CỤC THỊT BÒ
Hai người bạn lối xóm rất thân với nhau từ nhỏ, cho đến khi một người đi Mỹ, người ở lại quê nhà. Vì phương tiện liên lạc thời xưa chưa thuận tiện như bây giờ cho nên cả hai gần như mất liên lạc. Theo thời gian, anh bạn ở quê biết tu hành, ăn chay. Anh bên kia bôn ba xứ lạ quê người cho nên phải cuốn vào công việc, lo cho cuộc sống. Mấy mươi năm xa cách, có điều kiện về thăm quê hương, anh ở Mỹ trở về mang theo một miếng thịt bò loại quý nhất của bên ấy để mong tặng bạn. Lúc này cả hai đã già. Gặp lại, hai người tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự. Cho đến khi mở gói quà là thịt bò thì ông bạn ăn chay mới cười ra nước mắt. Nếu ăn thịt thì phạm giới, phá vỡ công lao ăn chay mấy mươi năm. Đem cho người khác thì ngại phụ lòng bạn, sợ bạn buồn, không đành. Còn mang chôn bỏ đi thì phí phạm, tổn phước. Thật là rối ren, khó xử, không biết phải làm sao.
Đến nay, cục thịt bò đã biến thành đất nhiều năm rồi. Nhưng bác ăn chay trong câu chuyện trên lòng vẫn chưa nguôi với việc tìm cách giải quyết làm sao cho vẹn toàn, hợp lý, do đó mang ra thưa hỏi quý Thầy. Bởi ý nghĩa ở đây là câu chuyện của cuộc sống. Cục thịt bò là điển hình tượng trưng cho tất cả những gì mà mỗi người phải đối diện trong sinh hoạt hằng ngày. Bác ấy tìm cách giải quyết câu chuyện cục thịt để mong có cái nhìn trước khi ứng xử các hoàn cảnh tình huống khác trong đời; mà có lẽ cũng là mong mỏi của nhiều người, ai cũng muốn vậy.
Đang sống bình thường, an ổn, cũng chẳng phải vì thiếu thốn gì. Bỗng dưng ông bạn mang đến biếu cục thịt bò thì liền bị khổ, chẳng khác nào mang khổ lại cho mình trong khi tấm lòng người ta thì tốt. Không phải chỉ là cục thịt bò mà trong cuộc sống còn nhiều điều xảy ra tương tự. Tại sao chúng ta lại quá dễ dàng bị nhiều thứ làm cho mình đau khổ như vậy. Đến cục thịt bò không dùng được (bởi đã ăn chay) cũng có thể làm cho chúng ta khổ được. Thật là vô lý, tức tưởi, đáng thương!
Một con chó dữ được ông chủ nuôi nấng chăm sóc chu đáo từ nhỏ tới lớn, cho nên ông bảo gì thì nó ngoan ngoãn nghe theo, không kháng cự. Thậm chí có khi đánh đến gần chết nó cũng cam đành. Với người khác không gần gũi chăm sóc thì không dễ gì như thế. Có đánh đến chết thì chú chó cũng kháng cự, cắn lại, không quy hàng. Lý do là vì ông chủ cho chú chó ăn và tắm rửa, vuốt ve nhiều ngày cho nên nó bị trói buộc, lệ thuộc ông chủ từ lúc nào cũng không biết. Còn người khách thì chú chó chưa mắc nợ gì bao giờ cho nên nó được tự tại đối xử theo cách nó muốn.
Chúng ta thử liên tưởng đến mình và mọi thứ trong đời. Khởi đầu bằng sự cần thiết, đưa đến dính mắc, thân thiện rồi bị lệ thuộc và làm nô lệ cho mọi thứ tự hồi nào chẳng rõ. Và cuối cùng là tiền của, danh vọng, phàm tình có bảo gì, chúng ta phải nhất mực tuân theo. Nếu trái lại, không ngoan ngoãn vâng lời thì cảm thấy bất an; nhưng vâng theo, cũng chưa hẳn đã được an ổn, có khi lại thêm rối rắm, phập phồng lo sợ, căng thẳng... Một khi đã dính mắc rồi, vâng theo cũng không ổn, bỏ đi cũng không xong. Từ đây, con người ta đau khổ. Thực tế là hiện tại có ai đau khổ mà không bị dính mắc, trói cột bởi bất cứ gì hay không?
Trong đời, chỉ tôn trọng tất cả chứ không nên quan trọng. Tấm lòng người bạn mang cục thịt bò quý giá từ phương xa về là đáng trân trọng. Nhưng có khi cũng phải nên biết vứt bỏ cục thịt bò ấy đi thì mới được tốt đẹp. Là lúc giá trị của “không quan trọng” lên tiếng.
Chú Sa Di mới vào đạo, phải đi học phương xa, cần nhiều phương tiện tiền bạc... nhưng lại chưa có Phật tử cúng dường nhiều. Có vị thí chủ phát tâm thanh tịnh cúng dường đầy đủ hết những nhu cầu cần thiết để vị Sa Di này yên tâm tu học. Lúc này, tình huống vẫn trong bình thường, rõ ràng, thanh tịnh. Chú Sa Di nên trân trọng và biết tôn trọng tất cả những gì trong đời đã mang lại cho mình và mọi người trong xã hội, trong đó có sự cúng dường của vị thí chủ. Đây là phần tôn trọng tấm lòng người bạn biếu mình cục thịt bò.
Cho đến khi chú Sa Di học hành thành đạt rồi. Lúc này đã trở thành một vị Thầy. Vị thí chủ kia ra yêu cầu làm theo điều kiện của họ, nhưng không phù hợp với người tu, làm hỏng hướng đi của vị Thầy đã chọn. Trong khi trước đó họ đã biết lý tưởng của vị Thầy và không đưa ra bất kỳ điều ước gì cả. Lúc này mới thấy, “không nên quan trọng mọi thứ” bắt đầu phát huy được giá trị. Phải biết vứt cục thịt bò ấy đi thì mới tốt cho cả hai.
Mình là người có hoàn cảnh gia đình bình thường. Một người bạn con của đại gia thấy hợp và kết bạn, chơi thân. Nếu quý mến mà quan trọng bạn mình thái quá, chúng ta sẽ thiếu tự tin, có thái độ của người cơ dưới, không bản lĩnh, thiếu sự dứt khoát và quyết đoán, luôn e dè... Chắc chắn bạn ấy sẽ không thích như vậy. Bởi bạn là nhà giàu, nhưng tìm đến kết thân với mình bởi thích tính cách của người nghèo nhưng có bản lĩnh sống, chứ không phải cần người nể nang, phục vụ. Ngược lại, mình tôn trọng, trân trọng bạn, nhưng không quá quan trọng thì thái độ cư xử với nhau sẽ khác. Sẽ tự tin, bản lĩnh, vững chãi. Là chính mình nhưng chan hòa, vui vẻ. Hy sinh, quan tâm một cách bình đẳng, không có bóng dáng phân biệt của giai cấp giàu nghèo. Một người nhà giàu sẽ thích điều này chứ không phải vì của cải tài sản. Nếu vì tiền tài danh vọng, họ đã tìm đến người giàu hơn chứ không kết thân với mình. Đó chỉ là một ví dụ điển hình. Tương tự, khi giao tiếp trong cuộc sống, chúng ta nên là chính mình, giữ chừng mực, bình đẳng tôn trọng tất cả, không phân biệt sang hèn, nhưng không có tâm quan trọng để tinh thần được bình tĩnh, bình thường và tự tin, không bị đánh mất mình. Như thế, cuộc sống sẽ có nhiều ý vị và kết quả bất ngờ.
Khi quý Phật tử thỉnh quý Thầy đi Ấn Độ để chiêm bái và đảnh lễ những Thánh tích đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Phái đoàn chư Tăng và Phật tử gần cả trăm vị. Trong đoàn có một vị Thầy ngày ăn một bữa, tu hành chay lạt đã 20 năm, ngồi thiền thâu đêm, không nằm. Đến giờ ngọ trai, Phật tử đã cẩn thận làm dấu bánh chưng chay để mời quý Thầy. Vị Tăng ấy cũng tin tưởng chắc chắn là đồ chay cho nên bỏ trọn miếng bánh vào miệng không chút ngần ngại hay phải nếm thử. Nghe một cái “sựt”, ông Thầy biết là cắn nhằm cục thịt heo trong nhân bánh chưng rồi. Nếu nhổ ra thì Phật tử sẽ ân hận, khổ tâm, tội nghiệp. Nuốt vào thì hơi khó chịu một tí, nhưng chẳng sao. Và Thầy đã quyết định nuốt ực luôn, không cho ai biết. Chỉ huynh đệ rất thân mới được nghe kể lại nhân lúc vui.
Nếu thèm thịt lợn thì ông Thầy đã không phát tâm khổ hạnh ăn ngày một bữa. Hơn nữa, người ăn chay nhiều năm, khi uống nước, nếu gặp cái tách có mùi thịt là đã mắc ói rồi, lẽ nào lại có chuyện thèm thịt? Với vị Thầy ngày không màng đến ăn, đêm không nghĩ đến ngủ, tọa thiền miên mật như thế thì không thể nào thích ăn thịt rồi. Nhưng tại sao Thầy lại nuốt luôn? Bởi đã thanh tịnh, thật tâm không phải vì ưa thích, và vì thương cho sự nhầm lẫn trong vô tình (không cố ý) của người khác, không để quý Phật tử buồn.
Trước tiên là giữ tâm thanh tịnh, bình tĩnh. Kế đến là bản thân không được ưa thích hay ghét bỏ. Cuối cùng là vì cứu mọi người thoát khỏi khổ đau. Đây là những yếu tố rất căn bản và tối cần thiết cho mỗi người lấy làm hành trang để hành xử trong cuộc sống.
Cuộc đời sẽ còn đó nhiều hoàn cảnh và tình huống éo le. Hôm nay còn nhiều điều giải quyết chưa xong, ngày mai lại còn lắm chuyện bất ngờ đang chờ đợi trao cho mỗi người. Nếu dừng trong phạm trù xét nét của đúng và sai, phải và trái... thì không tài nào tìm ra cách giải quyết cho được ổn đáng. Chỉ có từ tâm thanh tịnh, thoát ra khỏi sự chi phối của hai bên phải trái, đúng sai, thích và không thích... thì mới có trí tuệ để ứng xử, giải quyết đến độ hài lòng.
Bình tâm, tĩnh trí, tạm thời gác lại mọi chuyện. Nào là tình thân, cục thịt quý giá, ăn và không ăn... Chúng ta chỉ mỉm cười trân trọng tấm lòng của bạn. Mang cục thịt bỏ vào tủ lạnh. Chuyện trò vui vẻ. Khi bạn về rồi, cũng ở bản tâm thanh tịnh, mang cục thịt ra lặng lẽ cho người khác hoặc chôn đi, miễn là cảm thấy thích hợp. Bởi mình ăn hay người khác ăn thì cũng là ăn và tiêu hóa như nhau. Ăn vào hoặc chôn đi, ngày mai cũng bị phân hủy không khác. Còn tình bạn nào phải chỉ nằm trên cục thịt thối ấy. Tấm lòng thì hãy còn đó. Rồi cũng sẽ có ngày thấy nhau trong chân trời không còn chia cách bởi vật chất, quan niệm của phàm tình hay bất cứ gì.
Biết rằng do bạn chưa hiểu mình. Nếu nhận ra giá trị tu hành, ở vào vị trí của mình, bạn cũng sẽ xử lý cục thịt này như mình không khác. Không phải trái ý bạn, nhưng do chưa hiểu cho nên tạm thời có quan niệm chưa giống nhau. Cuộc đời ai rồi cũng sẽ đến lúc nhận ra chân lý. Khi ấy, kể lại cho nhau nghe sẽ cười vang trong cảm thông sâu sắc.
Như vậy, nếu tu hành đúng pháp, ăn chay bởi bản tâm thanh tịnh, tâm ấy sáng suốt, thông minh nhưng bất động, không bị bất cứ gì làm biến đổi. Khi bạn chưa biếu thịt bò, mình cũng chỉ có thế. Bạn biếu thịt và mình xử lý cục thịt ấy theo nhiều cách khác nhau, thì cũng chỉ có thế mà thôi, không khác. Là do đã đủ năng lực tự chủ, đã làm chủ được tình huống. Không bị cục thịt bò hay bất cứ gì trong đời có quyền trói buộc, làm cho chúng ta khó xử và đau khổ dễ dàng như thế được.
Và cục thịt bò đã tượng trưng được cho tất cả những gì mà con người hằng ngày phải đối diện trong cuộc sống. Khéo tu, có nội lực, vững chãi; khéo léo uyển chuyển tùy duyên để ứng xử một cách có trí tuệ, hợp đạo đức để vượt qua tất cả. Đừng để một cục thịt bò rồi đây sẽ thối, lại làm cho mình phải khó xử, rối ren.
Cuối cùng, bạn là người ăn chay lâu năm, có người bạn thân hết lòng biếu tặng một cục thịt bò rất quý. Bạn phải làm gì với nó cho được trọn vẹn? _ Chỉ là một cục thịt bò thôi, đâu cần suy nghĩ nhiều!