Thứ Năm 19/9/2024 -- 17/8/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sách "Dụng Công Tu Thiền" - CHƯƠNG 1: THIỀN LÀ CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT. 1. Cội Nguồn Của Thiền Tông

CHƯƠNG 1:

THIỀN LÀ CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT 

1.  CỘI NGUỒN THIỀN TÔNG.

1.1. Từ Phật Tổ tu hành.

a)    Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu thiền mà thành đạo.

Khi Thái tử Sĩ-đạt-ta vượt thành xuất gia tìm đạo, Ngài đã tìm học với những vị tiên nhơn nổi tiếng ở Ấn Độ thời bấy giờ. Các vị tiên nhơn ấy chứng đắc được pháp gì, Thái tử đều đạt đến như vậy. Nhưng chưa phải là chỗ rốt ráo mà Ngài muốn tìm cho nên Thái tử quyết định từ giã ra đi. Thử tu khổ hạnh, con đường này cũng không đưa đến đạo quả. Cuối cùng Ngài quyết chí tọa thiền. Trải qua 49 ngày đêm, khi sao mai vừa mọc, Ngài đã thành đạo, thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Cho thấy, đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni do tọa thiền, tu thiền mà được thành đạo.

b)  Nhiều đời chư vị Tổ sư đều do tu thiền mà ngộ đạo.

Nếu ai đã từng đọc học lịch sử sẽ thấy rõ, nhiều đời Tổ sư và chư vị Thiền sư đều tu thiền. Cụ thể là 28 vị Tổ Ấn Độ, 6 vị Tổ Trung Hoa, 3 vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, cho đến chư vị Thiền sư đều do tu thiền mà được ngộ đạo, chứng đạo.

1.2. Từ Phật Tổ truyền thừa, trao truyền.

Suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, cuối cùng trên hội Linh Sơn, đức Phật lên Pháp tòa. Có vị Đại Phạm Thiên Vương dâng cúng cành hoa sen. Tiện tay nhận lấy, đức Phật cầm cành sen đưa lên, nhìn khắp chúng hội, không nói năng gì. Đại chúng ngơ ngác. Duy chỉ có ngài Đại Ca-diếp mỉm cười. Đức Thế tôn bảo:

“Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, Thật tướng vô tướng, Vi diệu pháp môn. Nay trao cho Ma ha Ca-diếp.”.

Đồng thời đức Phật truyền trao y bát cho ngài Ca-diếp, trở thành vị Tổ Thiền tông đầu tiên. Sau đó, Tổ Ca-diếp tiếp tục trao lại cho ngài A-nan... Đời đời chư vị Tổ sư lần lượt trao truyền nhau tâm ấn này.

Ngộ tâm là ngộ thiền. Tâm thể này cùng với chư Phật không khác. Ai về trong ấy cũng đồng suốt thông nhau. Đó là tâm ấn tâm, là truyền tâm ấn. Y bát chỉ là biểu tượng làm niềm tin cho người khác. Sau Lục Tổ Huệ Năng, người ngộ thiền nhiều, cho nên không truyền biểu tượng y bát nữa, chỉ ấn tại tâm. Cứ như thế, chư vị Thiền sư cùng nhau trao truyền tâm ấn Phật. Đến Sơ Tổ Trúc Lâm Việt Nam và nhiều đời chư vị Thiền sư Việt Nam cũng trao truyền nhau tâm ấn này. Mãi đến hôm nay, Hòa thượng Tông chủ (Thiền sư Thích Thanh Từ) đã tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam cũng trên tinh thần đạt ngộ khế tâm như thế.

Đức Phật đưa cành hoa sen lên, ngài Ca-diếp liền thấy thẳng bằng cái “thấy biết Phật” (Tri kiến Phật), là kho chánh pháp hiển hiện ngay con mắt, là diệu tâm Niết-bàn nơi tất cả chúng sanh, là tướng chân thật nhưng không phải có hình tướng như các pháp sanh diệt thế gian; hay nói rõ hơn là bản tâm, là tánh Phật nơi chính mỗi người. Ngài Ca-diếp ngộ bản tâm, hội được điều trọng yếu đức Phật muốn chỉ là đã được Phật truyền tâm ấn làm Tổ vị Thiền tông đầu tiên. Đây là bài pháp rốt sau rất cô đọng, sống động, tóm gọn hết những điều trọng yếu mà Phật muốn nói một đời. Bởi một đại sự nhân duyên đức Phật xuất hiện nơi đời là cốt yếu khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Vì thế, bao nhiêu Kinh luận cũng đều chủ yếu chỉ cho tất cả chúng ta trở về nhận lại cái thấy biết Phật nơi chính mình. Cành hoa sen năm xưa đức Phật đưa lên trên hội Linh Sơn, ngài Ca-diếp liền thấy thẳng bằng thấy biết Phật, đức Phật liền ấn chứng Ngài làm Tổ vị Thiền tông đầu tiên; cành sen ấy đến nay đã trên hai ngàn năm trăm năm, nhưng vẫn còn nở rộ, tròn vìn, tươi thắm, hiển hiện ngay đây, bây giờ, cho hành giả có những phút bật cười, những giây bật khóc, hoan hỷ ngập tràn không thể kềm được. Thử hỏi tại sao lại có chuyện lạ như thế? Nếu là người thực tâm tu hành, quyết chí hạ thủ công phu thì việc này không còn xa lạ. Chỉ bởi nín cười không được, nhịn khóc không xong.

Ngàn xưa chư Phật, nhiều đời chư vị Tổ sư, hiện tại những bậc tu hành đạt đạo, cho mãi đến ngàn sau, hễ ai quyết chí tu hành, đạt ngộ bản tâm chân thật ấy thì mỗi mỗi đều nhất quán, thông suốt như nhau không khác. Dùng tâm ấn tâm, thiền tông đã được trao truyền từ ngàn xưa cho mãi đến hôm nay, vẫn còn!

1.3. Ngay chính bản tâm mỗi người.

Đức Phật được tôn xưng là bậc đại y vương, hay tùy theo tâm bệnh của chúng sanh để cho thuốc. Vì thế, pháp Phật như tùy bệnh cho thuốc. Do chúng sanh có lắm tâm bệnh cho nên thuốc cũng phải nhiều. Từ đây, đạo Phật mới có nhiều pháp môn cho từng căn cơ phù hợp để theo đó hành trì, tu tập. Tuy vậy, pháp môn nào cuối cùng cũng phải đạt đến định tuệ thì mới được giác ngộ giải thoát.

Hơn nữa, tu Phật là để đạt được giác ngộ. Chỉ có giác ngộ thì mới thực sự được an lạc, giải thoát. Ai đã trực ngộ bản tâm chân thật nơi chính mình thì sẽ hay ra sự giác ngộ, an lạc, giải thoát ấy một cách rõ ràng. Và ngộ tâm như thế là con đường của thiền định, thiền tông. Cho thấy, thiền vốn là bản tâm sẵn vậy nơi mỗi người. Cội nguồn của thiền cũng chính là cốt tủy của đạo Phật. Vốn từ sự giác ngộ bản tâm chân thật nơi mỗi người mà Phật Tổ muốn chỉ bày cho tất cả chúng ta. Vì thế, Thiền sư Khuê Phong Tông Mật đã khẳng định: “Thiền là nguồn cội của các pháp tu. Người học ba thừa muốn cầu thánh đạo hẳn phải tu thiền. Lìa thiền không có cửa nào khác, lìa thiền không có đường nào khác”.

1.4. Tóm lại.

Trên từ chư Phật, nhiều đời chư vị Tổ sư đều khởi nguồn ban đầu từ bản tâm của mình để tu hành và thành Phật, thành Tổ. Kế đến truyền thừa chánh pháp cũng trao truyền nhau chỉ thẳng ngay chính bản tâm này. Người đạt ngộ bản tâm nghĩa là được truyền tâm ấn, dùng tâm ấn tâm. Đạt ngộ, khế tâm nghĩa là được trao truyền, chứ không phải có một cái tâm này của vị Thầy truyền sang cho một cái tâm khác của đệ tử. Và hiện tại hoặc cho mãi đến ngàn sau, ai tu Phật cũng bắt đầu từ bản tâm này để tu hành thì mới thành Phật, tác Tổ được. Bởi không thể tìm chánh giác ngoài tâm.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

955617
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
804
3058
12761
925575
51385
94336
955617