Đường đời vạn nẻo, nhưng vào đời tựu trung chỉ có hai lối: Tình cảm, cảm xúc hoặc nhiệt huyết và trí tuệ.
Không xác định hướng đi, chỉ có thích thì làm. Hoặc xác định hướng đi theo sở thích, cảm xúc, cảm tính không rõ ràng. Hay việc ấy thích thì tôi mới làm, và chán thì tôi mới buông bỏ được. Tất cả những gì được quyết định, làm việc qua cảm nhận, cảm tính, cảm xúc… đều là lối vào đời bằng tình cảm, cảm xúc.
Tôi đến chùa cảm thấy thanh tịnh quá, chư Tăng Ni bình dị mà thanh thoát lạ thường, tụng kinh trang nghiêm quá… cho nên tôi thích. Đây là chỉ mới cảm nhận bên ngoài chứ chưa học hiểu chánh pháp để ứng dụng tu hành, trau dồi trí tuệ. Cũng là phần lớn của nhiều người buổi đầu đến chùa bằng sự cảm nhận do căn duyên, bằng sự chấn động, ấn tượng trong lòng như vậy. Vì thế, đây là đi vào bằng con đường của cảm xúc.
Đứng trước một xã hội mọi thứ đang đua nhau phát triển, khoe sắc, chúng ta luôn đặt ra vấn đề “Lấy gì làm thành công? Điều đó là phi đạo đức, là biến hoại hay hợp đạo đức, mang tính lâu dài?”. Không vội nhìn vào thành công nhất thời trước mắt mà phải đặt ra tầm nhìn bền vững, lâu dài. Điều đó là gì, đích đến là đâu, bằng cách nào để đạt được, điều kiện cần và đủ để thành tựu gồm những gì, mình đang ở đâu, có gì; có bao nhiêu đối tác để sẻ chia, hợp tác, giúp đỡ; khả năng thực hiện được là bao nhiêu phần trăm, còn khó khăn tồn tại nào cần phải nỗ lực, phấn đấu, phải bắt đầu từ đâu, từ nền tảng như thế nào… Đi bằng cách chuyên nghiệp để đạt được đích đến. Đồng thời, làm sao để duy trì sự phát triển tốt đẹp ấy lâu dài?… Đó là ví dụ điển hình cho cách vào đời bằng nhiệt huyết và trí tuệ.
Con người đi vào đời bằng nhiệt huyết và trí tuệ, người này đã xác định tầm nhìn và hướng đi chuyên nghiệp, rõ ràng. Tĩnh lặng để thấy ra vấn đề một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất, không để cảm xúc, con tim chi phối. Không phải tôi làm theo sở thích mà phải xác định việc ấy cần làm thì mình phải có trách nhiệm thực hiện. Điều vô nghĩa, phi đạo đức thì dù có hấp dẫn đến đâu vẫn thấy nó là không cần thiết. Suy nghĩ và hành động bỏ ngoài cảm xúc của thích và không thích mà phải xác định sự cần thiết cho đạo, cho đời.
Tôi đến chùa, đằng sau những ấn tượng thanh thoát ấy còn gì nữa, hay chỉ có thế? Không vội phán đoán mọi việc qua bản ngã nhỏ nhoi thấp hèn. Bỏ ngoài những cá nhân hoặc chi tiết đã khiến mình hài lòng hay khó chịu. Đừng mong quý thầy làm hài lòng mình, bởi như thế thầy sẽ thuận theo phàm tình của chúng sanh, chúng ta mất cơ hội học đạo giác ngộ giải thoát. Không mong huynh đệ cùng tu phải tốt với mình, nếu vậy sẽ khiến cho bản thân yếu hèn. Cần có một chút cầu thị, chịu khó và nỗ lực rèn luyện để tìm tòi bằng nhiệt huyết và trí tuệ, chúng ta mới có cơ hội học hỏi Phật pháp, nhận ra trí tuệ Phật. Đây là yếu tố tiên quyết để giúp con người miễn nhiễm, đạt được an lạc giải thoát thực sự, chứ không chỉ nằm trên khẩu hiệu hoặc lý thuyết suông.
Ngày Tết, Thiền viện có được một số kinh sách do Phật tử ấn tống để biếu tặng du khách lễ Phật đầu năm. Xem qua, cảm kích nhiều giá trị từ cuốn sách mang lại, có vị khách hỏi thăm về việc tặng sách miễn phí, một Thầy đáp: “Ở chùa là thế mà, chỉ cho đi chứ không nhận lại… Khách thỉnh hết rồi thì chúng tôi tiếp tục mang ra thêm, cho đến hết sách thì thôi”.(Trích từ bài viết “Lên cõi thiền… thỉnh sách” của Nhật Lam, www.motthegioi.vn). Câu trả lời không sai với tinh thần vô ngã vị tha của nhà Phật. Nhưng lại là cách trả lời của người đang ở mức cảm nhận đạo Phật qua cảm khái, qua lòng từ bi chứ chưa ngộ sâu trí tuệ mà đức Phật muốn chỉ. Nếu là người khởi đầu và luôn sống bằng nhiệt huyết và trí tuệ, sẽ có câu trả lời khác: “Từ bản thân mình đã từng trải qua, chúng tôi nhận thấy con người khổ là do mê lầm, chưa nhận ra lẽ thật. Có khi chỉ vì một điều rất bé nhỏ, nhưng trong nhất thời chưa kịp tỉnh ra cho nên trong lòng u uẩn, phải chịu khổ đau không đáng có. Trong những tập sách này là những gợi ý hoặc chỉ ra nhiều điều. Nếu ai hữu duyên đọc được, trúng chỗ mình đang vướng kẹt, bầu trời u ám được vén lên, mọi sai lầm tiêu tan, hết khổ. Cảm từ giá trị đó, cho nên chúng tôi cố gắng làm hết sức trong khả năng mình có được”. Cách trả lời có khác, bởi nó mang hơi hướm, mùi vị của trí tuệ thấy ra giá trị của vấn đề và lòng nhiệt huyết muốn mọi người cùng được thừa hưởng. Chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng đã thấy sự khác biệt rõ nét giữa trí tuệ và cảm xúc. Huống nữa cả một đời, nếu sống bằng nhiệt huyết và trí tuệ sẽ cảm nhận được nhiều giá trị đặc biệt đến dường nào!
Khi thành lập Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, ban đầu chúng tôi có niềm vui và phấn khởi để làm. Đó là vào việc bằng cảm xúc. Một thời gian ngắn sau khi triển khai công việc, phải đối diện với nhiều thử thách quá vất vả, có quá nhiều thứ vượt quá sức cho phép của bản thân. Sức chịu đựng của mình đã đến lúc kiệt quệ. Sự nhọc nhằn lúc này quá lớn so với sự phấn khởi thích làm Thiền viện của buổi đầu. Mọi thứ lúc này đều vô nghĩa. Không còn đủ sức để thích thú và cũng không có lực để chán chường được nữa. Bắt đầu muốn bỏ cuộc.
Nhưng khi chuẩn bị sắp xếp để bỏ cuộc thì thấy mình mang tội lỗi. Bởi đã khởi xướng, chư vị Tôn đức cho đến Phật tử, những nhà hảo tâm đã tin tưởng và trao trọng trách, trao niềm tin, trao tài vật cho mình. Nếu không làm thì mọi thứ dở dang đều hư hao. Tội này bắt nguồn từ mình, do mình và ngày sau phải nhận lấy quả báo không nhỏ. Mới sực tỉnh ra, mình không có quyền thích hay không thích, mà đây là trách nhiệm buộc phải gánh lên, không có quyền bỏ cuộc. Nếu không tiếp tục, để bị hỏng là tội lỗi về mình. Thế là tiếp tục công việc bình thường. Kết quả là ngôi Thiền viện trên một địa hình cách trở đã được thành tựu không tưởng.
Cho thấy, khi vì cảm xúc, vì vui thích để làm thì hạn lượng tâm lực rất nhỏ, không thể làm được việc lớn. Nếu vì nhiệt huyết và trí tuệ, thấy đây là việc cần làm, việc có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho nhiều người, mình phải có trách nhiệm, bỏ ngoài cảm xúc của thích và không ưa thích thì chúng ta lại làm nên nhiều việc bất ngờ.
Trong một cuộc thi trắc nghiệm về kiến thức, nếu người có trí tuệ, biết rõ đáp án, sẽ nói rất dứt khoát, tự tin: “Câu trả lời này tôi biết, tôi chọn đáp án đó và tin chắc 100%”. Nhưng người không biết thì sẽ nói: “Điều này tôi không hề có chút hiểu biết gì trong đầu để phán đoán cả. Tôi sẽ nghe theo cảm tính, cảm xúc và không chắc chắn lắm”. Cho thấy, người sống bằng nhiệt huyết và trí tuệ thì luôn tìm hiểu để thấy rõ mọi vấn đề, sau đó quyết định một hướng đi chuyên nghiệp, rõ ràng và tự tin chứ không sống mập mờ bằng cảm tính, cảm xúc. Ngược lại, người sống bằng tình cảm, cảm xúc thì luôn là mường tượng, phán đoán bên ngoài để tìm những gì hợp với mình, mọi chuyện đều mang tính may rủi, không thấy rõ hướng đi. Vậy thì căn cứ vào đâu để quyết định cho dứt khoát và đúng đắn để làm nên chuyện lớn?
Nếu vào đời bằng cảm xúc, tình cảm thì thường tìm kiếm những nơi có điều kiện và hoàn cảnh vừa lòng, thích ý mới sống và làm việc được. Nhưng cuộc đời thì lại ít khi chịu chìu lòng người, mà ngược lại luôn luôn bất như ý. Vậy thì tìm đâu cho vừa và hợp với cảm xúc như mơ của mình tồn tại mãi mãi? Khởi đầu vào đời bằng một ý tưởng yếu đuối, sợ sệt trước cuộc đời cho nên mới tìm kiếm chỗ vừa lòng mình. Như thế là đã tự làm cho mình yếu, tự đánh gục mình, gặp cảnh bất như ý sẽ không chịu được, bỏ cuộc, có khi không sống nổi. Với sự yếu đuối như thế khó có thể làm nên việc lớn, trừ khi người này thừa hưởng phước đức của quá khứ còn sót lại.
Ngược lại, nếu vào đời bằng nhiệt huyết và trí tuệ, sẽ không như thế. Xác định việc cần làm để thực hiện chứ không phải thích mới làm. Đã có tầm nhìn, xác định được hướng đi chứ không phải đi theo trào lưu hay sự xúi bảo của cảm xúc. Vì vậy, có gặp cảnh vừa lòng hay nghịch ý, đều chinh phục, vượt qua và thực hiện cho bằng được, không bỏ cuộc. Bằng vào trí tuệ, sự nhiệt huyết, có tầm nhìn, tự tin và bản lĩnh; cả quyết và khẳng khái trong nếp nghĩ, cách làm; người này sẽ làm nên đại sự, giúp ích nhiều cho cuộc đời chứ không chỉ riêng cho bản thân.