5. CÁC LƯU Ý KHÁC:
5.1. Sự tiến bộ.
Có tu tập, dụng công đúng pháp, miên mật thì chắc chắn sẽ có sự tiến bộ. Muốn công phu tu tập thiền được đắc lực thì yếu tố cần quan tâm là sự liên tục, không để gián đoạn. Không phải siêng thì ngồi thiền, hôm nào lười biếng thì nghỉ ngơi. Dụng công theo kiểu một ngày nắng mười ngày mưa như thế thì khó có thể tiến bộ được.
Trong quá trình còn vọng động, còn đau chân, mỏi mệt, buồn ngủ... nhưng cứ dụng công liên tục, không bỏ thời khóa. Khoảng sáu tháng sau kiểm tra lại, sẽ nhận ra chúng ta có tiến bộ, tất cả đều tốt hơn ngày xưa chưa tu. Bình tĩnh hơn, bớt bồng bột, lo ra, lăng xăng, sân giận, dễ tha thứ và cho ra... Sự tiến bộ của thiền là không có gì, nhưng kiểm tra lại thì cảm nhận thấy rõ có tiến bộ tích cực hơn khi chưa thực tập thiền. Đó là sự tiến bộ đúng, không bị sai lệch. Không phải có hào quang, sở đắc hay các tướng trạng kỳ lạ. Chỉ là không tướng mà vẫn cảm nhận rõ sự tiến bộ tích cực từ trong tâm mình.
5.2. Không phải trải qua hết các bước vừa nêu trên thì được ngộ đạo. Cũng không phải đợi trải qua hết các bước từ thấp đến cao mới được ngộ.
¯ Không phải trải qua hết các bước vừa nêu trên thì được ngộ đạo.
Tâm vốn không tướng cho nên không do làm gì mà được ngộ. Thiền vốn vô sanh, không phải sanh diệt tạo tác cho nên không do pháp nào để làm nên cả. Khi ngộ rồi mới hay ra, tâm chân này không dính dáng đến công phu tu tập. Cũng đúng thôi. Bởi ngộ tâm là kết quả, và tu là con đường, là phương pháp thực hành. Cho nên, khi còn mê thì phải dụng công đúng pháp, trải qua bốn bước như vừa nêu trên để công phu thuần thục, không bị trở ngại việc tiến đạo. Khi công phu đắc lực thì bản tâm bất chợt bừng sáng, chứ không phải cố định trải qua hết các bước vừa nêu trên thì được ngộ đạo.
¯ Cũng không phải đợi trải qua hết các bước từ thấp đến cao mới được ngộ.
Tu thì không dính dáng đến bản tâm chân thật. Không tu thì ở mãi trong vô minh, mê lầm, loạn động, tạo nghiệp, khổ đau. Do đó, khi chưa thuần, chưa ngộ thì phải thực hành tuần tự theo các bước cơ bản ít nhất như vừa nêu trên để hỗ trợ công phu, để thuận duyên, không bị trở ngại. Cho đến khi thời tiết nhân duyên chín muồi thì tâm này thình lình bừng ngộ bất cứ lúc nào, chứ không phải đợi đi từ thấp tới cao mới được ngộ.
¯ Tóm lại.
Khi còn mê thì phải thực hành một cách căn bản như thế để công phu không bị trở ngại. Đến khi công phu đắc lực, nhân duyên chín muồi thì tâm này thình lình tự bừng ngộ bất ngờ. Không phải lập trình cố định theo kiểu như tốt nghiệp một khóa học, là khi tu tập trải qua hết bốn bước vừa nêu trên thì được ngộ đạo. Cũng không hẳn phải đợi trải qua hết bốn công đoạn ấy mới ngộ. Khi công phu chín muồi thì có thể bừng ngộ bất cứ lúc nào. Nếu chưa thuần thục, chưa ngộ thì tiếp tục miên mật hạ thủ công phu tu tập, rồi sẽ có lúc bừng ngộ.
5.3. Không phải do tu tập một pháp nào mà được ngộ.
Thiền tông chủ trương bất lập văn tự, nhưng Thiền Tạng thì nhiều hơn các tông phái giáo môn khác. Tổ Đạt Ma tuyên bố giáo ngoại biệt truyền mà lấy Kinh Lăng-già trao lại để làm niềm tin cho người sau. Thiền sư Đức Sơn nói: “Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người” nhưng lại thượng đường nói ra muôn lời ngàn lời khai thị đại chúng. Cho thấy, thiền vốn không pháp mà hay có khả năng hiện bày nhiều phương pháp để khai thị hành giả. Nhưng chỉ cốt đưa người học trở về nhận lại bản tánh chứ không quan trọng hay dính tới lộ trình. Do đó, tuy có pháp, nhưng là vô pháp, không chấp vào một phương pháp cố định. Vì thế, khi hạ thủ công phu tu tập, hành giả không nên chấp vào phương tiện và cho rằng, do tu tập một pháp nào đó mà được ngộ đạo. Bởi chấp vào phương tiện thì rõ ràng đã rơi vào tướng, trái với tông chỉ thiền. Dù tu hành có tiến bộ cũng không thể đạt đến rốt ráo, vẫn còn lầm đường lạc lối.
Ngài Bảo Tích (720-814) là môn đệ và là người nối pháp Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Tương truyền rằng, sư kiến tánh ở giữa chợ, trong lúc theo dõi câu chuyện giữa ông bán thịt và một người khách. Người khách yêu cầu: “Cắt cho tôi một miếng thịt ngon”. Ông bán thịt để dao xuống, khoanh tay nói: “Miếng nào lại không ngon!”. Sư nghe được, có chút tỉnh.
Về sau, nhân lúc chứng kiến cảnh xung quanh một đám ma, nghe người hát câu:
Vầng hồng quyết định về Tây lặn,
Chưa biết hồn linh đến chốn nào?
Dưới tấm màn hiếu tử khóc hu hu! Tâm sư bừng sáng. Về thuật lại Mã Tổ, Mã Tổ liền ấn khả.
Như vậy, ngài Bàn Sơn do xem bán thịt, do nghe thấy đám ma hay do đâu mà ngộ đạo? Không do đâu cả. Chỉ là do công phu tu tập đúng pháp. Thời tiết nhân duyên chín muồi, bất thần một cơ một cảnh nào đó chạm đến thì tâm bừng sáng. Và thấy người bán thịt hay hát đám ma cũng chỉ là cơ cảnh trong vô tình như thế chứ không phải do tu các pháp ấy mà được ngộ đạo.
Ngài Bàn Sơn tình cờ xem người mua bán thịt, nghe thấy đám ma, tâm ngài bừng sáng, ngộ đạo. Nhưng không phải do tu tập các pháp ấy mà được ngộ. Tương tự, nếu trong quá trình hành giả đang sổ tức mà ngộ đạo thì không nên nghĩ là do tu pháp ấy mà được ngộ. Chỉ là do dụng công đúng pháp, công phu đắc lực, chín muồi thì bừng ngộ. Các bước tu tập khác cũng tương tự.
5.4. Không nên vượt bậc.
Tu muôn kiếp, ngộ nhất thời. Việc tu không dính dáng đến chuyện ngộ đạo. Nhưng không tu thì bị mê muội, phàm phu. Do đó, khi chưa ngộ thì bất đắc dĩ phải tu tập mới đủ cơ duyên chín muồi tỏ ngộ. Biết rõ như vậy, sẽ thấy ra, pháp không có thật pháp, chỉ là tùy bệnh cho thuốc. Chính vì vậy cho nên không có pháp nào cao, cũng không có pháp nào cố định là thấp cả. Chỉ khéo léo ứng dụng đúng vào từng thời điểm, hoàn cảnh thích hợp; đúng với tinh thần Thiền Thượng Thừa là hướng đến tỏ ngộ tự tánh, không kẹt tướng hay chấp dụng công thì công phu sẽ tốt. Không nên chê pháp này thấp, thích pháp kia cao rồi vượt bậc (bỏ băng). Nếu vượt bậc, sau này bị các chướng ngại thì cũng phải quay lại từ đầu để điều phục, chữa trị. Nhưng lúc này là đã bị bệnh rồi. Trở lại dụng công lại từ đầu là để điều trị bệnh, cho nên sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với ngay từ đầu hành giả thực hành công phu tu tập cho đúng pháp.
5.5. Không trụ vào sự an định rồi chấp làm sở đắc.
Khi sổ tức, rất dễ đạt được định mất thân, bặt niệm tưởng, mất hẳn hơi thở nhưng suốt thông hơn bình thường. Rất nhẹ nhàng, an lạc. Thích tọa thiền. Có thể ngồi thiền hằng giờ, có khi trải qua nhiều ngày liền, tâm càng trở nên an định sâu hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là sự an định mất thân của buổi đầu, đại pháp chưa sáng. Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn nói: “Dù cho thuần thanh tuyệt điểm vẫn còn là chơn thường lưu chú”. Nghĩa là dù cho thanh tịnh sâu xa đến mức nào đi nữa, vẫn chưa thoát khỏi sự trôi chảy nhỏ nhiệm trong tánh chơn thường kia. Chỉ người nào vượt qua rồi mới nhận ra. Người còn tham đắm trong ấy không thể thấy được. Vì thế, hành giả không nên chấp vào đó lấy làm sở đắc, phải khéo léo điều hòa thì mới có những bước tiến tốt và đặc biệt hơn. Nếu chấp chặt vào đó rồi cho là có sở đắc, thời gian sau sẽ bị bệnh, không thể tiếp tục công phu được nữa. Hoặc có đạt được định sâu hơn cũng chưa khỏi rơi vào tà kiến (kiến giải sai lệch). Nếu trình được với vị Thầy sáng đạo và có kinh nghiệm để được chỉ dạy thì công phu sẽ tốt và tiếp tục tiến bộ đến rốt ráo.
5.6. Khi chưa tỏ ngộ, còn mê thì vọng tưởng hãy còn.
Như người ngủ mê thì mơ thấy các cảnh trong mộng. Nhưng khi thức dậy thì các cảnh ấy không còn. Cũng thế, khi chưa tỏ ngộ tự tâm thì vọng tưởng vẫn còn, là chuyện bình thường. Chỉ khi ngộ tâm thì vọng tưởng tự sạch.
Bởi vọng tưởng vốn không, chỉ do quên tâm cho nên nó tạm có. Nó là thứ chập chờn chợt sanh chợt diệt như thế thì không thể căn cứ vào đâu để trừ dẹp được. Hơn nữa, nó thuộc về huyễn tướng sanh diệt. Nhưng khởi tâm diệt nó thì tâm đó cũng thuộc sanh diệt. Cái sanh diệt không thể chiến thắng được sanh diệt, mà phải là cái vô sanh mới thiêu cháy được các vọng tưởng sanh diệt kia. Cho nên, khi còn mê thì không thể dùng cách gì trong sanh diệt mà có thể trừ dẹp hết vọng tưởng được. Hành giả chỉ việc một mực tinh tấn dụng công đúng pháp, không quan tâm đến vọng tưởng. Công phu đúng mức, thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm tự bừng sáng, các vọng tự dứt bặt, vắng lặng, sáng rỡ, rạng ngời; chứ không cần làm thêm gì cả.
5.7. Không theo tướng lạ bên ngoài.
Ngoài tâm tìm Phật là ngoại đạo, không phải là Phật đạo. Tu thiền là cốt yếu nhận lại tự tâm nơi chính mình, không từ bên ngoài mà được. Phật Tổ chỉ dạy, từ ngoài vào không phải là của báu trong nhà. Hơn nữa, ma cũng có thể hiện được hình tướng đức Phật. Điển hình như câu chuyện thiên ma ba-tuần hiện tướng đức Phật Thích Ca Mâu Ni và 1250 Thánh Tỳ-kheo từ trong rừng đi ra cho Tổ Ưu Ba Cúc Đa chiêm ngưỡng. Nếu hành giả không biết thì rất dễ bị lầm, rơi vào đường ma. Cho nên khi dụng công tu tập, hành giả không theo bất kỳ tướng lạ nào bên ngoài, dù tốt hay xấu. Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy:
Nhược tác Thánh giải,
Tức thọ quần tà.
Bất khởi Thánh tâm,
Tức thiện cảnh giới.
Đối với tất cả các cảnh hiện ra trong công phu, nếu hành giả khởi tâm cho là chứng thánh thì bị sai lệch, rơi vào đường tà. Ngược lại, biết tâm vô tướng ngay chính mình mới là Phật thật, không khởi tâm cho những hiện tướng lạ bên ngoài là đã chứng đắc hay được gì thì tất cả đều là sự tiến bộ của công phu. Dù có thấy gì hay được gì cũng đừng chấp vào, nên cầu tiến, nỗ lực công phu để tiến thêm thì không bị sai lầm hay chướng ngại gì cả.