải là vấn đề chính, căn bản.
a) Dứt khoát, không tha thứ niệm tưởng.
Chư Tổ dạy: “Nhất ba tài động, vạn ba tùy”. Nghĩa là một đợt sóng vừa chớm động thì muôn ngàn đợt sóng khác theo đó có ra. Thả một hòn sỏi xuống mặt nước phẳng lặng, sẽ có gợn sóng tròn. Tiếp theo đó nó lan dần ra, tạo nên muôn ngàn đợt sóng khác, gọi là ‘nhất ba tài động vạn ba tùy’. Cũng vậy, nếu chúng ta tha thứ cho một niệm thì các vọng niệm khác cũng theo đó đua nhau sanh khởi và mạnh thêm lên.
‘Điều đó đáng giận quá mà, làm sao mà không tức lên cho được!’... Con người thường tha thứ cho những quan niệm mà họ cho là thích đáng. Có một quan niệm là hợp lý và chấp nhận nó, đó là chúng ta đang tha thứ cho một vọng niệm. Mà khi tha thứ một vọng niệm này thì các niệm khác theo đó có ra. Bởi còn niệm là còn mê. Còn mê thì một niệm hay nhiều niệm gì cũng là mê cả. Trong mê sẽ có vô vàn vọng niệm chập chờn sanh diệt chứ không bao giờ chỉ có một niệm. Do đó, vừa có một niệm gọi là thích đáng để chấp nhận thì muôn ngàn thứ khác có ra, gây chướng ngại công phu tu tập.
b) Đối với công việc.
Trên thực tế, chúng ta vẫn còn làm một số công việc cho nên phải tư duy, ghi nhớ. Nhưng kiểm tra lại, việc cần nhớ thì ít, việc không cần mà nó cứ lởn vởn trong đầu mãi thì lại nhiều. Cũng bởi chúng ta tha thứ, chấp nhận có những niệm tưởng cần thiết cho công việc, theo đó, cũng sẽ có rất nhiều niệm tưởng không cần thiết khác ùa theo (như vừa phân tích ở trên). Với trường hợp này, chúng ta có thể thực hiện kỹ năng viết ra giấy.
Những gì cần làm, chúng ta ngồi ngay ngắn, tỉnh tại, giác sáng, liệt kê tất cả những công việc cần thiết vào giấy rồi theo đó để thực hiện. Mục nào đã làm xong thì gạch đi. Khi nào có việc mới thì viết ra. Tất cả giao cho mẩu giấy ấy chứ đừng nhớ trong đầu làm gì cho lãng phí trí não. Nên buông xuống hết cho đầu óc tỉnh táo, thư giãn, mạnh mẽ, sẵn sàng thì năng lượng dồi dào, trí tuệ sáng suốt, chúng ta sẽ đón nhận cuộc sống và công việc tốt hơn.