4/ CHO ĐIỀU NGƯỜI KHÁC CẦN.
Một Bác sĩ gốc người Việt nam nhưng sang Mỹ từ bé. Cô này phát tâm làm nhiều việc thiện nguyện tại quê nhà Việt nam mình. Cùng làm việc tại Việt nam, có một Bác sĩ là bạn tại Sài Gòn hỗ trợ, tư vấn tổ chức. Tâm lý sinh viên Việt nam thấy Bác sĩ nước ngoài về thì muốn tò mò học hỏi khiến vị Bác sĩ ở Sài Gòn thường bị bỏ rơi. Trong một lần đến thăm Thiền viện, cô Bác sĩ ở Mỹ thưa với quý thầy: “Thưa thầy, con muốn làm những việc thiện nguyện ở Việt nam thì không thể thiếu sự giúp đỡ của vị Bác sĩ bạn con ở Sài Gòn, nhưng không hiểu vì sao cô bạn thường tỏ ra khó chịu với con, từ đó các ý kiến thường xảy ra trái chiều, rất khó chịu. Con phải làm sao?” Quý thầy nói, cô nên cất giấu đi những gì cô cho là hay giỏi, tâm đắc và chỉ cho ra đúng thời điểm, đúng nơi chốn, đúng đối tượng đang cần. Với người bạn mình, cô nên có tâm học lấy một điều gì đó ở họ dù điều đó mình đã biết, cô bạn ấy sẽ rất vui, sẽ cộng tác cùng làm nên công việc tốt cho nhiều người. Nghe nói xong, cô ta chiêm nghiệm, gật gù, thấy đúng. Con người thường thích lên giọng thầy đời, ưa dạy người khác hơn là tranh thủ học lấy một điều gì đó mình cần. Chúng ta không thể biết được những gì mình chưa biết cho nên việc học sẽ không bao giờ là tận cùng. Những người luôn luôn khéo học hỏi ở mọi lĩnh vực, người ấy luôn tự chủ và thành đạt. Đặc biệt hơn, có khi không phải là điều mình cần hay chưa biết, nhưng vì muốn tiện việc giúp ích cho nhiều người, để cho người muốn dạy được vui, chúng ta cũng sẵn sàng học hỏi để cho người khác được dạy. Họ cần dạy thì mình cho họ điều kiện để được dạy, cho họ vui. Thế thôi. Không quan trọng mình, người khác cần gì nếu mang đến lợi lạc chính đáng cho họ, chúng ta sẵn sàng cho ra.
Cứ thử một lần thảnh thơi ngồi an nhiên, lặng lẽ, không tư duy suy nghĩ gì cả, chúng ta sẽ thấy được một lẽ thật, tột cùng những thứ trong đời chỉ là một giấc mộng. Khi ngủ thì mơ thấy đủ thứ, tỉnh dậy rồi, mọi thứ trong mộng không còn giá trị gì. Khi mê, quên giác thì chúng ta như người ngủ say, tranh giành lắm chuyện. Khi lắng lại, giác sáng mạnh rồi mới sực tỉnh ra, năng lực lặng sáng lạc an không động ngay đây mới còn mãi, mọi thứ chỉ là trò đùa. Học hay dạy chỉ là một trò chơi của trẻ con trong đời, là người lớn có đủ năng lực thì nên ban cho họ chứ không nên tranh giành ở họ. Tự tại, hoan hỷ ban ra, được vậy thì cuộc sống sẽ thuận lợi và vui hơn nhiều.
Có lần quý thầy được quý phật tử mời đi giảng ở một vùng miền khá xa, mọi người ở đây chưa hiểu và thông cảm mình. Có phật tử báo: “Bạch thầy, có người chưa thông cảm, muốn làm khó thầy nên cho người theo dõi để về nói xấu chê bai thầy đó.” Quý thầy nói: “Không sao, quý thầy sẽ biết nên làm gì.” Khi người ta muốn chê bai, phỉ báng, mình cứ làm một điều gì đó vụng về để cho họ có cơ hội chê bai là xong. Khi được chê thỏa mãn thì họ không làm gì nữa cả, sau đó mình nói những điều lợi ích cần thiết cho những người khác cần nghe. Thế thôi. Vì chưa giác sáng, còn trong mê lầm, quan trọng mọi thứ nên họ muốn khen chê. Nếu khen chê mà người ta được vui thì mình cũng nên tôn trọng niềm vui của họ. Cuộc đời này ngắn ngủi lắm, chúng ta nên tôn trọng sở thích của mỗi người để họ có cơ hội được làm kẻo không còn kịp. Thấy đủ duyên thì giúp cho họ giác tỉnh, còn chưa đủ duyên thì thôi. Không nên dại dột tham lam cho mình là đúng rồi muốn cả nhân loại phải tin theo mình, đó là cố chấp, chưa biết quán xét thời tiết nhân duyên, sẽ đưa đến phiền não, thất bại, khổ đau. Nếu người đã giác tỉnh thì sẽ thấy rõ, khen cũng giả mà chê cũng không quan trọng gì. Họ cần gì thì mình cho cái đó. Người muốn chê bai thì tạo điều kiện cho họ chê bai, rồi thôi. Người muốn nghe pháp để tu sửa thì nói pháp, thế thôi. Nhìn nhận và khéo sống tùy duyên như thế thì cuộc sống an lạc vô cùng.
Nếu khéo tu tập, nhận ra và sống bằng trí tuệ chân thật rồi thì sẽ có sự an định, giác sáng, ngập tràn niềm vui. Mọi thứ khen chê đúng sai phải trái hơn thua tự nó mất giá trị, không còn đủ sức chi phối chúng ta nữa. Như một người đã được ăn uống đồ ngon no nê thì không còn màn đến tách nước lã. Lúc này đã có vốn, ai cần gì mình sẵn sàng ban cho họ. Nếu họ cần phần thắng thì nhường, cần chỉ trích phỉ báng thì tạo điều kiện cho người ta chê bai phỉ báng, cần làm thầy dạy đời thì tạo điều kiện cho họ dạy dỗ, ai cần một điều gì đó mà chúng ta chưa đủ duyên giúp thêm ý kiến tốt hơn thì chỉ nên tôn trọng cho người ta làm. Trả lại mọi thứ cho đời, cho người, mình vẫn là mình, rỗng rang, thênh thang, như đã từng lạc an từ muôn thuở.