Thứ Năm 25/4/2024 -- 17/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 32.Ứng hóa chẳng phải chân

 

 

CHÁNH VĂN:

32. ỨNG  HÓA CHẲNG PHẢI CHÂN .

Này Tu Bồ Đề! Nếu có người đem bảy báu đầy cả vô lượng vô số thế giới dùng để bố thí; nếu có người thiện nam, kẻ thiện nữ phát tâm  Bồ đề, thọ trì, đọc  tụng, vì người khác mà diễn nói kinh này, cho đến  bốn câu  kệ... phước của người này hơn người bố thí kia. Làm sao vì người mà diễn nói? Chẳng chấp  thủ nơi  tướng, như  như chẳng động. Tại sao?

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bọt, bóng.

Như sương cũng như chớp,

Nên khởi quán như thế.

Phật nói kinh này xong, Trưởng lãoTu Bồ Đề và các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, tất cả trời, người, a tu la ở thế gian nghe lời Phật nói đều  rất  vui mừng, tin nhận vâng làm.

GIẢNG:

Phần này gọi là phần lưu thông, Phật chỉ dạy cách truyền trì Bát Nhã chân thật không để cho đoạn dứt, nói vậy mà không phải ngậm miệng hoài thì ai hiểu được, làm sao mà dạy? Trước Phật so sánh về phước hữu vi, bố thí bảy báu vô lượng cũng không bằng phước trì kinh, để thấy phước trì kinh, sống với Bát Nhã là phước vô vi cao quý hơn; nhưng ở đây chú ý sự so sánh là nói rõ: “Người phát tâm Bồ Đề”, bản xưa nói: “Phát tâm Bồ Tát”, tức nói đến chỗ sống của Bồ Tát, là tự độ và độ tha đầy đủ, chính là để Tổng kết làm sao an trụ chơn tâm không gián đoạn? Đây nói rõ phước bố thí bên ngoài cũng là phước hữu vi, nếu mình bám vào phước hữu vi đó là có gián đoạn. Trái lại muốn nhấn mạnh, tự mình sống trong Bát Nhã, còn đánh thức cho người, khiến cho chánh pháp được sáng mãi, sáng mãi trên thế gian này; tức một người tỏ ngộ rồi, chỉ cho người khác được tỏ ngộ, rồi lại chỉ cho người khác nữa, cứ vậy nhân lên nhân lên nữa mà không gián đoạn, thì công đức này làm sao nói hết được! Đó là nói bên ngoài, còn nói bên trong thì một niệm giác rồi, lại giác các niệm khác, niệm niệm đều giác kéo dài liên tục không để cho gián đoạn. Ở đây ngài nhấn mạnh điểm “vì người mà diễn nói”, nên ngài mới dạy: “- Làm sao vì người diễn nói”. Đây là phần lưu thông mà cũng để thấy rõ pháp thân không tướng, không ngôn ngữ đến được, nhưng cũng không phải một bề im lặng, chấp một bề im lặng cũng kẹt một bên, nên Phật nhấn mạnh phần vì người diễn nói, song phải nói làm sao để không trái với Bát Nhã. Đây Phật giải thích: “Chẳng chấp thủ nơi tướng, như như chẳng động”, đó là chỗ vì người diễn nói phải như vậy. Nói ra mà không kẹt lời, không rơi vào các tướng phân biệt, nếu nói ra mà kẹt ở lời và các tướng phân biệt thì chính ngay đó tự mình che lấp mình, sao gọi là truyền trì Bát Nhã được? Xét ngược lại, sở dĩ Phật nói pháp là từ tâm chứng ngài nói ra, dù hiện có nói năng, có phân biệt, nhưng là lìa các tướng phân biệt. Nói ra tất cả, nhưng lìa các tướng phân biệt, không mắc kẹt trên đó. Như kinh Duy Ma Cật: “- Phân biệt tướng các pháp mà nơi nghĩa đệ nhất chẳng động”. Phân biệt nói tất cả, nhưng không rời tự tánh, không kẹt trên các tướng. Người sau này cũng phải lìa tướng mà nói, đối với cảnh vẫn như như chẳng động, tức là chẳng rời pháp thể, như vậy mới thầm hợp với trí Phật, mới khiến người tỉnh trở lại; còn nói mà kẹt trên các tướng thì khiến người ta mê các tướng làm sao tỉnh trở lại? Như vậy, chẳng chấp thủ nơi tướng, như như chẳng động, nếu thấy đến chỗ đó thì đụng đến cái gì không phải là nói pháp, một cành cây một tảng đá cũng nói pháp được, gió thổi thông reo, lá rơi cũng nói pháp được. Chính vì vậy, các thiền sư đụng cái gì các ngài cũng nói pháp được, nhiều khi tằng hắng cũng thành nói pháp. Đến đây mới gọi, “tất cả pháp đều là Phật pháp”, như vậy Bát Nhã luôn luôn lúc nào cũng sáng ngời không gián đoạn, tức lúc nào cũng an trụ chân tâm. Đây giải thích cho mình rõ an trụ chân tâm, nhưng làm sao an trụ liên tục không gián đoạn. Được như vậy, rồi chỉ bày khơi sáng cho mọi người nữa thì đó là ý nghĩa phát tâm Bồ Đề. Hãy chú ý câu “chẳng chấp thủ nơi tướng, như như chẳng động”, chính câu này là con mắt của toàn bộ kinh, “chẳng chấp thủ nơi tướng, như như chẳng động”, tức bặt cả hai bên, vậy ngay đó mình tiến thẳng vào! Chẳng thủ tướng tức là lìa tướng, như như chẳng động là chẳng bỏ tướng; lìa tướng mà chẳng bỏ tướng, tức là tánh tướng nhất như, chẳng lấy chẳng bỏ, thì ngay đó mở cửa vào. Kinh Viên Giác có câu: “Tất cả các chúng sanh, Vô thỉ huyễn vô minh, Đều từ tâm viên giác, Các Như Lai kiến lập. Giống như hoa trong không, Nương không mà có tướng, Hoa không nếu diệt rồi, Hư không vốn chẳng động”, cái vô minh hư huyễn từ vô thỉ của tất cả chúng sanh đều từ nơi tâm viên giác của các Như Lai mà kiến lập. Mọi người có nghi chăng? Nếu vô minh hư huyễn từ vô thỉ đều từ nơi tâm viên giác của các Như Lai mà sanh, thì mình thành Phật, ít hôm nó khởi nữa làm sao? Vậy tu đến bao giờ hết? Chính chỗ này mà trong kinh Viên Giác ngài Kim Cang Tạng hỏi: “Như vậy chúng sanh thành Phật rồi, sau đó khởi vô minh trở thành chúng sanh nữa thì tu đến bao giờ hết?” Cái lý luận của tình thức này nguy hiểm, người không khéo dễ bị gạt, nghe nói vậy dễ thấy có lý. Nhưng nghe nói vậy, Phật mới quở: “Ông dùng cái thức tình của phàm phu mà đo lường trí tuệ Phật, thì trí tuệ Phật cũng thành phàm phu luôn”, nghĩa là đem cái tâm phàm của mình nghĩ đến cảnh giới Phật, thì cảnh giới Phật cũng thành phàm. Phật ví dụ, cũng như vàng trong quặng đem ra lọc thành vàng rồi, thì vàng này không trở lại thành quặng, giác rồi không trở lại thành mê nữa. Điểm này phải để ý kỹ, chứ không, học rồi mà nghe những người miệng lưỡi khéo léo lý luận thì nghe sao cũng có lý, rồi sanh nghi ngờ! Ngài nói tất cả cái huyễn vô minh đều từ tâm viên giác các Như Lai kiến lập, để nói lên nó không có thật, đó là cái mê lầm vọng chấp thôi. Nên mới nói giống hoa đốm trong hư không, nương nơi hư không mà có tướng, nhưng nếu hoa đốm đó diệt rồi, thì hư không đó vốn chẳng động. Cái vô minh huyễn này có sanh, rồi giác nó hết, nhưng hư không vốn không động, không phải khi có hoa mà hư không mất, rồi hoa diệt thì hư không sanh, mà hư không không sanh không diệt. Nếu nhìn xa hơn chút nữa, thì chính hoa đốm đó cũng không sanh diệt, hoa đốm đó không thật có, do con mắt bệnh nên mới thấy hoa lăng xăng, mắt lành liền hết, chứ không phải mắt bệnh thấy có hoa là thật có hoa. Có người mê lầm, mắt bệnh thấy hoa đốm lăng xăng tưởng hoa thật, rồi trông chờ nó kết trái, thì mê càng thêm một lớp mê nữa. Thấy rõ vậy, cả hai trước sau không động, chính ngay hư không cũng không động, rồi hoa đốm lăng xăng cũng không động, vì nó không có thật mà do con mắt bệnh. Kinh Lăng Nghiêm Phật quở ngài A- Nan: “- Vì sao ông hiện nay lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, từ đầu tới cuối niệm niệm sanh diệt, bỏ mất tánh chân, điên đảo làm việc, tánh tâm mất đi chân thật, nhận vật làm mình luân hồi trong đó, tự chịu lưu chuyển”, tức là tự tánh mình vốn chẳng động mà nhận tánh động đó là mình, đành chịu lưu chuyển trong sanh tử, gọi là nhận vật làm mình. Thấy những tướng động qua lại, bám chấp vào tướng động này làm thân mình, quên mất tự tánh chân thật, nên khi tướng động mất thì hết chỗ bám, rồi kiếm cái khác chụp vào để thế, đó là đi trong sinh tử. Nếu rõ được tự tánh chân thật bất động thì, tướng động này là giả tướng thôi, nó còn mất cũng là giả tướng, còn chân thật luôn hiện hữu đó. Như vậy mới tự tại sinh tử. Còn mất cái này chụp cái khác, nếu có phước chụp nhằm cái tốt, không phước thì đụng đâu chụp đó nguy hiểm! Song chính ngay khi lưu chuyển trong sinh tử, tự tánh vẫn luôn luôn bất động. Rõ được chỗ này, rồi đem chỗ này chỉ bày cho nhau, mới thật vì nhau bậc nhất! Đây dạy vì người diễn nói là phải nói chỗ đó; nói Bát Nhã là vậy đó, còn đem trên tướng sinh diệt chỉ bày cho nhau, tức đưa nhau đi vào trong sinh tử, vậy là che lấp Bát Nhã. Có một vị tăng hỏi ngài Hoàng Bá:

- Làm sao đối tất cả cảnh tâm như cây đá?

Bởi vì tâm thường bị chuyển hoài, hỏi như vậy là thấy cảnh thật nên mới nghĩ làm sao cho tâm được như cây đá, không còn bị chuyển nữa. Ngài Hoàng Bá đáp:

- Tất cả pháp vốn chẳng tự nói là không, chẳng tự nói là sắc, cũng chẳng nói phải nói trái, nhơ sạch, cũng không có tâm trói buộc người, chỉ vì người hư vọng chấp trước tạo các thứ hiểu biết, khởi các thứ tri kiến, sanh ra các thứ yêu sợ. Nếu rõ các pháp chẳng tự sanh, đều từ một niệm chính mình vọng tưởng điên đảo chấp tướng mà có, thì tâm và cảnh vốn chẳng đến nhau, ngay đó là giải thoát, mỗi pháp ngay đó tức lặng lẽ, ngay đó là đạo tràng.

Như vậy là thấy biết tất cả, nhưng tâm và cảnh không đến nhau, không sanh khởi phân biệt trên các cảnh, đó là lặng lẽ, ngay đó là đạo tràng, đâu phải tách rời nó. Vậy để hiểu nghĩa chẳng chấp thủ nơi tướng, như như chẳng động, nói như vậy không phải gạt bỏ các tướng hoặc trốn hết các tướng, mà ngay nơi các tướng rõ nó vốn là tự như như rồi, chỉ do mình vọng tưởng điên đảo chấp, bây giờ biết rõ thì dừng các tâm chấp, ngay đó mọi pháp đều như như. Còn lâu nay mình dùng tâm điên đảo, nên thấy ngược đời, như đi trên xe rồi nhìn thấy hàng cây bên đường chạy lui. Vậy, vì người mà diễn nói Bát Nhã thì không thể quên được chỗ này!

Kế Phật giải thích tại sao chẳng chấp thủ nơi tướng, như như chẳng động:

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, bóng

Như sương cũng như chớp

Nên khởi quán như thế

Sở dĩ như thế, là thấy rõ mọi pháp hữu vi, tức pháp có tạo tác, có làm ra, có hình tướng đều như mộng, huyễn, bọt, bóng, không có thật. Thấy rõ như vậy thì không chấp thủ, là như như. Ý mộng, huyễn, bọt, bóng nghiền ngẫm kỹ mới thấy sâu, đây chính là nghĩa khiến mình lìa cả có không. Không nói nó hoàn toàn không, nhưng như mộng huyễn; ngay khi mộng là rõ ràng có, nhưng tỉnh ra thì có hay không? Nói có không được, nói không cũng không được, ngay đó bặt niệm có không. Huyễn cũng vậy, huyễn là chỉ cho những huyễn thuật, như trong vidéo: người đánh võ múa may lăng xăng vậy có thiệt không? Có mà không thật có, nói không thì cũng không được. Ngầm ý ngay khi nó sanh là vô sanh, không lấy bỏ gì hết. Tức ngay đó như như chẳng động; ý nghĩa như như chẳng động là vậy, chứ không phải bảo mình lìa bỏ hết tất cả tướng, dẹp đi hết, tâm như cây đá. Khi mình quán sâu như vậy, ngay đó lìa niệm có không, là mở sáng Bát Nhã, phá tan hết tình chấp mê lầm. Đó là phương thuốc vi diệu để thể nhập Kim Cang Bát Nhã, hay thể Kim Cang bất hoại của chư Phật, được như vậy mới sống giữa thế gian đầy mâu thuẫn này mà vẫn tự tại. Còn chưa được như vậy, vì còn thấy có, còn thấy không nên bị cái có không đó chuyển, nghe nói các pháp như mộng huyễn cũng hiểu vậy, nhưng mới hiểu thôi chứ chưa quán sâu. Quán sâu, không bảo mình dùi cho sâu, mà là nó luôn luôn liên tục không gián đoạn, thâm nhập nơi mình luôn luôn không quên, lúc nào cũng thấy như vậy, nên gặp cảnh huyễn đến mới không bị động. Còn hiểu thôi, thì lúc hiểu thấy không, bất ngờ gặp cảnh huyễn tới là mình thấy thiệt, như vậy làm sao sống được tự tại. Có một câu chuyện, có một vị chiến sĩ Nhật Bản có học thiền nên khi đang bị nạn sắp chết dưới làn gươm thì ông đọc bài thơ Nhật Bản:- “ Cả hai kẻ giết và nạn nhân, đều như giọt sương, như ánh chớp, nên xem họ như vậy thôi” và ông chết tự nhiên tự tại. Quán sâu là như vậy, lúc nào cũng thấy như vậy, vì ngay lúc chết đâu có thì giờ để mình nhớ hay quán, mà phải ăn sâu trong mình, và ngay đó ứng dụng ra liền. Vậy, để thấy vị chiến sĩ này đã từng học Bát Nhã và thật sự thuộc Kim Cang Bát Nhã. Còn ta đọc thuộc làu làu, nhưng chỉ là thuộc chữ nghĩa, thuộc trên văn. Chúng ta nhớ bài kệ của thiền sư Vạn Hạnh cũng nói lên ý nghĩa này:

Thân như điện chớp có rồi không

Cây cỏ xuân tươi thu lại tàn

Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi

Thịnh suy đầu cỏ hạt sương đông.

***

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu  khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Thân này là pháp hữu vi, nên như điện chớp, có đó rồi không đó; như cây cỏ mùa xuân tươi tốt, mùa thu lại tàn, đó là vô thường không thật. Biết rõ nó là không có thật, không bền, thì mặc cho cuộc thịnh suy nó qua lại, nhưng không sợ hãi, bởi vì mọi cái thịnh suy cũng giống như hạt sương trên đầu ngọn cỏ, mới có đó rồi nó tan. Thấy rõ như vậy tức là thịnh suy không dính dáng gì đến tâm thể như như bất động, đó là thấy rõ ý nghĩa “chẳng chấp thủ nơi tướng, như như chẳng động”. Nhưng ở đây khi đọc bài kệ này phải chú ý! Nhiều người nghe bài kệ này, rồi xem thường, mình học từ trước nhiều chỗ Phật nói lý cao siêu, nhiều chỗ không hiểu nỗi, sao đến đây nói dễ dàng, giống như tầm thường, ai nghe cũng hiểu, vậy tại sao đến đây mới nói bài kệ này? Tại sao không nói ngay từ đầu, mà đến gần kết thúc mới nói? Bởi vì đến đây không phải là chỗ lý giải suông, mà muốn nói, đến đây đã qua chỗ lý giải rồi. Phần trước đã nói đến chỗ tri kiến chẳng sanh, đến đây là phải thể hiện, sống như vậy, thấy như vậy, thì mới như như chẳng động. Nên đến đây khiến cho mình buông sạch hết mọi lý luận, mọi công phu tạo tác hữu vi, sống thẳng vào, nên cuối cùng mới nói ra. Hiểu như vậy mới thấy được ý sâu của Phật. Sau bài kệ này thì phần tiếp là phần lưu thông theo thông thường của các bộ kinh: “Phật nói kinh này xong, Trưởng lão Tu Bồ Đề và các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, tất cả trời, người, a tu la ở thế gian nghe lời Phật nói đều rất vui mừng, tin nhận vâng làm.”

Đây chính là nhắc nhở mình, tin nhận vâng làm, tức nhắc mình phải khéo sống theo đó, vâng làm không trái, không chỉ hiểu suông, nói suông.

Vậy Kinh Cang chủ yếu là hai câu hỏi “An trụ tâm Hàng phục tâm”, tức là Bồ Tát phát tâm Vô Thượng chánh đẳng chánh giác làm sao an trụ tâm? làm sao hàng phục tâm? Phật dạy độ tất cả chúng sanh vào vô dư Niết bàn, mà không thấy một chúng sanh nào thật được diệt độ; tức là đưa tất cả các tâm niệm của mình trở lại ngay đầu nguồn trước khi khởi niệm, trước khi chưa sanh thì không còn có hình tướng gì, không còn dấu vết gì! Còn an trụ tâm, Phật dạy bố thí tất cả không trụ tướng, không trụ sắc thanh hương vị xúc pháp, nghĩa là buông xả không cho mình trụ vào bất cứ một cái gì hết, tức an trụ. Đó là chỗ trong nhà thiền gọi là “người chẳng cùng muôn pháp làm bạn”, tức người không trụ vào cái gì hết, không dính, không duyên vào cái gì hết, thì chính đó mới là an trụ. Khoảng giữa, Phật lần lượt phá các tướng, chỉ nói rộng ra vậy thôi: tướng ngã, nhân, tướng bồ đề, tướng sở đắc, tướng ba thân, cũng như tướng cõi nước trang nghiêm, pháp Bồ Tát, cho đến cái thấy về đoạn về thường, về một về khác, về chơn về vọng, phá sạch hết, lìa các tướng không trụ vào gì hết, thì cuối cùng đưa vào Bát Nhã, bặt hết niệm có không, một tâm thể như như bất động, nhưng cái như như bất động đó nằm ở giữa muôn pháp sai biệt này chứ không đâu khác. Tức không còn chỗ nào để bám, không còn chỗ nào dừng trụ, thì ngay đây an trụ bất động. Vậy rốt cuộc rồi, tình chấp hết, chơn thể hiện tiền chưa từng sanh diệt, chứ không có được mất. Như vậy thử hỏi, có cái gì ở thế gian này so sánh kịp? Vì vậy nói, dù cho bố thí đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, bố thí thân mạng nhiều vô số cũng không bằng sống trở về với cái này, nhưng cái này làm sao biết? Xưa Thích sử Lý Tường, hỏi thiền sư Sùng Tín:

- Thế nào là chơn như Bát nhã?

Sùng Tín đáp:

- Ta không có chơn như Bát nhã.

Nghe vậy ông Thích sử thưa:

- Hân hạnh được gặp Hòa Thượng.

Vậy gặp chỗ nào? Ngài Sùng Tín bảo:

- Đây cũng là lời nói bên ngoài.

Tức là chơn như Bát nhã mà nói được sao? Nếu gặp rồi thì nói chi nữa, còn nói là lời nói bên ngoài. Nên có bài kệ:

Chơn như Bát nhã

Chẳng thủ chẳng xả

Đối diện hiện tiền

Trời xanh mây trắng.

Ngay đây chẳng thủ chẳng xả thì tất cả hiện tiền, khỏi phải lý luận gì nhiều. Cuối cùng dẫn lời của ngài Hoàng Bá cho mọi người nghe nhớ: Ngài Hoàng Bá có dạy một đoạn:  “- Đọc kinh xem giáo lý đều phải uyển chuyển soi lại chính mình”. Mình đọc kinh, xem giáo lý nhưng phải uyển chuyển xem lại chính mình chứ đừng theo bên ngoài. “Tất cả ngôn ngữ giáo lý chỉ là tấm gương soi lại tánh giác chính mình hiện nay, chỉ không bị tất cả cảnh “có, không” làm lay chuyển đó là bậc đạo sư của ông. Hay chiếu phá tất cả cảnh có không, đó là tuệ Kim Cang, tức có phần tự do độc lập. Nếu chẳng nhận được như vậy, dù tụng làu mười hai bộ kinh cũng chỉ là tri giải vậy thôi. Tri giải thuộc là bệnh, vẫn bị các pháp có không trói buộc, chẳng được tự do. Bởi do lý chưa vững, trước đã có phước trí nên bị phước trí chở đi!” Tức là chưa nắm vững lý mà phước trí có trước cũng nguy hiểm, có phước mà không rõ được lý, sáng được tuệ thì nhiều khi có phước, rồi say mê trên cái phước đó tạo tội. Thí dụ như những người nhà giàu là có phước, nhưng không rõ lý, nên kiêu mạn, không biết rằng giàu đây là do cái phước của mình tạo từ đời trước chứ không phải mới có, cũng không phải mình hay giỏi gì. Có những người làm ăn dễ dàng, tính toán nhẹ nhàng mà giàu lên, nên tưởng là do cái tài làm giàu của mình, nhưng sự thật là do cái phước của mình có nên tính đâu trúng đó, dễ làm giàu, rồi lại kiêu mạn về cái tài làm giàu của mình, trở lại khinh thường những người dưới, hoặc theo cái giàu đó mưu mô đủ thứ, rồi tạo nghiệp, khi hết cái phước đó liền đi xuống! Như các ông vua ngày xưa, không có phước đâu làm vua được, nhưng thiếu trí hiểu rõ chánh pháp, khi làm vua mọi uy quyền sẵn có rồi muốn sát hại ai, làm gì độc ác cũng được, nhưng hết thời đó rồi, đọa xuống, đó là bị cái phước nó dẫn đi. Trí cũng vậy, chưa nắm vững lý thì trí chở đi, đó là trí thế gian, lanh lợi, học đâu hiểu đó, kinh luận rõ ràng, nói thao thao bất tuyệt, nhưng chưa nắm vững lý cũng sanh kiêu mạn, có khi bài bác thế này thế kia, mượn cái thông minh lanh lợi khinh thường người này người nọ, tự cao ngã mạn, rồi bị nó chở đi, hết phước đó cũng đi xuống. Nên ở đây ngài nhắc nhở kỹ, phải luôn luôn soi về chính mình để rõ thấu được lý thật, từ có cái lý nắm vững, rồi có phước trí, thì cái phước trí đó mới thù thắng, giúp cho mình tu tiến vững vàng hơn, đầy đủ hơn. Bởi vì Phật là lưỡng túc tôn, tức phước trí đầy đủ, nhưng phải vững vàng nơi tự tánh chính mình, từ cái lý vững vàng phát ra, đó mới là cái phát chân thật, chứ chưa có được cái lý này mà có được phước trí bên ngoài, thì dễ lầm lẫn, rồi theo đó chở đi lạc. Đó là điều nhắc nhở hết tất cả ai khéo đọc kinh, học kinh, là để soi lại chính mình, chứ không phải học kinh đó để thêm kiến giải rồi theo kiến giải đó sanh bệnh!

Trước khi kết thúc, nói qua tinh thần vô trụ kinh Kim Cang, tức học kinh Kim Cang là phải nắm được vô trụ chứ còn trụ là chưa hiểu được kinh Kim Cang. Trước nhất là nói phá tướng để trở về tánh, nghĩa là lìa tướng tâm duyên, bởi vì kinh Kim Cang là phá chấp, phần đầu là phần phá tướng để trở về tánh, để hiển bày tánh, khiến mình tỏ ngộ tự tánh Kim Cang, nên phần đầu chúng ta học luôn luôn phá tướng, như “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, tức “cái gì có tướng là hư vọng hết”, phải “ngay nơi tướng mà thấy phi tướng thì thấy được Như Lai”, tức lìa cái tướng mà tâm mình có duyên đến, thì mới sáng tỏ được tự tánh. Bởi vì chúng sanh đang sống trong tâm phân biệt, nên luôn luôn bám theo tướng, phân biệt thì phải có tướng chứ không có tướng phân biệt cái gì? Mà bám theo tướng, tức mê tướng, mà mê tướng thì quên tánh, còn sáng được tánh là quên tướng. Nên khi phân biệt khởi lên thì luôn có tướng phân biệt; không có tâm phân biệt nào khởi lên khơi khơi mà không phân biệt gì hết. Khi khởi lên phân biệt là có đối tượng phân biệt, có chỗ để duyên; mà theo cái duyên đó liền quên chính mình, quên tự tánh thật. Nên phần trước kinh Kim Cang đánh thức mọi người sống trở lại, khiến ngộ được tự tánh Bát nhã thường sáng luôn luôn, hiện hữu luôn luôn không bao giờ mất.

Điểm thứ nhất khiến Bồ Tát lìa tướng phát tâm, phát tâm Bồ Đề mà không có chỗ phát. Thường nghe nói phát tâm bồ đề thì mình nghĩ nương vào đâu mà phát; hướng về cái gì đó mà phát? Nhưng ở đây dạy phát tâm Bồ Đề mà không có chỗ phát, vì có chỗ phát tức có tướng, mà có tướng là có sanh diệt thì đâu phải tâm bồ đề. Nhớ lại lúc đầu Phật chưa nói gì, mà ngài Tu Bồ Đề đã tán thán: “Thật là ít có! Như Lai khéo hộ niệm, khéo phó chúc các Bồ Tát”, trong khi đó Phật chưa giảng, chưa nói gì cả, vậy hộ niệm phó chúc chỗ nào? chỗ này không phải là chỗ lấy tâm phân biệt thấy được, mà phải dùng trí Bát nhã, chỉ thầm nhận thôi. Ngay ở trong mọi sinh hoạt bình thường của Phật, ngài đắp y, mang bát khất thực, trở về thọ thực, xếp y, ngồi thiền, mỗi mỗi cử chỉ, mỗi mỗi hành động đều là chỗ phát tâm bồ đề chứ không chỗ nào khác. Tức đó là mỗi cử chỉ, mỗi hành động đều phát quang sáng ngời, ngài làm mọi cử chỉ mọi hành động đều với tâm giác ngộ. Còn hướng về chỗ nào khác để phát tâm thì e rằng đó là phát tâm sanh diệt. Bởi vậy Ngài Đạo Ngộ khai thị cho Sùng Tín. Khi Sùng Tín ở với thầy một thời gian lâu mà không được chỉ dạy, mới đến xin ngài Đạo Ngộ chỉ dạy cho tâm yếu, ngài chỉ: “- Ông dâng cơm lên thì ta tiếp, ông xá lui thì ta gật đầu, có chỗ nào ta không chỉ dạy tâm yếu cho ông đâu.” Vậy tâm yếu không có chỗ nào khác, mà chính ngay sinh hoạt hàng ngày là đủ rồi. Nhưng khi nghe vậy, Sùng Tín còn chưa nhận ra, đang cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ thì ngài Đạo Ngộ nói: “- Nhận thì liền đó nhận, suy nghĩ liền sai.” Ngay trong mọi hành động hàng ngày tâm yếu đều hiện bày rõ ràng, nhưng nhận thì liền đó nhận, chứ vừa có suy nghĩ, có phân biệt thì sai, tức rơi vào tình thức. Vậy phát tâm Bồ Đề đâu xa xôi gì, thông thường chúng ta tưởng đâu cầu gì xa xôi, hướng vào cái gì ngoài mình, nên thấy khó khăn; không ngờ ngay nơi chính mình sống hàng ngày, khéo soi lại thì phát tâm bồ đề, chứ không đâu khác. Vì vậy phát tâm bồ đề mà lìa tướng phát tâm.

Điểm thứ hai là lìa tướng độ sanh, tức độ hết chúng sanh đưa vào vô dư niết bàn mà không thấy chúng sanh nào được diệt độ, mới nghe thấy như việc làm chơi nhưng đây thấy rõ tự tánh chúng sanh xưa nay là Phật thì chúng sanh cũng không thật có tướng chúng sanh, vậy làm sao có tướng độ? Thấy rõ không thật có tướng chúng sanh, vậy độ là độ cái gì? Đây mà còn thấy một chúng sanh chưa được độ tức là chưa hết mê, hoặc còn thấy một chúng sanh được độ là còn thấy chúng sanh thật, vậy cái giác của mình chưa viên mãn. Như đoạn ngài Tu Bồ Đề hỏi rằng có chúng sanh nào nghe qua lời lẽ, nghĩa lý như thế sanh lòng tin chăng, bị Phật quở “chớ nói lời ấy”, hỏi vậy tức còn nghi ngờ làm mất lòng tin cho người. Ai ai cũng có Phật tánh hết tại sao không thể tin. Vậy để thấy rõ độ sanh mà không có tướng độ sanh, vì thấy rõ chúng sanh tự tánh vốn là Phật rồi, đó cũng là để lìa chấp ngã, thấy có chúng sanh để độ là thấy có ta độ thì tướng ngã lộ ra.

Điểm thứ ba là lìa tướng động niệm, tức niệm khởi liền mê, là trái với tánh giác, vì khi niệm khởi tức có tướng, mà có tướng là mê tánh. Đây nhắc mình trở về nguồn tâm vốn thanh tịnh, trong sạch niết bàn, phải thấy trở về trước khi động niệm, còn có động niệm là theo tướng mà sanh là trái với tánh giác vốn sẵn thanh tịnh. Nên độ chúng sanh vào vô dư niết bàn mà không có tướng diệt độ. Chúng sanh đây là chúng sanh tâm niệm, đưa tất cả tâm niệm vào chỗ vô sanh, vào chỗ trước khi động niệm, đó là độ mà không có tướng gì để độ, đưa tất cả tâm niệm trở về thẳng nguồn tâm ban đầu, mà nguồn tâm đó vốn tự niết bàn từ thưở nào rồi, vậy còn tướng niết bàn gì nữa. Đây là ý nghĩ hàng phục tâm, tức hàng phục mà không có tướng hàng phục, còn nếu có tướng hàng phục, nghĩa là dùng tâm này hàng phục tâm kia, vậy hàng phục đó như là đè ép vậy thôi. Đó là có năng có sở đối đãi, dùng cái này quét cái kia thì cũng có dấu quét, có chỗ thì cũng chưa thật sạch. Nên có vị tăng hỏi thiền sư Nhan:

- Thế nào là lý bản thường.

Bản thường tức là vốn sẵn như vậy chưa từng lay động. Thiền sư Nhan đáp:

- Động.

Vị tăng lại hỏi:

- Khi động thì sao?

Ngài đáp:

- Chẳng phải lý bản thường.

Nghĩa là, lý bản thường là tự tánh vốn sẵn niết bàn rồi, mà hỏi tới nó thì động, mà động niệm tức chẳng phải là lý bản thường, chẳng phải tự tánh niết bàn. Đây là thấy lìa tướng động niệm, thấy trở về tự tánh chính mình. Đó là điểm khiến mình hàng phục tâm, mà hàng phục tột cùng đến chỗ đó.

Điểm thứ tư là lìa tướng bố thí, tức là bố thí mà buông xả sạch hết không trụ vào một cái gì hết, không trụ vào sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm. Khiến mình buông xả, không trụ vào sáu trần, vào tất cả pháp, không trụ vào bất cứ thứ gì. Ngài lại nói thêm, nếu mà tâm có trụ tức là chẳng phải trụ, vừa có trụ tức bị dời đổi, bởi vì có trụ tức có tướng, mà có tướng là có dời đổi không phải là an trụ. Chính chỗ này là yếu chỉ để mình sống thường trực, đó là chỗ sống bảo nhậm tâm bồ đề. Mình phát tâm bồ đề rồi, nó hiện ra rõ ràng, mình nhận thấy rõ ràng nhưng làm sao sống liên tục trong tâm bồ đề đó, làm sao tâm bồ đề đó luôn luôn hiện hữu không vắng mặt, thì ở đây “không chỗ trụ”. Tức thấy nghe hiểu biết tất cả nơi sáu căn đối với sáu trần, thấy biết hết nhưng không trụ vào một cái gì hết, như vậy thấy nghe mà không phải thấy nghe thì có gì ngăn ngại, có gì che mờ, vậy có khi nào gián đoạn đâu. Thấy sắc, nghe tiếng đó là những cái sáu trần luôn luôn đối diện với mình hàng ngày, vậy mình thấy nghe mà không trụ vào cái gì hết thì cái thấy nghe luôn luôn sáng ngời không bị làm gián đoạn, lúc nào cũng hiện hữu, vậy lúc nào tâm bồ đề cũng luôn luôn có mặt. Chính đó là bảo nhậm tâm bồ đề, là chỗ sống hàng ngày, nên thấy được chỗ đó là thấy được chỗ sống Kim Cang Bát Nhã, còn quên chỗ đó, vừa thấy chỗ trụ là bị chỗ trụ xen vào, tức là gián đoạn ánh sáng Bát nhã. Hiểu rõ không trụ là đoạn dứt hết các duyên, nhưng đoạn dứt hết các duyên không phải là đoạn diệt thành không hết, mà “nên sanh tâm không chỗ trụ”, không cho kẹt vào đoạn diệt. Không trụ làm sao sanh? Đó chính là chỗ khó hiểu. Không trụ là dứt hết các duyên, mà dứt hết các duyên e là rơi vào đoạn diệt không còn hiểu biết gì hết, nên ngài khuyên nên sanh tâm không chỗ trụ, đó là khiến mình không trụ gì hết nhưng luôn luôn vẫn sáng ngời. Đó chính là chỗ rõ ràng thường biết của Tổ Huệ Khả. Đây là chỗ lìa tướng bố thí, nếu hiểu thật sâu thì đó là chỗ sống vi diệu! Khi mình hiểu ý nghĩa của kinh Kim Cang, nhất là phát tâm bồ đề là thấy rõ điểm này, chính đây là chỗ sống.

Điểm thứ năm là lìa tướng ứng hóa, tức những tướng hóa thân ứng thân hiện ra. Nói chung tất cả những tướng hiện ra đều không thật, hóa thân Phật hiện ra có ba mươi hai tướng tốt, phóng hào quang, nhưng là cũng có tướng, mà có tướng thì đều không thật. Bởi vì ở đây là muốn đưa mình trở về với tự tánh, mà tánh là vô tướng, xưa nay không một vật. Cho nên có tướng hiện ra là không chấp được, không chấp vào đó để mà sanh tâm. Chính chỗ này là chỗ mà người tu thiền nhớ kỹ, dù có tướng gì hiện ra đều là không có thật, vì có tướng là có hiện có ẩn. Ví như Phật hiện ra, nhưng có hiện từ ngày này qua ngày khác luôn luôn đâu, mà hiện một chút rồi hết, vậy là không có thật, mà cái thật là cái không tướng, cái luôn luôn hiện hữu nơi mình. Nên trong kinh Kim Cang, câu phải chú ý là: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng, phi tướng tức kiến Như Lai”. “Hễ cái gì có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng mà chẳng phải tướng thì liền thấy Như Lai” Như Lai cũng không phải lìa các tướng, dẹp hết các tướng sang một bên, mà ngay nơi tướng này phải thấy qua những tướng, thấy chẳng phải tướng. Như vô trụ ở trên, thấy nghe qua tất cả mà không trụ nơi tướng tức thấy vô tướng rồi. Thấy sắc nhưng cái thấy chỉ là thấy, không đồng hóa cái thấy của mình với cái sắc kia, như vậy thấy sắc mà chẳng phải sắc, tức thấy Như Lai. Còn mình thấy sắc liền đồng hóa cái thấy của mình với cái sắc, nên khi cái sắc qua rồi lại nói tôi không thấy. Như ngài A Nan, Phật đưa tay lên hỏi: - Thấy không? Thưa: - Có. Để tay xuống hỏi: - Thấy không? Thưa: - Không. Vậy là đồng hóa cái thấy của mình với sắc đó. Như vậy thấy chỉ là thấy, sắc thanh là sắc thanh, chứ không lẫn lộn với cái thấy, với cái nghe, tức thấy tất cả mà thấy qua hết, không dừng nơi cái gì, liền thấy được Như Lai. Hiểu như vậy, thấy được như vậy, mới hiểu được chỗ ngài Lâm Tế bảo: “- Thấy Phật giết Phật, thấy ma giết ma, thấy La hán giết La hán”, nghe vậy thì thấy tu sao hung bạo, nhưng ở đây “giết”“không chấp nhận”, bất kỳ tướng gì hiện ra cũng không chấp nhận, không bám vào nên mới đúng theo nghĩa bố thí, bố thí không bám vào cái gì, buông xả, không trụ vào cái gì hết.

Điểm thứ sáu là lìa tướng trang nghiêm, tức là thường tu phải trang nghiêm tịnh độ, nhất là bồ tát, nhưng ở đây nói trang nghiêm tức chẳng phải trang nghiêm, nghĩa là không cho mình chấp vào tướng để trang nghiêm. Đây muốn đánh thức mình trang nghiêm tự tâm mới là gốc, tâm tịnh thì độ tịnh, tâm mình thanh tịnh thì cõi nước theo đó mà thanh tịnh, chớ không thật có một tướng để mình trang nghiêm. Nếu mình hướng ra bên ngoài để trang nghiêm tức thấy có tướng để trang nghiêm, thì dù cho tướng đó có tốt, có tịnh, nhưng có tướng tịnh là có tướng uế, tịnh đối với uế, nhơ đối với sạch, mà có nhơ có sạch thì có trang nghiêm nổi không? Nên ở đây muốn trang nghiêm cõi nước phải trang nghiêm tự tâm, tâm mình có trang nghiêm thì bên ngoài mới trang nghiêm. Còn không lo trang nghiêm tự tâm mà lo trang nghiêm bên ngoài thì sanh nhiều chuyện nữa. Ví dụ đi chùa cúng Phật là việc làm trang nghiêm tốt đẹp, nhưng nếu không có trang nghiêm tự tâm cũng sinh nhiều chuyện không tốt đẹp. Vào chùa cho rằng tôi thuộc hạng người có uy tín, có nhiều công, nên phải tiếp tôi đàng hoàng, tôi phải đứng trước mọi người, còn lỡ sắp tôi đứng sau thì trong lòng phừng phừng nổi dậy, vậy đã trang nghiêm chưa? Lúc đó thành trần lao! Vậy đi chùa dâng hoa cúng Phật là việc làm tốt đẹp, nhưng không có trang nghiêm tự tâm nên biến việc làm đó thành không tốt đẹp, sinh ra ganh ghét, đố kỵ nhau, tức là hết trang nghiêm. Còn khi đó trang nghiêm tự tâm thì đến không phải cúng nhiều cúng ít, mà chỉ cần cúng một chút với cả lòng thành cũng thành trang nghiêm. Như bà già nghèo cúng dầu. Đêm đó ông vua cúng dầu để thắp sáng cho chư Tăng, cho trong dân chúng ai phát tâm thì chung vào. Trong đó có một bà già nghèo nhưng muốn đóng góp, nhưng tiền đâu mua dầu để thắp suốt đêm, bà đem mấy đồng xu mua dầu với tâm thành kính. Người bán dầu bảo bà mua mấy xu làm sao bán và hỏi bà mua làm gì? Khi biết bà mua để cúng dường thì vị ấy cảm động và rót thêm dầu cho bà. Bà đem về dâng cúng dường trong buổi tối đó. Đến sáng Phật bảo ngài Mục Kiền Liên tắt hết các đèn, đến đèn của bà già ngài quạt hoài không tắt, ngài vận thần thông quạt cũng không tắt. Phật biết vậy mới hỏi:

- Ông làm gì mệt vậy?

Ngài mới thưa:

- Có cái đèn này sao kỳ cục con vận thần thông cũng không tắt được.

Phật bảo:

- Cây đèn này là từ tâm thanh tịnh, sẽ đưa đến giác ngộ thành Phật, ông làm sao tắt nổi.

Như vậy để thấy, chính tâm chân thật thanh tịnh thành ra lợi ích lớn, đó mới thật sự trang nghiêm. Đâu phải với tất cả ngọn đèn cháy rực như vậy mới là trang nghiêm, mà chỉ một ngọn đèn nhỏ nhưng với tâm thành chân thật thanh tịnh cũng thành trang nghiêm. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật có nói: “- Như Lai vừa đặt chân xuống, cả đại hải đều phóng hào quang, còn các ông khởi niệm lên thì trần lao bụi bặm dấy lên trước”, tại tâm ngài thanh tịnh sáng ngời thì mọi cử chỉ hành động đều sáng ngời, còn mình đầy những trần lao bụi bặm trong này, nên khởi lên là những trần lao bụi bặm khởi lên trước, đó là nhấn mạnh mình phải trang nghiêm tự tâm trước, rồi bên ngoài theo đó cũng được trang nghiêm; còn lo trang nghiêm bên ngoài mà không có trang nghiêm tự tâm thì đôi khi bị cái bên ngoài làm cho méo mó.

Điểm thứ bảy là lìa tướng phước báu, là dù cho bố thí bảy báu, rồi xả thân cúng dường từ buổi sáng trưa chiều, xả hằng sa thân mạng cũng không bằng người trì kinh Kim Cang. Đây là nói cho mình không trụ trước vào những việc làm bố thí hay xả thân nhưng không chấp vào những việc làm đó mà luôn hướng về Bát Nhã để sống trong tự tánh kim cang, đó mới là chỗ sống chủ yếu. Bởi vì nếu mình làm phước bên ngoài, trụ trước vào bên ngoài thì phước đó là phước hữu lậu, không phải việc làm đó không có phước, mà có phước nhưng trụ bám vào đó thì có phước mà bị cái phước đó chuyển làm cho mình mê, tức là theo cái phước đó mà hưởng, rồi sanh kiêu căng, rồi sanh những tâm không tốt, rồi tạo nghiệp dữ, đến khi hết phước lại đi xuống, hoặc được phước rồi theo cái phước đó hưởng hoài. Ví dụ Phật nói người không sát sanh được phước trường thọ, bây giờ buổi sáng, buổi trưa, chiều bố thí thân mạng, bố thí nhiều thân mạng như thế thì đời sau sanh ra sống lâu trong thế gian, rồi bố thí bảy báu được giàu sang, cứ hưởng hết cái phước này kế sinh trở lại hưởng tiếp, tức cũng lòng vòng trong sanh tử. Mỗi lần sanh trở lại đâu phải hưởng vui hết, mà cũng có chỗ khổ. Đây nhấn mạnh lại, phải nhớ trở về sống với tự tánh Kim Cang Bát Nhã đó mới là cái gốc, chuyển cái phước kia cộng thêm sống trở về với Kim Cang Bát nhã nữa, như vậy phước trí mới đầy đủ thì sẽ đi đến giác ngộ giải thoát. Cho nên kinh Kim Cang khiến mình lìa tướng phước báu, không chấp vào tướng đó, chứ không phải bảo mình đừng làm phước.

Điểm thứ tám là lìa tướng sở thuyết và sở đắc, tức cái chỗ nói ra, cái pháp để được, nghĩa là không có pháp thật gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng không cố định có cái để nói, tức là nhấn mạnh phải thấu qua lời nói chứ không kẹt trên lời. Nếu mình kẹt trên lời thì theo lời mà sanh hiểu, tức mình tự trái với lẽ thật, trái với chính mình, vì theo danh mê theo tướng, là bỏ mất tự tánh sẵn có của chính mình. Cho nên nghe nói Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, rồi cho rằng có một cái Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác để cho mình hướng tới ở đâu đó, là lầm! Nói Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chính là tâm chân thật giác ngộ sẵn có của mình đây chứ không phải là cái gì khác, đừng theo lời đó mà sanh hiểu, rồi theo đó mà bị chuyển. Nên nói Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà không thật có Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng không thật có pháp để được. Nói Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đó, vậy trước khi Phật thành đạo, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đó ở đâu? Tức trước khi sao mai mọc, cái Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở đâu? Rồi trước khi Phật Nhiên Đăng thọ ký cho đức Phật Thích Ca lúc ngài còn là Bồ Tát ở Bát Địa, thì cái Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở đâu? Nếu trước khi sao Mai mọc nó chưa có, trước khi Phật Nhiên Đăng thọ ký nó chưa có, sau này mới có, như vậy nó thành ra cái sanh diệt rồi, trước không mà nay có. Còn nếu thật có cái để được, để trao cho, thì tại sao khi Phật Nhiên Đăng thọ ký, ngài không trao cho đi, mà phải đợi tới 91 kiếp sau này mới được thành Phật, được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Như vậy để thấy rõ nói thọ ký, nói được đó, cũng chỉ là phương tiện chứ sự thật không phải có một cái gì khác để được, mà chính là mình sống trọn vẹn với tự tánh giác ngộ sẵn có đó thôi, sống trọn vẹn đầy đủ viên mãn thì được thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Càng rõ mọi ngôn ngữ nói ra đều là phương tiện, cốt muốn đánh thức mình là phải đạt ý quên lời, đó là chỗ thường nhắc của chư Phật chư Tổ, nên nói không có pháp để nói, không có pháp để được là như vậy. Phật Thích Ca nói pháp bốn mươi mấy năm, cuối cùng ngài nói “ta chưa từng nói một chữ”. Sở dĩ nói thế này, nói thế kia cũng là phương tiện để đánh thức mọi người trở về sống với cái sẵn có của mình thôi, chứ không có riêng một cái gì đó để nói. Đó là điều phải thấy cho rõ, nhất là học thiền thì phải thấy cái ý ngoài lời như vậy mới không mắc kẹt.

Điểm thứ chín là lìa tướng Bát nhã, mình nghe tới Bát nhã lại chấp có tướng Bát nhã nữa, cho nên ở đây khi ngài Tu Bồ Đề vừa hỏi tới tên kinh thì Phật nói là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa, nhưng khi vừa nói tới tên kinh ngài liền bảo “nói Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật Đa”. Tức là muốn cho mình phải nhảy qua cái tên, thẳng thể nhập vào lý chân thật, chứ nghe nói Bát Nhã Ba La Mật Đa rồi tìm hiểu suy nghĩ thì có thấy được kinh này chưa? Nên ở đây khiến mình phải thẳng vào, bỏ lại đằng sau mọi lý luận, vượt qua cái môi, cái lưỡi, còn kẹt trên môi lưỡi thì các ngài gọi là còn kẹt trên dây sắn bìm, trên những cái khuôn khổ chết. Do đó Thích Sử Lý Tường hỏi thiền sư Sùng Tín:

- Thế nào là chơn như Bát nhã?

Nếu là người thường sẽ trả lời chơn như là chơn thật như như bất động, còn Bát nhã là trí tuệ không sanh không diệt, giải một hơi thì thành sanh diệt. Ngài Sùng Tín không dài dòng mà nói:

- Tôi không có chơn như Bát nhã.

Chơn như Bát nhã mà ông hỏi ai? Nếu tôi nói ra thì có thật là của ông không? Mà nói có này, có kia càng làm lầm người ta nữa. Nghe đến đó, Lý Tường mới nói:

- Hân hạnh được gặp Hòa Thượng.

Tức là ông thấy rồi, nhưng còn nói ra nữa nên ngài Sùng Tín mới bảo:

- Đây vẫn là lời nói bên ngoài.

Nếu ông thật thấy thì cảm nhận ngay, còn nói ra nữa thì cũng là chuyện bên ngoài, thấy là thấy nhận tự nơi mình, còn nói ra vẫn là lời nói bên ngoài. Do đó thiền sư Đạt Quán Dĩnh nói: “- Vừa dính môi lưỡi thì liền rơi vào ý nghĩ, trọn là cửa chết. rốt cuộc chẳng phải con đường sống vậy”. Đây khiến cho mình nhảy qua văn tự chữ nghĩa, đó chỉ là những khuôn khổ chết, tự mình phải sống dậy. Đây là điểm đặc biệt mà Phật, Tổ, nhất là trong kinh Bát Nhã này đánh thức mình. Chúng ta đọc những sách vở bên ngoài thấy có chỗ nào dám nói vậy không? Nói tên kinh rồi, liền phủ nhận ngay! Thường bên ngoài, khi nói ra rồi phải đề cao cho mọi người tôn lên, còn đây nói rồi phủi liền, đó là điểm đặc biệt để mình thấy ý sống trong đó, chứ không chết trên những khuôn khổ đó. Do đó nhà thiền luôn đề cao “đạt ý quên lời” Đây có câu chuyện ngài Hiểu Thông Động Sơn, có vị tăng nghe nói rằng:

- Gần đây có bậc đại thánh ở Tứ Châu lại xuất hiện ở Dương Châu.

Như mình nghe rằng bậc đại thánh ở Đà Lạt lại xuất hiện ở Cần Thơ, nên vị tăng hỏi ngài Hiểu Thông: Tại sao bậc đại thánh ở Tứ Châu lại xuất hiện ở Dương Châu?

Sư đáp:

- Quân tử mến của lấy đó làm đạo.

Câu nói đơn giản, nhưng khi vị tăng đem thuật lại cho am chủ ở Liên Hoa Phong thì ngài liền hướng về Vân Môn đảnh lễ bảo:

- Con cháu Vân Môn vẫn còn.

Chuyện này đọc nghe thấy chẳng liên quan gì tới mình, nhưng hiểu rồi mới thấy rất là sâu xa. Hỏi bậc đại thánh ở Tứ Châu sao lại xuất hiện ở Dương Châu, tức là theo cái hiểu thông thường của mọi người, luôn bám vào chỗ nơi, ở chỗ này sao lại xuất hiện ở chỗ kia? Chúng ta cứ theo chỗ nơi mà suy nghĩ, nhưng quên cái căn bản là làm sao mình thấy được bậc đại thánh kia! Thấy được bậc đại thánh thì xuất hiện ở đây hay ở kia, lúc nào cũng là bậc đại thánh thôi, xuất hiện ở đâu, đâu có quan trọng. Còn mình mắc kẹt chỗ nơi, theo đó mà hiểu, làm sao rõ được bậc đại thánh? Nói vậy để đánh thức mình, cốt là thấy được bậc đại thánh thì những chuyện kia giải quyết xong. Cũng như vậy người quân tử mến của lấy đó làm đạo, thì người quân tử mà quý của hay sao? Vậy còn quân tử nữa không? Người tiểu nhân thì mới quý của, mà ở đây quân tử lấy của làm đạo, đáp ngược đời. Với cái hiểu thông thường của mọi người thì nghe đó cũng không hiểu, người quân tử lấy của làm đạo thì khác gì tiểu nhân? Nhưng đó là mình theo ngôn ngữ sanh hiểu, nên bị ngôn ngữ chuyển; còn người có con mắt Kim Cang thì thấy ngược lại, cốt là thấy được người quân tử, rõ được người quân tử rồi thì có lấy của làm đạo cũng không thành vấn đề. Thấy người quân tử rồi, thì làm gì không phải là đạo, tâm chánh rồi làm gì không chánh? Nếu tâm tà thì làm việc lành cũng là tà. Vậy cốt là thấy người quân tử, còn chuyện “của” là chuyện ngọn ngành thôi. Chúng ta lo suy nghĩ theo cái “của” nên quên mất người quân tử này, tức là theo ngôn ngữ bị chuyển. Đây khiến mình vượt qua ngôn ngữ văn tự để sống thẳng vào đó, mới chính là ý sống. Nên nói Bát Nhã Ba La Mật Đa, là cái tên, nhưng mình phải thấy được “cái gì là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa?” Vì vậy nói Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật Đa, khiến mình sống dậy trong khuôn khổ chết đó, nên gọi là lìa tướng Bát nhã.

Điểm thứ mười là trừ Tam tâm, ly Tứ tướng. Tam tâm, Tứ tướng là chỗ người học Bát Nhã phải thấu suốt. Tam tâm tứ tướng là gì? Tam tâm là tâm hiện tại, tâm quá khứ, tâm vị lai; Tứ tướng là ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Nếu vừa có tâm thì đều chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm quá khứ chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được. Nghĩa là tâm vừa khởi lên liền rơi vào ba thời, mà rơi vào ba thời thì đó không phải là tâm thật, nên không thể được. Rơi vào ba thời, liền bị Như Lai thấy biết hết. Nên Phật nói là: “- Ở trong vô số cõi nước nhiều như cát sông Hằng, có bao nhiêu chúng sanh mà vừa khởi lên một niệm là Như Lai thấy hết biết hết.” Nghĩa là bất cứ chúng sanh nào, cả vô số, vô lượng chúng sanh trong toàn pháp giới vũ trụ này, mà vừa khởi lên một niệm, Như Lai đều thấy hết, biết hết. Chính chỗ đó người ngoài nghe rất khó hiểu; nhưng rõ được thì rất đơn giản, không cần phải dùng tha tâm thông cũng biết; vì khởi một niệm là rơi vào ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, mà rơi vào ba thời thì cái đó tức là tâm sanh diệt, không có thật, đó là vọng tưởng. Nên khởi lên là biết ngay, không thể nào lầm được hết. Bất cứ có niệm gì, vừa khởi lên là rơi vào ba thời, thì biết ngay đó là tâm sanh diệt, không phải thật, phải sống trở về với tâm thực tại hiện hữu. Bởi vì khi vừa có khởi là có tướng, mà có tướng thành ra cái bị biết, không phải tâm thể chân thật. Chính vì đó mà ngài Đức Sơn bị bà già khám phá. Bà già hỏi ông: “- Tâm quá khứ cũng không thể được, tâm hiện tại cũng thể không được, tâm vị lai không thể được, vậy Thượng Tọa điểm tâm nào?” Sư nghe vậy liền theo tâm ba thời để tìm, chính vì vậy mà đáp không trôi,bị bà già khám phá ông này chưa sáng. Quá khứ qua rồi, hiện tại trôi chảy, vị lai thì chưa đến, ba thời như vậy nó luôn sanh diệt không dừng, mà theo đó để tìm là theo cái tâm hư dối, vọng tưởng, thì làm sao thấy tâm điểm? Đó là bị gạt mà không hay! Nếu ngay khi hỏi, cái đối diện hiện tiền sáng ngời đó, có thuộc về chỗ nào? Nếu Sư sáng suốt, ngay đó bảo bà: “Cắt bánh đi!” là xong. Còn lo tìm tâm để điểm thì bị đuổi đi, không có bánh ăn. Nên ở đây, trừ tam tâm là như vậy đó, nghĩa là tâm vừa động niệm liền rơi vào ba thời, là tâm sinh diệt, và vừa động niệm lên là rơi vào bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Động niệm thì ai niệm? Tức ngã niệm. Niệm cái gì? Tức rơi vào tướng nhân. Niệm đó là một thứ hay nhiều thứ? Không phải là một thứ, đó là rơi vào chúng sanh. Rồi khởi lên như vậy đó, có dừng được không, hay là tiếp nối tiếp nối nhiều niệm theo đó nữa? Tức là tướng thọ giả. Nên vừa khởi một niệm lên, liền rơi vào bốn tướng. Xưa có câu: “Nhất ba tài động vạn ba tùy”, một lượn sóng vừa khởi lên thì muôn lượn sóng theo đó nối tiếp, một niệm vừa khởi lên thì các niệm theo đó tiếp tiếp, đó gọi là tướng thọ giả. Do đó động niệm liền rơi vào ba thời, cũng rơi vào bốn tướng luôn; nhưng nói bốn tướng cũng từ tướng ngã mà ra. Do đó nếu chấp ngã thì quên mất pháp thân vô tướng trùm khắp. Động niệm, rồi theo niệm đó mà chuyển thì quên mất pháp thân vô tướng chân thật trước khi động niệm. Đây nhắc lại đoạn ông tăng hỏi thiền sư Duy Khoan:

- Đạo ở đâu?

Sư đáp:

- Đạo ở ngay trước mắt.

Ông tăng lại hỏi:

- Trước mắt tại sao con không thấy?

Sư bảo:

- Tại vì ông có ngã.

Có ngã nên che mất không thấy, ông tăng hỏi thêm:

- Con có ngã nên không thấy, vậy Hòa Thượng thấy hay không?

Sư bảo:

- Có ông, có ta, cũng không thấy luôn.

Tức có ông, có ta là có ngã, có nhân, tưởng đâu hỏi vậy là khéo nhưng không ngờ là mắc kẹt tướng ngã nhân. Ông tăng hỏi thêm:

- Vậy không con, không Hòa Thượng có thấy không?

- Ngài nói:

- Không ông, không ta còn ai cần thấy?

Không ông, không ta thì ngay đó là đạo rồi, còn thấy chi nữa. Để rõ, đạo ngay trước mắt thôi không xa, nhưng chính vì cái ngã khởi lên che không thấy, quên ngã thì đạo hiện tiền trước mắt. Nên trong kinh Kim Cang, Phật dạy mình trừ tam tâm, ly tứ tướng, quên được cái đó thì đạo ngay trước mặt, tánh kim cang hiện tiền chứ không ở đâu xa. Đó là nói lên điểm ban đầu phá tướng trở về tánh, khiến cho mình lìa tướng tâm duyên, còn chỗ tâm duyên là còn chỗ để thức sanh. Đó là nói qua những điểm chính để mọi người nghiệm kỹ, đọc lại kinh sẽ thấy rõ ban đầu phá tướng để hiển tánh rõ ràng như vậy.

Phần thứ hai là, trả lại tánh tướng nhất như, trước là phá tướng nhưng sau là tánh tướng nhất như, phá đây không có nghĩa là phá hoại, rồi bỏ sạch hết. Phải rõ đây là phá chấp chứ không phải phá pháp, thường nghe nói như vậy tưởng đâu phá hết nhưng không phải. Bởi vì pháp vốn không có lỗi,lỗi là tại người chấp. Thí dụ sáu trần có lỗi gì? Sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp có lỗi gì? Mà lỗi là tại mình trụ. Có người đổ lỗi tôi tu khó khăn, bị sắc cột, tiếng trói. Mà sự thật là sắc nó cột mình, tiếng nó trói mình, hay tự mình trói vào nó? Nếu thật sự là sắc và tiếng trói thì tại sao có người bị trói có người không? Như các vị Tổ, các vị tu hành đạt đạo, người ta cũng thấy sắc đó, cũng nghe tiếng đó, tại sao lại không bị trói? Nên rõ ràng không phải sắc hay tiếng nó trói, mà tự mình cột vào đó. Để rõ, khi phá được những cái chấp của mình rồi, thấu suốt rồi thì sắc nó vẫn là sắc, tiếng vẫn là tiếng, không phá hoại những cái đó, vẫn nghe như thường, vẫn thấy như thường, nhưng tâm an nhiên như như bất động, nên thấy cái gì cũng như như bất động, không có phá hoại cái gì hết, tức ngay trong tất cả đều giải thoát. Do đó trong kinh Kim Cang nói không trụ mà bố thí, tức không trụ mà cho; không tướng chúng sanh độ nhưng vẫn độ, chứ không phải nói không tướng chúng sanh độ rồi không làm gì hết, đó là chấp một bên. Vì khi mình lành bệnh, nhưng còn nhiều người chưa hết bệnh, thí dụ mình thấy các pháp là không, còn những người khác họ vẫn thấy có, nên họ vẫn khổ, vẫn vui như thường; Vì vậy không hoại các tướng thế gian đó, không hoại các pháp, chỉ thấy nó đúng lẽ thật không vướng mắc, không chấp vào đó mới là khéo. Cho nên nói không pháp được, tại sao? Đây không phải là không có pháp gì hết, mà bởi vì nó không thực không hư, thì làm sao nói được? Tại sao không thực không hư? Nó không có hình tướng gì, không giống một vật gì, thì đâu thể nói là thực? Nhưng người chứng ngộ thấy rõ ràng, cảm nhận rõ ràng thì đâu phải hư! Nói không thực không hư, vì nó là cái có sẵn nơi mình không phải cái gì khác bên ngoài có được, chứ không phải hoàn toàn không có gì. Do đó nói không được, nhưng vẫn có Phật thành đạo, vẫn có Tổ ngộ đạo, nên Lục Tổ lúc ngộ đạo ngài mới la lên “Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Hiểu được chỗ này, mới thấy được tinh thần Bát Nhã, chứ nghe nói Bát Nhã phá cái gì cũng không không, rốt cuộc còn gì? Tu đến một lúc rồi hết còn gì! Hiểu như vậy là hiểu một bên, chưa hiểu được lý Bát Nhã. Ngay bài Tâm Kinh Bát Nhã chúng ta tụng hàng ngày, nếu nghiền ngẫm kỹ thấy trước sau rất có ý nghĩa đầy đủ. Phần đầu nói cái gì cũng không: không mắt tai mũi lưỡi, thân ý, không sắc thanh hương vị xúc pháp, cho đến không có khổ, tập, diệt, đạo, không có vô minh cũng không có hết vô minh, không có già chết cũng không có hết già chết, cho đến không có trí cũng không có đắc luôn, cái gì cũng không hết, nhưng có phải dừng chỗ đó không? Phần sau thì “Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh niết bàn”. Trước nói không, giờ nói được. Rồi “Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát Nhã Ba La Mật Đa được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Trước nói không trí, không đắc, sau lại nói được. Cho thấy tinh thần Bát Nhã, trước là phủ định hết, sau lại khẳng định, sạch hết mọi tình chấp, rồi mới chứng ngộ được, thấy rõ được lẽ thật hiện bày rõ ràng, chứ không phải nói không đó rồi bác bỏ tất cả. Vậy thì nói không, nhưng không phải khiến cho mình chấp không, mà chấp không thì không còn là Bát Nhã! Nên cuối cùng là trả về bản vị của tất cả pháp, bởi vì trước phá tướng khiến cho mình trừ chấp, bởi trừ chấp nên cái gì cũng “chẳng phải” hết, không cho mình bám vào cái gì, nhưng cuối cùng rồi tất cả đều “phải”. Do đó trước nói Như Lai đối tất cả pháp đều không có chỗ được, nhưng sau thì Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, trong đó không thật không hư, rồi tu tất cả pháp lành được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trước nói không được, sau nói được. Rồi nói “Như Lai là nghĩa như của các pháp, tất cả pháp đều là Phật pháp”, thì đâu có phủ nhận cái gì, cuối cùng là “như như bất động”. Tức là cuối cùng trả về núi sông là núi sông. Trước là núi sông chẳng phải núi sông, để thấy tất cả đều không thật, đều phá những cái chấp đó, khi chấp sạch hết thì trả về núi sông là núi sông. Cuối cùng bặt hết những niệm phân biệt lấy bỏ, sạch hết những kiến giải phàm thánh, được mất thì mới đến chỗ thấy tột Bát Nhã. Nên cuối cùng mới nói đến phần tri kiến chẳng sanh, quét sạch hết những tri kiến, những kiến giải. Hiểu như vậy thì khi đọc sách thiền mới thông cảm với Tổ Quy Sơn khi sắp tịch Sư bảo đại chúng: "- Sau khi tịch, ta sẽ xuống dưới núi làm con trâu, hông bên phải đề năm chữ "Quy Sơn Tăng Linh Hựu" thì lúc đó gọi Quy Sơn tăng là phải? hay gọi con trâu là phải?” Đó là chỗ khó hiểu trong nhà thiền. Tại sao tu hành đến một vị Tổ như ngài, sắp chết biết trước ngày chết, mà lại làm con trâu? Chính câu hỏi đó khiến người nghe dễ mắc kẹt. Nhưng đây là nói lên tâm của ngài sạch hết kiến giải phàm thánh, không còn thấy chỗ được mất gì hết.

Chứ còn như mình nghe nói tu hành cả đời, rốt cuộc chết thành con trâu, thì tu làm gì? Đó gọi là còn tâm niệm phàm thánh được mất. Còn ở đây là sạch hết, thì gọi con trâu là phải? gọi Quy Sơn Tăng là phải? Đó là Ngài đưa ra một cái bẫy, gạn lại mọi người, còn mắc kẹt một bên này, một bên kia thì chưa qua nỗi. Gọi con trâu tức là phàm, gọi Quy Sơn Tăng tức là thánh, nói bên nào cũng mắc kẹt, phải vượt qua được hai bên đó thì mới thật thấy Ngài. Con trâu Quy Sơn thật sâu xa là chỗ đó! Cho nên cuối cùng đến đoạn: Tri kiến chẳng sanh nói là: “Người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, đối với tất cả pháp nên biết như  thế, nên thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng”, không sanh pháp tướng là không khởi lên niệm được mất, kiến giải phàm thánh gì hết, nó như vậy thấy đúng như vậy, không thêm không bớt, tức như như.

Như vậy để tóm kết lại, kinh Kim Cang này có mấy điểm:

¨      Điểm thứ nhất: Tất cả niệm khởi liền đưa vào vô sanh, tức trả về trước khi động niệm. Đó là chỗ hàng phục tâm.

¨      Điểm thứ hai: Đối duyên tâm không chỗ trụ. Đối duyên tức đối 6 trần tâm không chỗ trụ thì luôn luôn hiện hữu sáng ngời.

Hai điểm đó là hai điểm căn bản.

¨      Điểm thứ ba: Thấu suốt tất cả pháp hữu vi có tạo tác ra đều là không thật. Nghĩa là một pháp gì có tạo tác ra, đều là hư dối, không phải chỗ an trụ, cho nên tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh. Kế nữa, sạch hết mọi kiến giải thì thể nhập vào như như, đó là bỏ xa mọi lý luận. Nghĩa là cuối cùng bỏ qua mọi lý luận, thể nhập vào như như, sạch hết mọi kiến giải phàm thánh, được mất, có không, khi chấp hết thì chân thật hiện tiền, đơn giản  vậy thôi. Chơn thật hiện tiền thì cái phước thế gian này, phước hữu lậu này, làm sao sánh kịp? Cho nên dù bố thí bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới cũng không sánh nỗi. Như vậy rõ ràng mê ngộ vốn không có hai thể, lật qua lật lại vậy thôi, mình phải vượt qua ngôn ngữ là căn bản. Tức là phải khéo vượt qua ngôn ngữ, đừng mắc kẹt trên ngôn ngữ, đó là kẹt trên khuôn khổ chết, mà phải sống dậy trong ngôn ngữ, trong văn tự, tỏ ngộ lại tự tâm của chính mình, để tự mình chứng nghiệm lấy thì đó mới thật sự là biết học kinh Kim Cang, còn không là mới học trên chữ nghĩa thôi. Do đó để kết thúc lại bằng một đoạn nhân duyên này, cho mọi người nghe nghiệm kỹ:

Có bà già, bà già này cũng không phải bà già thứ thường, một hôm bà sai người nhà mang phẩm vật đến cúng dường Thiền sư Tùng Thẩm ở Triệu Châu và thỉnh Sư tụng suốt cho bà một bộ Đại Tạng Kinh. Ngài Triệu Châu khi tiếp nhận phẩm vật rồi, thì Ngài ở trên, bước xuống giường thiền, đi quanh một vòng, và nói với người mang phẩm vật tới như sau: “- Rồi, tôi tụng xong bộ Đại Tạng Kinh rồi đó” Vị ấy về thuật lại cho bà già nghe, bà bảo: “- Ta nhờ Sư đọc trọn cả Đại tạng kinh, thế mà Ngài chỉ đọc có một nửa”. Sư đi giáp một vòng giường thiền, tại sao nói có một nửa? vậy còn một nửa kia ở đâu? Mà Đại tạng kinh đó là đại tạng kinh gì? Thành ra, đó không phải là đại tạng kinh cất trong tủ đâu? Mà chính là kinh Kim Cang vô tướng hiện đang ở đây! Như vậy Sư đã đi giáp vòng, nhưng dưới cặp mắt của bà già chỉ có một nửa, ai thấy còn một nửa kia? Đó là điểm để dành cho mỗi người tụng đó phải không? Sau này có một thiền Sư bảo: “- Hãy tụng thêm một vòng nữa!” Nhưng nếu đi một vòng nữa, có đủ không? Tiếp sau, Ngài Đại Huệ Diệu Hỉ có bình: “- Đối với một nửa kia thì đừng có nói rằng tụng thêm một nửa vòng, dù tụng cho tới hàng trăm triệu lần đi nữa thì trong con mắt của bà già này chỉ là một nửa đại tạng kinh. Thậm chí đi vòng quanh cả núi tu di hàng trăm nghìn triệu kiếp đi nữa, cũng chỉ đọc một nửa thôi. Cho đến các vị đại thiền sư ở khắp trong thiên hạ đi vòng quanh núi hàng trăm nghìn triệu kiếp đi nữa, thì dưới con mắt của bà lão đó cũng chỉ là một nửa đại tạng kinh. Dù cho tất cả núi sông, cõi đất, sum la vạn tượng, nhẫn đến một cành cây, một ngọn cỏ đều có cái lưỡi rộng dài của Phật mà đồng loạt đọc suốt Đại Tạng kinh từ ngày này qua ngày khác, thì trong mắt bà lão cũng chỉ có một nửa Đại Tạng kinh”. Như vậy làm sao thấy một nửa kia? Chỗ này khỏi phải giảng nhiều, giảng cho cách mấy, nếu mà giảng từ đời này qua đời khác, cũng chỉ mới có giảng một nửa bộ Kim Cang! Như vậy hôm nay giảng xong bộ Kim Cang này, nhưng mà dưới cặp mắt này cũng chỉ mới giảng có một nửa thôi! Vậy còn một nửa ở đâu? Làm sao thấy? Chỗ đó để dành cho mọi người! Đó cũng chính là đặc ân cao cả của chư Phật, chư Tổ để lại cho tất cả, đó là cái ân lớn nhất, chứ nói hết thì lấy hết của người ta sao? Trong đây, ai làm sao khéo thấy được phần “nửa” đó, thì mới là nghe trọn được bộ kinh Kim Cang, điểm này là điểm quan trọng chớ có bỏ sót qua! Vậy kết thúc hôm nay coi như là học bộ kinh Kim Cang này xong, nhưng xong với bộ kinh trên giấy này, còn nửa kia để dành đó!

-         Quát!

MỤC LỤC

™ ˜

 

LỜI TỰA

KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT LƯỢC DẪN.............. 1

GIẢI ĐỀ KINH................................................................................. 3

GIẢI VỀ NGƯỜI DỊCH................................................................. 22

VÀO VĂN KINH........................................................................... 27

CHÁNH VĂN................................................................................ 27

1. Nguồn gốc pháp hội.......................................................... 27

2. Thiện hiện khải thỉnh....................................................... 45

3. Chánh tông của Đại thừa................................................. 68

4. Diệu hạnh vô trụ .............................................................. 87

5. Thật thấy đúng như lý.................................................... 101

6. Chánh tín  ít có .............................................................. 124

7. Không được, không nói.................................................. 140

8. Y pháp sanh ra................................................................ 158

9. Một tướng vô tướng...................................................... 171

10. Trang nghiêm tịnh độ................................................... 182

11. Phước vô vi thù thắng.................................................. 208

12. Tôn trọng chánh giáo................................................... 216

13. Đúng như pháp thọ trì.................................................. 229

14. Tịch diệt lìa tướng........................................................ 257

15. Công đức trì kinh......................................................... 293

16. Hay sạch nghiệp chướng............................................. 308

17. Rốt ráo vô ngã.............................................................. 321

18. Đồng quán một thể....................................................... 346

19. Hóa thông cả pháp giới................................................ 361

20. Lìa sắc lìa tướng.......................................................... 368

21. Chẳng phải thuyết, sở thuyết....................................... 378

22. Không pháp có thể được.............................................. 392

23. Tịnh tâm hành thiện..................................................... 397

24. Phước trí không sánh................................................... 404

25. Giáo hóa không chỗ giáo hóa...................................... 411

26. Pháp thân chẳng phải tướng........................................ 418

27. Không đoạn không diệt................................................ 426

28. Chẳng thọ chẳng tham................................................. 434

29. Uy nghi tịch tĩnh........................................................... 445

30. Lý nhất hợp tướng....................................................... 452

31. Tri kiến chẳng sanh...................................................... 460

32. Ứng hoá chẳng phải chân............................................. 472

 

 

 


[1] Tức Triệu Biện, tự Duyệt Đạo tham Thiền với Thiền Sư Phật Huệ.

[2] Thiền Sư Nghĩa Hoài, tham Thiền với Thiền Sư  Minh Giác.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

437958
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1098
4066
10842
401307
63493
73473
437958