Chú bé lớp tám học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Để khích lệ cháu, bố mẹ cho con phần thưởng xứng đáng. Nhưng khi được thưởng, chú lại ham chơi, bỏ bê việc học tập. Bố mẹ phát hiện, không cho tự do nữa mà thay vào đó bắt chú phải làm những công việc trong kỷ luật. Cảm thấy ăn năn, hối hận, cậu ta ra sức nỗ lực học hành. Sự siêng năng, cần cù đã giúp chú trở nên giỏi giang, ngoan ngoãn, được mọi người thương mến. Bố mẹ rất vui, tự hào và quyết định thưởng cho con mình. Cậu bé một lần nữa biếng lười, chơi bời lêu lỏng. Rồi một lần nữa bị bố mẹ trách phạt. Chú lại quyết tâm, cố gắng siêng năng chăm chỉ vào bài vở, rèn luyện bản thân, trở thành một cậu bé giỏi giang ngoan ngoãn như ngày nào. Bố mẹ hài lòng nên khôi phục lại phần thưởng cho chú. Nhưng chú lại chủ quan, biếng lười, lêu lỏng; và rồi bố mẹ chú lại trách phạt. Câu chuyện cứ lặp đi lặp lại mãi như thế trở thành một vòng tròn loanh quanh không có hồi kết thúc. Đó là câu chuyện của một cậu bé còn non nớt, ăn chưa no, lo chưa tới; chưa có đủ trí tuệ để có thể tự chủ điều chỉnh, cân bằng giữa chuyện học và việc chơi; chưa có trí tuệ nhìn nhận mọi thứ đầy đủ để hành động như một người trưởng thành cho nên bị quanh đi lộn lại trong vòng lẩn quẩn như thế.
Nghe qua tưởng chừng như không liên quan gì đến ai. Nhưng có khi lại là câu chuyện của mỗi người chúng ta trong cuộc sống. Đó là vòng luân hồi chưa có ngày cùng của mỗi người khi còn mê. Trong đó, chúng ta đã khoác lên mình đủ những lớp áo, bộ mặt; đã từng trải và sống qua đủ hết những mảnh đời mà không chỉ những gì chúng ta đã được thấy trong xã hội. Sự khờ dại, ngây ngô của chú bé có thể là sự trách cứ, đáng thương. Nhưng lại là sự ngây ngô vô ý đáng thương của chính bản thân mình từ vô lượng kiếp đến bây giờ, khiến cho chúng ta chao đảo với những thăng trầm vô định.
Khi một người sống với nhân cách đạo đức tốt thì phước báu tăng trưởng, giúp họ trở nên giàu có, quyền lực, nhiều người nể trọng. Lúc này lấy tiền tài và danh vọng làm lẽ sống và sức mạnh, muốn thụ hưởng cho thỏa chí bình sinh. Đến khi tất cả mọi sự thụ hưởng trở nên chán chường rồi thì tìm điều gì đó mới lạ, hấp dẫn hơn, có khi đến độ kỳ quặc để thỏa mãn thị hiếu ngông cuồng của mình. Theo thói thường, những điều đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức, ít ai dám làm thì lại khiến cho con người ta tò mò, hiếu kỳ, thích thú. Thời xưa, những ông vua càng ăn chơi hư đốn thì càng bạo ngược, hung tàn và hậu quả là mất ngôi. Ngày nay, có người còn ăn cả những động vật đang còn sống theo nhiều cách lạ lùng đến độ người bình thường không dám nghĩ tới hoặc kể ra được. Thế mà những vị ăn chơi đến mức này lại cho đó là đẳng cấp, thượng lưu. Khi giàu sang, có tiền, có quyền lực, cái tôi bỗng chốc bị ảo tưởng như được phồng to lên, tự thấy mình là đệ nhất thiên hạ; dương dương tự đắc, buộc ai cũng phải theo ý mình. Xem thường người trên, khinh khi đến mức chà đạp kẻ dưới. Đó là điều kiện để những tội lỗi đua nhau phát khởi, dẫn đường đưa lối đến cảnh đọa lạc, khổ đau. Nhẹ thì mất hết tất cả tài sản, danh vọng; nặng thì chìm xuống địa ngục chịu những hành hình đớn đau. Nhận ra sai lầm của mình lúc này thì cũng đã quá muộn. Khi chịu đủ thứ đau khổ rồi mới thấy hối hận, ăn năn; vì thế thường nghe nói: “Địa ngục mang đầy những tâm niệm lành”. Ăn năn, ân hận bao giờ cũng là một con người đáng thương. Đó là cội nguồn để phát sinh các pháp lành; là tâm niệm tốt để bắt đầu lại cho một cuộc sống hiền lành mai hậu. Khi lỡ tạo ác thì phải thọ quả báo xấu ác. Chưa kịp sửa sai, ôm tâm niệm ấy để xuống địa ngục hành hình, vô cùng ăn năn hối lỗi. Khi quả báo ác kết thúc; vì ôm lòng ăn năn hối cải đó, cộng thêm một chút phước lành còn sót lại cho nên khi tái sinh trở lại làm người thì sống có tình nghĩa, cao thượng. Nhân cách, đạo đức tốt, sẵn sàng chia sẻ với người khác dù hoàn cảnh của mình còn thiếu thốn, khó khăn. Từ đó, cội phúc dần tăng trưởng, do vậy mà trở nên giàu có. Khi cuộc sống được sung túc dồi dào thì lại tiếp tục buông thả, phóng túng, tạo ác nghiệp để rồi lại phải tiếp tục đọa lạc, khổ đau. Cứ như vậy mà trôi lăn, lặn hụp, ngoi ngóp mãi trong biển khổ sinh tử không có ngày cùng.
Nếu một người giàu sang mà có trí tuệ, người này biết làm những việc cần làm, biết tiêu tiền thông minh, biết cách phân chia tài sản hợp lý, trong đó có phần san sẻ cho những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Biết rõ hôm nay có được phương tiện hơn người là nhờ sống đời đạo đức, có phúc cho nên tiếp tục vun bồi. Của cải vật chất chỉ là phương tiện sống, không dính chấp vào nó vì vậy không bị những sai lầm, tạo nghiệp, khổ đau. Chỉ vì không biết như thế, không có trí tuệ dẫn đường do đó kiếp người trở nên lẩn quẩn, không lối thoát; cứ phải bị lận đận, lao đao, đau khổ mãi, chưa thôi.
Cho thấy, đi làm từ thiện, phục vụ cộng đồng hay rèn luyện nhân cách, phẩm chất đạo đức là những điều tốt đáng trân trọng, tán dương. Nhưng nếu thiếu đi sự bình tâm tĩnh trí thì chỉ có phúc đức nhiều mà thiếu phần phát huy trí tuệ dẫn lối. Hôm nay chưa giàu cho nên sống còn tình làng nghĩa xóm, biết nhường dưới kính trên, biết cẩn thận, không tự cao, chủ quan, sơ xuất. Nhưng ngày mai giàu có, quyền cao, làm sao dám chắc mình được vẹn toàn như thế. Đó là chuyện thường tình. Nhưng với người có trí tuệ dẫn đường thì không rơi vào con đường thường tình như vậy. Cho nên, nếu không có trí tuệ dẫn đường cho đời mình thì ví như người mù đi trong đêm đen, khó tránh khỏi rơi hầm sụp hố. Sự giàu có và quyền uy của hiện đời hay kiếp sau đều nhờ vào phúc báo của những việc tốt do mỗi người tu tạo. Tuy nhiên, tạo phúc nhiều mà không trau dồi trí tuệ thì có khi phúc ấy lại là cội nguồn, động lực và điều kiện cho con người dễ dàng rơi vào lối mòn của những tội lỗi, đưa đến khổ đau. Biết thế, chúng ta cần khéo cân bằng giữa phúc đức và trí tuệ. Cụ thể, ngay khi thực hành các việc thiện trong bình tâm tĩnh trí, sẽ cho chúng ta có trí tuệ, sáng ra nhiều điều; sẽ giúp cho chúng ta thấy biết một cách đúng đắn, không lỗi lầm để phải gánh chịu những quả báo xấu đáng tiếc.
Hôm nay mỗi người tạm có một mái ấm, có những điều kiện tương đối để sống an ổn là do phúc lành mình đã khéo tu tạo từ quá khứ. Chúng ta đang sống trên mỗi tảng băng phúc phần nổi trôi của mình trên biển lớn sanh tử. Nó đang bị mòn dần và có thể tan chảy bất cứ khi nào, nhấn chìm mình xuống biển nếu không khéo vun đắp. Sống trên phúc mà không biết vun bồi thêm thì có ngày sẽ bị cạn dần và vướng họa. Có phúc mà hưởng một mình, không chia sẻ cho ai. Chỉ biết cho mình và người thân mình. Ăn uống vãi rơi, tiêu xài thiếu cân nhắc, không bảo vệ vật dụng mà xem thường để bị hỏng hư… Tất cả đều từ lối sống buông thả phung phí, không hợp đạo đức thì tổn hao phúc lành của mình và có ngày nó cũng sẽ hết. Phúc hết thì họa sang, đưa đến bao nhiêu tai ương, khổ não. Nếu người biết đủ, biết dùng sự giàu sang của mình để san sẻ cho những người khó khăn, cơ hàn; làm nhiều điều lợi ích cho xã hội thì những lúc ngồi lại một mình, hay về già gẫm lại sẽ thấy mình đã sống đời một cách xứng đáng, hân hoan, không chút ân hận, cõi lòng trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, an vui. Đó là dấu hiệu của một cuộc sống lành mạnh, thanh thoát; kết quả sau này sáng lạn. Mỗi kiếp sống sẽ được kế thừa năng lực sống như thế mà tăng trưởng cho đến ngày viên mãn, trở thành bậc giác ngộ, giải thoát trọn vẹn. Sống được như vậy thì ngay khi đang giúp đỡ người khác, cũng là lúc làm thành cho chính mình. Đó là nhờ vào sự dẫn đường chỉ lối liên tục và kịp thời của bậc thầy trí tuệ sáng suốt thường trực ngay nơi mỗi người.