Thứ Sáu 29/3/2024 -- 20/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 4.Diệu hạnh vô trụ

 

 

CHÁNH VĂN:

4. DIỆU HẠNH VÔ TRỤ

- Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát đối với pháp nên không chỗ trụ mà thực hành bố thí. Nghĩa là, chẳng trụ sắc bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp bố thí. Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng.Tại sao? Nếu Bồ Tát chẳng trụ tướng mà bố thí, phước đức đó chẳng thể nghĩ lường.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được chăng?

- Bạch Thế Tôn, chẳng được.

- Này Tu Bồ Đề! Hư không ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn hướng, trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?

- Bạch Thế Tôn, chẳng được.

- Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng lại chẳng thể nghĩ lường như thế.

- Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát chỉ nên đúng như điều đã dạy mà trụ.

GIẢNG:

Đó là nói về diệu hạnh vô trụ. Diệu, tức là không thể nghĩ bàn, đây cũng chính là chỗ sống của Bát Nhã, chỗ an trụ vi diệu. Trước tiên, Phật nêu ra về bố thí mà vô trụ. Bố thí mà không có trụ tướng thì làm sao bố thí? Cầm đồng bạc cho cũng có tướng rồi, đem nắm cơm cho cũng có tướng rồi, dùng lời an ủi thì cũng là âm thanh, có đủ tướng rồi, vậy bố thí mà không có trụ tướng thì làm sao đây? Đây là bố thí nhắm vào tâm. Bố thí, là buông xả không có nắm bắt, là hai tay xòe ra; còn trụ là sao? Trụ, là dính, là kẹt, là vướng mắc. Chân mình mà đứng trụ một chỗ cũng kẹt vào đó, tay mà bám trụ chỗ nào thì nó dính chỗ đó; buông ra thì tự tại. Vậy bố thí mà không có chỗ trụ là sao? Là buông xả, là không có dính mắc một cái gì hết, cũng không có nắm bắt cái gì hết, cũng như không có chỗ nào để tâm dừng, không có chỗ nào để tâm trụ. Cho nên chỉ một chữ “xả” này mà xét cho sâu thì tu cả đời không xong. Với một chữ “xả” này, tu thấp thì xả cái ác mà làm cái thiện, cái đó cũng khó rồi, nhưng tu lên cao, cao nữa thì xả cả thiện cả ác luôn càng khó hơn; cao hơn nữa, xả cả cái xả, càng rất khó. Xả, là gì? là buông, là không dính vào đâu. Ở đây dạy bố thí mà không có trụ vào sáu trần, đối với pháp nên không có chỗ trụ mà thực hành bố thí, tức không có trụ sắc thanh hương vị xúc pháp mà bố thí, nói gọn không trụ vào sáu trần; nghĩa là buông xả sáu trần, không có dính mắc, không có duyên theo một trần nào hết, như vậy là sao? Tức là trả về nguyên thủy, cái thấy là thấy, cái nghe là nghe, cái ngửi là ngửi, cái nếm là nếm, đúng như nó là nó không xen lẫn vào, không dính mắc vào cái sắc thân, “thấy nghe ròng rặc là thấy nghe” thôi. Kinh Lăng Nghiêm có câu này: “- Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn. Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn”. Nghĩa là cái thấy biết trên đó thêm cái biết, tức lập cái thấy biết nữa, thì đó là gốc vô minh; cũng như ngay cái thấy biết này mà thêm cái tưởng phân biệt vào trong đó nữa, tức là gốc vô minh, là quên chính nó rồi, đó là đi theo cái “trần” kia. Còn ngay đó mà không có thêm cái tưởng phân biệt gì nữa, không có thêm cái thấy biết nào hết, thì nó vắng lặng, là Niết bàn, vẫn nguyên vẹn cái thấy là cái thấy, cái nghe là cái nghe. Chúng ta thì thường là có thêm. Như đã nói thấy cái bông đó, là có thêm cái tôi trong đó, tức sanh chuyẹn. Xuyên qua kinh Pháp Hoa nói là Khai thị tri kiến Phật, thì tri kiến Phật là cái gì? Nếu chỉ hiểu theo danh từ thì không thấy được ý sâu của Phật. Tri kiến Phật, là tri kiến giác ngộ, mà tri kiến là thấy biết, nói đủ là thấy nghe hiểu biết. Tức là ngay cái thấy nghe hiểu biết, đầy đủ giác ngộ trong đó, mình lại quên cái đó, rồi theo những trần bên ngoài. Đã duyên theo trần bên ngoài, đâu còn nhớ được cái thấy biết giác ngộ! Ở đây Phật dạy bố thí các trần, không duyên theo đó, để trả về cái thấy biết chân thật đó, là ngầm chỉ cái gì? Đó là ngầm chỉ con đường trở về quê hương muôn thuở của mình mà mình quên tự đời kiếp nào. Chính đó là con đường trở về chứ không đâu xa hết. Trong nhà thiền có câu chuyện, có vị tăng hỏi Hòa Thượng Càn Phong:

- Mười phương Bạc già phạm (chỉ chư Phật Thế Tôn) đều đồng một con đường Niết bàn, chưa biết đầu con đường đó ở đâu?

Ông tăng hỏi cũng cắc cớ phải không? Phật với Phật đạt Niết bàn, cùng một con đường đó, nhưng mà đầu đường đó ở chỗ nào? Ngài Càn Phong cầm cây gậy vạch một vạch trong hư không bảo:

- Đây!

Ai thấy đầu đường chưa? Cho thấy rõ, mê ngộ ngay trong đường tơ kẻ tóc. Thường thường mình thấy, lấy cây gậy vạch trong hư không thì mình chỉ thấy cây gậy thôi, đó là theo sắc rồi! Theo sắc, cho nên không thấy đầu đường đâu cả. Nếu ngay đó quên cây gậy mà nhớ cái kia thì sao? Thì thấy đầu đường liền! Tức ngay sáu căn này là con đường trở về, rõ ràng đâu có xa! Quên cái này chạy theo sáu trần là đi lang thang. Chính đó là chỗ “thấy dấu” trong mười bức chăn trâu. Đọc tranh chăn trâu, chúng ta nghe nói chỗ thấy dấu, mà không biết dấu ở chỗ nào; bởi vì trâu của mình nó đi hoang lâu rồi, từ lâu vô lượng kiếp rồi bắt không kịp nó, cũng không biết bóng dáng nó chỗ nào nữa. Song nó đi như vậy đó, là từ đâu mà đi? Từ sáu căn này nó đi ra thôi. Chính từ sáu căn này mà nó phóng ra ngoài, rồi nó đuổi bắt với sáu trần, mới lang thang đây đó, đầu này đầu kia, cứ thế lang thang mãi, quên mất đường về, phải không? Cứ theo sáu trần đâu còn nhớ đường về nữa. Do đó, bây giờ tìm đường về thì không biết đâu mà về, không thấy bóng nó nữa thì lấy đâu mà về? Giờ muốn tìm trâu thì phải làm sao? Trâu không thấy được, thì phải tìm cái dấu, mà dấu đó từ đâu? Từ cửa thấy, nghe đó, đó là dấu trâu đi! Còn có thấy, còn có nghe thì biết chắc trâu chưa mất đi đâu. Ngay cái thấy nghe đó, khéo soi trở lại liền thấy con đường về, theo đó sống trở lại thì quê nhà ngay trước mắt, trâu vẫn sờ sờ. Trong nhà thiền có câu chuyện: ngài Ngưỡng Sơn tới phiên chăn trâu dưới núi, vì trong thiền viện ngày xưa cũng có làm ruộng nên cũng nuôi trâu cày, có ông tăng đi lên núi rồi lại xuống sớm, ngài mới hỏi:

- Sao ông mới lên rồi xuống mau vậy?

Ông tăng nói:

- Vì duyên không hợp.

Ngài hỏi:

- Có nhân duyên gì không hợp?

Ông Tăng mới kể:

- Tôi lên đó, Hòa Thượng hỏi tôi là: “ông tên gì?”. Tôi đáp là: “Qui Chân”. Hòa Thượng hỏi: “Qui Chân ở đâu?” Tôi đáp không được. Thành ra  duyên không hợp nên phải xuống núi.

Ngưỡng Sơn nói:

- Ông lên nói lại: “- Thưa Hòa Thượng, con đáp được”. Hòa Thượng hỏi: “- Đáp sao?” Ông nói là: “- Ở trong tai, trong mắt, trong mũi, trong lưỡi, ông cứ nói vậy đi!”

Ông lên trở lại, thưa:

- Bạch Hòa Thượng con nói được rồi.

Qui Sơn hỏi:

- Ở đâu?

Ông nói là:

- Ở trong tai trong mắt trong mũi trong lưỡi.

Qui Sơn bảo:

- Kẻ học lóm!  Đây là lời thiện tri thức của năm trăm người.

Ông mới thưa thiệt:

- Đó là vị tăng ở dưới núi dạy con nói vậy đó.

Quý vị thấy sao? Ngưỡng Sơn chỉ nói một câu đó, nhưng Qui Sơn hiểu được đó là lời của vị thiện tri thức đã thấy đạo. Qui Chân, tức trở về chân thật, mà cái đó ở đâu? Chỉ ngay trong sáu căn này thôi. Nhưng ông tăng đó không có chỗ thấy thật, cho nên hỏi bất ngờ đâu thể nói gì được. Đến khi xuống núi học được, trở lên nói thì ngài nhìn vẻ mặt, ngài biết là không phải thứ thiệt. Vậy ai thấy chỗ trở về chân thật của mình chưa?

Như vậy, phần trên mình học độ chúng sanh, đó là độ ở ngay trong tâm, vừa khởi lên liền đưa vào chỗ vô sanh. Ở đây đối diện với sáu trần luôn luôn hằng sáng hằng tỉnh không có lầm lẫn, không có vướng mắc, thấy nghe hiểu biết trước mọi cảnh vẫn không mê, chính đó là chỗ sống liên tục tỉnh giác. Ai biết chỗ đó là gì chăng? Tức là chỗ công phu bảo nhậm đó, là chỗ đức Phật ngài phó chúc hộ niệm. Nghĩa là luôn luôn sống thấy nghe hiểu biết đối diện với sáu trần, mà hằng tỉnh hằng giác liên tục không có gián đoạn thì đó là chỗ bảo nhậm của mình chứ có gì đâu. Câu “hồi quang phản chiếu” thường nghe cũng chính chỗ này, tức là luôn luôn quay ánh sáng soi ngược trở lại, ánh sáng đó là ánh sáng thấy nghe hiểu biết này, thay vì thấy nghe hiểu biết phóng ra bên ngoài, thì ngay đó soi trở lại là buông xả sáu trần, tức luôn luôn tỉnh  sáng không có lầm bất cứ một trần nào, đó là con đường sống trở về, rất là đơn giản! Cho nên Lục Tổ có dạy: “- Này các vị thiện tri thức! Tự tánh chân như nó khởi niệm, tuy có sáu căn thấy nghe, hiểu biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh thì chân tánh thường tự tại. Nên kinh nói: “Hay khéo phân biệt tướng các pháp mà nơi nghĩa đệ nhất vẫn chẳng động”. Nghĩa là, thường thường khởi niệm là cái gì khởi niệm? Vọng tâm khởi niệm. Còn đây, người tu khi mình phát tâm chánh đẳng chánh giác, rõ được tâm bồ đề thì sống bảo nhậm nó, là thuận theo tánh mà khởi dụng, nên từ tự tánh chân như đó mà khởi thấy nghe hiểu biết, thấy nghe hiểu biết luôn luôn mà không rời tự tánh, thì ngay đó chân tánh thường trụ tự tại, đâu có cái gì che đậy, đâu có cái gì ngăn lại! Còn mình không có từ nơi tự tánh khởi dụng, mà vọng tâm nó khởi dụng, nên nó mê lầm chấp vào các trần kia. Giờ đây thường buông xả để thuận trở về với tự tánh mà khởi dụng, thì luôn luôn thấy nghe được sáng ngời. Rồi khéo phân biệt các pháp mà nơi đệ nhất nghĩa chẳng động, là phân biệt tất cả mà không có lầm, không mê, không theo đó mà sanh diệt, tức không rời tự tánh, đó là chỗ sống chân thật. Do đó điểm thứ hai, đức Phật dặn kỹ là: “nên như thế mà bố thí, tức chẳng trụ nơi tướng mà bố thí, thì cái phước đức đó nó vô lượng”. Bảo xả mà không có trụ vào cái gì hết, như vậy xả mà không có gì để xả. Có trụ thì có cái để xả, không trụ thì không có cái gì để xả, câu này mới nghe thấy nó thường, nhưng thật là ý nghĩa rất sâu xa: có chỗ xả thì có chỗ tiếc. Xả mà còn có chỗ để buông, còn chỗ để nhớ, thì lâu lâu tiếc nhớ kiếm lại. Trong Luật có câu chuyện về Tỳ Kheo hoàn tục bảy lần, ông là nông phu phát tâm xuất gia. Khi phát tâm xuất gia thì những đồ cày cuốc ông đem dấu một chỗ kín, xuất gia rồi lâu lâu ông buồn nhớ lại những cái đó, ông hoàn tục trở về làm ruộng lại, tìm cái cuốc cày đó sống trở lại, rồi sống ít lâu thấy chán lại xin xuất gia nữa. Nhưng trong luật Phật cho xuất gia bảy lần, đối với người Tỳ Kheo, chứ bên Ni là không được. Xuất gia được ít lâu cũng nhớ cái đồ đã dấu đó nữa, lại hoàn tục, cứ vậy hoàn tục rồi xuất gia, đến lần thứ bảy, thì ông mới quyết tâm vác cuốc đi lên đứng giữa cầu nhắm mắt quăng mạnh một cái, rớt đâu đó thì rớt, không cho thấy nữa, rồi ông la lên “thắng rồi, thắng rồi”. Ngay lúc đó, ông vua cũng vừa thắng trận trở về, vua nghe tiếng “thắng rồi, thắng rồi” không biết thắng cái gì, vua mới kêu ông lại hỏi: - Ta thắng trận trở về là ta thắng, còn ngươi thắng gì mà ngươi la thắng thắng như vậy? Ông mới kể câu chuyện như trên, vua bèn tán thán. Vậy là sao? Buông mà còn có chỗ nhớ để trở về lại. Ở trong đạo cũng có nhiều vị xuất gia, nhất là mấy cô xuất gia mà có tóc dài đẹp, cắt lại gói kỹ để kỷ niệm. Tiếc! Đó là bố thí cũng còn có chỗ để giữ lại. Còn Phật dạy xả, không có chỗ trụ, nhưng có người lại nghĩ, mình xả như vậy nó đoạn diệt sao? Nghĩa là không trụ một tướng gì hết, thì tách rời các tướng, đoạn diệt các tướng hay sao? Cần nghe kỹ, không trụ mà cho, không trụ một cái gì hết mà cho, đây là điểm đặc biệt! Nếu không phải người thật sống được thì cũng khó nói ra chỗ này, làm sao không trụ vào chỗ nào hết mà cho? Tức là, đối với sắc vẫn cho thấy, đối với tiếng vẫn cho nghe, đối với hương vẫn cho ngửi, đối với vị vẫn cho nếm, nhưng không cho có chỗ trụ, thì nghe, thấy, ngửi, nó như thế nào, vẫn là như thế đó, không đồng hoá nó với các trần; thấy sắc nhưng không đồng hóa cái thấy này với sắc đó, nghe tiếng nhưng không đồng hóa cái nghe với tiếng thì, thấy, nghe vẫn nguyên vẹn là thấy, nghe, không có thêm bớt cái gì trong đó, vậy là an trụ rồi. Bát nhã hiện tiền rồi. Quý vị thấy nó vi diệu không? Mình thấy sắc thì mình đồng hóa với sắc, chỉ biết có sắc. Do đó gọi là quên mình theo vật. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật khai thị cho ngài A Nan: Khi đưa tay lên thì nói có thấy, để tay xuống thì bảo không thấy, bị Phật quở. Giờ đây, cho thấy, cho nghe hết, nhưng không có trụ vào đó, thì thấy, nghe không có dính vào đâu, vậy ngay khi thấy nghe đó, tâm nó có giới hạn gì? Thấy mà dính với sắc thì nó giới hạn nơi sắc, nghe mà dính với tiếng thì nó giới hạn ở tiếng. Có người tới vườn hoa hoặc là đi trên đường ở chỗ đông người, nghe có đám ca nhạc hay, rồi mình lắng tai nghe tiếng đó, thấy nó hay quá rồi say mê đứng đó chú tâm vào nghe, thì tâm mình nó giới hạn ở chỗ đó, có khi bị móc túi không hay, phải không? Đó là nó có chỗ dính, mà có chỗ dính là nó có giới hạn. Còn tâm mình không có dính gì hết thì nó thênh thang, nó sáng suốt, có ai động tịnh gì mình hay liền. Bởi vậy ở đây đức Phật ví dụ: cũng như hư không ở phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, bốn hướng trên dưới không có giới hạn. Nói hư không ở phương Đông, phương Tây, phương Bắc, phương Nam ..v.v... cũng là nói theo cái nhìn thông thường, chứ sự thật thì hư không không có Đông Tây Nam Bắc mà nó thênh thang không ngằn mé, tâm mình cũng vậy, nếu không dính một vật gì, không có trụ vào đâu, thì nó cũng thênh thang, không ngằn mé; cho nên ngài mới nói phước đức cũng như vậy, không có thể nghĩ được. Phước đức này là phước đức vô tướng. Phước đức sống trở về tâm chân thật trùm khắp, chứ không phải cái phước đức như vua Lương Võ Đế hỏi bố thí, cúng dường, cầu phước, đó là phước đức hữu tướng. Hiểu vậy, mới thấy nghĩa vô trụ mà bố thí, thì phước đức nó là như vậy.

Điểm kế, Đức Phật dạy: “phải đúng như điều đã dạy đó mà trụ”. Câu này cũng thật sâu xa! Ở trước nói không trụ, ở đây lại nói trụ, đúng như những điều đã dạy đó mà trụ. Tại sao ở trước dạy không trụ mà ở đây lại trụ? Bởi vì, không trụ vào bất cứ một cái gì hết, tức là chân trụ, là an trụ. Quý vị kiểm lại xem, mình không trụ vào một cái gì hết thì tức là nó an trụ rồi, nó chân trụ rồi; còn vừa có một chỗ trụ, dù là một điểm nhỏ, tức nhiên là dời đổi rồi, là động rồi. Vì có chỗ trụ là có tướng rồi, mà có tướng là có chỗ thấy, có chỗ thấy là tâm sanh. Không chỗ trụ là an trụ, là thường trụ. Thấy thấu tột chỗ này, mới thấy đó là trụ xứ của Bồ tát, và mới thấy thể Kim Cang bày biện khắp nơi chưa từng che dấu chỗ nào, khỏi tốn một đồng xu đi tìm.  Dẫn một câu chuyện nhà Thiền:

Ngài Trần Tôn Túc, có một vị tăng mới đến, Sư hỏi:

- Ông từ đâu đến?

Vị Tăng thưa:

- Bạch Hòa Thượng, con từ Ngưỡng Sơn đến.

Sư bảo:

- Ông nói láo!

Vị tăng mới đến, ngài hỏi “ông từ đâu mới đến” thì vị tăng thật thà nói “từ Ngưỡng Sơn đến” ngài lại bảo “ông nói láo”, như vậy là sao? Chính vô trụ thì mới thấy được chỗ này. Ông đang hiện tiền, đang đứng ở đây này, đang đứng rõ ràng đó, nói năng rõ ràng đó, mà lại quên cứ nhớ Ngưỡng Sơn thôi. Đứng đây mà lại nhớ Ngưỡng Sơn, quên mất cái hiện tiền ngay đây mà bám vào kia, cho nên Sư mới bảo: “Nói láo”, đang ở đây mà nói ở kia, đó là mình tự dối mình.

Còn ngài Động Sơn Lương Giới thì lại khác. Sư từ giã ngài Vân Nham đi nơi khác. Vân Nham hỏi:

- Thế ông đi nơi nào?

Sư đáp:

- Tuy lìa Hòa Thượng mà chưa xác định chỗ ở.

Đáp hay! Ngài Vân Nam hỏi:

- Phải đi Hồ Nam chăng?

Sư đáp:

- Không.

Hỏi:

- Phải đi về quê chăng?

Đáp:

- Không.

Hỏi:

- Đi bao lâu thì trở lại?

Sư thưa:

- Đợi Hòa Thượng có chỗ ở thì trở lại.

Đáp hay không? Có chỗ ở thì có chỗ trụ, có chỗ trụ tức nhiên là rớt trở lại. Bởi có chỗ trụ tức là có chỗ dính mắc, có chỗ dính mắc thì có chỗ trở lại luân hồi, có chỗ sanh trở lại.

Vân Nham bảo:

- Từ đây một phen đi khó được thấy nhau.

Sư thưa:

- Khó được chẳng thấy nhau.

Khi mà không có một chỗ trụ nào thì lúc nào cũng hiện tiền luôn luôn, có lúc nào rời nhau đâu? Cho nên “khó được chẳng thấy nhau”, lúc nào cũng ở trước mặt thôi, tuy đi xa mà cũng không rời Hòa Thượng, cũng không rời chân thật đó. Trái lại có chỗ trụ, đó mới là cách nhau, tuy ngồi kế bên nhau nhưng có chỗ trụ thì cũng không thấy nhau, còn tuy ở xa nhưng không có chỗ trụ nào hết thì vẫn thấy nhau, lúc nào cũng hiện tiền, thấy nhau là thấy chỗ chân thật đó, đáp rất là hay, rất là khéo!

Qua ngài Bảo Triệt với ngài Đơn Hà khi đi đến núi Ma Cốc, Bảo Triệt nói:

- Tôi đến trong đó trụ.

Tức Ngài Bảo Triệt đi lên núi đó, ngài tính ở chỗ này. Ngài Đơn Hà liền bảo:

- Trụ tức là trở về, ông có cái này không?

Ngài đáp:

- Trân trọng.

Vậy thôi. Ngài Đơn Hà nói “trụ tức lại trở về”, vừa có chỗ trụ là rớt lại sanh tử, là trở về, là mắc kẹt, cho nên không chỗ trụ đó mới là chỗ sống chân thật. Hiểu như vậy, quý vị mới thấy ý nghĩa rất là sâu xa. Lục Tổ nói: “- Đạo là phải trôi chảy cớ sao lại ngưng trệ? Tâm chẳng trụ nơi pháp thì đạo liền trôi chảy, còn nếu tâm trụ pháp gọi là tự trói”. Đạo thì lúc nào cũng trôi chảy chứ không ngưng trệ, nhưng mình trụ thì nó liền tự trói, tay mình nắm ở đây là tự mình trói vào đó. Mới thấy, ngay nơi sáu căn này là giải thoát, tức sáu căn chuyển thành sáu thần thông, không có đâu xa hết. Tổ Lâm Tế giải thích sáu thần thông là: “- Sáu thần thông của Phật là vào sắc không bị sắc làm mê hoặc, vào âm thanh không bị âm thanh mê hoặc, vào thế giới của mùi hương không bị mùi hương làm mê hoặc, cho đến vào thế giới pháp trần không bị pháp trần mê hoặc, do đó thông suốt sáu loại sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đều là tướng không, không thể cột trói vị đạo nhân không nương tựa này; tuy là mang thân ngũ ấm mà chính là địa hành thần thông”. Tức là mình thấy nghe hiểu biết mà không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm mê hoặc, không có lầm trong đó, không có trụ vào trong đó, thì ngay đó là vị đạo nhân chân thật không có tựa, không có trụ, đó là Bát Nhã chân thật; được vậy thì ngay nơi cái thân này là địa hành thần thông, tức là thần thông diệu dụng, mọi thấy nghe hiểu biết đều là diệu dụng hết. Vậy bố thí tức là buông xả hết sáu trần, không có dừng ở bất cứ một tướng nào, tức ngay đó là giải thoát, là an trụ, ngay đó chân thật hiện tiền, là chỗ trở về của mình. Trong bài tụng của Hòa Thượng Long Tế nói rằng:

Tâm cảnh đốn tiêu dung

Phương minh sắc dữ không

Dục thức bản lai thể

Thanh sơn bạch vân trung.

***

Tâm cảnh chóng tiêu dung

Mới rõ sắc cùng không.

Thể xưa nay muốn biết,

Trong mây trắng núi xanh.

Tức tâm cảnh chóng quên đi rồi, chóng tiêu dung không còn phân chia, mới rõ sắc cùng không, không còn lầm lẫn, thì muốn biết thể chân thật xưa nay, vốn hiện tiền trước mắt, trong mây trắng núi xanh đó thôi. Song tâm cảnh làm sao tiêu dung được? Cảnh hiện tiền đó, tâm thì đang có đây, làm sao tiêu dung? Tiêu dung bằng cách nào? Tức là lìa niệm phân biệt, dứt bặt niệm kia đây, không còn có đối đãi, không còn có chỗ trụ, thì ngay đó nó lặng lẽ, đâu có phân biệt tâm và cảnh, đó là chóng tiêu dung, ngay đó hết lầm sắc cùng không, nghĩa là không còn lẫn lộn cái sắc, cái không với cái thể Kim Cang này nữa, hay cái chân thật hiện tiền này, thì thể Kim Cang hiện trước mắt, trong mây trắng núi xanh, đối diện chạm mắt luôn luôn cái gì nó cũng hiện tiền, không có thiếu sót. Vậy thì quý vị đừng sợ khi buông hết rồi nó không còn gì hết. Khi buông, không còn một cái gì bám, tức là an trụ, là cái chân thật luôn luôn hiện với mình, ánh sáng Bát Nhã lúc nào cũng có mặt, đó là chỗ sống của mình, chỗ bảo nhậm của mình. Quý vị thử ngay bây giờ khởi một niệm mà đừng trụ vào một chỗ nào hết xem! Thử khởi coi? Ngay đó một niệm hiện tiền chân thật sáng rỡ thôi. Đó là khéo sống an trụ, đường về là đây. Như vậy là qua phần hàng phục và an trụ, đó là chỗ sống đáng kể.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

366706
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3197
3888
18075
335955
65714
88584
366706