Thứ Hai 25/11/2024 -- 25/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Đều từ cái nhìn - HỌC THỨC VÀ TRÍ TUỆ

 

 

 

HỌC THỨC VÀ TRÍ TUỆ

  

Ở cấp Đại học, sinh viên nào cũng được học đạo hàm tích phân. Nhưng nếu hỏi lại: “Chúng ta có nhất thiết phải học đạo hàm tích phân hay không?” thì chưa chắc đã có câu trả lời ổn đáng về việc mỗi người đang theo học. Nếu là phải học đạo hàm tích phân thì sau khi học xong, bước vào đời với những công việc khác nhau, không một ai dùng đạo hàm tích phân để giải quyết những vấn đề trong sinh hoạt cuộc sống và công việc của mình cả. Mà sự thật là hiện tại ngay đây, không ai trong chúng ta còn nhớ những kiến thức đó. Như vậy thì học để làm gì? Còn nếu như không học, bỏ đi thì hiện nay cả thế giới vẫn đang học đạo hàm tích phân, tại sao chúng ta lại bỏ? Học thì không dùng; mà bỏ đi, không học cũng vô lý. Vậy phải làm sao?

 Cuộc đời luôn biến hóa đa chiều, luôn đổi thay và phát triển. Không có một tình huống nào xảy ra giống tình huống nào cả thì lấy đâu làm khuôn mẫu cố định để đem các bài toán vào giải mã cho cuộc đời. Mọi thứ không bao giờ dừng lại, ngồi đó chờ sẵn để cho chúng ta kịp đem tất cả những kiến thức đã học vào đời rập khuôn giải quyết, nói chi là toán học đạo hàm tích phân.

 Học toán là để rèn lấy trí tuệ chứ không ai học toán rồi đem nguyên công thức, đạo hàm tích phân hay bài toán mẫu ra ngoài đời để giải toán cho cuộc đời mình được cả. Hôm nay chuẩn bị đi công tác xa, mỗi người đều có cách tư duy để sắp xếp chuyến đi cho mình tối ưu nhất. Cách tư duy sắp xếp tối ưu và hợp lý ấy là nhờ học toán mà cho chúng ta có được. Ngày mai xã hội con người phải được cải thiện văn minh và hiện đại hơn. Mỗi người sẽ có những phát kiến khác nhau, đóng góp chung vào để đạt được tiêu chí đó. Những tư duy, phát kiến kia là do học đạo hàm tích phân, do toán học rèn luyện cho chúng ta có trí tuệ để phát kiến. Như vậy, câu trả lời cho vấn đề này là “Không nói là có nên học hay không nên học đạo hàm tích phân, mà phải biết cách học đạo hàm tích phân để trau dồi và kích hoạt trí tuệ nơi mỗi người, thì mới phát huy được giá trị đích thực của ngành giáo dục nhắm đến.”. Cho thấy, học toán không phải để nhớ bài toán; mà nhờ sự dũa mài và kích hoạt của bài toán, đầu óc chúng ta sẽ bén nhạy và lanh lợi hơn, có được trí tuệ hữu sư để áp dụng vào từng công việc và tình huống trong đời một cách linh hoạt.

 Ví dụ một anh kiến trúc sư hoặc kỹ sư thiết kế hay quy hoạch một dự án nào đó. Những yếu tố căn bản cần thiết cho các hạng mục công trình như hình dáng, kết cấu, thiết kế cảnh quan sao cho phù hợp với địa hình..., không phải đem nguyên bài toán đạo hàm tích phân vào để giải là được. Nhưng tất cả những tư duy lo-gic để làm nên công trình đó lại nhờ vào trí tuệ con người đã được kích hoạt từ những bài toán, những đạo hàm tích phân. Những phán đoán, nhìn nhận, sắp xếp mọi thứ khác trong đời cũng tương tự. Cuộc đời không bao giờ là những khuôn mẫu đứng yên, chờ đó cho chúng ta đem hết quyển sách này đến quyển sách khác rập khuôn vào để giải quyết, hành xử. Chỉ có trí tuệ mới đủ lớn để kịp thời giải quyết mọi tình huống phức tạp luôn biến đổi bất ngờ. Do đó, vẫn học đạo hàm tích phân, vẫn học mọi thứ, nhưng cần biết rằng, đó không phải là tất cả để có thể mang vào giải những bài toán cuộc đời, mà học là để nhờ đó kích hoạt cho chúng ta có được trí tuệ hữu sư. Sau khi ra trường, những kiến thức đã học có thể bị quên đi, nhưng nguồn trí này vẫn còn đó để cho chúng ta có thể vận dụng vào tất cả những lĩnh vực, phạm trù mình đang sống. Vì vậy, chúng ta vẫn học tập những kiến thức nhất định, nhưng phải biết cách học. Không phải học vì tấm bằng, vì con điểm, hay vì bất kỳ điều gì khác, cũng không phải học để chỉ có kiến thức, mà học là để hình thành được trí tuệ hữu sư, nhờ đó mà có thể giải muôn vàn bài toán khó khăn khác nhau trong cuộc sống.

 Có anh chàng nọ rất ham học, ham đọc sách. Tuổi đã 45 mà lúc nào cũng sống bằng sách, không cần biết gì khác. Căn phòng anh ta chất chồng lớp lớp toàn sách với sách đầy nghẹt, chỉ còn một chỗ trống vừa để nằm và cũng để đọc sách. Anh cho rằng, có kiến thức là có tất cả chứ không cần làm bất kỳ điều gì khác. Người bạn đời nhiều lần góp ý, nhắc nhở anh cần có bổn phận với gia đình, nhưng anh vẫn không chịu, vẫn bảo thủ việc đọc sách của mình với những lý lẽ cao siêu, xa vời rất là sách vở. Cho đến khi không còn chịu được nữa, cô này viết đơn ly dị và yêu cầu ký vào. Anh ta lại rút trong tủ ra quyển sách “Đạo Làm Vợ” và bảo cô ấy đọc cho thật kỹ. Nghe qua như là câu chuyện cổ tích, nhưng đây là chuyện thật mới đây thôi. Sách là sách, nhưng anh phải là anh. Nếu ôm trọn những kiến thức trong sách cho đó là mình thì đó là kiến thức đánh lừa nhận thức; là con chữ chứ không phải trí tuệ. Nếu không nhận định một cách rõ ràng, nghiêm túc giữa kiến thức, nhận thức và trí tuệ thì hậu quả sẽ tai hại vô cùng.

 Khi đã biết học hỏi trau dồi, rèn luyện để có được trí tuệ hữu sư rồi thì có thể vận dụng, kế thừa những gì đang có để phát huy tốt hơn. Những gì chưa có, nhờ vào trí tuệ đã có, chúng ta làm mới, phát minh. Làm được như vậy phải đặt trên nền tảng của trí tuệ chứ không phải học đòi, tích lũy hay chạy theo đuôi của những kiến thức và nhận thức có sẵn. Nếu không có trí tuệ, chúng ta sẽ không có những phát minh, sáng kiến; sẽ không có được sự kế thừa và phát huy; mà chỉ học theo, nuốt chửng những kiến thức đang có. Nhưng kiến thức thường là những điều đã cũ kỹ. Nếu chỉ biết học theo kiến thức, đồng nghĩa đã bằng lòng đi theo đuôi những gì sẵn có đã cũ rích thì sẽ phải bị tụt hậu, xã hội loài người không thể văn minh tiến bộ được. Mới thấy, tầm quan trọng và sự cần thiết của trí tuệ lớn lao biết dường nào.

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202427
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
933
2336
3269
1175483
87430
118095
1202427