Thứ Sáu 29/3/2024 -- 20/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 5.Thật thấy đúng như lý

 

 

CHÁNH VĂN:

5. THẬT THẤY ĐÚNG NHƯ LÝ

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy thân tướng mà thấy Như Lai chăng?

- Bạch Thế Tôn, chẳng được. Chẳng thể do thân tướng mà thấy được Như Lai. Tại sao? Thân tướng mà Như Lai nói đó, tức chẳng phải thân tướng.

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Hễ cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, liền thấy Như Lai.

GIẢNG:

Đoạn này là đoạn rất quan trọng. Bởi vì đến đây gọi là Thật thấy đúng như lý, đúng như lý là sao? Nghĩa là đúng như lý thật tướng mà thấy, mà lý thật tướng là gì? Lý thật tướng là vô tướng, cho nên không khéo đúng như lý thật tướng mà thấy là giả thấy, là vọng thấy, phải không? Đây là tiếp với đoạn trên, ở trên nói về bố thí mà vô trụ tướng, đó là mở đường cho “thấy Như  Lai” kế đây. Trên đã dạy độ chúng sanh, bố thí không trụ tướng, coi như đã đáp về hàng phục tâm và an trụ tâm đã xong, và Phật đã dạy “đúng như  lời dạy mà trụ”, thì không còn sợ lạc gì, phải không? Như vậy là nói đủ rồi, còn nói thêm gì nữa? Chính chỗ đó là chỗ có ý vị sâu xa!

Tuy biết được như vậy, nhưng mà chưa phải là sống được trọn vẹn. Chưa sống được trọn vẹn thì sao? Vẫn còn có những vi tế hoặc, còn có mê lầm chưa thật sạch, nếu mình không khéo giải quyết, mình tự mãn thì có lúc cũng bị cái hoặc đó nó che mờ. Cho nên sau đây dạy tiếp để trừ những nghi hoặc đó. Ai có đọc kinh Lăng Nghiêm thì thấy Ngài A Nan sau khi đã ngộ rồi ngài nói bài kệ:

Diệu trạm tổng trì bất động tôn,

.................

Trong đó có câu:

Đại hùng đại lực đại từ bi,

Hy cánh thẩm trừ  vi tế hoặc.

Thỉnh các bậc đại hùng, đại lực, đại từ bi mong hãy xét trừ cái hoặc vi tế cho mình, như vậy ngộ rồi nhưng phải thỉnh Phật xét trừ cái hoặc vi tế đó, chứ không phải ngộ rồi là xong. Phần sau này là phần giải trừ những nghi hoặc đó. Cho nên Đức Phật hỏi gặn lại để chỉ ra. “Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy thân tướng mà thấy Như Lai chăng?”. Câu hỏi này là tiếp đoạn trước “vô trụ tướng mà trụ”, không trụ bất cứ một tướng nào hết gọi chân trụ, an trụ; nếu vậy không trụ một cái tướng nào hết thì đối với Như Lai làm sao đây? Do đó Phật nói gặn lại “có thể lấy tướng này mà thấy Như Lai chăng?” Trong đây, thân tướng chỉ cho cái sắc thân này, có hình, có tướng, có mập, có ốm, có đen, có trắng, có cao, có thấp đó là cái con mắt thịt này thấy được, còn Như Lai thì sao? Như Lai là muốn chỉ cái gì? Phải chú ý “Như Lai đó” thì mới hiểu được câu hỏi này! Ý câu hỏi là, có thể đem cái xác thân có hình, có tướng, có mập, có ốm mà con mắt thịt có thể thấy đó, mà  thấy đến Như Lai chăng? Như Lai đây, chỉ cho Như Lai tự tánh thanh tịnh hay gọi là pháp thân vô tướng. Như vậy đem cái thân có hình có tướng, con mắt thịt có thể thấy được mà có thể thấy đến tự tánh Như Lai hay là pháp thân thường trụ sao? Thường thường mọi người thấy Như Lai là thấy cái thân tướng này thôi, chứ đâu có gì khác, mà nếu thấy Như Lai đó thì Như Lai đó hiện giờ ở đâu? Như Lai đó sau tám chục năm đã nhập diệt, vậy lìa cái thân tướng này thì lấy cái gì để thấy Như Lai đó? Thành ra câu hỏi rất là khó, không khéo dễ bị lầm, do đó cũng còn có những cái nghi hoặc, cái hoặc vi tế. Ngài Tu Bồ Đề đáp: “- Bạch Thế Tôn! Chẳng được, chẳng thể do thân tướng mà thấy được Như Lai.” Trước tiên ngài ngăn “chẳng được”, câu “chẳng được” này, có ý nghĩa sâu trong đó, nếu mình đọc sơ qua thì không thấy được. Bởi vì sao? Bởi chữ Hán là “phất dã”, chữ “phất dã” vừa có ý phủ định vừa là khẳng định. Vì  vậy “chẳng được” mà cũng là “được” chứ không phủ định dứt khoát. Bởi vì, nếu mình bác bỏ hoàn toàn cái thân tướng này, dứt khoát gạt cái tướng này ra một bên, thì nó sẽ có cái mâu thuẫn, mâu thuẫn gì? Là trái với chỗ Phật hộ niệm và phó chúc ban đầu đó rồi! Ban đầu là Phật chưa nói gì nhưng trong các cử chỉ hành động Phật đã biểu hiện ánh sáng Kim Cang Bát Nhã, tự tánh Như Lai trong đó rồi. Nếu giờ đây bác bỏ thân tướng này, thì trái với chỗ ban đầu phải không? Còn nếu chấp thân tướng này thì cũng không thấy Như Lai luôn. Cho nên câu đáp đó phải chính chắn để hiểu cho rõ. Nếu nhận cái thân có hình, có tướng, có hoại diệt mà cho là Như Lai, là hủy báng Như Lai quá! Vậy Như Lai có hoại sao? Mà lâu nay quý vị có cho thân tướng này là Như Lai chăng? Có phỉ báng Phật không?  Bởi vậy có một số người họ cũng hiểu lầm trên cái này, rồi họ xuyên tạc, mới chỉ trích, nói rằng: Phật tu hành thành đạo, chứng Niết bàn bất sanh bất diệt, nhưng cuối cùng rồi cũng bỏ cái thân, cũng hoại diệt như ai, vậy chứng Niết bàn là sao? Thành đạo gì cho nhọc nhằn uổng! Đó là họ căn cứ theo cái gì? Chỉ thấy trên thân tướng đó thôi, không thấy được nghĩa Như Lai chân thật. Nếu rõ Như Lai là pháp thân vô tướng, thì cái thân tướng này là thân tướng giả hợp, do bốn đại hòa hợp tạm thành, nó còn nó mất có dính dáng gì Như Lai kia? Tin tưởng được như vậy, mới thấy được chỗ sâu đó, mới không lầm lẫn. Ngài Tuyết Phong khi sắp tịch, Ngài tự làm bài minh, mở đầu nói: “-  Tùy duyên mà có thì trước sau thành hoại, còn chẳng tùy duyên mà được thì muôn kiếp thường vững”. Cái gì từ duyên mà có thì trước sau có thành có hoại, cái xác thân này từ duyên cha mẹ mà thành, nên có lúc phải hoại diệt; cái chẳng từ duyên mà được thì muôn kiếp được bền vững, vì đâu có do ai sanh ra, ai tạo ra. Cái đó là gì? Chính là pháp thân. Như vậy rõ ràng xác thân này nó có hoại mất, còn pháp thân thì không bao giờ mất và Phật thành đạo là ngài sống trong tự tánh Như Lai đó. Hiểu như vậy thì không có lầm. Cho nên có câu chuyện bà Tỳ Kheo ni Liên Hoa Sắc bị Phật quở. Tức là, khi Thế Tôn lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho Hoàng hậu Ma Gia, mãn hạn ngài trở về nhân gian thì dưới này bốn chúng và Thiên Long Bát Bộ cùng nhau chuẩn bị qua đón Phật. Lúc đó bà Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc nghĩ mình là thân ni, nếu qua gặp Phật thì phải gặp sau Đại tăng thôi, chi bằng bây giờ mình dùng thần lực biến làm vua Chuyển luân Thánh Vương, có 1000 người con vây quanh, rồi đi đến gặp Phật trước, hay hơn. Chứng A La Hán rồi thì chuyện đó bà làm dễ dàng, khi bà nghĩ như vậy bà liền làm theo, bà biến thành Chuyển Luân vương có 1000 người con đi đến gặp Phật, thì đúng là gặp Phật liền. Trong khi đó Ngài Tu Bồ Đề đang ngồi vá y, ngài cũng muốn đi qua đón Phật, song ngài liền khởi một niệm quán sát lý của các pháp đều là không, quán tất cả các pháp đều tự tánh là không, không có tạo tác, ngay lúc đó ngài liền rõ Phật pháp chân chánh, tức thấy lý thật của Phật pháp, ngài bèn trở lại ngồi vá y như cũ. Khi đó Bà Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc gặp Phật, thì Phật liền quở: “- Này Liên Hoa Sắc! ngươi đâu được vượt Đại Tăng mà đến gặp ta, dù ngươi có thấy xác thân ta, vẫn chẳng thấy pháp thân ta, còn Tu Bồ Đề ngồi yên ở trong núi nhưng lại thấy pháp thân ta. Như vậy tuy bà khéo đến gặp Phật mà bị Phật quở, còn chính ngài Tu Bồ Đề tuy không tới đó, nhưng đã thấy Phật rồi, thấy Phật pháp thân. Hiểu điều đó thì thấy được ý trong này. Nếu chỉ bám theo cái thân tứ đại thì chỉ thấy cái xác thân thôi, đó là chưa phải thấy Phật thật; muốn thấy Như Lai thật, Phật thật thì phải khéo thấy như ngài Tu Bồ Đề đó. Nên ở đây ngài Tu Bồ Đề đáp: “chẳng thể do thân tướng mà thấy được Như Lai.” Nếu cứ một bề bám vào cái thân đó cho là Phật, thì có lúc mình sẽ bị chới với. Nếu một bề nương tựa thân đó, thì khi Phật nhập diệt hết chỗ nương sẽ ra sao? Còn thấy Như Lai này thì không bao giờ mất, đó là chỗ nương vĩnh viễn, đó mới là khéo thấy. Tiếp đến ngài giải thích tại sao? Nghĩa là “tại sao chẳng thể do cái thân tướng mà thấy được Như Lai?”, Bởi vì theo chỗ Như Lai nói “thân tướng đó tức chẳng phải thân tướng”. Đây là chỗ khó hiểu của Bát Nhã. Nói thân tướng đó, nhưng lại “tức chẳng phải thân tướng”, thì đừng có nói, phải không? Sao nói thân tướng, rồi bảo tức chẳng phải thân tướng, lạ vậy? Bởi vậy, Ngài Tu Bồ Đề khéo dẫn lời Phật, chứ ngài không dám tự ý đặt ra để nói, tức bảo: “theo chỗ Như Lai nói”, rồi chính câu đáp đó đã làm sáng tỏ rõ nghĩa đáp vừa phủ định, khẳng định ở trên. Chẳng phải thân tướng, mà nói thân tướng, như vậy để cho mình không có nhầm lẫn cái sắc thân vô thường này là Như Lai, mà cũng không thể rời đây mà đi tìm Như Lai ở đâu khác, không thể kẹt một bên. Bởi vậy Hòa Thượng Chí Công có câu: “Trong thân có tướng là thân vô tướng, trên đường vô minh là đường vô sanh”, tức là ngay cái thân có tướng này có cái thân không tướng, song làm sao thấy được ngay thân có tướng là thân không tướng? Phải hiểu vô trụ tướng ở trên. Ngay thân này, cũng thấy, cũng nghe, cũng hiểu, cũng biết tất cả hết, mà không trụ vào một cái tướng nào, thì cái ấy nó có mắt, tai, mũi, lưỡi gì không? Cũng như ngay thân tướng này chấp theo tướng thì đó là vô minh. Nếu quên tướng mà thấy trở lại thì ngay đó là vô sanh chứ có gì đâu, trên đường vô minh là đường vô sanh không có gì khác. Như có vị tăng hỏi ngài Triệu Châu:

- Theo lời Hòa Thượng dạy thì khi thế giới này hoại, tánh này chẳng hoại, vậy thì thế nào là tánh này?

Ngài Triệu Châu đáp:

- Tứ đại ngũ uẩn.

Quý vị chịu nổi không? Vậy tứ đại ngũ uẩn không hoại sao? nên ông tăng thưa liền:

- Các thứ ấy vẫn là hoại, thế nào là tánh này?

Ngài Triệu Châu đáp: - “Tứ đại ngũ uẩn.” Làm sao hiểu nổi, nếu hiểu theo thường tình? Bởi ông tăng nghĩ rằng: Ngài nói cái này là hoại, nhưng có một cái tánh gì đó, nó rời ngoài cái thân ngũ uẩn tứ đại này, cho nên muốn ngài Triệu Châu chỉ cho cái tánh đó. Nhưng ngài Triệu Châu nói: “Tứ đại ngũ uẩn” là ngay cái tứ đại ngũ uẩn này mà khéo thấy, không rời cái thân này mà riêng có cái tánh đó, do đó ngài chỉ nói: - Tứ đại ngũ uẩn thôi, mà không chỉ ra một cái gì khác. Mình nói tánh đó nó thế này, thế kia thì làm cho người ta tưởng tượng thêm ngoài cái thân sanh diệt này có một cái bất sanh bất diệt khác, mà hiểu như vậy thì tìm nó ở đâu? Đó là cái lầm! Khéo nhận thì rõ ngay nơi thân này, nếu chấp theo tướng thì thấy nó hoại, cũng ngay thân này mà quên tướng thấy trở lại thì đâu có hoại, quên tướng thì cái gì hoại?

Câu chuyện khác lại tế nhị hơn, cũng là một thiền sư, có một hôm Sư hỏi trong chúng:

- Trời mưa dầm dề, có hai người cùng đi trong mưa, vì sao không ướt một người?

Một vị đáp:

- Vì có một người không mặc áo mưa, một người mặc áo mưa.

Một vị khác nói:

- Có một người đi ngoài mưa, một người đi trong hiên nên không ướt.

Lại vị khác nói:

- Vì mưa nó có giới hạn, mưa chỗ này không mưa chỗ khác, cho nên người ở chỗ khác không bị ướt.

Cuối cùng thiền sư bảo:

- Các ông đều chấp vào câu “chẳng ướt một người” thành cãi mãi, thật ra nói mưa không ướt một người đó, chẳng phải chính là nói cả hai đều ướt hay sao?

Vậy người nào là người không ướt? Mỗi người chỉ thấy trên hình tướng thôi, theo ngôn ngữ rồi bị ngôn ngữ gạt. Nghe nói hai người đi trong mưa, chỉ tưởng hai thân tướng đi trong mưa mà người không ướt thì chỉ có mặc áo mưa thôi, trong khi đó Sư muốn chỉ một người vô tướng kia, người đó đâu có ướt bao giờ? Thấy chỗ đó mới là thấy ý của Sư. Học thiền là khó vậy đó, không khéo là bị gạt liền. Có trường hợp các ngài nói như là ngược đời, nhưng có ý tế nhị trong đó. Như câu chuyện Ngài Vân Môn kể lại: Đức Phật Đản Sanh, đi bảy bước rồi một tay chỉ trời một tay chỉ đất, nói: “- Trên trời dưới đất chỉ ta là trên hết”. Sư liền bảo: “- Nếu mà có tôi lúc đó thì tôi đập một gậy chết tốt quăng cho chó ăn, mới mong thiên hạ thái bình!” Mới nghe thì quá là phạm thượng, thô lỗ phải không? Nhưng chính ngài Tuyết Đậu sau này phê bình: “- Như thế mới đền được cái ân lớn”. Bởi đập chết đó là đập chết cái gì? Nếu nghĩ rằng cái thân tay chỉ trời tay chỉ đất đó, là cái độc tôn hơn hết, thì ngài cái ngã quá to rồi. Cho nên đập chết đây, là đập chết cái chấp cứng nơi thân tướng tứ đại giả hợp đó, hay nói cho rõ hơn, là đập chết cái ngã kiến, ngã chấp đó, cái thấy có mập, có ốm, đập chết cái đó thì sao? Thì mới thấy thấu qua Như Lai chân thật. Cho nên câu sau Sư mới nói rằng: “mới mong thiên hạ thái bình”, là không còn có lòng chấp, tranh cãi giành giựt, hơn thua lăng xăng nữa. Bằng chứng hiện giờ có nhiều người cứ tranh cãi, bảo Phật nói pháp 49 năm, có người bảo Phật thuyết pháp 45 năm, rồi cãi qua, cãi lại mãi, mà cãi đó là căn cứ trên cái gì? Căn cứ trên Phật hình tướng, Phật lịch sử. Nếu thấy Phật kia thì hết cãi! Nói 49 năm cũng được, mà 45 năm cũng tốt thôi, cái nào rồi ngài cũng nhập Niết bàn; căn bản là thấy được Phật pháp thân, đó mới là điều quý, mới là thiên hạ thái bình! Hiểu vậy thì mình bình tỉnh không bận tâm, không thì nghe người ta cãi cũng nhảy vào cãi thêm nữa! Như vậy, khi mình lên lễ Phật, cũng thấy Phật hình tướng trên bàn đó thôi. Rồi nghe nhà thiền phá chấp, có khi cũng sinh nghi hoặc, có người nghe phá chấp rồi bỏ không lạy Phật luôn, đúng chưa? Cũng không trúng. Đó là hiểu lầm một bên. Phải khéo ngay thân tướng này, thấy lại Như Lai vô tướng, mới thấy ý Phật muốn chỉ. Nghĩa là “theo chỗ Như Lai nói, thân tướng tức chẳng phải thân tướng”. Nó chẳng phải tướng nhưng muốn chỉ cho mọi người thì sao đây? Phải nói thân tướng, nói thân tướng khiến nhận ra cái vô tướng kia. Chỗ này đúng như trong nhà thiền, nói ở đây nhưng ý ở kia. Nói thân tướng nhưng ý là ở vô tướng, thì thấy là phải thấy cái này suốt qua cái kia. Hiểu như vậy quý vị đọc những kinh Đại Thừa hoặc học trong nhà thiền mới dễ nhận. Như Lục Tổ, một hôm ngài muốn giặt cái y mà được truyền đó, ngài mới đi đến phía sau chùa tìm dòng suối tốt, gặp một chỗ có khí lành ngài dộng tích trượng xuống thì nước dưới đất vọt lên thành một cái hồ, ngài giặt y, trong khi đó, thì có một vị tăng ở xứ Thục tên Phương Biện đi đến gặp Tổ, Tổ hỏi:

- Thượng nhân thường làm nghề gì?

Phương Biện đáp:

- Con thường đắp tượng.

Ngay lúc đó Tổ nghiêm sắc mặt lại, bảo:

- Ông thử đắp xem!

Phương Biện mờ mịt không biết làm sao? Nhưng trở về, ông cũng cố gắng qua mấy ngày đắp xong tượng Tổ cao đến bảy tấc tàu, trông rất đẹp, ông đem đến trình với Tổ. Tổ cười bảo:

- Ông giỏi tánh đắp mà chẳng giỏi tánh Phật!

Tổ có bảo ông đắp cái tượng đó không? Nếu khéo lanh mắt thì chính ngay khi Tổ nghiêm sắc mặt lại bảo: “ông hãy đắp xem!”, liền thấy được là xong, khỏi cần mất công tốn mấy ngày. Nhưng ông không thấy được chỗ đó, tưởng Tổ bảo đắp thiệt cho nên ông mới làm thành tượng này. Do đó Tổ bảo:

- Ông giỏi tánh đắp mà không giỏi tánh Phật”.

Phải thấy được cái kia mới là khéo, là ý Tổ muốn chỉ. Sau này có ngài Phổ Hóa là đệ tử của Hòa thượng Bàn Sơn, khi Bàn Sơn sắp tịch bảo trong chúng:

- Trong đây có ai vẽ được hình ta chăng?

Mọi người vẽ hình đem trình, Sư đều lắc đầu không nhận. Phổ Hóa thưa:

- Con vẽ được.

Sư hỏi:

Ông vẽ thế nào?

Phổ Hóa liền nhào lộn rồi đi ra. Vậy là vẽ xong. Ngài Bàn Sơn bảo:

- Kẻ này về sau chụp gió chạy loạn đây này!

Sư vẽ hay quá, sao Bàn Sơn nói thế? Là khen Sư hay chê? Hiểu chỗ này thì rõ câu đáp: “- Nói thân tướng tức chẳng phải thân tướng”. Nếu chỉ thấy cái tướng nhào lộn thôi, thì khi thân tướng này chết, đầu mặt cứng đơ, sẽ ra sao? Chấp cái đó thì tới khi chết cũng quờ quạng thôi, phải khéo thấy ý sâu trong đó. Như vậy quý vị thấy Ngài Tu Bồ Đề rất khéo, ngài dẫn lời Phật “nói thân tướng này tức chẳng phải thân tướng”. Bởi vì sợ rằng, nếu cho nó là vô tướng, rồi không nói gì hết thì ai biết đây? Cho nên phải nói thân tướng, để mọi người nhằm thân tướng đó mà khéo nhận ra cái vô tướng, nhất là người chưa rõ, chưa biết, đỡ sợ, không thì rơi vào chấp định kiến một bên. Ngài Phó Đại Sĩ có làm bài tụng để giải thích về đoạn này.

Như Lai cử thân tướng,

Vị thuận thế gian tình.

Khủng nhân sanh đoạn kiến,

Quyền thả lập hư danh.

Giả ngôn tam thập nhị,

Bát thập dã không thanh.

Hữu thân phi giác thể

Vô tướng nãi chân hình.

“Như lai cử thân tướng, Vị thuận thế gian tình” là: Như Lai nêu cái thân tướng ra, đó là thuận theo thế gian. Theo tình chấp của thế gian, Ngài tạm ngài nói vậy thôi.

“Khủng nhân sanh đoạn kiến, Quyền thả lập hư danh”, sợ người sanh đoạn kiến, tức là chấp không có gì hết, cho nên ngài tạm lập cái tên rỗng.

Giả ngôn tam thập nhị, Bát thập dã không thanh”, tức là giả nói ba mươi tướng tám mươi vẻ đẹp cũng là tiếng suông, chứ không phải thật.

“Hữu thân phi giác thể, Vô tướng nãi chân hình”, có thân thì chẳng phải là thể giác, không tướng đó mới là thân thật. Tức ngay nơi thân tướng này phải thấy được cái vô tướng kia, đó mới là thấy Như Lai chân thật, mới thấy ý sâu xa mà Phật muốn chỉ. Nên ở trên Ngài Tu Bồ Đề giải thích, tại sao không thể do thân tướng mà thấy được Như Lai, bởi vì thân tướng mà Như Lai nói đó, tức chẳng phải thân tướng, để cho mình sớm thấy ý đó. Nghe đây mình phải thấy được bên kia.

Phật kết luận: “Hễ cái gì có tướng đều là hư dối”. Ở trên là nói thân tướng, ở đây thì nói rộng ra là tất cả tướng, nếu cái gì có tướng đều là hư dối hết. Quý vị tin nổi không? Như vậy thì có tướng đều là hư dối, là không có gì hết chăng? Nghĩa hư dối không khéo cũng hiểu lầm! Hư dối, là không phải không có gì hết, mà nó không thật có cái thể nguyên vẹn cố định, có tạm bợ, không thể nắm bắt, không thể bám víu vào đó được. Nói chung, có tướng là có động, có tướng là có sanh diệt, có đối đãi và có tướng là có tạo tác, có tạo tác đều thuộc sanh diệt, nên đều là hư dối hết. Hiểu được câu đó thì trong khi mình tu, câu này rất là quan trọng! Khi tu, gặp những cảnh giới gì cao siêu đến đâu, cứ đem câu này làm “cái ấn” để ấn vào, thì không sợ lầm. Ngồi thiền, dù cho thấy Phật hiện cũng đem câu này “ấn vào” là xong! Bởi vì, khi mình ngồi thiền mà Phật hiện tới là có tướng rồi, mà hiện tới rồi thì cũng tan đi, đâu có hiện từ ngày này sang ngày khác, hiện mãi, mà hiện thì có nắm bắt được không? Cho nên lấy câu này “ấn” là không có thật, không lầm theo.

Bởi vậy Tổ Lâm Tế dạy rằng: “- Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma”. Vì sao? Phật, ma gì cũng đều là có tướng, thì hư dối hết, “giết” tức là “không chấp nhận”. Dù Phật, dù ma đều không chấp nhận hết, thì không có lầm. Trái lại ngồi thiền mà thấy Phật, tưởng mình gần đạt đạo rồi, đó là nguy! Ngài Hoàng Bá nói rõ hơn: “- Hễ vừa thấy Phật liền bị Phật chướng, vừa thấy chúng sanh liền bị chúng sanh chướng, khởi thấy phàm, thấy thánh, thấy tịnh, thấy uế ..v.v.. thì cái thấy thành những chướng ấy”. Hễ thấy cái gì, bị cái đó thành chướng; bởi vì khi khởi thấy thì có tướng, lo nhớ tướng đó thì quên mất tâm thanh tịnh của mình, bị cái đó chướng không thấy được Như Lai tự tánh. Thí dụ vừa thấy một tướng Phật đó thì tất nhiên động niệm, động niệm tất nhiên có sanh diệt, là trái với Như Lai tự tánh chân thật. Như vậy muốn thấy cái chân thật thì phải làm sao? Phải lìa bỏ chốn này phải không? Cho nên câu kế Phật nói rõ: “Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng liền thấy Như Lai”. Trong đây phải chú ý chữ “thấy”! Làm sao thấy các tướng chẳng phải tướng? Rồi làm sao liền thấy Như Lai? “Thấy” ở đây không phải thấy bằng mắt, cũng không phải thấy bằng cái đầu óc này; không phải thấy suông bằng suy luận hoặc nói lý rỗng, mà rõ ràng “thấy” bằng trí tuệ, mở sáng con mắt Bát nhã đàng hoàng, thì liền “thấy Như Lai”. Như vậy, có phải tách rời các tướng mà thấy Như Lai chăng?  Đây nói rõ “nếu thấy các tướng chẳng phải tướng” tức ngay nơi các tướng, cũng thấy hết các tướng đó hiện bày trước mắt rõ ràng, nhưng không trụ nơi tướng thì đâu có động niệm phân biệt, tức ngay đó tâm thánh rồi, Như Lai hiện rõ ràng rồi. Rất đơn giản! Bởi tâm người hễ thấy thì nó chạy bên ngoài liền, cho nên bị che, còn nếu ngay đó dừng được các niệm phân biệt, không trụ cái gì hết thì Như Lai hiện tiền. Như câu chuyện Quốc sư Huệ Trung với Tam Tạng Đại Nhĩ: hai lần đầu Quốc Sư cho tâm nghĩ tới bến đò Tây Xuyên, nghĩ tới ở cầu Thiên Tân, ông Tam Tạng thấy được; tới lần thứ ba Sư không hướng chỗ nào hết, ông Tam Tạng không thấy được, như vậy chính lúc đó Như Lai hiện tiền rồi! Bởi ông Tam Tạng chỉ lo đuổi theo cái bóng của Sư, khi Sư hiện trước mặt lại chẳng thấy. Lúc đó Sư vẫn còn đó đâu phải chết mất, như cây như đá không biết gì, không thấy gì, phải không? Sư cũng thấy hết mà ngài Tam Tạng không thấy được Sư. Đúng như chỗ này, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng liền thấy Như Lai, không phải tách rời đi đâu. Thêm ngài Huệ Lăng ở Trường Khánh khi ngộ có trình bày kệ cho Tuyết Phong, nhưng Huyền Sa không chấp nhận, nghi cái đó do ý thức nhớ giỏi làm ra, Tuyết Phong bảo trình lại bài khác là:

Vạn tượng chi trung độc lộ thân,

Duy nhơn tự khẳng nãi vi thân.

Tích thời mậu hướng đồ trung mích,

Kim nhật khán như hỏa lý băng.

***

Ở trong vạn tượng riêng bày thân,

(ngay trong muôn tượng muôn vật sum la này mà hiện bày thân)

Chỉ người tự nhận mới là gần.

(Nhưng chỉ có người tự thầm nhận đó mới là gần thôi, chứ không phải chỗ suy nghĩ đến được)

Thuở xưa lầm nhắm ngoài đường kiếm.

(Tức là lâu nay không thấy chỗ đó, cho nên mới chạy tìm kiếm đầu này, đầu kia)

Ngày nay xem lại băng trong lò.

(Ngày nay tỉnh ra rồi, xem lại như băng trong lò, không còn dấu vết gì hết, không còn chỗ nào để bám).

Khi Sư trình lên bài kệ đó, thì ngài Tuyết Phong nhìn Huyền Sa nói: “- Không thể do ý thức làm ra được”.

Bài kệ này, không khéo dễ bị kẹt câu: “Ở trong vạn tượng riêng bày thân”, ở giữa muôn tượng sum la mà riêng bày thân, làm sao thấy thân kia? Chính do câu này, lúc Thiệu Tu ở Long Tế, trên đường từ Viện Địa Tạng của ngài Quế Sâm, đi Kiến Dương, trong đó cùng đi có ngài Pháp Nhãn. Đi giữa đường, bàn chuyện, ngài Pháp Nhãn chợt hỏi:

- Người xưa nói “ở trong vạn tượng riêng bày thân” là vạch vạn tượng hay chẳng vạch?

Thiệu Tu đáp:

- Chẳng vạch.

Pháp Nhãn bảo:

- Nói cái gì là vạch, chẳng vạch? (cũng là hai đầu)

Thiệu Tu mờ mịt chẳng hiểu, trở lại Viện Địa Tạng của Ngài Quế Sâm và hỏi Quế Sâm:

- Cổ nhân nói: “Ở trong vạn tượng riêng bày thân” ý chỉ thế nào?

Quế Sâm bảo:

- Ngươi nói người xưa vạch vạn tượng hay chẳng vạch vạn tượng?

Sư thưa:

- Chẳng vạch.

Quế Sâm bảo:

- Hai cái!

Ngay đó Thiệu Tu liền kinh hãi, lặng thinh. Sau đó Sư hỏi tiếp:

- Chưa biết cổ nhân vạch vạn tượng hay chẳng vạch vạn tượng?

Quế Sâm bảo:

- Ngươi nói cái gì là vạn tượng?

Ngay đó Sư liền đại ngộ. Bởi vì, trước còn thấy tướng muôn tượng sum la là cái sai biệt, còn cái riêng bày thân là cái pháp thân, có hai cái tách rời nhau, cho nên muốn thấy cái pháp thân này, phải vạch cái vạn tượng kia ra để mà thấy. Như vậy nó ở đâu mà thấy? Ở đây Sư cũng có hiểu được chút lý, đáp chẳng vạch là ngay nơi vạn tượng mà thấy, song nói “chẳng vạch” liền bị mắc kẹt: “chẳng vạch” thì đối với “vạch”, là hai bên đối đãi, còn tâm phân biệt, do đó đâu thấy được. Hơn nữa, nói vạch, chẳng vạch là còn thấy vạn tượng thật mới nói vạch hay chẳng vạch. Còn đây, Ngài Quế Sâm nhấn mạnh lại “nói cái gì là vạn tượng”, để thấy rõ vạn tượng đều là hư dối thôi, thì ngay đó rõ ràng thấy liền, bặt cái niệm về vạn tượng thì rõ được pháp thân hiện tiền đâu có bị che mờ, còn gì là vạch, chẳng vạch, lìa được hai bên nên ngay đó Sư liền đại ngộ. Quý vị  thấy rất đơn giản, không cần lý luận nhiều. Thành ra đôi khi người thông minh bén nhạy, lại dễ bị gạt lắm, nói ra thì trong đầu liền nhảy ra lý luận, mà lý luận thì mắc kẹt hai bên, liền rơi vào bẫy hí luận. Để thấy rằng, chấp vạn tượng là thật nên còn mắc kẹt hai bên, là bị vướng; thấy rõ hư dối thì ngay đó dừng được niệm phân biệt mà dừng được niệm phân biệt thì Như Lai hiện tiền, không nói vạch chẳng vạch gì cả. Như vậy thì ngay nơi thân tướng hay các tướng mà chẳng phải tướng” không chấp vào các tướng đó, không dùng niệm phân biệt đó, liền thấy Như Lai chứ không đâu xa hết. Nhưng nói như vậy, đôi khi cũng vẫn bị gạt, thấy tướng thì cũng vẫn bị lầm trên tướng, mà mắc kẹt trên tướng thì bị tướng che. Có câu chuyện của Ngài Phá Táo Đọa đối với lý này rõ ràng. Ngài chỉ rõ ngay thân tướng bốn đại này cái vô sanh, cái thật tướng đó, nó sẵn trong đó không xa đâu hết, nhưng vì tập khí sâu dày quen nhìn trên hình tướng, chấp theo cái phân biệt nên gọi là bỏ quên mình để nhận tướng rất là đáng thương mà đau nữa! Ngài Phá Táo Đọa nối pháp Quốc sư Huệ An ở Tung Nhạc, thường người ta không biết tên gì, chỉ do một câu chuyện mà gọi là Phá Táo Đọa vậy thôi. Tức là ở tại vùng Tung Nhạc có cái miếu, trong miếu có đặt một bếp lửa, mấy cục gạch dồn lại thành cái bếp, dân chúng xa gần đem đồ tế lễ heo, gà, vịt không ngớt, linh lắm! Một hôm, có một nhà sư vô danh dẫn một đám đệ tử đi vào trong đó, nhà sư liền đến cái bếp đó lấy cây gậy gõ vào ba cái, bảo:

- Bếp ơi! Đây là ngói gạch hợp thành, thánh từ đâu đến, linh từ đâu lại mà ngươi đòi chuộc mạng sinh vật nhiều như thế?

Nói xong Sư liền gõ vào cái bếp thêm ba cái nữa thì cái bếp liền nghiêng đổ, sau đó Ngài dẫn đám đệ tử đi ra. Trên đường đi, chốc lát gặp một người mặc áo xanh đi đến, cúi đầu sụp lạy, Sư mới hỏi:

- Ông là ai?

Người mặc áo xanh nói:

- Con là thần Táo của cái miếu này, con ở đây đã lâu rồi, do nghiệp báo đời trước của mình, nay nhờ hòa thượng nói pháp vô sanh mà thoát khỏi ràng buộc được sanh lên cõi trời nên đến tạ ơn hòa thượng. Sư bảo:

- Vô sanh là tánh sẵn của ngươi chẳng phải nhờ ta thuyết pháp.

Vị ấy lạy rồi biến mất. Như vậy, thấy Sư nói pháp vô sanh gì đâu? Vào thấy cái bếp, thấy mấy cục đá gõ gõ ba cái, nói: “cái này ngói gạch hợp thành, vậy thánh từ đâu đến, linh từ đâu lại mà ngươi đòi người ta cúng tế sinh mạng nhiều như vậy”, chỉ nói bấy nhiêu đó thôi, mà ông  thần liền ngộ được pháp vô sanh, được sanh lên cõi trời. Sau đó, ông tăng thị giả thắc mắc:

- Chúng con lâu nay theo hầu hòa thượng nhưng chưa hề được nghe Hòa thượng giảng pháp, còn ông thần táo này được nghe pháp gì mà chóng sanh lên cõi trời như vậy?

Sư bảo:

- Ta chỉ nói “do ngói gạch hợp thành, linh từ đâu lại, thánh từ đâu đến” không có đạo lý gì khác.

Thị giả im lặng, Sư hỏi:

- Hiểu chăng?

Tăng thị giả thưa:

- Chúng con chẳng hiểu.

Sư nói tiếp:

- Tánh sẵn có tại sao các ông không hiểu. (cái tánh bản hữu).

Mọi người quỳ lạy, ngay khi vừa quỳ lạy đó, Sư liền bảo:

- Đổ rồi, đổ rồi! Vỡ rồi, vỡ rồi!

Thị giả liền đại ngộ. Như vậy ông thần táo ngộ gì? Thị giả ngộ gì? Bởi vì, ông thần táo lâu nay mê mờ tánh linh  giác của mình, mới bám gá vào mấy cục gạch, cho đó là thân mình, nên ai động đến thì bẻ cổ, vặn họng, bắt người ta cúng tế. Nhiều khi cúng tế giết gà, giết vịt, tạo tội sát sanh nhiều nữa, nhơn đó càng bị đọa. Cho nên chúng ta thấy, ở miền quê có những cây đa to rồi gá vào đó cũng bắt người cúng này cúng kia, thì đây cũng vậy, có mấy cục đá cục gạch thôi, mà bắt người cúng tế. Do đó ngài Phá Táo Đọa gõ vào đó để đánh thức ông thần táo, biết đây chỉ là ngói gạch thôi, không gì thật, đó là cái giả dối, tánh linh ở đâu trong đó mà nương vào bắt người cúng tế? Ngay đó, thần Táo liền nhớ lại tánh linh của mình, và liền được giải thoát, không bám vào mấy cục đá đó nữa, khỏi mắc kẹt trong đó. Còn ông thị giả, thì ngay cái thân sụp lạy xuống, là cái thân có tướng, có sụp lạy, có vô thường, có nghiêng đổ; nhưng tánh linh giác đó, có nghiêng đổ, có sụp xuống hay không? Tánh linh giác kia, đâu có sụp xuống đứng lên gì, đâu có lay động? Ngay đó, ông liền ngộ, không bám vào thân tướng vô thường này, mà nhớ rõ được tánh linh giác vô tướng kia, tức rõ được tánh vô sanh. Không chạy đâu xa để tìm cái vô sanh, chỉ ngay cái sụp lạy đó liền ngộ vô sanh. Chính vì vậy, ngay lúc đầu Ngài Tu Bồ Đề dòm thấy đức Phật trong mọi cử chỉ, trong mọi hành động, khi đi khất thực, rửa bát đều là hiển bày Như Lai chân thật, cho nên Ngài khen ngợi “khéo hộ niệm, khéo phó chúc”, chính là Ngài thấy được chỗ đó! Cũng chính công án Phá Táo Đọa này, Ngài Tuyết Đậu có làm bài tụng, trong đó có hai câu:

“Cây gậy chợt đánh đến

Mới biết cô phụ ta!”

Tức là cây gậy vừa đánh đến, mới biết mình cô phụ mình, lâu nay bám vào mấy cục gạch đó cho là mình, rồi nhờ cây gậy đánh đến, mới tỉnh ra bấy lâu mình quá bội bạc mình, phũ phàng mình. Cũng như mình bây giờ, không nhận mấy cục gạch đó, cũng nhận mấy chục ký lô này là mình, mấy đốt xương, mấy sợi gân là mình, nếu phải được cây gậy đánh đến một cái thì hay, để thấy được cái lầm lẫn quên mình nhận cái giả, gánh một gánh mê chạy đầu này đầu kia, giờ ngay nơi đó quên tướng để nhận trở lại tánh liền thấy được Như Lai, chứ không phải đâu xa. Mà cũng chính chỗ đó, có một vị thiền sư khai thị: “- Hễ mà chấp tướng mê chân thì đối diện cách xa ngàn dặm, còn trống lòng mà thể hội vạn vật thì trời đất một nhà”, tâm mình mà trống sạch thì trời đất cùng một nhà. Giống như bà Liên Hoa Sắc tuy đối diện với Phật nhưng bị Phật quở, còn Ngài Tu Bồ Đề ngồi trong núi không đi tới nhưng được Phật khen. Đối diện mà không thấy Phật, cũng như xa, tuy xa mà thấy được Phật cũng như gần. “nếu thấy các tướng chẳng phải tướng liền thấy Như Lai”, chứ không phải bỏ các tướng này mà tìm Như Lai ở đâu khác, cũng không thể lầm các tướng này cho là Như Lai, đó là chỗ tế nhị. Không thể chấp tướng là Như Lai được, cũng không thể lìa bỏ đó mà tìm chỗ khác, mà phải khéo thấy bằng trí tuệ ngay nơi tướng xoay trở lại tánh thật thì rõ. Để rõ hơn xin dẫn câu chuyện: Ngài Ma Cốc đi đến Hòa thượng Chương Kỉnh, đi nhiễu quanh giường thiền ba vòng rồi dộng tích trượng một cái, đứng ngang nhiên. Ngài Chương Kỉnh bảo:

- Phải, phải.

Sau đó Ma Cốc đến Ngài Nam Tuyền, cũng đi nhiễu ba vòng quanh giường thiền, rồi dộng tích trượng một cái đứng ngang nhiên.  Ngài Nam Tuyền liền bảo:

- Chẳng phải, chẳng phải!

Ma Cốc liền thưa:

- Đương thời Chương Kỉnh nói: “phải phải”, do đâu hòa thượng nói: “chẳng phải, chẳng phải?”.

Ngài Nam Tuyền bảo:

- Chương Kỉnh tức phải phải, còn ông thì chẳng phải, đây là do sức gió chuyển, cuối cùng cũng thành bại hoại. Chính là ý này vậy.

Nếu mình là người chưa sáng thì cũng dễ bị lầm ngay cái đi quanh dộng tích trượng. Ngay tướng động đó mà chấp cho là thật thì, tướng đó chỉ do sức gió trong này chuyển động tới lui, đến khi sức gió hết nằm cứng đơ cho vô hòm thì làm sao “phải phải” được? Do đó Ngài Nam Tuyền nói chẳng phải; song bởi Ngài Chương Kỉnh là người đã đạt đạo, nên Ngài nói “phải phải”, vì Ngài đã thấy suốt qua cái “vô tướng kia”, cho nên nói “phải phải, là như vậy đó”. Bởi vậy, ngay cái thân tướng đó mà phải và cũng ngay thân tướng đó mà chẳng phải, “thấy tất cả tướng mà chẳng phải tướng” là vậy đó. Nghĩa là, “thấy tất cả các tướng” thì “chẳng phải chẳng phải”, “liền thấy Như Lai” thì “phải phải”. Khéo thấy như vậy, thì ngay thân tướng giả hợp sai biệt đó, xoay trở lại không theo các tướng, dừng các niệm phân biệt liền thấy Như Lai chân tướng, không phải rời chỗ này mà riêng có Như Lai chỗ nào khác. Thấy như vậy là đúng như lý mà thấy, còn trên các tướng mà thấy thì mê lý, chấp theo tướng thấy thì dễ bị gạt và bị lầm. Nếu chỉ thấy Phật trên hình tướng thì khi ma hiện Phật làm sao phân biệt được?  Giờ đây, mở con mắt tuệ thấy tất cả các tướng đều hư dối, mà thấy trở lại cái vô tướng kia thì bảo đảm không bị ai gạt, bởi vì ma không thể thấy tới được chỗ đó, chỗ đó chính là chỗ nương tựa vững vàng, dù cho có Phật hay không, cái đó cũng hằng không bao giờ mất. Thấy như vậy, là cái thấy của Kim Cang Bát Nhã. Học Bát Nhã là phá những lầm chấp để thấy trở lại cái thật, vậy Bát Nhã có dạy mình chấp không chăng? Đâu có dạy chấp không! Vậy mà nhiều người nghe nói học Bát Nhã thì sợ Bát Nhã chấp không, đó cũng là hiểu lầm chấp trên tướng, khi phá tướng, không chỗ bám thì cho là không; còn đây Phật chỉ rõ ngay nơi tướng khéo thấy trở lại như vậy, không phải rời cái này riêng có cái khác, thì đâu gọi là chấp không. Hiểu như vậy mới hiểu sâu Bát nhã, tin như vậy đó mới gọi là chánh tín.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

365963
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2454
3888
17332
335955
64971
88584
365963