6/ CHIẾN THẮNG ĐÍCH THỰC.
Thế gian ai cũng thích giành phần thắng về mình. Khi được chiến thắng thì huênh hoang, phấn khởi, khi thất bại thì chán nản, ê chề. Cũng vì giành chiến thắng theo kiểu cương mà không biết nhu này cho nên dễ có sự không vui với nhau, ngày càng đánh mất lòng nhân trong tâm hồn hồi nào không rõ. Lòng nhân mất thì tâm hồn cũng mất. Sống không tâm hồn, chỉ là một cuộc sống thực vật, không có lẽ sống.
Hằng ngày anh giành chiến thắng, tôi sẵn sàng nhường cho anh, tôi chỉ lặng thầm làm việc có ý nghĩa cho mình và người, có ích cho xã hội, không so sánh thắng bại với ai cả. Được chiến thắng, anh ta hiêu hiêu tự đắc, vênh váo nghênh ngang, tỏ ra anh hùng cái thế, mạnh mẽ vô song. Đến khi gặp chuyện không may và phải thất trận, anh ta chán nản yếu xìu như cọng bún thiu, không còn sống nổi. Nếu thật sự là mạnh mẽ anh hùng, sao lúc này không dám anh hùng mà đánh mất hết hào khí của mình đi đâu hết? Như thế có thực sự là anh hùng chưa hay chỉ là anh hùng rơm, chỉ bùng cháy nhất thời rồi vụt tắt, trống phộc không có gì chắc thật? Họ chỉ sống được trong hoàn cảnh thuận lợi, thành công mà không sống nổi khi công không thành, danh không toại. Nhưng cuộc đời đâu phải bao giờ cũng trải nhung thảm để đón mọi người?
Chúng ta thường nghe nói: “Cạn sòng mới biết rô trê”. Khi mặt nước đầy, hồ trở nên trong trẻo mát mẻ. Chú cá nào cũng tranh nhau táp mống, tự đắc, anh hùng. Gặp trời khô hạn, nước hồ cạn kiệt, đó đây còn vài vũng nước chân trâu. Lúc này những chú đắc thắng lòng tong kia phơi thây chết sạch. Loài còn lại chỉ là những chú cá rô, cá trê vốn sống lặng thầm dưới bùn. Trên đời này có không ít người bao giờ cũng chỉ biết nghĩ về mình, không biết đến người khác nên luôn tranh giành, tự cao, đắc thắng. Kết quả là họ chỉ sống được trên hoàn cảnh thuận lợi được thắng. Khi bị nghịch cảnh thì họ buồn khổ ê chề, không còn sức sống, không muốn sống nữa. Đó chỉ là loài lòng tong chỉ đắc thắng được khi nước mát, đến khi nước cạn chúng phải bị chết phơi thây. Có những người sống rất bình dị, nhẹ nhàng, nhu nhuyến, biết quan tâm người, biết nhường nhịn người khác, tự tâm lặng thầm nuôi chí phấn đấu theo lý tưởng mình đã chọn. Khi thuận duyên họ cũng thắng lợi bình thường như bao nhiêu người khác. Khi gặp cảnh nghịch thì họ lại hào hùng hơn bao giờ cả. Người như vậy mới làm được vị tướng trên cả trận thắng lẫn cả trận bại. Chúng ta thường chỉ làm được vị tướng trên trận thắng mà ít có ai làm được một vị tướng khi bại trận. Là một vị tướng hào hùng thật sự thì dù có thắng trận hay bại trận gì, chí khí hào hùng của họ vẫn không đổi, đó mới đích thực là chí khí của một vị tướng. Đằng này khi thuận thì anh hùng cái thế, lấn lướt mọi người, khi nghịch thì chán mỏi ê chề, không chút nhuệ khí, đó chỉ là anh hùng rơm, xứng đáng cho chúng ta bắt chước theo sao?
Cô con gái hay than thở với cha, sao bất hạnh này vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống. Cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.
Cha cô vốn là một đầu bếp. Một lần nghe con gái than thở, ông dẫn xuống bếp, bắt ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng rồi lại để chúng tiếp tục sôi, lặng lẽ không nói một lời. Người con gái sốt ruột không biết cha mình định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên, nhẹ nhàng đun nấu.
Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau. Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. “Mềm lắm cha ạ!”, cô gái đáp. Sau đó ông bảo con bóc trứng và dùng thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.
- Điều này nghĩa là gì vậy cha? – Cô gái hỏi.
- Ba loại thức ăn này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau là nước sôi 100 độ C. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác. Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luột sôi chúng trở nên rất mềm. Còn trứng lúc chưa luột rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn. Hạt cà phê thì thật kỳ lạ, sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.
Người cha quay sang hỏi cô gái:
- Còn con? Con sẽ là loại nào khi gặp phải nghịch cảnh? Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp, nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực? Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ sẽ chín chắn và cứng cáp hơn? Hay là một tách cà-phê, nước càng sôi thì vị nó càng đậm đặc.
Cuộc sống không thiếu những người họ cảm thấy cuộc đời này lý thú và ý vị hơn khi vượt qua cảnh nghịch, biết đứng dậy sau khi bị trượt ngã. Con người chúng ta ai cũng tham sống sợ chết. Nhưng khi một người đòi tự tử thì biết đang gặp những trắc trở quá sức chịu đựng của họ rồi. Lúc này đầu óc đang căng thẳng và không còn chỗ trống để nghe triết lý gì khúc chiết cao siêu hơn. Nếu người cha nghe con nói vậy liền nóng lòng gọi lại xổ ra một lô triết lý mà không hiểu được cảm giác của con lúc đó là gì thì có phải là làm cho con mình căng thẳng và trầm trọng hơn không? Thật may mắn cho cô gái này đã có một người cha khá đặc biệt. Khi nghe con nói, ông không quan tâm, xem như chưa nghe thấy gì, chỉ là lặng lẽ gọi con vào bếp làm một công việc hết sức bình thường với một phong thái nhẹ nhàng, thanh thoát, gần gũi. Chính phong thái đó đã tạo khoảng không để cho con trông chờ, đã xoa dịu tâm hồn người con. Trước phong thái nhẹ nhàng và khoảng không lặng lẽ kia, cô gái đã lặng người lại, những căng thẳng tự dưng rơi rớt. Ngay đó, nhựa sống, sinh khí bắt đầu nhen nhúm trở lại, người cha chỉ cần khéo léo khơi gợi, cô ta liền tỉnh mộng, phấn phát tinh thần vươn lên khỏi những trắc trở kia ngay. Hằng ngày anh hùng, thành đạt được thì bây giờ cũng phải là quả trứng hay hạt cà-phê chứ không lẽ lại là củ cà-rốt thì yếu hèn quá. Bỏ qua mọi thứ, sống tốt vươn lên. Biết bằng lòng và vươn lên bằng những gì trong tầm mình có được, cuộc sống sẽ trở nên sinh động, lạc quan, yêu đời vô cùng.