Lần đầu tiên mới đến Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tập tu, cả đoàn tấm tắc: “Nơi này quá đẹp, khí hậu lý tưởng, khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh, núi non hùng vĩ, mây nước hữu tình, rất thích hợp cho việc chuyên tu tập thiền...”. Quý Thầy hỏi: “Vậy nếu con cháu quý vị phát tâm xin đến đây để tu tập, quý vị có bằng lòng cho phép hay không?”. Mọi người đồng thanh bảo là “Sẵn sàng cho”. Và nếu có ai trả lời ngược lại thì sẽ là “Không cho”. Cho và không cho là câu nói của hai đầu (hai bên). Chúng ta thử suy nghĩ xem có câu trả lời nào khác không kẹt vào hai phạm trù đối đãi hay không? Làm thinh thì đối lại với nói năng; tùy ý các cháu thì đối lại với người chủ động ra lệnh hoặc khuyến khích các cháu nên đến, để bình thường thì đối lại với bất bình thường, thuận theo tự nhiên thì đối với sự chủ động của con người tác động thêm duyên... Phần đông mọi người trong đời thường tư duy, sống và hành động trong phạm trù của hai bên đó. Được thì đối với mất, thành và bại, hơn và thua, phải và trái, thương và ghét... Thử suy nghĩ một điều gì mà không nằm trong phạm trù của hai bên đó? Vừa có cái này thì đối lại với cái còn lại. Cuộc đời tuy nhiều, nhưng chung quy lại không ra ngoài những thứ thuộc hai bên này. Hai bên thì luôn luôn đắp đổi thay nhau để có mặt. Đang vui thì chốc nữa chuyện buồn thế chỗ, đang bại thì ngày mai sẽ thành, đang được thì không thể tránh khỏi có ngày sẽ mất, đang thương rồi cũng sẽ có lúc hờn giận... Cho thấy, nếu chỉ cứ sống và tìm kiếm những thứ trong hai bên vốn chông chênh, rắc rối và trĩu nặng như thế thì cuộc sống của chúng ta không sao an ổn được. Nó là hai gọng kềm đè nặng lên kiếp sống mỗi người, khiến chúng ta phải cứ loay hoay mãi chưa có lối thoát bền vững, chắc chắn, lâu dài cho hướng đi đời mình. Nếu tầm nhìn, tư duy, hành động còn mắc kẹt trong gọng kềm của hai bên đó thì sẽ bị nó chi phối, vùi dập; phải gánh chịu nhiều nỗi khổ niềm đau không thể kể hết, khó có ngày ra.
Muốn sống trong đời mà không còn bị cuộc đời chi phối thì cần có cái nhìn vượt thoát lên khỏi sự chi phối của hai bên ấy. Cụ thể như câu chuyện trên, khi nghe hỏi có nên cho con cháu đến đây tu tập hay không, chúng ta không vội trả lời mà nên tĩnh tâm lại, để tâm mình thư giãn, bình thường. Vẫn thấy biết hết mọi thứ, nhưng không biết về, chạy theo mà bỏ ngoài các cảm nhận của đẹp và không đẹp, bỏ cảm xúc của thích và không thích, bỏ ý tưởng nghĩ đến cho và không cho... Như thế sẽ trả lại bản tâm vốn sẵn của mình, chúng ta có đủ nội lực, tĩnh trí và niềm vui nhẹ trong lòng. Khi ấy nói năng hay hành động gì cũng không bị mất nội lực, không bị sai lầm thì trả lời theo kiểu gì cũng đúng cả. Bởi vì con người rất cần một cái nhìn để sống đúng, không khổ thì mọi thứ sau đó sẽ ổn và đúng chứ không chỉ một bề nhắm đến việc trả lời đúng hay sai. Câu hỏi trên chỉ là một ví dụ cho nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống mà mỗi người đang phải đối diện từng ngày. Và nó có làm cho mình khổ hay không là do nội lực, tầm nhìn để hành xử, giải quyết của mỗi người chúng ta, chứ không phải tại bởi bất kỳ ai hay hoàn cảnh nào cả.
Như câu hỏi trên, vẫn có thể trả lời ổn đáng mà không cần phải nói là cho hay không cho. Chúng ta bình tâm, hoan hỷ và nói: “Con không bao giờ áp đặt tụi nhỏ. Và cháu có nên đến đây để tập tu hay không thì xin thầy cho cháu một lời khuyên”. Thấy ra và nói như vậy sẽ không nằm trong hai bên, nhưng có giá trị gì? Là trao lại câu trả lời cho người hỏi. Còn mình vẫn là sự tỉnh sáng, không động mà biết rất rõ mọi thứ của chính mình, không quên mình mà chạy theo lời nói.
Chỉ là một câu trả lời trong một mẩu chuyện được ví dụ cho nên có thể nhất thời mọi người khó nhận ra hết giá trị của tư duy, tầm nhìn, nói năng, hành động không còn kẹt hai bên. Nhưng nếu trong cuộc sống, mỗi người lúc nào cũng bình tâm, tĩnh trí, lắng lại để thấy rõ mọi vấn đề, làm chủ mình, để luôn luôn lúc nào cũng tư duy và hành động vượt lên trên gọng kềm của hai bên đó thì mới cảm nhận được kết quả bất ngờ. Theo thời gian, năng lực sống tăng dần, sẽ cảm nhận rõ trong mình có nội lực, bình ổn, trí tuệ sáng ra, nguồn năng lực sống dồi dào... Tất cả chỉ để sức sống mình ngày càng vững mạnh, để cuộc sống này không còn dễ dàng chi phối và làm khó mình như trước đây nữa.