Chủ Nhật 24/11/2024 -- 24/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Để Được Tiến Đạo - TU TẬP CHỈ TRONG CÁI NHÌN

 

TU TẬP CHỈ TRONG CÁI NHÌN

 

1.  TU LÀ BIẾT SỬA SAI.

Chưa phải là bậc Thánh nhơn, khi còn là phàm phu thì ai trong đời cũng có ít nhất một đôi lần phạm phải sai lầm. Có khi do chưa biết, hay do thói quen (tập khí) chi phối, không tự chủ; hoặc do mê lầm, nhất thời bất giác... đưa đến nghĩ sai, hành xử không đúng mực, sống chưa đúng.

Đức Phật dạy, thế gian có hai hạng người tôn quý: “Một là không phạm lỗi. Hai là nếu lỡ phạm lỗi thì biết ăn năn sám hối, sửa đổi, vươn lên”. Chốc trước đó vừa là phạm nhân. Phút giây sau được nhắc thức, đủ duyên, tỉnh ngộ ra, sửa đổi, sống tốt, liền trở thành người tử tế. Một tội phạm tày trời còn biết sửa sai để trở thành người tốt được, có vị còn ngộ đạo trong tíc-tắc. Huống nữa mình mới phạm phải một ít sai lầm mà không biết sửa đổi để vươn lên được hay sao!

Tàm quý (hổ thẹn) là gốc của muôn công đức lành. Mất tâm tàm quý thì công đức lành cũng mất hết. Việc ác nào cũng dám làm, sống ngông cuồng theo bản năng, sẽ gây ra nhiều tội lỗi. Và rồi khổ đau ấy chính mình phải gánh chịu. Oan uổng! Không nhất thiết phải như vậy! Chỉ cần tỉnh tâm sớm để nhìn nhận cho thật chín chắn, nghiêm túc, sẽ thấy biết một cách đúng đắn, sâu sắc, toàn diện và tích cực. Đúng và sai chỉ trong một niệm, trong một cái nhìn “nhận biết hoặc chưa biết”. Không nên biết mà cố phạm để phải khổ đau mãi. Nếu có tâm ăn năn, dám sửa đổi, làm lại từ đầu thì sai lầm nào cũng có cách cứu vãn được.

2.  CÔNG PHU TU TẬP CHỈ TRONG CÁI NHÌN.

Nhìn một cách sâu xa, nguồn gốc của mọi sai lầm đều bắt đầu từ mê mờ (vô minh). Nó khởi nguồn phát xuất từ bất giác, chợt thoáng quên mình, từ đó thấy biết theo mọi thứ bên ngoài. Thế là mê muội sanh ra sai lầm, sai lầm tăng thêm mê muội. Cứ thế chồng chất, khổ não không cùng.

Đến như khuôn phép là để tốt cho mình và mọi người. Nhưng do không biết cho nên nhìn trên sự tướng và chấp theo khuôn phép. Nhằm trên đó để phán xét người khác mà quên soi lại để sửa đổi bản thân. Lâu ngày như thế chúng ta sẽ cảm thấy tự bực bội một mình, thấy cái gì cũng không bằng lòng, căng thẳng, phiền não. Đó là đã bị khuôn phép trói buộc (câu thúc).

Tai họa sai lầm này là do cái nhìn bị sai, lo nhìn ra lao theo cảnh để soi người khác mà quên soi lại nơi mình. Hằng ngày quen bất giác, quen nhìn ra. Thấy, nghe, biết đều theo ngoại cảnh, tình huống, muôn vật mà quên phản quan, lâu ngày như thế sẽ thành thói quen. Đồng thời trong tâm càng loạn động thì chân tánh càng bị lu mờ. Khi gặp ai đó có điều sơ thất, chúng ta liền theo đó mà bực bội không chịu nổi, đem khuôn phép ra để trách cứ. Kết quả là gây thêm phiền não cho cả hai và chính mình mất đi một cơ hội để tu tập. Nếu biết phản quan, thanh tịnh, giác sáng, sẽ hay ra, không điều gì có thể làm khó mình được.

Cuộc đời vốn dĩ tương đối. Ra lệnh nhưng không được hành hết lệnh. Hành hết lệnh sẽ thất bại. Khuôn vàng thước ngọc cũng chỉ để ổn định trật tự cuộc sống nhân gian. Ngoài nhân gian ra, nó không có giá trị. Đến như Giới Luật nhà Phật cũng để ngăn quấy, dứt ác, làm thanh tịnh cho chúng sanh thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Người tu hành đạt đạo rồi thì trong tâm chứng ấy đã trọn đủ, không còn cố chấp như phàm mê. Chưa phải là bậc có trí tuệ đầy đủ để gánh vác trách nhiệm, còn là người tu hành, chúng ta nên có cái nhìn cho đúng đắn thì việc tu hành mới thanh thoát, an lạc. Với mình thì phải chặt chẽ, sít sao, kỹ lưỡng, khép mình vào kỷ cương để thanh tu, rèn luyện, dứt các tình tệ. Với người thì nên hỷ xả, độ lượng, khoan dung. Luôn tập soi sáng lại mình để tu tập, không nhìn lỗi người khác. Có vậy thì phàm tình mới mỏng dần, trí tánh thanh tịnh mới sáng soi, việc tu hành mới bớt dần lỗi lầm và lần hướng tiến đến đạo quả giác ngộ giải thoát.

Một sự thật mà ai cũng biết, đó là mọi thứ trên đời đều rỗng tuếch, tạm bợ, không có gì chắc thật. Nhưng có một điều mà ai cũng dễ mắc phải sai lầm, là thầm chấp cho nó là thật và lao theo. Để rồi, hằng ngày quên soi sáng lại chính mình, chỉ thấy biết theo ngoại duyên, đắm nhiễm, dính kẹt và phải trả giá khổ đau trong ân hận, tức tưởi, không đáng có.

3.  CÔNG PHU TU TẬP CHỈ TRONG TÂM THẾ NHÌN.

Ví dụ đến phiên được nhập thất chuyên tu, huynh A rất trân quý. Ngôi thất nằm trong vườn cây ăn trái, cạnh hầm phân. Quý thầy Tri Viên đem phân cá về hôi thối nồng nặc, đến nỗi nhức đầu. Chưa hết, huynh đệ đi làm vườn, cuốc đất, trao đổi công việc... làm động khu thiền thất, không được yên tĩnh. Trong thất, huynh A sẽ thế nào?

3.1.  Nhìn theo khuôn phép để trách cứ hoàn cảnh, mọi người.

Nếu thế, huynh A sẽ lảm nhảm một mình. Tại sao khu thiền thất mà Thầy Tri Viên lại đem phân về hôi hám ô nhiễm như thế làm sao tu? Vì sao những người làm vườn lại nói chuyện ồn ào tại khu thiền thất một cách vô ý thức như thế. Tại sao lại làm ồn ào trong khu vực chuyên tu... Kết quả tăng thêm căng thẳng, không thể công phu. Đó là do bất giác, sai từ khởi điểm của cái nhìn ban đầu, quên soi sáng lại mình mà chiếu theo hoàn cảnh bên ngoài, do đó gặt lấy kết quả là phiền não tột độ, mất tu. Người khác sai thì có thể đã sai. Nhưng cuộc đời còn đó vô vàn ngang trái, không chìu lòng người. Mong hoàn cảnh theo như ý mình, chưa bao giờ là người thông minh cả. Có khi chính cái nhìn này tự giết chết đời mình. Đang sống mà bị bất đắc chí, bất mãn, trách cứ, thấy cả bầu trời toàn u ám. Sống mà không được sống phút nào.

3.2.  Nhìn lại sự yếu kém của mình và tôn trọng đại chúng, người khác.

Khi vừa bất giác, trong lòng thấy phiền những cảnh duyên kia, huynh A liền nhận ra mình đã quá yếu kém. Ở trong thất đang là điều kiện tốt nhất cho việc hạ thủ công phu tu tập. Hơn nữa hiện tại mình đang khỏe mạnh, tất cả đều tối ưu nhất. Đối với một duyên nhỏ như thế, mình vẫn còn có quyền được lựa chọn “không thèm để ý” và tu tập được. Nhưng ngược lại, mình không chịu nổi, phiền muộn, bực bội, trách cứ, đánh mất công phu. Nếu thế, trong vòng luân hồi sanh tử sẽ còn nhiều điều mãnh liệt và dai dẳng hơn, không ai lường trước để được lựa chọn. Khi ấy, lực mình không đủ, sức khỏe và điều kiện để tu tập không như hiện nay, chúng ta sẽ đối trước sanh tử như thế nào? Có nguy hiểm hay không? Tự nhắc thức, phản quan lại chính mình để tiếp tục công phu, tâm sẽ lắng đọng, an vui. Nghe đại chúng trao đổi công việc và lao tác ngoài kia, chúng ta cảm thấy áy náy, hổ thẹn. Mình được ngồi yên trong mát để tu tập, huynh đệ phải thay mình lao tác vất vả. Tâm tâm niệm niệm đầy lòng tri ân, chúng ta sẽ nỗ lực công phu tinh tấn và miên mật hơn để được tiến bộ, xứng đáng với những gì Thầy Tổ và huynh đệ đã hy sinh cho mình.

3.3.  Sống thẳng tự tâm, tất cả liền vắng bặt, bình thường.

Người trong thất không dính đến chuyện ngoài thất. Đối trước tất cả, huynh A không sanh khởi gì. Chỉ bình thường, an nhiên, tọa thiền. Tất cả tiếng nói, mùi hôi đều trở nên trong lặng, không ngoài bản tâm vô tướng, thênh thang, sáng biết, ngập tràn lạc an. Âm thanh ngoài kia có còn hay không, cũng chỉ như tiếng gió thoảng, chim hót, lá đong đưa, giọt sương còn đọng hay đã tan biến... Tất cả chỉ là sự hiện hữu trong tự tánh chánh định chính mình, chỉ là bình thường, chưa từng sanh diệt. Lòng tràn hoan hỷ, sự lý viên dung, bi trí vẹn toàn, lòng người chan hòa, thanh thoát biết mấy! Không thích hơn sao!

4.  ĐỨNG Ở ĐÂU, NHẰM CHỖ NÀO ĐỂ THẤY?

Cùng một tình huống nhập thất như trên, nhưng tại sao có người bị phiền não, có người thì vẫn thanh tịnh? Hoặc với huynh A, trước đó thì thấy phiền não, sau đó lại được thanh tịnh?

Nếu mê, nhìn trên sự tướng bên ngoài mà đánh mất chính mình thì bị ngoại duyên chi phối, khiến cho phiền não, mất công phu. Lúc này đem khuôn phép là Khu thiền thất phải yên tĩnh để đối chiếu với tình huống đang xảy ra và bắt lỗi huynh đệ đang làm việc. Dù khuôn phép ấy là đúng, nhưng chúng ta lại bị sai trong cách nhìn cho nên mang lại phiền não, không như khuôn phép mong muốn. Chỉ giỏi “cố định phải như thế” mà chưa giỏi “linh động, không nhất thiết phải như thế mà vẫn tu được”. Bị cái chấp cột cứng, không thể chuyển được cảnh động thành thanh tịnh bằng công phu chính mình. Đây là chúng ta đã đánh mất đi một cơ hội vàng hiếm có để tự mình trắc nghiệm công phu. Hoàn cảnh vô tình đưa đẩy trong bất ngờ mới là trận chiến thật. Còn lại, tất cả những tính toán trước hoặc đã bày sẵn đều là sự giả lập trong tâm tưởng mình. Trận chiến thật mới biết nội lực mình đã mạnh hay còn yếu. Trận chiến giả định thì có thắng hay bại gì cũng chỉ là huyễn giả mà thôi. Tai hại không chỉ dừng ngang đó. Người thấy biết trách cứ như vậy còn bị tổn đức, các chướng ngại tự sanh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và công phu tu tập.

Nếu biết soi lại mình, sống bằng tự tánh sáng ngời để thấy biết thì mọi việc đang diễn tiến mà vẫn đang trong lặng, như như. Trí lực này sẽ giúp chúng ta làm chủ bản thân, đồng thời khéo uyển chuyển, tùy duyên, không có gì dễ dàng làm chướng ngăn mình được.

5.  KẾT LUẬN.

Giữa phố thị, nếu phiền não với dòng người, xe cộ thì lên núi rừng sẽ bực bội với vượn hú, chim kêu. Tìm đâu cho ổn nếu không phải là tâm mình. Còn nhớ Tiên nhơn Uất-đầu-lam-phất từng ngồi tu luyện trong rừng, nghe chim réo gọi khiến mất công phu. Bực tức quá, thệ nguyền kiếp sau sẽ sanh làm loài chồn bay để ăn hết chim muông cho hả giận. Thế rồi như lời nguyện ước, hết kiếp, hóa làm chồn bay, ăn giết vô số chim chóc, tạo nghiệp rồi sau đó đọa vào địa ngục. Phải chịu vô vàn hành hình khổ sở, chỉ do phân tâm chi phối bởi tiếng chim ríu rít vốn vô tình. Cũng bởi cái nhìn chưa chuẩn, chứ nào ai muốn?

Đối trước tất cả mọi tình huống, hoàn cảnh... nếu thấy còn phiền lòng thì biết trí lực của mình chưa đủ mạnh, cái nhìn chưa đầy đủ, lý sự chưa dung thông, còn bị thiên lệch, dễ rơi vào cố chấp, sanh các chướng ngại cho việc thực hành công phu. Chỉ cần đổi lại cái nhìn thì mọi việc đều được hanh thông, nhẹ nhàng, việc tu hành của chúng ta sẽ được tiến bộ, không khó.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202279
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
785
2336
3121
1175483
87282
118095
1202279