Thứ Hai 25/11/2024 -- 25/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Đều từ cái nhìn - CÁI KÉN – CON TẰM

CÁI KÉN – CON TẰM

 

 

 

1.      CHÚ BÉ VÀ CÁI KÉN – CON TẰM:

 

Thông qua khe nhỏ, cậu bé thấy con tằm loay hoay mãi trong cái kén, cố dùng hết sức mình để tìm cách thoát ra. Cảm thương, cậu quyết định dùng kéo cắt cái kén để con tằm thoát ra ngoài sớm hơn, đỡ vất vả. Kết quả, con tằm này được ra khỏi chiếc kén với các bộ phận cơ thể chưa phát triển hoàn bị theo đúng quy trình. Vì thế, nó chỉ là một con ngài với đôi cánh khô cứng không thể bay, suốt đời chỉ bò quanh quẩn cái kén một cách vô vọng. Bướm không ra bướm, tằm không ra là tằm, chỉ còn là một con ngài bị bệnh suốt đời, sống trong tàn tạ cho đến khi chết, không thể phát triển thêm gì được nữa. Nếu không khiên cưỡng cắt kén cho con tằm chui ra, nó sẽ phải loay hoay trong kén để vận động bản thân. Theo thời gian, đúng nguyên lý, đủ nhân duyên, sức mạnh con tằm đủ lớn, các bộ phận phát triển đầy đủ, cánh sẽ cứng và hoàn thiện hơn, cái kén theo đó cũng bị sờn đi và mềm bớt, con tằm thoát ra một cách đúng quy trình, đúng nhân duyên cho nên nó thành chú bươm bướm tung bay tự do, tự tại.

 

2.  CÁI KÉN – CON TẰM CỦA MỖI CHÚNG TA.

 

Tất cả mọi người sinh ra đều có những nhân duyên thuận nghịch, khổ vui liên quan nhất định; có khi đến mức ràng buộc, oán thù. Đó là cái kén và mỗi chúng ta đang là con tằm trong đó. Ai cũng đang phấn đấu thoát khổ, đi tìm hạnh phúc, an vui. Đó là con tằm đang nỗ lực hết sức mình để thoát ra khỏi cái kén ràng rịt chật chội bởi những đua chen phiền não ấy.

 

Con chó tuy dơ bẩn, nhưng ai đánh thì nó chống cự lại bằng mọi giá để bảo vệ. Nó không chịu mất thân đó. Anh em hằng ngày dẫu có nghịch nhau, giận hờn đến đâu, nhưng khi người khác uy hiếp em mình thì người anh liền ra tay bảo vệ. Đang ngồi yên, có con côn trùng nào chích sau lưng, chúng ta liền giật mình. Không đúng, không sai, mà tất cả những hiệu ứng đó là một sự thật đến mức tự nhiên như thế. Cái tự nhiên phản xạ đến đúng đắn này là do cái thức chấp ngã của chúng sanh tự nó làm công việc của nó, không cần chúng ta kịp suy nghĩ hay ra lệnh gì cả. Nó tự động làm công việc của nó mà chưa kịp qua sự kiểm soát và làm chủ của mình, cho nên mới tạo ra cái kén vô hình để nhốt con tằm là chúng ta trong đó. Có những mối ràng buộc trong khổ đau, nhưng muốn trả tự do cho nhau cũng không hề đơn giản. Còn những điều mình ưa thích mà phải buông đi thì có lẽ còn xa vời hơn. Chưa muốn thoát thì không ai tài nào khuyên bảo ra được. Người muốn thoát thì cũng cần phải có hiểu biết, có nghệ thuật và thực hiện đúng quy trình nhân duyên. Phải được tròn trịa, chín muồi, đầy đủ nhân duyên, không thể gượng ép như chú bé giúp đỡ con tằm trong câu chuyện trên được.

 

3.  TẤT CẢ NHỮNG GÌ LIÊN QUAN TRONG CUỘC SỐNG ĐỀU CÓ NHÂN DUYÊN.

 

Gia đình, công ty, bạn bè, đồng nghiệp, cha mẹ, con cái, vợ chồng, người thân... tất cả đều có nhân duyên từ những kiếp về trước cho nên hôm nay mới gặp nhau và cùng sống. Quá khứ tha thứ cho một con muỗi thì kiếp này chú muỗi làm con mình, nhưng ngoan ngoãn, báo đáp ơn nghĩa và sống có tình. Bởi mình đã tạo duyên lành, chú muỗi mang ơn và tự nhiên muốn hy sinh để đền đáp. Nếu quá khứ mình đập nó chết, con muỗi ôm lòng sân hận cho nên sinh vào làm con, nhưng lại là đứa đòi nợ, phá phách. Thương cũng có ấn tượng, là có duyên, nhưng duyên thuận. Ghét cũng gây ấn tượng khó bỏ, đó là gieo duyên nghịch. Thuận thì gặp nhau vui sống. Nghịch thì gặp lại để đòi nợ nhau. Cho nên, khi gặp thuận duyên thì chúng ta nên trân trọng. Khi gặp cảnh chưa tốt, cũng cần phải biết là nhân duyên của mình. Kiếp này mà người ta phá phách mình như vậy thì biết kiếp trước, mình đã làm cho người ta khổ sở đến mức nào. Biết vậy, chúng ta liền cảm thương, ăn năn ân hận vì hành động quá khứ của mình đã lỡ lầm gieo rắc đau khổ cho người khác nặng nề đến như vậy. Thay vì giận tức, chúng ta chuyển hóa thành cảm thông, chia sẻ và vui vẻ để khéo léo trả nợ. Đồng thời cũng nhận ra rằng, xấu hay tốt gì cũng là nhân duyên của mình. Cần phải tu tập, bình tĩnh, kiên nhẫn, cố gắng để giải quyết cho nhẹ nhàng, ổn thỏa, cho được trọn vẹn. Nếu chưa xong, kiếp sau còn duyên thì cũng phải gặp lại, cũng phải giải quyết chứ không ai làm giúp được. Nhưng liệu kiếp sau có còn đủ điều kiện để tỉnh táo nhận ra và giải quyết như hiện tại hay không?

 

Giả dụ mình hận anh bạn quá, muốn kiếp sau không gặp nữa. Nhưng chính tâm uất hận và muốn không gặp đã gây ấn tượng mạnh trong tâm khảm mình, là đã tạo duyên sâu đậm trong tâm trạng không tốt. Đã có duyên thì phải gặp. Và vì duyên xấu cho nên gặp nhau để đòi nợ, báo oán và tiếp tục gây tạo khổ đau cho nhau. Đó là không biết cách cho nên càng hận thù không muốn gặp thì lại càng có duyên sâu sắc để gặp lại trong ân oán, khổ đau.

 

4.  HÓA GIẢI NHÂN DUYÊN ĐỂ THOÁT RA KHỎI CÁI KÉN.

 

Muốn hết duyên, không gặp nữa thì tâm mình phải hoan hỷ, thanh tịnh, không sanh khởi thương ghét gì cả. Mọi chuyện có đúng sai hay oan ức đến đâu, tâm cũng bình thường. Trong tâm không có sanh khởi thì không có dấu ấn gì cho nên duyên sẽ hết. Nhưng trong quá trình thực hành như vậy, có khi người đối diện được cảnh tỉnh, sửa sai, sống tốt. Sẽ song hành cùng với chúng ta mà được thay đổi, thanh tịnh, hoan hỷ, chan hòa. Thì đó là cũng hết duyên, nhưng hết duyên xấu, chuyển thành duyên tốt, hướng đến cao thượng, do đó không còn gì chướng ngại nữa, cũng là đã hóa giải được nhân duyên. Nếu người kia không hợp tác để sửa sai thì mỗi ngày tự duyên nó phai dần và hết, đối diện nhưng không còn thấy có cảm giác ghét thương gì nữa, chỉ là bình thường. Như vầng hồng càng ló dạng thì bóng đêm phai nhạt dần, sương cũng theo từng phút giây mà tan biến. Có nhiều trường hợp đặc biệt hơn, cả hai cùng chuyển hóa và hướng đến nhân duyên thù thắng, cùng quyết tâm tu hành cho tỏ sáng đạo lý chân thật. Trong chân trời tự tánh trùm khắp ấy vốn bình đẳng, bặt hết các tướng; không còn bóng dáng của thương ghét, thân sơ; được tự tại giải thoát. Đó là ba phương hướng cơ bản để con tằm chúng sanh thoát ra khỏi cái kén trói buộc của chấp ngã, nghiệp báo.

 

5.  ĐẠO LÀ NƠI NƠI SÁNG SẠCH KHÔNG NGĂN NGẠI: Cách ra khỏi cái kén.

 

Khéo léo sắp xếp nhân duyên để tu hành thì mới có thể chuyển hóa và giải được nghiệp, tiêu dung và thoát ra khỏi sự trói buộc chằng chịt của cái kén nghiệp muôn trùng ấy.

 

Có khi muốn tu hành, nhưng cảm thấy những cảnh duyên chung quanh chưa thuận khiến mình bực bội. Vì muốn tu mà bực bội là do chưa có cái nhìn đúng và chưa biết cách sắp xếp hợp lý.

 

Cần nhận ra rằng, đạo là nơi nơi sáng sạch không ngăn ngại. NƠI NƠI có nghĩa là bất kỳ ở đâu, bất cứ những gì đang đối diện, chúng ta phải khéo tu làm sao ngay đó vẫn đang giác sáng, không mê; đó là SÁNG. Vẫn an nhiên thanh tịnh, không thèm khởi thêm buồn phiền hay vui thích; đó là SẠCH. Đồng thời, mọi duyên dù thế nào cũng phải cố gắng, chịu khó, kiên trì, tu tập để có trí tuệ và năng lực vượt qua một cách nhẹ nhàng; đó là KHÔNG NGĂN NGẠI. Thấy biết và thực hành được như vậy là hợp ĐẠO, thì mới có lúc đầy đủ nhân duyên thể đạo chân thật hiện tiền, liền đó thoát ra khỏi cái kén.

 

Và tất cả những gì chúng ta đang phải đối diện chính là những nhân duyên quanh mình, như là gia đình, công ty, mẹ cha, con cháu, chồng vợ, bạn bè, đồng nghiệp, cho đến Thầy trò, pháp lữ đồng tu... Phải khéo ngay đó để sáng sạch, không ngăn ngại, là khế hợp đạo lý chân thật, là chuyển hóa được những duyên chưa tốt; đó là biết tu hành một cách cụ thể và thiết thực nhất. Không nên trách cứ hay phiền muộn một nhân duyên nào cả. Như thế chỉ tăng thêm sự rối rắm, tạo nghiệp và làm khổ cho nhau mà thôi. Vì đó là nhân duyên của mình, không phải của bất kỳ một ai khác cho nên phải tìm cách để hóa giải, vượt qua mới là người biết tu hành, có trí tuệ.

 

6.  NHÂN DUYÊN CHUNG VÀ RIÊNG.

 

Trong cái duyên chung thì mỗi người còn có một nhân duyên riêng của họ, kể cả mẹ cha con cháu. Đến như đức Phật đầy đủ tất cả công đức và trí lực, nhưng Ngài vẫn không thể gánh hết được định nghiệp của dòng họ Thích, mặc dù Ngài đã ba lần can gián. Bởi trong cái đồng nghiệp gặp nhau, nó vẫn còn đó những biệt nghiệp, những nhân duyên riêng của mỗi người mà chính họ là con tằm trong ấy, phải tự phá cái kén để chui ra thì mới được. Không ai có quyền thay thế làm giúp được việc đó cả. Chúng ta không nên nhầm lẫn là sẽ làm thay được cho tất cả. Điều này sai với sự thật, là sai lầm. Mình chỉ hết lòng và kiên trì cho đến hết đời thôi, chứ không thể tham lam vô lý muốn tất cả đều như ý mình 100% được. Cụ thể là cứ hết lòng lo cho con cháu, nhưng không thể lo hết tất cả được. Bởi trong cái duyên chung mình với con cháu, thì mỗi cháu đều có nhân duyên phước báu riêng nữa. Thấy rõ, nắm vững những sự thật như thế để khéo léo cân bằng, sắp xếp hợp lý thì chúng ta sẽ có thời gian tu tập. Chính tu tập mới đầy đủ công đức, trí tuệ, định lực và năng lực để vượt qua những nhân duyên chưa tốt, chuyển hóa và thoát ra khỏi sự chi phối của nghiệp, mới thoát ra được cái kén vô hình nhưng cứng chắc, rối rắm, chằng chịt nơi mỗi chúng sanh.

 

7.  KIÊN QUYẾT, DỨT KHOÁT VÀ KHÉO LÉO UYỂN CHUYỂN MỀM MẠI.

 

Nếu chỉ tùy duyên uyển chuyển mà thiếu kiên quyết thì sẽ bị trôi theo duyên, không thể thành tựu được bản nguyện tu hành. Bởi thiếu kiên quyết, dứt khoát thì phàm tình sẽ kéo lôi, khiến chúng ta trôi nổi. Ngược lại, nếu quả quyết một cách cứng rắn mà không khéo uyển chuyển cho êm xuôi thì sẽ bị sứt mẻ, gây tổn thương, chỉ tạo thêm nghiệp và chúng ta cũng khó ngồi yên để tu tập được. Bởi khi làm người khác bị tổn thương thì tòa án lương tâm lên tiếng, có ngồi tu thì tâm cũng khó ổn định. Hơn nữa, người gần mình lại có duyên sâu dày cho nên sự chi phối bất an này lại càng nhiều hơn. Có nhiều vị quyết tâm tu hành cao, không cần sự đồng ý của gia đình, cha mẹ; bất chấp tất cả, dứt áo ra đi. Là ra đi trong sự sắp xếp chưa ổn, trong tâm chưa bình thường. Đến khi vào chùa bình tâm, con người lúc này tự trở nên cao thượng, thấy mình ích kỷ, cảm thấy tội nghiệp cho những nhân duyên ở nhà, cho nên không yên lòng để ngồi tu. Kết quả sau đó là xin về thăm nhà để nói cho mọi người thông cảm rồi mới lên chùa tu tập được. Còn là chúng sanh thì chưa thể sánh kịp những bậc có chí xuất trần đặc biệt. Lục Tổ Huệ Năng cũng sắp xếp mẹ già cho được ổn định trước khi đi xuất gia. Mỗi người nên tự biết mình là ai, đang ở đâu để bình tâm sắp xếp mọi chuyện cho hợp lý và có trí tuệ.

 

Tóm lại, muốn tu tập được, trong lòng phải kiên quyết, dứt khoát. Bên ngoài khéo léo sắp xếp tranh thủ thời gian, khéo léo uyển chuyển tùy duyên cho mọi duyên tạm thuận lợi thì tâm mới an để dụng công được. Việc làm này phải biết vận dụng đến suốt đời chứ không phải muốn là được ngay. Bởi mọi thứ trên đời không dễ tha thứ cho một ai suôn sẻ mãi cả. Được vậy thì sự sắp xếp của chúng ta mới cụ thể, rõ ràng, tạo thuận duyên cho việc tu tập.

 

8.  TÓM KẾT.

 

Còn là phàm phu, chưa thực sự tự tại giải thoát thì ai cũng là con tằm đang ở trong cái kén của riêng mình. Muốn thoát ra, không chỉ dùng lực mà còn phải có trí tuệ, uyển chuyển và cả sự khéo léo. Trên đây là những gợi ý để quý vị vận dụng vào tư duy và cách làm của mình, để thoát ra được sự ràng rịt của cái kén ấy. Vượt ra thế nào?

 

“Đã mang lấy cái thân tằm,

 

Không tơ vương nữa, cũng nằm trong tơ.”

 

Nếu lòng mình còn tơ vương thì không chỉ ở trong cái kén ấy mới vương, mà khi ra khỏi cái kén này, cũng sẽ có cái kén vô hình khác trói cột lại. Ngược lại, nếu khéo tu tập thì trong kén hay ngoài kén gì cũng chỉ là bình thường, sáng rỡ, an vui; hoàn toàn không dính dáng. Thử hỏi: “Cái gì là tơ, là kén, là vương mang?”.

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202458
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
964
2336
3300
1175483
87461
118095
1202458