2. XÁC ĐỊNH NGUYÊN LÝ CÔNG PHU – GIÁC LÀ TU.
2.1. Vọng tưởng có ra từ đâu?
Chúng sanh do tâm khởi vọng, tạo nghiệp rồi đi trong sanh tử chịu không biết bao nhiêu nỗi khổ niềm đau. Muốn thoát khổ đau, trước mắt cần phải hàng phục vọng tâm, vọng tưởng. Vậy, vọng tưởng từ đâu mà có?
2.1.1. Vọng tưởng không có chỗ cố định được sanh ra.
Tìm chỗ vọng tưởng sanh khởi, không có nghĩa nhất thiết phải có chỗ. Khi soi xét tột cùng, sẽ thấy bản chất của vọng tưởng vốn không thật có. Do đó, cũng không có chỗ cố định sanh ra nó. Ví như có một dây chuyền sản xuất, sản phẩm sẽ có ra hoài, không ngớt. Cũng vậy, nếu có chỗ sản sinh ra vọng tưởng thì nó sẽ được sản xuất mãi, có mãi, còn mãi, không bao giờ hết. Nếu vọng tưởng không bao giờ hết thì không ai tu hành thành Phật thành Tổ được, bởi vì Phật Tổ chỉ có diệu dụng chứ không có vọng tưởng. Đồng nghĩa là Phật Tổ không có. Nhưng trên thực tế thì có Phật có Tổ, có những bậc tu hành đạt đạo, tức là vọng tưởng sẽ có lúc hết sạch. Vì đã có lúc hết sạch, thành Phật tác Tổ, cho nên vọng tưởng không có chỗ được sanh ra.
Chính vì vọng tưởng không có chỗ được sanh ra và có ngày nó dứt bặt, không còn cho nên chúng ta mới hy vọng tu hành đạt đến giác ngộ giải thoát được. Đây là điểm then chốt cần xác định để thấy rõ, để vững tin trong việc tu hành. Như vậy, đã không có chỗ sanh thì vọng tưởng từ đâu mà có?
2.1.2. Bất giác thì vọng liền sanh, vọng tưởng chợt có ra.
Đang ngồi an tịnh, tỉnh sáng. Vừa thoáng bất giác, quên tỉnh, nghĩ về một điều gì đó thì liền có vọng tưởng. Cho thấy, khi vừa bất giác, thoạt quên tánh giác thì vọng tưởng liền đó có ra; chứ nó không có chỗ thật sanh.
2.1.3. Vọng tưởng không thật có.
Qua hai nguyên lý trên, chúng ta thấy rõ vọng tưởng không thật có. Cụ thể:
- Do vọng tưởng không có chỗ được sanh ra cho nên nó không thể tồn tại mãi được.
- Khi bất giác thì vọng tưởng chợt có.
- Ngay khi đang có, nhìn thấy thì có, nhưng tìm lại thì không thấy bóng dáng tung tích gì.
- Hơn nữa, nó lại không cố định mà thường biến đổi, sanh diệt. Niệm này vừa sanh, niệm kia lại diệt một cách liên tục, chập chờn, không bền chắc.
- Qua những yếu tố trên cho chúng ta thấy rõ, vọng tưởng không thật có. Như khi không có ánh sáng thì bóng tối tạm có. Nhìn thì thấy có bóng tối, nhưng nắm thì không có gì. Chỉ cần mở đèn thì bóng tối hết. Vọng tưởng cũng tương tự. Khi mê thì tạm có. Thấy thì có đó, nhưng tìm lại thì mất tăm dạng, không có gì. Chỉ cần giác sáng lại thì vọng tưởng toàn không.
2.2. Khi còn mê, do đâu mà vọng tưởng được duy trì, tồn tại?
2.2.1. Căn thức duy trì, khiến cho vọng tưởng tồn tại.
Khi vừa bất giác, căn thức (nguồn mê) liền có, vọng tưởng chợt sanh. Chính căn thức này tiếp dầu để duy trì, khiến cho lửa vọng tưởng chập chờn có mãi. Giống như dầu không tự sanh ra lửa, nhưng nó lại duy trì cho ngọn lửa tồn tại.
2.2.2. Căn thức là gì?
Khi vừa bất giác thì thức liền có. Tùy theo sự biến hiện của nó thô hay tế, ngầm hay nổi mà cái thức lúc này có hai phần:
a) Phần nổi là thức phân biệt.
Vọng động phân biệt đẹp xấu, phải trái, thương ghét... là thức phân biệt của chúng sanh. Đây là phần thô của thức được biểu hiện lên cho chúng ta nhận thấy được. Phần này là hiện tướng của căn thức ngủ ngầm sâu kín bên trong.
b) Phần chìm là căn thức, có chỗ gọi là thức thần.
Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm nói:
Ai người học đạo chẳng rõ chân,
Chỉ bởi từ lâu nhận thức thần.
Từ vô thủy kiếp gốc sinh tử,
Kẻ si lại gọi bổn lai nhân.
(Học đạo chi nhân bất thức chân,
Chỉ vị tùng lai nhận thức thần.
Vô thủy kiếp lai sinh tử bổn,
Si nhân hoán tác bổn lai nhân).
Thức thần là cái mê không có hình tướng, ngủ ngầm sâu kín trong sâu thẳm mỗi chúng sanh. Chỉ người đã tỏ ngộ tự tánh, vượt qua rồi mới nhận biết. Hành giả tu hành đạt đến thanh tịnh tuyệt đối rồi, nhưng đại pháp chưa sáng, còn thiếu tiếng “à”, trí chiếu phá sanh tử chưa phát huy thì vẫn hãy còn nằm trong căn thức, chưa thoát ra được. Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn nói: “Dù được thuần thanh tuyệt điểm vẫn là chân thường lưu chú”.
Chữ lưu chú là vọng tưởng trôi chảy nhỏ nhiệm. Hành giả tu hành đạt đến chỗ thanh tịnh tuyệt đối, trong ngần, không còn mảy may động niệm, nhưng trí tuệ vô sư chưa chiếu diệu thì vẫn còn sự trôi chảy nhỏ nhiệm trong tự tánh chân thường kia. Như đứng từ xa nhìn ngọn thác trông giống dải lụa bất động, nhưng đến gần mới thấy bọt nước trắng xóa đang tung tóe liên tục. Lúc này ví như trời đã rạng sáng mà mặt trời chưa lên vậy.
2.3. Xác định “Giác là tu”.
2.3.1. Ví dụ như ngọn đuốc lồ-ô.
Lồ-ô là một loại tre, vỏ mỏng, dưới có cái mắt tre làm đáy, giữa đổ dầu, trên có nùi vải bỏ vào trong làm tim đuốc, thấm dầu và bật hộp quẹt thì lửa bùng cháy lên thành ngọn đuốc. Như vậy, lửa của đuốc lồ-ô từ đâu mà có? Có phải từ hộp quẹt không? Nếu từ hộp quẹt mà không có bùi nhùi thì đâu có lửa. Bản chất của các pháp, các hiện tượng là nhân duyên sinh, do nhiều yếu tố hợp lại thành, không có một thứ gì do một yếu tố làm nên cả. Cây đuốc cũng vậy. Không do một nhân nào ban đầu làm nên mà phải hội đủ đuốc, dầu, bùi nhùi, hộp quẹt... cộng với tác động của con người. Tất cả những duyên đó hợp lại với nhau mới tạo ra lửa. Khi lửa có ra thì dầu sẽ tiếp nối để duy trì ngọn lửa tồn tại. Không thể dùng miệng thổi tắt lửa được, mà còn làm cho đuốc bùng lớn hơn. Chỉ cần đục thủng đáy ống lồ-ô, rút hết dầu ra thì ngọn lửa tự tắt.
Lửa này ví dụ cho vọng tưởng. Vọng tưởng không có chỗ sanh (không do một nhân), mà thoạt quên tự tánh thì đủ duyên tạm có. Dầu ví dụ cho căn thức. Dầu không tự sanh ra lửa mà hay duy trì lửa tồn tại. Hết dầu thì lửa tắt. Cũng vậy, căn thức tự nó không thể sanh ra vọng tưởng, nhưng lại là cái mê ngủ ngầm khiến cho vọng tưởng được duy trì, chợt sanh chợt diệt mãi không dứt. Căn thức nếu dứt bặt thì vọng tưởng cũng tự hết, không cần làm thêm gì.
2.3.2. Dứt trừ căn thức – giác tức là tu.
a) Làm hoặc không làm gì, đều nuôi lớn căn thức.
Vừa làm gì đó, tức là rơi vào tạo tác thì chính là đã làm cho căn thức thêm mạnh. Bởi quên tự tánh nên mới tạo tác, làm gì đó. Vi tế hơn, khi vừa chuẩn bị làm gì đó thì trước đó đã mê tự tánh. Cho nên, ngay khi muốn làm gì đó, tu tập như thế nào đó thì đã quên tự tánh, rời tự tánh để tu hành. Mà vừa quên tự tánh là đã rơi vào mê, khiến cho căn thức mạnh. Do đó, tu hành không khéo rơi vào tạo tác, cũng đã vô tình làm cho căn thức này mạnh thêm, công phu không đắc lực.
Nhưng nếu để yên, không tu hành, không làm gì cả thì vô minh càng sâu dày, căn thức cũng theo đó được lớn mạnh.
Như khối ung thư ác tính. Để yên không làm gì thì nó cũng phát triển, giết chết bệnh nhân. Mà đụng dao kéo mổ xẻ thì nó di căn, bệnh nhân chết càng sớm hơn. Vậy phải làm sao để dứt trừ căn thức?
b) Tìm một thứ mà căn thức không ưa, không chịu được.
Không thể trực tiếp làm gì hoặc không làm gì để dứt trừ căn thức được. Vì vậy nên chọn phương án tác động gián tiếp, tìm một thứ mà căn thức không ưa, không chịu được. Hễ cái này có mặt thì căn thức phải tự mất đi, chứ không phải “có làm hay không làm” gì trên nó. Cái mà căn thức không ưa, không chịu được là gì?
Tự xét lại nơi mình. Đang ngồi yên, tỉnh sáng thì không có vọng tưởng, không chút mê mờ, không có căn thức. Vừa thoạt quên thì thức mê mờ liền sanh, có vọng tưởng. Cho thấy, khi giác sáng thì căn thức không có mặt. Như vậy, muốn trừ căn thức thì không làm thêm gì cả. Chỉ cần giác sáng, liền xong.
c) Giác là tu.
Qua các phần vừa xác định trên cho chúng ta thấy ra rằng, giác sáng là đang tu hành. Cho nên nói “Giác là tu”.
Tu chỉ là giác thôi, chứ không làm thêm gì cả; cho nên “Tu mà không tu”. Tuy không làm gì cả mà đang giác sáng, không mê; do đó “Không tu mà vẫn đang tu”. “Tu mà không tu; không tu mà tu”, đó là chân thật tu hành. Khéo dụng công tu tập như vậy thì mới khế hợp với tự tánh vô sanh, công phu mới đắc lực, tiến bộ.
Hạ thủ công phu tu tập như thế theo thời gian sẽ được thuần thục, sức giác tỉnh mạnh và thường xuyên hơn. Cho đến khi sức giác mạnh đến tột cùng thì căn thức theo đó cũng bị yếu tột độ. Không nằm trong sự tính toán, lường trước mà khi thời tiết nhân duyên chín muồi, không trước, không sau, thình lình tự tánh bùng vỡ, căn thức liền đó dứt bặt, vọng tưởng tự tan biến, không còn. Sống ngay tánh đó là chân thật tu hành. Do đó nói, kiến tánh (hay y tánh) khởi tu. Sống thẳng bằng nhân vô sanh này để tu hành thì mới thành quả vị vô sanh (Phật) được.
2.4. Tóm lại.
2.4.1. Nhận định rõ về vọng niệm và căn thức.
Không phải có một chỗ cố định hay một nhân ban đầu, mà bất giác thì liền mê, có căn thức, có vọng niệm (như lửa của ngọn đuốc). Căn thức này nuôi dưỡng duy trì vọng niệm tồn tại, có mãi (như dầu tiếp lửa). Căn thức nếu dứt thì vọng niệm cũng không còn (như hết dầu thì lửa cũng tắt).
2.4.2. Xác định công phu tu tập.
Để yên, không làm gì thì thêm lớn vô minh, căn thức cũng lớn mạnh. Nhưng nếu có làm gì thì rơi vào tạo tác, liền đó là căn thức, cũng làm cho nó thêm mạnh. Nhân tố căn thức không ưa chính là sức giác tỉnh, sự giác sáng. Như mở đèn thì bóng tối tự tan chứ nó không đi về đâu cả. Cũng thế, khi giác sáng thì căn thức tự dứt bặt. Cho nên, chỉ cần giác sáng là đang công phu tu tập. Vì vậy nói: “Giác là tu”.
Tu tập giác sáng như thế, theo thời gian, sức giác sáng sẽ lớn mạnh. Khi sức giác này mạnh đến tột cùng thì căn thức cũng yếu tột độ. Không trước, không sau, thình lình tự tánh bùng vỡ, căn thức liền dứt, vọng tưởng không còn. Sống ngay đó là tu hành; là kiến tánh (y tánh) khởi tu.