Một gia đình giàu có nọ, chỉ có một cậu con trai, bố mẹ rất thương quý. Gia sản nhà này tiêu xài đến đời con đời cháu cũng không hết. Tuy nhiên, ông bố không dễ tính. Đến tuổi trưởng thành, ông bảo cậu con trai phải tự đi kiếm tiền bằng chính năng lực của mình mang về cho ông xem. Nếu được thì mới trao gia tài cho, bằng không thì ông sẽ sung vào công quỹ phúc thiện xã hội chứ không cho cậu ta dù chỉ một đồng. Là một công tử nhà giàu chỉ quen xài tiền, hưởng thụ chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc phải lao động làm ra đồng tiền bao giờ. Thấy con bối rối, bà mẹ lén lấy một ít tiền và bảo con tạm đến một thành phố khác, thuê một chỗ ở trong khu nghỉ dưỡng cao cấp và nghỉ ngơi ở đó một thời gian, sau đó lấy số tiền này mang về trao cho bố. Như lời mẹ dặn, một tháng sau cậu con trai về nhà mang ba triệu đồng trao cho bố và thưa, đó là đồng lương đầu đời mình vừa kiếm được. Tức khắc, ông bố nắm tiền ném vào bếp lửa, bà mẹ nhớm người định ngăn lại trong khi cậu con trai vẫn dửng dưng đứng nhìn. Bởi chừng ấy tiền chưa đủ để cậu ta dùng vào một bữa tiệc. Ông bố mỉm cười bảo, đây không phải tiền của chính con tự tay làm ra. Thế là hôm khác quyết tâm lên đường, cố gắng tìm một công việc gì tự mình lao động xem coi thế nào. Cuối cùng cũng được một công ty nhận vào làm việc. Ngày đêm quần quật, vất vả suốt cả tháng trời, cậu nhận được hai triệu đồng tiền lương bằng chính mồ hôi nước mắt của mình mang về dâng lên bố. Ông bố cầm lấy vừa định xé rách làm hai, cậu ta nhanh nhẩu giật lại. Nhìn nét mặt, thần sắc và hành động cậu con trai, ông bố rất cảm động cho sự trưởng thành của con mình và trao toàn bộ gia tài lại cho anh ta quản lý.
Đồng tiền từ sức lao động chân chính, từ chính sự nỗ lực của bản thân làm ra bao giờ cũng có giá trị, ý nghĩa và chúng ta rất trân quý, sử dụng đúng chỗ. Nếu chưa tự mình trải nghiệm khó khổ để biết giá trị vật chất có ra từ mồ hôi nước mắt của người khác như thế nào thì cậu con trai sẽ tiêu xài vô tội vạ. Tài sản có gấp nhiều lần của bố mẹ anh ta đang có cũng không đủ cho anh dùng vào những nơi tệ nạn, hư đốn và cuối cùng tự giết chết đời mình. Trao tài sản cho một con người như thế là trao tai họa cho chính họ. Một ông bố đã khéo léo dạy con mình biết nhận ra giá trị đồng tiền để sau này quản lý tài sản một cách có hiệu quả, thông minh, sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống của cậu con trai và mọi người, xã hội. Giá trị này chỉ dành cho những ai biết sống bằng tự thân nỗ lực phấn đấu của chính mình; không lợi dụng hay nương tựa vào thế lực bên ngoài thì mới cảm nhận được.