THOÁT RA
1) DẪN NHẬP
“Thoát trần một gót thiên nhiên,
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.”
(Cung Oán Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều).
Có thực hành lối sống thoát trần, mới hy vọng có ngày nhận chân được “chiếc thân ngoại vật”. Có nhận chân và sống được bằng “chiếc thân ngoại vật” thì mới thấu tột và phát huy được tác dụng của chân lý thoát trần; mới sống giữa cuộc đời làm tất cả các công việc mà vẫn lạc an, tự tại, hơn cả thần tiên.
Nhận chân được “chiếc thân ngoại vật”, liền được thoát trần. Thế thì, phải xa lánh cuộc đời để được thoát ra khỏi các phiền nhiễu của trần tục; hay là ở ngay trong trần đời mà vẫn được vượt thoát? Cả hai phạm trù này đều chưa thể thoát ra thực sự. Bởi lẽ vẫn còn trong khái niệm của hai bên (nhị nguyên), còn trong sanh diệt; là còn kẹt trong đời, làm sao vượt thoát? Vậy thì làm sao để vượt thoát? Và thoát ra như thế nào?
2) TẦM QUAN TRỌNG VÀ GIÁ TRỊ CỦA CHÂN LÝ THOÁT RA
2.1. Tạo nên tuyệt tác
Nếu có dịp đến viếng thăm đền Obaku ở Thành phố Kyoto, Nhật Bản, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một kiệt tác với bức đại tự: “Đệ nhất đế.” Tương truyền cách đây hơn 200 năm, Thiền sư Kosen đã viết chữ này trên giấy, người thợ theo đó chạm đục ra. Lúc viết, chú đệ tử đứng cạnh bên mài mực, hầu Thầy. Nắn nót viết xong, Thiền sư hỏi: “Con thấy thế nào?” Đệ tử thưa: “Chưa đẹp lắm”. Thiền sư viết lại và hỏi. Đệ tử thưa: “Tệ hơn bức trước”. Cứ như thế trò mài mực và thầy tiếp tục viết cho đến 84 tờ giấy chất lên thành chồng mà vẫn chưa ưng ý. Đệ tử có việc bước ra ngoài một lúc. Thoát được đôi mắt săm soi của cậu học trò, tinh thần thoải mái, Thiền sư thoắt một nét bút. Chú đệ tử bước vào vỗ tay reo lên: “Một kiệt tác!”.
Khi đã thoát ra, tâm ta khai phóng, tất cả các việc làm bình thường đều trở nên đặc biệt, phi thường, trở thành một tuyệt tác.
2.2. Tỉnh táo, sáng suốt và có kinh nghiệm quý báu cho người sau
Khi ngồi xem người khác chơi cờ, chúng ta sẽ sáng hơn, sẽ thấy ra nhiều nước cờ hay hơn người trong cuộc. Nếu biết thoát ra khỏi cuộc cờ để chơi cờ, người chơi sẽ có thêm được tác dụng của người ngồi xem và mách bảo nước cờ.
Khi gặp chuyện rắc rối, người ngoài cuộc bao giờ cũng vững vàng, tỉnh táo sáng suốt, giúp mình giải quyết mọi việc có kết quả hơn. Nếu biết thoát ra, chính mình sẽ tự làm được việc đó mà không nhất thiết phải phiền đến người khác.
Cháu bé tám tuổi do quá thích ăn bánh kẹo ngọt nên bị hư răng. Bà nội đưa cháu lên Chùa nhờ quý Thầy khuyên dạy. Thầy bảo bà nên đưa cháu về, sau một tuần rồi đến. Vâng lời Thầy, đúng một tuần sau bà đưa cháu đến gặp, Thầy chỉ khuyên: “Con không nên ăn đồ ngọt nhiều quá, sẽ khiến răng của con bị hư hỏng!”. Bà ngạc nhiên: “Chỉ một câu thế thôi tại sao phải đợi đến một tuần sau Thầy mới nói?”. Thầy bảo: “Vì trước đó tôi vẫn thích ăn đồ ngọt như cháu. Đợi một tuần tôi kiêng cữ đồ ngọt rồi mới dạy bảo cháu được”. Đây là vị Thầy biết thoát ra để có kinh nghiệm dạy người. Nếu thích đồ ngọt và chưa từng kiêng cữ thì không có kinh nghiệm trong việc nhịn ăn đồ ngọt. Khi khuyên bảo, nhỡ cháu hỏi “Thưa Thầy, khi thèm quá phải làm sao?” thì ông Thầy làm sao hiểu biết để chỉ dạy? Vị ngọt ấy là đại diện cho tất cả những mật ngọt trần gian. Nếu chúng ta chưa từng kiêng cữ thoát ra, làm sao có đủ tỉnh táo, sáng suốt và kinh nghiệm để khuyên dạy cho thế hệ con em mình không sa vào con đường tội lỗi?
2.3. Không mất nhiều thời gian để hình thành một triết lý
Sống trải trong đời nhiều năm, con người ta nhận ra nhiều kinh nghiệm, học hỏi và sáng ra được nhiều điều. Đúc kết những điều hay thành những triết lý sống. Đồng nghĩa nhờ vào thời gian, con người mới trưởng thành và thoát ra được những gì đang có, mới đủ chín chắn và trí tuệ để phát hiện ra những triết lý mới mẻ. Nếu người khéo thoát ra, sẽ nhận chân được chân lý ấy ngay đây và bây giờ.
2.4. Biết cách bảo vệ và hướng người khác đi theo một chân lý
Khi mới nhận ra một điều hay, con người thường thích thú một cách thái quá. Một người mẹ lần đầu đi Chùa nghe pháp, tu tập, vì cảm thấy quá an lạc và lợi ích nên muốn khuyên con trai đi Chùa như mình. Bà không ngớt tấm tắc khen ngợi những điều hay của cuộc sống ở Chùa, của vị Thầy, về Phật pháp... mà quên bẵng đi con mình đang có gì, cần gì. Cậu con trai sẽ thấy mẹ quá chủ quan nên chưa sẵn sàng để hiểu theo chiều hướng của mẹ. Do mẹ đi Chùa thì khen Chùa, khen Thầy, cũng như người đi xem hát thì khen ca sĩ vậy thôi. Vì chưa hiểu nên sẽ thấy những điều mẹ nói có vẻ thái quá và cảm thấy hơi khó chịu. Những chân lý mẹ nói trở nên thừa thãi, trơ trẽn với cậu con trai chưa sẵn sàng tìm biết đến Chùa. Kết quả là cậu ta không sẵn sàng đi Chùa theo mẹ với những lý do bận công việc gì đó. Đó là do người mẹ này chưa biết cách thoát ra khỏi chân lý để bảo vệ chân lý ấy.
Nếu biết thoát ra, chúng ta sẽ bình thản, không vội khen gì, gác lại các cảm nhận hứng khởi trong lòng, chỉ đơn giản muốn cùng con đi dạo cảnh Chùa cho thư thái thôi. Con trai thấy đây là chuyện bình thường nhẹ nhàng nên đi cùng mẹ. Đến Chùa. Trước khung cảnh trang nghiêm thanh thịnh của thiền môn, người con tự cảm thấy mình được thanh thoát, nhẹ nhõm sau bao áp lực căng thẳng giữa trường đời chen đua chật chội. Nghe lời giảng pháp, người con sẽ tự nhận ra nhiều điều cần thiết cho cuộc đời chứ không phải chỉ có những gì mình được nghe thấy ngoài trần thế. Dần dà như thế, chú bé sẽ cảm nhận được giá trị cao thượng cần thiết cho cuộc sống của mình và tự chú chủ động rủ mẹ đi Chùa khi có thời gian. Người mẹ đã thực hiện thành công ý nguyện của mình.
2.5.Làm việc có hiệu quả, ngăn ngừa được các chứng bệnh do công việc gây nên
Là một thợ may, vẫn may đẹp mà không cần quên thở khi nắn nót đường chỉ. Là một bệnh nhân, chúng ta không mang tâm trạng bị bệnh để điều trị thì tinh thần mạnh mẽ, giúp cho bệnh dễ thuyên giảm hơn. Là một người làm máy tính, nếu biết tỉnh giác và thanh thản ngay khi đang ngồi trước máy thì không mệt và mắc các chứng bệnh do công việc gây nên... Làm việc như thế là biết thoát ra, dùng tâm thái thoát ra để làm, sẽ đưa đến nhiều giá trị khó tả hết.
Một tiết học 45 phút, cũng cần thời gian nghỉ 15 phút rồi vào học lại thì mới có kết quả. Đó là mọi người đang áp dụng triết lý thoát ra. Nếu cậu học trò ngày nào cũng chăm chỉ học hành và làm bài tập thật kỹ. Sắp đến kỳ thi, cậu ta chỉ cần ôn tập qua liền nhớ lại và nắm vững những kiến thức đã học. Trước thời điểm thi khoảng ba ngày, cậu ta nghỉ ngơi, chỉ mở sách ra xem lại một số điểm mình còn nghi ngờ. Ngày cuối cùng chuẩn bị thi, tuyệt đối thư giản, không còn lo lắng, đêm đến ngủ một giấc thật sâu. Sáng ra, đầu óc cậu ta đã được mạnh mẽ sẵn sàng. Đến trường thi, vừa nhìn thấy đề, trí mình cứ thế tuôn trào một cách tự nhiên giúp cho việc làm bài thi rất tốt. Cậu học trò này đang áp dụng được triết lý thoát ra.
2.6. Sống đúng chân lý và có ý nghĩa
Một người quá kỹ tính thì dễ rơi vào bệnh cầu toàn, chấp vào những điều nhỏ nhặt. Một người dễ tính thì lại dễ bị hời hợt, cẩu thả, ít khi có trách nhiệm với công việc, bản thân và mọi người chung quanh... Cả hai thái cực trên đều bị thiên lệch, không giúp cho chúng ta làm nên việc lớn. Nếu người biết thoát ra khỏi cực đoan này, chúng ta sẽ có được chân lý sống trung dung, thành đạt. Rất nghiêm túc, khắt khe và kỹ lưỡng với chính mình; nhưng với mọi người thì phải biết cho qua những gì không cần thiết; không chấp trước nhỏ nhặt; biết cảm thông, sẻ chia, khoan hòa, độ lượng. Xem mọi thứ quanh ta nhẹ nhàng, nhưng luôn chu toàn trong mọi công việc. Làm mọi việc với một tinh thần trách nhiệm và đạt hiệu quả cao nhất, nhưng vẫn xem mọi sự thế gian như một cánh hồng.
Con người thường có thói quen làm những điều mình thích thú, nếu không đam mê thích thú thì cảm thấy gượng gạo, không có động lực để tiến bước. Chúng ta chỉ có thể buông bỏ những thứ mình không ưa thích, nếu còn yêu thích thì không sẵn sàng chấp nhận cho qua. Đây là lý do khiến cho chúng ta dễ phán đoán, hành xử, làm việc qua cảm tính thích và không thích. Điều gì nghịch với mình, không hợp với sở thích của mình, hoặc điều đó khiến cho mình cảm thấy khó chịu thì dù có đúng, đó là chân lý đi nữa, chúng ta cũng không chấp nhận. Điều gì hợp với mình, có khi chưa chuẩn xác chúng ta vẫn muốn nghe theo. Sống với cảm tính chủ quan qua phán xét thích và không thích như thế sẽ đưa con người đi đến lầm lạc, tội lỗi, gây khổ cho mình và mọi người. Nếu biết thoát ra, chúng ta sẽ làm những việc cần làm, có ý nghĩa chứ không cần phải thích thú hay có cảm hứng mới làm. Chúng ta sẽ thấy rằng, hễ dính mắc vào bất cứ điều gì đều làm cho con người ta trở nên mê mờ, u tối, yếu hèn, dẫn đến thất bại. Cho nên ta không thèm dính mắc. Trong cuộc sống, chúng ta không có quyền thích một thứ gì và cũng không cho ta có quyền không thích một điều gì cả. Chỉ là một cuộc sống lành mạnh, có trách nhiệm, có ý nghĩa và lợi ích. Đó là người biết rèn luyện cho mình sống về bằng giá trị thoát ra.
“Giơ cao đánh khẽ” là một chân lý ai cũng biết và thường dùng. Nếu không biết thoát ra mọi cảm xúc riêng tư, cô giáo sẽ mang chuyện bực bội của gia đình hoặc ngoài đường vào lớp làm ảnh hưởng không tốt đến giờ học của học trò. Không thoát ra và làm chủ cơn thịnh nộ do đồng nghiệp gây ra tại công sở, cháu bé ở nhà sẽ bị mẹ mình la mắng hoặc cho ăn đòn một cách khó hiểu. Một giám đốc không thoát ra khỏi sự thất bại của hôm qua, nhân viên sẽ bị sếp mình trừng phạt khiến ai cũng phải ngơ ngác... Không biết thoát ra, con người sẽ giơ cao đánh mạnh. Biết thoát ra, chúng ta sẽ áp dụng được chân lý giơ cao đánh khẽ có kết quả vô cùng.
2.7. Người biết thoát ra, sẽ không tự mãn, không bị bất đắc chí
Khuất Nguyên vì thấy mình quá trong, quá tỉnh giữa một cuộc thế quá đục, quá say nên đã bất mãn, khiến cho bản thân bị tiều tụy, khô héo. Ông lão đánh cá thì khác. Nơi nước trong thì ông giặt mũ. Chỗ nước đục thì ông lão dùng để rửa chân.
Nếu vẫn tỉnh, vẫn trong, nhưng không tự thấy mình có sở đắc đang tỉnh và trong hơn người khác. Nếu biết đời là tương đối thì đục, trong, say, tỉnh, cũng là sự hiển nhiên trong cuộc thế vốn không có gì là tuyệt đối này. Nếu có lòng tốt thì cứ hết lòng giúp ích. Kết quả được chừng nào, chúng ta hoan hỷ tôn trọng ngang đó. Còn lại, hãy trả lại mọi thứ cho người, cho đời. Một cá nhân không tài nào làm thay đổi cả nhân loại thì cũng không dại gì một mình mình lại đi cầm gậy chống trời. Biết thoát ra và tùy duyên như thế, sẽ có cái nhìn lạc quan, sống đời có lợi ích cho mình và nhân loại. Nếu không như thế, chúng ta không thoát khỏi biến mình trở thành một nhân tài bị bất đắc chí, từ đó bất mãn và suốt đời chỉ sống với khúc mắc, hận thù, không có gì tươi sáng. Thử hỏi, những lời nguyền rủa, nói xéo, châm biếm trong tâm trạng uất ức như thế sẽ giúp ích được gì cho mình và xã hội. Hãy phấn phát gạt qua mọi thứ, đi làm ngay một công việc tích cực, có ý nghĩa cho đời.
Có người thành đạt trong nhiều lĩnh vực. Nhà báo yêu cầu kể lại một vài thành tích, anh bảo: “Điều này có cần thiết không?”. Không phải tự hào kể ra, cũng chẳng phải là “tôi không muốn nói”. Chỉ là bình thường, giản dị: “Điều này có cần thiết không?”. Nếu bạn cần thì tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ, ngược lại thì thôi, tôi còn phải bước tiếp hành trình dài phía trước. Bằng tâm thái như thế để chia sẻ thì nhỡ có bị chỉ trích cũng không sao cả. Nếu không cần phải nói thì im lặng; mọi người có chê trách cũng chỉ là thừa. Vì nói hay không nói chỉ là do yêu cầu, là do duyên ngoài, đều không phải nhu cầu chủ quan. Đó là tinh thần đặc biệt của người biết thoát ra. Có thoát ra như thế thì chúng ta mới không tự mãn ngủ quên trên chiến thắng, mới gác lại những thành quả và nỗ lực vươn lên. Đi tìm một điều tốt để làm, sẽ có ý nghĩa hơn cố tìm ra những việc tốt trong quá khứ để kể lể.
2.8. Biết hành xử đúng đắn để có kết quả
Trong một buổi thảo luận, chúng ta tranh luận về một vấn đề để làm sáng tỏ vấn đề đó chứ không phải tranh cãi giữa những con người với nhau. Đó là biết thoát ra, có tự chủ và biết cách làm việc. Vấn đề cần bàn sẽ được sáng tỏ, tìm ra được điều cần thiết mà không làm tổn thương đến tình người.
Biết bình thản, tôn trọng và lắng nghe người khác nói; biết nói năng và im lặng hợp thời để đưa đến kết quả mỹ mãn, tình lý vẹn toàn... Tất cả đều nhờ vào năng lực của sự thoát ra mới cho chúng ta khả năng bình tĩnh và sáng suốt để quyết định kịp thời như thế.
Khi hòa lẫn trong dòng người xôn xao náo nhiệt; hoặc trong những công việc có áp lực lớn; đến cả khi nghe người khác mắng chửi, hay là đang trong cơn buồn đau; hoặc giữa những buổi tiệc tùng chén thù chén tạc; trước cả những thành công và thất bại... ở trong các hoàn cảnh ấy mà biết thoát ra, con người sẽ tỉnh táo, có trí tuệ và không mất năng lượng. Trong tất cả những tình huống và công việc hằng ngày, nếu khéo thoát ra, chúng ta sẽ cảm nhận được sự cần thiết, nhiều ý nghĩa, giá trị và đạt được những kết quả bất ngờ.
2.9. Thoát ra để được sống
“Trải qua mấy dặm thương trường,
Cuộc vui tao ngộ cuộc vương đọa đày.
Áo đời mấy lượt sờn vai,
Con còn đếm bước tháng ngày bấp bênh.”
Bôn ba giữa dòng đời xuôi ngược, mỗi người luôn toan tính mưu sinh, tìm cầu hạnh phúc. Nhưng trong thoáng xa khơi ấy, con người ta cứ đi mãi đi mãi với những gian truân, cạm bẫy bất trắc khó lường, không biết đâu là bến đỗ. Trong cuộc mưu sinh rối rắm kiếm tìm hạnh phúc, không ít người đã vô tình sống trái với nguồn cơn ban đầu. Như đinh sinh ra rỉ sét, rỉ sét lại ăn mòn đinh. Vì sự sống nên phải mưu sinh. Nhưng bởi những bất trắc khó lường cho nên có khi chính việc mưu sinh hại lại sự sống. Cứ như thế càng tìm kiếm, càng sa lầy, lún sâu, sa đọa, bất ổn. Có lúc ta như bị giam lỏng trong tù ngục vô hình giữa trần gian. Không biết thoát ra, con người ta cứ mãi bị chôn sâu trong ngục tù tối tăm như thế.
Ngồi lại tỉnh táo, mọi thứ trong đầu tạm thời rũ xuống, tâm hồn sẽ tỉnh ra. Mới nhận ra tuồng đời là một sân khấu, mọi thứ như nước chảy mây trôi... Ta choàng tỉnh dậy tợ dường thức giấc chiêm bao, chợt hay ra cái hay biết nhìn đây không phải là mọi thứ trong đời. Nó thật là ta, chúng ta đang sống trên nó mà lâu nay lại lãng quên, không hề hay biết. Ngay đó liền được vượt thoát, được sống một cách đích thực; không còn kiếp sống mê mờ, cùng cực, lầm than.
3) TRIẾT LÝ THOÁT RA
3.1. Khái quát
a) Trang bị các kiến thức cơ bản cần thiết thật đầy đủ, kỹ càng.
b) Khai phóng, thoát ra hết mọi thứ đã học.
c) Vào ra tự tại, tùy thời vận dụng một cách linh hoạt, không ngăn ngại.
Như học võ thuật, trước tiên phải học các bài quyền, thảo, đòn đánh... một cách căn bản. Siêng năng tập luyện cho thật nhuần nhuyễn. Sau cùng phải quên hết các đòn thì tung chiêu mới tốt. Tinh thần thoát ra, quên hết các đòn để trở thành những đòn đánh siêu xuất, thiện nghệ chứ không phải sai thế hay mất căn bản. Căn bản luôn có, nhưng biết thoát ra để được xuất thần. Căn bản và xuất thần không phải hai mà cũng chẳng phải là một. Đó là người biết vận dụng triết lý thoát ra để học võ.
Muốn viết thư pháp, trước tiên phải học và thực hành những nét bút chân phương thật chuẩn xác. Sau đó thoát ra thì mới có được những nét bút xuất thần. Tung bút như vung kiếm, nét bút là thần lực, nét chữ mới đúng nghĩa là thư pháp. Nếu chữ chân phương chưa chuẩn mà viết tự do thì chỉ là những chữ bị lỗi chứ không thành nét nghệ thuật của thư họa.
Muốn vẽ tượng hay tạc tượng thì trước tiên phải học và nhận ra nét đặc sắc của ngôi tượng ấy. Nhuần nhuyễn đến nỗi nhắm mắt thì bức tượng tự động hiện lên trong đầu mình. Sau đó thoát ra, không một niệm lự suy nghĩ, cầm cọ tung ra, sẽ có một bức vẽ xuất thần đạt đến tuyệt hảo.
3.2. Áp dụng triết lý thoát ra vào cuộc sống
Muốn tìm hiểu một vấn đề, phải nghe từ nhiều phía. Để đi đến kết luận một vấn đề, phải bằng vào trí tuệ của chính mình. Cụ thể:
a) Tìm hiểu vấn đề: Muốn thực hiện một vấn đề gì, trước tiên chúng ta phải biết nghe nhìn chung quanh một cách khách quan, nhưng không bị chi phối nghe theo để tìm hiểu cho thấu đáo.
b) Phán đoán vấn đề: Kế đến, chúng ta đem vấn đề đó ra trao đổi bàn bạc với mọi người, nhưng vẫn chưa vội kết luận, nghe theo. Chỉ bàn bạc và ghi nhận rồi tự mình phán đoán vấn đề đó xem nó như thế nào.
c) Nhận định vấn đề: Gom hết tất cả những điều đã nghe nhìn và học được để tư duy cho thấu đáo. Có bao nhiêu cách giải trong một bài toán thì cứ giải hết cho đến khi cảm thấy thỏa mãn, tự tin.
d) Kết luận, quyết định và thực thi vấn đề: Sau cùng gác lại vấn đề đã tư duy qua một bên, thoát ra hết mọi thứ đúng sai phải trái, những hào hứng hay chưa vừa lòng... Khi tâm an tịnh, nhẹ nhàng, thanh thản, sẵn sàng thì đem ra xem lại. Lúc này trí mình tự dưng nhận ra tất cả những điều còn sai sót. Từ đó đưa đến kết luận và quyết định vấn đề một cách thấu đáo, tinh tường. Theo đó để thực hiện sẽ được tự tin, mạnh mẽ, vững vàng. Từ tầm nhìn đúng, hành động chuẩn xác sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp.
4) TRIẾT LÝ CHỮ V
4.1. Theo chiều chữ V hướng lên
Là một cậu học trò thông minh, cần mẫn, kỹ tính; học chăm, nhớ giỏi, biết tư duy. Cứ thế theo thời gian, cậu ta trở thành một triết gia, một giáo sư nổi tiếng. Những bài thuyết trình được xây dựng một cách phong phú, đa dạng, chặt chẽ, khúc chiết đến độ hoàn hảo, không hề sơ suất một mắt xích nào. Khi thuyết trình xong, vị này mong muốn mọi người phản biện lại đề tài của mình. Có thể nói mạnh, chỉ thẳng cho đến phá tan vứt đi cũng được. Ông bảo, nếu quý vị dám thẳng thắn để làm điều đó thì mới có được nhiều điều mới và hay để nghe. Bằng không, quý vị chỉ được nghe những điều tầm thường, máy móc. Khi mọi người phản biện quyết liệt, vị giáo sư mới nhận ra mình còn nhiều sai lầm trầm trọng.
Khi xây dựng một mệnh đề với quá nhiều dữ liệu đã được học hỏi, tư duy, cũng có khi là sản phẩm từ trí tuệ của mình, chúng ta quá dựa vào những dữ liệu ấy, vô tình đã đưa ra quá nhiều thứ, là trao nhiều cơ hội cho người khác phản biện. Ban đầu mình là giáo sư để giảng dạy. Nhưng khi bị thính giả phá lại mệnh đề và mình phải bảo vệ mệnh đề đó; vô tình chúng ta đã tự biến mình thành học trò của những cậu bé kia, là đã đánh mất vị thế chính mình. Mất vị thế không phải tư cách vị thầy bị mất, mà là đánh mất đi thần lực để thần phục người khác, là đã thất bại. Hôm sau có kinh nghiệm hơn, vị giáo sư giới hạn lại các vấn đề mình đưa ra. Và cuối cùng, vị này xây dựng mệnh đề bằng cách không còn một dữ liệu hay một vấn đề nào được đưa ra nữa. Chỉ là khéo léo chỉ thẳng cho người nghe tự nhận ra điều mình muốn truyền đạt ngay nơi chính bản thân họ. Ai muốn phá hoại mệnh đề là phá hoại chính họ, là phá hoại một chân lý. Đây là cách “không phải nói cho hiểu” mà là “chỉ cho thấy”.
Học thật kỹ, xây dựng một mệnh đề thật đầy đủ, chu đáo, sâu sắc, minh triết... rồi cho mọi người phản biện, phá tan đi những gì mình đang có. Dám làm như thế là biết ứng dụng chân lý thoát ra, chúng ta sẽ nhận được nhiều điều thú vị và thành đạt.
a) Khi không xem mình là một giáo sư, một triết gia hay kể cả bất kỳ một địa vị cao cả nào nữa, dám sẵn sàng cho bất kỳ ai cũng có thể phản biện phá lại mệnh đề của mình, khi ấy chúng ta được nghe mọi người nói thẳng, nói thật. Như thế, sẽ biết được người khác đang có gì, đang cần gì và mình còn sai sót chỗ nào. Đó là tạo điều kiện để mình có cơ hội biết mình, biết người.
b) Cứ như thế theo thời gian, con người chúng ta sẽ được dạn dĩ, tự tin. Tinh thần và trí tuệ của mình thoáng đạt, mạnh lên; vượt khỏi những nhỏ nhoi, tầm thường của bao biện, chấp ngã.
c) Khi thật sự sẵn sàng để làm như thế, con người chúng ta đã phần nào vượt khỏi giới hạn của một bản ngã nhỏ hẹp. Tư tưởng và tinh thần đang được khai phóng. Có khi sẵn sàng đến độ trống không, không còn quan trọng mệnh đề của mình và không có tư thế phòng thủ hay chuẩn bị để bảo vệ nó nữa. Lúc này đầu óc của mình được giải phóng tuyệt đối. Theo thời gian, chúng ta sẽ có thông tuệ rất đặc biệt, cho mình có khả năng phát minh một cách đầy đủ, sâu sắc nhưng rất kịp thời. Hằng ngày vẫn tự tại, trống không. Nhưng khi cần xây dựng một mệnh đề gì thì trong tích tắc, bỗng dưng cùng lúc hiện lên tất cả những triết lý rất phong phú, cụ thể, khúc chiết, sống động, mới mẻ do trí tuệ tự động phát minh và xây dựng nên chứ không phải do gom góp, học hiểu tích tụ.
Đó là chúng ta đang đi theo triết lý chữ V hướng lên. Ngày càng được mở rộng, phát minh nhiều điều đặc biệt, cao siêu, nhưng lại rất cụ thể, rõ ràng, gần gũi, thực tế và sử dụng được chứ không phải là những suy tưởng xa vời, viễn vông. Làm được như vậy là biết vận dụng chân lý thoát ra, là biết tạo cho mình có được thời điểm lóe sáng, những khoảnh khắc vàng.
4.2. Theo chiều đi xuống đáy của chữ V
Nếu chúng ta bám vào những gì đã học hiểu để lấy đó làm mình, gom góp những điều đã thấy nghe đọc học tư duy rồi xây dựng nên những mệnh đề chặt chẽ, kín kẽ để bảo vệ cho cái tôi của mình, lâu ngày, chúng ta chỉ sống với những thứ kiến thức cũ rích, thiếu sự vận dụng và phát huy. Lấy những thứ đó để làm mình rồi bảo vệ cho mình, nhưng vô tình chính nó lại biến thành những thứ bóp teo trí não, siết chặt tư duy khiến cho đầu óc chúng ta ngày càng trở nên chai lì, nhỏ nhoi, thụ động, không thể sáng tạo. Ra giữa mọi người, từ lời nói cho đến mọi lĩnh vực, bao giờ cũng khư khư muốn bảo vệ cái tôi của mình đến mức bảo thủ, cực đoan và nhỏ nhoi đến đáng thương khó tả. Vì thiếu sự sáng tạo cho nên thường đưa ra nhiều vấn đề chung chung, vô thưởng vô phạt; miễn là an toàn để bao biện cho mình chứ không có gì sáng sủa có thể dùng được. Đó là đang lập trình cho mình triết lý chữ V theo chiều hướng đi xuống đáy của chữ, sẽ làm cho chúng ta ngày càng bị thu hẹp lại. Tất cả những thiệt thòi này đều do chưa vận dụng được chân lý thoát ra.
5) VẬN DỤNG VÀO BIỂU ĐỒ PHÁT TRIỂN CỦA MỖI NGƯỜI
Theo nguyên lý tích cực chữ V hướng lên của vị giáo sư trên và triết lý thoát ra, chúng ta có thể vận dụng vào biểu đồ phát triển của một đời người. Khi còn nhỏ phải chăm chỉ học hành thật kỹ và biết rèn luyện bản thân vượt khó. Lớn lên một chút phải biết quan sát, tư duy. Lớn thêm nữa thì phải biết phán đoán và nhận định. Và sau 30 tuổi cần phải vận dụng vào thực tiễn để va chạm, thực hành và tôi rèn. Cứ như thế, vừa học hỏi, vừa nghe nhìn, vừa quan sát, vừa tư duy, vừa nhận định rồi đi thẳng vào thực tiễn để rút ra nhiều kinh nghiệm. Sau 35 tuổi bắt đầu tập sáng tác, biết sáng tạo. Siêng năng học tập và thực hành để có đầy đủ những gì cần thiết trang bị cho cuộc đời mình. Sau 40 tuổi phải đủ trí tuệ để tự tin sẵn sàng thoát ra hết tất cả những gì mình học hỏi và đúc kết được. Không đọc học nữa, dẹp hết sách vở, phải dùng những gì còn đọng lại đằng sau những lý thuyết học hỏi, tư duy và đúc kết kinh nghiệm kia. Biết cách thoát ra hết tất cả những kiến thức định sẵn, đầu óc được giải phóng tuyệt đối thì mới đạt đến trí tuệ phát minh. Phải dùng được như thế thì mình mới có được trí tuệ thông suốt và sáng tạo một cách rất siêu xuất, nhưng lại dung dị, gần gũi, thực tiễn dùng được vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là chúng ta biết vận dụng nguyên lý thoát ra vào biểu đồ tiến triển cơ thể của một con người.
Nếu lúc nhỏ không siêng năng học tập và thực hành, chưa trang bị chu đáo, đầy đủ như thế, sau 40 tuổi mà buông ra thì chúng ta sẽ bị rơi vào sai lệch, thiếu kiến thức, nhìn nhận vấn đề bị lệch lạc. Ngược lại, đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm rồi, nhưng sau 45 tuổi mà vẫn bám theo kiến thức sách vở, không biết thoát ra thì người này sẽ rơi vào cực đoan của lý thuyết xa vời, viễn vông, trở thành con chữ. Những tư duy và phát ngôn của mình chỉ làm cho người khác cảm thấy xa vời, không dùng được cho cuộc sống. Đây là hai cực đoan cần phải biết cách thoát ra.
6) ỨNG DỤNG VÀO QUY TRÌNH TU TẬP THIỀN ĐỊNH
6.1. Thoát ra để tập tu thiền
Khi làm máy tính, thỉnh thoảng Click phải vào màn hình chính và chọn lệnh Refresh để máy vận hành mạnh hơn. Tương tự trong cuộc sống, nếu thường phản tỉnh, tâm trí sẽ được mạnh hơn. Có lúc cũng cần phải tắt máy đi rồi khởi động lại thì máy mới khỏe. Cũng vậy, nếu sắp xếp được thời gian tọa thiền, năng lực của định tuệ sẽ được tăng trưởng, mới có khả năng thoát ra tốt nhất.
Có một vị học thiền và áp dụng vào công ty để làm việc. Một hôm anh ta nói rằng: “Tôi biết thiền của Thầy rồi. Khi nào giải quyết công việc dồn dập căng thẳng quá thì tạm thời gác lại, ra vườn thảnh thơi lui tới một chốc. Khi vào làm việc lại, mọi thứ sáng ra lạ thường, việc làm có hiệu quả, tinh thần không bị tổn giảm, phát minh nhiều điều mới lạ...”. Đó là nhờ biết thoát ra. Muốn thoát ra đúng nghĩa, đầy đủ và tuyệt đối, cần phải tu tập thiền định.
6.2. Quy trình tu tập thiền định
Học thuộc các pháp cơ bản: Luật nghi, Oai nghi tế hạnh, Pháp số, các Kinh cơ bản. Học cách thực hành Thiền tập một cách căn bản và đầy đủ nhất. Nhận rõ và hiểu đúng đường hướng tu tập. Đủ niềm tin tâm mình là Phật. Biết cách ứng dụng công phu tu hành và tin chắc rằng mình có khả năng tu hành thành Phật.
Học tập các Kinh Luận về phá tướng: Kinh Bát Nhã, Kinh Kim Cang, Luận Trung Quán... để không còn chấp trước các tướng; không câu chấp vào những gì đã học và sở đắc. Đây là bước thoát ra các pháp tướng để thể nhận tự tánh.
Học các Kinh Luận chỉ thẳng tâm tánh, như Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Đàn... các Bộ Luận chỉ tánh và Sử Thiền sư...
Từ giai đoạn hai đến giai đoạn ba, vị thầy sẽ biết cần sắp xếp cho hành giả nào nhập thất chuyên tu. Vào thất buông hết mọi thứ, chỉ chuyên tâm tọa thiền. Xét xem, đâu là lời Phật Tổ muốn chỉ ngay nơi chính mình? Đây là phương pháp thoát sạch ra tất cả để có cơ hội nhận ra chân lý sống, hay ra tự tánh nơi mỗi người.
Vừa học vừa thực hành công phu tu tập, kết hợp với lao động để rèn luyện tự thân, đối diện với những thử thách, nghịch cảnh để tôi rèn, bào mòn tự ngã, giúp cho chúng ta thoát ra khỏi những dở tệ của phàm tình mê muội; nhất định sẽ có ngày đạt đến chân lý tột cùng “vào ra tự tại”; là đạt đến rốt ráo của chân lý thoát ra.
7) THỰC HÀNH
7.1. Phương án trước mắt: Là phạm trù tương đối, có tướng thoát ra, có nơi chốn cần thoát ra.
- Biết rõ muôn sự muôn vật ở thế gian đều tương đối, chung hợp tạm có, không có gì bền chắc lâu dài.
- Luôn tỉnh giác.
- Trên mọi hiện tượng đang đối diện, chúng ta chan hòa mà tỉnh tỉnh lặng lặng để khéo léo thoát ra.
Đến thăm một người lâm trọng bệnh sắp qua đời, mọi hận thù đều dễ dàng tha thứ, bỏ qua. Đứng trước cái chết, con người thường nhận ra nhiều điều. Thấy rõ thân này không bền chắc, đau yếu, sống chết bất thường không ai lường trước được. Thân đã tạm bợ, mọi thứ thế gian lấy gì làm bền chắc? Thấu suốt một cách sâu sắc như thế, chúng ta sẽ được thoát ra, lột cởi bớt nhiều thứ trong đời.
Trên mọi sinh hoạt, luôn luôn bình tâm, tỉnh táo, giác sáng. Không nhìn và phán đoán mọi thứ qua thân tâm sanh diệt, khéo léo suốt qua. Cứ như thế bằng tâm rỗng rang để nghe nhìn và làm việc, sẽ được thoát ra, vượt trên các tướng.
7.2. Phương án căn cơ lâu dài: Thoát ra tuyệt đối.
Một ly nước lã xưa nay vẫn chỉ mang giá trị của một ly nước lã. Nhưng với người đang trên sa mạc đói khát sắp chết, nó sẽ được quý hơn vàng. Ở chốn thành thị đủ đầy, nước lã chỉ là nước lã. Nước lã là ví dụ cho tất cả mọi thứ quanh mình. Nếu chúng ta không có gì quý hơn những thứ trong đời đang có thì con người ít nhiều đều bị nó chi phối, trói buộc, giam cầm. Nếu nhận ra và sống được bằng một giá trị cao hơn thì những đúng sai, thành bại... của cuộc đời chỉ là một ly nước lã trước người đã no đầy. Không cần dẹp bỏ ly nước lã để người no đủ cảm thấy thoải mái. Và có để nó ngay trước mặt cũng chẳng sao. Để đó hay dẹp bỏ đi là câu chuyện của người đang thèm khát. Với người đã đủ đầy cao lương mỹ vị thì nào có khái niệm gì. Người này thật sự đã vượt thoát.
Cũng thế, muốn được thoát ra thực sự, chúng ta cần phải nhận ra và sống được bằng sức sống thiền. Ai đã đạt đến và sống được bằng sức sống này rồi mới cảm nhận hết giá trị của nó; không có bất kỳ một cái gì khác có thể đổi lấy được. Do đó, phương án căn cơ lâu dài để đạt đến thoát ra tuyệt đối và đúng nghĩa, cần phải thực hành công phu tu tập thiền định. Khi thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm ta bất chợt hoát toang, tự tánh mình hiển lộ, không còn một thứ gì đủ sức chi phối, chúng ta sẽ tự vượt thoát một cách tự nhiên, rốt ráo, cùng tột. Thoát mà không cần phải thoát ra bất cứ gì. Không thoát mà luôn luôn lúc nào cũng đang vượt thoát. Đây là yếu diệu của chân lý thoát ra.
8) ĐẠT ĐẾN SIÊU VIỆT, RA VÀO TỰ TẠI
Nói là thoát ra, bởi lẽ con người đang lún sâu vào nhiều thứ. Nhưng khi đang cố thoát ra mọi thứ, không khéo chúng ta lại kẹt trong chính “tư tưởng thoát ra”, khiến cho một lần nữa bị vướng kẹt, tắc nghẽn. Cho nên, chúng ta cần phải thoát ra luôn cả tâm niệm cố thoát ra. Muôn duyên buông xuống, buông luôn cả tư tưởng “buông”; tất cả đều buông sạch. Buông xuống cho đến tận cùng không còn gì để buông nữa; ngay đó, tâm thiền chân thật liền hiển bày.
Sơ Tổ Trần Nhân Tông dạy: “Buông xuống! Buông xuống! Cái buông chẳng được, chính là kẻ ấy.”. “Kẻ ấy” là kẻ không tên, nhưng có rất nhiều tên; là chân tâm, Phật tánh, là ông chủ, bản lai diện mục... Thấu đạt và sống được bằng “kẻ ấy” rồi thì nói là “thoát ra” hay “không cần thoát ra” đều thừa. Vì vốn nó đã tự vượt thoát. Ngay nơi sinh hoạt hằng ngày mà vẫn an nhiên, không động; không hề dính kẹt hay ngăn ngại gì. Tuy an nhiên, bất động, nhưng vẫn thấy nghe hiểu biết một cách linh thông, sống động thì nói làm gì đến việc “phải thoát ra” hay “không cần thoát ra”? “Thoát mà không thoát”, vì không còn khái niệm phải xa rời tất cả. “Không thoát mà hằng thoát”, do ở trên tất cả, nhưng vẫn bất động mà sinh động. Nhìn mọi thứ bình thường và tự tại, linh hoạt mà như nhiên. Không còn khái niệm ra vào, nhưng lại có năng lực hay vào ra tự tại, tùy duyên. Là ý nghĩa rốt ráo của chân lý vượt thoát, thoát ra.
Cuối cùng, cần xa lánh đời để được thoát ra; hay ở trong đời mà vẫn vượt thoát? Buông xuống luôn đi!
9) KẾT LUẬN
Ngay đang thấy nghe nhận biết rõ ràng nhưng chưa từng sanh diệt, cái ấy vô tướng. Bằng sức sống vô tướng ấy, ngay trên các vật, chúng ta nhận biết muôn việc muôn vật một cách rõ ràng mà thường thoát ra; mọi thứ không còn giá trị chi phối, là hay chuyển được các vật, liền thấu đạt được thân ngoại vật. Gọi là thân mà không phải có tướng của thân. Ai biết thoát trần sẽ cảm nhận được. Sẽ là tiên trong đời. Bởi lẽ khi đạt đến đó, tự chúng ta có được năng lực và giá trị từ nó vô cùng vĩ đại. Vĩ đại không từ sự to lớn do so sánh với mọi thứ trên thế gian này, mà vĩ đại bởi nó vô tướng, trùm khắp, không thể lấy bất cứ thứ gì có tướng để so sánh được. Đạt đến đây, cuộc đời trở nên nhỏ bé, không còn đủ sức chi phối khiến cho chúng ta phải đau khổ nữa. Dù ở trong trần thế, ở tại đây hay bất cứ nơi nào, cho đến cả nơi mà không phải nơi chốn, chúng ta sẽ mãi mãi an lạc, hơn cả thần tiên.
Sẽ cảm thấy thế nào khi suốt ngày ngược xuôi bộn bề với trăm công nghìn việc như bao nhiêu người khác, nhưng tinh thần vẫn sảng khoái và tràn đầy nhựa sống như buổi sáng mai vừa mới thức dậy chưa làm một công việc gì; thân tâm thanh thoát, trí tuệ rạng ngời như vừa mới trải qua một thời tọa thiền ngập tràn an lạc? Tính chất thoát ra tuyệt đối và đúng nghĩa sẽ cho chúng ta như thế. Muốn vĩnh viễn hết khổ, mãi mãi an vui, cuộc sống trở nên ý vị, hãy cứ một lần mạnh dạn thoát ra