Chữ mê là mê mờ, không tỉnh táo, hoặc bị quên đi, không nhận ra cái gốc (sự thật, chân lý). Chữ tín là niềm tin. Mê tín là niềm tin trong mê mờ, thiếu trí tuệ, không rõ lẽ thật (chân lý). Cụ thể trong các phạm trù sau:
- Có nhiều sự việc sai lầm, phong tục không còn đúng, hoặc những điều không được minh chứng có cơ sở rõ ràng. Nhưng do thiếu hiểu biết cho nên tin vào những điều gần như vô lý đó.
- Một vấn đề, sự việc hay phong tục nào đó có thật. Nhưng tin vào một cách thái quá, mù quáng, ngông cuồng, đánh mất chính mình.
v Tóm lại.
- Hiện tượng đó là có mà bảo không có, đó là bị sai lầm.
- Tuy nó tồn tại, đang có. Nhưng mình là mình, nó là nó, không tin theo và bị lệ thuộc nó; đó là thấy đúng lẽ thật, bình thường.
- Cũng một hiện tượng hay sự việc đang tồn tại, nhưng nếu chúng ta đánh mất chính mình mà tin và hành động theo nó, sau đó sẽ bị tin cuồng, mê tín.
- Vấn đề, sự việc, hiện tượng... huyễn hoặc, không có thật, nhưng chúng ta lại tin là có; đó là mê tín dị đoan.
Người có trí tuệ sẽ không vội tin; thường tìm hiểu vấn đề đến nơi đến chốn để tìm ra lẽ thật, đúng đắn, rõ ràng rồi sau đó mới tin. Người này không dễ dàng tin vào một vấn đề huyễn hoặc, mơ hồ. Nhưng một khi đã tin thì thực hiện tới nơi tới chốn.
Ngược lại, người thiếu hiểu biết thì rất nhẹ dạ cả tin, dễ tin vào mọi điều, có khi tin vì cả nể. Tin thì nhiều, nhưng lại nửa vời chứ không làm cái gì nên cái gì cả.
Lý do bị đánh mất tự tin vào bản thân là do bản lĩnh sống kém. Có khi tri thức rất cao, nhưng bản lĩnh sống chưa chắc đã cao. Mỗi người tự kiểm tra bản lĩnh sống của mình qua việc tham đắm, dính mắc, lệ thuộc vào tiện nghi, vật chất, thụ hưởng của bản thân nhiều hay ít. Đối trước những nghịch cảnh, những nỗi sợ hãi của bản thân đã vượt qua được bao nhiêu. Cụ thể đối với tám món dễ làm lay động con người, gồm: Được lợi lộc; bị suy yếu mất đi; bị người khác chà đạp, xúc phạm; được người khác công kênh; được mọi người tung hô; bị mọi người dèm pha, cơ hiềm; bị lâm vào hoàn cảnh đau khổ; hay được thuận duyên thoải mái, vui tươi; con người chúng ta có còn bị lay động, bị chi phối nhiều hay ít. Nếu còn bị chi phối thì nó sẽ làm cho con người chúng ta rất yếu kém nhiều mặt, bản lĩnh sống không cao. Khi như thế thì sự tự tin vào bản thân bị giới hạn, yếu kém. Và bắt đầu cần sự nương tựa, tin vào bên ngoài, đánh mất chính mình, trở thành mê tín.
Nghe liền ám ảnh, nhẹ dạ cả tin.
Thấy nhiều người làm quá, mình cũng làm theo, thà thừa còn hơn thiếu cho an tâm vậy thôi, chứ không có ý gì cao siêu, hay hiểu biết gì cho tường tận, rõ ràng, sâu sắc cả.
Hễ thấy là bắt chước làm theo, dù biết những sự việc đó chưa hẳn đã hoàn toàn có lý, và cũng chưa hẳn là vô lý. Tức là tin và làm theo một cách mơ hồ, không cần xác định.
Trong một nhóm đang làm việc hoặc sinh hoạt cùng nhau, thấy mọi người đều khấn vái, cầu xin, tâm bị dao động, không làm theo thì cảm thấy không yên tâm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho người ta bị mê tín.
Dùng huyền bí, quyền lực của bề trên, những lời dụ dỗ, hoặc có khi hù dọa gây áp lực. Như bị sao xấu, hoặc không tin thì Thánh quật chết, không cúng thì mạng sống không qua khỏi ba năm…
Tin sâu vào nhân quả, làm lành thì được quả báo tốt lành; sống sai thì phải trả giá. Không thần quyền nào có thể dìm cho dầu chìm xuống đáy biển, cũng không phù phép nào có thể nâng tảng đá nặng nổi như phao. Nghĩa là không ai có thể phá được người có phước, không tài nào cứu vớt dùm được những quả báo xấu cho mọi người. Nếu được thì đức Phật Thích Ca đã cứu vớt được tai nạn của dòng họ Thích. Ngài đã ba lần can ngăn, nhưng bất thành. Cuối cùng, dòng họ Thích đã bị vua Lưu Ly đem quân sang đánh.
Nâng tầm trí tuệ và bản lĩnh sống cho cao, không bị lòng tham muốn và sân si sai sử, không lệ thuộc vào những thứ bên ngoài. Có hướng đi chuyên nghiệp cho đời sống để tự tin hơn vào bản thân. Không bị các áp lực khác chi phối, không bị thuyết phục, hù dọa… Luôn có chánh kiến, tin sâu nhân quả, luôn luôn tỉnh táo và có bản lĩnh. Khi tiếp cận một vấn đề, nên tìm hiểu vấn đề ấy một cách thấu đáo, kế đến phán đoán vấn đề ấy như thế nào, rồi nhận định vấn đề, sau cùng tĩnh tâm để thấy ra, rồi đi đến kết luận và quyết định vấn đề một cách chắc chắn, xác quyết rõ ràng. Như thế sẽ tự tin, sẽ không bị ám thị, lây lan tâm lý hoặc dễ bắt chước theo. Nên tin vào những gì đã qua kiểm chứng.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật dạy Mười Điều Chớ Vội Tin:
01. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
02. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
03. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
04. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển.
05. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là lý luận siêu hình.
06. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
07. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
08. Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
09. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
10. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm. Chỉ khi nào sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy lời dạy này thiện lành, tốt đẹp, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán. Nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại và lâu dài về sau thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo.
Mê tín của thời hiện đại hiện nay không còn đơn thuần chỉ dừng ở phương diện thần quyền huyền bí, mà còn có cả việc dễ dàng tin theo một cách ngông cuồng những hiện tượng và quan niệm bị sai lệch bên ngoài. Hiện tại gần như mỗi ngày đều có một trào lưu trên mạng xã hội hoặc thay nhau truyền miệng. Nhiều người tự tung hô lên trên nhiều phương tiện đại chúng khác nhau những điều chưa được kiểm chứng. Là người có trí tuệ sáng suốt và lập trường, chánh kiến, nên thử nghiệm bản lĩnh của mình xem có vượt qua được việc tin vội, chạy theo những điều chưa qua chọn lọc hay không.