Thứ Bảy 20/4/2024 -- 12/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 6.Chánh Tín ít có

 

 

CHÁNH VĂN:

6. CHÁNH TÍN ÍT CÓ

Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có chúng sanh nào nghe được những lời lẽ, nghĩa lý rõ ràng như thế, sanh lòng tin chân thật chăng?

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Chớ nói lời ấy! Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, có người trì giới, tu phước, đối với nghĩa lý này hay sanh lòng tin, cho những điều đó là thật; phải biết người ấy chẳng ở một Đức Phật, hai Đức Phật, ba, bốn, năm Đức Phật gieo trồng căn lành, mà đã ở chỗ vô lượng, ngàn vạn Đức Phật gieo trồng các căn lành. Người nghe nghĩa lý này, cho đến chỉ một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, Tu Bồ Đề, Như Lai thảy biết hết, thấy hết, những chúng sanh đó được vô lượng phước đức như thế. Tại sao? Vì những chúng sanh ấy không còn tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng sanh, tướng Thọ giả, không tướng pháp cũng không tướng phi pháp. Tại sao?

Những chúng sanh ấy, nếu tâm chấp lấy tướng ắt là dính mắc Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả. Nếu chấp lấy tướng pháp ắt dính Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả.Tại sao? Nếu chấp lấy tướng phi pháp tức dính Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả. Vì vậy, chẳng nên chấp lấy pháp, chẳng nên chấp lấy phi pháp. Do nghĩa đó nên Như Lai thường nói: Tỳ kheo các ông hãy biết Ta nói pháp như dụ chiếc bè, pháp còn phải bỏ, huống nữa phi pháp.

GIẢNG:

Đó là qua một đoạn chương VI, nói về chánh tín ít có là, phần nói đến duyên lành sâu dày của người tin được kinh này. Trong đoạn có mấy điểm: Thứ nhất là Ngài Tu Bồ Đề nghi hỏi, Ngài hỏi: “- Bạch Thế Tôn! Có chúng sanh nào nghe được lời lẽ nghĩa lý rõ ràng như thế, sanh lòng tin chân thật chăng?” Tại sao hỏi như vậy? Bởi đây là lời nghi của Ngài, Ngài không dám nói là không có chúng sanh, mà nói “có chúng sanh nào” là còn ngờ, không dám nói “không dễ gì có chúng sanh tin được như vậy”, nếu nói như thế thì Ngài sợ không ai tin được sao? Cho nên nói “có chúng sanh nào” là còn để phần cho mình. Câu “lời lẽ nghĩa lý”, nguyên văn chữ Hán là “ngôn thuyết chương cú”, có khi dịch là “lời lẽ câu nói”; nếu theo nghĩa đó thì “nghe được những lời lẽ, những câu, đoạn nói trên đó mà sanh được lòng tin chân thật chăng?” Giải như vậy thì có gì chưa ổn không? Nói lời lẽ thì còn rõ được, còn “câu nói, đoạn văn hay câu văn trước”, nếu xét kỹ thì có phần chưa được ổn lắm. Bởi vì, chương cú, là thành ngữ của Trung quốc, chỉ cho những nghĩa lý ở trên. Nếu cho rằng, đó là những câu nói hay đoạn văn nói ở trước thì lúc này là lúc Phật đang thuyết pháp, đang thuyết pháp thì đâu có ghi lại đoạn văn, câu này câu khác. Có ghi lại, nên mới có phân ra đoạn, chương, câu. Sở dĩ ở đây chia thành 32 chương và đây là chương thứ sáu “Chánh tín ít có”, là sau này ghi thành kinh rồi, Thái tử Chiêu Minh viết lại mới chia ra. Còn đây, đang thuyết pháp mà phân ra thành chương thì không ổn, nên đây chỉ cho những lời lẽ, nghĩa lý mà Phật đã nói trước đó thì mới sáng tỏ ý nghĩa. Thành ra, nghiên cứu kỹ kinh Kim Cang mới thấy rõ trong từng câu, ý nghĩa rất vi diệu. Đây hỏi “có chúng sanh nào nghe được những lời lẽ nghĩa lý như thế rồi sanh lòng tin chân thật chăng?” Như vậy lòng tin chân thật đó là lòng tin gì? Đó là chỉ cho “tin chắc mình có trí thể Kim Cang” mà mỗi người đều có, tin chắc có điều này. Đó là niềm tin chân thật, mà niềm tin chân thật không phải là lời nói suông, vốn có thật, chẳng qua công phu chưa tương ứng, nên phát minh chưa rõ ràng, chưa sống được chứ không phải không có. Tin chắc như vậy đó là niềm tin vững, nó gieo vào tâm thức mình một hạt giống Phật. Như vậy đoạn này Ngài Tu Bồ Đề đặt câu hỏi với Phật đó, cũng là nương từ cái ý của những phần trước. Tức ở trên Phật nói độ tất cả chúng sanh mà không có chúng sanh được diệt độ, bố thí mà không trụ vào tướng nào hết, không trụ sáu trần, rồi thấy Như Lai chẳng phải thân tướng, tức là thấy Như Lai mà không phải các tướng, đối với người thường chưa nghiên cứu Phật pháp, có dễ tin chăng? Dễ hiểu chăng? Rất là khó hiểu! Độ chúng sanh mà không có chúng sanh được diệt độ, bố thí tất cả mà không trụ tướng, bấy nhiêu đó, là đã khó hiểu rồi! Nên Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật để xác định rõ ràng “niềm tin” cho tất cả mọi người. Ngài hỏi đây là hỏi cho mình ngày nay đó! Bởi vì, cái chấp ngã, chấp tướng là bệnh chung của mọi người, bây giờ gọi là thấy Như Lai mà không phải các tướng thì thật là trái với ý của mọi người bình thường, rất là khó hiểu. Đây coi như Ngài hỏi để ngừa trước cho mọi người. Sau đó Ngài không dám nói theo ý mình mà dẫn ý Phật, “theo chỗ con hiểu như lời Phật đã nói”, để cho mình có được đầy đủ niềm tin. Như vậy mà ngày nay có người nghe rồi cũng còn chưa tin, có khi nghi nữa! Chẳng hạn cho tụng kinh Kim Cang có ngày cây cối khô héo! Hay học kinh Kim Cang coi chừng chấp không! Đó là chưa tin. Cho nên ở đây Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật, để xác định lại niềm tin nơi mỗi người cho vững vàng. Đây là lời Phật đáp: “chớ nói lời ấy!”, tức là Phật ngăn ông, ông đừng nói vậy. Nếu nói như vậy, thành ra mất niềm tin cho mọi người, hỏi “như vậy không biết có ai tin được không?” Tức bảo mọi người khó tin đến được. Do đó đức Phật ngăn, không được nói như thế. Bởi vì, trí Bát Nhã vốn sẵn có nơi mọi người, nó không dành riêng cho ai hết, mà đã có đủ thì tại sao không thể tin? Ông hỏi như vậy, làm cho người ta mất niềm tin sao? Trong kinh Như Lai Tạng có một đoạn Phật nói: “- Này thiện nam! Ta dùng Phật nhãn mà nhìn thấy, trong các thứ tham dục, phiền não, nóng giận ngu si của tất cả chúng sanh, có Như Lai trí, Như Lai nhãn, Như Lai thân nghiễm nhiên ngồi bất động”. Phật xác định rõ ràng là, trong các thứ phiền não là tham sân si có đủ trí Như Lai, con mắt của Như Lai, có đầy đủ thân Như Lai nghiễm nhiên ngồi bất động. Phật đã xác định như thế thì vì lý do gì mà mình không tin nỗi? Đó là để gieo cho mọi người có đầy đủ niềm tin, nơi mình có hạt giống Phật, có khả năng giác ngộ, ai ai cũng có, chứ không phải người căn cơ bậc thượng mới có, còn những bậc trung hạ thì không có. Không phải vậy, chẳng qua nghiệp tập của mỗi người có sâu có cạn. Người có nghiệp sâu dày thì nó che nhiều, che nhiều thì nghe một lần không dễ tin, nên phải nghe nhiều, huân tập sâu, dần dần chuyển được nghiệp tập đó, phát khởi niềm tin. Bởi cái đó sẵn có nơi mình không đâu khác, phải có niềm tin để mà vươn lên, chứ hỏi “không biết có ai tin được không?” sẽ làm cho người ta do dự mất đi niềm tin chân thật. Cho nên người thuyết pháp phải khéo, bằng không làm cho người mất đi niềm tin sẽ bị tổn phước! Đây chính là lời Phật xác định: “Sau khi Phật diệt độ năm trăm năm sau, có người trì giới tu phước thì đối với những nghĩa lý này hay sanh được niềm tin, phải biết người ấy chẳng phải ở một Đức Phật, hay hai, ba đức Phật, mà đã từng ở vô lượng Đức Phật gieo trồng căn lành”. Phật xác định như vậy còn gì nữa mà không tin! Nói sau khi Phật diệt độ, năm trăm năm sau, như vậy có trùng lặp không? Nói sau khi Phật diệt độ, rồi năm trăm năm sau, theo văn tự thì hơi trùng lập, nhưng ở đây có ý nghĩa rõ ràng. Bởi có chỗ giải thích pháp Phật trụ đời có chia ra thời chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp; trong đó chánh pháp một ngàn năm, tượng pháp một ngàn năm, mạt pháp mười ngàn năm, đó là theo thuyết phổ thông. Trong đó có chia ra: năm trăm năm đầu thuộc thời giải thoát kiên cố, các hàng đệ tử tu hành cũng được giải thoát, dứt được lậu hoặc, giải thoát sinh tử như là thời Đức Phật. Năm trăm năm sau kế đó, gọi là thiền định  kiên cố tức là những người dứt được lậu hoặc cũng hơi ít đi rồi, nhưng còn tu chứng các tam muội thiền định như thời Phật. Đến năm trăm năm sau nữa, tức  là năm trăm năm kế thứ ba gọi là đa văn kiên cố, đến đây người lo tu thiền định, giải thoát ít hơn rồi, bởi xa thời Phật nên sanh giải đãi, vì vậy thường nghiên cứu, sớ giải, chú thích, ngoài ra thực hành giải thoát thì lại ít đi. Rồi năm trăm năm kế nữa, là năm trăm năm thứ tư, thì thuộc về tháp tự kiên cố, đến đây cầu phước báu, lo xây dựng chùa tháp. Đến năm trăm năm kế nữa, là thuộc thời mạt pháp, thời đấu tranh kiên cố. Đấu tranh kiên cố là sao? Là lập tông, lập phái rồi tranh nhau, tông của tôi là hay, tông của anh là dở ..v.v.. Mình bây giờ, chắc cũng thuộc trong thời này, nhưng qua thời này nữa là khác, vì hiện giờ đang thuộc vào năm trăm năm thứ sáu. Vậy năm trăm năm sau, chỉ cho thời thuộc về mạt pháp này. Đây là giải thích theo phổ thông, nhưng khi học kinh phải linh động, nếu chỉ giải thích năm trăm này thuộc về năm trăm năm đầu của thời mạt pháp hay năm trăm năm này thuộc về năm trăm năm thứ năm thì có giới hạn, vậy năm trăm năm thứ sáu, thứ bảy thì sao? Thành ra, năm trăm năm này, chỉ chung cho thời mạt pháp mà còn có người giữ giới, tu phước, đối với kinh này tin được, là đã gieo trồng căn lành chắc sâu rồi. Hiểu vậy nghĩa mới được trùm khắp. Nghĩa là, trong thời mạt pháp mà còn có người tin được như vậy, thì quá hay, đây là cái ý trong đó. Bởi vì trong bản kinh Kim Cang đời Ngụy nói rõ hơn: “- Phật bảo Tu Bồ Đề: Ở thời vị lai thế, mạt thế khi pháp sắp diệt mà có vị Bồ Tát tu phước đức, trí tuệ đối với nghĩa lý kinh này hay sanh lòng tin cho đây là thật..v.v…”.

Đây giải thích rõ: ở vị lai  thế, là ở đời vị lai; còn ở thời mạt thế, khi pháp sắp diệt là chỉ trong đời mạt pháp. Trong đời mạt pháp mà có người tin được kinh này thì rất là hy hữu, đã trồng sâu căn lành rồi. Ở đây chỉ nói giữ giới tu phước, còn bản khác thì có nói thêm: “trì giới, tu phước đức trí tuệ”, có chỗ nói: “đủ giới, đủ phước, đủ tuệ”, đây rút gọn lại “trì giới tu phước”. Đọan này, Đức Phật xác định lại rõ cho thấy trong thời mạt pháp, có người trì giới tu phước, tin được kinh này là trồng căn lành đã quá sâu rồi! Nhưng tại sao Đức Phật lại chọn người trì giới tu phước? Để thấy rõ, đây là người có sống, có tu tập đàng hoàng chứ không phải hạng người nói suông. Bởi hạng người nói lý suông thì đôi khi phỉ báng Bát nhã. Nghĩa là, nói cái gì cũng hay mà không thực hành.Vì vậy ở đây chọn người trì giới tu phước, vậy bát nhã có rơi vào một bên chấp không chăng? Người trì giới tu phước mà tin được kinh này thì đã trồng căn lành nhiều đời nhiều kiếp, có nói quá không? Không phải gieo trồng căn lành ở một Đức Phật, hai Đức Phật mà trong vô lượng Đức Phật! Nếu xét cho kỹ thì, ở trong thời mạt pháp, xa Phật xa Tổ, ít có người tu chứng giải thoát như thời Đức Phật, mà có người tin được kinh này có phải mình mới tu một đời này không? Nếu mới tu, mới nghe, mới phát tâm ở đời này thì dễ tin vậy không? Không dễ dàng gì, tức đã trồng sâu căn lành nhiều đời. Để xác định cho mình có được sức mạnh vươn lên, chứ không phải nói bây giờ thời mạt pháp rồi, xa Phật rồi, tu hành không mong gì đạt đạo, không mong gì giải thoát, thôi thì tu nhàn nhàn, tu phước là được rồi, để gieo căn lành đời sau! Đó là gieo tâm niệm giải đãi, không có mong cầu thiết tha để tu cho đạt đạo giải thoát; bởi vì có tu cách mấy rồi cũng không giải thoát. Hiểu kiểu ấy thì làm cho mình nhụt chí đi, mất niềm tin vươn lên. Còn ở đây, dù trong thời mạt pháp mình nghe được, tin được là đã trồng sâu căn lành nhiều đời rồi. Đã có trồng sâu căn lành thì phải thực hành, chứ đã có căn lành rồi, lại bỏ qua sao? Đó là niềm tin mạnh để vươn lên. Nhưng có người hỏi “đã trồng sâu căn lành, sao không thành Phật mà giờ còn làm chúng sanh khổ nữa đây?” Theo ngài Đạo Nguyên giải thích, đã trồng sâu căn lành rồi, nhưng tu phước trì giới mà còn chấp tướng. Vì chấp tướng nên bị kẹt trên ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, kẹt phước hữu lậu, không thấu được Bát Nhã vô lậu, nên còn lang thang. Nhưng đã trồng sâu căn lành rồi, nên bây giờ được tin, nghe lại thì mau tin. Như vậy dù sanh trong thời mạt pháp mà có được niềm tin này, thì Phật tánh không mất, ngay trong đời này mình có đủ Phật tánh, vậy có ai không có khả năng tỉnh giác để mà vươn lên? Đó là một sức mạnh, là đủ niềm tin cố gắng tu hành để chuyển những cái xấu cái dữ, cho dù đó là nghiệp chúng sanh đi nữa cũng chuyển được để rồi mỗi ngày một thăng tiến, chứ  không đứng dừng một chỗ.

Đây, lại thêm một ý nữa:

“Người nghe được kinh này mà một niệm khởi lòng tin thanh tịnh, (vậy lòng tin thanh tịnh là sao?) thì Như lai thảy biết hết, thấy hết, những chúng sanh đó đều được vô lượng phước đức”.

Mình tin, sao Như Lai thấy được? Đây là một niềm tin tương ứng với Kim Cang Bát Nhã, tức là niềm tin không hai, không mắc kẹt nghiêng lệch, không dính mắc ở trong bốn tướng, tin được có cái thể Kim Cang Bát Nhã, tin như vậy đó là niềm tin tương ứng với trí Kim Cang, mà tương ứng với trí Kim Cang là tương ứng với trí Phật. Trong sử nhà thiền có câu chuyện: Có một vị giảng sư giảng kinh Kim Cang hay lắm. Nhưng một hôm ông giảng đến đoạn vô ngã vô nhơn, là không ta không người, trong hội đó lại có ông Bàng Uẩn, Bàng Uẩn là ông cư sĩ nhưng ngộ đạo rất sâu, sau này ông chết cũng chết một cách tự tại, ông bèn hỏi:

- Tọa chủ nói “không ta không người” vậy ai giảng, ai nghe?

Tọa chủ không trả lời được. Ông Bàng Uẩn mới nói:

- Tôi tuy người thế tục nhưng cũng tin biết được chút ít thô thiển.

Tọa chủ nói:

- Theo ý cư sĩ  thì như thế nào?

Ông Bàng Uẩn giải thích bằng một bài kệ theo chữ hán là:

Vô ngã phục vô nhân Không ngã cũng không nhân

Tác ma hữu sơ thân Làm gì có sơ thân?

Khuyến quân hưu lịch tọa Khuyên ông thôi ngồi mãi,

Bất tự trực cầu chân Chẳng bằng thẳng cầu chân.

Kim Cang Bát Nhã tánh Tánh Kim Cang Bát Nhã,

Ngoại tuyệt nhất tiêm trần. Chẳng dính một mảy trần.

Ngã văn tịnh tín thọ. Tôi nghe với tin nhận.

Tổng thị giả danh trần. Thảy đều giả danh trần.

Tức là, không ngã cũng không nhân: không ta cũng không người thì làm gì có sơ thân, đâu có gần đâu có xa. Bởi mình còn thấy ta, thấy người, còn có niệm chấp đó nên thấy có người gần gũi, có người xa, có quen, có lạ, mà có kẹt như thế nên hỏi không đáp được. Nếu thật sự không ta không người thì có gì ngăn ngại. Như vậy “Khuyên ông thôi ngồi mãi, chẳng bằng thẳng cầu chân”. Ngồi đó giảng, chấp vào cái tướng này, chẳng bằng thẳng cầu chân, thấy đến cái chân thật vô tướng, chứ đừng mắc kẹt trên tướng này. “Tánh Kim Cang Bát Nhã, chẳng dính một bụi trần”. Tánh Kim Cang Bát Nhã đó, chẳng dính một bụi trần nào hết, vậy thì chỗ nào có ta có người? Sở dĩ có ta có người, vì còn bị mắc kẹt trên thân này, còn Tánh Kim Cang Bát Nhã có hình tướng gì đâu mà có ta có người? Làm sao mà thấy được chỗ này? Phải quên tướng này, mới tin được chỗ kia. Chứ còn mắc kẹt vào tướng này cho nên chưa tin nổi chỗ đó. Ở đây “Tôi nghe với tin nhận, thảy đều giả danh trần”. Nói tôi nghe với tin nhận đó, không phải trong đó có thật cái tôi để tin nhận, mà tùy theo tâm của thế gian, tùy theo ngôn ngữ của thế gian tạm nói tôi nghe, cũng tạm nói tin nhận. Nếu không khéo, theo ngôn ngữ thế gian thì hiểu trong đó có cái “tôi nghe”, nghe nói tin nhận thì có một “cái để tin nhận”, vậy là còn mắc kẹt ở hai đầu, chưa qua khỏi chữ nghĩa. Đây nói nghe, nhận đều là giả danh thôi, đâu mắc kẹt gì cái giả danh. Sở dĩ không mắc kẹt đó là vì sao? Là bởi ông tin được Kinh Cang Bát Nhã là vô tướng đó, mà tin được như vậy thì phước đức vô lượng, đâu có hình tướng gì nói hết. Đó là cái nhân thành Phật, cái nhân của Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cuối cùng sẽ thành Phật quả, thì mỗi công đức không thiếu. Niềm tin đó tương ứng với Như Lai, cho nên Như Lai thảy biết hết, thấy hết. Đó là niềm tin bằng trí tuệ. Bởi vậy phước đức thường không so lường được.

Đoạn kế ngài giải thích “Vì sao? Vì những chúng sanh ấy không còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không tướng pháp hay phi pháp”. Giải thích vì sao mà được vô lượng công đức ở trên, vì tin được như vậy đó thì không còn kẹt trong bốn tướng, những chúng sanh này đang trên đường sống trở về cái chân thật. Đó là con đường trở về giác ngộ, cho nên phước đức không tính được, còn phước đức tu theo tạo tác, hữu lậu là có giới hạn, phước đức đó hưởng hết thì nguy. Còn đây là phước đức sống trở về tự tánh, không giới hạn nên vô lượng. Tại sao nữa? Giải thích, vì những chúng sanh đó không còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả..v.v.. Không pháp hay phi pháp. Ở đây hỏi tại sao không có những tướng đó, vì những chúng sanh đó nếu tâm chấp tướng thì bị dính mắc bốn tướng, hễ vừa chấp thân tướng là có ngã tướng, còn chấp về tướng khác là chỉ cho chấp pháp; tức là còn mắc kẹt nơi ngã pháp thì tâm còn giới hạn, trái lại ở đây được phước vô lượng, không mắc kẹt nơi các tướng, đó là tâm vượt ngoài dính mắc ngã pháp.Tại sao nữa? Nếu chấp lấy phi pháp thì cũng bị mắc kẹt trong bốn tướng (ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả) câu này hơi khó hiểu. Tại sao? Ở trên chấp lấy tướng pháp thì bị mắc trong bốn tướng; Còn đây giải thích thêm, nếu chấp vào phi pháp cũng dính ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu chấp có pháp thật thì tất nhiên có phi pháp thật, bởi pháp đối với phi pháp, nếu chấp có pháp thật thì không bị kẹt nơi pháp cũng bị kẹt nơi phi pháp. Mà kẹt nơi phi pháp thì rất nguy hiểm, thành ra phỉ báng Bát Nhã, chê bai nhân quả; vì vậy có pháp có phi pháp là có được, có mất, cũng mắc kẹt trong bốn tướng chưa phải là “niềm tin thanh tịnh”. Do đó còn kẹt một tướng, dính một bên, còn có một chỗ chấp là còn mắc kẹt, vừa động niệm liền sai, cho nên chấp pháp hay phi pháp đều bị mắc kẹt. Vậy phải tu làm sao đây? Đây là phá chấp chứ không phá pháp, vừa có chấp là có kẹt, chỉ không chấp thì pháp nào cũng tốt hết, đâu có lỗi. Vì vậy nói: chẳng nên “chấp” lấy pháp, chẳng nên “chấp” phi pháp. Pháp thuộc về “có”, phi pháp thuộc về “không”, chấp có chấp không thuộc về hai bên, nên không chấp pháp hay phi pháp, tức bên có bên không thì tự tương ứng với Bát Nhã, đó là thầm hợp với “Như Lai”, do đó “Như Lai” biết hết, thấy hết những chúng sanh đó không sót. Chỗ đó nhà thiền gọi thầm ấn tâm, không cần phải đem vô phòng kín, giăng màn rồi mới ấn tâm, chỉ ngay một niệm thanh tịnh đó, lià các tướng “có không” thì liền được ấn tâm, ngay đó thấy Như Lai rõ ràng.

Kế đó, Phật tiếp ví dụ:

“Do nghĩa đó nên Như Lai thường nói: Tỳ kheo các ông hãy biết Ta nói pháp như dụ chiếc bè, pháp còn phải bỏ, huống nữa phi pháp”.

Đây là ví dụ, có nói ra cái gì đều là phương tiện, cái gì đã ra lời đều thành hữu hạn. Người khéo thì nhân phương tiện đó thấy được cái thật, nhân hữu hạn mà thấy vô hạn, còn bám trên phương tiện ngôn ngữ, lời nói thì không thể đến lẽ thật. Có câu chuyện trong nhà thiền, Đức Sơn hầu ngài Sùng Tín đến khuya, đi ra ngoài trời tối đen, mới trở vào phòng thưa với ngài Sùng Tín là: Bên ngoài trời tối đen. Ngài Sùng Tín bảo: Ừ! Trời tối thì ta đốt đèn đưa cho! nhưng Đức Sơn vừa đưa tay tiếp thì Ngài liền thổi tắt, Đức Sơn liền ngộ. Nếu một bề cứ nương tựa ông thầy thì sao? Cái đó cũng là bên ngoài, phải tự mở sáng trí thật của mình, nên vừa đưa tay thì ngài liền thổi tắt, để tự  trực nhận cái đó sẵn có nơi mình. Ngay đó, Sư liền đại ngộ, liền tự sáng, đâu cần đèn bên ngoài, đèn bên ngoài là chỉ tự gợi thôi. Đây cũng vậy, Phật Tổ có nói ra bao nhiêu lời, đó cũng là phương tiện, phải khéo nhận lại cái của mình, cái thật nơi mình đó mới là cái chân thật. Nên ở đây Phật ví dụ Như Lai có nói ra pháp gì, thì đó cũng ví như  chiếc bè mà thôi, phải khéo nương đó mà qua sông. Tương tự câu chuyện trong Góp nhặt cát đá. Tựa là “Giáo lý tối thượng”, nhưng trong đó không nói gì về giáo lý, chỉ kể một anh chàng người mù đi đến thăm người bạn, nói chuyện say sưa đến khi tối đi về, anh bạn mới đốt đèn lồng đưa cho. Khi đó anh mù mới cười nói:

- Anh thiệt làm cái chuyện nó dư, tôi mù rồi thì có đèn cũng như không vậy thôi, đưa chi cho mất công!

Nhưng anh bạn lại cười nói:

- Tuy biết vậy, nhưng khi anh cầm đèn này thì anh đi ra, những người đi ngược chiều họ tránh khỏi đâm đầu lủi vào anh.

Nghe nói cũng có lý, anh cầm đèn đi ra một đoạn đường, gặp một người đâm sầm vào anh, anh la:

- Anh bạn này, không thấy tôi đang cầm đèn sao?

Anh kia trả lời:

- Thưa anh bạn, cây đèn của anh đã tắt từ lâu rồi!

Tắt từ lâu thì làm sao mà thấy được? Đó là giáo lý tối thượng. Vậy tối thượng ở chỗ nào? Cái đèn của người, dù có đưa cho mình cũng không cứu được mình trong những hoạn nạn, chỉ có mình mở sáng con mắt chính mình thì mới cứu mình. Cũng vậy, chỉ có mở sáng con mắt trí tuệ mới thắng những phiền não, sanh tử. Chứ còn học thuộc bộ kinh Kim Cang này, thì cũng của Phật thôi. Dù cho hiểu được bộ kinh Kim Cang này cũng của Phật, của Thầy Tổ thôi. Phải nhân đây soi sáng lại mình, mở sáng trí tuệ, sống được thì đó chính là bộ kinh sống. Do đó Phật nhắc nhở cho mình thấy rõ, Ngài nói pháp như chiếc bè để nương qua sông. Nhưng dụ chiếc bè còn có ý nghĩa nữa, là khi mình chưa qua sông phải nương bè, chưa qua sông mà bỏ bè là chết, mà bước xuống bè không nhổ neo thì sao? thì cũng ở một chỗ. Còn qua sông rồi vác bè đi nữa thì sao? hoặc qua tới bờ bên kia, đứng đó không bước lên bờ thì sao? cũng không tự tại, cũng còn mắc kẹt đó. Qua tới bờ xong, bước lên bờ đi, đâu phải vác theo chiếc bè. Khi còn mê, còn phiền não thì nương Phật pháp tiến tu. Chứ còn phiền não dẫy đầy mà nghe nói các pháp đều không, rồi không tu hành thì phiền não còn y nguyên. Nói không đó, là để lấy đó soi sáng lại mình, khi những phiền não sạch hết rồi, thì không còn dùng  phương tiện. Bao nhiêu pháp của Phật nói ra là để soi sáng lại tâm mình, khiến trừ những phiền não. Nếu hết phiền não thì những cái kia không còn bận tâm nữa. Nhưng như vậy mình bác bỏ sao? Mình thì qua được rồi, còn người khác họ chưa qua, thành ra đối với mình không cần thiết, nhưng người khác thì cần thiết. Khi mình thấy được, cũng như sạch phiền não, nhưng trong đường giáo hoá mọi người thì cũng phải mượn các pháp để giảng dạy. Cho nên có vị mới hiểu  lý sâu xa một chút, thấy mình đầy đủ rồi không cần thêm gì, nên bác hết tất cả, làm cho những người mới chới với, không biết gì để tiến tu. Nếu mình thực sự sống trọn vẹn, sạch hết phiền não, phương tiện không cần, nhưng đối với người còn mê thì phải nương pháp để tiến tu, đâu thể bác bỏ! Phải khéo ở chỗ đó! Còn mê thì còn có pháp, phi pháp đối trị nhau. Khi hết mê rồi thì đâu đâu cũng là Phật pháp, tâm mình đã sáng, đã thanh tịnh rồi thì đâu đâu cũng thanh tịnh hết. Còn tâm phiền não thì nhìn chỗ này tốt, chỗ kia không tốt, ở chỗ này thích hợp với tôi nên nó tốt, chỗ kia không thích hợp với tôi nên không tốt. Chính đây là mở đường để nói tới pháp “vô đắc” ở sau.

Tóm lại đoạn này, thứ nhất nói Bát Nhã là cái sẵn có nơi mỗi người, ai cũng có quyền tin nhận hết, chớ không phải người này tin được mà người khác không tin được.

Thứ hai là, dù ở đời mạt pháp nếu người thực tâm tu hành tin được việc này, là đã trồng sâu căn lành nhiều đời rồi.

Thứ ba là, mình khởi được một niềm tin thanh tịnh lìa bốn tướng, thì ngay đây tự khế hợp với Như Lai, thấy được Phật pháp thân chứ không đâu xa. Kế nữa là, khéo phương tiện để sống trở lại với chính mình, đó là không mắc kẹt nơi có nơi không, đầy đủ niềm tin như vậy đó là người “thật ít có” ở trong đời mạt pháp, được niềm tin như vậy rất là hy hữu! Vậy chính mình đã biến “mạt” thành “chánh”, đối với ai mạt, nhưng với mình không có mạt. Đó là đoạn nói về chánh tín ít có, để cho mình thấy rõ, ngay trong đời mạt pháp này mình hiểu được tin được Bát Nhã này, tức là chủng tử sâu dày, phải phát triển thêm lên, chứ không tự ty mặc cảm, chúng ta sống xa thời Phật khó tu, thôi thì tu nhàn nhàn thôi. Đó là ý nghĩ yếu đuối! Tới đoạn “Không được không nói”, đây là đoạn rất quan trọng sâu xa!

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

426360
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1050
6580
25053
387297
51895
73473
426360