Thứ Tư 30/10/2024 -- 28/9/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Để Được Tiến Đạo - CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC

 


CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC

Thế gian là một sự vận hành chuyển động liên tục. Mỗi người có một cuộc sống riêng không ai giống ai, do đó sự vận hành cũng phong phú, đa dạng. Nhưng chung quy lại không ra ngoài hai phạm trù chính, đó là cuộc sống và công việc phục vụ cho cuộc sống ấy.

1.  XÁC ĐỊNH CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC.

1.1.    Thế gian.

Cuộc sống là những sinh hoạt mà mỗi người yêu thích. Như nghỉ ngơi, mua sắm, đi du lịch, sống bên gia đình, bên cạnh những người thân... Mọi người thường gọi là được sống với những gì mình ưa thích.

Công việc là những việc bắt buộc phải làm để mưu sinh, duy trì cuộc sống. Cụ thể là phải đi làm các công việc để có kinh tế, phương tiện nuôi sống bản thân và gia đình.

1.2.    Trong đạo.

Cuộc sống là việc chính của sự tu hành mà mỗi hành giả cho là lý tưởng. Như là có thời gian để thỏa thích đọc học Kinh Luận, tụng kinh, tọa thiền, đi kinh hành nhẹ nhàng thanh tịnh...

Công việc là những việc phải làm trong tự viện để duy trì sinh hoạt đời sống tu hành chung. Điển hình như phải lo việc Phật sự đối nội, đối ngoại, chấp tác...

2.  NHÌN NHẬN CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC.

Ở thế gian, mọi người đi làm thường mong tan sở để về với gia đình, đi mua sắm... Hoặc thường trông đến ngày nghỉ lễ để được đi du lịch... Trong Chùa, vào những ngày được nghỉ lao tác để chuyên tu thì cảm thấy mãn ý, an lạc. Thường ngày thì tranh thủ làm lao tác thật nhanh cho gọn việc để có thời gian đọc sách, tọa thiền...

Những mong mỏi ấy là chính đáng, không lỗi, nhưng có sai lầm trong cách nhìn nhận giữa công việc và cuộc sống. Cụ thể, nhìn nhận như thế là đã tách công việc và cuộc sống ra làm hai. Khi làm việc là lúc không được sống. Hơn nữa, vừa làm việc vừa mong hết giờ, đó là đã muốn giết chết thời gian, là tự giết chết cuộc sống của mình ngay lúc đó. Một ngày đêm 24 tiếng, có 8 tiếng đồng hồ làm việc đã bị giết chết, đồng nghĩa chúng ta đã tự giết chết sự sống của mình một phần ba của một ngày. Cộng lại một đời, chúng ta đã đánh mất đi một phần ba sự sống.

Có trông mong hay không thì hết giờ mới được tan sở. Trông mong cũng không về sớm hơn được. Thay vì mong ngóng, chúng ta nên tìm niềm vui ngay chỗ mình đang làm việc thì sẽ được sống ngay thời khắc ấy. Với người tu hành, không phải đợi đến khi tọa thiền mới tu mà ngay trên các sinh hoạt, khéo an tỉnh, giác sáng thì khi đang làm việc cũng là lúc chúng ta tu hành. Ngồi tu trong cảnh tịnh sẽ phát huy nội lực mạnh hơn, giúp cho hành giả dễ an định. Nhưng nếu chỉ có thế thì việc tu còn khiêm nhường, ít quá. Khi đi chấp tác, làm việc không tu được hay sao? Nếu hành giả khéo dụng công trên cảnh động nữa sẽ thấy sự tiến bộ rất rõ, diệu dụng phát huy đặc biệt đến bất ngờ. Mới hay ra, đạo không phải cố định ở một nơi nào đó mà thênh thang, trùm khắp.

3.  KHÉO SẮP XẾP CÔNG VIỆC ĐỂ ĐƯỢC SỐNG.

3.1.  Nhàn.

Mọi người thường than vãn vì bận bịu với công việc quá cho nên không có thời gian sống cho mình. Lúc bé lam lũ, cơ cực, vất vả giúp đỡ công việc bố mẹ cho nên tôi không có tuổi thơ. Thèm có được điều kiện sống khá hơn để ít việc, có thời gian nhiều hơn cho cuộc sống nhàn hạ, thảnh thơi. Nhưng ở chiều ngược lại, có rất nhiều người không việc, dư thời gian thì thấy chán, vẫn không được nhàn. Vậy, phải như thế nào mới được nhàn? Là không việc, ít việc mà được nhàn? Hay nhiều việc mà vẫn an nhàn?

Nếu ít việc, không việc thì ai lo cho bản thân và gia đình mình? Chúng ta không thể sống như người bệnh trong khi mình đang khỏe mạnh để người khác lo cho mình một cách vô trách nhiệm với cuộc sống. Hơn nữa, những ngày được giãn cách xã hội, ở nhà có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhưng có được nhàn rỗi hay không? Chưa hẳn có nhiều thời gian đã được nhàn. Thực tế là rất nhiều người mong ngóng dỡ bỏ lệnh giãn cách. Vừa được nới lỏng thì vé máy bay bán hết rất nhanh, nhiều nơi công cộng đông nghịt người... Nếu những ngày qua ở nhà được nhàn thì tại sao khi vừa nới lỏng lệnh giãn cách, mọi người lại túa ra ngoài một cách ồ ạt phấn khởi như vậy? Có người cho rằng vì công việc làm ăn, đây là lý do chính đáng. Nhưng những chỗ đông người lại là những điểm giải trí, du lịch chứ không phải ai cũng vì kế sinh nhai. Hoặc theo thống kê cho thấy, những ngày ở nhà rảnh rỗi thì chỉ số ly hôn rất cao. Ở Nhật Bản lại có cả những nơi đầy đủ tiện nghi dành cho những gia đình nào căng thẳng, một trong hai người tách riêng ra đến đây trú ngụ, lẩn tránh để khỏi đưa đến hậu quả tệ hại, đổ vỡ. Cho thấy, có nhiều thời gian rảnh rỗi chưa chắc đã nhàn.

Nếu cho rằng có việc mà vẫn nhàn thì phải làm sao để được nhàn? Bởi có nhiều người than vãn vì công việc mà tôi không được nhàn.

Tóm lại, chưa làm chủ thân tâm thì sống trong hoàn cảnh thế nào con người cũng khó thỏa mãn, dễ sanh nhàm chán. Chúng ta sẽ thực sự nhàn khi thân tâm đã lắng đọng, thanh tịnh, tự chủ. Nói là không việc hay có việc đều chưa rời công việc để nói, là đã can thiệp trên việc, tức đã quên mình theo vật, là đã bị rộn ràng rồi, không thể nhàn được. Muốn được an nhàn thì chỉ có hai khả năng: một là có đạo lực, trí tuệ bất động mà linh thông thì tự nhàn. Hai là bình tĩnh, dứt khoát, khéo léo sắp xếp công việc một cách có khoa học, như thế sẽ được an nhàn trong cuộc sống, được sống.

3.2.    Để được an nhàn, được sống.

a)    Có đạo lực và trí tuệ thì tự nhàn.

Muốn có đạo lực và trí tuệ chân thật bất động mà linh thông để thực sự được an nhàn thì phải quyết chí hạ thủ công phu tu tập. Đây là việc làm chính, cốt lõi, mang tính lâu dài để đạt đến sự an nhàn một cách tuyệt đối, đúng nghĩa, tâm ta tự nhàn.

b)    Bình tĩnh, dứt khoát, khéo léo sắp xếp công việc một cách có khoa học.

Muốn thế, chúng ta phải luôn bình tâm tĩnh trí trước mọi công việc, hoàn cảnh, tình huống. Ngay trên mọi hoàn cảnh, luôn giác sáng, không mê mờ. Luôn có một tư thái uyển chuyển, nhưng dứt khoát để tâm mạnh mẽ. Khéo léo sắp xếp công việc, biết tranh thủ thì sẽ có thời gian. Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Khi không thích thì con người tìm lý do, viện cớ. Khi thích thì sẽ tìm cơ hội, thời gian”. Hơn cả thích là sự quyết tâm. Nếu có quyết tâm, biết tranh thủ thì nhất định sẽ có thời gian để chúng ta tĩnh tâm, thư giãn.

Thêm nữa, đừng đánh mất thời gian sống của mình. Trước một dòng người đang xếp hàng chờ mình giải quyết, chúng ta chỉ sắp xếp công việc với người đang đối diện rồi đến người khác, không sanh tâm bực bội hoặc lo ra. Bởi không ai một mình có thể làm hết tất cả các công việc của nhân loại. Hơn nữa, trước hàng người đông đúc, ồn ào, có khi quý vị không chịu giải quyết người trước mắt mà lại tranh thủ phân bua với người từ xa. Nếu là người khéo sống, chỉ hết lòng với mọi người, tận tụy với công việc và giải quyết công việc nhanh nhất có thể đối với người đến trước, lần lượt đến người tiếp theo. Không nên vì bực dọc rồi dừng việc lại để đối thoại với người chưa đến lượt, sẽ mất thời gian, công việc không hiệu quả, có hại cho bản thân và những người liên đới.

Với người tu, khéo điều chỉnh giữa lúc chuyển đổi trạng thái từ cảnh động (làm việc, lo tổ chức) sang cảnh tĩnh (học, tọa thiền) thì lúc nào cũng nhàn và tu tập được. Cụ thể, thông thường khi đang làm việc hăng hái thì vào ngồi học hoặc ngồi thiền, chúng ta có cảm giác chưa sẵn sàng, hơi ngán. Ngược lại, vị nào giỏi ngồi học và ngồi thiền thì lười biếng làm công việc. Cho rằng vào chùa để tu chứ không phải đi làm như công nhân bốc vác. Không biết rằng, làm lao tác là một sự rèn luyện cần thiết của hành giả. Đây là yếu huyệt. Là hành giả một lòng vì đạo, muốn tu tập tiến bộ đích thực, chúng ta nên điều chỉnh tâm thái này. Khi ngồi thiền, đọc học kinh luận và chấp tác, tâm này vẫn lặng sáng đúng như chính nó, không đổi khác.

Thêm một điểm nữa, khi đang ngồi học hoặc tọa thiền tỉnh giác, lặng sáng. Hết giờ, đứng dậy đi làm công việc, chúng ta thường bỏ sót, bất giác ngay khoảnh khắc từ ngồi thanh tịnh chuyển sang sinh hoạt vận động ấy. Trong thoạt chốc đó, nếu hành giả không khéo dụng công sẽ rất dễ bỏ sót và bị quên tâm ngay lúc chuyển đổi trạng thái. Chính vì lý do này cho nên khi đang ngồi học thì tỉnh giác, nhưng vừa đứng dậy đi làm công việc thì liền bị rộn ràng, mất tự chủ. Vào thiền đường thì tâm thể rạng ngời, thanh thoát. Bước ra khỏi nơi tu tập thì bị vọng động kéo lôi. Nếu khéo chỉnh tâm để công phu miên mật thì sẽ được tiến bộ, đắc lực, cho hành giả tự tại, an nhàn.

4.  ĐỀ PHÒNG NHỮNG THÓI QUEN PHƯƠNG HẠI VỀ SAU.

4.1.    Lúc trẻ có thói quen gì, về già sẽ hiện ra một cách lẩm cẩm như thế.

Hôm nay có thói quen xét nét người khác, mai kia già không còn khả năng gì, nhưng lại hay xoi mói thiên hạ khiến họ ghét. Lúc trẻ hay nói sửa lưng mọi người, gặp cái gì cũng nói, mai này già sẽ tự càm ràm, lảm nhảm một mình vô cớ. Bây giờ thích ôn chuyện quá khứ, khi già sẽ nói mãi chuyện đời xưa. Cuộc sống thường ghét, không thích hay tâm đắc một điều gì, khi già sẽ nhắc lại mãi đến độ nói lặp. Nếu sống ưa lo ra thì về già bị cái tật lo lắng thừa thãi và tự khổ một mình. Nếu sống quá kỹ lưỡng, khúc chiết, chi ly đến nỗi chấp vào sự tướng quá mức thì về già sẽ lọ mọ xếp báo cũ, bì ny-lon... hoặc khó bằng lòng người khác. Đó chỉ là những ví dụ điển hình. Còn nhiều nữa, mỗi vị nếu tự soi xét lại bản thân sẽ nhận ra. Nếu thấy mình còn tồn tại điều gì chưa ổn thì nên kịp thời chỉnh sửa lại để không phương hại đến mai sau.

4.2.    Tỉnh giác, soi xét kỹ để sửa đổi. Không để thói quen, tập khí chi phối, phương hại sau này (Khi già và kiếp sau).

Trải qua mấy dặm thương trường,

Cuộc vui tao ngộ cuộc vương đọa đày.

Cuộc sống là một sự vận hành chuyển động liên tục. Ai cũng có những sinh hoạt và công việc nhất định. Trong những sinh hoạt và công việc hằng ngày đó, chúng ta phải khéo léo đừng để nó chi phối, tạo thành vết hằn, gây hại về sau.

Không để những sinh hoạt nơi công sở, công việc ngoài chợ hoặc phố phường khiến mình bực dọc rồi về nhà trút giận lên người thân. Không để cho nắng hạn mưa dông, trái nắng trở trời, được mùa mất giá... làm cho chúng ta khó chịu để rồi phải trở thành một người băn hăn bó hó khó ai ưa... Nếu không biết bình tâm tỉnh trí để đối diện với cuộc sống; không khéo cân bằng, chuyển hóa, bớt dính mắc trên mọi tình huống, hoàn cảnh thì cái gì cũng làm cho chúng ta bực bội được. Lâu ngày như thế sẽ tạo thành thói quen hoặc cái tật không tốt, ảnh hưởng xấu đến bản thân và nhiều người khác.

Với người tu, nếu không khéo giác sáng mà bỏ quên tự tánh, sống theo công việc thì suốt đời tu hành chỉ là một sự tạo tác, thành nghiệp để phải bị bồi hồi, hoang mang, bất ổn khi già.

5.  SỐNG CÓ ĐẠO, KHÔNG THUẬN TÌNH NGƯỜI.

5.1.  Sống bằng nhiệt huyết và trí tuệ, không theo cảm xúc.

a)    Nếu sống bằng cảm xúc, tình cảm.

Không xác định hướng đi, chỉ có thích thì làm. Hoặc xác định hướng đi theo sở thích, cảm xúc, cảm tính không rõ ràng. Hay việc ấy thích thì tôi mới làm, và chán thì tôi mới buông bỏ được. Tất cả những gì được quyết định, làm việc qua cảm nhận, cảm tính, cảm xúc… đều là lối vào đời bằng tình cảm, cảm xúc. Người sống bằng cảm xúc, tình cảm thái quá sẽ thiếu trí tuệ và chí khí mạnh mẽ, dứt khoát, sẽ rất khổ bởi trăm mối tơ lòng, khó làm nên chuyện lớn cho đời.

Đến chùa mà quý thầy không đón tiếp thì anh A bảo, thầy tu hành mà tiêu cực, vô cảm, không nghĩ đến người khác. Khi quý thầy tiếp anh A thì nhiều người khác cũng đến và muốn được gặp. Sau khi đàm đạo, ai cũng khuyên thầy nên bớt tiếp khách để giữ gìn sức khỏe. Chính quý vị muốn gặp, không cho gặp thì phiền, nhưng cũng chính quý vị ấy khuyên thầy nên bớt lại, đừng tiếp khách nhiều ảnh hưởng sức khỏe. Phải làm sao? Có nhiều vị tư vấn, thầy nên có sự lựa chọn, giới hạn lượng khách, để còn dành thời gian tu hành. Nhưng rồi lại có nhiều người khác nói, thầy tu hành mà còn thiên vị, tiếp người này, bỏ người kia. Nếu nói khéo là thầy đang bận hoặc vì lý do gì đó thì mọi người lại nói, thầy tu hành mà còn nói khéo như thế thì có khác gì dối lòng với người khác. Quý thầy thật thà, làm vừa lòng, bình đẳng hết với tất cả mọi người, ai đến cũng tiếp thì lại bị mọi người chê bai, Thầy tu kiểu gì mà ngồi tiếp khách suốt cả ngày, còn đâu thời gian để tu hành... Vậy thì quý thầy phải làm sao mới phải?

Đây là ví dụ điển hình cho lối sống theo cảm xúc, sống vì người khác một cách thái quá, đã vô tình đánh mất chính mình. Ngoài đời còn nhiều tình huống khó xử hơn nữa. Nếu sống theo cảm xúc, tình cảm thì không bao giờ có hướng xử lý trọn vẹn được. Kết quả là không những không thể làm thỏa mãn người khác mà với mình cũng không làm nên được gì.

Trong cuộc sống, có người trải qua một vài tai nạn khiến họ thiếu niềm tin với cuộc đời, từ đó dễ nghi ngờ mọi chuyện, lòng khép lại và sống vị kỷ, khép kín. Cho đến gần cuối đời mới nhận ra đã sống dối lòng với mọi người và bản thân. Quãng đời sống qua đã gây ra nhiều lỡ lầm tai hại cho mình và mọi người bởi cách sống vị kỷ, khép mình ấy. Một người khác thì quên mình mà sống vì mọi người. Cuối cùng lại nhận ra là đã đánh mất chính mình và làm hư hỏng nhiều người khác bởi lòng tốt thái quá và thiếu trí tuệ. Sống vị kỷ cũng làm khổ cho mình và người. Sống hết mình cũng chưa khỏi mọi họa ương, có khi không làm cho ai thực sự được an vui hạnh phúc. Vị kỷ hay vì người đều nhằm trên cảm xúc, tình cảm để hành xử. Mới biết, sống theo tình cảm, cảm xúc thì khó ổn. Chúng ta cần phải sống bằng nhiệt huyết và trí tuệ, bằng lòng từ bi quan tâm đến người khác một cách có trí tuệ thì sẽ tốt cho mình và mọi người.

Khi chuẩn bị thực hiện một dự án lớn hợp ý mình, chúng ta rất phấn khởi. Khi đi vào thực hiện, gặp nhiều khó khăn vất vả không còn vui nổi, khiến người mệt nhoài, không thể chịu được, con người sẽ bất lực, bỏ cuộc. Nhưng hoàn cảnh không cho phép. Nếu bỏ cuộc sẽ bị nhiều liên lụy, bắt buộc phải có trách nhiệm tiếp tục công việc, thì lại là làm được. Cho thấy, bắt đầu công việc bằng cảm xúc thích thú thì ý chí nhỏ bé, gặp khó không vượt qua được. Nhưng nếu bằng trách nhiệm, nhiệt huyết, trí tuệ thì bản lĩnh lớn hơn, khó mấy cũng không có quyền bỏ cuộc, và vượt qua.

b)  Sống bằng nhiệt huyết và trí tuệ.

Con người đi vào đời bằng nhiệt huyết và trí tuệ, người này đã xác định tầm nhìn và hướng đi chuyên nghiệp, rõ ràng. Tĩnh lặng để thấy ra vấn đề một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất, không để cảm xúc, con tim chi phối. Không phải tôi làm theo sở thích mà phải xác định việc ấy cần làm thì mình phải có trách nhiệm thực hiện. Điều vô nghĩa, phi đạo đức thì dù có hấp dẫn đến đâu vẫn thấy nó là không cần thiết. Suy nghĩ và hành động bỏ ngoài cảm xúc của thích và không thích mà phải xác định sự cần thiết cho đạo, cho đời.

Tôi đến chùa, đằng sau những ấn tượng thanh thoát ấy còn gì nữa, hay chỉ có thế? Không vội phán đoán mọi việc qua bản ngã nhỏ nhoi thấp hèn. Bỏ ngoài những cá nhân hoặc chi tiết đã khiến mình hài lòng hay khó chịu. Đừng mong quý thầy làm hài lòng mình, bởi như thế thầy sẽ thuận theo phàm tình của chúng sanh, chúng ta mất cơ hội học đạo giác ngộ giải thoát. Không mong huynh đệ cùng tu phải tốt với mình, nếu vậy sẽ khiến cho bản thân yếu hèn. Cần có một chút cầu thị, chịu khó và nỗ lực rèn luyện để tìm tòi bằng nhiệt huyết và trí tuệ, chúng ta mới có cơ hội học hỏi Phật pháp, nhận ra trí tuệ Phật. Đây là yếu tố tiên quyết để giúp con người miễn nhiễm, đạt được an lạc giải thoát thực sự, chứ không chỉ nằm trên khẩu hiệu hoặc lý thuyết suông.

c)  Cảm nhận giá trị.

Ngày Tết, Thiền viện có được một số kinh sách do Phật tử ấn tống để biếu tặng du khách lễ Phật đầu năm. Xem qua, cảm kích nhiều giá trị từ cuốn sách mang lại, có vị khách hỏi thăm về việc tặng sách miễn phí, một Thầy đáp: “Ở chùa là thế mà, chỉ cho đi chứ không nhận lại… Khách thỉnh hết rồi thì chúng tôi tiếp tục mang ra thêm, cho đến hết sách thì thôi”.(Trích từ bài viết “Lên cõi thiền… thỉnh sách” của Nhật Lam, www.motthegioi.vn). Câu trả lời không sai với tinh thần vô ngã vị tha của nhà Phật. Nhưng lại là cách trả lời của người đang ở mức cảm nhận đạo Phật qua cảm khái, qua lòng từ bi chứ chưa ngộ sâu trí tuệ mà đức Phật muốn chỉ. Nếu là người khởi đầu và luôn sống bằng nhiệt huyết và trí tuệ, sẽ có câu trả lời khác: “Từ bản thân mình đã từng trải qua, chúng tôi nhận thấy con người khổ là do mê lầm, chưa nhận ra lẽ thật. Có khi chỉ vì một điều rất bé nhỏ, nhưng trong nhất thời chưa kịp tỉnh ra cho nên trong lòng u uẩn, phải chịu khổ đau không đáng có. Trong những tập sách này là những gợi ý hoặc chỉ ra nhiều điều. Nếu ai hữu duyên đọc được, trúng chỗ mình đang vướng kẹt, bầu trời u ám được vén lên, mọi sai lầm tiêu tan, hết khổ. Cảm từ giá trị đó, cho nên chúng tôi cố gắng làm hết sức trong khả năng mình có được”. Cách trả lời có khác, bởi nó mang hơi hướm, mùi vị của trí tuệ thấy ra giá trị của vấn đề và lòng nhiệt huyết muốn mọi người cùng được thừa hưởng. Chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng đã thấy sự khác biệt rõ nét giữa trí tuệ và cảm xúc. Huống nữa cả một đời, nếu sống bằng nhiệt huyết và trí tuệ sẽ cảm nhận được nhiều giá trị đặc biệt đến dường nào!

5.2.  Có đạo, không thuận tình người.

Tướng quốc Đỗ Hồng Tiệm soạn được vài chương sớ giải về Luận Đại Thừa Khởi Tín, đến hỏi Thiền sư Vô Trụ, có thể được gọi là xứng hợp Phật pháp chăng? Sư dẫn một đoạn trong luận ấy và bảo: “Tướng quân sớ giải là kẹt nơi tướng ngôn thuyết, kẹt nơi tướng danh tự, kẹt nơi tướng tâm duyên. Đã kẹt nơi mỗi mỗi tướng, sao được gọi là Phật pháp?”.

Tướng Công đảnh lễ và thưa: “Đệ tử cũng từng hỏi các vị Đại đức trong Triều, đều khen đệ tử là chẳng thể nghĩ bàn. Phải biết những vị ấy chỉ thuận theo tình người. Nay Thầy theo lý mà giải nói hợp với pháp tâm địa, đúng thật là chân lý chẳng thể nghĩ bàn”.

Khen sai là giặc, bởi khiến cho chúng ta lầm tưởng mình hay thật rồi ngủ quên trong mê lầm. Chê đúng là thầy, vì dám chỉ thẳng những chỗ còn khiếm khuyết để mình có cơ hội sửa đổi, vươn lên. Cho thấy, nếu thuận tình người thì chỉ có khả năng làm vừa lòng người khác, là được phàm tình, nhưng mất đạo. Nên sống có đạo thì mới cứu được mình và nhiều người được giác ngộ giải thoát. Thuận theo tình người thì chỉ làm khổ cả hai.

Với người tu hành thì việc này lại cần phải nghiêm túc hơn. Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy: “Những việc như luyện chú thuật, thuốc tiên; giao hảo với người sang trọng, khinh thường kẻ thân cận gần gũi đều không nên làm. Phải tự mình luôn giữ chánh niệm, tâm ngay thẳng cầu thoát sanh tử”.

Phần đông con người thường có tính hiếu kỳ do đó thích những gì huyền hoặc hơn là thực tế. Đồng thời có tật lười biếng nên muốn có phép mầu để giải quyết mọi chuyện cho khỏe, hơn là vận động tự thân. Những việc luyện chú thuật, thuốc tiên sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy hấp dẫn, ưa thích. Nhưng những việc ấy chỉ làm huyễn hoặc, mê lầm người, không giải quyết được tận gốc khổ. Do đó, đức Phật khuyên người xuất gia không nên thuận theo tình người để làm những việc như thế. Phải sống có đạo. Cụ thể Phật dạy, không nên giao hảo với người sang trọng, khinh thường kẻ thân cận gần gũi. Nghĩa là không nên tham đắm chức quyền, danh vọng, địa vị, tài sản để tìm đến giao hảo nịnh nọt với người giàu sang, quyền lực, lấy đó làm thế mạnh rồi trở về ngã mạn, khinh thường chúng Tăng. Phật dạy phải nên tự mình luôn giữ chánh niệm, tâm ngay thẳng cầu thoát sanh tử. Trước lúc sắp vào Niết-bàn, đức Phật vẫn còn đinh ninh căn dặn đệ tử những điều thiết yếu như thế. Mới thấy, việc sống có đạo, không thuận tình người quan trọng đến mức nào.

6.  KHÔNG KẸT TRÊN TƯỚNG.

Nguyên soái Lý Thất Ca hỏi Đại sĩ Hải Vân:

- Ông đã làm tăng, vậy thuộc thiền hay giáo?

Sư đáp:

-  Thiền và giáo là lông và cánh của tăng, như đất nước dùng người phải gồm cả văn và võ.

Lý Thất Ca nói:

- Đúng rồi, nhưng ông theo bên nào?

Sư nói:

- Chẳng theo cả hai.

Lý Thất Ca hỏi tiếp:

- Vậy ông là gì?

Sư nói:

- Thầy chùa.

Mới vào đạo, trước tiên cần học thông Kinh, Luật, Luận để ứng dụng vào đời sống tu hành. Nếu không học hiểu để thấu suốt lời Phật, ý Tổ thì nương vào đâu để tu tập? Tu như thế chỉ là tu mù, rất dễ bị sai lạc. Nếu không tham thiền, làm sao đạt định, phát huy trí tuệ vô lậu, được tự tại giải thoát? Cho nên Thiền và giáo là điều kiện cần và đủ để hành giả tu hành đạt đến giác ngộ, giải thoát. Học giáo để thông lý, tham thiền để ngộ tâm; nói theo giai thoại trên, tất cả để làm nên một vị Thầy chùa (tu sĩ đạo Phật).

Khi đạt đến rốt ráo viên mãn, đạt đến chỗ cốt lõi chính yếu mà thiền và giáo muốn chỉ thì không còn kẹt trên tướng ngôn thuyết của giáo, không trệ nơi cơ của thiền. Thiền và giáo đã làm nên một vị Thầy chùa đúng nghĩa, thực sự.

Lúc này từ tâm tánh, hành giả hay tùy cơ lưu xuất cơ thiền để khai thị thiền giả, tùy thời thuyết giáo để hóa độ chúng sanh. Và vị Thầy chùa lúc này đã đạt đến rốt ráo viên mãn trọn vẹn. Mất hút các tướng, trở lại như xưa, tất cả đều như cũ mà hay linh hoạt, tự tại, tươi mới. Đến đây mới thừa đương được việc lớn của Phật Tổ, đem ánh sáng Phật pháp soi rọi vào đời để cứu khổ, ban vui cho tất cả chúng sanh. Đạt đến rốt ráo viên mãn như thế là do sự lý dung thông, không kẹt trên bất kỳ hình tướng nào dù đó là tướng của pháp, của thiền hay là một sự chứng đắc trong công phu tu tập.

7.  TẤT CẢ HIỆN THÀNH.

Thiền sư Văn Ích Pháp Nhãn trình kiến giải, nói đạo lý hơn một tháng, nhưng vẫn bị Thiền sư Quế Sâm bảo:

- Phật pháp không phải thế ấy.

Cuối cùng, Sư thưa:

- Con đã hết lời cùng lý rồi.

Quế Sâm bảo:

- Nếu luận Phật pháp thì tất cả hiện thành.

Qua câu nói ấy, Sư liền đại ngộ.

Bặt cả tâm và cảnh, thể và dụng, sự và lý... Lúc này chỉ là bình thường, bất động, nhưng sáng ngời, linh thông đến chủ động. Tất cả vẫn như xưa cũ mà không một vết mê, không có gì chẳng phải là Phật pháp. Do đó nói: “Nếu luận Phật pháp thì tất cả hiện thành”.

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Duy Chánh:

- Thầy lấy danh là Thiền sư sao không nói thiền?

Sư đáp:

- Ngày đêm nhờ vạn tượng diễn bày mà thôi. Ngôn ngữ có gián đoạn, mà pháp này vô tận, nên gọi là Tạo hóa vô tận tạng.

Đói thì ăn, mệt thì ngủ, có việc thì làm, không việc thì cũng chỉ có thế, mất hút tướng hình. Cho đến chim hót, suối reo, mây bay, nước chảy, hoặc đến cả phố thị đông người... chỗ nào thiếu vắng Phật pháp? Sao không chịu nhận mà còn đòi nói thêm gì? Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh bảo ngài Đạo Ngô Viên Trí: “Nói tột lời nói cũng chỉ nói được tám phần”, phần còn lại mỗi người phải tự nhận. Ngôn ngữ trần gian có giới hạn, pháp thật tướng này thì vô tướng, thênh thang, không ngằn mé, làm sao nói đến được. Tạo hóa, muôn vật đã diễn bày vô tận vô biên đủ cả rồi, cho nên gọi là tạo hóa vô tận tạng.

Chư Tổ nói: “Cho đến tường vách ngói gạch, không cái gì chẳng thuyết pháp. Cho nên Linh Vân thấy hoa đào nở mà ngộ đạo; Huyền Sa bảo yến hót là bàn sâu thật tướng. Thế thì cả quả đất đều là cửa ngộ, cái gì chẳng phải đạo này?”.

Ngài Sơn Am nói: “Mới tin việc này chẳng phải ở trên lời nói. Đến như gió động, bụi dấy, chim lượn, mây bay thảy đều là chỗ đẩy người vào, nhưng tự là ngay mặt lầm qua”.

Mỗi mỗi những gì đang đối diện, quanh ta, đều đang tuyên thuyết diệu pháp. Chỉ cần nhận lại liền xong, nào có thiếu vắng bao giờ!

8.  ĐỨC HẠNH VÀ TRÍ TUỆ.

Đức Phật là đấng lưỡng túc tôn, hay còn được mọi người tôn xưng là bậc phước trí nhị nghiêm, phước đức và trí tuệ tròn đủ, không thiên lệch, thiếu khuyết. Hành giả tu hành muốn thành tựu Phật đạo thì phải có trí tuệ và đức hạnh vẹn toàn.

Thông thường người hiền lành thì dễ thiên về sự, kẹt trên tướng, trí tuệ không được cao vót, dễ rơi vào các công việc. Ngược lại, người có trí tuệ thì dễ bị thiên về lý, bỏ sót các hạnh khác, dễ sanh các chướng ngại trong việc tiến đạo. Song song với những gì đã sẵn từ những đời trước, hiện tại hành giả phải cẩn mật trong việc tu tập và đời sống thì mới dung thông cả hai, không bị kém khuyết.

Đôi khi sống có vẻ cao thượng, nhưng có biết huynh đệ bên cạnh đang bị khó khăn gì trong đời sống tu tập hay không. Bàn thiền nói đạo thì cao tột, nhưng có bao giờ nấu một bát cháo cho huynh đệ cùng tu đang bị ốm? Đạo nghiệp thành tựu rực rỡ, nhưng có làm được một việc bình dị, bình thường như rửa bát, quét nhà, nấu cơm... Hoặc theo chiều ngược lại, hiền lành, đức hạnh, tham gia thời khóa nghiêm túc, nhưng có cảm thông được huynh đệ nói lý mà thiếu tu hay không? Ngoan hiền, chất phát, tận tụy với tất cả các công hạnh, nhưng có mặc cảm, tự ty khi thấy mình không theo kịp huynh đệ? Và còn nhiều nữa. Tất cả đều do bị thiên lệch một phía mà có ra. Không phải là lỗi, do lực tu chưa đủ cho nên tạm thời phạm phải như vậy. Nhận ra, nỗ lực công phu thì có ngày cũng đạt đến viên dung, rốt ráo, viên mãn.

Chí khí chất ngất trời xanh, trí tuệ thấu triệt bổn tánh, nhưng đức thì khiêm cung, hạnh thì không hề trái hay bỏ một pháp lành nào. Sống, tu và hành xử như thế, lý sự dung thông, trí tuệ và đức hạnh kiêm toàn thì đạo giác ngộ mới hiển hiện, mới hay vào đời giáo hóa làm lợi ích chúng sanh.

9.  KẾT LUẬN.

Cuối cùng, cuộc sống là gì, công việc là gì? Nếu còn trả lời phân hai thì chúng ta không có được một cuộc sống trọn vẹn. Phải thấy rõ, còn hít thở là còn sống. Làm công việc phục vụ cho cuộc sống, cũng là đang sống. Cuộc sống và công việc không còn phân hai, không khác. Với người tu hành thì luôn tỉnh giác, tâm mình luôn có mặt trên mọi sinh hoạt thì sống là tu, tu là sống. Cuộc sống, công việc và sự tu hành không còn khác biệt. Chỉ một con người giác ngộ này thôi, có ai khác vào trong đó đâu mà bảo là đồng hay khác?

Dù người có căn cơ cao hay thấp, đã có cách sống, có phương pháp hành trì hay không còn nương vào bất kỳ phương pháp nào nữa, mỗi mỗi đều đã nêu khái quát. Chiếu theo những gợi ý vừa nêu trên để soi xét kiểm điểm công phu tu tập, mỗi hành giả sẽ tự nhận ra, tự sống, tự mình tu tập, thấu suốt và tự thấy ra việc của chính mình như người sáng mắt nhìn vật trong lòng bàn tay, sẽ được tiến đạo.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1109858
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3081
2716
14045
1072396
112956
92670
1109858