Chủ Nhật 27/10/2024 -- 25/9/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Thoát Ra - CHÂN LÝ THOÁT RA VỚI SƠ TỔ TRẦN NHÂN TÔNG

 

CHÂN LÝ THOÁT RA VỚI SƠ TỔ TRẦN NHÂN TÔNG

                              

1)  DẪN NHẬP

Như người phải chịu nằm bệnh trên một đống thuốc khổng lồ mà không dùng thuốc bởi không biết. Cũng thế, quanh ta không thiếu những chân lý giúp ta thoát khổ, nhưng con người vẫn cứ khổ mãi bởi chưa nhận chân và sống được bằng những chân lý kia. Một trong những sự thật ấy là chân lý thoát ra. Nhắc đến liền à ra, chứng tỏ ai cũng từng có lúc sống bằng chân lý ấy ở một lĩnh vực nào đó. Nhưng trong mỗi người ít nhiều đều còn tâm trạng như mình đang bị đeo buộc và giới hạn bởi một thứ gì đó trong đời mà chưa thể cởi bỏ để thoát ra được. Thoát ra, mọi người thường nghĩ ngay đến việc thoát khỏi một nơi này để hướng đến một phạm trù khác cao đẹp hơn. Cao hơn là thoát khỏi sự chi phối trói buộc nhiễm ô của trần tục để hướng đến một chân trời thoát tục, thanh cao.

Nếu cứ ở mãi trong trần tục thì bị các nhiễm nhơ chi phối khiến cho cuộc sống chúng ta ngày càng tồi tệ. Nhưng thoát ra khỏi trần thế thì ai là người chịu đục để lo mọi thứ trong đời mà tối thiểu là miếng cơm manh áo cho mình để mình được thanh cao? Vậy thì chân lý thoát ra thực sự là như thế nào? Chân lý cao thượng này được biểu hiện rõ ràng và khá đầy đủ qua cuộc đời, tư tưởng, hành động và việc làm của một bậc minh quân Trần Nhân Tông đã từng một thời viết nên trang sử vàng son chói lọi; ngài còn là một vị Tổ sư khai sáng dòng thiền Việt Nam – Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã biến Phật giáo lúc bấy giờ trở thành Quốc giáo.

2) SỰ CẦN THIẾT

Đức Phật là một con người, ra đời để giải quyết chuyện của kiếp người. Gần thì ngài dạy cho chúng ta làm lành lánh giữ để được sống đời lành mạnh, tươi vui, sáng sủa cho hiện đời và mai sau. Xa hơn thì hướng dẫn cho mọi người con đường chuyển phàm thành thánh. Và tối thượng hơn hết là chỉ cho chúng sanh con đường tu tập giác ngộ, thành Phật giống như ngài. Vua Trần Nhân Tông cũng thế. Ngài là một con người, ra đời lo cho chuyện của xã hội loài người. Vừa làm vua lo cho dân chúng, vừa tranh thủ thời gian dụng công tu tập ngay khi còn trong trần tục. Sau khi làm tròn trách nhiệm của đấng minh quân đối với đất nước, ngài đã xuất gia lên núi Yên Tử tu hành, chứng đạo, sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, cho người hiện tại mãi đến sau này theo đó tu hành được hết khổ, an vui.

Một chân lý không sâu sát giải quyết chuyện của kiếp người thì sẽ viễn vông, huyễn hoặc, xa vời, thiếu thực tiễn, mọi người không hưởng ứng, quan tâm. Một trong những chân lý của Phật giáo Thiền tông đời Trần mà mãi đến sau này nhiều người vẫn thường quan tâm và muốn khai thác, ứng dụng, đó là tinh thần nhập thế trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Các Thiền sư sau khi tu hành đắc đạo, đi vào trong đời làm lợi ích chúng sanh mà không bị bụi trần dính nhiễm. Nói một cách ngắn gọn theo kiểu nhân gian thường gọi đó là “hòa mà không tan.”

Trước một điện thoại thông minh hạng sang vừa mới ra đời chúng ta có thích hay không? Nếu thích thì rõ là đã bị tan chảy, không có trí tuệ gì đáng để cho mọi người học hỏi. Nếu không thích, quay lưng với nó thì bị lạc hậu, cũng không có trí tuệ gì để mọi người quan tâm. Vậy phải làm sao? Tương tự, trước một thời đại văn minh đang từng ngày phát triển đến choáng ngợp, nếu dấn thân vào thì bị vòng xoáy nhấn chìm, chính mình còn chưa xác định được hướng sống. Nếu quay lưng thì bị đào thải, ai nuôi sống mình và mọi người chung quanh? Chưa có câu trả lời cho những trường hợp trên thì cuộc đời vẫn còn đó nhiều điều chưa có hướng giải quyết. Nếu có một trí tuệ đủ lớn để thấu rõ, chủ động và có vô vàn cách để giải quyết mọi chuyện một cách nhẹ nhàng thì chúng ta liền học được tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên tử. Một Thiền phái do vị Tổ sư là người Việt Nam sáng lập, được hình thành cách đây đã hơn 700 năm. Nhưng đến nay, một xã hội văn minh vẫn rất cần đến tinh thần ấy để giải quyết câu chuyện cuộc sống của mỗi người.

Vật chất sẽ là mục đích của những người còn ngây dại, thiếu trí tuệ; và nó chỉ là phương tiện của bậc đại trí, đạo đức, thanh cao. Tri thức tiến sĩ tuy cao, nhưng thử hỏi bản lĩnh sống của chúng ta có đang theo kịp, hoặc cao hơn như thế, hay vẫn ở mức khiêm nhường? Với một người đang trên sa mạc đói khát gần chết thì cốc nước lã mới là vấn đề quan trọng. Nhưng với người ở thành thị đã no đủ món ngon thượng vị rồi thì cốc nước lã muôn đời vẫn chỉ là một cốc nước lã mà thôi. Không có gì phải đặt ra cả. Cũng thế, chúng ta đang để bụng mình đói khát món ngon thượng vị an định, trí sáng, an lạc tự tâm cho nên những thứ của nước lã lợi danh, tham vọng, vật chất, được mất, bại thành... đua nhau hấp dẫn, lôi kéo, dày vò đến điên loạn, căng thẳng tâm thần. Nếu có đại trí, năng lượng sẽ tràn trề; lòng ta an định, bản lĩnh có thừa; niềm an vui lại ngập tràn khó tả xiết. Lúc này tâm mình không còn chỗ cho những thứ trong đời chen chân chi phối. Mọi việc chỉ là bình thường mà sống động, phi thường thì nói làm gì đến việc quay lưng với cuộc đời hay hòa vào mà bị tan chảy? Ngay đó, ngay tại tất cả tình huống trong đời mà mình liền được vượt thoát, thấy biết rõ ràng, tùy thời làm lợi ích cho mọi người mà như là đang nghỉ ngơi chưa từng làm gì cả; tinh thần nhập thế của dòng Thiền Việt Nam – Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đang hiển hiện rờ rỡ, rõ ràng, tại đây, bây giờ.

Vật chất không có lỗi, nhưng nếu con người không đủ sức tự chủ thì bị nó chi phối, mới có lầm lỗi, dẫn đến khổ đau. Nếu có trí tuệ đủ lớn, chúng ta sẽ bao dung mọi thứ mà lại hay thoát ra mọi thứ, liền học được tinh thần nhập thế của Thiền tông thời Trần. Muốn thế, phải biết học tập và áp dụng, đạt đến chân lý thoát ra.

3)    KHÁI QUÁT CHÂN LÝ THOÁT RA

3.1. Học kỹ, tư duy thấu đáo, rồi thoát ra để sáng tỏ và nhận ra vấn đề một cách đầy đủ

Không có một thứ gì ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống mà mọi thứ trên đời đều bắt nguồn, có ra từ trí tuệ. Vậy trí tuệ là gì? Khi nhỏ thì được bố mẹ dạy bảo. Lớn lên thì được thầy cô nhà trường giảng dạy. Trưởng thành thì học hỏi đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống. Tích lũy lâu ngày có được một số kiến thức, mọi người vẫn thường cho đó là trí tuệ. Như thế đã đủ chưa? Muốn biết, chúng ta phải kiểm nghiệm.

Hằng ngày làm nhiều công việc bận rộn. Tối về nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn uống, vào phòng mở máy điều hòa thư giãn, trả lại sự yên lặng cho riêng mình, bất chợt nhận ra nhiều điều còn sai sót. Nếu trí tuệ của chúng ta đã đầy đủ thì không sai sót. Còn sai sót thì có nghĩa là chưa được đầy đủ trọn vẹn. Qua đó, cho chúng ta thấy triết lý thoát ra của buổi đầu: “Học kỹ, tư duy thấu đáo, rồi thoát ra để sáng tỏ và nhận ra vấn đề một cách đầy đủ”.

Từ nhỏ học hỏi nơi bố mẹ; lớn lên được học hỏi ở nhà trường; đến tuổi trưởng thành thì học hỏi ở trường đời nhiều kinh nghiệm; đó là “Học kỹ, tư duy thấu đáo, suốt tột.” Bằng vào sự học hiểu có được ứng dụng vào công việc, cuộc sống. Hằng ngày làm nhiều công việc, tối về yên lắng thì thường nhận ra nhiều điều còn thiếu sót; đó là nhờ “thoát ra” mà biết được. Nếu không yên lắng, thư giãn, thoát ra thì con người không thể có cơ hội biết được những gì mình chưa biết, là còn đó vô vàn sự thiếu sót trong cuộc sống.

Nhưng nếu có người thường nằm thư giãn trong phòng hoặc rong chơi đầu đường xó chợ mà chưa trải qua giai đoạn học hiểu thấu đáo, không chuyên cần học hỏi kinh nghiệm trong cuộc sống thì người ấy chỉ sống suông trong thiếu hiểu biết, gần với vô minh, không được gọi là chân lý thoát ra.

3.2. Ngay trong sinh hoạt mà hằng vượt thoát

Tiếp tục câu chuyện trên, đi làm về nghỉ ngơi, trả lại sự yên lắng của lòng mình thì phát hiện ra nhiều điều còn thiếu sót.

-   Khi nào thì nhận ra những điều còn khiếm khuyết sai sót kia?

Là lúc trả lại sự yên lắng nhất của lòng mình.

-  Làm rồi mới yên lặng và nhận ra sai sót thì liệu có còn kịp để sửa sai không?

-  Không còn kịp nữa.

-  Vậy muốn phát hiện kịp thời phải làm gì?

Đem sự yên lắng đặt ngay lúc hành động. (Vì yên lắng thì nhận ra sai sót).

Cho thấy, ngay khi yên lắng thì trí tuệ phát huy đúng mức của nó, chúng ta có được trí tuệ sáng biết đầy đủ. Tâm lặng mà sáng biết, đó là tâm thiền. Quốc sư Phù Vân Viên Chứng nói với Vua Trần Thái Tông: “Tâm lặng mà hằng sáng biết, đó là Phật thật.”

Khi chúng ta lắng lòng lại, tâm lặng lại, an nhiên mà sáng biết rỡ ràng một cách linh thông để vận hành, để làm tất cả các công việc trong cuộc sống mà vẫn không động, vẫn không ngăn ngại là đã tự mình khéo biết thoát ra trên mọi sinh hoạt, là sống bằng tâm thiền. Khéo sống bằng sức sống thiền thì chúng ta tự vượt thoát, không có gì vướng kẹt.

3.3. Đạt đến siêu việt, ra vào tự tại

Biết là như thế, nhưng khi gặp việc đôi lúc con người chưa thể bình tâm lắng xuống để kịp thời nhận biết một cách trọn vẹn được. Bởi hằng ngày chưa thực tập tịnh tâm, không dồn vốn thì làm gì có lực? Cho nên khi gặp việc có muốn lắng xuống cũng khó. Muốn làm được việc này, trong sinh hoạt hằng ngày ở mọi lúc mọi nơi, chúng ta luôn thực tập và sống bằng tâm lặng lẽ, sáng suốt, hoan hỷ. Thực tập được như vậy là tu thiền. Hằng sống bằng sức sống thiền cho thật thuần thục thì sẽ có đầy đủ các lực dụng, lực ấy cho chúng ta tự vượt thoát. Bặt hết dấu vết mà sáng rỡ, linh thông, như viên bi trên mâm lăn trùng trục. Tùy duyên ra vào tự tại không ngăn ngại. Ngay nơi sinh hoạt hằng ngày mà vẫn an nhiên, không động, không dính kẹt hay ngăn ngại gì. Tuy an nhiên, bất động, nhưng vẫn thấy nghe hiểu biết một cách linh thông, sống động. “Thoát mà không thoát”, vì không còn khái niệm phải xa rời tất cả. Ở trên tất cả, nhưng vẫn bất động mà sinh động. “Không thoát mà hằng thoát”, do nhìn mọi thứ bình thường nhưng lại phi thường; tự tại, linh hoạt mà vẫn như nhiên. Không còn khái niệm ra vào, nhưng lại có năng lực tùy duyên vào ra tự tại. Đó là ý nghĩa rốt ráo, siêu việt của chân lý vượt thoát, thoát ra.

 

4) CHÂN LÝ THOÁT RA VỚI SƠ TỔ TRẦN NHÂN TÔNG

4.1. Tinh thần thoát ra được phát hiện qua cuộc đời và trong sinh hoạt của Sơ Tổ

Ngài tên húy là Trần Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái Hậu, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258). Lúc còn nhỏ, tuy ở trong vị trí sang cả mà tâm vẫn hâm mộ thiền. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái Tử, ngài cố chối từ để nhường lại cho em, nhưng vua cha không chịu. Vua cưới trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc Mẫu cho ngài (sau này là Khâm Từ Thái Hậu). Sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc ấy, nhưng ngài vẫn thích đi tu. Cho thấy, ý chí xuất trần đã hiện rõ trong ngài lúc còn thơ bé.

Một hôm vào lúc giữa đêm, ngài trèo thành định trốn vào núi Yên Tử để tu hành (thoát ra lần đầu). Khi các quan tìm thấy, ngài phải về lại cung thành theo lệnh của vua cha (vào đời theo nguyện vọng của toàn dân, vì trách nhiệm với đất nước).

Năm 21 tuổi (1279), ngài lên ngôi Hoàng Đế. Tuy ở địa vị cửu trùng mà vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Trước bao nhiêu cao lương mỹ vị nhưng ngài lại thường ăn chay lạt. Hằng ngày, ngài thường đến chùa Tư Phước trong đại nội để dụng công. Những lúc nhàn rỗi, ngài mời các thiền khách đến bàn giải về thiền. Ngài tham học với Tuệ Trung Thượng Sĩ, thâm đắc đến chỗ thiền tủy. Cho thấy, ở tại ngôi vua, tuy sống trong đền vàng điện ngọc, nhưng tâm ngài lại luôn vượt thoát. Ngài đã khéo léo sắp xếp để tu tập thiền định cho nên có sự tiến bộ, có sự tự chủ để hành xử đúng mực và hiệu quả. Nhờ công phu tu tập có kết quả, thâm nhập thiền cho nên mới có nhiều phát kiến để vận dụng vào cuộc sống.

Khi làm tròn trách nhiệm, năm Quý Tỵ (1293), ngài trao ngai vàng lại cho Trần Anh Tông và làm Thái Thượng Hoàng để chỉ dạy cho con sáu năm. Trong thời gian này, ngài đã khéo léo sắp xếp để có thời gian tu tập nhiều hơn; nửa ngày làm việc, nửa ngày còn lại lo công phu tu hành. “Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.”. Thấy mọi việc ổn định, ngài xuất gia lên núi Yên Tử tu hành (thoát ra lần thứ hai). Công phu chín muồi, đạo lý giác ngộ tỏ rạng, ngài đã sáng lập ra dòng Thiền Việt Nam – Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó phát nguyện đi vào nhân gian giáo hóa mọi người (vào đời để cứu đời). Đi trong trần thế làm lợi ích chúng sanh mà không chút bụi trần nào làm nhơ nhiễm. Ra vào tự tại, đúng nghĩa thoát ra, tạo nên tinh thần nhập thế đặc biệt của Phật giáo Thiền Trúc Lâm, hòa quang đồng trần, hòa vào cuộc đời mà không bị cuộc đời làm tan biến.

4.2. Chân lý thoát ra được thể hiện trong tư tưởng của Sơ Tổ

Khi có giặc đến quấy rối đất nước, ngài đã họp hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than và hội nghị các bô lão trong cả nước ở Diên Hồng để lấy ý dân, đồng tâm đồng lòng bảo vệ đất nước.

Có thoát ra được bản chất cố hữu độc tài và chủ quan của một đế vương thì mới thấy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân là to lớn. Một ngọn núi sừng sững cao vợi bởi nó không từ bỏ bất kỳ một hạt bụi nào. Nhân tài tuy quý, nhưng chưa quý bằng người dùng được nhân tài. Có tài mà có tính chủ quan thì chỉ là một nhân tài bị cô lập. Không rèn cho mình thành tài mà hời hợt thích hùa theo số đông thì chỉ là một người tầm thường không hơn không kém. Có tài mà quên đi và thoát ra khỏi cái gọi là nhân tài, hòa đồng vào tất cả, đó là người làm nên đại sự.

Chất liệu thoát ra đã ăn sâu nên toát lên trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, đã khiến cho một bậc minh quân có những cách hành xử đặc biệt, làm nên những chiến công hiển hách, những chiến thắng rạng ngời, khiến cho cả thế giới mãi đến tận bây giờ vẫn còn nghiêng mình thán phục, học hỏi, noi theo.

4.3. Chân lý thoát ra được thể hiện qua tâm chứng, qua sức sống thiền

a)    Ở trong đời nhưng luôn vượt thoát

Khi còn làm Thái Thượng Hoàng, ngài đã sáng tác bài phú Cư Trần Lạc Đạo gồm mười hội. Càng đọc, chúng ta càng thán phục năng lực vượt thoát đặc biệt của ngài. Có thực học, chơn tu; có thực hành và thể nghiệm thì mới cảm nhận một cách thấu đáo; mới thấy đây là kết quả của một quá trình công phu tu tập đắc lực của ngài từ khi còn làm thái tử cho đến lúc làm vua, suốt cho đến khi làm Thái Thượng Hoàng thì mới tích tụ được những tinh thần đạo lý siêu xuất cao quý như vậy. Nếu không có định lực và trí tuệ đủ lớn thì không thể có được chỗ thấy và sức sống đặc biệt như thế được.

“Mình ngồi thành thị,

Nết dùng sơn lâm.

Muôn việc lặng an nhàn thể tính,

Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.” (Cư Trần Lạc Đạo Phú).

Sống ở nơi thành thị, nhưng phong cách, tinh thần và tâm ngài vẫn an nhàn tự tại như đang ở chốn núi rừng thanh vắng. Sắc đẹp, tiếng hay cho đến sự náo nhiệt giữa phố thị phồn hoa không dính dáng gì đến “nết sơn lâm” của ngài. Một sự vượt thoát, thoát ra thực sự. Cho nên, trong Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, ngài nói:

“Ngồi trong trần thế,        Chẳng quản sự thay;

Văng vẳng ngàn kia,         Dầu lòng dong thả.”

b)   Ở trong các pháp, nhưng vẫn sáng rỡ, rõ ràng, luôn thoát

...Mở đầu pháp hội, sau lễ niêm hương, khai thị, Sơ Tổ dạy:

Thân như hơi thở ra vào mũi,

Đời giống mây trôi đỉnh núi xa.

Tiếng quyên từng chặp vầng trăng sáng,

Chẳng phải tầm thường qua một xuân.

Ngài dạy thân này mong manh trong hơi thở. Còn thở thì còn sống. Hết thở liền thôi. Cuộc thế thì vốn vô thường như mây qua đỉnh núi. Mọi việc quanh ta cứ vội diễn ra rồi lại vội qua đi một cách chóng vánh đến vô tình. (Tiếng quyên từng chặp vầng trăng sáng). Trước mọi diễn biến vô thường từ bản thân con người cho đến cuộc đời và muôn sự muôn vật, dù là một mùa xuân trôi qua hay một cuộc đời vừa chấm dứt, thì cũng chẳng phải dễ dàng trôi qua một cách tầm thường như thế được. Bởi vẫn còn đây một đóa hoa xuân luôn rạng ngời tươi thắm. Đóa hoa thấy nghe hiểu biết của tâm thiền sáng rỡ, không bị những thứ của thấy nghe hiểu biết chi phối, sai sử cho nên không bị cuốn trôi theo tử sanh, sanh diệt bao giờ. (Chẳng phải tầm thường qua một xuân). Không dễ trôi qua một cách tầm thường như thế được. Hãy trả lại đây! Cho thấy, Tổ luôn hiện hữu mà lại luôn thoát ra, không bị mọi thứ của vô thường chi phối.

Trong Hội thứ nhất của Cư Trần Lạc Đạo Phú, có đoạn ngài nêu rõ sự vượt thoát sống động này:

“Chơi nước biếc, ẩn non xanh; nhân gian có nhiều người đắc ý.

Biết đào hồng, hay liễu lục; thiên hạ năng mấy chủ tri âm.

Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng,

Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.”

Dạo chơi suối khe xanh biếc hoặc ẩn náu nơi non xanh, nhân gian có nhiều người ưa thích. Nhưng đang khi ấy, người sáng tỏ và sống bằng tâm sáng rỡ rõ biết: “đào là hồng, liễu là lục”, sáng biết rõ ràng mà không hề động thì trong thiên hạ có được mấy người là tri âm, đồng cảm thông nhau trong chỗ đạo lý chân thật, sâu xa rốt ráo kia? Sống được như vậy rồi thì nào là nguyệt bạc, vừng xanh, đâu đâu cũng rờ rỡ ánh sáng thiền lai láng. Nào là liễu mềm, hoa tốt, nơi nơi đều hiển hiện ánh sáng trí tuệ rạng ngời. Lúc này, nhìn cái gì mà không phải là đạo lý chân thật? Có lúc nào thiếu vắng ánh sáng thiền! Ngay trên các cảnh của nhân gian, trên mọi sinh hoạt bình thường như bao nhiêu người khác, nhưng tâm luôn sáng tỏ, bất động, vượt thoát một cách sống động vô cùng.

c)    Tâm chứng tự thoát

Thuở bé chưa từng tỏ sắc không,

Xuân về hoa nở rộn trong lòng.

Chúa xuân nay bị ta khám phá,

Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng. (Xuân Vãn).

Lúc còn bé, ngài chưa từng tỏ ngộ lý sắc không, cho nên mỗi độ xuân về thấy muôn hoa đua nở thì trong lòng rộn ràng. Thuở bé là năm bao nhiêu tuổi? “Thuở bé chưa từng tỏ sắc không” nghĩa là khi nào chưa tỏ sắc không thì còn thơ bé. Lúc nào chưa tỏ rạng trí tuệ bát nhã thì dù là nhiều tuổi, nhưng vẫn còn là thơ ngây; vẫn còn bị mùa xuân thịnh suy, thành bại của cuộc đời làm xao xuyến đến tan nát lòng.

Từ khi ngài khám phá được chúa xuân, khám phá được ông chủ tạo nên mọi thứ, là tâm tánh chân thật nơi chính mỗi người (các pháp do tâm tạo) thì mùa xuân có đến hay qua đi, tâm ngài vẫn thảnh thơi như một thiền tăng đang tọa vị trên sàng thiền, tình cờ thấy cánh hồng rơi như một chuyện vô tình và cũng rất thường tình, không có gì đáng đề cập đến. Ai khám phá được chúa xuân đều có khả năng thấy biết mọi sự chuyển biến rõ ràng mà vẫn bình thản, bình thường, an nhiên bất động như vậy. Bằng vào tâm chứng, ngài vượt thoát mọi thứ một cách tự tại, thản nhiên.

4.4. Thoát mà không thoát, không thoát mà thoát

Ai trói mà cố tìm giải thoát,

Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.

Vượn nhàn ngựa mỏi ta già cỗi,

Như trước am mây chốn tọa thiền. (Sơn Phòng Mạn Hứng).

Không ai muốn mình bị rắc rối khổ đau. Người nào cũng muốn mình được an vui giải thoát. Muốn giải thoát tức là mình đang bị trói buộc. Không biết tự bao giờ mà mỗi người khi chưa giác ngộ đều thầm mang trong mình một tâm trạng như thế. Nhưng ngồi lại tỉnh táo xét xem “ai, cái gì trói mình?” thì lại nhận ra không có gì chắc thật đủ mạnh để trói được chúng ta cả. Đã không bị trói thì tìm cầu giải thoát làm gì? Cho nên Tổ nói: “Ai buộc mà cố tìm giải thoát, Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.”.

Ai cũng hiểu, nhưng có lẽ hơi khó cảm nhận bởi chưa một lần xé toang màn lưới vô minh mê muội của thức tình. Cho đến khi tâm viên ý mã của mình ngoan ngoãn chịu lắng xuống, ta thấy:

“Trời xanh lồng lộng trời xanh,

Khi không vướng mắc tự mình riêng vui.”

Thảnh thơi mà sâu lắng; bất động nhưng sống động vô cùng; như thiền tăng vẫn ngồi đó bất động trước am mây đã tự bao giờ, mà bây giờ ta mới phát hiện. Có xao xuyến, bùi ngùi xen lẫn cả sự chấn động hân hoan khó tả? Đó là hình ảnh “Vượn nhàn ngựa mỏi ta già cỗi, Như trước am mây chốn tọa thiền.”.

4.5.  Tùy duyên trong đời mà luôn vượt thoát

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.” (Cư trần lạc đạo).

“Ở đời vui đạo” là không cần tìm kiếm đạo lý giác ngộ ở đâu xa, cũng chưa hẳn là ở trong đời. Vậy thì ở đâu? Lục Tổ dạy: “Phật pháp tại thế gian” là ở trong thế gian chăng? Nếu nói đạo lý chỉ ở trong thế gian thôi thì nơi khác sẽ không có ánh sáng của đạo lý ấy soi đến. Ở đây có, chỗ kia không, rõ ràng đạo lý ấy chưa đủ lớn trùm khắp, chưa phải chân thật. Hơn nữa, nếu chúng ta nghĩ rằng đạo lý giác ngộ ở một nơi nào đó dù chốn ấy là ở cõi Phật hay ở trong trần thế thì đều chưa phải, bởi đã khởi tâm phân biệt kia đây. Ngay bản chất của tâm phân biệt là sanh diệt, là mất đạo lý rồi, tìm cầu ở đâu cho ra?

Do chúng sanh thường mơ tưởng tìm cầu giác ngộ ở một cõi Niết bàn xa xôi nào đó. Đây là có tâm niệm bỏ chỗ này chạy tìm chỗ khác, trong khi đó đạo lý giác ngộ ở ngay nơi chính mỗi người. Vì để dẹp trừ khái niệm mê lầm tìm kiếm bên ngoài cho nên Lục Tổ dạy “Phật pháp tại thế gian” và Sơ Tổ Trúc Lâm nói “Ở đời vui đạo”. Vì quý ngài đang nói cho mình và mình thì lại đang sống trong trần thế, cho nên “Phật pháp tại thế gian” hay “Ở đời vui đạo”, không có nghĩa là cố định ở trong thế gian, trong đời, hay ở một nơi nào đó, mà là ngay chỗ chúng ta đang sống, ngay tình huống mỗi người đang đối diện. Ngay đó khéo phản quan lại, sẽ hay ra Phật pháp nằm sẵn nơi chính mỗi người. Người người đang sống trên nó mà lại bỏ quên, đi tìm cầu nơi khác.

 “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.”. Ở bất cứ nơi nào, nếu chúng ta biết khéo léo tùy duyên vận dụng sống về và vui với đạo lý giác ngộ thì mới có được niềm vui thanh cao, vĩnh cửu. Mọi duyên là thuận, là nghịch, hay dù có như thế nào đi nữa, chúng ta cũng uyển chuyển tùy duyên một cách dễ dàng và nhẹ nhàng như việc thường ngày mỗi người vẫn làm – “đói ăn mệt ngủ”; để đạt được một mục tiêu duy nhất – “vui với đạo”.

Nếu không quan trọng mọi thứ bên ngoài thì việc tùy duyên này không khó. Mà không quan trọng cũng phải, bởi có thứ gì quan trọng đâu! Tất cả chỉ là những thứ tạm bợ, không bền chắc. Hễ khéo tùy duyên, không tâm tìm cầu bên ngoài thì tâm mình rỗng lặng mà giác sáng trùm khắp. Mới biết, bảo bối ngay trong nhà mình, nơi chính mỗi người, không thể tìm cầu ở đâu khác mà có được (Trong nhà có báu thôi tìm kiếm). Nhận và sống được bằng tâm thiền vô giá này rồi thì sinh hoạt tới lui tự tại, không ngăn ngại. Ở ngay trong cảnh chúng ta đang sống mà vốn tự vượt thoát, không tâm mà thấy biết rành rẽ rõ ràng. Vậy thì còn tìm kiếm thiền ở đâu nữa? (Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền).

4.6. Chân lý thoát ra được rạng ngời cho đến khi sắp viên tịch

Trước lúc sắp lìa cuộc đời, thân thể con người thường bị đau nhức hành hạ như bốn con ngựa chạy ra bốn hướng để xé xác mình. Mọi thứ sắp vuột sạch khỏi tầm tay, một mình ra đi biền biệt, tâm thần lo âu, hoang mang, rối loạn. Thế nhưng với Sơ Tổ Trúc Lâm thì không như thế. Điều này biểu hiện rõ qua sự tự chủ và sức sống thiền của ngài.

...Đến ngày mùng 1 tháng 11, đêm nay trời trong sao sáng, ngài hỏi Bảo Sát: “Hiện giờ là giờ gì?”. Bảo Sát bạch: “Giờ Tý”. Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem và nói: “Đến giờ ta đi.”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đến chỗ nào?”. Ngài nói kệ đáp:

Tất cả pháp chẳng sanh,       Tất cả pháp chẳng diệt.

Nếu hay hiểu như thế,            Chư Phật thường hiện tiền.

                                               Nào có đến đi gì đâu!

Như bầu trời xanh trong trẻo, có những áng mây trắng lặng lờ trôi. Nếu nhìn theo sự biến chuyển của áng mây thì chúng ta sẽ bị những vầng mây kia chi phối, trôi theo sự còn mất sanh diệt của nó mà quên đi bầu trời xanh kia không chút lay động. Nếu nhìn thấu suốt qua bầu trời xanh mà không quan tâm đến sự sanh diệt của áng mây thì cũng thấy mây trôi, nhưng chỉ là chuyện bình thường không dính dáng gì đến chân trời kia; chỉ là thế thôi chứ đâu có gì phải bận tâm, bàn nói.

Cũng thế, ngay áng mây của thân tứ đại và các pháp quanh ta có sanh có diệt, nhưng tất cả không ra ngoài chân trời tự tánh hãy còn đó, chưa từng sanh diệt bao giờ. Suốt qua áng mây sanh diệt của các pháp; thấu tột, thể nhận và sống thẳng bằng tự tánh kia, sẽ thấy các pháp có tụ có tán, có đến có đi; nhưng lại chưa từng sanh, cũng chưa từng diệt bao giờ. Sống trọn vẹn bằng tự tánh như thế, tâm ta vốn đồng tâm Phật, “chư Phật thường hiện tiền”. Diệu lực của tự tánh cho ta không động mà thấu suốt tinh tường như thế. Đã đến trong đây thì thấy rõ các pháp xưa nay chưa từng sanh diệt. Thân này có sanh đi tử lại, nhưng chỉ thế thôi, chưa từng thấy có biến dịch bao giờ, “nào có đến đi gì đâu”.

Bảo Sát hỏi: “Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt là thế nào?”. Ngài liền tát vào miệng Bảo Sát và nói: “Chớ nói mớ!”. Nói xong, ngài nằm như sư tử lặng lẽ thị tịch.

Hiện nay, nhằm chỗ nào để thấy Tổ sư? Sơ Tổ vẫn còn đó hay đã nhập diệt đâu rồi?

Nói đến tột cùng cũng chỉ là bất đắc dĩ để tạm nói vậy thôi chứ không thể dùng lời để nói hết được. Hiện nay, chúng ta đang ở trong thời kỳ văn minh hiện đại, tất cả đều đang phát triển tiến bộ không ngừng, lại còn mạnh khỏe sáng suốt, nhưng để thấu suốt được lời khai thị của bậc tiền bối cha ông mình thì chưa bao giờ là việc dễ. Vậy mà đến trước cửa tử sanh, Sơ Tổ vẫn rạng ngời, vẫn lẫm lẫm oai phong hơn cả sư tử, tát cho Bảo Sát một tát rồi bảo: “Chớ nói mớ!”. Đến trong ấy liền thấy tột các pháp xưa nay chẳng sanh chẳng diệt. Thấy thì liền biết. Có ai ngộ đạo mà không biết đâu, lại còn đi hỏi là thế nào. Còn hỏi là thế nào thì có khác nào người ngoài cuộc, còn trong mê, đang mở mắt giữa ban ngày mà nói mớ! Một sự thoát ra tuyệt đối hiển hiện rạng ngời cho đến khi Sơ Tổ sắp qua đời. Thật tuyệt vời làm sao!

4.7. Tóm kết

Chưa bàn đến toàn diện, chỉ mới nhìn về một phương diện thoát ra, chúng ta đã thấy Sơ Tổ Trần Nhân Tông là một bậc kiệt xuất trong một đời sống giản dị, gần gũi, bình thường. Nếu không chịu khó để tâm học hiểu và quyết tâm thực tập triết lý thoát ra, chúng ta sẽ nhuốm sâu trong hố đen của sai lầm, tội lỗi, không thể cảm nhận được giá trị lớn lao của chân lý này. Nhìn cuộc đời của Sơ Tổ Trúc Lâm qua những biểu hiện thoát ra từ hiện tướng kỳ đặc, cho đến đời sống sinh hoạt của ngài từ khi sinh ra mãi cho đến lúc nhập diệt, cả một đời vốn tự thoát ra một cách rất tự nhiên. Mới biết, đã bao nhiêu đời rồi ngài thực hành và huân tu sâu dày, hôm nay chín muồi mới đạt được như thế.

Thoát ra để không tự mãn, chủ quan hay tiêu cực. Thoát ra để được bình tĩnh và sáng ra. Nếu hay thoát ra được, sẽ cho chúng ta khả năng uyển chuyển tùy duyên, biết cảm thông và chia sẻ; để hành xử và giải quyết mọi việc một cách linh hoạt đưa đến kết quả hoàn hảo; để được lợi mình lợi người; để phụng sự nhân sinh, tích cực giúp ích cho đời mà không tự mãn; và cuối cùng là siêu việt.

Người sống được bằng sức sống thoát ra tuyệt đối thì không cố định là phải ở không, cũng chẳng phải nhất thiết làm nhiều công việc. Thoát khỏi hai khái niệm trên thì chúng ta tự vượt thoát, không còn những suy nghĩ như phàm tình. Hằng ngày có làm nhiều việc lợi ích cho đời nhưng vẫn như là chưa từng làm gì cả. Vì vậy, Thiền sư Tịnh Không (Việt Nam) nói: “Ngày ngày đi gặt lúa, Giờ giờ kho lẫm không”. Chính không vướng kẹt vào sở đắc cho nên tích cực làm lợi ích cho chúng sinh một cách nhiệt tình, không có khái niệm bao giờ là vừa đủ, là nghỉ ngơi. Đây là tinh thần tích cực của người biết sống về bằng chân lý thoát ra.

5)    KẾT LUẬN

Có nhận thức được giá trị, trong thâm tâm có thích thú để đêm ngày tâm tâm niệm niệm quyết tâm học hỏi, chiêm nghiệm và thực tập cho bằng được tột cùng chân lý thoát ra thì mới được thấm nhuận, tinh thần này mới được phát huy qua nhiều lĩnh vực, mang lại kết quả mỹ mãn như ý muốn. Chúng ta thấy rõ điều này nơi Sơ Tổ Trúc Lâm. Đời sống của ngài bình dị mà hướng thượng như thế cho nên từ cuộc đời, tư tưởng, hành xử, việc làm, sinh hoạt, tu tập, giáo hóa cả đến khi viên tịch, không bao giờ thiếu vắng sức sống từ chân lý thoát ra này. Thoát mà không thoát, không thoát mà hằng vượt thoát. Bình dị nhưng rất siêu xuất; bình thường nhưng lại phi thường. Đó là chân lý thoát ra đặc biệt chúng ta học được từ Sơ Tổ Trúc Lâm. Sống được bằng chân lý này thì không thể nào tả hết giá trị đặc biệt của nó. Bởi lẽ nó sẽ làm thành cho mình trong nhất cử nhất động. Bằng ngược lại thì phải trả giá, thất bại, khổ đau.

Trước một thời đại đang từng ngày phát triển tiến bộ nhanh chóng, nhiều lĩnh vực đạt đến đỉnh cao, lẽ nào chúng ta lại bỏ sót một triết lý siêu việt mà cũng rất giản dị, thiết thực và gần gũi trong đời sống thường ngày của mỗi người mà cha ông chúng ta đã từng phát huy rất hiệu quả? Nếu thật sự như thế thì nhân loại phải chịu thiệt thòi biết bao!

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1098035
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2222
2814
2222
1072396
101133
92670
1098035