Chủ Nhật 24/11/2024 -- 24/10/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Thưa Hỏi Thiền - Chương III

Chương 3: MỘT SỐ KỸ THUẬT CẦN LƯU Ý KHI HẠ THỦ DỤNG CÔNG TU THIỀN.

 

I. TRƯỚC KHI CHUẨN BỊ TỌA THIỀN.

Để công phu tọa thiền thuận lợi, không bị những gì ngoài mong muốn, chúng ta cần lưu ý một số điểm cơ bản sau:

1. Chuẩn bị trước khi ngồi thiền.

Sau khi ăn khoảng 1,5 - 2giờ mới tọa thiền. Nếu ăn no và ngồi ngay thì sẽ cảm thấy nặng nề, không thông, dễ bị hôn trầm (ngủ trong mờ mịt), hoặc có cảm giác bị đau bao tử. Nếu hôm nào ăn nhiều dầu, chất béo thì ngồi thiền cảm thấy bị nặng nề, không sáng. Nếu ăn đồ ngọt nhiều thì ngồi thiền sẽ bị đau chân hơn bình thường, có khi như dao cắt. Ăn các thức ăn thanh đạm, hoặc chua thì ngồi cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Trước giờ ngồi thiền khoảng 30 phút, không nên đọc sách hay làm bất cứ gì. Lúc này như đã đi vào công phu tu tập. Chỉ thư giãn hoặc kinh hành nhẹ nhàng. Đến Thiền đường sớm hơn để đi kinh hành nhẹ trước khi vào ngồi, đừng tranh thủ trong nóng vội. Các động tác sau đó như là lễ Phật, vào thiền... tất cả đều phải thật nhẹ nhàng, khoan thai, không rời tâm giác thì bắt chân lên ngồi sẽ được an liền. Nếu không chuẩn bị tốt, gần đến giờ ngồi thiền vẫn còn tranh thủ làm một số công việc hoặc đọc sách. Khi biết đã kề cận giờ rồi thì vội vàng đi lấy bồ đoàn tọa cụ và ngồi trong tranh thủ. Khi ấy, sẽ cảm thấy hơi thở nặng nề, không thông, không sâu, cứ như thở hổn hển ngang ngực. Kế đến sẽ nhúc nhích, rồi nặng hơn là trạo cử, bất ổn, nhọc nhằn, không công phu được nữa.

2. Vị trí ngồi thiền.

Nếu có bóng đèn sau lưng chiếu lên mình và đổ bóng đen trước mặt, sẽ khiến cho hành giả không sáng, dễ buồn ngủ. Nếu có bóng đèn quá sáng chiếu thẳng vào mặt sẽ khiến cho khô mắt, khó chịu, không an. Rất kỵ gió thổi hay quạt gió từ sau lưng, đặc biệt là vùng vai gáy, hoặc gió thổi thẳng trực diện vào mặt. Nếu có gió thổi hoặc để quạt xoáy thẳng vào những vùng này sẽ sanh nhiều bệnh khó lường, có thể không tiếp tục công phu được nữa. Tốt nhất nên có cái khăn khoác lên che vùng vai gáy. Nếu ngồi gần khe cửa nhỏ để gió lò vào cũng rất nguy hại, sẽ trúng gió và bị đau như cắt sau đó.

II. ĐANG KHI NGỒI THIỀN.

1. Tư thế ngồi thiền.

Phải ngồi thiền đúng pháp như trong sách “Phương pháp tọa thiền” Hòa thượng Tông chủ đã hướng dẫn. Nếu cố gượng ngồi cho thẳng đến mức bị ễnh ngực ra trước, thời gian sau sẽ bị triệu chứng nổi sân, bực bội vô cớ, không có nguyên nhân. Thấy cái gì cũng tự bực mình. Nên chỉnh lại tư thế ngồi và buông thư cho khoan thai. Nếu ngồi khom lưng thì sẽ bị ứ trệ hơi ở vùng bụng, lâu ngày có cảm giác như đau bao tử. Nên chỉnh thân ngồi thẳng và hít sâu, thở sạch để xả sạch hơi bị ứ trệ ra ngoài. Nếu ngồi nghiêng và chồm về bên trái của phía trước thì sẽ bị đau thắt lưng bên phải, và ngược lại. Nên kiểm tra để điều chỉnh kịp thời, đừng để lâu quá sẽ khó điều trị. Tất cả chỉ cần chỉnh lại thế ngồi cho thật ngay ngắn, khoan thai, đúng pháp; hít thở cho thông thì sẽ giải quyết được mọi chướng ngại.

-           Nếu chú tâm quá thì sanh hoa mắt, đầu bị căng, mất ngủ...

-           Nếu công phu kềm tâm sẽ có dáng ngồi hơi chồm về trước, lâu ngày hơi tức ngực, nghe có cảm giác tê và nặng sau lưng. Thời gian sau sẽ bị nặng trĩu như có hòn đá đè trên lưng, khó thở. Cần chỉnh lại thế ngồi cho ngay ngắn, hít thở cho thông, buông thư thân tâm, sẽ khỏi.

-           Hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau. Nếu chạm mạnh quá sẽ bị nóng ở hai đầu ngón tay này. Nếu hở ra thì biết lúc đó bị bất giác, sẽ bị không thông, tâm không vững, lực bị thiếu, công phu không đắc lực...

-           Mắt khép hờ, không gượng. Nếu hơi buồn ngủ thì mở to ra. Nếu bị loạn động hoặc khô mắt thì nhắm lại.

-           Chót lưỡi chạm với bên trong chân hàm răng trên. Lưu ý, làm sao để lưỡi được thư thả, tự nhiên, bình thường. Nếu hơi gượng, gồng, co cong lưỡi... sẽ bị chảy nước bọt, khô cổ họng.

-           Kéo chân sát nhưng không chạm vào da bụng. Nếu chân chạm vào da bụng sẽ bị nóng và buốt da.

2. Rời các cực đoan.

Khi công phu, không kềm, đè nén vọng tưởng; cũng không lơ đễnh buông thả tâm miên man bất định. Kềm đè thì rơi vào cố chấp, tạo tác sanh diệt. Buông thả tâm lờ đờ thì rơi vào vô minh. Rời hai cực đoan này là trung đạo; khéo sống ngay đó là dụng công tu hành đích thực, sẽ có hiệu quả đắc lực.

Đã có hành giả vì ham tu cho nên dụng công theo kiểu hơi kềm, trong vi tế có hơi cố giữ tâm để được an tịnh. Lâu ngày nghe có dấu hiệu hơi nặng và tức trước ngực. Thời gian sau thì có cảm giác hơi ê sau gáy và hai bả vai. Lâu sau nữa như có tảng đá to đè nặng lên lưng và cổ; bị tê buốt, nặng nề, khó thở, không thông, không thể tiếp tục công phu. Khi chỉnh lại tư thế, buông thư từ thân đến tâm, hơi thở suốt thông, thời gian sau mới khỏi. Khi kềm kẹp, đè nén, buộc tâm thì người ngồi căng cứng và hơi gập về phía trước một chút, không ngay thẳng, thong dong. Nhận ra dấu hiệu này là biết công phu có kềm đè và buộc tâm, nên chỉnh lại cho ngay thẳng, buông thư, suốt thông để tránh các tác dụng phụ không tốt. Với người lơ đễnh, thả tâm lờ đờ trong vô định thì tâm không sáng, ngồi được một lát sẽ ngủ gật gù, vô ký.

III. CÁC LƯU Ý KHÁC.

-        Nên xem kỹ phần hướng dẫn tọa thiền của Hòa Thượng Tông chủ để ngồi cho đúng pháp.

-        Thời gian ngồi: Nên ngồi tăng dần 5 đến 10 phút sau 1 hoặc 2 tuần. Không nên tăng đột ngột, hôm sau sẽ không ngồi được nữa, có khi bỏ cuộc.

-        Quy trình tiến bộ như hình xoắn ốc. Khi xuống (đau chân hoặc chướng ngại) là lúc chuẩn bị tiến lên, nếu có sự kiên trì, cố gắng, không bỏ cuộc.

-        Có khi đang ngồi, chân tự bung ra trước khi mình nhận biết, hoặc mới ngồi đã đau chân một cách vô lý. Đó là giai đoạn khó khăn tồi tệ mà ai ngồi thiền cũng sẽ gặp. Không nản, phải ngồi đó cho đến hết giờ mới đứng dậy, kiên trì như vậy một thời gian ngắn thì sau đó sẽ tiến bộ vượt bậc.

v Nhớ yếu chỉ:

-               Thông thì không bị đau hay ngăn trệ gì cả. Bị đau hay ngăn trệ là do không thông.

-               Buông rũ xuống hết, sẽ rỗng lặng à Thông suốt à Ngồi được lâu.

-               Khéo buông xuống à sẽ rỗng lặng, vỡ vụn à sẽ an nhiên + giác sáng, công phu sẽ đắc lực.

IV. CÁC BƯỚC CĂN BẢN CẦN BIẾT KHI THỰC TẬP TỌA THIỀN.

1. PHÁP SỔ TỨC.

Chỉ ứng dụng khi tọa thiền hoặc ngồi yên tĩnh, không vận hành, hoạt động hay sinh hoạt gì.

Cách thực hành:

- Ban đầu mới vào thiền, khi đã ngồi ngay ngắn và đúng tư thế, hành giả sẽ hít sâu, thở sạch 3 lần để xả sạch và lưu thông hơi thở. Cụ thể, hít thật sâu vào bằng mũi, há miệng và thở sạch ra bằng miệng. Hít thở 3 lần như thế.

- Kế đến, ngậm miệng lại, hít vào bằng mũi và thở ra cũng bằng mũi; nghĩa là hít thở bình thường. Hít vào bình thường, thở ra bình thường, đếm 1; hít vào thở ra đếm 2, hít thở bình thường như thế đếm 3, ... đếm đến 10 thì bỏ và bắt đầu đếm lại từ 1 cho đến 10...

- Trong khi đếm, nếu bị lộn hoặc quên số thì bỏ qua, bắt đầu đếm lại từ số 1.

- Trong suốt thời gian tọa thiền, chỉ có đếm số hơi thở như là máy móc, đơn điệu, không khởi tưởng làm thêm gì. Chỉ lưu ý là phải luôn tỉnh sáng và rõ biết; không theo niệm tưởng, không mê mờ.

Quán sổ tức thành công:

Khi ngồi cảm thấy trong người thanh thản, hơi thở nhẹ mà suốt thông, vọng tưởng thưa và bớt chi phối, tâm khinh an. Hơi thở và số đếm tự lưu thông, không lẫn lộn số đếm. Như vậy là đã có vốn, có nền tảng căn bản để tiến lên phương pháp tùy tức. Nếu thời khóa ngồi thiền ổn định theo từng ngày, không bỏ công phu thì giai đoạn này thực tập khoảng từ sáu tháng đến một năm. Khi sổ tức, rất dễ đạt được định mất thân, bặt niệm tưởng, mất hơi thở nhưng suốt thông hơn bình thường, hành giả không nên chấp vào đó lấy làm sở đắc, phải khéo léo điều hòa thì sẽ có những bước tiến tốt. Nếu chấp chặt vào, thời gian sau sẽ bị bệnh, không thể tiếp tục công phu được nữa. Nếu trình được với vị Thầy sáng đạo và có kinh nghiệm để được chỉ dạy thì công phu sẽ tốt.

2. PHÁP TÙY TỨC.

Tuy sổ tức đã thành thục, nhưng tâm chưa đủ thuần cho nên cần có một khoảng thời gian để thực hành phương pháp tùy tức.

Cách thực hành:

Hơi thở ngắn hay dài, đến đâu, hành giả nhận biết rõ ràng. Có hai phương cách:

  • Nếu tâm còn thô, hơi thở còn nặng nề, vọng tưởng còn nhiều: Thì thực hành theo cách hơi thở đến đâu, biết đến đó. Gần như là còn biết về, biết theo hơi thở. Nếu chằm chằm biết theo hơi thở đến mức độ kềm, đè, cố gắng quá mức sẽ có tác dụng phụ như ran ngực, căng người...
  • Khi tâm đã an, thân tâm đều an ổn, nhẹ nhàng:Khi tọa thiền, hơi thở nhẹ mà tự nhiên, bình thường. Hành giả chỉ an ngay chỗ đang thông suốt, tự sáng biết rõ ràng, cùng một lúc biết hết tất cả một cách rõ ràng, chủ động nhưng không động, như đứng lầu cao nhìn xuống, cùng lúc đồng thời thấy biết hết muôn vật. Lúc này không cần biết về hay biết theo hơi thở nữa.

Thông thường thực hành phương pháp tùy tức rất dễ khiến cho cảm thấy an và buồn ngủ, hôn trầm, vô ký... Do đó, hành giả chỉ ứng dụng phương pháp này trong một thời gian ngắn khoảng 3 – 6 tháng thì chuyển qua pháp Tri vọng (Biết vọng không theo).

3. PHÁP TRI VỌNG.

Sổ tức và tùy tức là hai phương pháp bổ trợ khi hành giả còn sơ cơ. Tri vọng mới bắt đầu đi vào công phu chính.

Cách thực hành:

* Buổi đầu: Ngồi yên tĩnh, đúng pháp. Chỉnh thân ngay ngắn, buông hết mọi thứ bên ngoài, buông thân, buông tâm... Tất cả nhất thời buông xuống hết, sao cho thông suốt là tốt. Vọng tưởng khởi lên, biết bình thường, không theo, không dẹp, không đè nén, không đuổi theo vọng tưởng.

* Thời gian sau có lực: Khi biết vọng là mình đang tự sáng biết chứ không phải biết theo vọng. Cụ thể, thân tâm thơ thới, sáng biết rõ ràng. Khi chưa có vọng niệm vẫn một tánh sáng tự suốt thông biết rõ như thế. Khi vọng khởi lên, tánh thấy biết ấy cũng như thế, không vì có vọng mà cái biết bị thay đổi. Rồi vọng có lặng hay không lặng, chúng ta không quan tâm, chỉ là một tánh sáng biết không đổi thường hằng như vậy. Đó là khéo an ngay tự tánh sẵn sáng biết mà không biết về hay biết theo vọng tưởng.

Tránh các sai lầm:

Một phen thấu tột vọng tưởng là huyễn hóa, không thật rồi thì mặc định nó là thứ không ra gì, chúng ta chỉ ngồi yên, tỉnh sáng và đừng lao theo nó để thêu dệt là đang công phu. Không phải đọc câu: “Tôi biết đó là vọng tưởng nên tôi không theo”.

Buổi đầu hành giả thường đợi vọng lên liền khởi biết về vọng, đó là biết theo đuôi vọng, như là ngồi rình để đếm vọng tưởng chứ không phải Tri vọng đúng pháp. Biết như thế là đã quên mình mà theo vọng tưởng, bị vọng tưởng dụ dỗ mình biết theo nó. Khi ở bên ngoài tiếp xúc nhiều thì chưa thấy được tác hại. Cho đến khi vào môi trường chuyên tu miên mật, cắt hết duyên, vọng tưởng sẽ cuộn trào như ghềnh thác, hành giả sẽ bất lực với vọng tưởng ngông cuồng ấy. Lúc này mới thấy, cách “biết theo, biết về vọng tưởng” là không đủ lực để hàng phục được vọng tưởng.

Khi đã thuần thục, lúc này, toàn thể hiện tiền đang sáng biết mà không có tướng phân biệt của tâm hay vọng. Toàn thể đang sáng biết, có vọng niệm hay không có vọng niệm, mình vẫn đang biết rõ ràng mà không động như thế. Lúc này, “toàn biết là chân tâm biết”, bắt đầu chuyển qua công phu “Biết là chân tâm”.

4. BIẾT LÀ CHÂN TÂM: Thế nào là “Cái Biết Chân Tâm”?

Không phải nhất thiết chúng ta phải khởi biết mới biết, không phải bao giờ biết cũng là khởi biết; không phải nhất thiết đợi có đối tượng mới biết, không cần đối tượng mà chúng ta vẫn đang sẵn sáng biết. Khi tự sáng biết mà không phải biết về vật, biết về vọng, về pháp hoặc biết về bất cứ gì, thường suốt thông và hay vượt qua tất cả, không dừng trụ vào đâu cả, không động mà hằng suốt biết như thế, đây là “Chân tâm biết”, “Biết là chân tâm”. Cái biết này không chờ có cảnh mới biết. Nó tự sáng biết, không động nhưng linh thông đến chủ động vô ngần.

5. KẾT LUẬN: Khéo léo vận dụng công phu, không chấp trước, sai lầm.

Đây là 4 phương pháp Hòa thượng Tôn sư, Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam (Thích Thanh Từ) đã phương tiện lập bày chỉ dạy cho chúng ta. Bốn con đường này không thấp không cao. Nó là trình tự căn bản cần thiết cho một hành giả từ khi mới vào thực tập thiền cho đến khi thuần thục. Muốn không bị các chướng ngại trong công phu để tu hành được tiến bộ thì phải thực hành đúng kỹ thuật, đúng pháp Hòa thượng Tôn sư đã dạy. Đi đúng pháp mới tiến đạo, mới có ngày sáng đạo. Nếu vượt bậc, bỏ băng, thực hành sai thì sau này bị tắc nghẽn, chữa trị hơi khó. Công phu tọa thiền muốn tiến bộ, cần phải có thời khóa để thực hành một cách đều đặn, thường xuyên; không để gián đoạn lúc này ngồi, lúc khác nghỉ.

Ngộ đạo không phải do làm, do tính toán mà dụng công đúng pháp, khi thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm kia tự bùng vỡ. Do đó, có khi không phải đợi đi qua hết 4 bước này mới ngộ đạo. Chưa sáng đạo thì phải công phu tuần tự như trên để có căn bản, để tiến đạo. Nhân duyên chín muồi thì tâm thể bừng sáng vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, không nằm trong sự tính toán của thức tình nghĩ tưởng. Biết vậy, học phương pháp để khéo dụng công, để trở về nhận lại tâm mình chứ không dính chấp vào phương pháp. Ứng dụng phương pháp nhưng không được chấp công phu mà luôn dụng thẳng đến tự tánh, đến thấy biết chân tâm chưa từng sanh diệt. Khéo thấy biết như thế thì công phu không bị kẹt giữa đường, sẽ tiến thẳng đến đại đạo.

Tâm vốn vô tướng, không giới hạn, không có một khuôn mẫu nào, do đó pháp cũng không cố định. Cùng thờ một Thầy, cùng học một pháp, nhưng khi dụng công thì sự tiến triển, chuyển biến không ai giống với bất kỳ ai cả. Chính trên một con người, nhưng trong 100 thời tọa thiền, không có thời nào xảy ra giống với thời thiền nào cả. Do đó, không phải ai tu cũng được thuận duyên dễ dàng mà có người thuận và nhiều người không được thuận. Chẳng phải ai cũng gian nan vất vả, cũng không phải ai hạ thủ công phu, muốn tiến bộ đều bắt buộc phải trải qua các chướng bệnh ngăn ngại như nhau. Nhiều người suôn sẻ do túc duyên tu đúng và kiếp này khéo léo dụng công. Nhưng cũng có nhiều vị thiếu suôn sẻ do tâm không bình tĩnh, dụng công không khéo léo của quá khứ và hiện tại. Tất cả đều do mỗi người tự tu, tự điều chỉnh. Nếu quyết chí kiên trì không nản, bình tâm điều chỉnh công phu thì tất cả đều được tiến bộ tốt đẹp.

 Tâm đã vốn lưu thông và linh động thì hành giả học pháp, ứng dụng công phu cũng phải tinh tế, khéo léo để điều hòa thân, tâm và công phu sao cho khế với bản tâm vô tướng trùm khắp, lặng sáng, linh thông, chủ động nhưng không động như thế. Việc này cần thoát hết suy nghĩ của phàm tình ưa và không ưa, hợp với tôi và không hợp, để nhận ra pháp, để rèn luyện và quyết chí tiến tu chứ không phải đi tìm điều hợp với mình cho an ổn.

  1. V.  KHI ĐẠT ĐỊNH CỦA BUỔI BAN ĐẦU.

-               Khi đạt định đặc biệt buổi đầu, không nên kể cho người khác biết, nếu kể sẽ mất định. Chỉ thưa trình với vị Thầy sáng mắt, có kinh nghiệm để được hướng dẫn, tránh các sai lầm để công phu được tiến bộ.

-               Khi mới tiến bộ như thế, người rất khinh an, thân tâm mất sạch. Nếu không giữ gìn kỹ, sau một thời gian dễ bị cảm cúm, cơ thể yếu ớt.

-               Lúc đạt định, thân, tâm và hơi thở đều dứt bặt, nhưng thông suốt và an lạc diệu thường. Do vậy cho nên hành giả thích ngồi thiền nhiều, bỏ cả ăn và ngủ nghỉ, không vận động... Thời gian sau do thân không theo kịp tâm do đó bị mất thăng bằng, sẽ bị hoang mang đến độ không còn tự chủ nữa, dẫn đến bất an, bị bệnh.

-               Nên điều hòa để giữ gìn công phu tốt thì mới thăng tiến, không bị trở ngại.

Nên biết, đạo là nơi nơi sáng sạch không ngăn ngại. Vậy tại sao giỏi nhịn ăn mà không giỏi ăn, giỏi ngồi thiền thấy an mà không giỏi không ngồi, giỏi thức khuya tọa thiền thâu đêm mà không giỏi nghỉ ngơi hợp lý?... Những câu hỏi này thích hợp cho hành giả đã đạt đến định này, ham ngồi thiền mà không điều hòa được đúng với trung đạo, chứ không thích hợp cho những ai còn tham uống ăn, thích ngủ nghỉ, lười ngồi tu. Và gợi ý trả lời ở đây là đạo không ở trên các tướng mà hay tự tại vào được các tướng không ngăn ngại, nhưng vẫn an nhiên bất động, không có tướng ra vào. Nếu còn kẹt một tướng dù đó là tọa thiền, còn trú một nơi dù đó là thân tâm an lạc thì đạo ấy chưa trùm khắp, còn ở đây có ở kia không, chưa phải rốt ráo chân thật; đều là kẹt giữa đường, sẽ đưa đến bệnh hoạn. Nếu suốt thông tất cả thì tại sao không khéo điều hòa để thân ổn, tâm an, công phu không kẹt vào sở đắc, để được tiến xa hơn, không bị các trở ngại giữa đường khiến phải bế tắc?

VI. TÓM KẾT

-               Thông thì bất thống: Thông suốt thì không bị ngăn trệ, không bị đau.

-               Trở ngại là do còn bị ngưng trệ.

1. Đối với người mới dụng công, chưa đạt định, nếu có các trở ngại là do chưa thông. Chỉnh lại cho thông suốt thì mọi khó khăn sẽ hết.

2. Với hành giả mới lần đầu đạt định không thân, nếu không khéo dụng công cũng sẽ bị ngưng trệ, từ đó căn thức biến hiện làm trở ngại công phu.

* Ngưng trệ: Ví như ly sữa nóng vắt chanh vào và bị óc trâu, còn lợn cợn giữa sữa đã kết tủa và nước trong, chưa được tách hẳn ra cho sạch. Lúc này đục thì không còn nặng nề và vẩn đục, nhưng trong thì chưa phải được lọc xong, mà chính là đang ở giai đoạn chuyển hóa chưa trọn vẹn. Hành giả không còn chút gì cảm giác của nặng nề như phàm tục. Vẫn nhẹ nhàng như mất hết trọng lượng, không còn gì. Nhưng với công phu thì bị trở ngại, hoang mang; chỉ muốn ngồi thiền, xả thiền thì không chịu được. Từ thân thể đến tinh thần đều bị tiều tụy dần, bạc nhược cho đến khi không còn làm chủ được mình nữa và rơi vào nguy hiểm.

* Biến hiện: Thức thần ngấm ngầm tự biến hiện chứ không phải khởi tưởng có hiểu biết. Nó không giống như chúng ta chủ động khởi tưởng để nhận thức hiểu biết rồi thành hình, mà nó tự ngầm biến hiện tinh vi, tự mình thấy hiện lên bằng mắt, nghe bằng tai. Vì quá tinh vi cho nên bản thân hành giả không hề biết là do thức biến hiện. Cụ thể khi đang nghe pháp hoặc gặp quý Thầy, nó sẽ biến hiện khiến chúng ta nhìn thấy quý Thầy lớn có ánh sáng, hào quang, hoặc như đang ở trong cõi nước lưu ly sáng ngời, trong ngần của Phật... Hoặc hiện có các thần thông, có các tướng lớn, nhỏ, đen, vàng; nghe các âm thanh mà không phải do bản thân muốn nghe thấy...

* Cách điều trị: Nếu dụng công đúng pháp, khéo điều hòa tốt sinh hoạt, không theo bất kỳ tướng lạ gì bên ngoài, không chấp vào sở đắc thì không bị rơi vào các trở ngại trên. Nếu có các ngăn ngại trên thì phải nhận ra nguyên nhân là do bị ngưng trệ, do căn thức biến hiện, hay bản thân mình đã không khéo điều hòa, hoặc đã chấp vào đâu... Nhận ra, ngay chỗ vướng mắc để khéo léo điều chỉnh lại. Với thân thì khéo léo vận động điều hòa cho tốt. Buông thư, không trụ chấp, không để ý đến tất cả âm thanh sắc tướng, có hay không cũng không thèm quan tâm. Chỉ giữ tâm cho thật vững, giác sáng rõ ràng, không chấp vào sở đắc, theo thời gian công phu sẽ tốt. Nếu có bậc Thầy sáng mắt chỉ điểm thì sẽ tốt hơn.

3. Nương thở, trụ tâm, buộc niệm, chấp vào chỗ an ổn và khỏe mạnh.

Có người nương vào hơi thở để buộc niệm, trụ tâm và thấy thân khỏe, tâm an rồi giữ mãi ở chỗ đó. Đó là bị ru ngủ, là tìm chỗ yên thân thôi. Nếu chấp chặt và dừng trụ ở đó mãi, tọa thiền như thế thì chỉ như là một phương pháp dưỡng sinh chứ không phải tu thiền. Vì không phát minh được trí tuệ chiếu phá sanh tử để dứt sạch vô minh, đau khổ.

4.  Học Thiền cần có bậc thầy sáng mắt (sáng tâm, ngộ đạo).

-               Dạy thiền cần phải khế lý và khế cơ. Vị Thầy sáng đạo sẽ xem xét căn cơ người học để hướng dẫn đúng pháp, thích hợp thì việc tu tập mới tiến bộ.

-               Google không quán được căn cơ, không làm thay được việc của bậc Thầy sáng đạo.

5. Sám hối lỗi lầm.

Tàm quý (hổ thẹn) là gốc của mọi công đức lành. Không có tâm tàm quý, các công đức lành sẽ mất. Hổ thẹn ăn năn với lỗi lầm đã lỡ tạo để thành tâm sám hối, việc làm này sẽ giúp cho hành giả thanh tịnh và thuận lợi trong lúc hạ thủ công phu, không bị tâm ân hận, hối lỗi làm chướng ngại.

Vừa lỡ lầm lỗi, phải xin lỗi với người mà mình đã phạm lỗi với họ, hoặc thành tâm sám hối, sửa sai để tâm được trở nên thanh tịnh. Nếu không như thế, khi công phu miên mật hoặc có duyên vào nhập thất chuyên tu, các lỗi lầm sẽ hiện về khiến chúng ta ăn năn, bất an, chướng ngại. Vì khi thô tâm thì dễ phạm lỗi và cũng vì thô tâm cho nên không thấy đó là lỗi lầm, hoặc thấy và xem nhẹ; cho nên mới gọi là mê, dẫn đến lầm. Cho đến khi dụng công tu tập miên mật, tâm được thanh tịnh, trở nên thánh thiện, cao thượng thì sẽ không chấp nhận lỗi lầm dù là nhỏ nhất. Là bậc có trí tuệ, sẽ luôn dọn sạch tâm của mình, không để vết sơ thất nào tồn tại.

Cũng cần lưu ý là chỉ thấy lỗi lầm và thành tâm sám hối một cách tha thiết thôi. Còn lại vẫn giữ vững công phu, tâm vẫn an định, sáng suốt chứ không phải ân hận sâu quá, khổ đau, bi ai quá, để tâm ăn năn nhiều ngày quá; như thế sẽ khiến cho tâm bị nhũn lại, yếu ớt, mê mờ, mất tự chủ và bị sai lầm sau đó. Trong Kinh Lăng Nghiêm gọi là bị ma bi nhập tâm, là bị bệnh.

6. Không theo tướng lạ bên ngoài.

Khi tọa thiền, nếu thấy các tướng lạ hay ánh sáng bên ngoài, hành giả không được mừng, hoặc sợ, hoặc khởi tâm cho là đã chứng đắc. Như thế sẽ sanh bệnh. Khi nghe bất kỳ âm thanh gì, hoặc thấy ánh sáng, hào quang, hay gặp bất kỳ cảnh tượng nào hiện ra, đều biết là cảnh bên ngoài, đều thuộc huyễn hóa, không thật. Không chấp, không mừng, không sợ, mà chỉ giữ tâm cho thật vững chãi, an định, giác sáng và rất đỗi bình thản. Không theo nó cũng không cần đuổi dẹp nó, bởi đuổi dẹp sẽ không thành công. Nó hết hay còn đều không quan tâm, không quan trọng; như thế thời gian sau nó sẽ tự hết lúc nào cũng chẳng rõ. Nếu còn cố tâm làm gì thì nó sẽ có giá trị và không hết được. Bởi lúc này, tất cả hiện tượng trên đều do căn thức biến hiện. Không phải có ý khởi tưởng của ý thức khởi nghĩ phân biệt thô phù; mà đây là do cái căn thức ngủ ngầm tự nó chủ động biến hiện một cách rất vi tế mà tâm thô không thể phát hiện hay làm chủ được. Chỉ khi qua rồi mới tỏ rõ và có kinh nghiệm. Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy:

Nhược khởi thánh giải,

Tức thọ quần tà.

Bất khởi thánh tâm,

Tức thiện cảnh giới.

Tức là, nếu khởi tâm cho là chứng đắc gì đó thì liền bị sai, rơi vào bệnh hoạn. Còn không khởi thêm gì cả thì tất cả đều là cảnh giới tốt. Nghĩa là không khởi thêm gì cả, chỉ là để tâm vào công phu an định giác sáng thôi thì sẽ tốt, không có gì làm trở ngại; chứ không phải nghĩ đó là cảnh giới tốt, nghĩ như thế là đã ngầm chấp cho mình đạt được gì đó, cũng sẽ bị bệnh.

 

 

 

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

1202197
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
703
2336
3039
1175483
87200
118095
1202197