Chủ Nhật 24/11/2024 -- 24/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - 6. Thẳng Một Đường Tu

 

6.  THẲNG MỘT ĐƯỜNG TU.

Hàng phục vọng tâm, hướng bản tánh. Ngay đây nhận thẳng tự tánh giác sáng, sống thẳng đó là tu hành. Công phu đắc lực, chín muồi, sẽ bất chợt bừng ngộ, bản tâm hiển hiện tròn đủ, diệu dụng không thể nghĩ nghì, dùng nói năng hiểu biết không thể đến được; tiêu sái, tự tại, vô ngại, giải thoát.

Tổng Luận Kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Thiền sư Hàm Thị nói: “Bởi do ở lâu trong mê nên tâm đã thành tưởng. Lấy tưởng duyên tâm, tâm đồng thì tưởng hết. Rời tưởng gạn cái thấy, cái thấy bày thì tưởng không còn. Nên ngoài phân biệt vẫn lưu lại căn tánh để chờ đợi phát minh”.

¯ Bởi do ở lâu trong mê nên tâm đã thành tưởng.

Tất cả chúng sanh vốn ở trong thể tánh thanh tịnh sẵn vậy. Thế rồi bất chợt thoạt quên, liền bị mê mờ và sanh các tướng vọng tưởng. Do mê sanh vọng, vọng làm rối rắm khiến càng mê thêm. Mê sâu thì vọng càng nhiều. Vọng càng nhiều thì mê càng thêm sâu. Lâu ngày như thế, sự mê mờ và vọng tưởng đua nhau lớn mạnh, chất chồng, không còn biết bản tâm là gì nữa. Cho nên nói: “Bởi do ở lâu trong mê nên tâm đã thành tưởng”.

Tưởng từ tâm biến hóa, do đó tâm và tưởng vốn đồng một thể tánh. Do đồng một thể tánh, cho nên muốn điều trị thì ngay tưởng hướng tâm. Tâm trở về nguồn cội chính nó, trở lại một thể tánh như nhau thì tưởng tự dứt bặt. Đây là chỗ Thiền sư Hàm Thị nói: Lấy tưởng duyên tâm, tâm đồng thì tưởng hết”.

¯ Lấy tưởng duyên tâm, tâm đồng thì tưởng hết.

Tưởng là sự biến hiện của tâm. Hàng phục vọng tưởng bằng cách hướng đến sống bằng tự tâm giác sáng. Tột cùng được tâm này thì vọng tưởng không còn. Thiền sư Đại Giác nói: “Khi cái vọng này vừa sanh khởi, lập tức chuyển vọng niệm hướng bổn tánh, liền thành vô tâm. Dụng tâm như thế là đại dụng của sự tu hành”.

Cụ thể, việc tu hành lúc này là lần đường trở lại bản tâm. Nếu bậc có căn cơ lanh lợi, ngay đây nhận thẳng bản tâm thì đó là đại phúc. Ngoài ra, tất cả chúng sanh do tâm đã thành tưởng (như vừa phân tích ở đoạn trên), bị tưởng che lấp cho nên không biết đâu mà nhận. Đối với cái mê thì chỉ là cái lờ mờ không rõ ràng thôi, không có tướng hình cụ thể cho chúng ta nhận diện, vì thế cũng không thể thấy nó ở đâu để trừ dẹp, hạ thủ. Còn lại là vọng tưởng, có tướng của tâm cho nên ngay vọng tưởng để hàng phục, hướng tâm, là tu hành. Cụ thể khi tọa thiền, thấy vọng tưởng khởi lên thì đừng theo. Chỉ buông thư, nhẹ nhàng, không mê là đang giác sáng. Đây là: “Lấy tưởng duyên tâm”. Tức là ngay vọng tưởng mà hướng tiến tìm tâm. Đây là theo dấu để tìm trâu. Cụ thể, ngay vọng tưởng, không theo nó mà hướng đến tâm thanh tịnh giác sáng thôi. Khi sức giác sáng mạnh thì vọng tưởng càng yếu đi. Cho đến khi sức giác này đủ lớn, thời tiết nhân duyên chín muồi, bất chợt bừng ngộ tự tâm, trả lại nguyên thể ban đầu, đầy đủ tất cả tính chất và lực dụng của nó. Lúc này, tất cả toàn là tâm, vọng tưởng không còn. Đây là: Tâm đồng thì tưởng hết.

¯ Rời tưởng gạn cái thấy, cái thấy bày thì tưởng không còn.

Không bàn vọng tưởng, chỉ khéo lựa ra cái thấy biết. Nếu ngộ ra, tánh thấy biết hiện bày thì vọng tưởng tự vắng bặt, dứt trừ. Cụ thể, khi mới tu, đang còn vọng tưởng, nhưng không theo vọng tưởng, đó là “rời tưởng”, để nhận tánh thấy biết đang giác sáng, là “nhận cái thấy”. Có nghĩa là đang còn vọng tưởng phàm tình, nhưng hành giả không theo nó, cũng không quan tâm đến nó. Chỉ là ngay trước mắt đây, khéo nhận lấy tánh giác sáng không tướng mà rõ biết, suốt qua tất cả. Là ngay khi còn vọng tưởng mà đã gạn lựa ra để nhận được cái thấy; là “Rời tưởng gạn cái thấy”. Nếu cái thấy giác sáng ấy đủ lớn đúng như bản chất của nó thì vọng tưởng tự bặt, không còn; đây là: “Cái thấy bày thì tưởng không còn”.

¯ Nên ngoài phân biệt vẫn lưu lại căn tánh để chờ đợi phát minh.

Như trên, đã gạn lựa ra tự tánh giác sáng thấy biết tất cả mà không động, ở đây gọi là “căn tánh”.

Ngay cái đang đau mà vẫn còn đây cái biết đau, chứ không chỉ có cái đau thôi. Cũng vậy, khi đang còn vọng tưởng, nhưng đã gạn lựa ra được căn tánh rồi thì chúng ta hiện nay không chỉ có vọng tưởng, mà song song đó còn có cái biết vọng. Không khởi biết mà tự nó sáng biết, cái ấy không phải vọng, chính là căn tánh đã được lựa ra. Thì nên “lưu lại căn tánh” này, tức là nên sống thẳng bằng tánh giác sáng này, để “chờ đợi phát minh”, tức là sống thẳng đó thì chắc chắn sẽ có lúc bất chợt phát minh được tâm địa một cách trọn vẹn, chứ không trông mong, chờ đợi gì.

Cụ thể, không theo vọng, cũng không phải trừ dẹp vọng tưởng. Tức là không can thiệp gì trên vọng cả, đó là đã thoát ra “ngoài cái phân biệt”. Hay ra, còn đây một tánh giác sáng đã được nhận thẳng, sống ngay đó là tu hành; đây là “lưu lại căn tánh”. Khi thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm này bất chợt bừng ngộ, đó là “phát minh”. Thấy rõ con đường giác ngộ như thế, tự tin, yên lòng để quyết chí hạ thủ công phu, khi đắc lực thì tự bừng ngộ. Thiền sư Hàm Thị nói “lưu lại căn tánh để chờ đợi phát minh” là vậy, chứ không phải ngồi đó chờ đợi cho được ngộ. Bởi chờ đợi là tâm vọng, trái với bản thể vô sanh, do đó không thể ngộ được.

Tóm lại, ngay khi đang vọng tưởng, vẫn có tánh này sáng biết rõ ràng, không thiếu vắng. Dù đang còn vọng tưởng, nhưng bỏ ngoài vọng tưởng, không can thiệp. Chỉ khéo nhận lại tánh này. Ngay đây dám tự tin nhận thẳng tánh này, sống thẳng đó là công phu; là chỗ ngài Hàm Thị nói: “Lưu lại căn tánh”. Việc còn lại là sẽ có lúc đủ duyên, thời tiết nhân duyên chín muồi, tánh thể bừng sáng chứ không tạo tác thêm gì trong đó. Ngài Hàm Thị nói: “Chờ đợi phát minh” là như vậy.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202239
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
745
2336
3081
1175483
87242
118095
1202239