LÀM GÌ CÓ PHẬT
Có một người nọ đến tiệm hớt tóc thân quen để cắt tóc. Trong lúc hai bàn tay thoăn thoắt làm việc, bác thợ luôn miệng trò chuyện rôm rả với thân chủ. Những câu chuyện huyên thuyên dẫn dắt thế nào mà bỗng dưng họ lại sa đà qua đề tài tâm linh, thần học.., rồi xoay qua chủ đề: Đức Phật có hay không?
Thợ hớt tóc vừa đưa một đường kéo ngọt xớt tỉa chỏm tóc lòa xòa trước trán thân chủ, vừa phán một câu chắc nịch: “Làm gì có ông Phật nào trên đời!”.
Vốn là một người sống tâm linh, cho nên ông khách không khỏi phật ý, vặn lại: “Tại sao bác lại nói thế?”.
Bác thợ nói luôn một mạch: “Thì cứ ra phố mà xem. Nhiều trẻ em phải lang thang kiếm sống. Lắm người già yếu còn phải còng lưng dầm mưa dãi nắng bán hàng rong. Bao kẻ không nhà đêm đêm vẫn mượn vỉa hè nằm co ro lăn lóc. Chưa kể là vào các bệnh viện nào cũng thấy chen chúc và đầy dẫy nghịch cảnh đau lòng... Nếu quả thật trên đời này có một ông Phật từ bi luôn thương xót chúng sinh, thì cớ sao những mảnh đời khổ ải đó lại không được Ngài cứu vớt?”.
Ông khách làm thinh.
Trả tiền xong, khách bước ra khỏi tiệm hớt tóc và bắt gặp bên kia đường một người râu tóc lùm xùm, thậm thượt, rõ là đã lâu ngày không hớt không cạo. Ông khách liền quay trở vào tiệm nói lớn: “Bác thấy đó, trên đời này làm gì có thợ hớt tóc!”.
Bác thợ sửng sốt: “Nói vậy mà nghe được à! Thế tôi là ai? Ai vừa mới hớt tóc cho anh ở đây?”.
Ông khách kéo bác thợ cắt tóc ra cửa, chỉ sang bên kia đường: “Đấy! Thợ hớt tóc không hề có. Nếu có thì người kia đã không phải để râu tóc lùm xùm, thậm thượt như vậy.”.
“Sai bét! Thợ hớt tóc vẫn luôn có, nhưng tay đó không chịu bước vào tiệm thì dẫu có nhiều đi chăng nữa, thợ hớt tóc cũng đành bó tay.”.
Khách mỉm cười: “Đúng thế! Đức Phật cũng vậy mà thôi. Ngài luôn luôn đưa tay ra chờ đợi chúng ta, nhưng chúng ta không chịu tìm đến mà nắm lấy tay Ngài. Chúng ta luôn tìm đủ cách phủ nhận đức Phật và kiêu ngạo với tài hèn sức mỏng của mình. Đó là nguyên do sâu xa của mọi đau khổ trên thế gian này!”.
v Bàn thêm:
Đây là cách tìm Phật, thấy Phật qua bản ngã nhỏ hẹp của mình. Chúng ta đem lòng tham nhiều thứ để cầu Ngài ban cho, trong khi Ngài dạy chúng ta phải biết cách buông bỏ tham sân si thì mới hết khổ. Đang làm ngược lại với những gì Ngài hướng dẫn thì làm sao Ngài ban được gì cho mình? Làm sao chúng ta hết đau khổ được?
Thế thường, nhân gian “cầu được, ước thấy” thì mới tin vào Phật. Cầu không toại nguyện thì bảo Phật không thiêng, không có Phật. Kỳ thật, đức Phật xuất hiện trong đời đâu phải để cho con người đem lòng tham cầu của mình ra mà trắc nghiệm sự tồn tại của Ngài. Muốn biết Phật có “cứu vớt” hay không, chúng ta nên nghiên cứu và thực hành theo giáo Pháp của Ngài một cách đích thực thì mới cảm nhận được. Điều gọi là: “Bàn tay Ngài luôn đưa ra”, đó chính là giáo Pháp. Giáo Pháp đó như tấm bản đồ, những ai theo đó mà đi thì sẽ thoát khổ và tự thân cảm nhận hạnh phúc, an vui. Không còn tự biến mình thành nô lệ cho dục vọng và đối tượng mà mình cầu xin.